Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: J-10

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn J-10. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn J-10. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2011

>> 'Khoảng trống' giữa J-11 tới J-20



Những cái tên J-10, J-11 và J-20 đã xuất hiện nhan nhản và tốn không ít giấy mực của báo chí, thế nhưng sự gián đoạn giữa chúng là những khoảng tối mà Trung Quốc không muốn nhắc đến.

Kể từ lúc ngành công nghiệp sản xuất máy bay Trung Quốc chập chững những bước đầu tiên trong việc sản xuất máy bay chiến đấu, khi mày mò lắp ráp chiếc Zhong-0101- chiếc J-5 đầu tiên - từ phụ tùng máy bay Mig-17 được Liên Xô viện trợ, nước này chưa bao giờ để lại khoảng trống khi đặt tên cho những thế hệ máy bay chiến đấu của mình.

Công nghiệp hàng không quân sự Trung Quốc lần lượt cho ra: J-6 (bản sao Mig-19), J-7, J-8 (>> chi tiết) (bản sao, nâng cấp của Mig-21), J-9 (tiêm kích hạng nhẹ một động cơ phát triển dựa trên máy bay Mig-21, đã ngừng phát triển từ những năm 1980 để nhường chỗ cho việc nâng cấp máy bay J-8), J-10 (>> chi tiết) (máy bay thế hệ thứ tư đầu tiên của Trung Quốc tự sản xuất dựa trên thiết kế máy bay Lavi của Israel và F-16 họ nhận được từ Pakistan), J-11 (bản sao của Su-27SK). (>> chi tiết)

Tuy nhiên, kể từ J-11, bỗng dưng truyền thông Trung Quốc im ắng rồi nhảy phắt một bước tới việc công bố máy bay thế hệ thứ 5 đầu tiên với tên gọi J-20. Phải chăng họ đã từ bỏ truyền thống này để thể hiện một sự nhảy vọt? Thực tế không phải vậy, những mẫu J-12 cho đến J-19 đã và đang tồn tại, nhưng một số đã đi vào ngõ cụt, số khác đang được gấp rút hoàn thành, mang theo mình những kỳ vọng không kém "ngôi sao" J-20.

Bài viết dưới đây xin lần lượt điểm lại các mẫu máy bay ít được truyền thông Trung Quốc nhắc tới:

J-12

Đối với máy bay chiến đấu, việc yêu cầu cất/hạ canh trên đường băng ngắn luôn là một tiêu chí đáng để tiếp cận. Loại máy bay nào có khả năng cất/hạ cánh ở đường băng càng ngắn, càng có thể bố trí chiến đấu ở nhiều khu vực hơn, nhất là những đảo nhỏ không thể xây dựng được đường băng dài.

Vào đầu những năm 1970, Trung Quốc quyết tâm chế tạo ra một loại máy bay chiến đấu có khả năng cất/hạ cánh trên đường băng ngắn để thay thế cho máy bay Mig-19 đang sử dụng.

Do trình độ khoa học kỹ thuật thời đó chưa đủ để chế tạo ra những động cơ mạnh, các kỹ sư Trung Quốc buộc phải là giảm khối lượng máy bay đến mức tối đa. Từ quan điểm này, J-12 ra đời tại Nhà máy Công nghiệp Không quân Nam Xương.



J-12 tại sân bay trong một buổi thử nghiệm

Xuất phát từ quan điểm chế tạo, J-12 có thể được xem là một trong những máy bay chiến đấu phản lực nhẹ nhất thế giới với khối lượng rỗng chỉ có 3,2 tấn, khối lượng cất cánh thông thường 4,5 tấn, tối đa 5,3 tấn.

Được trang bị một động cơ Wopen WP-6 (bản sao của động cơ RD-9BF của Liên Xô), J-12 chỉ yêu cầu đường băng cất hạ cánh có độ dài dưới 500m, đây là một tiến bộ lớn khi so sánh với các máy bay cùng thời.



Số phận của loại máy bay J-12 khá đen đủi, nó đi thẳng từ phòng thiết kế đến bảo tàng

Tuy nhiên, với khả năng thể hiện quá yếu kém: Tốc độ tối đa chỉ đạt 1.300 km/h; bán kính tuần tiễu 688 km; bán kính chiến đấu 405 km, khối lượng vũ khí mang theo chỉ đạt hơn 1 tấn treo trên ba mấu treo vũ khí, kém xa J-7 (bản sao của Mig-21 được Trung Quốc sản xuất đại trà sau đó nên năm 1977), dự án sản xuất J-12 đã bị đình chỉ vĩnh viễn để nhường "vốn" đầu tư cho J-7 và J-8.

J-13

Tương tự J-12, J-13 cũng là một đề án sản xuất máy bay của Trung Quốc nhằm thay thế biên đội J-6 (Mig-19) cũ kỹ của nước này vào đầu những năm 1970. Tuy nhiên, J-12 được thiết kế tại Nam Xương còn J-13 là sản phẩm của Tổng công ty máy bay Thẩm Dương.



Máy bay J-13 có thiết kế cửa hút gió hình bán cầu hẹp hai bên thân tương tự như Mirage F1 của Pháp

J-13 được thiết kế là máy bay tiêm kích đánh chặn hạng nhẹ một động cơ. Ban đầu, J-13 có thiết kế tương tự như máy bay Mirage F1 của Pháp với hai cửa hút gió hai bên ép sát thân.

Tuy nhiên, đến đầu những năm 1980, khi máy bay thế hệ thứ 4 xuất hiện, đội ngũ thiết kế J-13 được đặt nhiệm vụ phải tạo ra mẫu máy bay có tính năng tương đương để khắc Mig-29 của Liên Xô hay F-16 của Mỹ.

Trong giai đoạn này, phiên bản J-13V ra đời với thiết kế cửa hút gió hình chữ nhật, phía dưới thân tương tự như máy bay J-10 ngày nay.



Máy bay J-13V (phía dưới) có cửa hút gió hình chữ nhật dưới thân tương tự J-10 ngày nay

J-13 có chiều dài 17,5m, sải cánh 10,4m và có khối lượng cất cánh là 11,66 tấn. Loại máy bay này có thể mang theo 4,5 tấn vũ khí trên các giá treo ở thân và cánh. Được trang bị động cơ WS-6, J-13 có thể đạt tốc độ 3.000 km/h (Mach 2,45) với tầm hoạt động lên tới 2.340 km.

Tuy nhiên, đến khi công việc thiết kế cơ bản hoàn thành, J-13 trở lên lỗi thời, do đó chương trình phát triển J-13 bị hủy bỏ để nhường chỗ cho loại máy bay hiện đại hơn là J-10 của Nhà máy Thành Đô.

Tuy vậy, một số thành quả thiết kế của J-13 vẫn được áp dụng cho các loại máy bay sau này của Trung Quốc như kiểu cửa hút gió (áp dụng cho J-10).

J-14

J-14 là một trong những bước đầu tiên của Trung Quốc nhằm chế tạo máy bay thế hệ thứ 5. Được coi là một thiết kế rất thành công, thiết kế của J-10B đã được Xưởng thiết kế của Thành Đô sử dụng lại, sửa đổi và nâng cấp để chế tạo ra một loại máy bay tiêm kích đa năng hạng nặng, có hình dáng giảm thiểu phản xạ sóng radar.


Máy bay J-10B, nguyên mẫu dùng để để thiết kế J-14

Tuy J-14 thiết kế chủ yếu dựa trên J-10, nhưng người Trung Quốc còn thêm thắt một vài kiểu dáng và một số bộ phận của MiG 1.44 MFI (Nga). Phần thân máy bay phình to về phía đuôi để chứa khối động cơ của YF-23 Black Widow.

Toàn bộ phần thân trước của máy bay có thiết kế dẹt kiểu “mũi vịt” tương tự máy bay tiêm kích - ném bom Su-34 và các cửa khoang vũ khí, càng tiếp đất có hình răng cưa giống như F-22. Để giảm thiểu thể tích khoang chứa càng tiếp đất, các ống của càng tiếp đất có thể lồng vào nhau tương tự như Eurofighter Typhoon của châu Âu.

Cửa hút khí của J-14 được thiết kế dưới phần bụng của thân trước, chỗ lồi của cửa hút khí này cũng làm giảm thiểu khả năng phản xạ sóng radar khi sóng tới từ phía trước. Tuy nhiên, việc bố trí cửa hút khí của J-14 khiến luồng khí vào động cơ sẽ bị méo nếu một động cơ gặp sự cố. Điều này dẫn tới mất an toàn cho máy bay.


J-14 có nhiều đặc điểm thiết kế vay mượn các loại máy bay khác nhằm giảm thiểu phản xạ sóng radar

Về vũ khí, J-14 dự tính được trang bị một pháo 6 nòng cỡ 23 mm tương tự pháo GSh 6-23 được lắp trên MiG-31 hay Su-24. Các vũ khí khác được đặt trong hai khoang nhỏ hai bên thân và một khoang lớn dưới bụng gồm các tên lửa đối không tầm ngắn PL-8, R-73 hay tên lửa tầm trung R-77, PL-12.

J-14 cũng được trang bị radar có khả năng bắt bám nhiều mục tiêu và hệ thống trinh sát quang điện tử FLIR, hồng ngoại IRST.

Buồng lái của J-14 cũng được thiết kế tối ưu với các thông số hiển thị trên các màn hình LCD đa chức năng (MFD). Kiểu thiết kế “bong bóng” của buồng lái cũng giúp tăng khả năng quan sát của phi công.

Ngoài ra, phi công J-14 còn được trang bị mũ bay tiên tiến với hệ thống hiển thị thông tin ngay trên mũ (HUD).


Hình vẽ tổng thể máy bay J-14

Từng xuất hiện trên báo chí vào khoảng năm 2006, nhưng đến thời điểm hiện tại các thông tin về J-14 đã mờ nhạt và gần như lãng quên. Khả năng lớn nhất là dự án này đã bị đình lại để Trung Quốc dồn toàn lực vào việc phát triển J-20 và các loại máy bay sử dụng trên tàu sân bay như J-15 hay J-18.

[BDV news]


Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

>> Nga: Nhìn nhận về lực lượng vũ trang Trung Quốc (P.1)


[ Vitinfo news] Alexander Khramchikhin A, Phó Giám đốc Viện Phân tích Chính trị và quân sự Nga, là tác giả của hàng trăm bài báo về chính sách đối ngoại và về các vấn đề quốc phòng. Bài báo dưới đây của Alexander Khramchikhin nói về lực lượng vũ trang Trung Quốc từ các nguồn tin của phương Tây.







>> Nga: Nhìn nhận về lực lượng vũ trang Trung Quốc (P.2)

Phần I: Tổng quan

Việc nghiên cứu và tìm hiểu về Quân đội giải phóng nhân dân Trung quốc (QĐGPNDTQ - tên gọi chính thức của lực lượng vũ trang Trung Quốc) rất khó khăn vì mọi thông tin về tổ chức này bị “đóng kín” hơn nhiều so với các lĩnh vực kinh tế và xã hội của một đất nước khá khép kín. Chỉ có các thông tin công khai về các cơ quan lãnh đạo cao nhất và cấu trúc chung của QĐGPNDTQ (các quân, binh chủng và các quân khu theo lãnh thổ). Vì thế, nguồn các thông tin chi tiết về QĐGPNDTQ chủ yếu có được từ các nguồn tin tình báo của phương Tây.

Ủy ban Quân sự Trung ương UBQSTƯ (có quyền hạn xây dựng các bộ luật trong lĩnh vực quân sự) thực hiện việc lãnh đạo QĐGPNDTQ. Về hình thức UBQSTƯ độc lập với Đảng và trực thuộc Hội nghị đại biểu nhân dân Trung quốc (Quốc hội). Tuy nhiên, UBQSTƯ và Quân ủy trung ương của Đảng cộng sản Trung quốc (ĐCSTQ) theo thông lệ thường do cùng một người lãnh đạo. Thành phần của các cơ quan này theo Hiến pháp năm 1982 cũng hoàn toàn giống nhau. Chức vụ Chủ tịch UBQSTƯ trên thực tế được coi là chức vụ quan trọng nhất ở Trung Quốc. Chỉ sau khi nắm giữ được chức vụ này mới có thể được coi là nhà lãnh đạo thật sự của đất nước. Trong thành phần Ban chấp hành trung ương ĐCSTQ lực lượng cán bộ trung cao cấp quân đội chiếm trên 20%. QĐGPNDTQ, đặt dưới lãnh đạo của ĐCSTQ, không chỉ để bảo vệ đất nước khỏi kẻ thù bên ngoài, mà còn để giải quyết các vấn đề nội bộ của Trung quốc.

UBQSTƯ lãnh đạo bốn quân chủng (lực lượng hạt nhân chiến lược, lục quân, không quân, hải quân) và bảy quân khu (Bộ chỉ huy các quân khu đặt ở Bắc Kinh, Thẩm Dương, Tế Nam, Nam Kinh , Lan Châu, Quảng Châu và Thành Đô), thông qua Bộ Tổng tham mưu và ba Tổng cục (chính trị, hậu cần, trang bị). Riêng lực lượng hạt nhân chiến lược do UBQSTƯ trực tiếp lãnh đạo. Việc di chuyển lực lượng giữa các quân khu và di chuyển lực lượng trên một tiểu đoàn phải được UBQSTƯ cho phép.

Bộ quốc phòng nằm trong thành phần của Hội đồng Nhà nước (chính phủ), thực hiện việc lãnh đạo hàng ngày lực lượng vũ trang. Tổng cục chính trị lãnh đạo công tác đảng và tuyên truyền giáo dục trong quân đội. Tổ chức đảng có ở tất cả các đơn vị QĐGPNDTQ. Không có chữ ký của chính trị viên thì không một mệnh lệnh nào, kể cả mệnh lệnh chiến đấu, là có hiệu lực.

Quân đội Trung Quốc được tổ chức theo luật nghĩa vụ quân sự. Tuổi nhập ngũ là 18 tuổi. Thời hạn nghĩa vụ quân sự là 2 năm. Do quá dư thừa nguồn gọi nhập ngũ nên việc tuyển quân mang tính chọn lọc. Quân đội có điều kiện tuyển chọn những thanh niên tốt nhất vào quân đội. Trong quân đội Trung quốc cũng có một bộ phận quân nhân làm việc theo hợp đồng, thời gian từ 3 đến 30 năm. Về số lượng, lực lượng vũ trang Trung quốc đã giảm dần từ 4.238.000 người vào năm 1985 xuống còn 2.300.000 người vào năm 2006. Đàn ông từ 18 đến 35 tuổi, không được gọi nhập ngũ, sẽ tham gia lực lượng dự bị trong hệ thống dân quân tự vệ. Lực lượng dự bị hiện nay có số lượng là 36,5 triệu người.

Cảnh sát vũ trang nhân dân Trung quốc, được thành lập tháng 6 năm 1982, là lực lượng thực hiện các nhiệm vụ nội bộ của Trung quốc (bảo vệ biên giới, bảo vệ các cơ quan nhà nước, các cơ sở kinh tế, nhà tù, đảm bảo ổn định nội bộ..v..v..). Cảnh sát vũ trang nhân dân có 1,5 triệu người. Một số đơn vị quân đội được chuyển sang lực lượng này, bao gồm cả một số sư đoàn bộ binh. Sự phân chia chức năng nhiệm vụ giữa quân đội, cảnh sát vũ trang nhân dân và lực lượng dân quân tự vệ hình thành trên cơ sở quan điểm xây dựng “hệ thống tam đồng lực lượng vũ trang” từ năm 1983, một phần của học thuyết quân sự Trung Quốc.

Trung Quốc đang nhanh chóng tăng chi phí quân sự nhằm nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Tốc độ tăng chi phí quân sự là 1,5-2 lần cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP 14-18% hàng năm của Trung quốc. Nếu năm 2001 chi phí quân sự là 17,4 tỷ đô la, thì năm 2009 chi phí quân sự của Trung quốc đã đạt tới con số 70,2 tỷ đô la. Không những thế, tất cả các nhà nghiên cứu nước ngoài đều cho rằng con số chính thức về chi phí quân sự của Trung quốc đã bị hạ thấp so với thực tế từ 1,5 đến 3 lần, bởi vì trong số liệu chính thức không hề tính đến các chi phí nhập khẩu vũ khí, doanh thu xuất khẩu vũ khí, chi phí cho vũ khí hạt nhân và lực lượng hạt nhân chiến lược, chi phí cho Cảnh sát vũ trang nhân dân, đầu tư cho nghiên cứu và công nghiệp quốc phòng.

Trong giai đoạn đầu của cuộc cải cách lực lượng vũ trang, Quân đội Trung quốc đã được quyền hoạt động kinh doanh thương mại, một việc chưa từng có trong thế giới hiện đại. Kinh doanh thương mại của Quân đội Trung quốc bao gồm 72 ngành nghề, trong số đó có cả các câu lạc bộ ban đêm, kinh doanh bất động sản, các xí nghiệp khai thác mỏ. Theo đánh giá của phương Tây, Quân đội Trung Quốc sở hữu 15.000 doanh nghiệp với thu nhập hàng năm là 18 tỷ USD. Hoạt động kinh doanh thương mại của Quân đội trên thực tế đã không được các cơ quan của nhà nước kiểm soát, vì vậy ở đây có thể dễ dàng thực hiện kinh doanh bất hợp pháp, như buôn lậu chẳng hạn. Tham nhũng ngày càng lan rộng, vì vậy năm 1998 các hoạt động kinh doanh thương mại trong quân đội Trung Quốc đã bị cấm.

Các mặt mạnh của Quân đội Trung quốc: có nguồn bổ sung không giới hạn về con người, có lực lượng hạt nhân chiến lược và vũ khí hủy diệt hàng loạt, có tên lửa đạn đạo, có lãnh thổ rộng lớn tạo nên lợi thế chiều sâu chiến lược, sẵn sàng chịu tổn thất cao. Quân đội Trung quốc đứng đầu thế giới về quân số (2,3 triệu người, nguồn lực có thể huy động - 208,1 triệu người), thứ ba thế giới (sau Nga và Mỹ) về số lượng xe tăng (7,6 nghìn), thứ hai thế giới (sau Mỹ) về số lượng máy bay chiến đấu (khoảng 4000), và đứng đầu thế giới về tổng số tàu ngầm hạt nhân đa chức năng và tàu ngầm diesel.

Mặt yếu của Quân đội Trung Quốc là sự lạc hậu về trang bị: phần lớn vũ khí (trên 70% xe tăng, trên 80% máy bay chiến đấu) là vũ khí của Liên Xô cũ, không đáp ứng các yêu cầu hiện nay. Có thể thấy thêm các mặt yếu khác của Quân đội Trung Quốc là đảm bảo hậu cần kém; các hệ thống thông tin, chỉ huy, trinh sát, tác chiến điện tử chưa phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây Trung Quốc đang nhanh chóng nâng cao chất lượng lực lượng vũ trang của mình bằng cách mua các loại vũ khí hiện đại nhất của Nga. Trung quốc cũng tiến hành tự sản xuất các loại vũ khí, kết hợp công nghệ của Nga và phương Tây (như xe tăng Type-96, máy bay chiến đấu J-10). Ngoài ra, Trung Quốc còn mua các công nghệ quân sự mới nhất (của Nga và phương Tây) thông qua mọi con đường công khai lẫn không công khai. Một số nhà bình luận cho rằng ngay từ năm 2002 Trung Quốc đã có bước đột phá về công nghệ, trong nhiều lĩnh vực đã vượt cả Nga.

Các quân, binh chủng của Quân đội Trung Quốc, quan điểm của lãnh đạo Trung quốc và quân đội Trung quốc về tình hình thế giới, các kế hoạch chiến lược và chính sách bành trướng… sẽ được trình bày cụ thể trong các bài tiếp theo.





Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang