Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Hồ sơ cụm tàu sân bay chiến đấu Trung Quốc (kỳ 2)

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

>> Hồ sơ cụm tàu sân bay chiến đấu Trung Quốc (kỳ 2)



Việc xây dựng năng lực phòng không hạm đội và chống ngầm đã hoàn thành, tuy nhiên việc xây dựng hạt nhân của nhóm tác chiến tàu sân bay đang gặp nhiều vấn đề nan giải.

Xây dựng hạt nhân của nhóm tác chiến

Với nhóm tác chiến tàu sân bay, tàu sân bay chính là hạt nhân của nhóm quan trọng. Tàu sân bay vừa là nơi cất hạ cánh vừa là nhà chứa bảo quản và sửa chửa cho máy bay, cũng là nơi tiếp tế nhiên liệu, đạn dược cho các máy bay. Sau cùng, là khu nghỉ ngơi cho các phi công sau những giờ bay căng thẳng.

Có thể nói, tàu sân bay chính là một căn cứ không quân di động với đầy đủ trang thiết bị và hạ tầng cơ sở kỹ thuật cần thiết. Điều quan trọng hơn cả, không thể gọi một nhóm tác chiến là nhóm tác chiến tàu sân bay nếu thiếu vắng sự xuất hiện của hàng không mẫu hạm.



Hạt nhân của nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc chưa thể thử nghiệm vì những lý do không rõ ràng.


Để hiện thực hóa cho tham vọng sở hữu nhóm tác chiến tàu sân bay, Trung Quốc đã mua lại một tàu sân bay hạng nhẹ bị loại khỏi biên chế của Hải quân Hoàng gia Australia trong những năm 1980 để nghiên cứu.

Đến những năm đầu của thế kỷ 21, Trung Quốc đàm phàn và mua lại tàu sân bay đóng dở dưới thời Liên Xô là chiếc tàu sân bay Varyag, thuộc sở hữu của Ukraine.

Năm 2004, Trung Quốc chính thức kéo tàu sân bay đóng dở này về cảng Đại Liên và hồi sinh. Trước khi được bán cho Trung Quốc tàu sân bay Varyag đã hoàn thành cơ bản phần khung, chỉ thiếu vũ khí, động cơ và hệ thống điện tử.

Công việc cải tạo tàu sân bay này có vẽ như đang diễn ra một cách hết sức thuận lợi, khi Trung Quốc đã phát triển một hệ thống radar mảng pha đa chức năng mới cho tàu sân bay này.

Cùng với đó, Trung Quốc đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống vũ khí cho tàu sân bay Varyag. Tàu sân bay này đã khoác lên mình một tấm áo mới cùng với một cái tên đầy ẩn ý là Thi Lang, tên 1 nhân vật lịch sử giúp vua triều Thanh của Trung Quốc chiếm Đài Loan.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và hình thành nhóm tác chiến tàu sân bay, Trung Quốc đã gặp phải một bài toán hết sức nan giải. Để đóng động cơ cho tàu sân bay, nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc thiếu những công nghệ cần thiết, nhất là bài toán chế tạo động cơ tuabin khí và tuabin hơi nước, và động cơ diesel đủ mạnh.

Bởi hệ thống động lực có thể đẩy được chiến hạm có lượng giãn nước hàng chục ngàn tấn hoàn toàn khác với hệ thống tương tự ở các tàu cỡ nhỏ. Nếu không có được động cơ đẩy đủ mạnh, tàu sân bay Thi Lang sẽ không đạt được tốc độ cần thiết để có thể hoạt động một cách hiệu quả.

Bất chấp những khó khăn chưa thể giải quyết, Trung Quốc đã chính thức công bố việc đóng tiếp 1 tàu sân bay nội địa. Điều đó cho thấy, tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở việc xây dựng 1 nhóm tác chiến tàu sân bay, dù theo tuyên bố của giới lãnh đạo Quân đội Trung Quốc, Thi Lang chỉ để luyện tập.

Phát triển tiêm kích trên hạm

Nếu tàu sân bay là hạt nhân của nhóm tác chiến tàu sân bay, tiêm kích trên hạm sẽ là quân xung kích của nhóm này.

Tiêm kích trên hạm, cùng với nhóm tác chiến tàu sân bay cho phép chiếm ưu thế trên không trong các cuộc giao tranh, tiến hành các cuộc tiến công phủ đầu chớp nhoáng ở những vùng biển xa xôi và vào sâu bên trong đất liền.

Đây là bài học rất thành công của Hải quân Mỹ. Lực lượng này luôn chú trọng phát triển và đưa năng lực tinh vi nhất cho các tiêm kích trên hạm của mình.


Khả năng hoạt động trên hạm của J-15 vẫn là một ẩn số quá lớn.


Sau khi mua lại tàu sân bay Varyag, Trung Quốc đã tiến hành đàm phán với Nga để mua tiêm kích trên hạm Su-33, một trong những tiêm kích trên hạm tốt nhất thế giới hiện nay.

Tuy nhiên, công tác đàm phán mua tiêm kích này gặp nhiều khó khăn, giới giới quân sự Nga đã phản đối sự hợp tác này do những lo lắng Trung Quốc sẽ sao chép Su-33 như trường hợp của Su-27.

Không "bó tay chịu trói", Trung Quốc tìm đến Ukraine và sở hữu T-10, mẫu nghiên cứu của Su-33. Trung Quốc nghiên cứu T-10 và sao chép thành J-15.

Hiện nay, sau khi Nga phát triển thành công tiêm kích trên hạm Mig-29K với những công nghệ tối tân hơn, nước này ngỏ ý bán Su-33 cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ muốn mua số lượng rất hạn chế, chủ yếu là để nghiên cứu công nghệ, trong khi Nga chỉ muốn bán với số lượng lớn, do đó, cuộc đàm phán vẫn chưa có hồi kết.

Tuy nhiên, Trung Quốc tiếp tục gặp phải một bài toán hóc khác, động cơ phản lực cho tiêm kích. Dù, Trung Quốc đã sao chép động cơ phản lực AL-31F của Nga thành mẫu WS-10A và WS-10G, tuy nhiên những động cơ này đều không đạt được độ tin cậy và tạo được lực đẩy cần thiết.

Động cơ cho tiêm kích trên hạm tuy nhỏ nhưng có đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe hơn nhiều so với động cơ cho tàu sân bay, bởi động cơ này phải tạo lực đẩy đủ mạnh để máy bay cất cánh trên đoạn đường băng rất ngắn.

Vấn đề này càng trở nên bức thiết với riêng trường hợp tàu sân bay Trung Quốc, kể cả Thi Lang và tàu sân bay nội địa sắp tới (được cho là sao chép mẫu thiết kế của Siêu tàu sân bay Lênin) cùng sử dụng đường băng kiểu “nhảy cầu” không có sự hỗ trợ của máy phóng.

Như vậy, sự hình thành của nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc đang gặp phải 2 “nút thắt”, đều liên quan đến vấn đề động cơ. Trung Quốc sẽ mở những nút thắt này như thế nào vẫn là câu chuyện dài nhưng họ sẽ không dừng lại cho đến khi đạt được mục tiêu.

[BDV news]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang