Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Thủ tướng Ôn Gia Bảo

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

>> 'Trục tam giác' Trung-Nhật-Hàn xoay vần thế giới?



Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản tại Thủ đô Tokyo mang ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang “oằn mình” khắc phục thảm họa động đất, sóng thần và rò rỉ phóng xạ.


Dù vẫn còn những bất đồng trong tranh chấp lãnh thổ song những động thái của các nhà lãnh đạo cấp cao thể hiện trong Hội nghị lần này cho thấy, ba nước đang nỗ lực xích lại gần nhau và xây dựng mối quan hệ “kiềng ba chân” vững chãi tại khu vực Đông Á và trên trường quốc tế.

Hóa giải bất đồng

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cho biết, Hội nghị thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn tổ chức lần đầu năm 2008 với hy vọng kết giao quan hệ hợp tác toàn diện giữa ba nước.

Trải qua ba lần tổ chức, Hội nghị lần này thực sự đạt được những thỏa thuận chiến lược, giúp ba nước hóa giải phần lớn những bất đồng, căng thẳng trước đây; đồng thời, tập trung tái khẳng định kế hoạch thành lập Ban Thư ký thường trực cho hội nghị thượng đỉnh trong năm 2011, nhằm từng bước thúc đẩy hợp tác ba theo hướng cơ chế hóa.

Kế hoạch này được ghi trong Bản ghi nhớ tại hội nghị năm 2010 theo đề xuất của ông Lee Myung-bak.


Trong Hội nghị lần này, quan hệ hợp tác Trung - Nhật - Hàn không chỉ có tầm ảnh hưởng với khu vực Đông Bắc Á, mà còn mở rộng ra tầm quốc tế.

Ba nước cũng thảo luận và đạt được những thỏa thuận chung về Hiệp định Khu vực thương mại tự do Nhật - Trung - Hàn. Trên thực tế, ba nước ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước khác, nhưng giữa họ với nhau - vẫn ở thì tương lai?

Đại diện Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, những thỏa thuận chiến lược trong Hội nghị lần này sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ “kiềng ba chân” giữa những nền kinh tế tiêu biểu - nước công nghiệp hóa mới nổi (Hàn Quốc), nền kinh tế lớn thứ hai (Trung Quốc) và lớn thứ ba thế giới (Nhật Bản) phát huy tối đa tác dụng vì sự thịnh vượng chung của khu vực và toàn thế giới.

Cùng với việc các nguồn năng lượng tự nhiên ngày càng khan hiếm và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, trong Hội nghị lần này, các nước hướng tới phát triển công nghệ hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và bảo vệ môi trường. Đây là một hướng đi đúng đắn vì lợi ích quốc gia cũng như bảo vệ mái nhà chung của trái đất.

Chung tay tái thiết Nhật Bản

Một thỏa thuận quan trọng cũng được nêu ra trong tuyên bố chung của Hội nghị là hợp tác ba bên tái thiết nước Nhật sau thảm họa và đảm bảo an toàn năng lượng hạt nhân.

Trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Thủ tướng nước chủ nhà Naoto Kan ngày 21/5 tới thăm Đông Bắc Nhật Bản để động viên người dân và bày tỏ ủng hộ đối với những nỗ lực phục hồi sau thảm họa kép hồi tháng 3 của nước này.


Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo gửi lời sẻ chia và động viên tinh thần tới người dân Nhật Bản.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho rằng, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là ba nước láng giềng gần kề nhau nên hợp tác, chung tay vực dậy Nhật Bản sau thảm họa là nghĩa vụ và trách nhiệm của ba nước.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak cũng đánh giá cao tinh thần đoàn kết, khả năng tái thiết nhanh chóng của Nhật Bản và nhấn mạnh sẵn sàng hợp tác trong công cuộc tái thiết của Nhật Bản.

Đặc biệt, trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Naoto Kan và Tổng thống Lee Myung-bak ngày 22/5, phía Hàn Quốc cam kết cử đoàn đại biểu gồm các quan chức Chính phủ và nhà doanh nghiệp tới Nhật Bản, hội đàm với nội các và các tập đoàn kinh tế Nhật về các phương án khôi phục đất nước.

Lần lượt, những tuyên bố chung về việc ba nước chung tay hợp tác trong lĩnh vực tái thiết Nhật Bản sau thảm họa được công khai trước giới truyền thông. Theo Tân hoa xã, ba nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường các biện pháp ngăn chặn thiệt hại do những đồn thổi về hàng hóa nhiễm xạ của Nhật Bản; đồng thời, tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, thiết lập cơ chế thông tin sớm về các trường hợp khẩn cấp liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân, bắt đầu thảo luận về trao đổi chuyên gia… nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau, đảm bảo an toàn trong vận hành và xử lý sự cố nhà máy điện hạt nhân.

Theo nhận định của các nhà quan sát, động thái sẵn sàng chung tay hợp tác của Bắc Kinh và Seoul là đột phá giúp ba nước hóa giải những “khục khặc” trong vấn đề xử lý, khắc phục thảm họa và hình thành một mặt trận thống nhất ba bên trong công cuộc tái thiết nước Nhật.

Như vậy, những tuyên bố chung, những thỏa thuận đạt được sau Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 này là dấu hiệu mới cho quan hệ chiến lược ở khu vực Đông Á nói riêng và cả châu Á nói chung.

Sự hợp tác ba bên này không chỉ chuyển tải tới thế giới thông điệp về một nước Nhật vẫn trong vòng an toàn, mà còn khẳng định sự vững chãi và tầm ảnh hưởng sâu rộng của mối quan hệ Trung - Nhật - Hàn trên toàn thế giới.

[BDV news]


Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

>> Thủ tướng Ôn Gia Bảo 'trấn an' Đông Nam Á



Malaysia và Indonesia là điểm đến trong chuyến thăm Đông Nam Á bốn ngày của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Đó có phải là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc chọn hai nước làm đột phá khẩu, trấn an và mở rộng ảnh hưởng xuống Đông Nam Á?



Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo ngày 27/4 lên đường thăm chính thức Malaysia và Indonesia. Đây là chuyến thăm Malaysia lần thứ 2 và là chuyến thăm Indonesia đầu tiên của Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Sưởi ấm quan hệ sau 6 năm “xa cách” với Malaysia
Là một trong những quốc gia Đông Nam Á sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Malaysia là trạm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm hữu nghị lần này của Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Trung Quốc và Malaysia vốn có mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp. Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak cũng từng thăm hữu nghị Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa hai năm trước.





Thủ tướng Ôn Gia Bảo (trái) trong cuộc hội đàm thân mật với người đồng nhiệm nước chủ nhà Malaysia Najib Tun Razak tối ngày 27/4.


Trong cuộc hội đàm thân mật giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tặng người đồng nhiệm nước chủ nhà bức ảnh chụp chung của Chủ tịch Chu Ân Lai và cố Thủ tướng Razak (phụ thân của Thủ tướng đương nhiệm Najib), ghi giấu thời khắc hai quốc gia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.

Món quà ý nghĩa này của Thủ tướng Ôn Gia Bảo được đánh giá là một hành động “khôn khéo”, góp phần “sưởi ấm” mối quan hệ ngoại giao với quốc gia Đông Nam Á này kể từ chuyến thăm hữu nghị tới Malaysia 6 năm trước.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồ Chính Dược khẳng định, mục đích chuyến thăm Malaysia lần này của Thủ tướng Ôn Gia Bảo là nhằm: “Tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, củng cố lòng tin chiến lược, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, cơ sở hạ tầng, tài chính, khoa học kỹ thuật, tăng cường giao lưu thanh niên hai nước”.

Theo Tân hoa xã, sau hội đàm, Thủ tướng hai nước chính thức ký kết một số văn kiện hợp tác cấp Chính phủ và doanh nghiệp về các lĩnh vực tài chính, thương mại, đầu tư, năng lượng, truyền thông.

Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak cho rằng, những văn kiện hợp tác này là một bước đệm quan trọng để mở rộng hợp tác, đầu tư trên lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa hai quốc gia.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng nhấn mạnh, Malaysia là đối tác thương mại lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á của Trung Quốc. Chính phủ nước này thông qua đề nghị đặt trụ sở đại diện của Ngân hàng nhà nước Malaysia tại Bắc Kinh, nhằm tăng cường giao dịch tiền tệ giữa hai nước.

Giới truyền thông Mỹ nhận định, các thỏa thuận hợp tác song phương đạt được sau chuyến thăm lần này góp phần thúc đẩy chiến lược vươn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tới khu vực Đông Nam Á dần trở thành hiện thực.

Còn theo Jane's Defence của Anh, chuyến thăm hữu nghị lần này của Thủ tướng Ôn Gia Bảo là “nước cờ chiến lược”, nhằm củng cố niềm tin rằng Trung Quốc sẽ không trở thành một mối đe dọa trực tiếp cho các quốc gia Đông Nam Á.

Indonesia – mắt xích quan trọng trong chiến lược đối ngoại với ASEAN
Sau chuyến thăm hữu nghị Malaysia, Thủ tướng Ôn Gia Bảo tiếp tục chuyến công du hai ngày (từ ngày 29-30/4) tới đất nước Indonesia xinh đẹp, hội đàm với Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono tại Thủ đô Jakarta.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định: “Trung Quốc có ấn tượng rất tốt đối với Indonesia”. Ông cho biết, chuyến thăm lần này sẽ tập trung vào việc duy trì trao đổi cấp cao, mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư, tăng cường hợp tác quốc phòng và trên biển, củng cố nền tảng hợp tác hữu nghị Trung Quốc-Indonesia.


Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono (trái) và Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại ASEM năm 2008.


Thủ tướng Ôn đặc biệt nhấn mạnh mục đích tăng cường phối hợp trong các vấn đề quốc tế, khu vực; bảo vệ lợi ích chung giữa hai nước. Hai bên sẽ ra tuyên bố chung và ký một loạt văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Ngoài ra, lãnh đạo hai nước cũng sẽ tham dự Đối thoại thương mại Trung Quốc-Indonesia.

Đây là chuyến thăm hữu nghị đầu tiên của Ôn Gia Bảo trên cương vị Thủ tướng tới Indonesia. Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia nhấn mạnh, mục đích chuyến thăm lần này nhằm chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, mở ra cục diện hợp tác mới, đôi bên cùng có lợi.

Theo Tân hoa xã, với tiềm lực kinh tế lớn mạnh và ưu thế nổi bật trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm nay, Indonesia sẽ là mắt xích quan trọng trong chiến lược tăng cường hợp tác và vươn rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á.

Còn theo Jane's Defence của Anh, chuyến thăm Indonesia lần này của Thủ tướng Ôn Gia Bảo còn nhằm mục đích tăng cường hợp tác song phương trong vấn đề buôn bán vũ khí quân sự.

Tuần báo này nhận định, mức độ ảnh hưởng về thương mại vũ khí của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Indonesia, Malaysia nói riêng còn khá mờ nhạt. Quân đội Indonesia chỉ chính thức đặt mua của Trung Quốc tên lửa chống hạm C-802 (tầm bắn 180 km); Malaysia đặt mua 16 hệ thống tên lửa phòng không vác vai FN -6 vào tháng 6/2009, tên lửa phòng không vác vai QW1 (hiện nay được trang bị cho Lục quân Malaysia) và tên lửa chống tăng HJ-8F.

Malaysia và Indonesia vốn là hai nước phụ thuộc lớn vào vũ khí nhập khẩu từ Mỹ và Nga. Tuy những năm gần đây, hai nước này cũng bắt đầu “để mắt” tới nguồn cung vũ khí của Trung Quốc, song tâm lý lo ngại sẽ vấp phải những phản ứng gay gắt của phương Tây vẫn còn tồn tại.

Jane's Defence tiết lộ, tuy không công khai trước truyền thông, song chuyến thăm chiến lược hai nước Đông Nam Á lần này ngoài những mục tiêu hợp tác kinh tế, thương mại; còn là bước đệm quan trọng để Bắc Kinh tăng cường uy tín và mở rộng thị trường vũ khí tới hai nước này, nhằm tạo ra một phản ứng dây chuyền trong toàn khu vực Đông Nam Á.


[BDV news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang