Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Khu vực Ấn Độ Dương

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Khu vực Ấn Độ Dương. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Khu vực Ấn Độ Dương. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

>> Nga hiện đại hóa radar đóng ở Azerbaijan



Theo hãng tin ITAR - TASS, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov đã đưa ra đề xuất tiếp tục khai thác trạm radar Gabala trên lãnh thổ Azerbaijan.




Trạm Gabala đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa của nước Nga.


Tuyên bố này được đưa ra trong cuộc gặp gỡ giữa ông Anatoly Serdyukov và Bộ trưởng Quốc phòng Azerbaijan Safar Abiyev.

Ông Serdyukov cho biết thêm, “Về trạm radar Gabala, chúng tôi đã đề xuất chuẩn bị mở rộng và nâng cấp hơn nữa. Nga có kế hoạch rõ ràng để hiện đại hoá trạm radar Gabala”.

Sau ngày 15/8, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga sẽ thảo luận chi tiết từng điểm của thỏa thuận về việc khai thác trạm radar Gabala với Bộ trưởng Quốc phòng Azerbaijan. Tại cuộc thảo luận rộng rãi sẽ thông qua các vấn đề gia hạn hợp đồng cho thuê và ký một thỏa thuận mới.

“Chúng tôi cũng sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đến hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật - quân sự. Chúng tôi đã có một mối quan hệ khá tốt đẹp trong các lĩnh vực này. Chúng tôi sắp kết thúc kế hoạch của năm 2010, còn kế hoạch năm 2011, chúng tôi tự tin rằng sẽ thực hiện tất cả kế hoạch đó theo lịch trình," ông Serdyukov nói.

Năm 2002, Nga đã thuê trạm Gabala đặt trên đất Azerbaijan với giá 14 triệu USD/năm với thời hạn hợp đồng 10 năm (hết hạn vào tháng 12/2012). Nga sử dụng trạm radar này để kiểm soát khoảng không vũ trụ phía nam của mình và cảnh báo sớm các tên lửa đạn đạo từ Iran, Pakistan và Ấn Độ.

Trạm radar Gabala (hay còn gọi là Trung tâm phân tích thông tin DTV) bắt đầu được xây dựng từ năm 1976 và đưa vào sử dụng năm 1985. Các chỉ số kỹ thuật có khả năng hoạt động đến năm 2012.

Phạm vi hoạt động của trạm radar lên đến 8.000 km, có thể phát hiện các vụ phóng tên lửa và theo dõi quỹ đạo bay của chúng từ tận Ấn Độ Dương cũng như kiểm soát toàn bộ không phận Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran, Ấn Độ và tất cả các quốc gia Trung Đông.

Cấu tạo trạm Gabala là trung tâm ăng ten mảng pha với kích thước 100x100 m, đảm bảo phát hiện các mục tiêu ở khoảng cách 6.000 km với phương vị quan sát 110 độ.
Gabala có tốc độ, độ chính xác cao, khả năng miễn dịch tiếng ồn. Gabala có thể phát hiện và theo dõi khoảng 100 mục tiêu cùng lúc.

Hiện nay có 1.400 binh lính Nga có mặt tại để bảo vệ và duy trì hoạt động cho trạm. Các vấn đề về trạm radar Gabala đã thường xuyên là chủ đề của các cuộc tranh luận nội bộ, cả trong quốc hội Azerbaijan.

[BDV news]


Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

>> Báo Nga: 'Ấn Độ, Mỹ sau lưng Việt Nam'



Ấn Độ và Mỹ sẽ trợ giúp Việt Nam trước nỗi lo về sự trỗi dậy mạnh bạo của Trung Quốc.


Tờ Sự thật (Pravda) của Nga vừa đăng bài bình luận về việc Ấn Độ và Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với vấn đề biển Đông.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Việt Nam không đơn độc trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Trong tương lai gần, hạm đội tàu khu trục của Ấn Độ sẽ tới biển Đông. Đây là một nhóm khu trục hạm có hệ thống điều khiển phòng thủ tên lửa.

Theo những báo cáo từ New Delhi cuối tháng 6/2011, Hải quân Ấn Độ có dự định đóng quân lâu dài ở biển Đông. Phía Ấn Độ đã có kế hoạch xây dựng sự hiện diện quân sự tại vùng biển này.

Theo thông báo chính thức của chính phủ Ấn Độ, sự hiện diện lâu dài ở biển Đông giúp Ấn Độ nâng cao vai trò của mình trong khu vực Đông Nam Á, nơi có đường vận chuyển hàng hải chiến lược từ Thái Bình Dương vào Ấn Độ Dương đi qua.

Cụ thể, phía Việt Nam sẽ cung cấp bến đỗ cho tàu chiến Ấn Độ cũng như căn cứ hải quân ở Nha Trang và vịnh Hạ Long. Ấn Độ cũng sẽ cung cấp viện trợ giúp Việt Nam phát triển lực lượng hải quân thông qua đóng tàu mới và huấn luyện thủy thủ Việt Nam.

Bằng động thái trên, Ấn Độ, một trong những đối thủ lớn của Trung Quốc trong khu vực đã cho thấy kế hoạch ngăn cản sự mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.



Tàu khu trục Ins-Mumbai của Ấn Độ từng cập Cảng Đình Vũ, Hải Phòng năm 2009 trong chuyến thăm Việt Nam.


Trước đó, Trung Quốc không che giấu dã tâm thiết lập tầm kiểm soát trên toàn biển Đông cũng như những quần đảo nằm trong khu vực. Lý do dã tâm này ngoài đường vận chuyển hàng hải chiến lược còn có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên phong phú ở biển Đông.

Hiện tại, Trung Quốc đang kiểm soát quần đảo Hoàng Sa (chiếm từ Việt Nam năm 1974) và một số đảo chìm ở Trường Sa một các bất hợp pháp.

Trong 6 tháng đầu năm 2011, Trung Quốc đã có nhiều hành động khiêu khích với cả Việt Nam và Philippines. Mức độ căng thẳng tăng cao đến mức Manila phải kêu gọi sự hỗ trợ từ Washington cũng như gia nhập và phát triển mặt trận đoàn kết chống mối đe dọa từ Trung Quốc với các nước trong khu vực.

Nguyên nhân của việc Trung Quốc đẩy cao các căng thẳng là do áp lực từ việc giá xăng tăng cao cũng như cuộc thương lượng về giá gas giữa Trung Quốc và Nga không có nhiều tiến triển.

Mặc dù, hải quân Trung Quốc vượt trội so với Hải quân Việt Nam và Philippines nhưng căng thẳng tăng cao đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực cảnh giác với Trung Quốc. Indonesia cũng bày tỏ lo ngại việc Trung Quốc dùng quần đảo Trường Sa làm bàn đạp để nhảy vào những quốc gia gần đó như Malaysia và Indonesia.

Với Ấn Độ, một lý do khác để nước này lo ngại sự mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc là Pakistan cung cấp cho Trung Quốc một căn cứ hải quân ở bờ biển nước này.Trong trường hợp, sức mạnh của Trung Quốc ở biển Đông được tăng cường, Ấn Độ sẽ có nguy cơ "lưỡng đầu thọ địch".

Ca sĩ phía sau hậu trường

Tuy nhiên, thế giới cũng không nên quên về "ca sĩ phía sau hậu trường" khi nói về vấn đề biển Đông và Trung Quốc. Nước Mỹ đang đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng liên minh chống Trung Quốc với Ấn Độ.

Từ sau tháng 12/2007, nhiều quan chức Mỹ có ảnh hưởng, bao gồm cả giám đốc CIA đã thường xuyên đến thăm Việt Nam. Đối diện với sự đe dọa từ phía Trung Quốc, 2 bên đều thể hiện ý muốn quên đi bất bình trong quá khứ. Điều này càng làm rõ hơn khả năng hiện diện quân sự của Mỹ và Ấn Độ trong khu vực trong tương lai gần.

Cả Ấn Độ và Mỹ đều sẽ không giới hạn bản thân trong những cuộc gặp xã giao mà sẽ tiếp tục tiến hành đào tạo lực lượng hải quân Việt Nam. Điều này sẽ gây ra những phản ứng từ phía Trung Quốc như kêu gọi Mỹ không can thiệp vào những tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông.

Tuy nhiên, những lời kêu gọi này khó mà dọa nạt được người Mỹ. Nếu không tăng cường các hoạt động trong khu vực, người Mỹ sẽ mất nhiều lợi ích cũng như những điểm chiến lược quan trọng về mặt địa lý về tay Trung Quốc.

[BDV news]


Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

>> Ấn Độ chi 100 tỷ rupee mở rộng căn cứ hải quân





Hải quân Ấn Độ đã sẵn sàng chi khoảng 100 tỷ rupee cho dự án mở rộng căn cứ hải quân chiến lược Karwar tại bang Karnataka. Tàu sân bay INS Vikramaditya, tàu ngầm tấn công Scorpene các một số tàu chiến khác dự kiến sẽ được đặt tại căn cứ này trong tương lai.


Tuyên bố được đưa ra vào thời điểm Ấn Độ đang phải đối mặt với khả năng Trung Quốc có thể sử dụng cảng biển nước sâu Gwadar tại Pakistan làm nơi triển khai tàu chiến. Cảng Gwadar của Pakistan được Trung Quốc giúp đỡ xây dựng từ thập kỷ trước và kéo dài cho tới bây giờ.




Trước đó, thông tin này được Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Ahmed Mukhtar khẳng định khi công khai tuyên bố Islamabad đã yêu cầu Bắc Kinh xây một căn cứ hải quân tại Gwadar, tạo ra lối vào trực tiếp tới khu vực vùng Vịnh.

Mặc dù, Trung Quốc sau đó đã nhanh chóng phủ nhận không quan tâm gì đến việc thiết lập một căn cứ hải quân tại Gwadar, nhưng vai trò lo lớn của Bắc Kinh trong việc xây dựng các cảng ở Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka lại khẳng định nỗ lực của Trung Quốc trong việc thực hiện chiến lược “chuỗi ngọc trai” của nước này tại khu vực Ấn Độ Dương.

Pakistan có 5 căn cứ hải quân và cảng biển lớn tại Gwadar, Ormara, Karachi, Pasni và Jiwani, trong khi đó căn cứ Karwar của Ấn Độ là căn cứ hải quân lớn thứ ba sau Mumbai và Visakhapatnam, thuộc bờ biển phía Đông.

“Sau một thời gian trì hoãn, Bộ quốc phòng đã chuẩn bị một báo cáo giải trình cho Ủy ban An ninh Nội các (CCS) về giai đoạn 2A của dự án “Seabird” tại Karwar sau khi điều chỉnh báo cáo dự án chi tiết”, một quan chức cho hay.

Dự án Seabird vẫn còn nhùng nhằng do sự trì hoãn lâu dài, và rắc rối khác liên quan đến vấn đề ngân sách kể từ khi được phê duyệt vào năm 1985 với chi phí ban đầu là 3,5 tỷ rupee. Giai đoạn 1 đã hoàn thành với tổng chi phí là 2,63 tỷ rupee, cho phép hải quân đặt 11 tàu chiến tại Karwar.

Trong gia đoạn 2, ngoài vai trò là cảng cho tàu neo và cập bến, Karwar còn là một căn cứ không quân, kho vũ khí, xưởng sửa chữa và đóng tàu, và hầm chứa tên lửa. Mục tiêu cuối cùng nhằm đặt khoảng 50 tàu chiến lớn tại Karwar sau khi giai đoạn 2B hoàn tất.

Sau khi hoàn tất công việc xây dưng, Hải quân Ấn Độ sẽ triển khai hai nhóm chiến đấu trên tàu sân bay INS Vikramaditya 44.570 tấn và tàu sân bay nội địa 40.000 tấn, dự kiến sẽ được biên chế vào 2015. Karwar là một căn cứ quan trọng cho hoạt động của lực lượng hải quân Ấn Độ tại Ấn Độ Dương và xa hơn nữa.


[Vitinfo news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang