Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Ukraine – NATO

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Ukraine – NATO. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ukraine – NATO. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

>> Bí ẩn vụ tai nạn tàu đổ bộ Zubr



Cuối tháng 5/2011, tàu đổ bộ đệm khí cao tốc Zubr (do Trung Quốc đặt hàng) gặp tai nạn ngay khi chuẩn bị hạ thủy ở Ukraine.

Tàu đổ bộ “nhảy dù”

Cụ thể, khi 2 cầu trục trong xưởng lắp ráp của Nhà máy đóng tàu đệm khí Morie (Ukraine) chuẩn bị hạ tàu đổ bộ đệm khí cao tốc Zubr xuống đất, thì một cầu trục bị phá hủy và sập xuống cùng con tàu này.

Các tấm giáp bị văng khỏi tàu, phần trước con tàu bị phá hủy hầu như hoàn toàn, thân tàu bị biến dạng nghiêm trọng. Hiện tại, con tàu đang treo lơ lửng trên một dầm cầu trục còn lại vì chẳng ai dám lên cần cầu để hạ nó xuống. Đây là tàu đổ bộ đầu tiên do Ukraine đóng cho Trung Quốc theo hợp đồng ký năm 2009.




Tàu đổ bộ đệm khí cao tốc Zubr.


Theo một số nguồn tin, các dầm cầu trục đã hoạt động không đồng bộ khiến cấu trúc một cầu trục sập đổ do quá tải, làm 2 người chết và 2 người bị thương.

Nhưng thiệt hại lớn nhất là chiếc cầu trục sập đổ đã làm biến dạng các kết cấu chịu tải của thân nhà xưởng. Bên ngoài, nhà xưởng có vẻ còn nguyên, nhưng bên trong thì không còn sử dụng được nữa. Nguyên nhân ban đầu được cho là lỗi của con người.

Năm 2009, Công ty xuất khẩu vũ khí Ukrspetsexport (Ukraine) đã ký với Trung Quốc hợp đồng trị giá gần 350 triệu USD để đóng 4 tàu lớp Projekt 12322 Zubr Zubr (2 chiếc đóng tại Ukraine, 2 chiếc đóng ở TQ theo giấy phép, với sự tham gia của chuyên gia Ukraine).

Mùa thu năm 2010, Công ty đóng tàu Morie ở Feodosya, Crimea, Ukraine đã khởi đóng 2 tàu đệm khí Zubr theo hợp đồng này.

Thèm khát công nghệ

Hải quân Trung Quốc rất thèm khát công nghệ đóng tàu Zubr để tăng cường khả năng tác chiến đổ bộ. Họ đã đàm phán với Nga hơn 10 năm trời để mua Zubr cùng công nghệ, song vô hiệu.

Một trong những nguyên nhân đàm phán đổ vỡ là Viện thiết kế TsMKB Almaz của Nga, hãng thiết kế Zubr chỉ chấp nhận chuyển giao tài liệu kỹ thuật của Zubr sau khi Trung Quốc đã mua 10-15 tàu do họ đóng.




Nga cũng có thể không muốn bán công nghệ tàu Zubr cho Trung Quốc vì loại tàu này sẽ có khả năng làm thay đổi cán cân quân sự ở Viễn Đông. Ngoài ra, Zubr có thể được Trung Quốc sử dụng để chống lại chính Nga trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ sau này.

Bị Nga từ chối, Trung Quốc nhanh chóng ký hợp đồng với Ukraine. Việc lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đồng ý thanh toán phần lớn nợ nần của Nhà máy Morie cho thấy, họ rất quan tâm đến hợp đồng.

Thắng lợi lớn nhất đối với Trung Quốc là theo hợp đồng, họ đã nhận được các tài liệu kỹ thuật của Zubr. Việc mất hợp đồng lẫn công nghệ tàu Zubr làm cho Viện TsKMB Almaz của Nga, cơ quan thiết kế tàu Zubr, rất tức giận và gây ra tranh cãi về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ với phía Ukraine.

Ngày 30/5/2011, Ủy ban liên ngành điều tra nguyên nhân tai nạn đã bắt đầu làm việc ở Feodosya. Công ty Morie không loại trừ khả năng phía Trung Quốc đòi tiền bồi thường, thậm chí hủy hợp đồng. Vì Trung Quốc tội gì phải mất tiền cho Ukraine nếu họ có thể tự đóng lấy tàu.

Theo một số nguồn tin, Trung Quốc đã nhận được bộ tài liệu kỹ thuật thiết kế trước thời hạn. Đa số cán bộ của công ty Morie hiện đang làm việc ở Trung Quốc để gấp rút xây dựng một nhà máy giống hệt.

Như vậy, với tài liệu kỹ thuật trong tay, không lâu nữa, Trung Quốc với sự giúp đỡ của các chuyên gia Ukraine sẽ có khả năng đóng các tàu đổ bộ Zubr với số lượng tùy thích.

Tàu đổ bộ đệm khí cao tốc lớn nhất thế giới

Zubr dùng để vận chuyển, đổ bộ binh khí kỹ thuật và các đơn vị đổ bộ lên bờ biển không được chuẩn bị trước và chi viện hỏa lực cho lực lượng đổ bộ. Tàu cũng có thể vận chuyển thủy lôi và rải các bãi thủy lôi.

Thời Liên Xô, các tàu Zubr được đóng tại Nhà máy đóng tàu Morie (Ukraine) và hãng TsKMB Almaz ở St. Petersburg (Nga). Ngoài Nga, Ukraine, chỉ có 5 nước khác có khả năng chế tạo tàu đổ bộ đệm khí cao tốc là Anh, Mỹ, Australia, Canada và New Zealand.

Ưu điểm nổi bật của Zubr là kết hợp được tốc độ cao, trọng tải lớn và khả năng lội nước độc đáo. Zubr hiện có trong trang bị của hải quân Nga và Hy Lạp, còn các tàu trong trang bị của Ukraine đã bị loại bỏ. Zubr có thể chở 3 xe tăng chủ lực, tổng trọng lượng 150 tấn; hoặc 10 xe bọc thép chở quân có tổng trọng lượng 131 tấn và 140 lính đổ bộ; hoặc 8 xe chiến đấu bộ binh, tổng trọng lượng 115 tấn; hoặc 8 xe tăng bơi. Tàu có 4 khoang chở lính đổ bộ đủ chỗ cho 140 người. Khoang chở binh khí kỹ thuật có thể dùng để chở thêm 366 lính (tổng cộng gần 500 lính).



Tàu đổ bộ Zubr.

Tàu có thể chạy với tốc độ hơn 60 hải lý/h (gần 120 km/h) trên mặt đất, mặt nước, mặt băng và vượt vật cản dạng “tường đứng” cao 1,5 m. Tàu được trang bị 5 động cơ turbine khí. Các máy phát turbine khí cho Zubr cũng được sản xuất loạt tại Nhà máy Zarya-Mashprojekt ở Nikolayev, Ukraine.

Đại học đóng tàu quốc gia Nikolayev mang tên Đô đốc Makarov đang tiếp tục phát triển các công nghệ mới cho tàu đệm khí, đặc biệt là lớp vỏ mềm (giữa thân và bề mặt, giúp tàu vượt vật cản và sóng), một trong những thành phần trọng yếu nhất của tàu đệm khí. Một khi chế tạo được lớp vỏ mềm mới, Ukraine sẽ làm chủ hoàn toàn công nghệ tàu đệm khí Zubr.

Tàu Zubr có lượng giãn nước 555 tấn; chiều dài tối đa 57,3 m, chiều rộng tối đa 25,6 m; chiều cao tối đa trên đệm khí 21,9 m; tốc độ toàn phần hơn 60 hải lý/h; 5 động cơ turbine khíx10.000 mã lực, cự ly hành trình hơn 300 hải lý ở tốc độ 60 hải lý/h và 1.000 hải lý ở tốc độ 55 hải lý/h, thời gian hoạt động độc lập 5 ngày, thủy thủ đoàn 27 người.

Vũ khí gồm hệ thống rocket phóng loạt A-22 Ogon với 2 bệ phóng MS-227 mỗi bệ 22 nòng, bắn đạn phóng rocket 140 mm (cơ số đạn 66 quả) tầm bắn 800-4.500 m và hệ thống điều hỏa lực; 2 ụ pháo tự động 30 mm АК-630 (cơ số đạn 3.000 viên) và hệ thống điều khiển hỏa lực MR-123-02; 8 hệ thống tên lửa phòng không vác vai Igla. Vũ khí thủy lôi của tàu gồm một bộ thiết bị dùng để rải 20-80 quả thủy lôi tùy theo chủng loại.

[BDV news]


Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

>> Hợp tác an ninh, quân sự Ukraine-Trung Quốc khiến Nga lo ngại




Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có chuyến công du chính thức đến Ukraine vào nửa cuối tháng 6 với nhiều chương trình liên quan đến hợp tác an ninh, quân sự.

Đây là cuộc gặp thứ hai của hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ukraine trong vòng hơn 1 năm qua. Cuộc gặp đầu tiên diễn ra vào tháng 9/2010 khi Tổng thống Ukraine Victor Yanukovich đến thăm Trung Quốc.

Trong cuộc gặp năm 2010, chủ đề được hai nhà lãnh đạo cấp cao đưa ra thảo luận là việc thực hiện dự án có liên quan đến quy trình sản xuất tên lửa chiến thuật – chiến dịch.

Phòng thiết kế “Yuzdniu” và “Yuzdmash” (Ukraine) là 2 nhà sản xuất có nhiều kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo tên lửa đạn đạo, nhưng chưa bao giờ sản xuất các tên lửa chiến thuật – chiến dịch.

Vào tháng 4/2011, Ukraine đã bắt tay chế tạo tổ hợp tên lửa Sapsan. Trên cơ sở của tổ hợp này, các chuyên gia Trung Quốc có thể phát triển các thiết kế mới. Hợp tác với Trung Quốc là một vấn đề quan trọng với Ukraine, không ngoại trừ khả năng vấn đề này được tính toán cho tương lai.



Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Victor Yanukovich hội đàm


Kết quả cụ thể các vấn đề đưa ra thảo luận trong hai cuộc gặp của 2 nguyên thủ cấp cao không được tiết lộ, cả 2 bên đã tránh đưa ra các cuộc bình luận công khai liên quan đến triển vọng hợp tác kỹ thuật quân sự cũng như hợp tác về an ninh.

Sự phát triển đối thoại giữa Trung Quốc và Ukraine, cũng như chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong không gian hậu Xô Viết làm Nga đặc biệt quan tâm. Bởi Moscow xem Trung Quốc không chỉ là thị trường đầy hứa hẹn về năng lượng mà còn là mối đe dọa tiềm năng đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Chính vì vậy, Nga coi Tuyên bố về đối tác chiến lược giữa Ukraine và Trung Quốc vừa ký kết ngày 20/6 tại Kiev là một vấn đề hết sức quan trọng.

Tuyên bố này bao gồm các điều khoản quy định cấm nước thứ 3 sử dụng lãnh thổ nước mình để tiến hành các hoạt động xâm phạm chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của một nước khác. Đây thực sự là một điều ám chỉ cho Moscow biết rằng, Bắc Kinh đang theo sát các lợi ích kinh tế và chính trị của Nga tại Ukraine, Kazakhstan và Azerbaijan.

Ngoài ra, trong chuyến thăm vừa qua, 2 bên đã ký hợp đồng trị giá 3,5 tỷ USD để thực hiện hàng loạt các dự án cơ sở hạ tầng chuẩn bị cho việc tổ chức giải vô địch bóng đá Euro-2012. Trong đó, Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc sẽ đầu tư vốn xây dựng đường sắt kết nối sân bay quốc tế Borispol với Kiev.

Có thông tin cho rằng, Ukraine và Trung Quốc đã ký hàng loạt các hợp đồng lâu dài trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự. Theo đó, Trung Quốc sẽ sở hữu các hệ thống radar, các tên lửa không đối không và thủy phi cơ đổ bộ.

Bắc Kinh từng tìm kiếm khả năng sở hữu các phương tiện tương tự ở Nga. Tuy nhiên, trong giai đoạn đàm phán, ý định “mập mờ” của Trung Quốc trong việc chế tạo các radar và tên lửa khiến Nga thay đổi quan điểm. Nga cho rằng, nếu Trung Quốc có được các hệ thống trên, nước này sẽ sử dụng để chống lại Nga trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc.

Trước đó, cũng có ý tưởng để “Su-27” của Trung Quốc được trang bị động cơ “Motor Sich” của Ukraine, các chuyên gia không quân đã ủng hộ. Cũng theo đó, trên các máy bay này sẽ trang bị các loại vũ khí chiến đấu của Nga và Ukraine như tên lửa không đối không.

Ý tưởng này rất có lợi cho Ukraine, bởi trong tương lai gần, Ukraine sẽ thay các loại máy bay cũ. Đây là dự án duy nhất được nói đến trước khi ký các hợp đồng.

Các vấn đề trong "mối quan hệ tốt đẹp"

Hợp tác giữa Ukraine và Trung Quốc cũng tồn tại khá nhiều vấn đề. Trung Quốc sẽ không mua các lô hàng lớn. Bởi mục đích chính của Trung Quốc là sở hữu các công nghệ của Ukraine.

Kịch bản này có thể xảy ra như sau: Sau khi nhận các sản phẩm với số lượng hạn chế, tiến hành nghiên cứu tỉ mỉ, Trung Quốc có thể bắt đầu tự sản xuất hàng loạt các sản phẩm này với thương hiệu riêng của mình. Sau đó, xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đến Ukraine vừa qua đã xác định hàng loạt các xu hướng địa chính trị hết sức quan trọng. Mục đích của việc Trung Quốc tích cực xâm nhập vào không gian hậu Xô Viết - sân sau của Nga là nhằm hạn chế sự hiện diện của Nga ở hướng Tây và Caucasus trong trường hợp xuất hiện xung đột Nga – Trung với mục đích sáp nhập phần lãnh thổ phía đông của Nga vào Trung Quốc.

Việc ký kết các hợp đồng trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, tiếp tục thực hiện kế hoạch hoạt động Ukraine – NATO, cũng như tiến hành các cuộc tập trận mới đây tại Biển Đen đã và đang làm giấy lên sự quan ngại của Moscow.

Như vậy, không ngoại trừ khả năng đề tài được đưa ra thảo luận trong cuộc gặp sắp tới ngày 25/6/2011 giữa Tổng thống Ukraine Victor Yanukovich và Thủ tướng Nga Vladimir Putin tại Krym sẽ là kết quả chuyến thăm Ukraine của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, trọng tâm là các khía cạnh về hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Ukraine và Trung Quốc.

[BDV news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang