Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Liên hợp quốc

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Liên hợp quốc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Liên hợp quốc. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

>> Bên lề chiến sự Libya: Mỹ và EU có "đồng sàng dị mộng"?



Xuất phát từ một phong trào xã hội mang tính nội sinh, nhưng sau khi quân đội nước ngoài tiến vào, chính biến tại Bắc Phi đã rất nhanh chóng trở thành trò chơi chiến lược giữa các nước lớn. Sự triển khai của tiến trình “ghi điểm tính công” đang đánh dấu việc Mỹ và châu Âu trở thành nhân vật chính trong cuộc chơi này.

Quan hệ Mỹ và châu Âu xưa nay vốn đã phức tạp, cùng với thay đổi của tình hình “ghi điểm”, mối quan hệ này sẽ phát triển theo hướng nào? Dưới đây là bài phân tích của GS. Vương Hồng Cương, Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại của Trung Quốc.

Mỹ và các cường quốc châu Âu như Anh, Pháp có lợi ích chung rộng rãi trên nhiều lĩnh vực như kiểm soát tài nguyên Bắc Phi, thúc đẩy dân chủ tại khu vực, bảo vệ quyền uy phương Tây… Dự trữ dầu khí tại Libya trong bản đồ năng lượng thế giới có vai trò rất quan trọng, giá trị kinh tế và chiến lược của nguồn tài nguyên này là rất rõ ràng; làn sóng dân chủ khu vực kết thúc trong các cuộc tấn công mạnh mẽ của Gaddafi đối với phe đối lập, Mỹ và châu Âu cũng không thể ngồi yên; hơn nữa, trong tình hình thế giới đều cho rằng chỉnh thể thế giới phương Tây đang suy yếu, tổ chức các quốc gia không thuộc phương Tây đang trỗi dậy, Mỹ và châu Âu cũng vì thế mà cảm thấy vui vẻ gì.

Những lợi ích và suy tính chung này là động lực chính để Mỹ và châu Âu bắt tay “ghi điểm”.




Biếm họa: Mỹ và EU cùng nhau "kiếm ăn" từ cuộc chiến Libya (Ảnh: VOD)


Tuy nhiên, những lợi ích chung này không thể che đậy những bất đồng sâu sắc của hai bên về vấn đề địa chính trị. Bất luận là trong chiến lược địa chính trị của Mỹ hay là của châu Âu, Bắc Phi đều là một mắt xích vô cùng quan trọng; mà lợi ích cơ bản của hai bên tại khu vực này lại là lợi ích mang tính cạnh tranh. Do đó, “mặt trận thống nhất” của hai bên không ổn định.

Trên bản đồ địa chính trị của Mỹ, Bắc Phi là cửa ngõ quan trọng trong việc can thiệp chiến lược vào môi trường phát triển của châu Âu, cũng như quyết định việc tiến vào châu Phi của các nước này. Với tư cách là “lãnh đạo của thế giới”, Mỹ cần cảnh giác với những thách thức tiềm ẩn đến từ tất cả các nước lớn khác đối với vị trí của mình. Tạo dựng môi trường phát triển xung quanh của các nước lớn này là phương án ứng phó địa duyên rất quan trọng.

Vì cảnh giác với việc Nga dựa vào môi trường xung quanh trỗi dậy trở lại, sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã trấn áp phạm vi chiến lược xung quanh nước Nga thông qua các biện pháp như mở rộng NATO về phía đông, can thiệp kinh tế, chính trị…

Mỹ lấy chống khủng bố làm lý do đưa quân vào Afghanistan và Pakistan, trên khách quan cũng chia Nam Á thành “Nam Á của Mỹ” và “Nam Á của Ấn Độ”, để Ấn Độ làm “ông lớn” tại Nam Á.

Để ngăn chặn Trung Quốc, Nhật Bản làm suy yếu vị trí thống trị của Mỹ thông qua hợp tác láng giềng và thúc đẩy nhất thể hóa khu vực, Mỹ đã áp dụng hàng loạt các biện pháp chiến lược để sắp đặt bàn cờ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Việc Mỹ kiểm soát toàn diện lâu dài đối với Châu Mỹ Latin vô hình trung cũng phần nào tạo dựng môi trường phát triển xung quanh cho sự trỗi dậy của Brazil.

Đối với cục diện lâu dài tại Trung Đông, Mỹ đã gây áp lực đến ảnh hưởng của các nước khác tại khu vực này.



Đồng thời, tuy là đồng minh của Mỹ, nhưng một châu Âu đang ngày một nhất thể hóa, hơn nữa không ngừng mở rộng ra xung quanh cũng là đối tượng Mỹ phải cảnh giác, thậm chí là đối tượng Mỹ phải cảnh giác hơn cả. Các nước Bắc Phi như Libya, Tunisia, Ai Cập,… vừa hay là con đường các nước châu Âu “nam hạ” xuống Châu Phi, ý nghĩa của những nước Bắc Phi này đối với chiến lược địa duyên của Mỹ thì không cần nói cũng đã rõ.

Nhìn từ phía châu Âu, từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, các cường quốc công nghiệp hùng mạnh một thời nhưng đã thất thế như Anh, Pháp, Đức,… cũng đang nỗ lực tìm kiếm con đường trỗi dậy. Sự kiện thành lập EU đã thể hiện mục đích chiến lược trong ý đồ liên kết để lấy lại uy thế của các quốc gia này.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của châu Âu cũng cần dựa vào môi trường xung quanh thuận lợi. Tại phía đông, nhờ dựa vào sức Mỹ thành công, thuận lợi “đông tiến” trong quá trình hợp lực ứng phó với Nga. Tại phía nam, lại thông qua "tiến trình Barcelona" thúc đẩy Chính sách Địa Trung Hải mới, đẩy mạnh toàn diện quan hệ với các nước láng giềng Bắc Phi trong quá trình “nam hạ”. Với châu Âu mà nói, xâm nhập và can thiệp vào Bắc Phi có thể là điểm tựa chiến lược vững chắc để tiến hành trỗi dậy toàn diện. Châu Phi là mảnh đất chưa được khai phá hết, xây dựng Bắc Phi thành “sân sau” của châu Âu có ý nghĩa chiến lược đối với việc khẳng định vị trí của lục địa già trong thế giới đa cực hóa và phục hồi toàn diện về kinh tế - chính trị.

Do đó, dựa vào lợi ích chung hiện nay đối với việc thay đổi chính quyền Libya, Mỹ và châu Âu còn có thể “cùng hội cùng thuyền”; nhưng trong tương lai, một khi tình hình thay đổi, mâu thuẫn giữa 2 bên nhất định gia tăng. Chúng ta có thể mạnh dạn nghĩ rằng, nếu Mỹ quyết định xây dựng Bộ Tư lệnh châu Phi tại Libya thì cục diện địa duyên tại khu vực này sẽ có thay đổi to lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ giữa Mỹ và châu Âu.

Đương nhiên, cạnh tranh tại Libya chỉ là một phần trong quan hệ Mỹ và châu Âu; trong vấn đề ngăn chặn “bên thứ 3” đặt chân vào châu Phi, Mỹ và châu Âu có sự đồng thuận chiến lược sâu sắc hơn. Ngoài ra, nhìn vào mức liên quan lợi ích của các bên ở phạm vi quốc tế và mối tương hỗ ràng buộc truyền thống giữa hai bên, tình trạng dễ xảy ra nhất đối với mối quan hệ 2 bên tại Bắc Phi nhiều khả năng sẽ là cạnh tranh nhưng không xung đột.


[Xinhua news]


Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

>> Khả năng của 'người khổng lồ' An-124



[BDV news] Chính thức hoạt động vào năm 1986, An-124 là máy bay vận tải khổng lồ hoạt động hiệu quả nhất từ trước đến nay.
An-124, được sản xuất bởi hãng máy bay Antonov của Liên Xô, là loại máy bay vận tải lớn nhất được sản xuất loạt cho đến khi có sự ra đời của chiếc Airbus A-380. Hiện tại An-124 được Antonov Airline của Ukraine và Volga-Dnepr Airlines của Nga khai thác, sử dụng.



An-124 có khả năng mang tải trọng hàng hóa khổng lồ.

Có những mặt hàng chỉ có An-124 mới chở được, trong ảnh một chiếc máy bơm khổng lồ hiệu Putzmeister nặng 86 tấn được chở đến Nhật Bản để tham gia khắc phục sự cố nhà máy điện Fukushima.

Với tải trọng lên đến 122 tấn, An-124 có thể chở được những hàng hóa mà tưởng chừng không thể chở được bằng máy bay. Trong ảnh một chiếc đầu máy xe lửa đang được đưa lên khoang của An-124.

Khả năng chuyển chở của An-124 rất đa dạng, trong ảnh một chiếc tàu ngầm cứu hộ đang được đưa lên khoang.

An-124 là máy bay chuyên chở các loại hàng quá khổ quá tải, trong ảnh một chiếc trực thăng Chinook đang được đưa xuống từ khoang của An-124.

An-124 có chiều dài 68,96 mét, sải cánh 73,3 mét, cao 20,78 mét.Khối lượng rỗng của máy bay tới 175 tấn và trọng lượng cất cánh tối đa tới 450 tấn.

An-124 là loại máy bay vận tải chủ lực trong các hoạt động cứu trợ của Liên Hợp Quốc. Trong ảnh một Trung tâm y tế lưu động đang được đưa đến Haiti sau thảm họa động đất năm 2010.

Một chiếc An-124 đang vận chuyển thân máy bay Airbus đến các cơ sở lắp ráp của Airbus.

Được trang bị 4 động cơ Ivchenko D-18T công suất 229,5kN mỗi chiếc. An-124 có khả năng bay một mạch 4.600km với tối đa tải trọng hàng hóa.

Sau một thời gian dán đoạn, chính phủ Nga đã quyết định nối lại sản xuất loại máy bay vận tải khổng lồ này. Nâng cấp lên biến thể mới An-124-150 với tải trọng hàng hóa tối đa lên đến 150 tấn.



Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

>> Tên lửa Anh tấn công dinh thự của ông Gaddafi



[Vietnamdefence]Một tòa nhà trong khu dinh thự của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã bị phá hủy hoàn toàn sau các đòn không kích chính xác của liên quân, theo AFP.




Tòa nhà trong khu dịnh thự của ông M. Gaddafi bị tên lửa phá hủy (AP)

Tòa nhà bị phá hủy nằm chỉ cách nơi ông Gaddafi thường tiếp khách có 50 m.

Theo một quan chức bộ chỉ huy liên quân, tòa nhà hành chính này là trung tâm “chỉ huy và kiểm soát” quân đội của ông Gaddafi.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, 1 tàu ngầm Anh hôm chủ nhật, 20.3 lại một lần nữa tấn công các hệ thống phòng không Libya. “Lần thứ hai, Anh phóng các tên lửa Tomahawk để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất từ 1 tàu ngầm lớp Trafalgar ở Địa Trung Hải trong khuôn khổ kế hoạch đã thống nhất của liên quân nhằm thực hiện nghị quyết (của Hội đồng Bảo an LHQ)”, - phát ngôn viên của Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh, Thiếu tướng John Lorimer nói.

Công ty truyền hình Fox News hôm 21.3 dẫn nguồn một quan chức cao cấp liên quân cho biết, 1 tàu ngầm Anh đã phóng 2 quả Tomahawk vào khu dinh thự của ông Gaddafi. Bộ Quốc phòng Anh sau đó xác nhận cuộc tấn công, song khẳng định ông Gaddafi không phải là mục tiêu tấn công mà khu dinh thự bị tấn công do tầm quan trọng của nó.

Fox News cũng đưa tin, “Mỹ đã phóng thêm 4 quả tên lửa Tomahawk vào các hệ thống phòng không Libya hôm chủ nhật. Tổng cộng đã phóng 124 tên lửa Tomahawk vào Libya từ khi bắt đầu tấn công”. Mỗi quả tên lửa có giá gần 600.000 USD.

Phát ngôn viên Bộ Chỉ huy châu Phi AFRICOM của Mỹ, thiếu tá hải quân James Stockman hôm 20.3 cho biết, tên lửa Mỹ, Anh đã đánh trúng ít nhất 20/22 mục tiêu của Libya, thiệt hại của 2 mục tiêu còn đang được đánh giá.



Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

>> Những phi cơ Anh sẽ đưa vào chiến dịch Libya



Quân đội Anh đang huy động các loại máy bay hiện đại nhất của mình như Typhoon và Tornado, chuẩn bị cho chiến dịch đảm bảo lệnh cấm bay trên toàn không phận Libya.

Cùng với Pháp và Mỹ, Anh là nước ráo riết nhất trong việc kêu gọi lập vùng cấm bay tại Libya, nhằm ngăn chặn quân của đại tá Gadhafi tấn công người chống đối. Kế hoạch này đã được Liên Hợp Quốc ủng hộ, cho phép bắn hạ tất cả các máy bay của quân đội Libya vi phạm.

Để thực hiện quyết định trên, các nước tham gia sẽ phải huy động lực lượng không quân để đảm bảo vùng cấm bay có hiệu lực. Dưới đây là những loại chiến đấu cơ và máy bay do thám mà BBC nhận định quân đội Anh sẽ sử dụng để cùng Pháp và Mỹ áp đặt vùng cấm bay tại quốc gia Bắc Phi này.

Typhoon - Eurofighter


Máy bay chiến đấu Typhoon. Ảnh: BBC

Máy bay chiến đấu Typhoon của không quân hoàng gia Anh, hay còn gọi là Eurofighter, có tốc độ nhanh vượt trội có thể được sử dụng với mục đích chiến đấu không đối không nếu không quân Libya cố tình "xé rào" lệnh cấm bay.

Typhoons được chế tạo theo tiêu chuẩn do không quân Anh, Tây Ban Nha, Đức và Italy đặt ra, nhằm thay thế cho những chiếc Tornado. Loại phản lực cơ này trang bị công nghệ tàng hình và hệ thống vũ khí phong phú, từ các loại tên lửa không đối không tầm ngắn và tầm trung đến nhiều loại vũ khí oanh tạc mục tiêu mặt đất.

Chiến đấu cơ Typhoon được không quân Anh đưa vào sử dụng từ năm 2003, với căn cứ chính đặt tại Coningsby thuộc hạt Lincolnshire và Leuchars tại Scotland. Kể từ tháng 9/2009, loại máy bay một chỗ ngồi này cũng bắt đầu hoạt động từ quần đảo Falkland ở Nam Mỹ.

Tornado GR4

Máy bay Tornado GR5. Ảnh: AP


Đây là một trong những trụ cột của lực lượng không quân Anh kể từ khi được đưa vào sử dụng năm 1980. Trước đây Tornado từng được huy động phục vụ chiến dịch áp đặt vùng cấm bay tại Iraq.

Tính năng chính của Tornado là oanh kích mặt đất hay tấn công tiêm kích máy bay đối phương. Đây có thể là vũ khí đóng vai trò chính trong màn đánh phủ đầu để tiêu diệt hệ thống tên lửa đất đối không của Libya.

Những loại vũ khí trang bị như tên lửa hành trình Storm Shadow khiến Tornado có thể đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách xa đáng kể. Bộ Quốc phòng Anh mô tả đây là loại tên lửa được thiết kế "thâm nhập sâu, bắn tầm xa và độ chính xác cao" trong việc tấn công sở chỉ huy và các hầm điều khiển của đối phương.

Ngoài ra, loại máy bay này còn được gắn tên lửa Brimstone, một loại vũ khí xuyên giáp hiệu quả, đồng thời có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết hoặc làm nhiệm vụ trinh sát cả ngày lẫn đêm. So với Typhoon có một chỗ ngồi và tốc độ 2 Mach, Torado có hai chỗ ngồi và tốc độ 1.3 Mach.

Nimrod R1

Máy bay do thám Nimrod. Ảnh: AFP


Máy bay trinh sát Nimrod R1 được phát triển từ phiên bản máy bay tuần tra trên biển được dự đoán sẽ tham gia chiến dịch do thám khi áp đặt lệnh cấm bay tại Libya.

Hệ thống theo dõi trên máy bay được sử dụng để trinh sát và thu thập thông tin tình báo điện tử. Nimrod R1 có khả năng bay với tốc độ thấp trong một thời gian dài, giúp nó có thể "neo đậu" trên một khu vực nhất định để do thám. Hoạt động này được kéo dài liên tục hơn nhờ khả năng tiếp nhận dầu trên không.

Mỗi "cỗ máy tình báo" Nimrod R1 có phi hành đoàn 29 người.

Sentinel R1

Máy bay do thám Sentinel R1. Ảnh: Crown


Có chức năng tương tự Nimrod R1 là Sentinel R1, từng được sử dụng trong các chiến dịch tình báo tại Afghanistan và cũng được dự đoán sẽ được huy động cho hoạt động ở Libya. Sentimel R1 là một phần của hệ thống do thám Sentinel bao gồm các bộ phận hỗ trợ trên không và trên mặt đất.

Máy bay do thám này được hoán chuyển từ loại máy bay vận tải Bombardier Global Express, được trang bị radar và hệ thống theo dõi có thể lần theo vị trí và xác định mục tiêu lực lượng đối phương trên mặt đất.

Quân đội Anh có kế hoạch giải thể những chiếc Sentinel R1, loại máy bay có phi hành đoàn 5 người, sau khi rút quân từ Afghanistan về nước.


(theo vnexpress news )

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

>> Việt Nam chưa chủ trương tham gia các cuộc tập trận quốc tế



Việt Nam sẵn sàng tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc khi điều kiện cho phép, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết.





Trong thời điểm hiện nay Việt Nam không tham gia các cuộc tập trận hay các cuộc diễn tập quân sự. Tuy nhiên, Việt Nam sẵn sàng tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc khi điều kiện cho phép, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết.

- Cuộc tập trận "Hổ mang vàng" hiện đang diễn ra tại Thái Lan. Vừa qua đã xuất hiện những thông tin khác nhau liên quan tới sự tham dự của Việt Nam vào cuộc tập trận. Thông tin của báo chí nước ngoài về việc Việt Nam cử 3 sĩ quan tham gia lập kế hoạch tác chiến có chính xác hay không, thưa Trung tướng?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việt Nam đã tham dự các cuộc tập trận "Hổ mang vàng" với tư cách quan sát viên từ năm 2003. Từ đó đến nay, tùy thuộc vào điều kiện của mình cũng như tùy thuộc vào tính chất hay nội dung của cuộc tập trận, có năm Việt Nam tham dự, có năm không. Mục đích tham dự của Việt Nam là để xem các nước thực hiện tập trận như thế nào.

Năm nay, Việt Nam không cử người tham gia cuộc tập trận kể cả ở mức độ quan sát viên. Thông tin về Việt Nam cử người tham gia lập kế hoạch tác chiến là sai lệch, không rõ nguồn tin xuất phát từ đâu. Thông tin sai lệch này có thể làm cho dư luận hiểu sai chủ trương của Việt Nam. Trong thời điểm hiện nay Việt Nam không tham gia các cuộc tập trận hay các cuộc diễn tập quân sự.

- Như vậy, chủ trương của Việt Nam là không tham gia các cuộc tập trận nhưng có thể cử quan sát viên. Mới đây, phát biểu tại Malaysia, Đô đốc Patrick Walsh, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã ngỏ ý mời Việt Nam tham dự cuộc tập trận CARAT giữa Mỹ và một số nước trong khu vực. Trung tướng nghĩ như thế nào về lời mời này?

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Cho đến nay chúng ta chưa nhận được lời mời chính thức và đầy đủ, cũng chưa có đủ điều kiện nghiên cứu kỹ nội dung của cuộc diễn tập này là gì. Nhưng tôi nhấn mạnh lại là cho đến thời điểm này, Việt Nam không tham gia các cuộc diễn tập quân sự. Trong thời gian tới, nếu có thì Việt Nam cũng bước đầu chỉ tham gia vào các cuộc diễn tập chung mang tính chất nhân đạo như rà phá bom mìn, cứu trợ thảm họa, quân y…

- Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố sẽ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc khi điều kiện cho phép. Xin Trung tướng cho biết QĐND Việt Nam đã chuẩn bị cho việc này như thế nào? Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việt Nam đánh giá hoạt động của Lực lượng gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên hợp quốc, trên cơ sở luật pháp quốc tế, có sự kêu gọi và đồng thuận của các nước, là điểm tích cực để đem lại hòa bình và ổn định cho thế giới.

Việt Nam đã tuyên bố sẽ sẵn sàng tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc khi điều kiện cho phép, đóng góp trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Điều này sẽ đề cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, ổn định của thế giới, cũng là cơ hội để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu tình hình, nghiên cứu các vấn đề của thế giới để phục vụ lợi ích của đất nước.

Việt Nam hiện đang trong quá trình chuẩn bị gồm nhiều nội dung. Trước hết, chúng ta phải nghiên cứu đầy đủ về cơ chế, cách thức hoạt động của lực lượng này. Thứ hai, Việt Nam phải chuẩn bị về con người. Bộ đội tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình phải biết ngoại ngữ, phải biết kỹ thuật đặc thù, phải hiểu biết về luật pháp quốc tế v.v.. Thứ ba là vấn đề pháp lý, vì việc đưa quân ra nước ngoài cần phải có sự đồng ý của Nhà nước. Thứ tư là chúng ta phải chuẩn bị về cơ sở vật chất vì đất nước còn nghèo.

Quá trình chuẩn bị này đã bắt đầu được thực hiện một cách tích cực từ cách đây 4, 5 năm. Tôi tin rằng, trong thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ có những bước đi ban đầu trong việc tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việt Nam sẽ lựa chọn lĩnh vực để tham gia như quân y, rà phá bom mìn, tẩy độc… Việt Nam cũng tham gia với mức độ phù hợp, có thể là cử sĩ quan tham mưu, các nhóm chuyên ngành. Chủ trương của Việt Nam không đưa Lực lượng gìn giữ hòa bình vào bất kỳ nơi nào đang xảy ra xung đột. Việt Nam cũng sẽ không cử lực lượng chiến đấu tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình.

Xung đột Thái Lan - Campuchia là thách thức chung của ASEAN

"Xung đột giữa Thái Lan và Campuchia là điều đáng tiếc cho tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, cũng như là một điều đáng tiếc cho các cam kết của ASEAN. Rõ ràng, cả hai nước đã vi phạm Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC). Giải quyết vấn đề này là thách thức chung của ASEAN nhưng mà tập trung trách nhiệm vào nước Chủ tịch luân phiên, cũng như trách nhiệm của Thái Lan và Campuchia đối với hòa bình và ổn định của ASEAN.

Vấn đề này trước hết phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, đối thoại, tôn trọng lẫn nhau. Thứ hai là phải công khai, minh bạch trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc và ASEAN. Thứ ba là phải tuân thủ luật pháp quốc tế mà cụ thể là Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế. Thái Lan cũng như Campuchia, với trách nhiệm đối với đất nước mình cũng như đối với ASEAN, nên thực hiện những điều này.

Qua vấn đề giữa Campuchia và Thái Lan, chúng ta cũng có thể thấy, những vấn đề song phương bên cạnh việc cần giải quyết tay đôi thì rất cần những ý kiến thiện chí, đúng mực, đúng luật pháp, tôn trọng nước chủ nhà của cộng đồng quốc tế để làm dịu tình hình. Có như vậy, các nước tranh chấp mới có cơ sở để nhìn lại hành vi của mình, tính toán bước đi để đảm bảo lợi ích của dân tộc và quốc tế, ví dụ như chủ quyền lãnh thổ thì không thể từ bỏ, nhưng đồng thời phải tính đến lợi ích chung của khu vực".


Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh

(tổng hợp)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang