Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: campuchia

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn campuchia. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn campuchia. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

>> Trung Quốc 'bắt mạch' xung đột Campuchia - Thái Lan



Cuộc xung đột biên giới giữa Thái Lan và Campuchia tiếp tục leo thang quanh hai ngôi đền Ta Muen Thom và Ta Kwai.

Trong một cuộc phỏng vấn với chuyên gia Đông Nam Á của Trung Quốc, ông Tùng Thanh Khánh cho rằng ngoài những mâu thuẫn xung quanh các đền thờ, những tình trạng bất ổn ở Campuchia - Thái Lan trước cuộc bầu cử của hai nước cũng là một trong những lý do của sự xung đột.

Cuộc xung đột quân sự giữa hai nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến các người dân. Trong những ngày gần đây, để thoát khỏi tiếng súng, khoảng 25.000 người dân Thái Lan đã được sơ tán đến 6 nơi trú ẩn tạm thời.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết, đạn pháo Thái đã bắn vào các ngôi làng cách biên giới Campuchia - Thái Lan khoảng 21 km điều này làm cho hàng ngàn hộ gia đình trong những ngôi làng này của Campuchia buộc phải sơ tán.

Theo ước tính của ngành du lịch Thái Lan, xung đột biên giới gần đây đã gây ra thiệt hại khoảng 300.000 USD về thương mại.




Đã có tổng cộng hơn 10 binh sĩ thiệt mạng và 43 người khác bị thương trong cuộc xung đột Thái Lan-Campuchia gần đây.


Ông Tùng Anh Khánh nói rằng, xung đột biên giới Thái Lan-Campuchia trong tương lai có thể đi theo xu hướng những cuộc xung đột nhỏ tiếp diễn nhau. Chính phủ hai nước đều muốn lợi dụng các cuộc xung đột biên giới để giải quyết các bất ổn nội bộ và làm giảm áp lực lên chính quyền cai trị.

Trong bối cảnh thế giới hiện nay khi mà cuộc xung đột ở Trung Đông, Bắc Phi đang nóng lên từng ngày. Đặc biệt, tình hình tại Libya là tâm điểm chú ý của cả thế giới, các cuộc xung đột tại biên giới Thái Lan - Campuchia lại xảy ra.

Điều này cho thấy, hai nước đều hy vọng cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý tới vấn đề xung đột Thái Lan - Campuchia.

Ví dụ, xung đột Thái Lan và Campuchia xảy ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thì vấn đề xung đột Thái Lan - Campuchia có thể trở thành “chiến tranh” trong đại hội.

Nhưng chính phủ hai nước không muốn đưa các cuộc xung đột nhỏ trở thành “chiến tranh”. Bởi hai nước đều không có khả năng, hoặc không có sự chuẩn bị về tâm lý, quân sự để tiến hành một cuộc chiến tranh và điều này cũng không phù hợp với sự phát triển hòa bình và ổn định trong khu vực.

Đối với tình hình hiện nay mà nói, Liên Hiệp Quốc và ASEAN không thể xoa dịu được ngay cuộc xung đột Thái Lan - Campuchia.

Giải pháp duy nhất là cả Thái Lan và Campuchia phải tiến hành đàm phán một cách bình tĩnh giải quyết các mâu thuẫn trong lịch sử giữa hai nước và cuộc xung đột thực tế.


[BDV news]


Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

>> Liên Hợp Quốc kêu gọi Thái - Campuchia ngừng bắn



Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đang kêu gọi Campuchia và Thái Lan tuyên bố ngừng bắn, sau khi 10 binh sĩ của hai bên thiệt mạng trong hai ngày giao tranh dữ dội vừa qua.





Binh sĩ Campuchia gần khu vực biên giới tranh chấp với Thái Lan. Ảnh: AFP


Ông Ban cho rằng tranh chấp biên giới giữa hai nước Đông Nam Á này sẽ không thể giải quyết được bằng quân sự và hai bên cần phải đi đến đối thoại một cách thực sự. BBC dẫn lời phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Martin Nesirky cho biết thêm: "Tổng thư ký kêu gọi hai bên kiềm chế tối đa và có các biện pháp ngay lập tức để thực hiện một lệnh ngừng bắn hiệu quả".

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN và nỗ lực làm trung gian cho một thoả thuận hoà bình lâu dài giữa Campuchia và Thái Lan, trước đó cũng kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức để chấm dứt bạo lực.

Các cuộc giao tranh đẫm máu giữa binh sĩ Campuchia và Thái Lan nổ ra tại khu vực phía tây ngôi đền tranh chấp ở biên giới Preah Vihear từ hôm thứ sáu. Hai bên đều đổ lỗi cho nhau đã châm ngòi cho vụ đọ súng và pháo khiến mỗi bên tổn thất 3 binh sĩ này.

Sang thứ bảy, giao tranh bằng súng và pháo vẫn tiếp diễn khiến thêm một binh sĩ Thái Lan và 3 binh sĩ Campuchia thiệt mạng, nâng tổng số người chết trong hai ngày đụng độ lên con số 10. Hiện trường giao tranh cũng là nơi từng xảy ra đọ súng gây thương vong hồi tháng hai vừa qua.

Sau căng thẳng hồi tháng hai, một lệnh ngừng bắn không chính thức được áp dụng tại khu vực gần ngôi đền 900 tuổi Preah Vihear. Tuy nhiên việc duy trì hoà bình tại vùng biên giới tranh chấp này khó thực hiện do binh sĩ hai bên đóng quá gần nhau. Hàng nghìn người địa phương của cả hai bên phải rời bỏ nhà cửa do căng thẳng.


[Vnexpress news]


Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

>> Việt Nam chưa chủ trương tham gia các cuộc tập trận quốc tế



Việt Nam sẵn sàng tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc khi điều kiện cho phép, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết.





Trong thời điểm hiện nay Việt Nam không tham gia các cuộc tập trận hay các cuộc diễn tập quân sự. Tuy nhiên, Việt Nam sẵn sàng tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc khi điều kiện cho phép, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết.

- Cuộc tập trận "Hổ mang vàng" hiện đang diễn ra tại Thái Lan. Vừa qua đã xuất hiện những thông tin khác nhau liên quan tới sự tham dự của Việt Nam vào cuộc tập trận. Thông tin của báo chí nước ngoài về việc Việt Nam cử 3 sĩ quan tham gia lập kế hoạch tác chiến có chính xác hay không, thưa Trung tướng?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việt Nam đã tham dự các cuộc tập trận "Hổ mang vàng" với tư cách quan sát viên từ năm 2003. Từ đó đến nay, tùy thuộc vào điều kiện của mình cũng như tùy thuộc vào tính chất hay nội dung của cuộc tập trận, có năm Việt Nam tham dự, có năm không. Mục đích tham dự của Việt Nam là để xem các nước thực hiện tập trận như thế nào.

Năm nay, Việt Nam không cử người tham gia cuộc tập trận kể cả ở mức độ quan sát viên. Thông tin về Việt Nam cử người tham gia lập kế hoạch tác chiến là sai lệch, không rõ nguồn tin xuất phát từ đâu. Thông tin sai lệch này có thể làm cho dư luận hiểu sai chủ trương của Việt Nam. Trong thời điểm hiện nay Việt Nam không tham gia các cuộc tập trận hay các cuộc diễn tập quân sự.

- Như vậy, chủ trương của Việt Nam là không tham gia các cuộc tập trận nhưng có thể cử quan sát viên. Mới đây, phát biểu tại Malaysia, Đô đốc Patrick Walsh, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã ngỏ ý mời Việt Nam tham dự cuộc tập trận CARAT giữa Mỹ và một số nước trong khu vực. Trung tướng nghĩ như thế nào về lời mời này?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Cho đến nay chúng ta chưa nhận được lời mời chính thức và đầy đủ, cũng chưa có đủ điều kiện nghiên cứu kỹ nội dung của cuộc diễn tập này là gì. Nhưng tôi nhấn mạnh lại là cho đến thời điểm này, Việt Nam không tham gia các cuộc diễn tập quân sự. Trong thời gian tới, nếu có thì Việt Nam cũng bước đầu chỉ tham gia vào các cuộc diễn tập chung mang tính chất nhân đạo như rà phá bom mìn, cứu trợ thảm họa, quân y…

- Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố sẽ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc khi điều kiện cho phép. Xin Trung tướng cho biết QĐND Việt Nam đã chuẩn bị cho việc này như thế nào? Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việt Nam đánh giá hoạt động của Lực lượng gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên hợp quốc, trên cơ sở luật pháp quốc tế, có sự kêu gọi và đồng thuận của các nước, là điểm tích cực để đem lại hòa bình và ổn định cho thế giới.

Việt Nam đã tuyên bố sẽ sẵn sàng tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc khi điều kiện cho phép, đóng góp trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Điều này sẽ đề cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, ổn định của thế giới, cũng là cơ hội để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu tình hình, nghiên cứu các vấn đề của thế giới để phục vụ lợi ích của đất nước.

Việt Nam hiện đang trong quá trình chuẩn bị gồm nhiều nội dung. Trước hết, chúng ta phải nghiên cứu đầy đủ về cơ chế, cách thức hoạt động của lực lượng này. Thứ hai, Việt Nam phải chuẩn bị về con người. Bộ đội tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình phải biết ngoại ngữ, phải biết kỹ thuật đặc thù, phải hiểu biết về luật pháp quốc tế v.v.. Thứ ba là vấn đề pháp lý, vì việc đưa quân ra nước ngoài cần phải có sự đồng ý của Nhà nước. Thứ tư là chúng ta phải chuẩn bị về cơ sở vật chất vì đất nước còn nghèo.

Quá trình chuẩn bị này đã bắt đầu được thực hiện một cách tích cực từ cách đây 4, 5 năm. Tôi tin rằng, trong thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ có những bước đi ban đầu trong việc tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việt Nam sẽ lựa chọn lĩnh vực để tham gia như quân y, rà phá bom mìn, tẩy độc… Việt Nam cũng tham gia với mức độ phù hợp, có thể là cử sĩ quan tham mưu, các nhóm chuyên ngành. Chủ trương của Việt Nam không đưa Lực lượng gìn giữ hòa bình vào bất kỳ nơi nào đang xảy ra xung đột. Việt Nam cũng sẽ không cử lực lượng chiến đấu tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình.

Xung đột Thái Lan - Campuchia là thách thức chung của ASEAN

"Xung đột giữa Thái Lan và Campuchia là điều đáng tiếc cho tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, cũng như là một điều đáng tiếc cho các cam kết của ASEAN. Rõ ràng, cả hai nước đã vi phạm Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC). Giải quyết vấn đề này là thách thức chung của ASEAN nhưng mà tập trung trách nhiệm vào nước Chủ tịch luân phiên, cũng như trách nhiệm của Thái Lan và Campuchia đối với hòa bình và ổn định của ASEAN.

Vấn đề này trước hết phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, đối thoại, tôn trọng lẫn nhau. Thứ hai là phải công khai, minh bạch trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc và ASEAN. Thứ ba là phải tuân thủ luật pháp quốc tế mà cụ thể là Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế. Thái Lan cũng như Campuchia, với trách nhiệm đối với đất nước mình cũng như đối với ASEAN, nên thực hiện những điều này.

Qua vấn đề giữa Campuchia và Thái Lan, chúng ta cũng có thể thấy, những vấn đề song phương bên cạnh việc cần giải quyết tay đôi thì rất cần những ý kiến thiện chí, đúng mực, đúng luật pháp, tôn trọng nước chủ nhà của cộng đồng quốc tế để làm dịu tình hình. Có như vậy, các nước tranh chấp mới có cơ sở để nhìn lại hành vi của mình, tính toán bước đi để đảm bảo lợi ích của dân tộc và quốc tế, ví dụ như chủ quyền lãnh thổ thì không thể từ bỏ, nhưng đồng thời phải tính đến lợi ích chung của khu vực".


Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh

(tổng hợp)

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

>> Người dân Campuchia tị nạn chờ đợi hòa bình



Cuộc đụng độ tại Thái Lan và Campuchia đã đem đến cho nhân dân hai nước Thái Lan và Campuchia những thiệt hại vô cùng to lớn.

Cuộc đụng độ quanh ngôi đền Preah Vihear làm cho hàng ngàn người dân Campuchia phải di chuyển đến khu vực tị nạn, một ngôi chùa bỏ không cách ngôi đền Preah Vihear 80 km.

Hiện nay tình hình căng thẳng đã giảm xuống nhưng chưa chính thức có lệnh ngừng bắn. Một số người dân Campuchia đã lên đường trở về làng mình nhưng một số khác vẫn phải ở lại khu vực tị nạn này.

Những người dân ở đây được chính phủ Campuchia cung cấp về mọi mặt nhưng sự viện trợ cũng chỉ có hạn. Đói nghèo, bệnh tật liên tục gia tăng tại trại này.

Dưới đây là một số hình ảnh cuộc sống của người dân Campuchia trong khu vực:



 Một người cao tuổi Campuchia cảm ơn chính phủ đã quan tâm tơi cuộc sống của mình.



  Lực lượng Y tế cứu trợ Campuchia tiêm phòng cho trẻ em.

 
Trẻ em Campuchia lấy nước cứu trợ thay cho nước sông
.
 
Cuộc sống của trẻ em trong khu vực tị nạn.

 
Nhân dân Campuchia lấy nước cứu trợ.

 
Tình cảnh hiện tại buộc họ phải ăn, ở trong những điều kiện tồi tệ.


Chỉ có trẻ em Campuchia mới có thể hồn nhiên trong giai đoạn này.


Nét khổ hạnh luôn ám ảnh những người lớn.

 
Nhân dân Campuchia mong đợi một cuộc sống yên bình.


Đồ viện trợ được phân phát tới từng hộ gia đình.

 
Chờ đợi trong hy vọng.
(tổng hợp)

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

>> Phát hiện vũ khí cấm ở khu vực Preah Vihear



Campuchia cáo buộc Thái Lan sử dụng vũ khí vô nhân đạo ở khu vực xảy ra xung đột.


Đáp lại, phát ngôn viên chính phủ Thái Lan cho biết, quân đội nước này phát hiện vỏ đại bác và bom chùm từ phía binh lính Campuchia.

Đại tá Sansern, quân đội Thái Lan cho biết: “Trung sĩ Thanakorn Poonperm bị thương bởi một mảnh đạn vào đầu và sau đó chết trong bệnh viện. Đó chính là mảnh bom từ một quả bom chùm”. Sau đó, ông cáo buộc quân đội Campuchia trong việc sử dụng bom chùm chống lại Thái Lan.

Ngày 9/2, tại Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen phát biểu rằng, Thái Lan và Campuchia không phải là xảy ra xung đột vũ trang mà là một cuộc chiến tranh thật sự.

Phía Campuchia không đồng ý bất kì cuộc hội đàm song phương nào với Thái Lan, yêu cầu Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc khẩn trương tổ chức một cuộc họp để giải quyết tình hình hiện nay.

Trong một bài phát biểu tổng kết công tác Bộ Thương mại hàng năm Thủ tướng Hun Sen cho biết, dân tộc Campuchia chưa bao giờ tồn tại quan điểm gây hấn với Thái Lan. Ông cũng từ chối xác nhận vụ việc phương tiện truyền thông Thái Lan báo cáo rằng con trai ông, Hun Manet bị thương trong cuộc đụng độ biên giới Campuchia - Thái Lan.



Xe tăng Thái Lan được điều động đến khu vực biên giới.

Bộ ngoại giao Thái Lan đã thông báo với Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc ngày 14/2 sẽ tổ chức cuôc họp hòa giải với Campuchia tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ) về tranh chấp biên giới Campuchia và Thái Lan ở phía bắc và phía nam của ngôi đền Preah Vihear.

Ngày 9/2, phát ngôn viên của Bộ trưởng Bộ ngoại giao Thái Lan, ông Ali al-Sistani phát biểu trước báo chí, Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc đã thông báo với Thái Lan vào ngày 14/2 sẽ tổ chức cuộc họp hòa giải tại trụ sở chính của Liên hiệp quốc ở Newyork về vấn đề xung đột giữa Thái Lan và Campuchia. Bộ trưởng ngoại giao Thái Lan, Kasit Piromya và Bộ trưởng ngoại giao Campuchia, Hor Namhong đã được mời tham dự.

Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cũng sẽ đến New York để tham dự.

Tính đến ngày 9/2 binh lính của hai nước tại khu vực bắc nam ngôi đền cổ Preah Vihear vẫn tiếp tục điều động binh lính nhưng không xảy ra nổ súng.

Theo Reuters, binh sĩ Campuchia gần khu vực đền Preah Vihear tiếp tục đào chiến hào. Khoảng 20 xe tăng của Thái Lan đã tiến vào khu vực biên giới.

Tính đến ngày 4/2 theo số liệu mới nhất của hai bên, 3 binh sĩ Thái, 8 binh sĩ Campuchia đã thiệt mạng và 34 người Thái, 55 người Campuchia bị thương kể từ khi quân đội Thái Lan và Campuchia xảy ra xung đột gần ngôi đền tranh chấp Preah Vihear trong 4 ngày.


(tổng hợp)

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

>> Việt Nam kêu gọi Campuchia, Thái Lan kiềm chế



Người phát ngôn Bộ Ngoại giao - bà Nguyễn Phương Nga: Việt Nam lo ngại sâu sắc về xung đột tại khu vực đền Preah Vihear


Trước những diễn biến mới căng thẳng tại khu vực biên giới với Thái Lan, Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 7/2 tuyên bố nước này sẽ đề nghị LHQ cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới "một vùng đệm" tại khu vực biên giới gần khu đền tranh chấp Preah Vihear nhằm ngăn chặn các cuộc đụng độ mới giữa quân đội hai nước.




Thường dân Thái Lan tránh đạn lạc dưới ống cống được gia cố.
Tuyên bố của người đứng đầu Chính phủ Hoàng gia Campuchia được đưa ra sau khi liên tiếp trong những ngày qua, binh lính hai nước đã 5 lần đấu súng ở khu vực biên giới tranh chấp này. Phía Campuchia cho biết các vụ giao tranh từ ngày 4 đến ngày 7/2 đã làm hàng chục người của cả hai bên bị thương vong, trong đó có cả dân thường. Khoảng 10.000 dân làng của cả Campuchia và Thái Lan gần khu vực xảy ra đấu pháo đã phải đi sơ tán. Khu đền Preah Vihear cũng bị hư hại nghiêm trọng.

Còn bên phía Thái Lan, Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban ngày 7/2 nêu rõ Thái Lan muốn đối thoại hòa bình với Campuchia. Chính phủ Thái Lan hy vọng hai bên có thể giải quyết các căng thẳng hiện nay mà không cần tới sự can thiệp của bên thứ ba.

Căng thẳng biên giới giữa Campuchia và Thái Lan nay không chỉ giới hạn ở khu vực Preah Vihear mà đã lan sang khu vực biên giới thuộc tỉnh Oddar Meanchey. Tư lệnh lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) đóng tại cửa khẩu O’ Smach thuộc tỉnh Oddar Meanchey, cho biết quân đội Thái Lan đã tăng thêm quân tới khu vực biên giới này trong hai ngày 5-6/2 và số quân Thái Lan hiện nay lên tới 700 người.

Hôm nay (7/2), trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước xung đột xảy ra trong những ngày vừa qua tại khu vực đền Preah Vihear trên biên giới giữa Campuchia và Thái Lan, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta, bà Nguyễn Phương Nga nêu rõ: “Cùng là thành viên của ASEAN, Việt Nam lo ngại sâu sắc về xung đột tại khu vực đền Preah Vihear trên biên giới giữa Campuchia và Thái Lan.

Việt Nam kêu gọi hai bên kiềm chế tránh để sự việc diễn biến phức tạp, giải quyết vấn đề thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hiến chương Liên hợp quốc và trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết ASEAN, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, và hợp tác ở khu vực và trên thế giới”.
(vtc news)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang