Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Tên lửa chống hạm của Iran có thực sự nguy hiểm?

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

>> Tên lửa chống hạm của Iran có thực sự nguy hiểm?


Iran tuyên bố đã bắn thử thành công tên lửa hành trình chống hạm có tên là Quader, vậy loại tên lửa này ghê gớm như thế nào?

Quốc gia Hồi giáo này đã hai lần đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz, con đường vận chuyển dầu mỏ chiến lược của thế giới.Do đó, cuộc tập trận hải quân kéo dài 10 ngày của Iran trên eo biển Hormuz đã thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế.

Trong thời gian diễn ra tập trận, Iran tuyên bố bắn thử thành công tên lửa hành trình chống hạm mới có tên Quader. Theo tuyên bố, đây là loại tên lửa chống hạm mới nhất do các kỹ sư Iran phát triển.


http://nghiadx.blogspot.com
Tên lửa Quader rời bệ phóng trong lần bắn thử nghiệm hôm 3/1/2012. Ảnh: Rohama


Tên lửa chống hạm Quader được đích thân Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad giới thiệu trong lần đầu tiên ra mắt vào ngày 23/8/2011.

Theo tuyên bố của Iran, Quader là loại tên lửa chống hạm tối tân nhất của quân đội nước này, có thể tiêu diệt bất cứ mục tiêu mặt nước nào trong phạm vi 200km. Tầm bắn này bao phủ eo biển Hormuz.

Cũng theo nguồn tin từ Iran, hành trình bay của Quader thấp nên có thể tránh được sự phát hiện của radar và các phương tiện trinh sát khác.

Tên lửa được bố trí trên xe cơ động với 3 quả đạn/bệ phóng hoặc 2 quả đạn/bệ phóng với ăng ten ở giữa. Ngoài ra, Quader được triển khai trên một số tàu chiến của Hải quân Iran.

Đi kèm với các bệ phóng cơ động là các thiết bị, khí tài dẫn đường, kiểm soát bắn và tác chiến điện tử hùng hậu nhằm đảm bảo cho tên lửa Quader hoạt động hiệu quả nhất.

http://nghiadx.blogspot.com
Các quan chức cấp cao của quân đội Iran đang trực tiếp tham quan khu vực bố trí tên lửa Quader Ảnh: Rohama


Thông số kỹ thuật cụ thể của loại tên lửa này vẫn chưa được công bố, song theo quan sát, tên lửa có hình dáng bên ngoài rất giống với tên lửa chống hạm C-802 của Trung Quốc.

Tạp chí Jane’s Defence Weekly cho biết, Hải quân Iran đang sở hữu trong biên chế khoảng 60 tên lửa chống hạm C-802 của Trung Quốc. Ban đầu, Iran yêu cầu đặt mua tới 150 tên lửa C-802, tuy nhiên, do gặp phải sự phản đối của Mỹ, Trung Quốc đã ngưng hợp đồng cung cấp tên lửa chống hạm cho Iran sau khi đã chuyển giao được 60 quả.

Một số nguồn tin cho biết, Trung Quốc đã xuất khẩu thêm cho Tehran khoảng 15 tên lửa chống hạm Noor, được cho là biến thể của C-802. Không loại trừ khả năng Iran đã phát triển tên lửa chống hạm Quader dựa trên những hiểu biết về C-802 mà nước này đang sở hữu.

Trong khi đó, Ausairpower cho rằng, tên lửa chống hạm mà Iran tuyên bố mới phát triển thực chất chỉ là cách gọi tên khác đi của biến thể phòng thủ ven bờ C-802 mà Trung Quốc đã xuất khẩu cho Iran trước đó.

Hoặc đây chỉ là biến thể nâng tầm bắn lên 200km so với 120km của bản gốc và Tehran đã cố tình đặt tên mới cho biến thể nâng cấp này nhằm “phô trương” khả năng của ngành công nghiệp quốc phòng nước này.

Nhận định này có cơ sở hơn khi so sánh xe phóng của biến thể phòng thủ ven bờ C-802 và Quader là hoàn toàn giống nhau, điểm khác biệt duy nhất là chiếc radar dẫn đường ở giữa hai ống phóng so với biến thể gốc.

http://nghiadx.blogspot.com
Tên lửa chống hạm Quader (ảnh trên) và biến thể phòng thủ ven bờ C-802 của Trung Quốc xuất khẩu cho Iran (ảnh dưới).


Quader có thể không phải là một loại tên lửa mới, song việc nâng cấp tầm bắn lên đến 200km được xem là thành công quan trọng của Tehran trong việc từng bước làm chủ các công nghệ để sản xuất các loại tên lửa mới hiện đại hơn.

Năng lực của tên lửa chống hạm Quader vẫn là một ẩn số, song sự kiện bắn thử thành công loại tên lửa chống hạm này trong một cuộc tập trận hết sức “nhạy cảm” này cho thấy Tehran có đủ sự tự tin để hiện thực hóa những gì mà họ tuyên bố.

Khả năng cơ động cao, tầm bắn trên 200km, Quader có thể không phải là mối đe dọa quá lớn đối với các chiến hạm của Mỹ, nhưng sẽ là một hiểm họa khôn lường đối với tự do hàng hải qua eo biển chiến lược Hormuz.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang