[ Vitinfo news] Alexander Khramchikhin A, Phó Giám đốc Viện Phân tích Chính trị và quân sự Nga, là tác giả của hàng trăm bài báo về chính sách đối ngoại và về các vấn đề quốc phòng. Bài báo dưới đây của Alexander Khramchikhin nói về lực lượng vũ trang Trung Quốc từ các nguồn tin của phương Tây.
>> Nga: Nhìn nhận về lực lượng vũ trang Trung Quốc (P.2) Phần I: Tổng quan Việc nghiên cứu và tìm hiểu về Quân đội giải phóng nhân dân Trung quốc (QĐGPNDTQ - tên gọi chính thức của lực lượng vũ trang Trung Quốc) rất khó khăn vì mọi thông tin về tổ chức này bị “đóng kín” hơn nhiều so với các lĩnh vực kinh tế và xã hội của một đất nước khá khép kín. Chỉ có các thông tin công khai về các cơ quan lãnh đạo cao nhất và cấu trúc chung của QĐGPNDTQ (các quân, binh chủng và các quân khu theo lãnh thổ). Vì thế, nguồn các thông tin chi tiết về QĐGPNDTQ chủ yếu có được từ các nguồn tin tình báo của phương Tây. Ủy ban Quân sự Trung ương UBQSTƯ (có quyền hạn xây dựng các bộ luật trong lĩnh vực quân sự) thực hiện việc lãnh đạo QĐGPNDTQ. Về hình thức UBQSTƯ độc lập với Đảng và trực thuộc Hội nghị đại biểu nhân dân Trung quốc (Quốc hội). Tuy nhiên, UBQSTƯ và Quân ủy trung ương của Đảng cộng sản Trung quốc (ĐCSTQ) theo thông lệ thường do cùng một người lãnh đạo. Thành phần của các cơ quan này theo Hiến pháp năm 1982 cũng hoàn toàn giống nhau. Chức vụ Chủ tịch UBQSTƯ trên thực tế được coi là chức vụ quan trọng nhất ở Trung Quốc. Chỉ sau khi nắm giữ được chức vụ này mới có thể được coi là nhà lãnh đạo thật sự của đất nước. Trong thành phần Ban chấp hành trung ương ĐCSTQ lực lượng cán bộ trung cao cấp quân đội chiếm trên 20%. QĐGPNDTQ, đặt dưới lãnh đạo của ĐCSTQ, không chỉ để bảo vệ đất nước khỏi kẻ thù bên ngoài, mà còn để giải quyết các vấn đề nội bộ của Trung quốc. UBQSTƯ lãnh đạo bốn quân chủng (lực lượng hạt nhân chiến lược, lục quân, không quân, hải quân) và bảy quân khu (Bộ chỉ huy các quân khu đặt ở Bắc Kinh, Thẩm Dương, Tế Nam, Nam Kinh , Lan Châu, Quảng Châu và Thành Đô), thông qua Bộ Tổng tham mưu và ba Tổng cục (chính trị, hậu cần, trang bị). Riêng lực lượng hạt nhân chiến lược do UBQSTƯ trực tiếp lãnh đạo. Việc di chuyển lực lượng giữa các quân khu và di chuyển lực lượng trên một tiểu đoàn phải được UBQSTƯ cho phép. Bộ quốc phòng nằm trong thành phần của Hội đồng Nhà nước (chính phủ), thực hiện việc lãnh đạo hàng ngày lực lượng vũ trang. Tổng cục chính trị lãnh đạo công tác đảng và tuyên truyền giáo dục trong quân đội. Tổ chức đảng có ở tất cả các đơn vị QĐGPNDTQ. Không có chữ ký của chính trị viên thì không một mệnh lệnh nào, kể cả mệnh lệnh chiến đấu, là có hiệu lực. Quân đội Trung Quốc được tổ chức theo luật nghĩa vụ quân sự. Tuổi nhập ngũ là 18 tuổi. Thời hạn nghĩa vụ quân sự là 2 năm. Do quá dư thừa nguồn gọi nhập ngũ nên việc tuyển quân mang tính chọn lọc. Quân đội có điều kiện tuyển chọn những thanh niên tốt nhất vào quân đội. Trong quân đội Trung quốc cũng có một bộ phận quân nhân làm việc theo hợp đồng, thời gian từ 3 đến 30 năm. Về số lượng, lực lượng vũ trang Trung quốc đã giảm dần từ 4.238.000 người vào năm 1985 xuống còn 2.300.000 người vào năm 2006. Đàn ông từ 18 đến 35 tuổi, không được gọi nhập ngũ, sẽ tham gia lực lượng dự bị trong hệ thống dân quân tự vệ. Lực lượng dự bị hiện nay có số lượng là 36,5 triệu người. Cảnh sát vũ trang nhân dân Trung quốc, được thành lập tháng 6 năm 1982, là lực lượng thực hiện các nhiệm vụ nội bộ của Trung quốc (bảo vệ biên giới, bảo vệ các cơ quan nhà nước, các cơ sở kinh tế, nhà tù, đảm bảo ổn định nội bộ..v..v..). Cảnh sát vũ trang nhân dân có 1,5 triệu người. Một số đơn vị quân đội được chuyển sang lực lượng này, bao gồm cả một số sư đoàn bộ binh. Sự phân chia chức năng nhiệm vụ giữa quân đội, cảnh sát vũ trang nhân dân và lực lượng dân quân tự vệ hình thành trên cơ sở quan điểm xây dựng “hệ thống tam đồng lực lượng vũ trang” từ năm 1983, một phần của học thuyết quân sự Trung Quốc. Trung Quốc đang nhanh chóng tăng chi phí quân sự nhằm nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Tốc độ tăng chi phí quân sự là 1,5-2 lần cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP 14-18% hàng năm của Trung quốc. Nếu năm 2001 chi phí quân sự là 17,4 tỷ đô la, thì năm 2009 chi phí quân sự của Trung quốc đã đạt tới con số 70,2 tỷ đô la. Không những thế, tất cả các nhà nghiên cứu nước ngoài đều cho rằng con số chính thức về chi phí quân sự của Trung quốc đã bị hạ thấp so với thực tế từ 1,5 đến 3 lần, bởi vì trong số liệu chính thức không hề tính đến các chi phí nhập khẩu vũ khí, doanh thu xuất khẩu vũ khí, chi phí cho vũ khí hạt nhân và lực lượng hạt nhân chiến lược, chi phí cho Cảnh sát vũ trang nhân dân, đầu tư cho nghiên cứu và công nghiệp quốc phòng. Trong giai đoạn đầu của cuộc cải cách lực lượng vũ trang, Quân đội Trung quốc đã được quyền hoạt động kinh doanh thương mại, một việc chưa từng có trong thế giới hiện đại. Kinh doanh thương mại của Quân đội Trung quốc bao gồm 72 ngành nghề, trong số đó có cả các câu lạc bộ ban đêm, kinh doanh bất động sản, các xí nghiệp khai thác mỏ. Theo đánh giá của phương Tây, Quân đội Trung Quốc sở hữu 15.000 doanh nghiệp với thu nhập hàng năm là 18 tỷ USD. Hoạt động kinh doanh thương mại của Quân đội trên thực tế đã không được các cơ quan của nhà nước kiểm soát, vì vậy ở đây có thể dễ dàng thực hiện kinh doanh bất hợp pháp, như buôn lậu chẳng hạn. Tham nhũng ngày càng lan rộng, vì vậy năm 1998 các hoạt động kinh doanh thương mại trong quân đội Trung Quốc đã bị cấm. Các mặt mạnh của Quân đội Trung quốc: có nguồn bổ sung không giới hạn về con người, có lực lượng hạt nhân chiến lược và vũ khí hủy diệt hàng loạt, có tên lửa đạn đạo, có lãnh thổ rộng lớn tạo nên lợi thế chiều sâu chiến lược, sẵn sàng chịu tổn thất cao. Quân đội Trung quốc đứng đầu thế giới về quân số (2,3 triệu người, nguồn lực có thể huy động - 208,1 triệu người), thứ ba thế giới (sau Nga và Mỹ) về số lượng xe tăng (7,6 nghìn), thứ hai thế giới (sau Mỹ) về số lượng máy bay chiến đấu (khoảng 4000), và đứng đầu thế giới về tổng số tàu ngầm hạt nhân đa chức năng và tàu ngầm diesel. Mặt yếu của Quân đội Trung Quốc là sự lạc hậu về trang bị: phần lớn vũ khí (trên 70% xe tăng, trên 80% máy bay chiến đấu) là vũ khí của Liên Xô cũ, không đáp ứng các yêu cầu hiện nay. Có thể thấy thêm các mặt yếu khác của Quân đội Trung Quốc là đảm bảo hậu cần kém; các hệ thống thông tin, chỉ huy, trinh sát, tác chiến điện tử chưa phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây Trung Quốc đang nhanh chóng nâng cao chất lượng lực lượng vũ trang của mình bằng cách mua các loại vũ khí hiện đại nhất của Nga. Trung quốc cũng tiến hành tự sản xuất các loại vũ khí, kết hợp công nghệ của Nga và phương Tây (như xe tăng Type-96, máy bay chiến đấu J-10). Ngoài ra, Trung Quốc còn mua các công nghệ quân sự mới nhất (của Nga và phương Tây) thông qua mọi con đường công khai lẫn không công khai. Một số nhà bình luận cho rằng ngay từ năm 2002 Trung Quốc đã có bước đột phá về công nghệ, trong nhiều lĩnh vực đã vượt cả Nga. Các quân, binh chủng của Quân đội Trung Quốc, quan điểm của lãnh đạo Trung quốc và quân đội Trung quốc về tình hình thế giới, các kế hoạch chiến lược và chính sách bành trướng… sẽ được trình bày cụ thể trong các bài tiếp theo. |
Hiển thị các bài đăng có nhãn Type-96G tank. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Type-96G tank. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011
>> Nga: Nhìn nhận về lực lượng vũ trang Trung Quốc (P.1)
Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011
>> Lộ diện Bạo Phong Hổ, xe tăng chủ lực mới của Triều Tiên
Từ tháng 5 -2010, những hình ảnh và video được phát hành từ Triều Tiên lần đầu tiên công khai cho thế giới thấy một vài hình ảnh về chiếc xe tăng nội địa tự chế tạo hiện đại nhất của nước này: xe tăng Bạo phong hổ.
Trong thập niên 1990, Triều Tiên đã nhận ra sản xuất loại xe tăng hiện đại hơn Thiên Mã Hổ là việc làm tối cần thiết. Suốt từ cuối thập niên 1990 cho đến nay, dù Bạo Phong Hổ được đưa vào sử dụng nhiều năm, nhưng quanh nó vẫn có một bức màn che phủ khiến thế giới không khỏi tò mò. Mặc dù được mong đợi là một bản nâng cấp toàn diện của xe tăng T-72 tương tự như Type-99 của Trung Quốc, nhưng Bạo Phong Hổ khiến các chuyên gia thất vọng khi có quá nhiều điểm cho thấy nó chỉ là bản thiết kế lại dựa trên thân xe T-62 kém hiện đại hơn, chỉ tương đương với Type-96. Xe tăng Type-96G của Trung Quốc, được cho là có nhiều ảnh hưởng nhất đến thiết kế Bạo Phong Hổ. Bạo Phong Hổ được Học viện Khoa học quốc phòng số 2 của Triều Tiên nghiên cứu thiết kế. Việc sản xuất các bộ phận chính của xe tăng này và khâu lắp ráp cuối cùng được thực hiện tại nhà máy Ryu-Kongsu trực thuộc Bộ Công nghiệp cơ khí số 2 nằm tại Sinhung, Hamgyong-namdo. Ngoài ra các bộ phận khác của xe có thể được sản xuất tại toàn bộ các nhà máy khác trên cả nước. Một số các thiết bị điện tử công nghệ cao của Bạo Phong Hổ có thể được cung cấp trực tiếp từ Nga hoặc Trung Quốc. Thiết kế Bạo Phong Hổ được cho là vẫn dựa chủ yếu trên kiểu xe tăng T-62 của Liên Xô cũ. Những dự đoán qua ảnh Tháp pháo của Bạo Phong Hổ tuy có kích cỡ tương đương như tháp pháo của T-62 nhưng được gia cố bằng một lớp giáp hình chữ V rất dày phía trước cùng nhiều tấm giáp nghiêng có thể tháo lắp được hai bên. Đây là cấu trúc tương tự như xe tăng Leopard 2A6 của Đức hay Type-99 của Trung Quốc. Ngoài ra, phía sau tháp pháo của xe cũng được lắp thêm một khoang rộng, có thể được dùng để chứa phụ tùng, đạn dự trữ hay đơn giản là gia tăng thêm sự bảo vệ khi xe bị bắn từ phía sau. Giáp trước của Bạo Phong Hổ được gia cố thêm lớp giáp dày hình chữ V. Phía sau xe tăng Bạo Phong Hổ. Từ các bức ảnh được cung cấp, các chuyên gia không thể nhận biết được chính xác cỡ pháo của Bạo Phong Hổ nhưng khả năng đó là mẫu pháo 2A20 cỡ nòng 115 mm vì nếu lắp pháo 2A46 125 mm thì không gian của tháp pháo xe T-62 sẽ không đảm bảo để loại pháo này có thể vận hành bình thường. Dù vậy, Bạo Phong Hổ cho thấy nó có khả năng bắn mọi loại đạn từ đạn nổ phá (HE), đạn nổ phá mảnh (HE-FRAG), đạn xuyên phá (HEAT) hay đạn thanh xuyên dưỡi cỡ nòng (APFSDS). Nếu cấu tạo phía trong của pháo và tháp pháo Bạo Phong Hổ đúng như dự đoán, cơ số đạn tiêu chuẩn của nó sẽ có khoảng 40 viên tương tự như T-62 và có thể thêm một số ít nữa nếu khoang sau tháp pháo cũng được sử dụng để chứa đạn. Bạo Phong Hổ cũng được trang bị một đại liên đồng trục cỡ nòng 7,62 mm và một súng máy phòng không KPV cỡ nòng 14,5 mm. Việc sử dụng súng máy phòng không ngoại cỡ (lớn hơn của các xe tăng Nga, Mỹ hay châu Âu thông thường là 12,7 mm) có thể lý giải vì đối thủ trực tiếp của Bạo Phong Hổ sẽ là các trực thăng tấn công của liên quân Mỹ - Hàn Quốc. Dù KPV 14,5 mm có tầm bắn và sức công phá mạnh hơn nhiều so với các súng máy cỡ nòng 12,7 mm khác, nhưng xạ thủ vẫn phải chui ra phía ngoài để tác chiến cho thấy Bạo Phong Hổ rất bất lợi khi ở trong các tình huống thực chiến. |
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)
Chuyên mục Quân Sự
Hải quân Trung Quốc
(263)
Hải quân Mỹ
(174)
Hải quân Việt Nam
(171)
Hải quân Nga
(113)
Không quân Mỹ
(94)
Phân tích quân sự
(91)
Không quân Nga
(83)
Hải quân Ấn Độ
(54)
Không quân Trung Quốc
(53)
Xung đột biển Đông
(50)
Không quân Việt Nam
(44)
tàu ngầm
(42)
Hải quân Nhật
(33)
Không quân Ấn Độ
(16)
Tàu ngầm hạt nhân
(15)
Hải quân Singapore
(12)
Xung đột Iran - Israel
(12)
Không quân Đài Loan
(9)
Siêu tên lửa
(8)
Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
(7)
Tranh chấp biển Đông
(7)
Xung đột Trung - Mỹ
(4)
Xung đột Việt-Trung
(2)