Trước chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden năm 2011, lịch sử đã biết đến các chiến dịch đặc nhiệm nổi tiếng có những nét tương đồng. Gần 10 năm sau khi các tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở hạ Manhattan sụp đổ, một phân đội biệt kích SEAL của Hải quân Mỹ đã đột kích khu nhà ở Abbottabad, Pakistan và giết chết kẻ cầm đầu al-Qaeda chủ mưu vụ khủng bố Osama bin Laden. Từ Thế chiến II đến nay, đã có nhiều chiến dịch đặc biệt và chiến dịch nhỏ nổi bật tạo ra những dấu ấn rất kịch tính trong lịch sử quân sự đương đại. Chúng cũng có những nét giống với những gì đã xảy ra ở Pakistan và những bài học giúp chiến dịch tiêu diệt bin Laden thành công. Dưới đây là 6 chiến dịch đặc biệt xuất sắc nhất. Chiến dịch Chariot (28/3/1942) Nhiệm vụ: Nỗ lực của quân Anh phá hủy một ụ tàu của phát xít Đức ở St Nazaire, Pháp thời bị Đức tạm chiếm. Kết quả: Thành công, song tổn thất nặng nề. Các sử gia đã gọi nó là “Cuộc tập kích vĩ đại nhất”. Quân Anh đã xếp chất nổ tự kích nổ lên tàu khu trục HMS Campbletown, một tàu chiến cổ lỗ thời Thế chiến và nó đã xóa sổ ụ tàu khô của quân Đức ở St. Nazaire, Pháp. Vụ nổ làm cho ụ tàu khô vô dụng trong suốt thời gian còn lại của cuộc chiến, buộc tàu chiến phát xít phải quay về Đức để sửa chữa. Do thời đó kỹ thuật điều khiển bom còn rất sơ đẳng nên nếu dùng máy bay tấn công phá hủy ụ tàu từ trên không thì có thể san phẳng cả thành phố. Và chiến dịch Chariot cũng xảy ra ở thời kỳ đầu chiến tranh khi mà quân đồng minh quan tâm đến việc giảm thương vong cho dân thường hơn sau này. Vì vậy, người Anh đã phát động một chiến dịch mạo hiểm, phái đi 18 tàu khác (2 tàu khu trục, 16 tàu nhỏ hơn) để hộ tống tàu Campbletown và đưa những người trên tàu này trở về. Bộc phá trên tàu Campbletown được cài nổ chậm để binh lính Anh sau khi lao tàu vào trong ụ tàu kịp chạy trốn sang các tàu khác. Campbletown chỉ dừng ở đó một lát nên quân Đức không thể biết con tàu chất đầy thuốc nổ, cho đến khi nó nổ tung với tiếng nổ long trời. Tuy nhiên, do cuộc đột kích không được yểm trợ bằng không quân đủ mạnh nên quân Đức thoải mái bắn vào đội tàu Anh bằng toàn bộ lực lượng pháo binh vây quanh St. Nazaire. Chỉ có 3 tàu sống sót trở về Anh; tổ tấn công sống sót đã phải trốn chạy bằng đường bộ qua nước Pháp. Trong số 622 lính tham gia chiến dịch, cuối cùng chỉ có 228 người trở về nhà. Đây là chiến dịch có độ rủi ro cao giống như cuộc tập kích tiêu diệt Osama bin Laden. Có tin Tổng thống Mỹ Barack Obama đã xem xét phương án ném bom khu nhà của bin Laden khi ông biết chắc chắn trùm khủng bố có mặt ở đó. Song Obama lại muốn thử ADN của bin Laden để biết đích xác là trùm al-Qaeda đã chết thực sự nên ông đã phê chuẩn chiến dịch mạo hiểm hơn với sự tham gia của SEAL. Chiến dịch Eiche (12/9/1943) Nhiệm vụ: Giải cứu nhà độc tài Italia Benito Mussolini. Kết quả: Quân Đức giải thoát được Mussolini mà không bị tổn thất nào. Ngày 25/7/1943, Đại hội đồng phát xít của chính phủ Italia hạ lệnh thay thế và bắt giữ nhà độc tài Italia Benito Mussolini. Không muốn mất một đồng minh quý giá, Adolph Hitler đã hạ lệnh cho lính dù Đức giải cứu hắn. Phân đội dù Đức do đại úy SS Otto Skorzeny khét tiếng chỉ huy đã dùng tàu lượn đổ bộ vào nơi giam giữ Mussolini là khách sạn Campo Imperatore trên đỉnh núi Gran Sasso. 12 tàu lượn do máy bay kéo đã được thả phía trên Gran Sasso. Một tàu lượn bị tai nạn khi hạ cánh làm binh sĩ trên tàu bị thương. Nhưng đó là cản trở duy nhất trong chiến dịch thành công rực rỡ mà không cần bắn một phát đạn này. Sau khi quân SS đột kích khách sạn, chiến dịch chấm dứt chỉ trong vòng 4 phút. Mussolini sau đó trở lại nắm quyền tại khu vực Đức tạm chiếm ở Italia. Cuối cuộc chiến, Mussolini lại mất quyền lực và bị treo cổ ngày 28/4/1945. Sử gia chuyên nghiên cứu về SEAL và các chiến dịch đặc nhiệm William McRaven viết rằng, cuộc giải cứu Mussolini thành công vì nó “thể hiện đầy đủ cả ba yếu tố bất ngờ: thời gian, nghi binh và khai thác những điểm yếu trong phòng thủ”. Trong chiến dịch của Mỹ tiêu diệt Osama bin Laden có những tiếng súng. Song việc nó cũng nhấn mạnh vào tính bất ngờ đã giúp không một lính Mỹ nào bị thương tổn. Cuộc tập kích ở Cabanatuan (30/1/1945) Nhiệm vụ: Giải cứu hơn 500 tù binh Mỹ khỏi trại tù binh gần thành phố Cabanatuan ở Philippines. Kết quả: Thành công với tổn thất tối thiểu. Sau cuộc di chuyển cưỡng bức chết chóc Bataan ở Philippines năm 1942 do quân đội Nhật thực hiện đối với tù binh 76.000 tù binh Mỹ và Philippines sau trận đánh Bataan kéo dài 3 tháng làm chế hàng ngàn tù binh, một số tù binh Mỹ sống sót đã bị giam giữ tại trại tù binh ở gần thành phố Cabanatuan. Điều kiện ở trại thật kinh khủng, các vụ hành quyết hàng loạt là chuyện thường. Lo ngại các tù binh sẽ bị hành quyết hết giống như ở các trại tù binh khác của Nhật, các nhà lãnh đạo Mỹ đã chấp thuận tiến hành chiến dịch giải cứu. Đại úy Kenneth Schrieber đã thực hiện một hành động nghi binh độc đáo bằng cách lái một máy bay tiêm kích đánh chặn P-61 Black Widow bay qua trên trại tù binh, bằng cách vừa tắt rồi lại khởi động động cơ tạo ra những tiếng nổ lớn khiến người ta tưởng là chiếc máy bay đang bay thấp của anh bị hỏng và sắp rơi đến nơi. Thủ đoạn đánh lạc hướng này đã thu hút sự chú ý của lính gác Nhật Bản để đội quân 133 lính Mỹ cùng khoảng 250 người Philippines tấn công trại tù binh. Trong cuộc tập kích, chỉ có 4 người Mỹ gồm 2 tù binh và 2 lính thuộc lực lượng giải cứu bị thiệt mạng. Giống như chiến dịch hạ sát bin Laden ở Pakistan, công tác lập kế hoạch chiến dịch ở Philippines năm 1945 cũng được thực hiện rất thận trọng và chu đáo. Lực lượng Mỹ đã kiếm được các bức ảnh chụp trại tù binh và tiến hành quan sát trại giam. Trong 5 giờ đồng hồ, họ đã vẽ được sơ đồ trại giam để chuẩn bị trước khi tấn công. Chiến dịch Kingpin (21/11/1970) Nhiệm vụ: Chiến dịch giải cứu 61 tù binh phi công Mỹ bị giam ở miền Bắc Việt Nam. Kết quả: Thành công về chiến thuật (người Mỹ khoe), song thất bại không thể giải cứu được tù binh nào. Tình báo Mỹ đã định vị được một trại tù binh ở gần Sơn Tây, miền Bắc Việt Nam. Tổng thống Mỹ Nixon đã phê chuẩn chiến dịch và lựa chọn một lực lượng gồm 56 binh lính. Giống như chiến dịch triệt hạ Osama bin Laden, lực lượng tham gia chiến dịch Kingpin đã diễn tập cuộc đột kích trong nhiều tháng tại một mô hình trại giam được xây dựng tại căn cứ không quân Eglin ở Florida. Nhờ được huấn luyện kỹ càng, đội giải cứu tiến vào và rút ra khỏi trại giam mà chỉ có 1 người bị thương. Dù thành công về chiến thuật, chiến dịch này là thất bại tình báo đau đớn: Toàn bộ tù binh đã được đưa khỏi trại tù binh từ hơn 4 tháng trước khi diễn ra chiến dịch giải cứu. Nguyên nhân không hẳn là tình báo yếu kém mà là do thiếu sự trao đổi, phối hợp giữa các lực lượng, nhóm điều phối kỹ thuật liên quân làm nhiệm vụ lập kế hoạch chiến dịch đã không hợp tác chặt chẽ với các cơ quan tình báo Mỹ khác. Trái lại, cuộc tập kích hang ổ của bin Laden lại là thành công chói sáng của chia sẻ tình báo. Có tin các cơ quan tình báo hàng đầu như Cục Tình báo Trung ương CIA, Cục An ninh Quốc gia NSA và Cục Tình báo Không gian địa lý Quốc gia (NGA) đều tham gia đóng góp cho chiến dịch. Chẳng hạn NSA đã phát hiện ra là khu nhà của bin Laden không có kênh liên lạc Internet và điện thoại, còn NGA chịu trách nhiệm về các bản đồ và phần mềm nhận dạng để hỗ trợ cho lực lượng SEAL trong chiến dịch. Chiến dịch Entebbe (4/7/1976) Nhiệm vụ: Giải cứu các con tin là hành khách chuyến bay Air France Flight 139. Kết quả: 103 con tin được giải cứu, 3 con tin và chỉ huy đặc nhiệm Israel giải cứu bị thiệt mạng. Ngày 27/6/1976, một chuyến bay của hãng Air France bị không tặc trên đường bay từ Tel Aviv đến Paris. Bọn khủng bố bắt các phi công hạ cánh xuống sân bay Entebbe, Uganda, và thả toàn bộ các hành khách không phải là người Do Thái sau khi hạ cánh. Dưới sự chỉ huy của Trung tá Yonatan Netanyahu (anh trai của Thủ tướng Israel đương nhiệm Benjamin Netanyahu), một chiến dịch giải cứu hơn 100 con tin còn lại bị giam giữ tại nhà ga sân bay Entebbe bắt đầu hôm 4/7/1976. Một toán biệt kích Israel đi trên các xe Mercedes giống như xe của quan chức Uganda đến nhà ga sân bay, khiến binh lính Uganda bối rối giây lát, sử gia McRaven cho hay. Đặc nhiệm Israel đã gần như thành công trong việc tiếp cận nhà ga mà không bị phát hiện, song họ đã để lọt một sơ xuất tai hại: các quan chức Uganda đi xe Mercedes tay lái thuận. Hai lính gác Uganda đã phát hiện ra sự khác lạ này. Toán đặc nhiệm Israel nhanh chóng tiêu diệt các lính gác, song yếu tố bất ngờ đã mất. Entebbe được lập kế hoạch tỉ mỉ và giống như cuộc tập kích Sơn Tây năm 1970 và cuộc tập kích khu nhà của bin Laden năm 2011, những người lập kế hoạch đã xây dựng một mô hình để lính đặc nhiệm luyện tập. Bài học của chiến dịch Entebbe là bất kỳ chiến dịch đặc nhiệm nào, dù được chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu cũng là hành động có độ mạo hiểm cao. Biệt kích Israel đã tiêu diệt được toàn bộ 4 tên khủng bố, nhưng chỉ huy lực lượng giải cứu Netanyahu và 3 con tin đã bị bắn chết trong khi đấu súng với binh lính Uganda. Cuộc tập kích tàu Maersk Alabama (12/4/2009) Nhiệm vụ: Giải cứu 20 thành viên thủy thủ đoàn tàu Maersk Alabama bị hải tặc Somalia cướp. Kết quả: Toàn bộ các thành viên thủy thủ đoàn được giải thoát, 3 hải tặc Somalia bị giết bằng súng bắn tỉa. Cuộc tập kích hạ sát Osama bin Laden không phải là lần đầu tiên Tổng thống Obama sử dụng biệt đội SEAL để tiêu diệt kẻ thù. Ngày 8/4/2009, 4 cướp biển Somalia xông lên tàu chở container Maersk Alabama của Mỹ. Cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài 4 ngày bắt đầu giữa bọn hải tặc tàu khu trục USS Bainbridge của Hải quân Mỹ được cử đến để giải cứi thủy thủ đoàn tàu Alabama. Luống cuống và lo sợ vì bị truy đuổi và sự phản kháng của thủy thủ đoàn tàu Alabama vốn được huấn luyện và chuẩn bị tốt cho tình huống bị hải tặc tấn công và mới tham gia một cuộc diễn tập đầy đủ một ngày trước, bọn cướp biển tìm cách chuồn về Somalia trên chiếc xuồng cứu sinh cùng với con tin là thuyền trưởng tàu Alabama Richard Phillips. Đặc nhiệm SEAL truy kích chiếc xuồng bỏ trốn với mệnh lệnh nổ súng nếu tính mạng của Phillips bị đe dọa. Cảm thấy Phillips đang bị nguy hiểm cận kề và biết rõ hầu như không thể giải cứu được Phillips nếu bọn cướp biển đặt chân được lên mặt đất, đội biệt kích SEAL đã bắn chết 3 tên cướp biển. Tên thứ tư là tên từng lên tàu USS Bainbridge đàm phán với phía Mỹ đã bị bắt và đưa về Mỹ để xét xử. |
Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012
>> 6 chiến dịch đặc nhiệm nổi tiếng
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Chuyên mục Quân Sự
Hải quân Trung Quốc
(263)
Hải quân Mỹ
(174)
Hải quân Việt Nam
(171)
Hải quân Nga
(113)
Không quân Mỹ
(94)
Phân tích quân sự
(91)
Không quân Nga
(83)
Hải quân Ấn Độ
(54)
Không quân Trung Quốc
(53)
Xung đột biển Đông
(50)
Không quân Việt Nam
(44)
tàu ngầm
(42)
Hải quân Nhật
(33)
Không quân Ấn Độ
(16)
Tàu ngầm hạt nhân
(15)
Hải quân Singapore
(12)
Xung đột Iran - Israel
(12)
Không quân Đài Loan
(9)
Siêu tên lửa
(8)
Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
(7)
Tranh chấp biển Đông
(7)
Xung đột Trung - Mỹ
(4)
Xung đột Việt-Trung
(2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét