Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Đối đầu Tehran - phương Tây đã bớt căng thẳng

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

>> Đối đầu Tehran - phương Tây đã bớt căng thẳng


Các chuyên gia Iran và P5 + 1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) thống nhất sẽ họp tiếp, chi tiết hơn vào ngày 23/5. Việc này làm giảm căng thẳng, đối đầu Tehran - phương Tây.



Sau nhiều tháng căng thẳng, thậm chí đối đầu, những người lạc quan cho rằng, kết quả mang tính xây dựng của cuộc đàm phán hôm 14/4 giữa Iran với nhóm P5+1 sẽ là cơ sở ban đầu cho việc thiết lập một tiến trình đối thoại nghiêm túc và bền vững hơn.

Cụ thể, hai bên đều hy vọng các chuyên gia sẽ sớm gặp nhau để thống nhất về một khuôn khổ chi tiết cho cuộc đàm phán tiếp theo, dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 23/5 tại Thủ đô Baghdad của Iraq.

Theo giới chức ngoại giao nhóm P5+1, tại vòng đàm phán tới, hai bên sẽ bàn về nguyên tắc của một phương án hợp tác từng bước trên cơ sở có đi có lại.

Trả lời phỏng vấn báo giới, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton, cho biết các cuộc thảo luận tiếp theo sẽ tập trung vào việc xây dựng lòng tin, theo đó Iran cam kết không bao giờ theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc một số biện pháp trừng phạt quốc tế sẽ được dỡ bỏ.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi, trong bài viết đăng trên tờ Bưu điện Washington bày tỏ hy vọng trong lần đàm phán tiếp theo các bên sẽ đối thoại trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng cam kết vì các mục tiêu lâu dài và quan trọng nhất là phải tái lập lòng tin.

Theo tờ Bưu điện Washington, các quan chức Mỹ được khích lệ bởi kết quả cuộc đàm phán lần này. Họ cho rằng, tiến bộ đạt được tuy không lớn, song nó mở ra hy vọng tạm thời hạ nhiệt được một cuộc khủng hoảng đang có nguy cơ dẫn tới một cuộc đối đầu quân sự mới ở Trung Đông.

Một quan chức cao cấp của Mỹ mô tả không khí đàm phán lần này là “đáng khích lệ” để hai bên có thể tiến hành vòng đàm phán tiếp theo với hy vọng sẽ đạt được những tiến triển nhanh chóng và cụ thể hơn.

Chuyên gia Trung tâm nghiên cứu quốc tế thuộc Trường ĐH Woodrow Wilson, Michael Adler cho rằng chỉ riêng việc thuyết phục được Iran đi theo tiến trình đối thoại là một thắng lợi và là nỗ lực của tất cả các bên.

Nhà phân tích về Trung Đông của Tổ chức Tư vấn Âu-Á là Cliff Kupchan thì cho rằng, nếu các cuộc đàm phán vẫn được tiếp tục, “thị trường dầu mỏ sẽ được giải vây”. Giá dầu hiện bị đẩy lên cao do lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung từ nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới này. Ông Kupchan nói: “Tuy nhiên, các nhà đầu tư biết rằng: ‘bữa tiệc' này có thể sẽ nhanh chóng kết thúc”.

Samuel Ciszuk thuộc Tổ chức tư vấn Kinh tế Năng lượng KBC thì nói: “Việc các cuộc đàm phán không đổ vỡ mà sẽ được nối lại vào ngày 23/5 tới là một tín hiệu tích cực... Nó cho chúng ta thêm một tháng để thị trường dầu mỏ tập trung hơn vào những nguyên tắc cơ bản, chứ không phải các nguy cơ chính trị”.



http://nghiadx.blogspot.com
Căng thằm Iran - phương Tây hạ nhiệt. Ảnh: The Atlantic.


Nhà phân tích Peter Crail thì cẩn trọng hơn. Ông nhận định: “Hiện còn quá sớm để khẳng định chúng ta đạt được đột phát hay chưa. Việc các bên đạt được thỏa thuận rằng sẽ họp lại để bàn sâu hơn về những vấn đề mang tính kỹ thuật, nhạy cảm là bước tiến mà chúng tôi mong đợi. Dù vậy, vẫn còn nhiều việc phải làm”.

Tương tự, nhà nghiên cứu kỳ cựu Bruno Tertrais cũng chưa coi việc các bên thống nhất họp lại vào ngày 23/5 là bước đột phá. Ông chia sẻ: “Chưa thể gọi là đột phá. Nếu có thì có thể là cuộc gặp tới. Giờ thì các bên mới thống nhất được về các bước đi tiếp theo. Chừng nào những cam kết của Iran chưa được kiểm chứng, từng đó mới chỉ là đối thoại”.

Iran hiện không có nhiều lựa chọn, ngoại trừ việc giảm sức ép từ cộng đồng quốc tế. Do đó, Iran buộc phải cam kết với những gì mà Liên minh châu Âu và Nhà trắng gọi là “những bước đi vững chắc”.

Theo đó, trong cuộc họp tới, các bên rất có thể phải bàn cách giảm lượng uranium được làm giàu lên mức 20% của Iran. (Tehran khẳng định lượng uranium này chỉ dùng vì các mục đích hòa bình; trong khi phương Tây sợ rằng nếu làm giàu hơn nữa, Iran sẽ sản xuất vũ khí nguyên tử. Đồng thời, nhiều chuyên gia phương Tây cho rằng, Iran có thể ngụy trang các máy ly tâm rồi làm giàu uranium lên mức 90% nếu họ quyết định tạo bom nguyên tử).

Ngoài việc giảm lượng uranium làm giàu ở lên mức 20%, phương Tây có thể ép Iran cho thanh sát viên Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tới các cơ sở hạt nhân; nhằm làm giảm sự lo ngại của cộng đồng quốc tế. Để làm điều đó, Iran phải tuân thủ cái gọi là “nghị định thư bổ sung” của Hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân (NPT) mà Iran từng ký rồi rút ra khỏi vào năm 2006.

Một cách khác nhằm giảm sức ép từ cộng đồng quốc tế là Iran trao đổi uranium được làm giàu của họ với nhiên liệu hạt nhân khác mà nhiều nước sẵn sàng cung cấp.

Tuy nhiên, Iran sẽ không nhân nhượng bất kỳ điều gì nếu Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc và các nước phương Tây không giảm dần cấm vận mà họ liên tục tăng cường trong vài năm gần đây. Do đó, nhìn qua thì những hy vọng trên đơn giản về lý thuyết nhưng lại rất khó triển khai trên thực tế. Trước hết, phương Tây phải ngừng áp đặt thêm lệnh trừng phạt, trước khi dừng các lệnh trừng phạt đang được áp dụng, trước khi tháo bỏ hẳn…Ngược lại, Iran sẽ phải có hành động mang tính thiện chí với P5+1.

Nếu có thể, Iran gặp song phương với Mỹ thì sẽ là điều tích cực nhất nhưng đây cũng là điều khó nhất bởi từ lâu, hai bên có thái độ thù địch với nhau. Đó là chưa kể có khả năng Iran muốn câu giờ vì những mục đích khác.


http://nghiadx.blogspot.com
Mỹ, Iran nhiều lần đối đầu quân sự.Ảnh minh họa: EPA.


Trong khi đó, chuyên gia về an ninh quốc tế Jim Walsh của Học viện Công nghệ Massachusetts nhận định: “Kết quả cuộc họp vừa rồi ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm giảm - chứ không phải loại bỏ - khả năng Israel tấn công quân sự Iran. Vấn đề là liệu cuộc họp vào tháng tới có đạt được tiến bộ đáng kể hay không”.

Nhiều nhà phân tích và một số nhà ngoại giao cho rằng cả hai bên đều phải nhượng bộ để có cơ hội đạt được một giải pháp lâu dài. Theo đó, Iran sẽ được phép tiếp tục làm giàu uranium ở cấp độ thấp, đổi lại, nước này phải chấp nhận có thêm các cuộc thanh sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc. Phát biểu trước thềm hội nghị tại Istanbul, một nhà ngoại giao cấp cao nói rằng tranh cãi về hạt nhân là vấn đề hoàn toàn có thể giải quyết được nhưng trước hết cần cải thiện tình trạng thiếu lòng tin sâu sắc giữa các bên.

Chuyên gia về quan hệ Mỹ-Iran làm việc tại Washington là Trita Parsi cho rằng, cả hai phía đều thỏa hiệp một cách hiệu quả nhằm duy trì một cuộc đối thoại. Tuy nhiên, ông nói: “Thách thức thực sự sẽ nằm ở vòng đàm phán tiếp theo, khi những nguyên tắc cam kết phải biến thành các bước đi cụ thể. Khi đó, chúng ta sẽ thấy liệu hai bên có sẵn sàng trả giá bằng những quyết định chính trị trong nước để thỏa hiệp hay không”. Theo ông, cái giá của Iran là quyết định giảm quy mô phát triển chương trình hạt nhân, còn đối với phương Tây là việc nới lỏng các lệnh trừng phạt.

Cứng rắn hơn, Israel nhắc lại rằng họ không còn kiên nhẫn đối với tiến trình đàm phán này. Thủ Tướng Benjamin Netanyahu phàn nàn về việc Iran vẫn nhận được “quà” trong khi nước này tiếp tục phát triển khả năng hạt nhân. Trên thực tế, các cuộc đàm phán như vừa rồi ở Thổ Nhĩ Kỳ không gây ấn tượng với Israel, nước vẫn nói rằng Iran không thực sự cần đến điện hạt nhân, Iran không đáng được tin tưởng và đang đe dọa sự sống còn của nhà nước Do Thái. Ông Netanyahu nói rằng các nhà đàm phán của P5 + 1 lại rơi vào chiến thuật “câu giờ” của Iran.

Ông nói: “Iran lại có thêm 5 tuần để tiếp tục làm giàu uranium mà không bị kiềm chế hay ngăn chặn. Quốc gia này - nơi trú ngụ của những kẻ theo chủ nghĩa khủng bố nguy hiểm nhất thế giới - lẽ ra không được có cơ hội phát triển bom hạt nhân”.

Một nhà ngoại giao châu Âu ở Vienna cũng tỏ ra hoài nghi sâu sắc khi nói: “Dù bầu không khí của cuộc họp vừa qua rất khả quan, song tôi không quá lạc quan. Trong khi các cuộc đàm phán đang diễn ra, các máy li tâm của Iran vẫn hoạt động và làm giàu uranium. Họ sẽ có thêm thời gian để che đậy và phân tán chương trình quân sự của họ”.

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra, các nước nhập khẩu dầu mỏ của Iran và người dân sống tại Trung Đông đều cảm thấy dễ thở hơn. Tuy nhiên, nếu vòng đàm phán tiếp theo đổ vỡ, nhiều nguy cơ sẽ nảy sinh. Nhà nghiên cứu Ray Takeyh của Viện Quan hệ Đối ngoại ở Washington nhận định, nếu vòng đàm phán tiếp theo thất bại, “tiếng trống chiến tranh” thậm chí sẽ vang lên rộn rã hơn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang