Trong những năm trở lại đây, pháo cối ngày càng được tăng thêm uy lực khi gắn trên các thân xe tự hành, hệ thống điều khiển bắn điện tử và đạn thông minh. Pháo cối là loại vũ khí bắn đạn theo cầu vồng đã được phát minh ra hơn 300 năm về trước. Trong chiến tranh hiện đại, pháo cối đóng vai trò rất quan trọng nhờ khả năng chi viện cho bộ binh ở cự ly ngắn và trung bình, lấp chỗ trống cự ly giữa lựu pháo tầm xa và vũ khí bắn thẳng, giá thành rẻ, vận hành đơn giản dễ dàng. Hơn nữa, nhờ quỹ đạo đạn đặc trưng, pháo cối là phương tiện hữu dụng để tấn công mục tiêu trên các địa hình hiểm trở trên các cao điểm, trong thung lũng, dưới hầm hào hay đằng sau các vật cản, công sự kiên cố. Một tổ chiến đấu của lính Mỹ sử dụng pháo cối trên chiến trường. Trước đây, pháo cối chủ yếu được mang vác bằng bộ binh, với các loại cỡ nòng lớn thì dùng xe kéo vào trận địa, mất một thời gian chuẩn bị không nhỏ mới có thể sẵn sàng chiến đấu. Không những thế, những trận địa pháo cối này thường phải có lực lượng bảo vệ không nhỏ, rất khó cơ động và nếu bị tấn công thì dễ bị thiệt hại. Vì thế, theo xu hướng chung với pháo tự hành, các khẩu pháo cối cũng được cơ động hóa, mở ra một kỷ nguyên mới của loại vũ khí này. Pháo cối tự hành nhóm 1 Những nỗ lực đầu tiên đơn thuần là đặt các khẩu pháo cối thông thường lên trên thân xe thiết giáp để tăng tính cơ động, tăng số lượng đạn mang theo, giảm khối lượng vận chuyển cho binh lính và tăng khả năng mang các loại pháo cối cỡ nòng lớn vào chiến trường. Về cơ bản, việc ngắm bắn, nạp đạn và bắn của cối tự hành thế hệ đầu tiên vẫn độc lập với thân xe mang nó và được thực hiện bởi kíp vận hành pháo cối riêng biệt với kíp lái của xe. Một trong những hệ thống pháo cối đầu tiên thuộc thế hệ này là M-106 và M-125 của quân đội Hoa Kỳ phát triển dựa trên thân xe thiết giáp M-113. Pháo cối tự hành M-106 với pháo cối M30 107 mm của sư đoàn bộ binh số 4 Hoa Kỳ trên chiến trường Việt Nam. Bộ phận đế của pháo cối được treo ở thành xe để khi cần có thể gỡ pháo cối ra khỏi xe để bắn. Sự khác biệt của hai loại pháo cối tự hành này là M-125 được trang bị một pháo cối M29 81mm còn M-106 trang bị pháo cối M30 107mm. Pháo cối trên M-106 và M-125 được đặt trên một bệ có thể quay được để điều chỉnh hướng và có thể tháo rời khỏi xe để bắn như những khẩu đội cối thông thường. Pháo cối M29 81mm có tầm bắn tối đa 5.000 mét và có thể bắn 30 phát/phút trong phút đầu đầu tiên, 4-12 phát/phút trong những loạt tiếp theo. Trong khi đó, pháo cối M30 107mm có tầm bắn từ 770-6.800 mét, có tốc độ bắn 18 phát/phút trong phút đầu tiên và 3 phát/phút trong những loạt tiếp theo. Ngoài hỏa lực chính là pháo cối, hai loại cối tự hành trên đều trang bị thêm súng máy hạng nặng 12,7 mm M2HB với nhiệm vụ tự vệ chống bộ binh. Kíp vận hành M-106 và M-125 thường bao gồm từ 4-5 người bao gồm lái xe, trưởng xe và kíp vận hành cối. Cơ số đạn của M-106 là 90 đạn còn M-125 là 144 đạn bao gồm chủ yếu là đạn nổ (HE), ngoài ra còn có các loại đạn khói, đạn cháy phốt pho trắng tùy theo nhiệm vụ. Pháo cối tự hành M-125 do Quân đội Australia sử dụng trên chiến trường Việt Nam. Vận hành pháo cối 81 mm bên trong chiếc M-125. Tương tự hai hệ thống trên của Hoa Kỳ, Liên Xô cũng có hệ thống pháo cối 2S24 sử dụng pháo cối 2B14 Podnos 82mm được đặt trên thân xe thiết giáp MT-LB. Hệ thống này có thể mang theo 83 đạn và có tầm bắn từ 80- 4.280 mét. Pháo cối không những có thể đặt trên thân xe thiết giáp mà còn có thể đặt trên các thân xe quân sự 4x4. Một trong những loại pháo cối này là loại cối 81mm tự động đặt trên thân xe Dong Feng 4x4 của Trung Quốc do Norinco sản xuất. Pháo cối tự động 81mm đặt trên thân xe Dong Feng 4x4 của Trung Quốc do Norinco sản xuất. Khẩu cối 81 mm đặt trên xe là loại cối tự động do Trung Quốc sản xuất nhái theo pháo cối Vesilek của Nga với khả năng nạp đạn theo từng kẹp đạn mang bốn viên đạn. Hệ thống nạp đạn kiểu này giúp cho pháo cối khai hỏa cực nhanh, có thể bắn hết kẹp đạn 4 quả trong 2 giây. Theo thông số Norinco công bố, pháo cối 81 mm này có tầm bắn tối đa tới 6,2 km đối với đạn HE. Ngoài ra, nó cũng có thể bắn được các loại đạn khác như đạn khói, pháo sáng hay đạn hóa học. Thân xe Dong Feng 4x4 có tổng khối lượng 4,7 tấn, được trang bị động cơ 125 mã lực và có tốc độ tối đa trên đường tới 135 km/h. Pháo cối tự hành nhóm 2 Pháo cối tự hành nhóm này sử dụng pháo cối chuyên dụng thay vì pháo cối thông thường gắn trên thân xe. Chúng thường là những loại pháo cối có cỡ nòng lớn, nạp đạn từ đuôi (thay vì từ nòng súng như pháo cối thông thường) và phải sử dụng các hệ thống thủy lực tách pháo cối ra khỏi xe, để cố định pháo cối trên mặt đất trước khi bắn. Về nhóm này, có thể kể đến loại pháo cối tự hành cỡ nòng 240 mm nổi tiếng của Liên Xô trước kia là 2S4 Tyulpan. Pháo cối tự hành 2S4 Tyulpan với cấu hình khi hành quân. Hệ thống cối tự hành 2S4 Tyulpan được phát triển từ những năm 1960 và lần đầu xuất hiện trước công chúng vào năm 1971. Vũ khí chính của hệ thống là một khẩu pháo cối cỡ nòng 240 mm được phát triển từ pháo cối M-240. Khẩu pháo cối này có thể bắn những viên đạn nổ thông thường (HE), đạn hóa học, mìn hay thậm chí là đạn nguyên tử với tầm xa tối đa 9,6 km với đạn thông thường và 20 km với đạn hỗ trợ động cơ tên lửa. Ngày nay, các hệ thống 2S4 Tyulpan còn được trang bị thêm những loại đạn dẫn đường laser chính xác tương tự như đạn pháo Krasnopol sử dụng trong các pháo tự hành. Hệ thống 2S4 Tyulpan có thể mang theo 40 viên đạn các loại (thường là 20 viên thường và 20 viên có động cơ tên lửa) chứa trong các hộp đạn hình trống. Do kích cỡ và khối lượng đạn quá lớn, hệ thống này chỉ có thể bắn với tốc độ 1 phát/phút. Pháo cối tự hành 2S4 Tyulpan ở cấu hình chiến đấu. Khẩu pháo cối 240 mm này có thể bắn cả những viên đạn nguyên tử đi khoảng cách 20 km. Tất cả hệ thống pháo cối và đạn trên được đặt trên thân xe thiết giáp tương tự xe phóng của tên lửa phòng không 2K11 Krug với tổng khối lượng 27,5 tấn. Trên xe còn được trang bị một súng máy 7,62 mm với cơ số đạn 1.500 viên nhằm mục đích tự phòng vệ. Xe được lắp động cơ V-59, 520 mã lực giúp nó có thể đạt tốc độ tối da 62 km/h và tầm hoạt động 500 km. Nhẹ nhàng hơn 2S4 Tyulpan, hệ thống pháo cối 120 mm cùng loại gồm pháo cối Hirtenberger M12 của Áo lắp đặt trên thân xe Achleitner Mantra. Chiếc Mantra là loại xe không bọc giáp có tổng khối lượng 6 tấn, có thể đạt tốc độ 110 km/h với dự trữ hành trình 700 km. Chiếc Achleitner Mantra với cối 120 mm Hirtenberger M12 gắn kèm tại triển lãm Eurovision 2010. Phần khoang chứa lính đằng sau chiếc Mantra, vốn có thể chở thêm 6 người đã được cải biến có để có thể chứa một khẩu pháo cối 120 mm cùng giá chứa đạn để chứa 48 quả đạn 120 mm. Hai phiên bản pháo cối Hirtenberger M12 có thể lắp đặt trên thân xe này bao gồm loại M12-1385 với nòng súng dài 1,75 m, khối lượng 255 kg, có tầm bắn tối đa 8,8 km và loại M12-1535 với nòng súng dài 1,9 m, khối lượng 260 kg và tầm bắn tối đa 9,2 km. Phiên bản pháo cối tự hành này xuất hiện lần đầu tại triển lãm Eurosatory 2010. [BDV news] |
Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011
>> Các hệ thống pháo cối tự hành trên thế giới (kỳ 1)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Chuyên mục Quân Sự
Hải quân Trung Quốc
(263)
Hải quân Mỹ
(174)
Hải quân Việt Nam
(171)
Hải quân Nga
(113)
Không quân Mỹ
(94)
Phân tích quân sự
(91)
Không quân Nga
(83)
Hải quân Ấn Độ
(54)
Không quân Trung Quốc
(53)
Xung đột biển Đông
(50)
Không quân Việt Nam
(44)
tàu ngầm
(42)
Hải quân Nhật
(33)
Không quân Ấn Độ
(16)
Tàu ngầm hạt nhân
(15)
Hải quân Singapore
(12)
Xung đột Iran - Israel
(12)
Không quân Đài Loan
(9)
Siêu tên lửa
(8)
Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
(7)
Tranh chấp biển Đông
(7)
Xung đột Trung - Mỹ
(4)
Xung đột Việt-Trung
(2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét