Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Chủ lực hạm Missouri và khúc khải hoàn của Hải quân Mỹ

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

>> Chủ lực hạm Missouri và khúc khải hoàn của Hải quân Mỹ



Nếu số phận Yamato gắn với sự sụp đổ của một đế chế thì chủ lực hạm Missouri lại gắn liền với vinh quang và sự trỗi dậy của siêu cường số một thế giới.

Chủ lực hạm Missouri thuộc lớp Iowa, được khởi xướng phát triển từ năm 1938. Chiến hạm đầu tiên thuộc lớp này được đưa vào trang bị ngày 29/5/1944, Trong lịch sử, có tất cả 4 chiếc loại này được hoàn thành.

Missouri là chủ giáp hạm được sử dụng lâu nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, tới tận năm 1992. Từ năm 1998, tất cả các chủ lực hạm thuộc lớp Iowa được ngưng sử dụng và trở thành điểm tham quan cho du khách.

Tuy không đồ sộ như Yamato của Nhật, chủ lực hạm Missouri vẫn được coi là một pháo đài trên biển, với hệ thống hỏa lực cực mạnh.

Chủ lực hạm Missouri được trang bị 9 pháo hạm hạng nặng cỡ nòng 410mm, pháo hạm này có thể bắn đạn xuyên giáp với cự ly tối đa là 32km. Ngoài ra, phải kể tới 20 pháo hạm 130mm, 80 khẩu pháo phòng không 40mm, 49 khẩu pháo phòng không 20mm.




Chủ lực hạm Missouri biểu tượng đầy uy lực của Hải quân Mỹ.


Chủ lực hạm Missouri được bọc giáp dày 500mm ở vỏ tàu phía trước tháp pháo, giáp dày 310mm ở thân tàu, dày 290mm tại các vách ngăn giữa tàu, còn lại là lớp vỏ thép dày 290-440 mm ở tháp pháo, thép dày 190mm ở boong tàu.

Để di chuyển, Missouri sử dụng hệ thống động lực gồm 8 nồi hơi, 4 động cơ tuabin hơi nước với tổng công suất lên tới 212.000 mã lực, 4 chân vịt, tốc độ tối đa theo lý thuyết là 36 hải lý/giờ, tốc độ trung bình 31 hải lý/giờ. Tốc độ tối đa thực tế của chủ lực hạm Missouri được ghi nhận là 35,2 hải lý/giờ vào năm 1968.

Thông số cơ bản: Dài 271 mét, rộng 33 mét, mớn nước 11 mét, tải trọng tiêu chuẩn 45.000 tấn, tải trọng đầy tải 52.000 tấn, thủy thủ đoàn 2.700 người.

Lịch sử tham chiến

Là thiết giáp hạm chủ lực của Hải quân Mỹ trong những năm chiến tranh thế giới thứ 2, chủ lực hạm Missouri tham gia tất cả các trận chiến lớn của Hải quân Mỹ chống lại Đế quốc Nhật Bản.



Mỗi lần chủ lực hạm Missouri khai hỏa tạo pháo hạm 410mm, một vùng nước phía trước họng súng bị lõm xuống.

Trong suốt chiến tranh thế giới thứ 2, Chủ lực hạm Missouri hoạt động trong biên chế của Hạm đội 3 với tư cách là soái hạm, đảm đương nhiệm vụ bảo vệ nhóm tác chiến của các tàu sân bay, yểm trợ và chi viện hỏa lực cho lực lượng đổ bộ.

Do là soái hạm, nên chủ lực hạm Missouri không tham gia vào các trận đấu súng trực tiếp với tàu chiến của đối phương.

Tại mặt trận Thái Bình Dương, chủ lực hạm Missouri góp phần quan trọng trong việc đánh bại lực lượng Nhật Bản đồn trú trên đảo Okinawa.

Trong lịch sử tồn tại của mình, chủ lực hạm Missouri ghi dấu là nơi tổ chức và chứng kiến buổi lễ ký kết văn kiện đầu hàng của đế quốc Nhật, kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2.



Đô đốc Douglas MacArthur ký kết văn kiện đầu hàng của Đế quốc Nhật trước sự chứng kiến của đông đảo quan chức cao cấp của quân đội đồng minh ngay trên boong của Chủ lực hạm Missouri.


Trong chiến tranh Triều Tiên giai đoạn 1950-1955, chủ lực hạm Missouri tiếp tục đảm đương vai trò soái hạm, chi viện hỏa lực cho lực lượng đổ bộ của Mỹ lên bán đảo. Khi đó, Missouri sử dụng các pháo hạm 410mm của mình, pháo kích dữ dội lên lực lượng quân đội Triều Tiên.

Trong chiến tranh Việt Nam, Missouri được điều động sang phục vụ tại Hạm đội 7. Do yêu cầu nhiệm vụ lúc đó, toàn bộ pháo phòng không trên tàu được tháo bỏ, chỉ giữ lại các pháo hạm 410mm và 130mm.

Nhiệm vụ của chủ lực hạm Missouri trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam là pháo kích các mục tiêu dọc bờ biển. Đặc biệt là khu vực các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Ngệ An.

Năm 1984, chiến hạm này được tái trang bị, toàn bộ pháo phòng không bị tháo bỏ, thay vào đó tổ hợp 8 tên lửa chống hạm Harpoon, cùng với 32 tên lửa hành trình Tomahawk, hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx. Các hệ thống điện tử được lắp mới để tương thích vớ hệ thống vũ khí hiện đại.

Năm 1991, Missouri tham chiến ở Iraq. Trong chiến dịch này, chủ lực hạm Missouri đã bắn 28 quả tên lửa Tomahwk, cùng 759 quả đạn pháo 410mm.



Chủ lực hạm Missouri bắn tên lửa chống hạm trong chiến tranh Iraq 1991.

Biểu tượng của sức mạnh tổng lực

Nếu có một cuộc “so găng” giữa chủ lực hạm Missouri và Yamato, trong cùng thời kỳ lịch sử của chúng, phần thắng nhiều khả năng sẽ nghiêng về phía Yamato. Xét trên tất cả các chỉ số, thiết giáp hạm Yamato đều vượt trội.

Tuy nhiên, trên thực tế, Missouri luôn thể hiện vai trò là “người săn đuổi”, còn Yamato tuy đầy "sức mạnh" nhưng lúc nào cũng ở vào cái thế của “kẻ bị săn đuổi”.

Điều làm nên sự vẻ vang cho chủ lực hạm Missouri đến từ sức mạnh tổng lực của quân đội Mỹ. Bản thân là soái hạm, lại được bảo vệ chặt chẽ bởi đội tàu hộ tống đông đảo. Missouri luôn được rảnh tay để thực hiện nhiệm vụ, hiệu quả tác chiến cũng vì thế mà tăng lên.

Missouri cũng là nơi chứng kiến “ngày tàn” của một đế chế, điều đó cho thấy một điều: Chiến thắng trong mọi cuộc chiến phải dựa vào sức mạnh tổng lực của cả một quân đội, một dân tộc.
[BDV news]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang