Sơ lược về những loại vũ khí trang bị hàng đầu của quân đội Nga hiện nay: Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf, máy bay ném bom chiến thuật Su-34, tên lửa đẩy hạng nặng Proton-M, tàu chống ngầm cỡ lớn Đô đốc Chabanenko. >> Điểm mặt những cú đấm thép của Quân đội Nga (P1) >> Điểm mặt những cú đấm thép của Quân đội Nga (P2) >> Điểm mặt những cú đấm thép của Quân đội Nga (P3) 17. Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf Hệ thống tên lửa phòng không S-400 (mil.ru) Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf (NATO gọi là SA-21 Growler) do Liên hiệp NPO Almaz-Antei phát triển vào nửa đầu thập kỷ 2010, đưa vào trang bị quân đội Nga năm 2007. Tiểu đoàn S-400 đầu tiên được triển khai ở thành phố Elektrostal, ngoại ô Moskva vào năm 2007, tiểu đoàn thứ hai bước vào trực chiến vào năm 2009. Năm 2011, tại thành phố Dmitrov, tỉnh Moskva đã triển khai 2 tiểu đoàn S-400. Đến nay, quân đội Nga đã nhận vào trang bị 5 tiểu đoàn S-400 (2,5 trung đoàn, 40 bệ phóng), 1 tiểu đoàn trong số đó triển khai ở tỉnh Kaliningrad. Đến năm 2020, quân đội Nga dự định nhận được 56 tiểu đoàn S-400. S-400 có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly đến 600 km và bắn đồng thời 36 mục tiêu và dẫn đồng thời 72 tên lửa. Tầm bắn tối đa chống mục tiêu bay là 400 km, chống tên lửa đường đạn chiến thuật là 60 km, độ cao tác chiến đến 30 km. Tốc độ mục tiêu cần diệt có thể đạt 4.800 m/s. Thời gian triển khai hệ thống từ trạng thái hành quân là không quá 10 phút, thời gian đưa vào sẵn sàng chiến đấu là không quá 5 phút. Cuối tháng 3/2012, Bộ Quốc phòng Nga đã ký với Nhà máy chế tạo máy Avangard ở Moskva hợp đồng sản xuất tên lửa phòng không có điều khiển cho S-400. Nhà máy này sẽ cung cấp tên lửa trong vòng 3 năm. Hiện chưa rõ, quân đội Nga mua cụ thể những loại tên lửa nào. S-400 có thể sử dụng các loại tên lửa 48N6Е, 48N6Е2 và 48N6Е3 của các hệ thống tên lửa phòng không S-300PM-1 và S-300PM-2, cũng như các tên lửa cải tiến 48N6DM. Ngoài ra, Nga đang phát triển cho S-400 các tên lửa 9М96Е và 9М96Е2, cũng như tên lửa tầm xa 40N6Е (tầm 400 km). 18. Máy bay ném bom chiến thuật Su-34 Su-34 (mil.ru) Máy bay ném bom chiến thuật Su-34 được phát triển vào nửa cuối thập niên 1980, được cải tiến ngay ở giai đoạn tiền sản xuất loạt vào đầu thập niên 1990. Máy bay Su-34 sản xuất loạt thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1994. Quân đội Nga bắt đầu nhận được Su-34 từ năm 2006, nhưng đến năm 2011 mới chính thức được nhận vào trang bị. Tháng 8/2008, mặc dù chưa được nhận vào trang bị, Su-34 vẫn tham chiến ở Nam Ossertya. Su-34 có tổ lái 2 người, có khả năng bay với tốc độ đến 1.900 km/h, tầm bay đến 4.000 km, bán kính chiến đấu 1.100 km, trần bay thực tế 17.000 m. Máy bay được trang bị 1 pháo 30 mm GSh-301 và 12 điểm treo tên lửa có điều khiển và không điều khiển thuộc các loại không đối không và không đối diện, cũng như bom có điều khiển, bom không điều khiển và bom chùm. Su-34 có khả năng treo đến 8 tấn vũ khí. Đến nay, Không quân Nga đã nhận được 22 chiếc Su-34. Đầu tháng 3/2012, Bộ Quốc phòng Nga đã ký với công ty Sukhoi hợp đồng mua 92 chiếc Su-34. Các máy bay này sẽ được chuyển giao trước cuối năm 2020. Bộ Quốc phòng Nga dự định trong 9 năm tới mua 124 chiếc Su-34. 19. Tên lửa đẩy Proton-M Xe tải vũ trụ Proton-M (mil.ru) Tên lửa đẩy hạng nặng Proton-M được sử dụng từ năm 2001 và đã thay thế cho tên lửa Proton-K. Giống như loại tiền nhiệm, Proton-M chỉ được phóng từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan và dùng để đưa vào vũ trụ các loại vệ tinh, kể cả vệ tinh quân sự, các khí cụ bay vũ trụ có điều khiển và không điều khiển, cũng như các trạm quỹ đạo. Nga đã thực hiện từ Baikonur tổng cộng 63 lần phóng Proton-M, trong đó 58 lần thành công. Lần phóng đầu tiên diễn ra ngày 7/4/2001 khi Proton-M đưa lên quỹ đạo vệ tinh truyền hình Ekran-M. Sau đó, tên lửa đã đưa vào vũ trụ các vệ tinh Intelsat, DirecTV, Ekspress và nhiều vệ tinh khác. Lần phóng gần đây nhất cho đến hiện tại của Proton-M diễn ra hôm 17/5/2012. Khi đó, tên lửa đã đưa vệ tinh thông tin Telesat của Canada lên quỹ đạo. Tên lửa Proton-M có thể gồm 3 hay 4 tầng, có chiều dài 58,2 m và trọng lượng phóng 705 tấn. Với cụm động cơ khởi tốc Briz-M, Proton có khả năng đưa vào vũ trụ tải trọng hữu ích nặng hơn 6 tấn. Kỷ lục là lần phóng Proton-M mang vệ tinh thông tin ViaSat của Mỹ nặng 6,74 tấn. 20. Tàu chống ngầm cỡ lớn Đô đốc Chabanenko Sát thủ tàu ngầm Đô đốc Chabanenko (mil.ru) Tàu chống ngầm cỡ lớn Đô đốc Chabanenko được đóng theo thiết kế Projekt 1155.1 và vào biên chế Hải quân Nga vào ngày 28/1/1999. Năm 2008, tàu đã tham gia cuộc tập trận chung VENRUS 2008 với Venezuela tại vùng biển Caribe. Từ tháng 11/2009 đến tháng 4/2010, thủy thủ đoàn của tàu này đã làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng hải chống hải tặc Somalia ở vịnh Aden. Cảng nhà của tàu Đô đốc Chabanenko là Severomorsk. Đô đốc Chabanenko có chiều dài 162,8 m và lượng giãn nước 8.900 tấn. Thủy thủ đoàn gồm 296 người, trong đó có 32 sĩ quan. Tàu có khả năng chạy với vận tốc đến 32 hải lý/h, cự ly hành trình 3.500 hải lý và hoạt động độc lập trong vòng 30 ngày. Tàu được trang bị hệ thống pháo 130 mm АK-130 với cơ số đạn 360 viên, các hệ thống tên lửa phòng không Kortik và Kinzhal, hệ thống chống ngầm RBU-12000, các ống phóng lôi 533 mm, các bệ phóng tên lửa chống hạm Moskit. Lực lượng máy bay trên tàu Đô đốc Chabanenko gồm 2 trực thăng (Ка-27PL và Ка-27RTs). 21. Hệ thống tên lửa chiến thuật Tochka-U Tochka-U (mil.ru) Hệ thống tên lửa chiến thuật Tochka được phát triển vào cuối thập niên 1960-đầu thập niên 1970 và đưa vào trang bị vào năm 1975. Trên cơ sở Tochka, đã phát triển 2 biến thể là Tochka-U và Tochka-R, khác nhau ở hệ thống điều khiển và tên lửa. Biến thể Tochka-U với tên lửa được điều khiển trên toàn đường bay được nhận vào trang bị vào năm 1989. Hiện nay, quân đội Nga sở hữu 160-200 hệ thống Tochka-U. Hệ thống có thể chạy trên đường với tốc độ 60 km/h và dự trữ hành trình gần 650 km. Tochka-U cần không quá 16 phút để chuẩn bị phóng từ trạng thái hành quân và không quá 2 phút từ trạng thái sẵn sàng. Tùy thuộc chủng loại tên lửa sử dụng, tầm bắn của hệ thống là 70-120 km. Các tên lửa của Tochka-U có thể được trang bị phần chiến đấu phá-mảnh, chùm, hóa học và hạt nhân. Trong lịch sử tồn tại, Tochka-U đã được sử dụng trong cả hai chiến dịch ở Chêchnya và trong chiến tranh ở Nam Ossetya. Hiện nay, Bộ Quốc phòng Nga dự định thay thế dần Tochka-U bằng các hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật mới. Đồng thời, Tochka-U cũng sẽ không được hiện đại hóa nữa. 22. Tiêm kích đa năng Su-35 Su-35 Tiêm kích đa năng Su-35 được phát triển vào nửa đầu thập niên 2010, sản xuất loạt từ năm 2011 và dự định nhận vào trang bị vào năm 2015. Tiêm kích Su-35 Đến nay, Nga đã sản xuất tổng cộng 7 máy bay, trong đó có 4 chiếc sản xuất loạt. Các máy bay này đã thực hiện hơn 500 chuyến bay thử. Su-35 là biến thể hiện đại hóa sâu của Su-27. Su-35 có khả năng đạt tốc độ đến 2.400 km/h, tầm bay 3.600 km, trọng lượng cất cánh tối đa 34,5 tấn. Máy bay được trang bị 1 pháo hàng không GSh-30-1 cỡ 30 mm và 12 điểm treo có thể mang đến 8 tấn vũ khí. Su-35 có thể mang các tên lửa không đối không có điều khiển tầm ngắn, trung và xa, các tên lửa không đối diện, bom có và không điều khiển. Bộ Quốc phòng Nga đã mua sắm tổng cộng 48 chiếc Su-35, việc chuyển giao sẽ hoàn thành vào năm 2015. Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình vũ khí nhà nước Nga, dự định mua và tiếp nhận trong giai đoạn 2015-2020 thêm 48 chiếc Su-35 để sử dụng song song với các tiêm kích thế hệ 5 PAK FA T-50 đang trong giai đoạn phát triển. |
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tổ hợp tên lửa S-400. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tổ hợp tên lửa S-400. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012
>> Điểm mặt những cú đấm thép của Quân đội Nga (P4)
Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012
>> Trung Quốc quyết sao chép Su-35
Từ năm 2009, Trung Quốc đã nhiều lần đề nghị mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 và động cơ máy bay S-35 (series 117S) của Nga. >> Thương vụ bán Su-35 cho Trung Quốc (Kỳ 2) >> Việt Nam có thể là nước đầu tiên mua Su-35 ? Tuy nhiên, gần đây phía Nga tuyên bố, hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 sản xuất chỉ để dành riêng cho lực lượng phòng không của Nga. Ngoài ra, quân đội Nga cũng tuyên bố đơn đặt hàng 48 chiếc Su-35 sắp tới đầu tiên cũng phải đảm bảo cho nhu cầu trong nước trước, chưa thể xuất khẩu ra nước ngoài. S-400 hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất của Nga Điều này rõ ràng thể hiện rằng, Nga không muốn bị Trung Quốc một lần nữa sao chép các công nghệ kỹ thuật quân sự của mình, giống như với trường hợp của loại máy bay J-11B trước đây là một thiết kế sao chép từ Su-27SK. Trước khi mua được hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU2 với phạm vi bắn 200 km, các hệ thống phòng không của Trung Quốc không đủ khả năng để đối phó với mối đe dọa từ các hệ thống tên lửa của Mỹ được triển khai trong khu vực, Bởi phạm vi bắn của các hệ thống tên lửa thế hệ mới của Mỹ đã đạt được tầm bắn lên tới 320 km. Tuy nhiên đối với máy bay chiến đấu Su-35, theo một nguồn tin từ ngành công nghiệp hàng không của Trung Quốc cho biết : “Chúng tôi thậm chí còn coi thường công nghệ sản xuất loại máy bay này!”. Trung Quốc quyết tâm sao chép bằng được máy bay chiến đấu Su-35 của Nga Mặc dù có nhiều chi tiết phức tạp hơn dự án máy bay chiến đấu J-15, nhưng Trung Quốc tin rằng các kỹ sư của họ có thể giải quyết được vấn đề này. Ngoài ra, Công ty Máy bay Thẩm Dương cũng đang có ý định sao chép cả máy bay chiến đấu Su-30MKI (phiên bản Ấn Độ). Nếu thành công nó có khả năng thay thế máy bay J-11B. Hiện vấn đề lớn của Trung Quốc hiện nay trong việc sao chép Su-35 đó là vấn đề kích thước của loại động cơ 117S, ngoài ra công suất đỉnh của loại radar IRBIS trên Su-35 phải đạt 20 kW, gấp 4 lần công suất của radar N001 được lắp đặt trên Su-27SK. Ngoài ra, hệ thống điện trên Su-35 cũng cần được thiết kế mới. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là hệ thống động cơ. Nếu nắm bắt được kỹ thuật lực đẩy véc-tơ của động cơ WS-15, thì đến 2018 việc Trung Quốc sao chép thành công Su-35 là điều hoàn toàn có thể xảy ra. |
Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012
>> S-400 Triumf chống lại Antei-2500
Vẫn còn tồn tại nhiều ranh cãi về các hệ thống tên lửa phòng không và phòng thủ tên lửa Nga. >> Hệ thống tên lửa S-500
Khi mới xuất hiện, không quân từng gây nhiều ầm ĩ đến nỗi một số cái đầu nóng thậm chí đã đề nghị tất cả các binh chủng khác vì không cần thiết. Nhưng thời gian đã cho thấy rằng, đó là những suy nghĩ sai lầm. Ngay sau không quân, các phương tiện phòng không cũng bắt đầu được phát triển và cuối cùng chúng đã trở thành một trong những phương tiện tiến hành chiến tranh và răn đe chủ yếu. Thời kỳ chói sáng trong cuộc chạy đua giữa máy bay và phương tiện phòng không bắt đầu vào thập kỷ 1950. Hồi đó đã ra đời các tên lửa phòng không có điều khiển mà dù mới ở giai đoạn đầu phát triển đã hoàn toàn có khả năng gây ra vô số những khó chịu cho không quân địch.
Điều mọi người đều biết là các vũ khí hạt nhân chiến lược trong những năm đầu tồn tại người tư đã dự định đưa tới mục tiêu bằng máy bay có tầm bay và trọng tải phù hợp. Nhưng sự phát triển vũ bão của tên lửa phòng không và không quân tiêm kích nhanh chóng đòi hỏi các siêu cường phải lấy tên lửa chiến lược làm chỗ dựa. Nhờ có quỹ đạo bay đường đạn, chúng sẽ hiệu quả hơn nhiều, ngoài ra, tiêu diệt các phương tiện mang phóng này là nhiệm vụ bất khả thi trong những năm 1960 hay 1970. Hơn nữa, không phải tất cả các nhiệm vụ chiến đấu đều có thể giải quyết bằng tên lửa đường đạn tầm xa. Điều đó đã dẫn tới sự xuất hiện của các tên lửa đường đạn tầm trung và tầm ngắn. Với hệ dẫn thích hợp, các tên lửa này cho phép tấn công các mục tiêu ở chiều sâu chiến thuật hoặc chiến dịch mà không chịu rủi ro lớn đối với bệ phóng và kíp chiến đấu. Liên quan đến máy bay thì do những lý do hoàn toàn dễ hiểu, cùng với thời gian, hướng phát triển máy bay chủ yếu là máy bay chiến thuật. Từ góc độ các nhiệm vụ mà chúng phải đảm nhận, gần như mọi sự sáng tạo mới đều hữu ích. Ví dụ, sự phổ biến rộng rãi vũ khí chính xác cao đã cho phép nâng cao đáng kể hiệu quả các đòn không kích và giảm thiệt hại của không quân. Chẳng hạn, trong chiến dịch Bão táp sa mạc (1991), vũ khí có điều khiển đã được không quân Mỹ sử dụng trong dưới 10% phi suất, còn trong chiến tranh Nam Tư thì hầu như tất cả các tên lửa và bom được sử dụng đều là loại tinh khôn. Thật khó xem thường hiệu quả từ việc đó - ở chiến tranh Vùng Vịnh, người Mỹ mất 2 tá máy bay, còn tổn thất ở Nam Tư chỉ đếm chưa đầy một bàn tay. Tuy vậy, vũ khí có điều khiển chính xác cao có giá đắt hơn bom đạn thông thường, điều này lại được bù đắp bởi giá đắt của bản thân máy bay. Trở lại với phương tiện phòng không. Đặc điểm chủ yếu của vũ khí hàng không chính xác cao là ở chỗ có thể sử dụng nó từ khoảng cự ly xa. Nhờ đó, máy bay không bắt buộc phải tiến vào khu vực hoạt động của phòng không đối phương, nên giảm được nguy cơ tổn thất máy bay. Như vậy, để đối phó hiệu quả với các quân đội lấy các đòn không kích chính xác làm chỗ dựa, cần phải có hệ thống phòng không có khả năng bắn hạ mục tiêu ở cự ly xa hơn tầm bắn của tên lửa có điều khiển đối phương. Tuy nhiên, không phải tất cả các nước đều dùng phương thức tác chiến như thế. Không ít nước thích xem các cuộc tấn công chính xác ở chiều sâu chiến thuật và chiến dịch là nhiệm vụ của các tên lửa đường đạn tầm trung và tầm ngắn. Vì thế, để đối phó với mối đe dọa đó, hệ thống phòng không còn phải có khả năng bắn hạ cả tên lửa đường đạn. Như vậy, mộ hệ thống tên lửa phòng không lý tưởng phải có khả năng chặn đánh mọi loại mục tiêu có thể xuất hiện bên trên chiến trường. S-300VМ Antei-2500 (ký hiệu của Tổng cục Tên lửa-pháo binh, Bộ Quốc phòng Nga là 9K81M, Mỹ và NATO gọi là SA-23 Gladiator) Cần lưu ý là việc sở hữu những vũ khí trang bị đó là cực kỳ quan trọng đối với Nga, bởi lẽ đối phương tiềm tàng có thể mở các cuộc tấn công bằng không quân hay tên lửa tầm trung vào nước Nga hầu như từ mọi hướng. Nguyên nhân chủ yếu là yêu cầu của Hiệp ước Xô-Mỹ về thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Chỉ các tên lửa đó của Liên Xô và Mỹ bị thủ tiêu, còn một số nước khác không tham gia hiệp ước, vẫn tiếp tục chế tạo vũ khí này. Không may là một số nước trong số đó lại có biên giới chung với Nga như Iran, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Quan hệ của Nga với các nước này không thể gọi là căng thẳng, song cũng nên lơi lỏng khi có những vũ khí đó ở sát sườn mình. Bởi vậy mà các hệ thống tên lửa phòng bảo vệ lãnh thổ Nga phải có khả năng tiêu diệt cả các mục tiêu khí động lẫn đường đạn. Trở ngại chính để chế tạo các hệ thống tên lửa phòng không đó là ở các tham số bay khác nhau của mục tiêu. Mục tiêu khí động có tốc độ tương đối thấp, quỹ đạo của nó hầu như luôn nằm ở phương ngang. Trong khi đó, phần chiến đấu của tên lửa đường đạn rơi xuống mục tiêu với tốc độ siêu âm, góc rơi nằm trong khoảng 30-80 độ. Tương ứng là tốc độ phần chiến đấu liên tục tăng, làm giảm đáng kể thời gian cho những hành động phản ứng. Cuối cùng, phần chiến đấu tên lửa có kích thước nhỏ và bề mặt tán xạ hiệu dụng cũng khá nhỏ nên rất khó bị phát hiện. Và đó là chưa tính đến khả năng tách đầu đạn, sử dụng các phương tiện đột phá phòng không/phòng thủ tên lửa… Vĩ những lý do đó, chỉ những nước phát triển mới có thể xây dựng được hệ thống hỗn hợp phòng không/phòng thủ tên lửa và việc đó cũng khiến họ mất rất nhiều thời gian. Ví dụ, Mỹ mất gần 13 năm cho chế tạo hệ thống tên lửa phòng không Patriot. Trong suốt thời gian đó, các kỹ sư Mỹ đã làm đơn giản hóa tối đa có thể thiết bị điện tử của tên lửa và bảo đảm hiệu quả tác chiến chống các mục tiêu hiện tại và tương lai. Nhưng mọi nỗ lực vạn năng hóa hệ thống tên lửa phòng không này đã không mang lại kết quả mong đợi. Kết quả là Patriot chỉ bắn hạ được 1/3 số tên lửa Scud. Ngoài ra, Patriot không lần nào đánh chặn được Scud ở tầm xa hơn 13-15 km tính từ bệ phóng. Mà đó là với tên lửa bị bắn hạ (Scud) lạc hậu hơn nhiều tên lửa phòng không (Patriot) tiêu diệt nó. Sau đó, Mỹ đã mấy lần nâng cấp hệ thống Patriot, nhưng họ cũng không thể nâng cao đáng kể hiệu quả tiêu diệt mục tiêu đường đạn của nó. Có lẽ một phần vì thế mà các tên lửa đánh chặn dùng để phòng thủ tên lửa chiến lược của Mỹ đã không dựa trên các vũ khí trang bị hiện có. S-400 Triumf Liên Xô trước đây cũng chú trọng vạn năng hóa, song không làm như Mỹ. Sau những nghiên cứu thăm dò ban đầu theo chuyên đề hệ thống tên lửa phòng không S-300, Liên Xô đã quyết định nghiên cứu chế tạo các dòng P và V với tư cách vũ khí phòng không, còn nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu đường đạn được bổ sung chỉ khi có khả năng thích hợp. Những khả năng này như tương lai đã tho thấy là chẳng có nhiều. Thay đổi thành phần trang thiết bị của các hệ thống, bổ sung các tên lửa mới, nhưng vẫn không thể cải thiện đáng kể về khả năng tiêu diệt mục tiêu đường đạn. Đôi khi cũng nghe thấy nói rằng, hệ thống tên lửa phòng không S-400 được chế tạo mới đây, bất kể các tuyên bố của những công trình sư, không thể dùng để phòng thủ tên lửa chiến thuật bởi vì nó có “gốc rễ” từ hệ thống S-300P. Mà hệ thống này như đã nói là chỉ đối phó ngon lành với các mục tiêu khí động. Hệ thống S-500 đang được phát triển cũng sớm bị chỉ thích giống như thế. Xét đến tính bảo mật thông tin về hai hệ thống này thì những phát biểu như vậy có thể coi là quá sớm và cũng có những điều không đúng sự thật. Tuy nhiên, việc kết hợp phòng không và phòng thủ tên lửa chiến thuật không hề đơn giản, trong khi các chi tiết về hoạt động của Tập đoàn Almaz-Antei lại ít hơn mong đợi. Cũng có ý kiến là lẽ ra nên lấy dòng S-300V làm cơ sở để phát triển các hệ thống mới. Hậu thuẫn cho ý kiến này là những đặc điểm của S-300V được nêu ra: trong thành phần vũ khí của nó có các tên lửa 9М82 ngay từ đầu được thiết kế để tấn công mục tiêu đường đạn. Tuy nhiên, các tên lửa mà 9М82 được thiết kế để đối phó từ lâu đã bị loại khỏi trang bị, còn khả năng của nó đánh chặn các phương tiện tiến công hiện đại hơn thì lại bị nghi ngờ. Tuy vậy, S-300V vẫn là nền tảng tốt nhất cho các hệ thống tên lửa phòng tương lai. Có thể đồng ý hoặc không đồng ý với ý kiến này. Nhưng chỉ chừng nào sự tranh cãi diễn ra trong khuôn khổ bình thường. Bởi lẽ, đôi khi một số người có liên hệ nhất định với việc chế tạo các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa Nga đưa ra những phát biểu rất không xác thực. Chẳng hạn, có ý kiến nói rằng “các nhà quản lý từ Bộ Quốc phòng Nga” đơn giản là không hiểu được sự khác nhau giữa S-300P và S-300V vì thế họ bóp chết một nhánh phát triển phương tiện phòng không rất triển vọng. Cuối cùng, mấy tuần trước, một nữ nhà báo có tiếng trên làn sóng của một đài phát thanh có tiếng đã buộc tội S-400 là nửa vời. Logic buộc tội “cao hơn mọi lời khen”: đó là các tên lửa tầm xa hiện đang được thử nghiệm, còn trong trang bị hiện chỉ có các tên lửa tiêu chuẩn. Vì thế, hệ thống này kém cũng như tình trạng công việc ở Tập đoàn Almaz-Antei. Nhưng dẫu sao cũng vẫn phái chú ý đến các mẫu hệ thống tên lửa phòng không đời mới của dòng V, ví dụ như S-300VМ. Hệ thống này còn được gọi là Antei-2500. Chữ Antei là chỉ nhà thầu chính, còn con số 2500 chỉ tầm bắn tối đa của tên lửa đường đạn mà S-300VМ có thể bắn hạ. Ưu điểm chính của Antei-2500 mà những người ủng hộ ưu tiên phát triển dòng S-300V nói là hệ thống phát hiện và chỉ thị mục tiêu của nó. Trong thành phần trang thiết bị vô tuyến điện tử của S-300VМ có 2 radar: 1 radar nhìn vòng và 1 radar quan sát có lập trình. Radar nhìn vòng theo dõi toàn bộ không gian xung quanh và trước hết dùng để phát hiện các mục tiêu khí động, còn radar thứ hai quan sát vùng rẻ quạt 90 độ theo phương ngang (góc tà đến 50 độ) và phát hiện mục tiêu đường đạn. Radar quan sát có lập trình của S-300VМ có thể bắt bám đồng thời đến 16 mục tiêu. Cho đến nay, chưa quân đội nước nào khác có những hệ thống tương tự. Vì thế mà Mỹ từng buộc phải đối phó với tên lửa đối phương theo cách thức rất rắc rối. Chẳng hạn, vụ phóng tên lửa được phát hiện nhờ radar cảnh báo sớm tên lửa tấn công đặt ở Thổ Nhĩ Kỳ; sau đó thông tin truyền đến sở chỉ huy Bộ chỉ huy phòng không Bắc Mỹ NORAD ở Mỹ, nơi xử lý thông tin thu được và tính toán đưa ra thông tin chỉ thị mục tiêu và chỉ sau đó, thông tin cần thiết mới được truyền đến hệ thống phòng không cụ thể. Antei-2500 có thể độc lập làm tất cả những chuyện đó mà không cần đến các hệ thống bên ngoài. Vũ khí của S-300VМ gồm 2 loại tên lửa: - 9М82М có khả năng bay với tốc độ đến 2.300-2.400 m/s và tấn công các mục tiêu đường đạn. Nó có thể tiêu diệt tên lửa đường đạn có tốc độ tối đa hơn 4,5 km/s. 9М82М cũng có thể chặn đánh cả mục tiêu khí động một khi tầm bắn tối đa đạt đến 200 km; - 9М83М có tốc độ bay đến 1.700 m/s, dùng để tiêu diệt mục tiêu khí động. Tính năng không khác mấy các loại tên lửa trước đó của họ S-300V. Các tên lửa 2 tầng được chuẩn hóa tối đa và sử dụng các động cơ nhiên liệu rắn. Điều thú vị là phần chiến đấu tên lửa khi phát nổ không văng đều các mảnh tiền chế về tất cả các hướng mà chỉ ở một rẻ quạt tương đối nhỏ. Kết hợp với dẫn tên lửa khá chính xác, điều này nâng cao xác suất tiêu diệt chắc chắn tất cả các loại mục tiêu. Theo thông tin hiện có, các tên lửa của Antei-2500 sử dụng hệ dẫn kết hợp: tên lửa bay đến điểm do máy móc mặt đất xác định nhờ hệ dẫn quán tính, còn ở giai đoạn cuối, hệ dẫn radar bán chủ động được kích hoạt. Việc điều khiển trực tiếp thực hiện nhờ các cánh lái động học khí phụt. Đó là vì tiêu diệt các tên lửa đường đạn hiệu quả nhất là ở các độ cao mà các cánh lái khí động truyền thống hầu như không có khả năng làm việc. Các cánh lái động học khí phụt được lắp cho cả tên lửa chống tên lửa SM-3 của Mỹ, có khả năng chống các mục tiêu ở ngoài khí quyển. Bất kể mọi ưu điểm của Antei-2500, không thật hiểu vì sao chính nó được đề xuất trang bị cho hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa Nga. Antei-2500 thuộc dòng V của họ tên lửa S-300. Chữ V có nghĩa là dùng cho lục quân. Còn dòng P được phát triển cho bộ đội phòng không. Do đó, sử dụng S-300V(М) ở chỗ cần dùng S-300P và “con cháu” nó không phải là việc làm hoàn toàn logic, trong đó không tính đến những ưu thế của từng hệ. Tuy nhiên, chẳng có gì ngăn cản sử dụng trong S-400 hay S-500 những kết quả nghiên cứu có được khi phát triển Antei-2500. Điều đáng chú ý là S-300VМ thực tế là hệ thống đã lạc hậu. Sẽ thay thế nó là S-300V4 nên chẳng có thể trông đợi nhiều từ việc này. Hai tuần trước, quân đội Nga và Tập đoàn Almaz-Antei đã ký hợp đồng cung cấp S-300V4. Các hệ thống đầu tiên sẽ được chuyển giao cho quân đội trước cuối năm 2012. S-300V4 có các tính năng gần như của S-300VМ. Theo thông tin hiện có, sự khác biệt ở một số tham số là do khả năng cải tạo nâng cấp các hệ S-300V cũ lên tiêu chuẩn S-300V4. Tên lửa mới 40N6Е sẽ làm ngừng cuộc tranh cãi về tính hợp lý đưa S-400 (trước đây gọi là S-300PМ3) vào trang bị. Tên lửa này có tầm bắn tối đa 400 km và độ cao tác chiến tối đa 185 km trong tương lai sẽ có thể chứng tỏ hùng hồn vị thế số 1 của nó và S-400. Nhưng đáng tiếc là việc nghiên cứu chế tạo 40N6Е bị chậm trễ đáng kể nên bị nhiều người chỉ trích. Tên lửa mới sẽ hoàn thành thử nghiệm trong năm nay, sau đó được nhận vào trang bị. Nhờ 40N6Е, hệ thống S-400 Triumf cuối cùng sẽ có thể bảo vệ nước Nga không chỉ trước các mục tiêu khí động mà cả các mục tiêu đường đạn. Hy vọng, sau khi tên lửa mới được nhận vào trang bị thì cuộc tranh cãi về số phận hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa Nga sẽ không nói về những nhược điểm của các hệ thống hiện có mà về việc phát triển những hệ thống mới. Bởi vì, hệ thống mới S-500 được hứa hẹn là sẽ ra đời sau 5 năm nữa. Nguồn: Ryabov Kirill // TW, 27.3.2012 . |
Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012
>> Vũ khí chống tàng hình của Quân đội Nga
Ngày 23.3, tạp chí hàng không Mỹ Aviation Week đăng bài phân tích của các chuyên gia nổi tiếng Carlo Kopp và Bill Sweetman về các kế hoạch của Nga đối phó với các phương tiện tiến công tàng hình.
Chiến lược công nghệ cho không quân thời kỳ sau năm 2010 của Nga được vạch ra khá chi tiết vào cuối thập niên 1990 và thể hiện ở sự ra đời của các mẫu chế thử hay sản xuất ban đầu các máy bay và vũ khí phòng không.
Khác với nhiều nước vốn đi theo những chiến lược đặc biệt để xác định các hệ thống vũ khí tương lai (thường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố cơ sở công nghiệp và cơ cấu lực lượng hiện có), công tác kế hoạch quốc phòng của Nga có cách tiếp cận có hệ thống và có nguyên tắc nhằm thách thức một cách đối xứng sức mạnh của Mỹ và thách thức một cách đối xứng phi đối xứng các điểm yếu của Mỹ. Ý đồ chiến lược là mở rộng quyền tự do hành động chính trị của Nga trong một thế giới hậu chiến tranh lạnh mà Mỹ chiếm ưu thế, khi mà các khoản thu nhập từ xuất khẩu vũ khí được sử dụng để giảm bớt áp lực đối với nguồn lực quốc phòng hạn chế. Các lựa chọn của Nga đã được hướng dẫn bởi kế hoạch phòng không chiến thuật của phương Tây vốn kiên định tập trung vào tiêm kích F-35 Joint Strike Fighter (JSF). Sự chậm trễ của chương trình JSF đã cho Nga hơn 20 năm để chuẩn bị cho thời điểm F-35 bắt đầu đi vào hoạt động. Ba loại máy bay chiến đấu chủ lực: T-50, Su-34 và Su-35S của Nga Về máy bay, các nhà hoạch định quốc phòng Nga đã chọn chất lượng hơn là số lượng, với lực lượng tương lai được dựa trên 3 loại máy bay tiêm kích-tiến công của hãng Sukhoi, 2 trong số đó là sự phát triển trực tiếp của Su-27. Các tiêm kích nhẹ hơn là MiG-29/35 được phát triển chỉ để chào bán xuất khẩu. Trong số 3 loại máy bay Sukhoi này, hoàn thiện hơn cả là tiêm kích bom hạng trung Su-34. Lô đầu tiên gồm 6 chiếc trong 32 chiếc của đơn đặt hàng đầu tiên đã tới Trung tâm Huấn luyện sử dụng chiến đấu ở Lipetsk, 10 chiếc nữa sẽ được chuyển giao trong năm nay. Theo hợp đồng công bố ngày 1.3, đến năm 2020, Không quân Nga sẽ nhận vào trang bị 92 chiếc Su-34 nữa. Máy bay ném bom chiến thuật Su-34 Được phát triển từ cuối thập niên 1980, Su-34 sẽ thay thế Su-24 Fencer trong các nhiệm vụ tiến công mặt đất và mặt biển, chế áp/tiêu diệt hệ thống phòng không đối phương và các nhiệm vụ khác, trong khi có tốc độ và sự linh hoạt để tự bảo vệ. Loại thứ hai là tiêm kích giành ưu thế trên không Su-35. Ngày 17.1, mẫu chế thử thứ ba Su-35S ở cấu hình sản xuất loạt đã bắt đầu bay thử. Tại thời điểm đó, theo hãng Sukhoi, 2 mẫu chế thử Su-35 (một chiếc phá hủy khi chạy trên đường băng) đã thực hiện 400 chuyến bay thử, các cuộc thử nghiệm nghiệm thu nhà nước đã bắt đầu vào tháng 8.2011, cùng với chiếc máy bay sản xuất loạt đầu tiên. Tiêm kích đa năng siêu cơ động thế hệ 4++ Su-35S Su-35S là mẫu hiện đại hóa sâu của Su-27 Flanker nguyên bản. Hệ thống động cơ vector lực đẩy thay đổi có hiệu quả theo góc hướng, góc chúc ngóc và góc chòng chành và được liên kết toàn phần với các tấm lái khí động. Điều đó cho phép loại bỏ cánh ngang phía trước (cánh vịt) giống như cánh vịt ở Su-30MKI và các biến thể tương tự, vốn làm hạn chế tốc độ tối đa chỉ ở mức 1,8M, cùng với một dù phanh riêng biệt, làm giảm trọng lượng và tăng lượng nhiên liệu mang theo. Hệ thống điều khiển bay và điều khiển động cơ lien kết tạo ra cho máy bay “khả năng cơ động vô song” và độ an toàn cao khi bảo đảm duy trì khả năng điều khiển máy bay thậm chí trong cả những điều kiện phi đối xứng. Hai động cơ turbine phản lực lưỡng mạch 117S có lực đẩy tăng thêm 16%, trong khi các vật liệu mới và cấu trúc cải tiến giúp duy trì trọng lượng máy bay gần với trọng lượng của biến thể cơ sở. Bề mặt tán xạ hiệu dụng của máy bay giảm đi nhờ sử dụng các công nghệ do công ty ITAE phát triển trong những năm 1990 và hệ thống avionics mới bao gồm một radar trường nhìn rộng kết hợp anten mạng pha thụ động quét điện tử và một khớp cardan. Tất cả những tính năng mới của Su-35 là nhằm giảm tầm bắn hiệu quả của tên lửa phòng không đối phương: bề mặt tán xạ hiệu dụng nhỏ và khả năng gây nhiễu tốt hơn làm việc bám máy bay khó khăn hơn, khả năng cơ động tốt hơn của máy bay làm tác động đến đặc tính động năng của tên lửa, kết hợp với một radar có thể có khả năng theo dõi tình huống tốt và chỉ dẫn thực hiện một biện pháp chống tấn công bằng cách cơ động tránh đạn. Tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AMRAAM của Không quân Mỹ đối phó rất kém với các biện pháp đối phó như thế vì thế đã thúc đẩy hãng MBDA phát triển tên lửa không đối không mới Meteor. Loại thứ ba là tiêm kích thế hệ 5 Т-50. Phân tích các bức ảnh và video bay thử cho thấy loại máy bay thứ ba của Sukhoi là T-50 cho thấy sự khác biệt căn bản của nó. Mẫu chế thử thứ ba của T-50 được trang bị thiết bị trên khoang bảo đảm hoạt động của radar và các sensor khác đã cất cánh vào tháng 11.2011 ngay sau khi chương trình đạt con số 100 chuyến bay thử. Máy bay được phát triển dựa trên thiết kế trước đó với phần bên trong giữa cánh rộng hơn, nơi bố trí các khoang vũ khí bên trong, có hệ thống điều khiển vector lực đẩy 3 chiều và các động cơ đặt xa nhau, Т-50 có các tấm lái ở mép trước giữa cánh. Các tấm lái này có thể di động khác nhau một dải rộng. Các loa phụt động cơ tách xa nhau có trục vector hướng ra bên ngoài và lên trên 30 độ so với phương thẳng đứng, nhờ đó chúng có thể tạo các moment hướng, chòng chành và chúc ngóc. Các cánh đứng đuôi nhỏ là kiểu xoay toàn bộ. Tiêm kích thế hệ 5 PAK FA T-50 Một câu hỏi chưa có giải đáp là cấu hình T-50 hiện hữu đã là cuối cùng chưa. Các loa phụt động cơ tròn hiện nay và độ cong của các vỏ động cơ phía sau thoạt nhìn là không được tối ưu hóa để tàng hình, và động cơ không được che chắn toàn bộ bằng các cửa hút khí. Các chương trình Su-35S và T-50 có liên quan với nhau ở mức độ nào đó khi mà một số đặc tính của Su-35S như các màn hình rộng trong buồng lái và hệ thống điều khiển bay/động cơ tích hợp sẽ đem lại kinh nghiệm cho các nhà thiết kế T-50. Động cơ 117S của Su-35S được sử dụng làm động cơ tạm thời cho T-50 cho đến khi hoàn thành động cơ hoàn toàn mới 117. Xu hướng phi đối xứng trong các chương trình tác chiến đường không Nga bao gồm việc phát triển các công nghệ radar chống tàng hình (CVLO) và các tên lửa phòng không cao tốc, tầm siêu xa, cũng như các hệ thống tên lửa phòng thủ điểm, tầm ngắn thế hệ mới để tiêu diệt vũ khí có điều khiển, đặc biệt là tên lửa chống radar, tên lửa hành trình và bom có điều khiển. Tất cả các hệ thống này có sức cơ động cao, thường có thời gian triển khai chiến đấu/thu hồi 5 phút, nên cho phép chúng thay đổi trận địa bắn ngay trong các chu trình ngắm bắn và đánh chặn đa số các loại vũ khí có điều khiển. Trong lĩnh vực radar CVLO, Nga tập trung vào dải sóng 1 m VHF (dải sóng cực ngắn). Vấn đề là ở chỗ thiết kế tạo dáng tàng hình ở các máy bay tiêm kích phần lớn không có hiệu quả ở dải sóng này bởi vì các chi tiết như các cánh ổn định và các đầu mút cánh máy bay có kích thước gần bằng độ dài bước sóng radar. Các giải pháp hấp thụ radar được phát triển cho băng tần S và cao hơn không có hiệu quả ở dải VHF. Sản phẩm hàng đầu trong các radar này là radar 3 tọa độ 55Zh6М Nebo-М của Viện nghiên cứu kỹ thuật vô tuyến điện Nizhy Novgorod (NNIIRT) thuộc Tập đoàn Phòng không Almaz-Antei. Không quân Nga mới đât đã đặt mua 100 đài radar này để trang bị cho lực lượng phòng không. Nebo-M là một thiết kế “đa băng” độc đáo, bao gồm 3 đài radar, 1 module hợp nhất dữ liệu trung tâm và sở chỉ huy, tất cả đều lắp riêng biệt trên các các xe tải 8 trục 24 tấn cơ động cao. Các radar của S-400 Các radar RLM-М băng VHF, RLM-D băng L và RLM-S băng C/X đều cung cấp dữ liệu bám tới hệ thống hợp nhất dữ liệu của xe chỉ huy, giống như hệ thống CEC (Cooperative Engagement Capability) của Hải quân Mỹ khi sử dụng các kênh truyền dữ liệu số, cao tốc, chùm sóng hẹp ở băng viba. Tất cả các radar đều có anten mạng pha chủ động, thể rắn. RLM-М được sử dụng để phát hiện các mục tiêu tàng hình, RLM-D và RLM-S dùng để bám các mục tiêu đó và dẫn tên lửa. Cự ly phát hiện và bám mục tiêu không được tiết lộ, song dự đoán, tầm hoạt động của RLM-М ít nhất cũng lớn hơn 40% so với radar Nebo-SVU trước đó. Đài radar 1L118E Nebo-SVU băng VHF với anten mạng pha chủ động cũng do NNIIRT phát triển dường như không được sản xuất số lượng lớn. Radar này được lắp trên một bán moóc, “kém cơ động hơn”. Nebo-SVU được cho là sử dụng công nghệ xử lý thích ứng không gian-thời gian STAP (space-time adaptive processing technology) tương tự như ở máy bay báo động sớm E-2D Hawkeye của hãng Northrop Grumman và năm 2002, công trình sư trưởng radar Igor Krylov của NNIIRT nói rằng, “chúng tôi có thể nhìn thấy máy bay tàng hình (F-117A) rõ như bất kỳ máy bay nào khác”. Bên cạnh việc tập trung phát triển radar chống tàng hình, Nga cũng đầu tư cho các thiết kế tên lửa phòng không cơ động tầm xa, có tốc độ cao và thời gian bay ngắn nhằm cả 2 mục đích: ngăn chặn các máy bay trinh sát, tác chiến điện tử hoạt động ngoài tầm hoặc xâm nhập tiếp cận không phận, đồng thời cho phép các hệ thống tên lửa phòng không tiếp cận các mục tiêu tàng hình trước khi chúng có thể thoát khỏi tầm bám. Hệ thống phòng thủ đường không-vũ trụ tích hợp trong tương lai của Nga sẽ được xây dựng xung quanh hệ thống phòng không chiến lược S-400 Triumf (SA-21 Growler), S-500 Triumfator-M (SA-X-NN) và hệ thống phòng thủ tên lửa. Các trung đoàn S-400 hiện nay được triển khai ở Dubrovka, Elektrostal và Vladivostok. S-400 được phát triển trực tiếp từ hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU2 (SA-20B Gargoyle), và vẫn giữ lại radar điều khiển băng Х và các ống phóng tên lửa hình trụ và khung thân tên lửa cơ sở. Hệ thống được trang bị radar số đa chế độ 92N6E Grave Stone và radar điều khiển chiến đấu 91N6E được phát triển dựa trên họ radar 5N64/64N6E/E2 Big Bird. S-400 được trang bị các bệ phóng lắp trên bán moóc 5P85TE2 hoặc các xe bệ phóng 5P90S/SE lắp trên khung gầm BAZ-6909 8x8. Hệ thống tên lửa phòng không chiến lược S-400 Ngoài tên lửa cải tiến 48N6Е3/DM có tầm bắn tăng lên đến 250 km (155 dặm) vốn được sử dụng ở S-300PMU2, Ssắp tới, S-400 sẽ được trang bị tên lửa mới 40N6 tầm bắn 400 km. Belarus sẽ là nước đầu tiên ngoài Nga có S-400. Đồng thời, các đơn vị phòng không lục quân Nga cũng đang tiếp nhận S-300V4, bước phát triển tiếp theo của hệ thống tên lửa phòng không/phòng thủ tên lửa S-300V (SA-12 Giant/Gladiator). S-300V4 sẽ có xe bệ phóng chạy xích cải tiến và các tên lửa mới 9М82М và 9М83М được phát triển cho hệ thống Antei-2500 (SA-X-23) có tầm bắn tương ứng là 200-250 và 120-130 km. Đến nay, Nga chưa tiết lộ họ có thay thế radar 9S32 Grill Pan bằng radar lớn hơn 9S32М Grill Screen trong chương trình S-300V4. Hệ thống tên lửa phòng không/phòng thủ tên lửa Antei-2500 “Tầng trên” của hệ thống phòng thủ đường không-vũ trụ tương lai của Nga sẽ là hệ thống S-500 hiện đang được phát triển. Thông tin về hệ thống này không nhiều, nhưng vào giữa năm 2010 có tin, tên lửa của S-500 sẽ được chế tạo dựa trên tên lửa chống tên lửa 9M82M với tầm bắn tăng lên đến 500-600 km và có khả năng chống tên lửa. S-500 sẽ được trang bị radar bắt mục tiêu và điều khiển chiến đấu 91N6А(М) cải tiến từ radar Big Bird, radar bắt mục tiêu 96L6-TsP, các radar mới là radar dẫn tên lửa đa chế độ 76Т6 và radar phòng thủ tên lửa 77Т6. |
Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012
>> S-400 có tên lửa tầm 400 km vào năm 2012
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf sẽ được trang bị một loại tên lửa có tầm bắn 400 km.
S-400 Triumf (raspletin.ru) Tên lửa tầm bắn 400 km dành cho hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf sẽ được chế tạo ngay trong năm 2012, Tư lệnh Không quân Nga, Thượng tướng Aleksandr Zelin cho biết. Ngoài ta, ông Zelin cũng cho biết, lô S-400 tiếp theo trong năm nay sẽ được triển khai ở các vùng ven biển và ven biên giới của Nga. Các hệ thống trước đó được trang bị cho các đơn vị đóng tại tỉnh Moskva. Trước đó, Tư lệnh Hạm đội Baltic, Phó Đô đốc Viktor Chirkov cho biết, Bộ Quốc phòng Nga dự định triển khai S-400 ở tỉnh Kaliningrad vào tháng 4 năm nay. Hiện nay, quân đội Nga có trong trang bị 2 trung đoàn S-400 và sẽ tiếp nhận trung đoàn th2s ba và thứ tư trong năm 2012. Đầu tháng 2.2012, Giám đốc Rosoboronoexport Anatoly Isaikin tuyên bố, Nga không dự định xuất khẩu S-400 trước năm 2015. Các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể OKDB như Belarus và Kazakhstan sẽ chỉ nhận được S-400 sau khi quân đội Nga đã được trang bị đầy đủ. Bộ Quốc phòng Nga cũng vừa ký với Nhà máy chế tạo máy Avangard ở Moskva hợp đồng cung cấp tên lửa phòng không có điều khiển dành cho S-400. Hợp đồng có thời hạn 3 năm, do Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov và Tổng giám đốc Avangard Gennady Kozhin ký kết trong khuôn khổ đơn đặt hàng nhà nước năm 2012. Theo hợp đồng Avangard sẽ nhận được tiền trả trước 100% cho các tên lửa nên họ có thể thanh toán cho các chi phí của các nhà thầu phụ. Theo Bộ Quốc phòng Nga, Avangard sẽ là nhà cung cấp duy nhất tên lửa cho S-400. Những loại tên lửa nào sẽ được Avangard cung cấp không được nói rõ. Hiện nay, S-400 đang sử dụng các loại tên lửa 48N6Е, 48N6Е2 và 48N6Е3 của các hệ thống S-300PM-1 và S-300PM-2, cũng như tên lửa cải tiến 48N6DM. Nga cũng đang nghiên cứu chế tạo tên lửa 9М96Е và 9М96Е2, cũng như tên lửa tầm xa 40N6Е cho S-400. Giữa tháng 2.2012, tướng Zelin cho biết, vào cuối năm 2012, Không quân Nga sẽ nhận vào trang bị loại tên lửa tầm xa mới dành cho S-400 hiện đang được thử nghiệm nhà nước có tầm bắn hơn 250 km. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga A. Serdyukov, đến nay, Nga đã nhận vào trang bị 3 trung đoàn S-400. Đến năm 2020, Nga sẽ có 56 tiểu đoàn S-400 Triumf (raspletin.ru) Tính đến đầu năm 2012, Nga có trong trang bị 2 trung đoàn S-400, mỗi trung đoàn có 2 tiểu đoàn, triển khai ở Elektrostal và Dmitrov. Trung đoàn thứ ba được thành lập tại tỉnh Kaliningrad với tiểu đoàn S-400 đầu tiên được nhận vào trang bị Hạm đội Baltic vào tháng 2.2012. Ông Serdyukov không nói rõ, việc thành lập trung đoàn S-400 hoàn thành khi nào. Giữa tháng 3.2012, có tin, Không quân và Phòng không Nga trong năm 2012 sẽ nhận được 3 tiểu đoàn S-400. Theo Tham mưu trưởng Không quân Nga, Thiếu tướng Viktor Bondarev, 1 tiểu đoàn dự định triển khai ở Nakhodka, 1 tiểu đoàn ở ngoại ô Moskva và 1 tiểu đoàn trang bị cho Bộ tư lệnh Không quân và Phòng không số 1. S-400 được mua sắm theo chương trình vũ khí nhà nước giai đoạn 2011-2020 tổng trị giá gần 23.000 tỷ rúp. Theo đó, đến năm 2020, quân đội Nga sẽ thành lập tổng cộng 28 trung đoàn S-400, mỗi trung đoàn có 2 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn biên chế 8 bệ phóng. Để bảo đảm cung cấp S-400, Nga sẽ xây dựng 3 nhà máy chuyên dụng. S-400 Triumf (ban đầu có tên S-300PM3; ký hiệu trong quân đội Nga là 40R6, còn Mỹ/NATO gọi là SA-21 Growler) là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung-xa thế hệ mới. Dùng để tiêu diệt tất cả các loại phương tiện tiến công đường không-vũ trụ hiện có và tương lai như máy bay trinh sát, máy bay chiến lược và chiến thuật, tên lửa đường đạn chiến thuật, chiến dịch-chiến thuật, tên lửa đường đạn tầm trung, mục tiêu siêu vượt âm, máy bay gây nhiễu, máy bay chỉ huy/báo động sớm... Mỗi hệ thống S-400 có thể bắn đồng thời đến 36 mục tiêu và dẫn 72 đến các mục tiêu. S-400 được nhận vào trang bị ngày 28.4.2007. |
Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012
>> Việt Nam có thể mua S-400 của Nga
Việt Nam sẽ mua từ 4-6 hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU2 hoặc S-400 nếu được phép xuất khẩu. Thông tin trên được Giám đốc CAST (Nga) tiết lộ.
Sau triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế Lima tổ chức tại đảo Langkawi ở Malaysia từ ngày 6-10/12/2011, ông Ruslan Pukhov giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ (CAST) có trụ sở tại Moscow, tiết lộ. Trung tâm này có sự liên kết chặt chẽ với công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport
Ông Ruslan Pukhov Theo ông này, trong thập kỷ qua, Việt Nam đã mua sắm các trang bị khí tài hiện đại chủ yếu từ Nga. Trọng tâm của việc mua sắm là tăng cường sức mạnh cho không quân và hải quân. Trong lĩnh vực phòng không không quân, năm 2005 Việt Nam đã mua 2 tiểu đoàn tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU1, cùng với đó là hợp đồng nâng cấp hệ thống tên lửa phòng không tầm trung S-125 Pechora lên tiêu chuẩn S-125 Pechora 2M. Mua hệ thống radar phòng không hiện đại từ Nga và Belarus. Lực lượng tên lửa phòng không Việt Nam được biên chế tới 10 trung đoàn tên lửa phòng không hỗn hợp trang bị các loại tên lửa đối không SA-2 và S-125 Pechora 2M, 4 trung đoàn tên lửa đối không 2K12 Kub (NATO định danh là SA-6 Gainful) và một trung đoàn tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU1. Ngoài ra còn rất nhiều loại tên lửa phòng không tầm thấp vác vai như Strela-2, Strela-3, Igla-1 và Igla-S, cùng với một số hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp di động Strela-1, Strela-10, bên cạnh đó còn có hàng ngàn khẩu pháo phòng không các loại 37, 57mm tạo nên thế trận phòng không nhiều tầng nhiều lớp. Hiện tại, Việt Nam có trong biên chế một số lượng lớn các hệ thống phòng không được Liên Xô chuyển giao từ những năm 1980. Về cơ bản những hệ thống này đã lỗi thời, song với những nâng cấp gần đây vẫn duy trì được sức mạnh chiến đấu chống lại những cuộc tập kích đường không quy mô lớn. S-300PMU2 và S-400 là những hệ thống tên lửa đối không mà Việt Nam có thể mua trong thời gian tới. Năm 2011, Hải quân Việt Nam đã nhận 2 tàu khu trục có trang bị hệ thống tên lửa đối không tầm thấp Palma và đã quyết định đặt hàng thêm 2 chiếc nữa. Về mặt lý thuyết, trong thập kỷ tới Việt Nam có thể mua thêm từ 4-6 hệ thống tên lửa đối không tầm xa S-300PMU2 Favorit hoặc S-400 Triumf trong trường hợp hệ thống này được phép xuất khẩu. Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ mua thêm một số hệ thống tên lửa đối không tầm thấp hiện đại như Tor-M2E(SA-15 Gauntlet) hệ thống pháo tích hợp tên lửa đối không Pantsir-S1(SA-22 Greyhound), tuy nhiên số lượng mua sẽ không lớn. Nền kinh tế Việt Nam tuy có bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua song vẫn còn nhiều khó khăn. "Điều này làm hạn chế việc mua số lượng lớn các hệ thống vũ khí hiện đại từ Nga, song đó cũng là một cơ hội để chúng ta có thể dành những hợp đồng nâng cấp các hệ thống sẵn có", ông Ruslan Pukhov nhận xét. Ông này đưa ra ví dụ là hệ thống tên lửa đối không 2K12 Kub. Việc hiện đại hóa hệ thống, trang bị tên lửa 9M317E sẽ mang lại một sức mạnh vượt trội cho hệ thống này trong khi vẫn đảm bảo được vấn đề tiết kiệm ngân sách. "Tuy không mua ào ạt số lượng lớn, song Việt Nam lại là một bạn hàng tin cậy và ổn định của Nga, tương lai Việt Nam có thể chuyển sang đóng mới các tàu chiến lớn hơn do Nga chế tạo, những tàu chiến này có thể được trang bị hệ thống tên lửa đối không tầm trung mang lại năng lực tác chiến hải đối không mới cho Hải quân Việt Nam", ông Pukhov nói. |
Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011
>> Nga chi hàng tỷ USD mua sắm vũ khí
Theo tin từ VOA, Thủ tướng Vladimir Putin tiết lộ chính phủ Nga có kế hoạch chi hàng trăm tỷ USD để hiện đại hóa vũ khí. Trong bài diễn văn trước Quốc hội Nga, ông Putin nhấn mạnh nước Nga phải đủ mạnh để chống lại bất kỳ mối đe dọa nào từ bên ngoài. "Dự kiến, nước Nga sẽ chi 730 tỷ USD từ nay tới năm 2020 để nâng cấp và tái trang bị quân đội. Như vậy, trung bình một ngày họ sẽ tiêu tốn 20 triệu USD", VOA bình luận. Chương trình mua sắm vũ khí mới bao gồm việc mua 8 tàu ngầm chiến lược trang bị tên lửa đạn đạo Bulava, 600 máy bay, các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 và S-500. Ngoài ra, việc sản xuất tên lửa sẽ tăng gấp đôi từ năm 2013. Việc mua vũ khí cả trong và ngoài nước cho phép nước Nga nâng cao tỷ lệ vũ khí hiện đại trong kho lên 70% vào năm 2020. Chuyên gia phân tích quân sự độc lập Pavel Felgenhauer nói việc nâng cấp lực lượng hạt nhân chiến lược được ưu tiên hàng đầu, nhưng phần còn lại của quân đội cũng cần được tăng cường. “Tất nhiên lực lượng không quân, phòng không, lục quân thực sự đều có nhu cầu tái trang bị vì hiện tại chỉ có 10-15% vũ khí trong kho của chúng tôi là hiện đại,” ông Felgenhauer lưu ý. Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M. Mặc dù, hàng năm nước Nga xuất khẩu hàng tỷ USD vũ khí thế hệ mới ra nước ngoài nhưng bản thân lực lượng vũ trang Nga được trang bị hầu hết các loại khí tài có từ thời Liên Xô, rất nhiều trong số đó đã xuống cấp. Trong 10 năm, Chính phủ Nga liên tục tăng ngân sách quốc phòng nhưng không thấm vào đâu. “Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang xuống dốc, và khả năng của nó cũng kém hơn nhiều so với thời Xô Viết, cần nhiều kinh phí hơn trong sản xuất. Chúng tôi sản xuất cùng một loại tên lửa và máy bay nhưng mất nhiều tiền hơn trước,” ông Felgenhauer nói thêm. Thủ tướng Putin nói cần thiết phải chi nhiều tỷ USD để tái trang bị quân đội nhằm đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lại cho rằng mục tiêu thực sự là tạo ra nhiều công việc hơn cho tổ hợp công nghiệp - quốc phòng nước này trước cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống năm tới. Kế hoạch nhập khẩu vũ khí được mong đợi là sẽ diễn ra trong hai giai đoạn. Đầu tiên, Nga mua trang bị và giấy phép sản xuất. Và sau đó, họ hợp tác với các nhà cung cấp bắt đầu sản xuất vũ khí do Phương Tây thiết kế trong nước. [BDV news] |
Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011
>> Thăm tổ hợp tên lửa S-300PMU1 của Việt Nam
Quân chủng Phòng không - Không quân vừa tổ chức cho đoàn cán bộ, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí giao lưu và tham quan buổi luyện tập khí tài tổ hợp tên lửa S-300PMU1 của Đoàn tên lửa phòng không 64 - Sư đoàn phòng không 361. Phải đội nắng đứng giữa thao trường để xem đơn vị luyện tập nhưng nắng chưa kịp đổ lửa lên đầu người thì buổi diễn tập đã xong vì quy trình khởi động và điều khiển tổ hợp tên lửa S-300 PMU1 hoạt động chỉ mất có mấy phút. Trung tâm điều khiển hoạt động của tên lửa S-300. Hệ thống S-300PMU1 là tên lửa đất đối không tầm xa do Liên bang Nga sản xuất, được đánh giá là tối tân nhất xuất hiện trên thị trường vũ khí thế giới hiện nay. (Hiện Nga sở hữu hệ thống phòng không S-400, hiện đại hơn S-300 nhưng chưa xuất khẩu. Dự kiến, thời gian tới, Nga sẽ hoàn thành nghiên cứu chế tạo hệ thống phòng không S-500, hiện đại hơn, có tầm tác chiến trên không gian). So sánh các tính năng với tên lửa Patriot của Mỹ thì S-300 PMU1 vượt trội, như: cự ly tiêu diệt xa nhất, độ cao tiêu diệt cao nhất, vận tốc mục tiêu bị tiêu diệt lớn nhất; trọng lượng đầu đạn, diện tích che phủ bảo vệ của khí tài tên lửa phòng không S-300 PMU1 cũng lớn hơn. Tổ hợp tên lửa này là hệ thống tên lửa phòng không cơ động, đa kênh dùng để tiêu diệt tất cả các phương tiện tập kích đường không hiện đại của đối phương trong hiện tại và tương lai, gồm các loại máy bay chiến lược và chiến thuật, các loại tên lửa đạn đạo chiến lược, chiến dịch-chiến thuật ở mọi dải độ cao, vận tốc, trong mọi điều kiện có nhiễu cường độ lớn và các thủ đoạn kỹ, chiến thuật khác. Tên lửa S-300: Cự ly phát hiện là 300 km, diệt mục tiêu cự ly gần là 5 km, cự ly xa là 150 km, độ cao 27.000 m và thấp nhất là 10m. Thượng tá Lê Văn Thanh - Đoàn trưởng Đoàn tên lửa phòng không 64 - cho biết: Đơn vị đã tiếp nhận khí tài này được mấy năm. Trang bị tổ hợp phòng không là quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân, được tiếp nhận và sử dụng khí tài hiện đại nhất là vinh dự và trách nhiệm của đơn vị. Để làm chủ khí tài tối tân này, đơn vị ngoài cử cán bộ sang học tập ở nước bạn tiếp cận với khoa học công nghệ thế giới còn nâng cao trách nhiệm, học tập nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, sẵn sàng chiến đấu, đối phó với các tình huống xảy ra trên không, bảo vệ bầu trời Thủ đô Hà Nội và miền Bắc. Với khí tài này, lực lượng phòng không yên tâm bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc. Xe mang ống phóng tên lửa S-300 PMU1 có khả năng vượt địa hình phức tạp, đường xấu, lầy lội, vượt hào rãnh có độ rộng đến 2,5 km, độ chênh cao mặt đường đến 60 cm. Số lượng mục tiêu được bám sát và bắn cùng lúc là 6. Số lượng tên lửa được điều khiển cùng lúc là 12 tên lửa. Thời gian chuyển từ hành quân sang chiến đấu và ngược lại dưới 5 phút; từ trạng thái trực ban sang chiến đấu 40 giây và nhiều tính năng hiện đại khác. Giá mỗi tổ hợp tên lửa phòng không S-300 PMU1 từ 120-150 triệu USD, giá một quả tên lửa là 1 triệu USD. [BDV news] |
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)
Chuyên mục Quân Sự
Hải quân Trung Quốc
(263)
Hải quân Mỹ
(174)
Hải quân Việt Nam
(171)
Hải quân Nga
(113)
Không quân Mỹ
(94)
Phân tích quân sự
(91)
Không quân Nga
(83)
Hải quân Ấn Độ
(54)
Không quân Trung Quốc
(53)
Xung đột biển Đông
(50)
Không quân Việt Nam
(44)
tàu ngầm
(42)
Hải quân Nhật
(33)
Không quân Ấn Độ
(16)
Tàu ngầm hạt nhân
(15)
Hải quân Singapore
(12)
Xung đột Iran - Israel
(12)
Không quân Đài Loan
(9)
Siêu tên lửa
(8)
Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
(7)
Tranh chấp biển Đông
(7)
Xung đột Trung - Mỹ
(4)
Xung đột Việt-Trung
(2)