Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Chiến tranh mạng

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Chiến tranh mạng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Chiến tranh mạng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

>> Chiến tranh mạng, mối đe dọa của thế kỷ 21


Vụ tấn công của virus Stuxnet tới chương trình hạt nhân của Iran gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa của chiến tranh mạng trong kỷ nguyên công nghệ số.

Thế giới đang thay đổi. Những phương thức chiến đấu "thông thường" với xe tăng và bộ binh xung trận trong Chiến tranh thế giới 2 cho đến những vũ khí, phương tiện bay không người lái vũ trang từ xa…

Tuy nhiên, trên chiến trường số hóa ngày nay, nơi cơ sở hạ tầng mạng đóng vai trò quan trọng không kém gì vũ khí truyền thống, một chiếc máy tính bình thường nhất cũng có thể trở thành thứ vũ khí vô cùng nguy hiểm và lợi hại.

Nguy cơ từ tấn công, khủng bố qua mạng, hay “chiến tranh mạng” là một khái niệm vô hình, gồm mọi yếu tố: từ việc một thiếu niên với kiến thức mạng tự học để đột nhập vào một cơ sở dữ liệu cấm hoặc truy cập hạn chế, cho tới tình huống phức tạp hơn, một loại virus, sâu máy tính tấn công, tê liệt cơ sở hạ tầng quốc gia trên quy mô lớn.

Chính vì thế, giới quân sự trên toàn thế giới buộc phải có những chiến lược mới nhằm đối phó kịp thời với mối nguy hiểm ngày càng gia tăng. Một số nước tiên phong trong việc kết hợp bảo mật trực tuyến vào các chiến lược quốc phòng.


http://nghiadx.blogspot.com
Các chính phủ bắt đầu nhận ra nguy cơ và khả năng phá hoại từ tấn công mạng, từ đó thiết lập các dự án, quỹ hỗ trợ nhằm củng cố an ninh và bảo mật thông tin.


Tại Đức, chính phủ đang tiến hành dự án trị giá 7,1 tỷ Euro với tên gọi Herkules, nhằm nâng cấp hệ thống an ninh công nghệ thông tin quân sự của quốc gia. Đây là một trong những chương trình có sự liên kết của chính phủ và tư nhân lớn nhất châu Âu.

Trong báo cáo An ninh và Chiến lược Quốc phòng (SDSR) mới công bố, chính phủ Anh nhấn mạnh "tội phạm mạng" như là một nguy cơ số một, biểu thị mối đe dọa an ninh cao nhất có thể, bên cạnh với chủ nghĩa khủng bố quốc tế, đại dịch toàn cầu và cuộc khủng hoảng quân sự quốc tế.

Trong báo cáo này, tấn công qua mạng được xếp trên những cuộc tấn công với vũ khí sát thương hàng loạt, phóng vệ tinh thất bại hay bất ổn dân sự trong nước.

Chính vì thế, chính phủ Anh đã dành 650 triệu bảng (tương đương 1,05 tỷ USD) cho kế hoạch 4 năm nhằm tăng cường an ninh quốc gia và chống lại các cuộc tấn công mạng.

Trong một cuộc phỏng vấn phát trên BBC, Malcolm Rifkind, chủ tịch Ủy ban an ninh và tình báo Anh đã thể hiện sự ưu tiên đối phó với vấn đề này. “Chúng ta đang nói về những kẻ khủng bố sử dụng phương pháp tấn công qua mạng như làm gián đoạn lưới điện quốc gia, ngăn cản việc phân phối điện vì hoạt động này được điều hành qua máy tính. Trong lần ghé thăm Mỹ gần nhất, một người đồng nghiệp Mỹ đã thể hiện nỗi sợ với tấn công mạng với lãnh thổ quốc gia, sẽ giống như trận Trân Châu Cảng tiếp theo", ông này nói.

Mỹ cũng xếp tấn công qua mạng là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Tháng 5/2010, chính phủ Mỹ thành lập Bộ chỉ huy mạng nhằm "chỉ đạo hoạt động và bảo vệ mạng lưới thông tin của Bộ Quốc phòng... thực hiện đầy đủ hoạt động quân sự trong không gian mạng để cho phép hoạt động trong mọi lĩnh vực và đảm bảo Mỹ cùng đồng minh tự do hành động trong không gian mạng, triệt tiêu đe dọa từ các bên đối địch".

Sâu Stuxnet mở màn cho kỷ nguyên tấn công mạng cấp quốc gia

2010 là năm cột mốc khi mối nguy hiểm từ tấn công mạng được phổ biến rộng trên phương tiện truyền thông và gây ra sự chú ý đáng kể của hầu khắp chính phủ.

Đáng chú ý nhất là vụ tấn công của sâu Stuxnet vào các máy ly tâm và hệ thống máy tính trong cơ sở làm giàu Uranium của Iran, khiến nước này bị chậm tiến độ đáng kể hoạt động nghiên cứu hạt nhân tại nhà máy ở Natanz vào tháng 7/2010.

Vụ tấn công Stuxnet là bằng chứng rõ rệt về khả năng phá hoại cơ sở hạ tầng vật lý theo những cách chưa từng có. Nhiều tổ chức và chuyên gia máy tính, bao gồm cả Kaspersky và Symantec tuyên bố: Việc phát triển của một chương trình phá hoại phức tạp và tinh vi như Stuxnet đòi hỏi huy động tài nguyên ở mức quốc gia, chứ không thể là tổ chức, cá nhân đơn lẻ, thông thường.

http://nghiadx.blogspot.com
Chương trình hạt nhân của Iran bị gián đoạn dài do bị virus Stuxnet tấn công vào hệ thống máy tính và máy ly tâm.


Nhiều nghi ngờ hướng tới Israel, với lí do, nước này muốn trì hoãn chương trình phát triển hạt nhân của Iran, mối đe dọa quân sự hàng đầu của nước này. Mỹ cũng được cho có dính dáng trong việc hợp tác tạo ra Stuxnet.

Phát biểu trên tờ The Economist, Scott Borg, nhân viên của CCU, cơ quan chuyên đánh giá, phân tích hệ quả về mặt kinh tế và chiến lược của tấn công mạng, cho biết: “Cuộc tấn công mạng vào Iran có nhiều yếu tố nhạy cảm hơn các cuộc tấn công thông thường. Nó có thể đánh sập cơ sở hạ tầng mà không hay bị để ý và gần như không thể ngăn chặn. Stuxnet là một loại vũ khí chiến lược, mở ra một kỷ nguyên chiến tranh mạng với sự tài trợ của ngân khố quốc gia.

Tấn công mạng: Nền công nghiệp phát triển

Stuxnet là minh chứng lớn nhất về một cuộc tấn công mạng, nhưng nó không phải là vấn đề quá mới mẻ.

Tháng 12/2009, theo nhiều báo cáo tình báo, những kẻ nổi dậy Hồi giáo ở Iraq đã sử dụng một phần mềm đơn giản để truy cập vào hệ thống diều khiển máy bay không người lái Predator mà CIA đang sử dụng trên toàn thế giới.

Dù việc truy cập của những kẻ nổi dậy không đạt được sự kiểm soát chiếc UAV trị giá 20 triệu USD với hệ thống vũ khí tối tân, nhưng các tin tặc có thể xem những video quay trực tiếp từ hệ thống camera của Predator, thu được những thông tin tình báo quan trọng.

http://nghiadx.blogspot.com
Không chiếm được quyền kiểm soát những UAV Predator, nhưng quân nổi loạn đã thu được nhiều thông tin tình báo quan trọng qua hệ thống camera.


Vụ tấn công làm dấy lên câu hỏi về khả năng bảo mật của hệ thống phòng thủ của Quân đội Mỹ trước một vụ tấn công đơn giản.

Họ hoài nghi, liệu một ngày những chiếc Predator bị kiểm soát hoàn toàn, sau đó thực hiện những vụ tấn công vào binh sĩ hay thường dân nước ngoài.

Chính vì thế, lực lượng quân sự ở các nước không thể đánh giá thấp khả năng và sự ứng phó của những bên đối địch dù chỉ với số ngân quỹ eo hẹp.

Một khía cạnh của tội phạm mạng vừa được phát hiện gần đây là sự gia tăng của các lập trình viên-lính đánh thuê. Họ là những người không theo đuổi mục tiêu quân sự hay ý thức hệ nào, đơn giản là tạo ra những botnet cực kỳ nguy hiểm cho những khách hàng trả tiền.

Tiêu biểu trong số này là một nhóm botnet thuê với tên gọi “Đội quân mạng Iran”, đã đứng ra chịu trách nhiệm vụ tấn công mạng xã hội Twitter năm 2009.

Mối đe dọa từ tấn công mạng tưởng như vụn vặt, nhỏ bé trước những vụ tấn công khủng bố hay nổi dậy, nhưng các chính phủ cần hiểu và nắm bắt được xu hướng phát triển của loại hình tấn công này trong thời gian sắp tới. Chúng sẽ ngày càng nguy hiểm cùng với công nghệ đi kèm. Ngay cả với những nước đã dè chừng và chuẩn bị nhiều cho vấn đề này, những cái đầu chỉ huy trong quân đội cũng cần thay đổi trong việc coi trọng cả những đe dọa vật lý và đe dọa ảo.

Cựu chiến lược gia của Bộ quốc phòng Anh và NATO, ông Ashley Truluck kết luận về thách thức đối với an ninh thế giới: “Những lãnh đạo cấp cao trong quân đội đã thành công với xe tăng, súng ống và máy bay. Giờ đây, họ cũng cần sự dịch chuyển từ văn hóa chiến đấu tự động sang không gian mạng”.

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

>> Sự bí hiểm của Lữ đoàn tình báo quân sự Mỹ


Chiến tranh mạng đang đến rất gần, thậm chí mỗi chúng ta đều có thể đang bị tấn công.

Mạng tuần san “Tin tức Quốc phòng” Mỹ vừa có bài viết nhan đề “Lữ đoàn mạng Mỹ đang hình thành”.Bài viết mặc dù rất ngắn, có thể không gây chú ý lắm cho nhiều người, nhưng đã tiết lộ tình hình xây dựng của lực lượng tác chiến mạng Mỹ.




http://nghiadx.blogspot.com


Ngày 4/5/2009, Không quân Mỹ đã công bố huy chương đặc biệt cho lực lượng tác chiến mạng. Ở giữa huy hiệu này có một hoa văn hình tròn để chỉ Trái đất, đan chéo xoay quanh “Trái đất” là 2 quỹ đạo hình elip để chỉ vệ tinh quân sự, hai bên của huy chương chỉ cánh của Không quân Mỹ. Huy chương của lực lượng tác chiến mạng phản ánh 3 mục đích lớn của lực lượng tác chiến mạng Không quân Mỹ: “Điều động lực lượng đến toàn thế giới”, “từ vũ trụ kiểm soát không gian mạng”, “phát động tấn công toàn diện thông qua không trung, vũ trụ, không gian mạng”. Hiện nay, lực lượng tác chiến mạng của Không quân Mỹ đã trở thành lực lượng chính quy tác chiến mạng được biên chế đầy đủ nhất, quy mô lớn nhất trên thế giới.

Đây là một lực lượng như thế nào?

Bài viết tiết lộ, cuối năm 2011, Lục quân Mỹ đã thành lập lữ đoàn tình báo quân sự 780, có nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo về các mối đe dọa tiềm tàng, mục đích là để bảo vệ các mạng quân sự.

Chỉ huy Lữ đoàn tình báo quân sự 780, Thượng tá Jonathan Sweet cho biết, lực lượng mới này có biên chế 1.200 người, hiện còn chưa triệu tập đầy đủ, nhưng đã có trụ sở 80 người và một trong 2 tiểu đoàn.

Lực lượng này trực thuộc Bộ Tình báo-An ninh của Lục quân Mỹ, cụ thể do Bộ Tư lệnh mạng – Lục quân Mỹ chỉ huy.

Nhìn vào cơ cấu nhân viên, thân phận các nhân viên tác chiến chính của lữ đoàn này rất rõ ràng, đó chính là hacker (tin tặc). Khi đã thuộc biên chế thì được gọi là “hacker quân đội”.

Quân đội Mỹ dùng từ chuyên nghiệp hơn để gọi các nhân viên này, một loại chức vụ mới – chuyên gia tác chiến mạng logic mật mã, nhưng rõ ràng đây là một nhóm hacker quân đội của Mỹ.

Nếu muốn xác định rõ thì có thể nói đây là một lực lượng tác chiến mạng chuyên nghiệp được biên chế lớn nhất như chúng ta đã biết hiện nay.

Lực lượng này có những nhiệm vụ tác chiến nào?

Bài viết cho biết, nhiệm vụ của lực lượng này chính là bảo vệ an ninh mạng của nhà nước và quân đội Mỹ. Định nghĩa như vậy là khá chung chung.

http://nghiadx.blogspot.com
Bên trong Bộ Tư lệnh Tác chiến mạng - Quân đội Mỹ.


Thực ra, nói đến chiến tranh mạng phải đảm bảo 2 nội dung: một là “phòng thủ”, hai là “tấn công”.Phòng thủ an ninh mạng có thể được tán thành khá phổ biến, bởi vì an ninh mạng hiện nay thực sự tồn tại một số vấn đề.

Bất cứ quốc gia, tổ chức, cá nhân nào đều sẽ tìm mọi cách bảo vệ an toàn vận hành mạng của mình, điều này thuộc phạm trù phòng thủ mạng. Nhưng bất cứ lực lượng tác chiến nào, hình thức tác chiến đều sẽ không chỉ giới hạn ở phòng thủ.

Mặt khác, tấn công mạng có lẽ được quan tâm hơn, cũng là một phương thức tác chiến đáng quan tâm hơn của lực lượng này.

Mặc dù hiện nay báo chí Mỹ không có bất cứ thông tin nào phản ánh lực lượng này thực hiện nhiệm vụ tấn công mạng, nhưng chúng ta có thể tưởng tượng được, lực lượng này là một lực lượng kiêm nhiệm 2 nhiệm vụ song song – phòng thủ và tấn công mạng.

Lực lượng tác chiến này là một lực lượng mới hoàn toàn trong quan điểm của mọi người, nhiệm vụ, trang bị và thủ đoạn tác chiến của nó đều không phải lấy sát thương nhân viên và tiêu diệt trang bị quân sự quan trọng của đối phương làm mục đích tác chiến chính, mà là triển khai tác chiến tấn công và phòng thủ trong toàn bộ không gian mạng.

Trang bị của nó cũng không phải là súng ống, pháo, xe tăng, máy bay, tàu chiến truyền thống, mà là các loại dụng cụ máy móc tấn công và phòng thủ chuyên dùng cho mạng.

Còn về hình thức tác chiến, chúng ta có thể cảm nhận được từ rất nhiều tác phẩm điện ảnh: trước hàng loạt máy tính, các cao thủ mạng, tin tặc đứng trước màn hình, dùng các thủ đoạn tấn công mạng vô hình tiến hành tác chiến.

Thực ra, nhiệm vụ tác chiến của lực lượng này còn có sự khác biệt rất lớn so với các lực lượng tác chiến truyền thống khác, đó chính là lực lượng này làm thế nào để phân tách rõ “thời bình” và “thời chiến”.

http://nghiadx.blogspot.com
Chiến tranh mạng là tấn công và phòng thủ không có khói súng.


Trong thời chiến, tấn công hệ thống mạng quân sự, dân sự, quốc gia của đối phương là đương nhiên, vậy trong thời bình lực lượng này sẽ thực hiện nhiệm vụ như thế nào?

Trong thời bình có phát động tấn công đối với các hệ thống mạng của các nước, tổ chức và cá nhân hay không? Đây đều là những vấn đề còn chưa rõ, cũng là vấn đề lớn nhất phải đối mặt hiện nay.

Chiến tranh mạng cách bao xa?

An ninh mạng là một đề tài cũ, lực lượng này cũng sẽ dùng cho tác chiến. Mỹ thành lập một lực lượng tác chiến mạng cho thấy, họ đã thực sự coi không gian mạng là một lĩnh vực cụ thể tác chiến của quân đội trong tương lai.

Sau khi có được một lực lượng như vậy, chúng ta cũng có thể tưởng tượng được, trong chiến tranh tương lai, trong thời bình tương lai, Lữ đoàn tình báo quân sự 780 của Lục quân Mỹ sẽ dùng các loại thủ đoạn tấn công và phòng thủ mạng, bên cạnh việc bảo vệ an ninh mạng của mình, sẽ tiến hành tấn công đối với các mạng quốc gia, tổ chức và cá nhân khác.

Nếu nói về cường độ và khả năng của các cuộc tấn công mạng này, trước đây chỉ là hành vi cá nhân của các cao thủ hacker, không thể so sánh với lực lượng mạng quy mô lớn được biên chế cả về khả năng và trang bị công nghệ, và cũng không thể so sánh được về khả năng tác chiến mạng.

http://nghiadx.blogspot.com
Chiến tranh mạng cách chúng ta ngày càng gần.


Tân Hoa Xã viết: "Nếu muốn dùng một câu nói để mô tả ảnh hưởng từ việc Quân đội Mỹ thành lập lữ đoàn tác chiến mạng này, thì đó chính là: Chiến tranh mạng cách chúng ta ngày càng gần". Trong các cuộc chiến tranh tiếp theo, chúng ta có thể thấy được khả năng lữ đoàn mạng này của Quân đội Mỹ. Dù trong thời bình hay lúc mọi người chưa đề phòng, lực lượng này cũng luôn thực hiện nhiệm vụ tác chiến của nó. Dùng một câu đầu tiên của bài báo Mỹ để nói, chính là: Các hacker hãy cẩn thận, lữ đoàn mạng đầu tiên của Lục quân Mỹ đang theo dõi các bạn. Nhưng, câu nói này nên đổi là: Mọi người trên toàn thế giới hãy cẩn thận, lực lượng tác chiến mạng của Mỹ đang theo dõi các bạn và chuẩn bị tấn công các bạn bất cứ lúc nào, có lẽ lúc này bạn đang bị họ tấn công.

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

>> 'Vũ khí hạt nhân' mới


Quân đội các nước đang mạnh tay chi hàng tỷ USD đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bộ tư lệnh chiến tranh mạng được thành lập, tác chiến mạng được huấn luyện thường xuyên...


>> Giải mã bí mật logo USCYBERCOM


Bởi các chuyên gia tin rằng, tâm điểm của chiến tranh thế kỷ 21 là chiến tranh mạng. Cuộc chiến ảo đã bắt đầu khai hỏa trong thế giới thực.

Chiến tranh mạng, theo cách đơn giản nhất, là ngồi trước máy tính nhấp "chuột", khiến toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng của đối phương bị phá hủy, hoặc chí ít cũng bị đánh cắp các bí mật về quân sự, kinh tế, công nghệ... Sức công phá của chiến tranh mạng được ví như vũ khí hạt nhân.

Một thập kỷ trước, hầu hết các virus và sâu máy tính đã được tung ra bởi các sinh viên tò mò, những người nghịch ngợm muốn biết có thể gây ra thiệt hại gì. Nhưng đến nay, các virus và sâu máy tính đang trở thành những vũ khí vô cùng lợi hại, có thể sánh ngang một đạo quân.

Thảm họa nối tiếp thảm họa

Chiến tranh, hay tác chiến mạng dựa vào hệ thống thông tin, thông qua không gian mạng để tiến hành các hành động phá hoại, phá hủy mạng các hệ thống tác chiến, hệ thống chiến tranh của đối phương. Đây là hình thức tác chiến hoàn toàn mới lấy thông tin làm chủ đạo, lấy hệ thống đối kháng, nhất thể mạng - điện tín là đặc trưng chủ yếu. Sử dụng các đặc trưng của không gian mạng như tính mô phỏng, tính thay đổi trong chớp mắt, tác chiến miền không gian ảo…, tác chiến mạng có ưu thế thâm nhập mọi hướng, tổng hợp cả năng lực tiến công và phòng thủ, vô hình khiến chi phí thấp nhưng hiệu quả quân sự rất cao.

Cựu nhân viên Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) Charles Miller, nhân vật hiện khá nổi tiếng trong giới tin tặc, cho rằng chỉ cần chưa đầy 100 triệu USD là có thể thành lập một nhóm tác chiến mạng có khả năng tấn công và làm tê liệt hoàn toàn hoạt động của Mỹ. Còn để tấn công hệ thống mạng máy tính của Nga thì không cần đến số tiền lớn như vậy.

Khi một quốc gia bị tấn công mạng thì tất các các hệ thống thông tin liên lạc tắc nghẽn, giao thông công cộng đình trệ, các hoạt động tài chính tê liệt, các hệ thống cung cấp năng lượng hỗn loạn. Và nếu bị chiếm quyền điều khiển thì thảm họa thực sự sẽ diễn ra với hệ thống đường ống dẫn dầu bốc cháy, các trạm cung cấp điện phát nổ, máy bay đâm xuống đất, hệ thống điều khiển quân sự mất phương hướng, cảnh giới, giám sát bị vô hiệu hóa.

http://nghiadx.blogspot.com
Trụ sở USCYBERCOM tại bang Marryland.


Năm 2010, Thứ trưởng quốc phòng Mỹ W.J. Lynn cho rằng, thế kỷ XXI là kỷ nguyên công nghệ mới - kỷ nguyên an ninh mạng. Theo ông Lynn, các cuộc tấn công mạng tương tự như vũ khí hạt nhân, giúp cho một trong những bên tham chiến có khả năng đè bẹp ưu thế áp đảo của đối phương về mặt trang bị thông thường. Không gây tổn thất trên quy mô lớn như một cuộc tấn công hạt nhân, nhưng tấn công mạng có thể làm tê liệt hoàn toàn một xã hội, một quốc gia, từ đó châm ngòi cho lớp lớp thảm họa.

Dốc hầu bao bất chấp khủng hoảng

Trong khi cắt giảm mạnh ngân sách quân sự thì nước Mỹ vẫn chi tới 2,5 tỷ USD cải thiện tác chiến mạng trong năm 2012 tăng so với trước. Nga, Trung Quốc cũng không kém cạnh khi nỗ lực đầu tư nhằm ngăn cản mưu đồ bá chủ mạng của Mỹ. Tháng 6/2010, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố thành lập Bộ tư lệnh tác chiến mạng (USCYBERCOM) với ngân sách ban đầu là 120 triệu USD.

Với khoảng 1.000 nhân viên dân sự và quân sự, USCYBERCOM được giao 3 nhiệm vụ chính là bảo vệ mạng lưới thông tin quốc phòng, thực hiện các chiến dịch trên mạng theo lệnh và sẵn sàng bảo vệ quyền tự do của nước Mỹ trong các hoạt động trên không gian mạng.

Sau đó, tháng 12/2011, Lục quân Mỹ thông báo "lữ đoàn mạng" đầu tiên đã đi vào hoạt động. Hải quân và Không quân Mỹ sau đó cũng thành lập các "hạm đội" và "phi đội" mạng bên cạnh các đơn vị đặc trách an ninh mạng theo ngành dọc của USCYBERCOM.

Trong khi đó, tháng 5/2001, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lần đầu tiên cho biết đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm nhằm đối phó với tấn công trên mạng. Được coi là nòng cốt trong đội ngũ an ninh mạng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), lực lượng đặc biệt Cyber Blue Team gồm 30 chuyên gia xuất sắc, tuyển chọn từ nhiều nguồn trong và ngoài quân đội, đặt dưới sự chỉ huy của Bộ tư lệnh quân khu Quảng Đông.

Không chịu thua kém Mỹ, các nước châu Âu, Mỹ Latin, châu Á và Trung Đông cũng nhanh chóng nối gót trong việc chuẩn bị "đội ngũ chiến binh" cho các cuộc chiến tranh mạng tiềm ẩn trong tương lai. Rất nhiều trung tâm máy tính của quân đội đã được dựng lên, khác xa với thời điểm cách đây vài năm khi hầu hết quân đội các nước còn gần như không để ý tới mạng.

Cuối tháng 1/2012, phát biểu tại Học viện Khoa học Quân sự Nga, Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Nga, tướng Nikolai Makarov cảnh báo, Moskva cần sẵn sàng cho các cuộc chiến tranh mạng. Theo ông, các cuộc chiến trên biển, trên bộ đã nhanh chóng chuyển sang lĩnh vực thông tin và không gian - vũ trụ, dẫn đến nguy cơ một cuộc chiến tranh mạng nguy hiểm và khốc liệt trên toàn nước Nga.

Theo các nguồn tin quân sự, Nga cũng đang chủ trương giảm bớt quân số và tăng cường áp dụng công nghệ cao cũng như các phương pháp tác chiến mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của quân đội.

Mỹ đang giữ ưu thế tuyệt đối về quyền kiểm soát mạng internet. 10/13 máy chủ trên toàn cầu đang được đặt ở Mỹ (3 máy còn lại đặt ở Thụy Điển, Anh và Nhật Bản, các máy chủ được đánh kí hiệu từ A đến M). Hai trong số 10 máy chủ ở Mỹ là do quân đội nước này kiểm soát, trong đó máy H nằm ở Trường thử nghiệm vũ khí Aberdeen (bang Maryland), máy G nằm ở Trung tâm Thông tin mạng thuộc Lầu Năm Góc. Ngoài ra, Công ty quản lý địa chỉ và tên miền Internet (ICANN) quản lý nội dung của cả 13 chiếc máy chủ cũng do Washington kiểm soát.

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

>> Chiến tranh mạng được đưa vào hiệp ước



Mỹ và Australia dự định đưa thêm lĩnh vực chiến tranh mạng vào hiệp ước quốc phòng chung giữa hai nước để phản ánh “chiến trường trong tương lai”.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Leon Panetta cho biết các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng 2 nước sẽ ban hành một tuyên bố chung về chủ đề này trong cuộc gặp mặt liên minh tại San Francisco.

Các quan chức Lầu Năm Góc cho hay đây là lần đầu tiên chiến tranh mạng được chính thức đưa vào một hiệp ước quốc phòng song phương của Mỹ, mặc dù các đồng minh của NATO đã chú ý tới các mối đe dọa về mạng internet từ lâu.

“Đây là điều mà tôi đã nói đi nói lại nhiều lần, rằng mạng chính là chiến trường trong tương lai”, ông Panetta nói trước chuyến đi tới San Francisco tham dự hội nghị. Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng gợi ý Mỹ và các đồng minh cần xem xét các hoạt động tấn công trong lĩnh vực số hóa, một chủ đề mà các quan chức Mỹ đã từ chối đề cập chi tiết.

“Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa không chỉ để bảo vệ khỏi các cuộc tấn công mạng mà còn phải phản kích những cuộc tấn công đó. Cách tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ đó là hợp tác với các đồng minh”, ông cho biết thêm.


http://nghiadx.blogspot.com
Chiến tranh mạng được Mỹ và Australia cùng quan tâm.


Ông Panetta cho hay các buổi tọa đàm với quan chức Australia cũng sẽ đề cập đến việc hợp tác về vũ trụ và các dự án phòng hộ tên lửa.

Hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Australia ngày càng được coi trọng và tăng cường trước lo ngại của Washington về việc Trung Quốc đang mở rộng sức mạnh quân sự tại Thái Bình Dương. Các cơ quan tình báo Mỹ cũng tiết lộ một loạt xâm phạm số hóa nhằm vào Mỹ đều bắt nguồn từ Trung Quốc.

Dù sự hiện diện của quân đội Mỹ tại châu Á trong những năm qua đều tập trung vào bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates năm 2010 đã hứa sẽ đưa thêm nhiều lực lượng tới Đông Nam Á, bao gồm cả khả năng chia sẻ các cảng biển và căn cứ quân sự với Australia.

Quân đội 2 nước đang tìm kiếm “cơ hội tiếp cận với các kế hoạch luyện tập, tập trận và thử nghiệm bắn đạn thật cũng như tăng cường các thiết bị của Mỹ ở Australia”, một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết.

“Chúng tôi không định thiết lập các căn cứ quân sự. Chúng tôi tìm kiếm khả năng tham gia huấn luyện, tiếp cận và hợp tác. Điều đó có nghĩa là nâng cao vị trí của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương”, vị quan chức này nói.
Mỹ và Australia đang tiến tới một quyết định cuối cùng về việc mở rộng sự hiện diện của quân đội Mỹ với tuyên bố chính thức có thể được đưa ra vào cuối năm 2011.

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

>> Đang có chiến tranh mạng giữa Mỹ và Trung Quốc?





Các cuộc tấn công mới đây vào tài khoản Gmail của các quan chức chính phủ Mỹ mà theo Google là có xuất sứ từ Trung Quốc càng làm cho tình hình thêm căng thẳng.


Trước đó, Đại tá Dave Lapan, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết: “Để đáp trả lại một cuộc tấn công mạng không nhất thiết chúng ta phải dùng một cuộc tấn công mạng khác. Mọi sự lựa chọn đều cần xem xét kỹ lưỡng”.

Tuy nhiên, dù rõ ràng đại tá Lapan nói tới cuộc tấn công vật lý bằng sức mạnh quân sự thực thụ nhưng đặt trong bối cảnh căng thẳng đến từ những vụ tấn công tin học, lời cảnh báo của Lầu Năm Góc gợi tới hình ảnh cuộc chiến trong tương lai sẽ là những người lính với những chiếc bàn phím trong hầm tối thay vì cầm những khẩu M-16 xung phong trên mặt trận.



Google từng hứng chịu nhiều đợt tấn công bắt nguồn từ Trung Quốc.


Giáo sư Dan Kuehl, ĐH Quốc phòng tại Washington cho biết: “Chúng tôi làm việc ở cả 5 lĩnh vực như trên không, đất liền, biển, không gian và không gian mạng. Với sự gia tăng trong sự phụ thuộc của con người vào máy tính, viễn cảnh một cuộc chiến tranh mạng ngày càng trở nên rõ ràng”.

Ông Kuehl nhấn mạnh rằng ông không phát biểu để ủng hộ chính phủ Mỹ hay “PR” cho trường đại học quân sự của ông.

Cuộc nói chuyện khó khăn và những lá thư giả mạo

Tờ The Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Quốc phòng Mỹ cho biết: “Nếu bạn tắt một lưới điện của chúng tôi, chúng tôi có thể bắn 1 quả tên lửa vào ống khói nhà bạn”. Lời đe dọa của quan chức này được cho là nhằm vào Trung Quốc.

Về phần mình, Chính phủ Trung Quốc phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào với các cuộc tấn công mạng mà Google thông báo cho chính phủ Mỹ.

Giáo sư Kuehl cho biết: “Đây là giá trị của sự mơ hồ, các bên muốn đối thủ của họ nghĩ rằng họ có thể vượt qua các giới hạn”.

Một cuộc tấn công dạng phishing vừa được khởi động để tấn công hệ thống thư điện tử của Google với mục tiêu nhằm là các quan chức Mỹ, Hàn Quốc cũng như các nhà báo Trung Quốc, các nhà hoạt động vì nhân quyền ở quốc gia này.

Những cuộc tấn công trên tương tự với các email lừa đảo mà hầu hết mọi người đều nhận dược về khoản thừa kế hàng triệu USD của triệu phú. Email yêu cầu người dùng mở thông điệp và họ sẽ nhận được 14 triệu USD. Khi thông điệp được mở, máy tính của nạn nhân đã bị xâm nhập.

Nhận xét về cuộc tấn công vào Gmail, trưởng nhóm nghiên cứu và phân tích tại IT-Harvest, tác giá cuốn sách Surviving Cyberwar cho biết: “Cuộc tấn công phishing vẫn dừng ở mức độ đơn giản. Có những cuộc tấn công khác tinh vi hơn. Khi đó, các email nạn nhân nhận được giống với những email được gửi từ những người quen. Để làm được điều này, tin tặc khai thác thói quen, mối quan hệ của bạn từ mạng xã hội mà bạn tham gia”.

“Những người Trung Quốc đã có những lợi thế ban đầu trong cuộc chiến tranh mạng nhờ thu thập được nhiều dữ liệu kể cả những dữ liệu cá nhân của nhiều quan chức”, ông Stiennon cho biết. Các dữ liệu lấy trộm được sẽ được đem vào ngân hàng dữ liệu để xử lý và phân tích.

Các tài liệu WikiLeaks cho thấy Chính phủ Mỹ đang lo lắng vì Chính phủ Trung Quốc đang thuê các hackers hàng đầu để khởi động chiến dịch chiến tranh qua mạng.

Một báo cáo mật của Chính phủ Mỹ từ tháng 6/2009 cho thấy khả năng rất lớn là Chính phủ Trung Quốc đang đầu tư vào các tài năng có năng khiếu trong các khu vực tư nhân để tăng cường khả năng tấn công và phòng thủ cho các hệ thống mạng thông tin của nước này.

Can thiệp vào tàu chiến và hậu cần

Những cuộc tấn công mạng kể trên không chỉ mới xuất hiện thời gian gần đây.

Từ năm 2002, những kẻ xâm nhập trên mạng, được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc đã phát tán mã độc hại trong hệ điều hành Windows để ăn cắp thông tin đăng nhập nhằm truy cập vào hệ thống của Chính phủ Mỹ cũng như hệ thống các công ty quốc phòng ở nước này.

Tuy nhiên, trên tờ China Youth Daily, các học giả Zheng and Zhao Baoxian của Học viện Khoa học quân sự (Trung Quốc) cho biết: ”Các cơn lốc xoáy vừa quét qua internet trên toàn thế giới gây nên những tác động ồ ạt. Đằng sau cơn lốc này là cái bóng của Mỹ”.

Bài viết cũng khẳng định Trung Quốc đã sẵn sàng cho cuộc chiến tranh trên mạng: “Đối mặt với những dấu hiệu nóng lên của chiến tranh trên internet, mọi quốc gia và quân đội không thể ở thế bị động mà phải chuẩn bị cho cuộc chiến này”.


Quân đội Mỹ là mục tiêu của chiến trang mạng do quá phụ thuộc vào máy tính?


Ông Bruce Schneir, chuyên gia công nghệ, cũng là tác giả của nhiều cuốn sách và được tờ The Economist miêu tả là chuyên gia hàng đầu về bảo mật cho biết: “Làm cách nào để chúng ta biết được địa chỉ chính xác của thủ phạm để tấn công ngược lại? Điều đó là không thể”.

Trả lời tờ Al Jazeera, ông Schneier khẳng định việc xác định quốc tịch của một cuộc tấn công mạng là không khả thi.

Tuy nhiên, ở Trung Quốc, hầu hết các tập đoàn, đội nhóm đều có liên quan và chịu sự chi phối của chính phủ. Điều đó có nghĩa, nhiều khả năng chính phủ Trung Quốc có sự hiểu biết nhất định về điều gì đang diễn ra, ông Stiennon cho biết.

Giáo sư Kuehl ở ĐH Quốc Phòng Mỹ cho rằng: “Trung Quốc đã xem xét rất kỹ đối thủ quân sự lớn nhất của họ là Mỹ và nhận ra điểm yếu của Mỹ là quá phụ thuộc vào các hệ thống máy tính”.

Từ quan điểm đó, giáo sư Kuehl cho rằng chiến lược của Trung Quốc gồm 2 phần, phần đầu các cuộc tấn công sẽ làm suy yếu bộ máy chiến tranh của Mỹ tại chính đất nước này và ngăn chặn Mỹ khởi động lại bộ máy.

Phần thứ hai, các cuộc tấn công mạng vào tàu chiến cũng như hệ thống hậu cần sẽ là những đòn quyết định.

Giáo sư Kuehl cho biết: “Đối với quan điểm của quân đội, các mối đe dọa đến từ thao tác với thông tin. Điêu gì sẽ xảy ra khi các thông tin hiển thị trên máy tính bạn về điều khiển sân bay, các lực lượng được triển khai, các mệnh lệnh đều bị làm sai lệch?”.

Đánh lạc hướng dư luận và kiểm duyệt

Tuy nhiên cũng có chuyên gia rằng, nguy cơ về cuộc chiến tranh mạng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể chỉ là cách đánh lạc hướng dư luận của Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm tăng ngân sách quốc phòng cũng như tạo cớ cho việc kiểm duyệt nội dung trên internet.



Có thực sự có cuộc tấn công mạng vào Mỹ từ phía Trung Quốc?


Ông Schneier cho biết hàng triệu các cuộc tấn công dạng này xảy ra hàng ngày.Theo ông, cuộc tấn công vừa rồi vào Google còn ở mức đổ giản đơn và xảy ra thường xuyên.

Giám đốc công nghệ của quỹ vận động vì tự do điện tử, ông Chris Palmer cho biết cuộc chiến tranh mạng chỉ là tấm màn che để hạn chế sự tự do ngôn luận trên internet. Theo ông Chris Palmer, chiến dịch an ninh mạng của Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ chỉ phóng đại các mối đe dọa và thu hút tiền từ đó.

Cũng theo ông này, giải pháp trả đũa bằng quân sự không phải là đường lối hiệu quả để bảo vệ Mỹ khỏi các cuộc tấn công mạng. Giải pháp hiệu quả đơn giản hơn là cách ly các dữ liệu nhạy cảm khỏi internet.

Quyền truy cập vào các tài liệu quân sự hoặc các mạng lưới điều khiển cơ sở hạ tầng quan trọng như nguồn nước, cơ sở hạt nhân nên được bảo vệ một cách thủ công, ông Palmer nói.

Trong những năm 1980 và đầu những năm 1990, những nhà máy điện được chạy trong các mạng lưới riêng tuy nhiên hiện nay những hệ thống điều khiển này đã trở nên kém bảo mật hơn khi giao tiếp qua mạng internet.

Nguyên nhân giải thích cho việc này là giá thảnh rẻ hơn, thay vì sử dụng mạng lưới riêng, các công ty chuyển qua sử dụng mạng thông thường.

Còn về phía các công ty quốc phòng, các cuộc tấn công mạng vào các công ty này mang nhiều ý nghĩa kinh tế hơn là cuộc chiến tranh mạng vì các công ty luôn tìm cách đánh cắp thông tin cũng như các dự án bí mật của đối thủ cạnh tranh.

Nhà phân tích bảo mật Richard Stiennon nói: “Tất cả các vấn đề này đều mới, chúng ta không có cơ sở trong luật pháp quốc tế hoặc cơ sở pháp lý để xây dựng chiến lược phản ứng lại các cuộc tấn công dạng này”. Điều này cho thấy sự cần thiết đối với các quy tắc quốc tế cho các cuộc chiến tranh qua mạng.

Tuy nhiều người cho rằng các điều luật quốc tế thường chỉ có giá trị trên giấy nhưng các điều luật này có thể giúp tạo ra 1 khung để hạn chế các cuộc chiến tranh mạng thay vì không có gì như hiện nay.

Chuyên gia Bruce Schneier cho rằng cuộc họp về chiến tranh mạng của Liên Hợp Quốc là một điều nên làm về lúc này.


[BDV news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang