Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Thủ đô Hà Nội

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Thủ đô Hà Nội. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thủ đô Hà Nội. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

>> Biển Đông sẽ 'nóng' tại Hội nghị Tư lệnh Hải quân



"Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN là một trong ba hội nghị quân binh chủng quan trọng trong khuôn khổ hợp tác quân sự ASEAN được triển khai", Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Chấn, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, cho biết tại cuộc họp báo giới thiệu về ANCM-5 chiều 18/7, tại Hà Nội.


Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN lần thứ 5 (ANCM-5) do Tư lệnh Hải quân Việt Nam chủ trì, sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/7, với sự tham dự của 9 nước thành viên ASEAN và tùy viên quốc phòng Lào tại Việt Nam. Ngoài thành viên các nước ASEAN, hội nghị không mời mở rộng thêm.

Trong cuộc họp báo chiều nay, Phó Đô đốc Phạm Ngọc Minh, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam cho biết, các bên tham dự sẽ chia sẻ quan điểm và trao đổi, thống nhất những biện pháp hợp tác đối phó với các thách thức an ninh của khu vực trong thời gian tới.

"Việt Nam là nước chủ nhà, trong báo cáo trước hội nghị sẽ nêu các vấn đề liên quan tới các vụ cắt cáp của các tàu Trung Quốc và tuyên bố chủ quyền về đường lưỡi bò của nước này", ông Minh nói.



Họp báo giới thiệu về ANCM-5 chiều 18/7, tại Hà Nội. Ảnh: QDND


Với chủ đề “Hợp tác hải quân ASEAN vì hòa bình và an ninh biển”, đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện hợp tác quốc phòng này và cũng là sự tiếp nối của Việt Nam về tổ chức các hội nghị quân sự của ASEAN như: Hội nghị Tư lệnh Không quân các nước ASEAN (AACC) năm 2010; Hội nghị Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN (ACAMM) năm 2006 và Hội nghị những người đứng đầu Quân y các nước ASEAN (ACMMC) năm 2011.

ANCM-5 sẽ tập trung vào hai nội dung quan trọng: Thứ nhất, Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN sẽ trao đổi và chia sẻ quan điểm về tình hình an ninh khu vực hiện nay và vai trò cũng như biện pháp hợp tác của Hải quân trong đối phó với các thách thức an ninh của khu vực trong thời gian tới. Thứ hai, thảo luận hai tài liệu sáng kiến của Việt Nam: “Định hướng Hợp tác Hải quân ASEAN” và “Giao lưu Sỹ quan Hải quân trẻ của các nước ASEAN”.

Sáng kiến “Định hướng Hợp tác Hải quân ASEAN” bao gồm trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, những kiến thức chuyên môn thông qua các hội thảo, hội nghị chuyên ngành; trao đổi đoàn tàu; thiết lập kênh chia sẻ thông tin; tập huấn đào tạo và xây dựng năng lực, khả năng chung; xây dựng cơ chế hợp tác trong chuyên môn và diễn tập hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Trong khi đó, về sáng kiến “Giao lưu Sỹ quan Hải quân trẻ của các nước ASEAN”, lực lượng hải quân mỗi nước sẽ tự giới thiệu về hải quân nước mình; chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn thông qua các hội thảo về chống hải tặc, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia; tiến hành các hoạt động chung như tập huấn; tham quan thực tiễn qua các hoạt động trên tàu và tham quan văn hóa, chào xã giao tư lệnh hải quân nước đăng cai.

Kể từ năm 2001 đến nay, Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN đã có 4 cuộc gặp gỡ nhưng chủ yếu dừng ở mức giao lưu. Còn hội nghị lần này được nâng lên thành Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN để thể hiện quy mô, tầm quan trọng cũng như trách nhiệm của hải quân các nước ASEAN trong việc đảm bảo hoà bình, ổn định, môi trường an ninh ở khu vực, nhất là khu vực biển. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để tăng cường quan hệ giữa hải quân các nước ASEAN.

[BDV news]


Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

>> Điểm mặt một số vũ khí của lục quân Trung Quốc




Cùng với sự phát triển của Không quân và Hải quân, Lục quân Trung Quốc có những bước tiến mới, tương xứng với vai trò là lực lượng chiến đấu nòng cốt của PLA.

Lục quân Trung Quốc hiện có khoảng 1,6 triệu quân, trong đó 800.000 quân chính quy và 800.000 quân dự bị.

Lực lượng chính quy gồm: 18 đơn vị chính quy, 7 đại quân khu, 9 sư đoàn thiết giáp, 9 lữ đoàn thiết giáp, 3 sư đoàn pháo binh, 15 lữ đoàn pháo binh và 10 tiểu đoàn trực thăng.

Lực lượng quân cảnh gồm: 30 đơn vị ở các tỉnh và 14 sư đoàn cơ động; trang bị của Lục quân hiện có: 7.500 xe tăng, 2.000 xe cơ giới chiến đấu, 5.500 xe bọc thép, 20.000 khẩu pháo các loại, 400 trực thăng và nhiều loại vũ khí chiến thuật khác.

Đối với lực lượng bộ binh gồm 25 sư đoàn và 33 lữ đoàn bộ, cùng với nhiều loại vũ khí khác nhau như: Súng chống tăng, rocket chống tăng, súng cối, súng phóng lựu, súng trường, tiểu liên, súng máy, các loại súng bắn tỉa, súng ngắn, lựu đạn, bộc phá…vv.

Sau đây xin giới thiệu về một số loại vũ khí chống tăng hiện đang được sử dụng trong lực lượng bộ binh Trung Quốc:


Súng chống tăng Type 65 và Type 78 (cỡ 82mm)

Súng chống tăng Type 65/78 được thiết kế khá hoàn hảo với nòng trơn và có nhiều ưu điểm vượt trội như: không giật khi bắn, khả năng tiến công nhanh, yểm trợ hỏa lực trực tiếp.

Súng được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu là xe tăng hạng nhẹ, xe bọc thép chở quân, các phương tiện đổ bộ, boong-ke, đặc biệt sử dụng để phá các vật cản trong hệ thống phòng ngự của đối phương.



Súng chống tăng không giật Type 65 cỡ nòng 82mm.


Type 65 phát triển vào giữa những năm 1960 dựa trên một số mẫu súng chống tăng của quân đội Liên Xô cũ. Súng có nòng dài 1,540m, trọng lượng 29kg, tốc độ đạn bắn đạt 247m/giây, tầm tiêu diệt mục tiêu hiệu quả 300m.

Type 65 biên chế chủ yếu cho các đơn vị đóng quân khu vực biên giới phía Nam Trung Quốc, đặc biệt vào cuối những năm 1970. Mỗi khẩu đội Type 65 được biên chế 8 lính.

Type 78 phát triển dựa trên mẫu của súng Type 65 vào những năm 1980. Súng có nòng dài 1,445m, trọng lượng 34,1kg, tốc độ đạn bắn 252m/giây, tầm tiêu diệt mục tiêu hiệu quá 500m, súng được cải tiến có thể bắn hai loại đạn HE và HEAT.



Súng chống tăng không giật Type 78 cỡ nòng 82mm.


Trong Lục quân Trung Quốc, cả hai phiên bản vũ khí này đều được biên chế ở cấp tiểu đoàn và đại đội. Xu hướng hiện đại hóa trong những năm tới, súng Type 65 và Type 78 bắn đạn 82mm sẽ được thay thế bằng những khẩu bắn rocket chống tăng Type 98 (PF98) cỡ 120mm.

Súng chống tăng Type 52 và Type 56 (cỡ 75mm)

Súng chống tăng Type 52 cỡ nòng 75 mm được Trung Quốc sản xuất dựa trên phiên bản súng M-20 bắn đạn 75 mm của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, khả năng tác chiến, chức năng và tầm hỏa lực vẫn không sánh được với M-20.

Type 52 có khả năng tiêu diệt các loại xe tăng hạng nhẹ, xe bọc thép chở quân, xuồng đổ bộ tiến công và các hệ thống phòng ngự của đối phương và tiêu diệt những toán quân nhỏ.

Trên thực tế chiến trường, Type 52 có phát huy được hiệu quả tác chiến hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả về không gian, thời gian và kỹ năng tác chiến của người bắn.


Súng chống tăng Type 52 cỡ nòng 75mm.



Và kiểu súng chống tăng Type 56 cùng cỡ nòng.


Type 52 có chiều dài 2,08m, nặng 52kg, tốc độ bạn bắn 300m/giây. Ưu điểm thiết kế là bắn không giật, sử dụng hai loại đạn HE và HEAT (theo tiết lộ đạn HE có trọng lượng 9,92kg và HEAT là 9,32kg), tầm bắn hiệu quả 800m và có thể xuyên thép dày 228mm.

Căn cứ vào khả năng thực tế trên chiến trường của súng Type 52 và những yêu cầu phát triển vũ khí tiến tiến hơn. Quân đội Trung Quốc đã nghiên cứu và cho ra đời phiên bản mới Type 56 dựa trên mẫu của Type 52.

Về kích thước và nguyên lý hoạt động, Type 56 không có gì biến đổi nhiều so với Type 52 trước đó, nhưng về khả năng tác chiến và hỏa lực đã được tăng cường hơn. Mỗi khẩu đội súng Type 52/56 đều được biên chế từ 8 – 10 người và được trang bị ở cấp tiểu đoàn và đại đội.

Súng chống tăng Type 75 (cỡ 105mm)

Mặc dù được ra đời từ giữa nhưng năm 1970, súng Type 75 hiện vẫn là một trong những vũ khí chống tăng chủ đạo của bộ binh Trung Quốc bởi súng có những ưu điểm vượt trội (khả năng cơ động nhanh, hỏa lực mạnh và tác chiến linh động).

Súng có chiều dài 3,4m, nặng 121kg, tầm bắn 7.700m, tầm tác chiến hiệu quả 580 m (bắn trực tiếp), tốc độ bắn 320m/giây với đạn HE và 503m/giây với đạn HEAT. Tốc độ bắn của Type 75 khoảng 5-6 viên/phút.


Súng không giật Type 75 đặt trên khung thân xe Bắc Kinh BJ2020S.


Súng được đặt trên chiếc xe Bắc Kinh BJ2020S, mỗi xe được biên chế từ 4-5 lính và 1 lái xe. Tốc độ xe BJ2020S có thể lên tới 100 km/giờ ở đường cao tốc.

Type 75 còn được trang bị thêm các phụ kiện khác như kính quang học để kiểm soát hỏa lực, đầu dò tia laser và hệ thống máy tính điều khiển bắn.

Súng có khả năng triển khai nhanh trên chiến trường, sẵn sàng đánh chặn lại đường hành quân tiến công của lực lượng bộ binh cơ giới đối phương, tiêu diệt các xe tăng hạng nhẹ, xe bọc thép, phương tiện đổ bộ, hệ thống công sự, hệ thống vật cản và các toán quân. Đồng thời, tạo bước đệm cho lính bộ binh tiến công vào đội hình đối phương, chia cắt lực lượng và phá vỡ hệ thống phòng ngự trước khi tiến sâu vào trung tâm địch.

[BDV news]


Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

>> Trung Quốc với Mỹ: Sẵn sàng nói chuyện, trừ vấn đề biển Đông




Trung Quốc muốn hội đàm với Mỹ về các vấn đề Đài Loan, Tây Tạng, các vấn đề kinh tế, nhân quyền... nhưng trừ vấn đề biển Đông.




Trung Quốc chối bỏ trách nhiệm là nhân tố gây bất ổn trên biển Đông.


Chối bỏ trách nhiệm

Tờ Nhân Dân Nhật báo Trung Quốc đã đăng tải bài phát biểu của Thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Trương Chí Quân trước một số ý kiến của các phóng viên trong và ngoài nước về cuộc hội đàm sắp tới giữa Trung-Mỹ về các vấn đề của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo đó, Trung Quốc tiếp tục khẳng định lập trường của mình, nghĩa là, Trung Quốc không phải là tác nhân gây ra các tranh chấp hiện nay.

“Dù hiện nay, xuất hiện một số xu hướng lộn xộn trong khu vực, nhưng không phải do chúng tôi gây ra, quan điểm của chúng tôi về vấn đề này trước sau vẫn không thay đổi. Chúng tôi hy vọng các nước khác cần có thái độ kiềm chế, hành động có trách nhiệm, và xây dựng tính hợp tác theo các ban hành của chúng tôi. Nếu chúng ta có thể cùng nhau làm như vậy, các vấn đề sẽ được giải quyết một cách dễ dàng hơn. Chúng tôi không muốn các tranh chấp như vậy ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực, cũng như quan hệ giữa các nước liên quan” Thứ trưởng Quân đã cho biết như vậy.

Thứ trưởng Quân cho rằng, các nước láng giềng trong khu vực như Việt Nam, Phillippine mới chính là những nước phải chịu trách nhiệm cho những căng thẳng hiện nay trên biển Đông. Ông Quân cho biết thêm

Tuy kêu gọi các nước có thái độ kiềm chế nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc lại có phát ngôn có tính răn đe khi ông này nói: "Tôi tin rằng một số nước trong khu vực hiện nay đang chơi với lửa, tôi hy vọng rằng Mỹ sẽ không bị đốt cháy bởi những ngọn lửa này".

Thế nào là có trách nhiệm?

Trong suốt thời gian trả lời phỏng vấn của các phóng viên, thứ trưởng Trương Chí Quân nhắc đi nhắc lại: “Trung Quốc không phải là tác nhân gây căng thẳng trên biển Đông, các nước cần hành động có trách nhiệm”.

Không rõ ông thứ trưởng quên hay cố tình quên Trung Quốc mới chính là những người đang hành động thiếu trách nhiệm, thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế, thiếu tôn trọng tuyên bố ứng xử trên biển Đông DOC mà chính phủ nước này đã đặt bút ký với ASEAN vào năm 2002.

Phải chăng hành động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế theo công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển của Việt Nam, phá hoại các hoạt động hợp pháp của Việt Nam là một hành động có trách nhiệm của Trung Quốc?

Trung Quốc vẫn úp mở với dư luận thế giới về đường “lưỡi bò” chiếm 80% diện tích biển Đông. Các nước trong khu vực nhiều lần yêu cầu Bắc Kinh làm rõ đòi hỏi chủ quyền của mình với đường “lưỡi bò” này. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn im hơi lặng tiếng. Đây cũng là thái độ có trách nhiệm với cộng đồng các nước trong khu vực và thế giới?

Các nước trong khu vực và dư luận thế giới nên hiểu như thế nào về các tuyên bố của Bắc Kinh?

Gạt Mỹ ra khỏi các vấn đề trên biển Đông

Sắp tới, trong cuộc hội đàm bắt đầu từ ngày 25/6 tại Honolulu, thuộc quần đảo Hawai, thứ trưởng Quân cùng trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell sẽ dẫn đầu phái đoàn 2 bên tham gia vào chương trình nghị sự về tình hình trong khu vực và các vấn đề liên quan.

Trong bài phát biểu của mình, ông Trương Chí Quân nhấn mạnh: “Trung Quốc và Mỹ cần xử lý đúng đắn các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Tây Tạng, các vấn đề kinh tế, thương mại, nhân quyền cũng như các vấn đề liên quan trong khu vực, trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lợi ích của nhau”.

Đồng thời, ông Trương Chí Quân cho biết: “Các vấn đề về biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự giữa đôi bên, tuy nhiên, phía Mỹ cho biết sẽ nêu vấn đề này ra trong chương trình. Chúng tôi tiếp tục khẳng định quan điểm của mình, chúng tôi không chịu trách nhiệm cho các căng thẳng hiện nay trên biển Đông”.

Việc sẵn sàng nói chuyện với Mỹ nhiều vấn đề nhưng trừ vấn đề biển Đông càng tỏ rõ thái độ Trung Quốc không muốn Washington can dự vào một khu vực mà Bắc Kinh đang muốn áp đặt quan điểm và chính sách chủ quyền phi lý của mình.

Như vậy, Bắc Kinh đã chủ động và cố gắng không đề cập đến các căng thẳng trên biển Đông trong hội đàm với Mỹ, qua đó, loại bỏ vai trò và sự can thiệp của nước này hòng chấm dứt nỗ lực đa phương hóa các tranh chấp trên biển Đông mà các nước ASEAN đang theo đuổi.

Nếu các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh là có cơ sở và phù hợp với luật pháp quốc tế, việc đa phương hóa các sẽ giúp cho các đòi hỏi của Trung Quốc nhanh chóng đạt được sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh liên tục phản đối đa phương hóa, điều này càng làm cho thế giới hiểu rõ những đòi hỏi chủ quyền của họ là vô căn cứ đối với luật pháp quốc tế.

[BDV news]


Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

>> Thăm tổ hợp tên lửa S-300PMU1 của Việt Nam





Quân chủng Phòng không - Không quân vừa tổ chức cho đoàn cán bộ, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí giao lưu và tham quan buổi luyện tập khí tài tổ hợp tên lửa S-300PMU1 của Đoàn tên lửa phòng không 64 - Sư đoàn phòng không 361.

Phải đội nắng đứng giữa thao trường để xem đơn vị luyện tập nhưng nắng chưa kịp đổ lửa lên đầu người thì buổi diễn tập đã xong vì quy trình khởi động và điều khiển tổ hợp tên lửa S-300 PMU1 hoạt động chỉ mất có mấy phút.


Trung tâm điều khiển hoạt động của tên lửa S-300.


Hệ thống S-300PMU1 là tên lửa đất đối không tầm xa do Liên bang Nga sản xuất, được đánh giá là tối tân nhất xuất hiện trên thị trường vũ khí thế giới hiện nay. (Hiện Nga sở hữu hệ thống phòng không S-400, hiện đại hơn S-300 nhưng chưa xuất khẩu. Dự kiến, thời gian tới, Nga sẽ hoàn thành nghiên cứu chế tạo hệ thống phòng không S-500, hiện đại hơn, có tầm tác chiến trên không gian).

So sánh các tính năng với tên lửa Patriot của Mỹ thì S-300 PMU1 vượt trội, như: cự ly tiêu diệt xa nhất, độ cao tiêu diệt cao nhất, vận tốc mục tiêu bị tiêu diệt lớn nhất; trọng lượng đầu đạn, diện tích che phủ bảo vệ của khí tài tên lửa phòng không S-300 PMU1 cũng lớn hơn.

Tổ hợp tên lửa này là hệ thống tên lửa phòng không cơ động, đa kênh dùng để tiêu diệt tất cả các phương tiện tập kích đường không hiện đại của đối phương trong hiện tại và tương lai, gồm các loại máy bay chiến lược và chiến thuật, các loại tên lửa đạn đạo chiến lược, chiến dịch-chiến thuật ở mọi dải độ cao, vận tốc, trong mọi điều kiện có nhiễu cường độ lớn và các thủ đoạn kỹ, chiến thuật khác.


Tên lửa S-300: Cự ly phát hiện là 300 km, diệt mục tiêu cự ly gần là 5 km, cự ly xa là 150 km, độ cao 27.000 m và thấp nhất là 10m.


Thượng tá Lê Văn Thanh - Đoàn trưởng Đoàn tên lửa phòng không 64 - cho biết: Đơn vị đã tiếp nhận khí tài này được mấy năm. Trang bị tổ hợp phòng không là quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân, được tiếp nhận và sử dụng khí tài hiện đại nhất là vinh dự và trách nhiệm của đơn vị.

Để làm chủ khí tài tối tân này, đơn vị ngoài cử cán bộ sang học tập ở nước bạn tiếp cận với khoa học công nghệ thế giới còn nâng cao trách nhiệm, học tập nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, sẵn sàng chiến đấu, đối phó với các tình huống xảy ra trên không, bảo vệ bầu trời Thủ đô Hà Nội và miền Bắc.

Với khí tài này, lực lượng phòng không yên tâm bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc.

Xe mang ống phóng tên lửa S-300 PMU1 có khả năng vượt địa hình phức tạp, đường xấu, lầy lội, vượt hào rãnh có độ rộng đến 2,5 km, độ chênh cao mặt đường đến 60 cm. Số lượng mục tiêu được bám sát và bắn cùng lúc là 6. Số lượng tên lửa được điều khiển cùng lúc là 12 tên lửa. Thời gian chuyển từ hành quân sang chiến đấu và ngược lại dưới 5 phút; từ trạng thái trực ban sang chiến đấu 40 giây và nhiều tính năng hiện đại khác. Giá mỗi tổ hợp tên lửa phòng không S-300 PMU1 từ 120-150 triệu USD, giá một quả tên lửa là 1 triệu USD.

[BDV news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang