Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Không quân Đức

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Không quân Đức. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Không quân Đức. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

>> F-22 cũng "thường" thôi ?

Chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Đức đã chiến đấu "ngang cơ" với máy bay tàng hình F-22 của Không quân Mỹ trong cuộc chiến giả định Red Flag.

>> Tại sao 'siêu phẩm' F-22 'mất điểm'?


Giữa tháng 6/2012, cuộc tập trận Red Flag diễn ra ở căn cứ không quân Eielson ở Alaska. Red Flag có sự tham gia của hơn 100 máy bay chiến đấu đến từ Không quân Đức, Mỹ, Nhật Bản, Australia và một số nước NATO.

Trong cuộc tập trận kéo dài 2 tuần này, các máy bay chiến đấu Typhoon của Đức đã chống lại máy bay F-22 đơn lẻ trong một cuộc diễn tập chiến đấu cơ bản, một cuộc chiến mô phỏng tầm gần.

Cuộc chiến tưởng chừng “không cân sức” bởi một bên là chiến đấu cơ tàng hình tốt nhất thế giới F-22 Raptor và một bên là chiến đấu cơ không tàng hình Typhoon của châu Âu.

Tuy nhiên, kết quả công bố thật quá ngạc nhiên đối với cả người Đức và có lẽ cả người Mỹ. Trong tổng số lần đối mặt giữa F-22 và Typhoon, số lần máy bay của cả hai bên bị kẻ thù giả định tiêu diệt đều bằng nhau. Đây là một kết quả không tưởng với nhiều người.


http://nghiadx.blogspot.com
F-22 đã không thể chiến thắng áp đảo trước Typhoon. Chiến thuật của người Đức được tiết lộ trong Tạp chí Combat Aircraft số ra tháng 7/2012.

“Chúng tôi đã ngang cơ nhau”, Thiếu tướng Gruene nói với phóng viên Jamie Hunter của Tạp chí Combat Aircraft.

Tướng Gruene đã chỉ ra cách làm thế nào mà Typhoon có thể chiến đấu tốt với máy bay tàng hình của Mỹ. “Điều quan trọng, máy bay của bạn phải cố gắng tiếp cận được F-22 càng gần càng tốt…và duy trì được cự li gần như vậy. Họ (Không quân Mỹ) không nghĩ chúng tôi lại hung hăng như thế”, Tướng Gruene nói thêm.

Tướng Gruene cũng nói rằng, F-22 Raptor thực sự “vượt trội” khi chiến đấu ở ngoài tầm nhìn do đạt được tốt độ cao, trần bay cao, radar tinh vi và trang bị các tên lửa tầm xa AMRAAM.

Tuy nhiên, trong một cuộc chiến ở cự ly gần hơn, tốt hơn nữa là có thể hỗn chiến với F-22, máy bay tàng hình Mỹ có kích thước lớn và nặng hơn so với Typhoon và sẽ gặp bất lợi. “Ngay khi bạn tiến lại gần hơn …Typhoon không cần phải lo ngại về F-22”, Tướng Gruene bình luận.

Việc máy bay tàng hình F-22 không áp đảo được kẻ thù giả định là chiến đấu cơ Typhoon khiến Không quân Mỹ lo lắng.

http://nghiadx.blogspot.com
Chiến đấu cơ Typhoon.

Trong nhiều năm qua, Không quân Mỹ đã công bố Raptor là tiêm kích tuyệt vời. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, trong năm 2009, còn tự tin cắt giảm số lượng máy bay F-22, mới sản xuất được 187 chiếc.

Khi đó, ông Gates nói rằng, F-22 là một máy bay tàng hình chiếm ưu thế trên không tốt nhất từng được chế tạo” và dự đoán “nó sẽ bảo đảm cho Quân đội Mỹ là chủ bầu trời trong những thập kỷ tiếp theo”.

Từ sau đó, các máy bay F-22 “từ từ” được quản chế, thậm chí bị cấm bay trong thời gian dài sau khi xảy ra các sự cố kỹ thuật làm phi công bị nghẹt thở.

Tác giả David Axe, Biên tập viên của Danger Room thừa nhận, các lực lượng không quân tiên tiến phải lên kế hoạch để làm cho các chiến đấu cơ của họ phải chiến đấu ngay từ khoảng cách xa và tránh xa những cuộc “hỗn chiến” đầy mạo hiểm - điều mà Tướng Gruene thừa nhận trong ý kiến của ông về cách làm thế nào để có thể chống lại được máy bay chiến đấu tàng hình tốt nhất thế giới F-22.

Tuy nhiên, có những bằng chứng cho rằng, trong thực tế, hầu hết các cuộc chiến trên không trong chiến tranh hiện đại đều xảy ra ở những khoảng cách gần.

Đó là thực tiễn không vui vẻ gì với F-22, đặc biệt khi các đối thủ tiềm tàng của nó là tiêm kích Nga hay Trung Quốc. Nếu kinh nghiệm của người Đức được các nước khác áp dụng, chiến đấu cơ được nhiều ca ngợi như F-22 sẽ phải đối mặt với cái chết.

(Nguồn :: BDV )

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

>> Những hung thần đáng sợ trên bầu trời



Fokker, A6M Zero, B – 29 hay nhiều cái tên khác chính là những cái tên gây nên nỗi khiếp sợ trên bầu trời trong những chiến trường lớn trên toàn thế giới.

Dưới sự giúp đỡ của một số chuyên gia hàng không và các cựu phi công chiến đấu, Popular Mechanics tổng kết lịch sử những chiếc máy bay sử chiến đấu. Dưới đây là danh sách 6 chiếc máy bay “tử thần” nhất trong suốt 100 năm qua, dựa trên sự thống trị bầu trời của loại máy bay trong thời kỳ nó còn hoạt động:

Fokker Eindecker


Những hình ảnh tư liệu về chiếc Fokker phục vụ quân đội Đức.


Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu sau khi anh em nhà Wright thực hiện chuyến bay đầu tiên khoảng một thập kỷ. Kể từ đó, công nghệ hàng không đạt được nhiều bước phát triển vượt bậc.

Các kỹ sư trên khắp thế giới cùng nhau sáng tạo và thiết kế nên những chiếc máy bay có khả năng hoạt động lâu dài và cơ động. Nhà nghiên cứu lịch sử hàng không Walter Boyne nhận xét: “Vào thời điểm đó, sự bổ sung, cải tiến mới liên tiếp xuất hiện. Chẳng có một chiếc máy bay nào có thể giữ vai trò thống trị trong thời gian dài”.

Thế nhưng, trong suốt 8 tháng cuối năm 1915, máy bay Fokker Eindecker của Không quân Đức đã hoành hành trên bầu trời châu Âu. Nhiều nhà sử học gọi giai đoạn này là “Tai họa Fokker”. Boyne nói, chiếc máy bay mới và khủng khiếp của quân Đức đã gây ra cả sự sợ hãi lẫn căm phẫn đối với những chính phủ phe Hiệp ước.


Điểm vượt trội của Fokker là việc đồng bộ hóa súng máy và cánh quạt trước.


Cha đẻ của Eindecker là nhà thiết kế người Đức, Anthony Fokker; tên ông được đặt cho sản phẩm của mình. Anthony đã tìm cách đồng bộ bánh răng của cánh quạt và súng máy, giúp hỏa lực được bố trí hợp lý và thuận tiện cho việc không kích hơn mà không ảnh hưởng tới hoạt động bay. Trước đó, hầu hết các loại máy bay chiến đâu đều bố trí súng máy ở bên sườn do đó, phi công không thể bắn qua cánh quạt hoặc thân máy bay. Chính điều kỳ lạ này đã gây sốc cho những phi công Pháp và Anh.

Ngoài ra, Fokker còn gây nỗi sợ hãi về mặt tâm lý cho lực lượng dưới mặt đất. Bên cạnh việc phải đối mặt với xạ thủ, khí độc và pháo binh, lực lượng dưới mặt đất còn phải lo lắng với cái chết đến từ trên không.

Nhờ hoạt động tình báo, Pháp và Anh đã có được bản vẽ của Eindecker, thiết kế giúp thay đổi quan điểm về máy bay quân sự. Boyne nhận xét, Fokker chính là sự khởi đầu cho những chiếc máy bay giết người.


Thời kỳ đầu, Fokker chỉ được trang bị động cơ Oberursel U-1 100 mã lực.


Trang bị kỹ thuật:

Phi hành đoàn : 1người

Dài : 7,30 m; Sải cánh : 10,04 m; Cao : 2,49 m

Trọng lượng không tải : 399 kg; Tối đa khi cất cánh : 610 kg

Động cơ : 01 động cơ cánh quạt 09 xi-lanh Oberursel U-1 có 100 mã lực.

Tốc độ : 150 km/giờ; Trần bay: 3.600 m; Tầm hoạt động : 360 km

Hỏa lực : 01 súng máy 7,92mm MG.08.

Bay lần đầu : tháng 12/1915; Số lượng sản xuất : 249 chiếc.

A6M Zero

A6M Zero chính là con bài chủ lực trong giai đoạn đầu Thế chiến II của Nhật.


Theo John Parshall, tác giả cuốn Thanh kiếm vỡ: Câu chuyện chưa kể về trận chiến Midway, vào thời điểm bắt đầu nổ ra Thế chiến II, Hải quân Đế quốc Nhật đã vượt trội hơn nhiều so với Mỹ nhờ khai thác hiệu quả sức tàn phá hủy diệt của những chiếc máy bay ném bom bổ nhào và thủy phi cơ.

Parshall cho biết, sức mạnh thật sự của Hải quân Nhật nằm ở những chiến đấu cơ Zero do Mitshibishi sản xuất. Sức mạnh của Zero chính là sự cơ động. Các nhà thiết kế Nhật Bản đã đánh đổi thiết kế tiêu chuẩn như thùng xăng, vỏ bảo vệ để tạo nên mẫu máy bay cơ động, giảm khả năng trúng đạn.

Với Zero quân đội Nhật Bản sử dụng những phi công lão luyện nhất để khai thác những lợi thế triệt để sự cơ động khiến phi công của quân Đồng Minh phải học cách phản ứng thật nhanh với những chiếc Zero trong các cuộc hỗn chiến trên không.


Khả năng ưu việt nhất của Zero là tính cơ động cực cao.


Điều không may cho Hải quân Nhật là chiến tranh kéo dài, tiến bộ của công nghệ không cho phép bất kỳ loại máy bay nào mãi là ông hoàng trên bầu trời.

Các phi công của phe Đồng Minh vạch ra cách đối phó với Zero bằng cách dụ phi công Nhật không chiến ở độ cao 6,7 km, khiến khả năng cơ động của những chiếc Zero giảm sút đáng kể, thay vào đó là sự vượt trội của những chiếc máy bay động cơ mạnh của Mỹ. Người Mỹ không chỉ tạo ra những chiếc máy bay tốt hơn mà còn chế tạo với số lượng nhiều hơn. Trong khi đó, quân đội Nhật không đáp ứng được khả năng sản xuất để cạnh tranh. Nhất là, trong sản xuất các bộ phận của Zero đều được làm thủ công. Chính những sự thay đổi này đã đem đến những chiến thắng cho quân đội Mỹ trong trận Biển San Hô, trận Midway và trận đánh tại quần đảo Solomon.

Nhật Bản sử dụng những chiếc phi cơ Zero đến tận năm 1945. Khi đó, nó trở nên lỗi thời so với chiến đấu cơ mới như Spitfires, Hurricanes của Không quân Anh; P-51 và P-38 của Mỹ. Tuy nhiên, Parshall cho rằng, không thể phủ nhận tầm quan trọng và khả năng hủy diệt của những phi cơ Zero vào thời kỳ hoàng kim của nó.


Hình ảnh một chiếc A6M Zero xuất phát từ một tàu sân bay của Nhật.


Trang bị kỹ thuật:

Phi hành đoàn : 1 người

Dài : 9,06 m; Sải cánh : 12,0 m; Cao : 3,05 m

Trọng lượng không tải : 1.680 kg; Tối đa khi cất cánh : 2.410 kg.

Động cơ : 01 động cơ cánh quạt Nakajima Sakae 12 có 950 mã lực.

Tốc độ : 533 km/giờ; Trần bay: 10.000 m; Tầm hoạt động : 3.105 km.

Hỏa lực : 2 súng máy 7,7mm; 2 pháo 20mm; 2 bom 60kg, hoặc 2 bom 250kg gắn cố định khi tấn công cảm tử (kamikaze).

Bay lần đầu : 1/4/1939; Số lượng sản xuất : 11.000 chiếc.

Pháo đài bay B-29

B-29 thực sự là pháo đài bay với khả năng mang tới 6 tấn vũ khí.


Thời kỳ Chiến tranh thế giới lần I và giai đoạn đầu Thế Chiến II, những chiếc máy bay chiến đấu là nỗi sợ hãi với bất kỳ lực lượng nào, nhưng so với giai đoạn sau, chiến đấu cơ chỉ là một ván bài nhỏ. Đó là bình minh của những chiếc máy bay thả bom, kẻ phá hoại khủng khiếp từ bầu trời.

Có thể kể đến những cái tên như: Ju-87 và Ju-88 của Không quân Đức, những chiếc Avro Lancaster với khả năng thả bom hằng đêm trên đất Đức hoặc những chiếc B-17, B-24 của Mỹ có khả năng thả bom suốt ngày. Tuy nhiên, những kẻ hủy diệt này không thể sánh được với B-29, chiếc máy bay thả bom tầm xa đầu tiên của Mỹ.


Trong những trận dội bom, B-29 đi theo đội hình 20 chiếc.


B – 29 là sản phẩm của hãng hàng không Boeing, tham gia Thế chiến II khá muộn. Chiếc máy bay ném bom này bắt đầu tham gia chiến đấu vào năm 1944, là một phần của chiến dịch Matterhorn.

Theo đó, B- 29 sẽ tiến hành oanh tạc bom lên Nhật Bản với điểm xuất phát từ căn cứ đặt tại Trung Quốc. Mỗi pháo đài bay có thể mang tới 6 tấn bom và dội bom khi bay với đội hình có tới 20 chiếc trong một trận càn quét.

Theo thống kê, con số thiệt hại về người do những trận mưa bom mà B-29 dội xuống những thành phố như Tokyo, Yokohama lớn hơn nhiều tổn thất về người do vụ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima vào ngày 6/8/1945 và thành phố Nagasaki ngày 9/8/1945. Tính đến cuối năm 1945, pháo đài bay B – 29 đã giết hại hàng trăm nghìn người.

Pháo đài bay B – 29 tiếp tục phục vụ trong chiến tranh Triều Tiên và không thường xuyên cho đến năm 1960, khi dần bị thay thế bởi những loại máy bay ném bom mới hơn.

Boyne nhận xét, chính khả năng vận chuyển tầm xa và mang vũ khí hạt nhân của B-29 đã mở ra con đường phát triển rực rỡ của dòng máy bay ném bom chiến lược, đặc biệt trong Chiến tranh lạnh.


B-29 là tiền đề phát triển cho các loại máy bay thả bom trong Chiến tranh lạnh


Trang bị kỹ thuật:

Phi hành đoàn : 11 người Dài : 30,17 m; Sải cánh : 43,05 m; Cao : 8,46 m

Trọng lượng không tải : 33.800 kg; Tối đa khi cất cánh : 60.560 kg

Động cơ : 4 động cơ cánh quạt Wright R-3350-23/23A công suất 2.200 mã lực mỗi chiếc.

Tốc độ : 574 km/giờ; Trần bay: 10.200 m; Tầm hoạt động : 9.380 km

Hỏa lực : 12 súng máy 12,7mm M2 Browning điều khiển tự động ở các pháo tháp; 1 pháo 20mm M2 ở đuôi; 9.000 kg bom, có thể mang 2 bom 10.000kg T-14 Earthquake.

Bay lần đầu : 21/9/1942; Số lượng sản xuất : 3.970 chiếc.


[BDV news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang