Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Hệ thống phòng thủ tên lửa

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Hệ thống phòng thủ tên lửa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hệ thống phòng thủ tên lửa. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

>> Tương lai của phòng thủ tên lửa Mỹ ở châu Á

Tên lửa đánh chặn SM-3 không cần dữ liệu từ các tàu chiến Aegis sẽ là tương lai của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ tại châu Á?

>> Bí mật chiến lược Xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ (Kỳ 1)
>> Hàn-Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa chung


Tập đoàn Raytheon vừa đạt một dấu mốc quan trọng khi thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo RIM-161 Standard Missile 3 (SM-3), sử dụng kết nối dữ liệu non-Aegis (không cần dữ liệu điều khiển từ tàu phóng). Đây là một bước quan trọng trong nỗ lực trang bị thêm cho các tàu chiến toàn bộ tên lửa thuộc “đại gia đình” Standard Missile.

SM-3 cho tàu chiến “không” Aegis

SM-3 được xem là tên lửa đánh chặn hàng đầu thế giới hiện nay, xét về tầm bắn, các công nghệ được áp dụng khó có loại tên lửa nào trên thế giới có thể so sánh.

Tên lửa đánh chặn SM-3 Block IA sử dụng kết nối dữ liệu dải băng S có thể “bắt tay” với radar mạng pha AN/SPY-1 – “trái tim” hệ thống chiến đấu Aegis để cung cấp dữ liệu dẫn đường tới các mục tiêu bay tầm trung trong khí quyển. Tên lửa đánh chặn SM-3 Block IB, biến thể đang được phát triển thêm và mong đợi sẽ đi vào hoạt động trong năm 2015, cũng sử dụng cơ sở kết nối dữ liệu dạng dải băng S.

Tuy nhiên, nhận thức được việc hạn chế việc phụ thuộc vào liên kết dữ liệu tương thích dải băng S làm giảm doanh số bán tên lửa SM-3 và đặc biệt trong hợp tác phòng thủ tên lửa. Tức là, các tàu chiến không có hệ thống chiến đấu Aegis đồng nghĩa với việc họ không thể sử dụng SM-3.


Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo SM-3 rời bệ phóng.

Vì thế, từ năm 2010, Tập đoàn Raytheon đã bắt đầu phát triển hệ thống kết nối dữ liệu sẽ sử dụng liên kết dải băng tần kép. Hệ thống có khả năng hoạt động trên các tàu chiến sử dụng radar ở cả dải tần S và X để liên lạc với tên lửa đánh chặn SM-3 mà không cần trang bị hệ thống Aegis.

Trong thời gian đó, những nỗ lực này có vẻ tập trung vào hải quân ở châu Âu. Hơn một tuần sau vụ thử ngày 5/3/2013, giới truyền thông đã xôn xao rằng, Mỹ đang bàn bạc một kế hoạch để “đồng bộ” tên lửa SM-3 với tàu chiến Hải quân Hà Lan, Đức và Đan Mạch.

Mặc dù không quốc gia nào trong số ba nước kể trên có dấu hiệu cho thấy họ sẽ ngay lập tức tính đến việc mua các tên lửa SM-3. Nhưng, Hải quân Hà Lan tiết lộ rằng, họ tính đến phương án nâng cấp hệ thống radar mạng pha tiên tiến và trinh sát đường không (SMART-L/APAR) và hệ thống phụ khác để có thể cung cấp dữ liệu mục tiêu cho SM-3. Hiện tại, 7 tàu chiến của Đan Mạch và Đức và 3 tàu của Hà Lan đều trang bị hệ thống radar SMART-L/APAR băng X.

Tương lai phòng thủ tên lửa Mỹ ở châu Á?

Trong khi bàn bạc về tương lai chương trình SM-3 ở Châu Âu vẫn đang tiếp diễn, thì Hải quân Mỹ đồng thời tập trung vào việc kết hợp chặt chẽ với các nước đồng minh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Với những nguy cơ về tên lửa đạn đạo từ các nước Đông Á không ngừng tăng lên. Tháng 8/2012, Lầu Năm Góc đã công khai về việc triển khai hệ thống radar băng X thứ 2 ở Nhật Bản. Ngoài ra, Mỹ đang tính tới kế hoạch triển khai hệ thống radar thứ 3 (có thể ở Philippines) nhằm thiết lập một “lá chắn” chống lại các nguy cơ tên lửa từ Triều Tiên.

Mặc dù các kế hoạch trên đều tránh gây ấn tượng rằng đó là nhằm vào “mục tiêu Trung Quốc”. Nhưng các chương trình kể trên đều nhằm “phòng xa” trước số lượng tên lửa đang không ngừng tăng lên mà Trung Quốc có thể chĩa vào căn cứ Mỹ - Đài Loan.

Với khả năng phòng thủ trên không tầm trung và tầm xa, SM-3 được xem là một giải pháp “bọc lót” cho hệ thống phòng thủ trên đất liền PAC-3 và tăng thêm ưu thế di chuyển trong đánh chặn.

Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Tương lai phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Á là sử dụng hệ thống SM-3 không cần Aegis.

Ở Đông Á, SM-3 Block IA đang được triển khai trên các tàu khu trục lớp Aegis của Hạm đội 7 (Mỹ) và Hải quân Nhật. Ngoài ra, Hải quân Hàn Quốc và Đài Loan cũng được trang vị rất nhiều biến thể tên lửa đối không tầm trung - xa SM-1 và SM-2.

Ngoài châu Âu, hải quân các nước trong khu vực châu Á với các hạm đội hiện đại hoàn toàn có khả năng trang bị tên lửa đánh chặn SM-3 như Đài Loan, Hàn Quốc và hàng loạt các nước trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương như Australia, Singapore và Ấn Độ.

Kể cả một hệ thống đồng bộ dữ liệu SM-3 với nhiều điểm giống với những gì đang bàn bạc ở Châu Âu cũng là một kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra ở Châu Á. Mặc dù ở thời điểm này kế hoạch đó vẫn chưa có vẻ gì là sẽ được tính đến.

Hơn nữa, cho dù nếu các nền hải quân trong khu vực không mặn mà hoặc không đủ khả năng để trang bị công nghệ SM-3 trên các tàu chiến của mình. Sự phát triển của công nghệ dải băng tần kép S/X và khả năng thích ứng với các nền tảng hiện tại. Nó sẽ giúp cung cấp khả năng theo dõi di động, linh hoạt và rộng rãi hơn cho các tên lửa SM-3 được triển khai bởi Mỹ và Nhật.

Trước những thử thách từ hệ thống tên lửa đạn đạo của Trung Quốc và Triều Tiên, cộng thêm những tranh chấp lãnh thổ đang lan rộng khắp nơi. Yêu cầu trang bị tên lửa đánh chặn ở châu Á-Thái Bình Dương chính là một trong những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường an ninh cho các đồng mình trong khu vực.

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

>> Bí mật chiến lược Xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ (Kỳ 1)

Loạt bài viết của chuyên gia Lê Hùng về Bí mật chiến lược Xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ, tham khảo từ công trình của N.P. Romashkina- chuyên viên chính Trung tâm an ninh thế giới Viện kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế Viện hàn lâm khoa học Nga, phó tiến sỹ khoa học chính trị, giáo sư Viện hàn lâm khoa học quân sự Nga đăng trên báo “ Bình luận quân sự độc lập” (Nga) và một số nguồn khác .


>> Lưới lửa phòng không của Nga


Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Cự ly bắn của các tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên: Tên lửa đạn đạo “Skud V”- 300 km, Tên lửa đạn đạo “Skud S”- 500 km, Tên lửa đạn đạo “Nodong” 1300 km, Tên lửa đạn đạo tầm trung -3200 km.

Xây dựng hệ thống phòng thủ chống tên lửa (Missile Defence -MD- từ đây xin được dùng từ viết tắt MD để bạn đọc đỡ mất thời gian) bố trí theo tuyến quy mô lớn toàn cầu (trong đó có hệ thông MD ở Châu Âu mà Mỹ mới quyết định tái triển khai chỉ là một bộ phận cấu thành) được Mỹ coi là một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong chính sách và chiến lược của mình, là phương tiện hiệu quả nhất để vô hiệu hóa các tên lửa đạn đạo (của đối phương), là nguồn lực quan trọng để củng cố và tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự quốc tế của Mỹ.

Mỹ sẽ lãnh đạo tiến trình này và ngoài việc bảo vệ lãnh thổ nước mình trước các đòn tấn công bằng tên lửa, giới lãnh đạo nước này cũng đã chính thức tuyên bố là việc bảo vệ lực lượng của Mỹ trên lãnh thổ các nước đồng minh và đối tác trước các mối đe dọa tên lửa khu vực là một lợi ích quan trọng sống còn của Mỹ.

Phòng thủ chống các mối đe dọa tên lửa

Trong thập kỷ gần đây, Mỹ đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể trong việc thiết kế, chế tạo và triển khai các phương tiện kỹ thuật và hệ thống MD khu vực. Tuy nhiên, Bộ quốc phòng Mỹ vẫn cho rằng các phương tiện hiện có rõ ràng là chưa đủ trong bối cảnh các mối đe dọa tên lửa tại một số khu vực đang ngày càng tăng thêm.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là triển khai các tổ hợp, hệ thống MD trong tương lai gần (đến năm 2015) và tương lai dài hạn. Mối quan tâm chủ yếu được tập trung vào việc tăng số lượng các hệ thống như trên đồng thời duy trì xác suất xảy ra rủi ro kỹ thuật ở mức thấp nhất.

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ quốc phòng Mỹ quyết định mua thêm các tổ hợp và hệ thống MD đã được kiểm nghiệm qua tác chiến thực tế như tổ hợp THAAD (Terminal High Altitude Area Defense – THAAD), tên lửa chống tên lửa SM-3 thuộc hệ thống “ Aegis- MD và trạm rada AN/TPY-2.

Giải pháp thứ hai cũng để thực hiện mục tiêu trên là tiếp tục hoàn thiện công nghệ. Đến thời điểm hiện tại tên lửa chống tên lửa “Standart-3” chỉ có thể phóng đi từ biển, nhưng đến năm 2015 sẽ có phiên bản mới của loại tên lửa SM-3 có thể phóng đi từ mặt đất để trang bị cho các tổ hợp “Aegis trên bờ”, điều đó sẽ tạo ra khả năng bảo vệ tốt hơn các khu vực được phân công bằng cách bố trí các tên lửa này ngay tại chính khu vực đó. Chúng sẽ tạo nên một hệ thống MD dày đặc tại các khu vực cần bảo vệ trước các tên lửa đạn đạo tầm trung của đối phương .

Bộ quốc phòng Mỹ cũng đồng thời hiện đại hóa chính tên lửa chống tên lửa “Standart-3”. Đến năm 2015 sẽ có biến thể mới của “Standart-3 “là SM-3 Block IB với đầu đạn tự dẫn cải tiến nâng cao khả năng đánh chặn được đưa vào trang bị, đảm bảo tốt hơn việc nhận biết mục tiêu và mở rộng diện tích khu vực cần bảo vệ.

Diện tích các khu vực được bảo vệ bởi các tên lửa chống tên lửa được triển khai cả trên biển và trên đất liền sẽ được tăng lên đáng kể bằng cách cải tiến công nghệ phóng theo các dữ liệu chỉ mục tiêu của các phương tiện thông tin từ xa.

Mỹ cũng tiếp tục phát triển các hệ thống chỉ huy tác chiến và liên lạc đa năng (Command and Control, Battle Management, and Communications – C2BMC), tích hợp nhiều phương tiện thông tin khác nhau đảm bảo khả năng lập kế hoạch chiến dịch, thông báo tình huống và cảnh báo cho những người có trách nhiệm ra các quyết định ở tất cả các cấp.

Sự phát triển như vậy sẽ gồm việc đưa vào sử dụng các cảm biến MD đang có và sẽ có, các phương tiện hỏa lực hiện có như THAAD, “Patriot”, các biến thể của SM-3 và GBI (Ground- Based - Interceptor).

Những thiết kế mới như vậy sẽ cho phép thỏa mãn yêu cầu của các hệ thống MD ở các khu vực khác nhau và đồng thời cũng làm cho trường thông tin của Mỹ tương thích với các tổ hợp và hệ thống chống tên lửa mà Mỹ thiết kế chế tạo chung với các đồng minh và đối tác của mình.

Còn một phương tiện nữa dự định sẽ triển khai nghiên cứu trước năm 2015, đó là hệ thống quang hồng ngoại điện tử lắp trên máy bay. Mục tiêu của dự án là đảm bảo đồng thời phát hiện và bám một số lượng lớn các tên lửa đạn đạo bằng các máy bay không người lái. Các máy bay này được phân công phạm vi không gian hoạt động và sẽ làm tăng đáng kể chiều sâu MD khu vực.

Trong học thuyết mới của Cơ quan nghiên cứu phòng chống tên lửa của Mỹ mang tên “Đánh chặn sớm” có một nội dung nghiên cứu khả năng kỹ thuật tiêu diệt tên lửa ngay trong giai đoạn đầu (giai đoạn phóng) trên quỹ đạo bay của tên lửa bằng cách sử dụng các phương tiện hỏa lực và thông tin hiện có.

Thay vì chỉ dựa vào các tên lửa chống tên lửa có kích thước lớn và tốc độ cao, các nhà nghiên cứu đề nghị giảm thời gian phản ứng của hệ thống phòng thủ chống tên lửa (gồm: thời gian truyền dữ liệu về mục tiêu, thời gian xử lý dữ liệu, thời gian ra quyết định về việc phóng tên lửa) để các phương tiện tiêu diệt tên lửa có thể đánh chặn được mục tiêu sớm hơn. Việc thực hiện học thuyết này sẽ đảm bảo việc có thể lặp lại việc bắn mục tiêu đang tấn công trong trường hợp lần đánh chặn đầu bị thất bại.

Đến cuối thập kỷ này, Mỹ dự định nghiên cứu thiết kế các phương tiện hỏa lực và thông tin MD hoàn thiện hơn. Tên lửa chống tên lửa “Standart-3 “biến thể 2A (SM-3 Block IIA) sẽ có tốc độ phóng cao hơn và đầu tự dẫn hiệu quả hơn, có các tính năng kỹ- chiến thuật tốt hơn so với các biến thể SM-3 Block 1A hay biến thể SM- 1B và có khả năng mở rộng khu vực phòng thủ.

Ngoài ra, Mỹ cũng xem xét cấp kinh phí để phát triển công nghệ “Bắn mục tiêu từ xa” trong tương lai trung hạn với nội dung chính là không chỉ phóng các tên lửa đánh chặn theo các số liệu từ nguồn thông tin từ xa mà còn có khả năng truyền các lệnh cho tên lửa đó từ các phương tiện thông tin khác, chứ không chỉ từ một nguồn dữ liệu duy nhất từ trạm rada trên tàu của hệ thống “Aegis”.

Điều này sẽ cho phép đánh chặn được mục tiêu đang tấn công từ cự ly rất xa. Các dự án dài hạn cũng đang được thực hiện hướng tới mục tiêu là thiết lập hệ thống phương tiện quang- điện tử từ trên vũ trụ có thể bao quát được một khu vực lớn và một số lượng lớn các mục tiêu đang tấn công, đảm bảo phát hiện và bám mục tiêu trên tất cả (3) giai đoạn trên quỹ đạo bay của mục tiêu.

>> Lưới phòng thủ tên lửa của Nga trong tương lai

Một hệ thống như vậy sẽ làm giảm tải đáng kể cho các phương tiện thông tin trên mặt đất, cũng làm giảm đáng kể số lượng các tổ hợp và hệ thống MD cần có khi triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa nào đó. Một dụ án như vậy với tên gọi là PTSS đang được ưu tiên cấp kinh phí.

Quy chuẩn sự đa dạng

Nhìn chung, đặc điểm quan trọng nhất của chính sách của Mỹ hiện nay trong lĩnh vực hợp tác phòng thủ chống tên lửa khu vực là ý tưởng đưa ra được tối đa các phương án phòng thủ có thể có đối với từng trường hợp cụ thể.

Căn cứ vào tính chất đặc thù về kiềm chế (hay còn được gọi là răn đe) và phòng thủ, số lượng các phương án sẽ phụ thuộc vào các đặc điểm địa lý, lịch sử và quân sự của khu vực, cũng như mức độ hợp tác (với Mỹ) và an ninh của từng nước tham gia vào chương trình phòng thủ chống tên lửa quy mô lớn của Mỹ .

Khi thực hiện các chương trình MD khu vực, Mỹ có một số nguyên tắc sau:

1. Đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường cơ cấu kiềm chế khu vực trên cơ sở hợp tác chặt chẽ và chia sẻ gánh nặng tài chính giữa Mỹ và các đồng minh. Các đồng minh của Mỹ cần phải biết cách thích ứng và tham gia vào các kế hoạch (của Mỹ) và các hoạt động nhằm củng cố an ninh chung và phải có đóng góp nhất định vào việc bảo vệ các lợi ích chung.

Để đối phó với các quốc gia có vũ khí hạt nhân, nội dung kiềm chế khu vực sẽ bao gồm cả thành tố hạt nhân. Vai trò của thành tố này (hạt nhân) trong cơ cấu kiềm chế khu vực có thể sẽ được giảm thiểu trong trường hợp vai trò của hệ thống phòng thủ chống tên lửa và các phương tiện chiến lược khác tăng lên. Nhìn rộng hơn, Mỹ đang tìm kiếm các cách thức mới nhằm vô hiệu hóa các mối đe dọa hạt nhân.

2. Mỹ sẽ có cách tiếp cận linh hoạt theo từng giai đoạn đối với từng khu vực, có cân nhắc những vấn đề liên quan đến các mối đe dọa khu vực, trong đó có cả quy mô và ý định của đối phương hiện thực hóa các mối đe dọa đó; các phương tiện vô hiệu hóa các mối đe dọa hiện đang có và cần phải có.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng cho rằng không nhất thiết phải bố trí ở tất cả các khu vực một cơ cấu phòng thủ chống tên lửa toàn cầu theo một mô hình duy nhất. Thay vào đó sẽ thành lập các cơ cấu khu vực hiệu quả và cân bằng giữa nhu cầu và khả năng.

3. Xuất phát từ thực tế là trong thập kỷ tới nhu cầu về các phương tiện phòng thủ chống tên lửa tại các khu vực có thể vượt quá khả năng hiện có của Mỹ, nước này sẽ chế tạo các phương tiện và hệ thống cơ động và có thể vận chuyển được.

Điều đó cho phép nhanh chóng điều chuyển (các phương tiện và hệ thống đó) từ khu vực này sang khu vực khác trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Và như vậy, chỉ riêng khả năng triển khai nhanh chóng tiềm lực phòng thủ đã có tác dụng kiềm chế (răn đe) đối phương tiềm năng ở nhiều khu vực cùng một lúc.

Khi áp dụng các nguyên tắc trên tại các khu vực khác nhau, Bộ quốc phòng Mỹ sẽ căn cứ vào cơ sở hạ tầng điều hành tác chiến toàn cầu của Lực lượng vũ trang Mỹ để lựa chọn vị trí triển khai các phương tiện phòng chống tên lửa.

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

>> So sánh AMD của Bush và AMD của Obama


“Lực lượng hạt nhân của Mỹ ngày nay và tương lai, có nhiệm vụ chính là tiến hành một cuộc tấn công đa dạng đầu tiên chống lại Nga hoặc Trung Quốc”...



...“Hệ thống phòng thủ tên lửa AMD, mà sẽ được triển khai, trong mọi hình thức, có giá trị, trước hết, trong một cuộc tấn công chứ không phải là bối cảnh phòng thủ”....

Đó là những kết luận quan trọng mà các nhà khoa học chính trị Mỹ đưa ra vào năm 2006 và là nền tảng thúc đẩy các ông chủ Nhà Trắng quyết tâm triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ trên phạm vi toàn cầu, không ngoài mục đích tăng cường sự thống trị thế giới.

Đến nay có thể khẳng định, chính quyền Mỹ quyết tâm sẽ đi đến giai đoạn thứ năm, có thể chưa phải là giai đoạn cuối cùng của chương trình phòng thủ tên lửa của nước này.

Dù có sự thay đổi vị trí người đứng đầu Nhà Trắng từ George W. Bush sang Obama, nhưng bản chất của chương trình AMD vẫn không thay đổi. Hơn nữa, tên gọi trước đây của khái niệm “khu vực trận địa thứ 3” thích hợp để áp dụng cho kế hoạch của Barack Obama, trong khi vẫn duy trì sự tồn tại của trận địa phòng thủ tên lửa ở Alaska và California.

Sau đây là bài phân tích về hệ thống AMD đang được người Mỹ xây dựng của chuyên gia Valery Shatskaya:

Hiện nay, hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ gồm các tên lửa GBI (Ground-Based Interceptor) phóng từ các xilo cố định đặt tại các bang Alaska và California, để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung. Đến cuối năm 2010 người Mỹ đã triển khai 31 tổ hợp tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3 (*).

Đi cùng với đó là radar X-band biến thể trên biển hoạt động ở Thái Bình Dương đảm bảo cho các vụ phóng tên lửa thử nghiệm và các chiến dịch phòng thủ đang diễn ra. Ngoài ra, vào năm 1998, ở phía Bắc Na Uy đã triển khai radar chỉ thị sớm, nay đã được nâng cấp. Năm 2008, Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ lên kế hoạch kết hợp hoạt động đồng thời trạm radar Globus-2 ở Na Uy với trạm radar ở Falingdeyls (Anh) trong khuôn khổ kế hoạch phòng thủ tên lửa cho châu Âu.

Tháng 9/2009, Obama công bố từ bỏ kế hoạch của chính quyền tiền nhiệm về việc triển khai 10 tên lửa đánh chặn ở Ba Lan và một trạm radar phòng thủ tên lửa tại Cộng hòa Séc. Thay vào đó, ông này đề xuất một cấu trúc phòng thủ tên lửa mới, gồm hệ thống tên lửa di động trên biển và trên đất liền.

Theo khái niệm mới, các thành phần AMD đang được triển khai trên lãnh thổ một số nước châu Âu và trên biển sẽ được gộp vào một hệ thống rộng lớn hơn với tên gọi AMD châu Âu, hay AMD NATO. Và một lần nữa, theo tuyên bố của nhà chức trách Mỹ, hệ thống được xây dựng nhằm bảo vệ trước nguy cơ tên lửa từ Iran. Hệ thống này được xây dựng trong 4 giai đoạn (**).




http://nghiadx.blogspot.com
Biểu đồ mô phỏng các giai đoạn xây dựng hệ thống AMD Mỹ.


http://nghiadx.blogspot.com
Theo ổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, dự kiến trước năm 2018 hệ thống AMD Mỹ sẽ được đưa vào hoạt động, nhưng thực tế sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 5/2012.


Hệ thống mới khác biệt ở tính cơ động, cho phép Mỹ nhanh chóng phản ứng với các nguy cơ đang nổi lên từ bất kỳ hướng nào.

Ngoài ra, so với kế hoạch của George W. Bush với tầm triển khai rộng khắp châu Âu hiện nay, Mỹ hướng đến việc hệ thống AMD châu Âu được xây dựng dưới sự bảo trợ của NATO, vì hai lý do: Thứ nhất để chia sẻ các chi phí tài chính giữa tất cả các thành viên tham gia trong hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO, qua đó giảm bớt gánh nặng tài chính cho Mỹ hoặc để đảm bảo sự phụ thuộc tài chính của một số nước. Thứ hai, có thể áp đặt việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ nhằm kiểm soát một tổ chức quốc tế, như NATO. Tuy nhiên, Mỹ cố tình che giấu mục đích này.

Ở Liên minh Châu Âu hiện nay thiếu vắng hệ hệ thống an ninh tập thể. Ngoài ra, còn có những bất đồng ý kiến làm cho các bên không thể xây dựng một chính sách đối ngoại chung và chính sách trong lĩnh vực phòng thủ. Bởi vậy, NATO vừa là cơ chế thực hiện các nhiệm vụ này, nhưng cũng vừa phải chịu sự lãnh đạo của Mỹ. Có thể, một vài nước (Pháp, Đức) vừa bị lôi cuốn vào việc xây dựng hệ thống an ninh Châu Âu, nhưng các nước nhỏ lại chỉ thiết tha với NATO. Trong bối cảnh như vậy, hệ thống AMD đối với Mỹ là nền tảng tác động lên Châu Âu.

(*) Từ năm 2002 đến cuối năm 2010 hệ thống AMD của Mỹ đã bao gồm các thành phần sau:

- 30 tên lửa chống tên lửa tầm xa phóng từ mặt đất để bảo vệ lãnh thổ
- Khu trục hạm với hệ thống Aegis
- Tên lửa đánh chăn “Standart-3” trang bị trên khu trục hạm với hệ thống Aegis
- Hệ thống radar đã được hiện đại hoá Cobra Dane đặt trên đảo Aleutian
- Nâng cấp các radar cảnh báo sớm (Beale Air Force Base, California; Falingdeyls, Vương quốc Anh, và Tula, Greenland)
- 7 tổ hợp radar di động X-band, với một hệ thống đã được triển khai tại Israel và một hệ thống tại Nhật Bản

(**) 4 giai đoạn xây dựng AMD:

• Giai đoạn 1, đến cuối năm 2011, triển khai một số hệ thống chống tên lửa để bảo vệ chống lại các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Xem xét vị trí triển khai tại Địa Trung Hải các tàu khu trục Aegis và tên lửa đánh chặn Standart-3 mod.1A, ngoài ra, radar AMD ở châu Âu, dự định không chỉ để cung cấp thông tin cho tên lửa của hệ thống đặt trên tàu chiến, mà còn cho tên lửa ở hai vị trí triển khai trên lãnh thổ Mỹ.

• Giai đoạn 2, đến năm 2015, xem xét triển khai các tên lửa đánh chặn biến thể hoàn thiện hơn SM-3 mod.1V và các phương tiên thông tin bổ sung. Giai đoạn này bao gồm việc triển khai các tổ hợp tên lửa chống tên lửa trên mặt đất trên cơ sở các tên lửa Standard-3 ở Nam Âu nhằm hỗ trợ bổ sung cho các hệ thống trên biển.

• Giai đoạn 3, đến năm 2018, dự kiến triển khai ở Bắc Âu một tổ hợp tên lửa tương tự như ở Nam Âu. Trong trường hợp này dự định sẽ trang bị cho các hệ thống mặt đất và trên tàu chiến các hệ thống Aegis với tên lửa đánh chặn Standart mod.2A.

• Giai đoạn 4, đến năm 2020, có nghĩa là đạt được các tính năng bổ sung để bảo vệ an toàn lãnh thổ Mỹ trước các ICBM được phóng đi từ Trung Đông. Trong thời gian này, sẽ có sự xuất hiện của SM-3 2V. Ngoài ra, giai đoạn này còn bao gồm việc hiện đại hoá các thành phần AMD đã triển khai từ các giai đoạn trước đó.

Đến cuối tài khóa 2011, cấu trúc hệ thống AMD bao gồm:

- 23 tàu chiến trang bị hệ thống Aegis có khả năng phát hiện tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm gần, và có thể giám sát và theo dõi tên lửa tầm xa.
- 30 tổ hợp tên lửa đánh chặn trên mặt đất, đã được triển khai tại Alaska và California
- 87 tên lửa đánh chặn trên biển Standart-3 để đánh chặn tên lửa tầm trung
- 72 tên lửa chống tên lửa Standart-2 để đánh chặn phạm vi cuối của quá trình bay của tên lửa đạn đạo đối phương
- 2 tổ hợp THAAD
- 18 tên lửa đánh chặn THAAD
- 6 hệ thống radar AN/TPY-2
- 56 tổ hợp PAC-3
- 903 tên lửa đánh chặn PAC-3

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

>> Nga: Lá chắn tên lửa Mỹ có liên quan đếnTrung Quốc


Thiếu tướng Vladimir Dvorkin nói rằng lá chắn này sẽ đe dọa tới các lực lượng hạt nhân của Trung Quốc nhiều hơn là tới Nga.

Nói về sự hiện diện của các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương, Thiếu tướng Vladimir Dvorkin nói rằng lá chắn này sẽ đe dọa tới các lực lượng hạt nhân của Trung Quốc nhiều hơn là tới Nga.

Thiếu tướng Dvorkin thuộc Học viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết: Nhật Bản và Hàn Quốc đã được trang bị các hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis.


http://nghiadx.blogspot.com
Về cơ bản, hệ thống phòng thủ tên lửa (màu xanh) sẽ có nhiệm vụ đánh chặn các mục tiêu của kẻ thù (màu vàng, màu hồng) khi hệ thống rađa (màu tím) phát hiện ra mục tiêu nguy hiểm


"Một hệ thống phòng thủ tên lửa Thái Bình Dương không phải là vấn đề trong tương lai xa. Nhật Bản đã sở hữu 4 hệ thống này, hai tàu khu trục của Hàn Quốc được trang bị các hệ thống Aegis. Nhật còn đang muốn tăng con số này lên 6 hệ thống".

Ông Dvorkin cũng nói thêm: Nhật đã chặn đứng các mục tiêu đạn đạo với sự hỗ trợ từ phía Mỹ. Dựa trên địa điểm bố trí các cơ sở phòng thủ tên lửa đặc biệt đó, chúng đe dọa tới các lực lượng hạt nhân của Trung Quốc nhiều hơn là tới Nga.

"Đây là một hệ thống phòng thủ tên lửa đang hoạt động. Và chắc chắn là chúng đe dọa tới tiềm lực hạt nhân của Trung Quốc nhiều hơn là so với của Nga".

Cũng trong các phát hiện này, vị tướng Nga còn nói rằng Trung Quốc cũng sẽ liên quan tới các cuộc đàm phán sắp tới về vấn đề phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu và châu Á.

"Chúng ta không thể chỉ nhìn hệ thống này trong khuôn khổ đối thoại giữa Nga, Mỹ và NATO. Bởi vì Trung Quốc là một nhân tố vô cùng quan trọng tác động lên các quan điểm của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc" - ông Dvorkin nói.

Trong khi đó, Alexey Arbatov - lãnh đạo của Trung tâm An ninh quốc tế cũng thuộc học viện trên gợi ý rằng Nga nên thay đổi cách thức đàm phán về các cơ sở phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu.

"Các đàm phán về hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu nên được khởi động lại, và nên thay đổi về cách thức. Điều cần thiế là phải nói về khả năng tương thích của hệ thống phòng thủ không gian của Nga và chương trình của NATO, chứ không phải là về khả năng tham dự của Nga vào hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hay của NATO".

Arbatov sau đó đề xuất rằng Mỹ cũng có thể muốn đảm bảo rằng hệ thống phòng thủ của Nga không nhằm vào lãnh thổ của họ.

"Moscow yêu cầu Washington phải đưa ra các đảm bảo mang tính pháp lý rằng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu không nhằm chống lại Nga. Sau đó, chúng ta mới nghĩ đến việc Nga có thể đưa ra điều gì đảm bảo với Mỹ rằng hệ thống phòng thủ không gian của Nga không nhằm vào Mỹ".

Arbatov cho rằng trên thực tế, các hệ thống này cùng theo đuổi một mục đích.

Arbatov nói thêm các cuộc đàm phán về hệ thống phòng thủ này của Mỹ tại châu Âu nên được tiến hành cùng lúc với các cuộc thương lượng về một hiệp ước mới đối với các loại vũ khí tấn công chiến lược, các vũ khí có độ chính xác cao và các vũ khí thông thường.

"Tôi nghĩ rằng nếu như cách thức được thay đổi theo cách này, rất nhiều vấn đề sẽ được coi như giải pháp thực tế hơn so với một sự tuyên truyền chính trị".

Tháng trước, Mỹ đưa ra các thông tin về việc bố trí lại các tàu chiến với tên lửa điều khiển ở các vùng biển gần biên giới Nga. Chính quyền Mỹ lên kế hoạch triển khai các đơn vị chống tên lửa tại các tàu quanh Tây Ban Nha và ở Romania, Thổ Nhĩ Kỳ thay vì trên đất Ba Lan và Cộng hòa Séc.

Phía Nga cho rằng động thái này nhắm vào các lực lượng hạt nhân của Nga và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã phản ứng một cách "cứng rắn" bất thường.

Để đáp trả lại động thái này của Mỹ, Tổng thống Nga đã cho kích hoạt hệ thống rađa giám sát toàn bộ các tên lửa có thể được phóng tại lục địa châu Âu, bao gồm cả lãnh thổ Anh.

Những diễn biến quanh hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu và căng thẳng leo thang tại Syria khiến cho nhiều nhà phân tích của Nga lo ngại rằng Nga - Mỹ đang có nguy cơ cận kề với một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

>> Bí mật dự án phòng thủ tên lửa của Trung Quốc



Trung Quốc từng muốn xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa với kinh phí khổng lồ từ những năm 60. Tuy nhiên, năm 1980, kế hoạch này chính thức bị hủy bỏ. Cùng Bee nhìn lại quy mô và các trang bị dự kiến cho kế hoạch này.


Lịch sử phát triển

Ngày 15/12/1963, chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã phát biểu rằng chiến lược quân sự của Trung Quốc là phòng thủ, vì vậy Trung Quốc cần thiết phải phát triển vũ khí phòng thủ (chiến lược) cũng như vũ khí tấn công.

Ngày 6/2/1964, trong cuộc gặp gỡ với Qian Xuesen (cha đẻ của ngành khoa học tên lửa Trung Quốc), chủ tịch Mao Trạch Đông đã một lần nữa khẳng định rõ ràng tầm quan trọng của hệ thống phòng thủ tên lửa. Theo chủ tịch Mao Trạch Đông, hệ thống phòng thủ tên lửa này sẽ không chịu ảnh hưởng của hai siêu cường lớn (Mĩ và Liên Xô), và Trung Quốc phải tự phát triển vũ khí phòng thủ tên lửa của riêng mình.

Ngày 23/3/1964, 30 nhà khoa học hàng đầu ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã có mặt trong một cuộc gặp gỡ do Ủy ban khoa học, công nghệ và công nghiệp Bộ quốc phòng Trung Quốc (COSTIND) tổ chức ở Bắc Kinh để cùng thảo luận về tính khả thi của hệ thống phòng thủ tên lửa.

Tháng 8/1965, Ủy ban Trung Ương đặc biệt đã phê chuẩn bản kế hoạch phác thảo việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa do Ủy ban khoa học – công nghệ và công nghiệp Bộ quốc phòng đệ trình.

Ngày 23/2/1966, COSTIND đã tổ chức cuộc thảo luận khác xoay quanh kế hoạch phát triển chương trình phòng thủ tên lửa, mang mật danh “đề án 640” sau “chỉ thị 640” của chủ tịch Mao Trạch Đông.

Các yếu tố chủ yếu của đề án 640 bao gồm seri chống tên lửa đạn đạo Fanji, siêu pháo chống tên lửa XianFeng và mạng lưới cảnh báo sớm chống tên lửa. Hội nghị đã quyết định đẩy nhanh việc xây dựng một khu vực để thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa và phát triển đầu đạn hạt nhân cho hệ thống.

Dưới sự chỉ đạo của thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, viện khoa học số 2 đã được đổi tên thành viện nghiên cứu chống tên lửa đạn đạo và chống vệ tinh năm 1969 từ đó để gánh vác trọng trách phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa.

Viện 210 cấp dưới được phân công phát triển siêu pháo chống tên lửa. Viện Shanghai chịu trách nhiệm phát triển vũ khí laze chống tên lửa.

Sau đây là một số thành phần chính trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc:

Tên lửa đánh chặn FanJi (FJ)

Viện khoa học số 2 đã khởi đầu bằng ba chương trình phát triển tên lửa đánh chặn vào đầu những năm 1970 gồm: tên lửa đánh chặn tầm thấp/ tầm trung FanJi 1, tên lửa đánh chặn tầm thấp FanJi 2, đánh chặn tầm cao FanJi 3.

- FanJi 1 là loại tên lửa đánh chặn tốc độ siêu âm được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo ở tầm thấp và tầm trung.

FanJi 1 thiết kế 2 tầng phóng, tầng thứ nhất của tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng và tầng thứ hai dùng động cơ nhiên liệu rắn.


http://nghiadx.blogspot.com
Tên lửa đánh chặn FanJi 1


Cuộc thử nghiệm bắn thử hai tên lửa đã được thực hiện thành công vào tháng 8 và tháng 9 năm 1979. Quân đội Trung Quốc dự định đề xuất triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa xung quanh thủ đô Bắc Kinh dùng FanJi-1.

Mặc dù vậy, chương trình phát triển đã bị hủy bỏ bởi chính phủ Trung Quốc tháng 3 năm 1980 do những lý do về chính trị và tài chính.

- Từ tháng 10/1971 tới tháng 4/1972, viện nghiên cứu số 2 đã thử nghiệm sáu lần với mô hình thu nhỏ tỉ lệ 1:5 của tên lửa đánh chặn tầm thấp FanJi 2, trong đó có năm lần thành công. Chương trình phát triển bị hủy bỏ năm 1973.

- Tên lửa đánh chặn tầm cao FanJi 3 cũng do Viện nghiên cứu số 2 lên kế hoạch phát triển năm 1974. Tuy nhiên, năm 1977 thì dự án bị hủy bỏ.

Siêu pháo chống tên lửa “Xianfeng”

Siêu pháo chống tên lửa do viện nghiên cứu 210 phát triển. Tháng 1 năm 1967, siêu pháo chống tên lửa biết đến với cái tên “Xianfeng” (“Pioneer” – tiên phong) được đề xuất.

Siêu pháo dài 26m và nặng 155 tấn. Siêu pháo có cỡ nòng 420mm thiết kế để bắn ra đạn nặng 160kg, đây là loại đạn không điều khiển, có sử dụng động cơ rocket dùng để đánh chặn đầu đạn hạt nhân.

http://nghiadx.blogspot.com
Siêu pháo chống tên lửa XianFeng


Các cuộc thử nghiệm khác nhau tiến hành đầu những năm 1970 và sớm chứng minh đây là thiết kế không thực tế. Chương trình phát triển siêu pháo tạm dừng năm 1977 và hủy bỏ tháng 3/1980.

Hệ thống cảnh báo sớm tên lửa

Cùng với hệ thống ABM, cần phải phát triển kết hợp với hệ thống theo dõi và cảnh báo sớm tên lửa. Giai đoạn đầu của dự án bao gồm năm trạm cảnh báo sớm tên lửa đặt ở Khashi, Nanning, Kunming, Hainan, Jiaodong và Xiangxi và trung tâm điều khiển chỉ huy ở Weinan.

Các yếu tố chủ yếu của hệ thống mạng cảnh báo sớm bao gồm radar theo dõi cảnh báo sớm mảng pha 7010 và radar dò tìm tên lửa 110.

Cả hai hệ thống radar đều đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp khả năng cảnh báo sớm tên lửa cho Trung Quốc, cũng như hỗ trợ các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và chương trình không gian.

Radar cảnh báo sớm 7010

Radar 7010 do viện nghiên cứu điện tử số 14 phát triển năm 1970. Radar 7010 là loại radar mảng pha thiết kế để dò tìm, nhận dạng và theo dấu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và các vật thể khác trong khoảng không vũ trụ.

Chương trình phát triển radar 7010 hoàn thiện đầy đủ và chính thức đi vào hoạt động năm 1976. Ăng ten của radar có kích cỡ 40x20m được chế tạo và đặt ở ngọn núi Huangyang cao hơn mực nước biển 1600m ở Xuanhua, tỉnh Hebei, nằm phía tây bắc cách Bắc Kinh 140km. Chiếc thứ hai đặt ở tỉnh Henan.


http://nghiadx.blogspot.com
Radar cảnh báo sớm 7010



http://nghiadx.blogspot.com
Phòng điều khiển radar 7010

Tháng 7/1979, trạm radar 7010 đã cung cấp chính xác thời gian trở lại bầu khí quyển của tàu vũ trụ Skylab (Mĩ).

Ngày 12/1/1983, radar 7010 dự đoán thành công được thời gian và địa điểm đổ bộ của vệ tinh nhân tạo Cosmos 1402 (Liên Xô). Trạm radar 7010 đã bị “bỏ rơi” vào đầu những năm 90.

Radar theo dõi tên lửa đơn xung 110

Radar 110 là sản phẩm hợp tác phát triển giữa viện nghiên cứu điện tử số 14 và viện nghiên cứu điện tử thuộc học viện khoa học Trung Quốc chế tạo trong những năm đầu 1970.


http://nghiadx.blogspot.com
Radar 110


Ăng ten radar có đường kính 25m và nặng 400 tấn. Radar 110 hoàn thành và đi vào hoạt động năm 1977, với một trạm xây dựng ở Zhanyi và trạm theo dõi tên lửa ở phía nam tỉnh Yunnan.

Hủy bỏ

Đề án 640 đòi hỏi phải có công nghệ kĩ thuật hiện đại và nguồn kinh phí khổng lồ nên dự án này đã gặp khó ngay khi mới bắt đầu.

Thêm vào đó, năm 1972 hiệp ước chống tên lửa đạn đạo đã được kí kết giữa Hoa Kì và Liên Xô và sau đó sự kết thúc của hệ thống phòng thủ tên lửa Safeguard (Mĩ). Hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc trở nên đơn độc và thực sự không cần thiết.

Tháng 3/1980, nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc là Đặng Tiểu Bình quyết định hủy bỏ toàn bộ dự án để tập trung phát triển kinh tế đất nước.

Đề án 640 hủy bỏ, toàn bộ mạng lưới theo dõi và cảnh báo sớm chống tên lửa được cải tiến thành mạng theo dõi, đo xa và điều khiển để hỗ trợ chương trình không gian của Trung Quốc.

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

>> Israel triển khai hệ thống Iron Dome thứ ba



Quân đội Israel sẽ tiếp nhận hệ thống phòng thủ Iron dome thứ ba. Hiện tại, Không quân Israel có 2 hệ thống Iron Dome, một được bố trí ở Ashkelon và một ở Beersheba.


Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Israel sẽ có 9 hệ thống Iron Dome vào cuối năm 2013. Vị trí để bố trí tổ hợp mới này đến nay vẫn chưa rõ.

Một phần trong số tiền để mua các hệ thống được lấy từ viện trợ quân sự của Mỹ. Tháng 5/2010, Mỹ đã phê duyệt việc phân bổ 205 triệu USD để Israel tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia.

Những thách thức hiện nay của Quân đội Israel là hệ thống Iron Dome phải đảm bảo đánh chặn được 90 % rocket Grad và Qassam được bắn từ Dải Gaza.


http://nghiadx.blogspot.com
Mô phỏng hoạt động hệ thống Iron Dome.



Trong tất cả thời gian thời sử dụng, hệ thống đã bắn chặn 20 đạn rocket có nhiều khả năng sẽ rơi vào trong các khu vực dân cư.

Thành phần của mỗi hệ thống Iron Dome gồm một radar đa năng, trung tâm điều khiển hoả lực và ba bệ phóng với 20 tên lửa cho mỗi bệ phóng.

Hệ thống được thiết kế để đánh chặn rocket và đạn pháo với khoảng cách lên đến 70 km, có khả năng phát hiện vị trí rơi của hoả lực đối phương và huỷ lệnh tiêu diệt nếu chúng rơi vào khu vực không có dân cư.

Ban đầu, kế hoạch của Bộ Quốc phòng Israel dự kiến sẽ tiếp nhận 20 hệ thống Iron Dome, nhưng bây giờ cắt giảm xuống còn 10-15 hệ thống. Lý do cho việc giảm lượng mua hệ thống Iron Dome vẫn chưa có câu trả lới từ các quan chức quân sự Israel.
Bên cạnh các cuộc đấu súng ác liệt, truyền thông cũng đang được sử dụng như những đòn đánh cực kỳ hiểm hóc trong cuộc chiến ở Libya.

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

>> Nga hiện đại hóa radar đóng ở Azerbaijan



Theo hãng tin ITAR - TASS, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov đã đưa ra đề xuất tiếp tục khai thác trạm radar Gabala trên lãnh thổ Azerbaijan.




Trạm Gabala đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa của nước Nga.


Tuyên bố này được đưa ra trong cuộc gặp gỡ giữa ông Anatoly Serdyukov và Bộ trưởng Quốc phòng Azerbaijan Safar Abiyev.

Ông Serdyukov cho biết thêm, “Về trạm radar Gabala, chúng tôi đã đề xuất chuẩn bị mở rộng và nâng cấp hơn nữa. Nga có kế hoạch rõ ràng để hiện đại hoá trạm radar Gabala”.

Sau ngày 15/8, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga sẽ thảo luận chi tiết từng điểm của thỏa thuận về việc khai thác trạm radar Gabala với Bộ trưởng Quốc phòng Azerbaijan. Tại cuộc thảo luận rộng rãi sẽ thông qua các vấn đề gia hạn hợp đồng cho thuê và ký một thỏa thuận mới.

“Chúng tôi cũng sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đến hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật - quân sự. Chúng tôi đã có một mối quan hệ khá tốt đẹp trong các lĩnh vực này. Chúng tôi sắp kết thúc kế hoạch của năm 2010, còn kế hoạch năm 2011, chúng tôi tự tin rằng sẽ thực hiện tất cả kế hoạch đó theo lịch trình," ông Serdyukov nói.

Năm 2002, Nga đã thuê trạm Gabala đặt trên đất Azerbaijan với giá 14 triệu USD/năm với thời hạn hợp đồng 10 năm (hết hạn vào tháng 12/2012). Nga sử dụng trạm radar này để kiểm soát khoảng không vũ trụ phía nam của mình và cảnh báo sớm các tên lửa đạn đạo từ Iran, Pakistan và Ấn Độ.

Trạm radar Gabala (hay còn gọi là Trung tâm phân tích thông tin DTV) bắt đầu được xây dựng từ năm 1976 và đưa vào sử dụng năm 1985. Các chỉ số kỹ thuật có khả năng hoạt động đến năm 2012.

Phạm vi hoạt động của trạm radar lên đến 8.000 km, có thể phát hiện các vụ phóng tên lửa và theo dõi quỹ đạo bay của chúng từ tận Ấn Độ Dương cũng như kiểm soát toàn bộ không phận Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran, Ấn Độ và tất cả các quốc gia Trung Đông.

Cấu tạo trạm Gabala là trung tâm ăng ten mảng pha với kích thước 100x100 m, đảm bảo phát hiện các mục tiêu ở khoảng cách 6.000 km với phương vị quan sát 110 độ.
Gabala có tốc độ, độ chính xác cao, khả năng miễn dịch tiếng ồn. Gabala có thể phát hiện và theo dõi khoảng 100 mục tiêu cùng lúc.

Hiện nay có 1.400 binh lính Nga có mặt tại để bảo vệ và duy trì hoạt động cho trạm. Các vấn đề về trạm radar Gabala đã thường xuyên là chủ đề của các cuộc tranh luận nội bộ, cả trong quốc hội Azerbaijan.

[BDV news]


Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

>> Trung Quốc khoe tên lửa chống hạm mới





Các trang mạng quốc phòng Trung Quốc đang xôn xao về một tên lửa chống hạm mới được cho là tốt hơn cả tên lửa của Nga.


Theo đó loại tên lửa chống hạm mới có tên gọi là YJ-85 hay C-805, giới quân sự Trung Quốc tự hào cho rằng, loại tên lửa chống hạm mới này còn ưu việt hơn cả các tên lửa chống hạm hiện đại nhất của Nga.

Qua thông tin kỹ thuật được công bố, điều làm cho tên lửa chống hạm C-805 đặc biệt nguy hiểm chính là tốc độ. Loại tên lửa chống hạm này được cho là có tốc độ lên đến Mach 3,5, do đó, việc đánh chặn tên lửa này gần như là điều không thể.

Về cấu hình khí động học của tên lửa C-805 tương tự như các biến thể trước đó của gia đình tên lửa chống hạm YJ8. C-805 là một biến thể nâng cấp của tên lửa chống hạm C-802A.



Tên lửa C-805 trong một lần bắn thử, cấu hình khí động học của C-805 hoàn toàn giống với tên lửa C-802A.


Tên lửa C-805 được giới thiệu là thiết kế theo công nghệ hiện đại và rất đa năng, có thể phóng từ máy bay, tàu chiến, tàu ngầm và bệ phóng di động trên bờ. Không chỉ vậy, độ chính xác chính là một điểm nỗi bật của loại tên lửa này.

Ngoài chức năng chính là chống hạm, tên lửa C-805 còn có thể sử dụng như một loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất, các căn cứ quân sự và kho tàng ven biển.

Theo công bố, qua 8 lần thử nghiệm, C-805 đạt hiệu suất tiêu diệt mục tiêu 100%, tên lửa được thiết kế với khả năng tàng hình rất cao. Các loại radar hiện đại nhất gần như không bắt được tín hiệu của loại tên lửa này.

Giới quân sự Trung Quốc cho rằng, tên lửa chống hạm C-805 là một đối thủ đáng gờm của loại tên lửa Brahmos Nga - Ấn Độ hợp tác phát triển. "Nếu Brahmos là niềm tự hào của Ấn Độ, thì C-805 chính là niềm tự hào của người Trung Quốc", một ý kiến trên mạng Trung Quốc nhận xét.



Tên lửa C-805 thực ra là bản nâng cấp của C-802A (trong ảnh tên lửa C-802A tại triển lãm Chu Hải năm 2006)


Các thông số kỹ thuật được công bố cho thấy, tên lửa C-805 có đường kính 670mm, dài 8 mét, trọng lượng 3 tấn, tầm bắn hiệu quả 380km.

Tên lửa C-805 mang theo đầu đạn nặng 300kg, hệ thống dẫn đường được trang bị bộ cảm biến tinh vi, có khả năng phát hiện và bám theo các mục tiêu liên tục thay đổi vị trí. Tên lửa chống hạm C-805 được phát triển bởi Học viện công nghệ điện cơ khí HaiYing.

Theo một số thông tin rò rỉ trên trang Deagel, tên lửa chống hạm C-805 sử dụng hệ thống dẫn đường dựa kết hợp hệ thống định vị toàn cầu kiểu GPS và một radar có khả năng lập bản đồ để bay theo kiểu men theo địa hình TERCOM.

Sự phát triển của C-805 được cho là để đối phó lại với chương trình phát triển tên lửa chống hạm tầm xa của Mỹ. Nhiều khả năng loại tên lửa chống hạm mới này đã được đưa vào biên chế Hải quân Trung Quốc vào năm 2010. Theo một báo cáo được đăng tải bởi Afcea, tên lửa chống hạm C-805 đã được trang bị cho tàu khu trục Type-052C.

Với sự ra đời của tên lửa chống hạm C-805, giới quân sự Trung Quốc tự tin tuyên bố: "C-805 đã “soán ngôi” của tên lửa chống hạm P-270 Moskit được trang bị trên các tàu khu trục hạng Sovremenny mà Trung Quốc mua từ Nga. Đồng thời, C-805 trở thành loại tên lửa chống hạm tốt nhất trong biên chế Hải quân Trung Quốc, và là loại tên lửa chống hạm tốt nhất khu vực. Cùng với Nga, Trung Quốc là nước sản xuất nhiều biến thể tên lửa chống hạm nhất thế giới".

Có thể nói, tung ra các thông số "khủng" về uy lực của vũ khí nội địa (tự thiết kế, sản xuất dựa vào các mẫu tương tự của nước ngoài) trở thành "truyền thống" của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc và là nét đặc trưng của các mạng quân sự nước này. Trong quá trình đó, các thành tựu của công nghệ quốc phòng Nga thường được đem ra làm mốc so sánh. Mỗi lần vượt được người thầy, người bạn đã dìu dắt mình (trên mạng ảo), người Trung Quốc lại thấy rất tự hào. Cách thể hiện hẳn là liều thuốc tinh thần được nhiều cư dân mạng Trung Quốc ưa chuộng.

[BDV news]


Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

>> Trung Quốc và đồng minh lên án lá chắn tên lửa Mỹ



Trung Quốc và đồng minh trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải giúp Nga lên án hệ thống phòng thủ tên lửa.


6 nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzberkistan vừa ký một tuyên bố lên án hành động đơn phương xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, ngay sau khi lãnh đạo các nước gặp nhau tại Thủ đô Kazakhstan.

Các nước thành viên SCO cho rằng các hành động đơn phương xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của một quốc gia hoặc một nhóm nhỏ các quốc gia có thể làm ảnh hưởng tới sự ổn định chiến lược và an ninh quốc tế.

Ngoài Trung Quốc và Nga, SCO còn có Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, là các nước Hồi giáo nằm trong Liên Bang Xô Viết ở Trung Á. Iran, Pakistan, Ấn Độ và Mông Cổ là bốn nước quan sát viên trong SCO.

Moscow gần đây đã tăng cường chỉ trích kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu của Mỹ và lên tiếng đòi NATO ký hiệp định đảm bảo hệ thống này sẽ không nhằm vào kho vũ khí hạt nhân của Nga.



Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu đang là mối đe dọa với Nga.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đe dọa Nga sẽ bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới nếu Moscow và Washington không thể giải quyết các tranh cãi liên quan tới hệ thống phòng thủ tên lửa.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết các thành viên SCO đã nhất trí trong việc phê phán lá chắn tên lửa và tuyên bố trên nhằm tới toàn bộ các hệ thống phòng thủ tên lửa khác không chỉ đối với châu Âu.

Theo ông Lavrov, lá chắn tên lửa ở châu Âu chỉ là một phần trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Sau châu Âu, Mỹ sẽ tiếp tục xây dựng các lá chắn tên lửa khác ở Đông Á và Nam Á.

Dù Mỹ cho biết hệ thống phòng lửa tên lửa của nước này là để giảm sự đe dọa từ Triều Tiên và Iran nhưng Nga bày tỏ sự lo ngại cho rằng mục đích thực sự là để nhắm vào kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Phái viên của Nga ở NATO, Dmitry Rogozin phát biểu trong buổi nói chuyện ở viện nghiên cứu Royal United Services (London, Anh) ví von: "NATO cầm một khẩu súng săn gấu tới rủ gấu Nga đi săn thỏ".

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của họ chưa đủ để đối trọng với kho vũ khí hạt nhân của Nga nên nước này không có gì đáng phải lo sợ.

Phát biểu tại viện nghiên cứu Royal United Services, ông James Miller phó thứ trưởng phụ trách các chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: "Lá chắn tên lửa của Mỹ sẽ không đi theo chiều hướng chống lại Nga".

Trước đó, Tổng thư ký NATO, ông Anders Fogh Rasmussen cũng đưa ra lời đảm bảo: "Tôi có thể đảm bảo NATO sẽ không bao giờ tấn công Nga và chúng tôi tin tưởng Nga cũng sẽ hành động tương tự đối với NATO".

Xu hướng chống lại phương Tây

Nga và Trung Quốc thường đoàn kết với nhau trong việc lên tiếng phản đối sự thống trị toàn cầu của Mỹ.

Là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc tuy nhiên Nga và Trung Quốc thường bảy tỏ sự phản đối với các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu trong việc ra nghị quyết bao gồm cả nỗ lực lên án cuộc đàn áp của Syria với cuộc biểu tình chống chính phủ.




Quan chức cấp cao các nước thành viên tham dự trong cuộc họp của SCO ở thủ đô Kazakhstan. Ảnh: Tân Hoa Xã


Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phát biểu tại viện nghiên cứu Royal United Services: "Nhiệm vụ bảo vệ hòa bình toàn cầu và thúc đẩy sự phát triển chung đang ngày càng trở nên khó khăn và nặng nề".

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã có bài phát biểu chống lại phương Tây trong lễ tổng kết cuộc họp của SCO kêu gọi các thành viên của tổ chức này đoàn kết chống lại các cường quốc phương Tây. Ông nói: ""Tôi tin rằng, thông qua các hành động phối hợp, chúng ta có thể thay đổi trật tự thế giới theo chiều hướng ủng hộ hòa bình, công lý và sự thịnh vượng của người dân".

Hãng tin Nga Interfax cũng dẫn lời Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari cho biết nước này cũng đang mong muốn trở thành thành viên của khối SCO.

Tuy nhiên, một quan chức giấu tên của Nga cho biết nếu Pakistan và Ấn Độ chỉ có thể gia nhập SCO sau khi 2 nước này giải quyết được mẫu thuẫn tranh chấp lãnh thổ giữa 2 nước.


[BDV news]



Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang