Báo Mỹ cho rằng, Trung-Ấn có thể gây ra chạy đua tàu sân bay ở Thái Bình Dương, xu thế xây dựng lực lượng hàng không trên biển gia tăng. Tàu sân bay Trung Quốc. Ngày 4/4, tờ “Tuần san Hàng không” Mỹ có bài viết cho rằng, cách đây không lâu, số lượng những nước sở hữu lực lượng hàng không trên biển còn liên tục giảm xuống. Nhưng, xu thế này hiện lại đảo ngược. Trung Quốc là một thành viên mới của câu lạc bộ này. Brazil thì đang duy trì vị thế của mình; 10 năm trước, họ đã cho nghỉ hưu một chiếc tàu sân bay do Anh chế tạo từ năm 1945. Ấn Độ thì đang tăng số lượng tàu sân bay của mình, những nước hiện sử dụng hoặc mua máy bay chiến đấu cất/hạ cánh cự ly ngắn kiểu “Harrier”có thể sẽ mua máy bay tấn công liên hợp F-35B do Công ty Lockheed Martin chế tạo, để tăng khả năng hàng không trên biển của mình. Tuy nhiên, đại đa số các quốc gia này chỉ mới bắt đầu hoặc còn chưa bắt đầu xây dựng lực lượng hàng không trên biển của mình. Phát triển lực lượng hàng không trên biển đòi hỏi đầu tư tương đối lớn; mua máy bay trang bị cho tàu chiến vốn đã phải đầu tư rất nhiều kinh phí, trừ việc mua máy bay ra, các nước còn phải tiến hành đầu tư rất lớn trên các phương diện khác. Sự quan tâm của dư luận thường tập trung vào chi phí chế tạo tàu sân bay, nhưng việc đầu tư cho máy bay chiến đấu phiên bản hải quân lại cần nhiều hơn đầu tư chế tạo tàu sân bay. Biên đội tàu sân bay Ấn Độ. Hải quân Mỹ có kế hoạch đến năm 2013 chi 967 triệu USD cho chương trình tàu sân bay, chi 6 tỷ USD cho mua máy bay phiên bản hải quân (không bao gồm máy bay chiến đấu F-35B của lực lượng lính thủy đánh bộ). Còn chi phí dùng để duy trì hoạt động bình thường có thể còn nhiều hơn, những chi phí này bao gồm chi phí huấn luyện, chi phí cho nhân viên và các chi phí cần thiết khác như nhiên liệu, linh kiện và cải tiến máy bay chiến đấu. Các nước này tin rằng những đầu tư này là đương nhiên, bởi vì tầm quan trọng của thương mại trên biển và tài nguyên ven biển ngày càng tăng. Vấn đề ở chỗ, các thành viên câu lạc bộ tàu sân bay có ý thức được việc chế tạo tàu sân bay chỉ là sự khởi đầu cho một cuộc đầu tư lớn. Sau khi xây dựng được lực lượng hàng không trên biển, mỗi năm đều phải tiến hành đầu tư tương đối lớn. Rất nhiều nước đều đang chế tạo tàu chiến đổ bộ có thể mang theo máy bay chiến đấu F-35B. Tàu chiến đổ bộ Canberra và Adelaide của Australia sẽ lần lượt đi vào hoạt động vào năm 2014 và 2015, chúng đã tham khảo thiết kế của tàu Juan Carlos I. Chúng thậm chí có đường băng kiểu nhảy cầu, điều này rất quan trọng đối với tiến hành hoạt động cất/hạ cánh thẳng đứng/cự ly ngắn, nhưng lúc khác có thể xuất hiện một số vấn đề. Bởi vì, đường băng kiểu sườn dốc không thể dùng để đặt các trang bị khác. Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B phiên bản hải quân. Trung Quốc và Ấn Độ có thể sẽ gây ra một cuộc “chạy đua tàu sân bay” ở khu vực vành đai Thái Bình Dương, có được tàu chiến tác dụng kép (như tàu chiến đổ bộ cỡ lớn có thể mang theo máy bay chiến đấu) cần kinh phí tương đối ít, cũng có tính nhạy cảm chính trị và chiến lược tương đối ít; nhưng, nếu trang bị máy bay chiến đấu tàng hình, sẽ có sức chiến đấu rất mạnh. Vấn đề ở chỗ, rốt cuộc có bao nhiêu nước sẽ mua máy bay chiến đấu F-35B để trang bị cho tàu chiến đổ bộ của mình? Tàu chiến đổ bộ chủ yếu là để thực hiện nhiều nhiệm vụ, vì vậy nó còn phải mang theo tàu đổ bộ, máy bay trực thăng, binh sĩ, xe bọc thép, trung tâm chỉ huy và các nhân viên. Cho dù là tàu chiến có lượng choán nước tới 30.000 tấn, không gian của nó cũng rất có hạn. So với tàu sân bay thực sự, đường băng của tàu chiến đổ bộ tương đối hẹp, điều này đã hạn chế không gian có thể dùng cho hoạt động bay; một nhân tố quan trọng khác là chi phí mua và sử dụng F-35B còn chưa xác định. Tàu vận tải đổ bộ Côn Lôn Sơn của Hạm đội Nam Hải-Hải quân Trung Quốc. |
Hiển thị các bài đăng có nhãn chạy đua vũ trang. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn chạy đua vũ trang. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012
>> Trung Quốc-Ấn Độ và cuộc chạy đua tàu sân bay ở vành đai Thái Bình Dương
Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011
>> Ấn Độ và Pakistan chạy đua vũ trang trên không
Các chuyên gia quân sự cho rằng, kế hoạch hiện đại hoá Không quân của Ấn Độ và các chương trình phát triển vũ trang của Pakistan có thể làm cho Nam Á nóng lên từng ngày. Mới đây, Ấn Độ cũng đã mua 82 máy bay chiến đấu Sukhoi-30MKI của Nga, hệ thống cảnh báo sớm máy bay A-50/Phalcon của Israel, hàng chục máy bay vận tải C-130J Super Hercules và máy bay tuần tra biển tầm xa P8I của Mỹ. Dự kiến, Không quân Ấn Độ sẽ thay các máy bay tiêm kích cũ do Liên Xô và Pháp sản xuất bằng các máy bay tiêm kích hiện đại. Kế hoạch này cũng tương tự như kế hoạch của Pakistan - loại khỏi biên chế các máy bay tiêm kích cũ của Trung Quốc, được chế tạo trên cơ sở thiết kế của Liên Xô trước đây. Máy bay chiến đấu Su-30MKI Ấn Độ mua của Nga Trước những động thái này của Ấn Độ, Pakistan tuyên bố sắp tới sẽ sở hữu thêm 50 máy tiêm kích JF-17 Thunder. Việc sản xuất các máy bay này được tiến hành bởi một công ty liên doanh giữa Pakistan và Trung Quốc, có trụ sở cách Islamabad 50km. Theo một nguồn tin thân cận, JF-17 mới sẽ được trang bị các thiết bị hàng không do Italy sản xuất. Nếu so sánh về chất lượng, các thiết bị hàng không của Italy có những ưu điểm vượt trội các thiết bị tương tự của Trung Quốc, được lắp đặt trên 30 máy bay đầu tiên được trang bị trong thành phần Không quân Pakistan. Chiếc tiêm kích đầu tiên đã được sản xuất vào tháng 11/2010. Đến năm 2015, Pakistan có thể sở hữu từ 250 đến 300 chiếc máy bay tiêm kích loại này. Ngoài ra, Pakistan đang sở hữu các máy bay tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất, trong đó có 18 biến thể cải tiến Block 52. Việc cung cấp mới được 2 bên hoàn tất vào tháng 2/2011 qua. Đến nay, Pakistan đã tiến hành hiện đại hoá 26 chiếc F-16 biến thể cũ. Máy bay F-16 của Không quân Pakistan Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Ahmed Mukhtar cho biết, trên nguyên tắc, Trung Quốc đã nhất trí cung cấp cho Không quân Pakistan các máy bay tiêm kích J10 – máy bay tiêm kích nòng cốt của Không quân Trung Quốc. Theo dự kiến ban đầu, Pakistan muốn mua 36 chiếc tiêm kích J10, nhưng hợp đồng trong thương vụ này còn phải phụ thuộc vào phía Bắc Kinh. Bắc Kinh đang quan ngại nếu cung cấp các công nghệ quân sự tiên tiến cho Pakistan có thể sẽ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại với phương Tây. Đánh giá của các chuyên gia Cựu nhân viên khoa học thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề hoà bình quốc tế Stockholm (SIPRI), ông Siemon Wezeman nói rằng, Ấn Độ muốn trở thành một cường quốc khu vực. Tham vọng này được biểu hiện rõ nhất trong việc Ấn Độ tích cực tăng cường tiềm lực quân sự nước mình. Trong khi đó, Pakistan đang tìm mọi cách duy trì thế cân bằng có thể với người hàng xóm vốn có nhiều xích mích này. Ông Siemon Wezeman cho biết thêm, Trung Quốc và Pakistan là mối đe doạ tiềm tàng đối với Ấn Độ. Chính vì vậy, Ấn Độ đã sẵn sàng làm tất cả để tăng cường khả năng quân sự của mình. Đoàn quan chức quân sự Pakistan thăm Trung Quốc? Các nhà phân tích quân sự và cựu ngoại giao cho rằng, việc Pakistan tăng cường sức mạnh cho không quân là đòn “đáp trả” trực tiếp trước kế hoạch của Ấn Độ trong việc mua 126 máy bay chiến đấu hiện đại từ phương Tây . Theo quan điểm của các nhà phân tích Ấn Độ, việc Mỹ bán các biến thể mới nhất của F-16 cho Pakistan đã trở thành lí do quan trọng khiến cho các máy bay tiêm kích F/A-18E/F và F-16IN của Mỹ không trúng thầu trong thương vụ MMRCA (Ấn Độ) . Với sự tương quan lực lượng như vậy, nhiều chuyên gia cho rằng trong thời gian tới, cuộc chạy đua vũ trang trên không giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ còn quyết liệt hơn, nhất là trong bối cảnh hai nước vẫn bất đồng trong nhiều vấn đề như tranh chấp chủ quyền tại khu vực Kashmir, một số nhóm phiến quân chống Ấn Độ ấn náu tại Pakistan và hàng loạt các vấn đề khác. [BDV news] |
Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011
>> Làn sóng nâng cấp vũ khí tối tân tại Châu á
Sau cuộc chạy đua vũ trang Mỹ - Nga thời Chiến tranh Lạnh, giới phân tích quân sự cho rằng, thế giới đang chứng kiến làn sóng nâng cấp vũ khí tối tân với tốc độ nhanh và quy mô lớn ở châu Á - Thái Bình Dương.
Tháng 12/2010, Nhật Bản hiệu chỉnh Đại cương Phòng vệ mới, lên kế hoạch mua 5 tàu ngầm, 3 tàu khu trục, 12 máy bay chiến đấu, 10 máy bay tuần tra và 39 máy bay trực thăng. Nhật Bản mới đây đã công bố kế hoạch triển khai thêm 3 giàn tên lửa đánh chặn Patriot và xúc tiến sản xuất các tàu chiến trang bị tên lửa thế hệ Aegis, tuyên bố chương trình này nhằm đối phó với Triều Tiên, đặc biệt sau khi xảy ra vụ đắm tàu Cheonan và Triều Tiên tiết lộ chương trình làm giàu urani. Đồng thời, theo “Kế hoạch quốc phòng trung hạn” mới được Chính phủ Nhật Bản thông qua ngày 17/12/2010 cho thấy trong vòng 5 năm tới Nhật Bản sẽ đầu tư 276 tỷ USD nhằm xây dựng lực lượng Phòng vệ, trong đó sẽ chú trọng cải cách biên chế quân đội và phát triển các loại kỹ thuật tiên tiến và vũ khí có độ chính xác cao. Tháng 3/2009, Chính phủ của Thủ tướng Manmohan Singh công bố Dự án 15B, theo đó Ấn Độ sẽ xây dựng các tàu chiến thế hệ tiếp theo trong các giai đoạn khác nhau. Ngoài ra, Ấn Độ xây dựng ít nhất 3 tàu khu trục lớp Kolkata theo Dự án 15A và hai tàu sân bay: INS Vikramaditya và INS Vikrant. Để đạt được sự cân bằng tương đối, Hải quân Ấn Độ đang xây dựng hạm đội tàu khu trục hộ tống tàng hình và bắt đầu thực hiện một số dự án mới. Tàu Shivalik sẽ là chiếc khu trục tàng hình đầu tiên của Ấn Độ. Các tàu khu trục lớp Sahyadri và Satpura đang được xây dựng. Sau khi tất cả các kế hoạch của chính phủ được hoàn tất, Ấn Độ sẽ có hơn 140 tàu chiến. Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã mua số vũ khí trị giá 150 tỷ USD. Động thái đáng chú ý hiện nay là các hoạt động trên biển gần đây của Hải quân Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh có ý định tăng cường kiểm soát các tuyến đường hàng hải trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Hàng không mẫu hạm Varyag, thuộc lớp Kuznetsov, đang được xây dựng. Trung Quốc sẽ đưa vào sử dụng tất cả 3 hàng không mẫu hạm năm 2017. Các tàu sân bay này sẽ giúp Hải quân Trung Quốc đạt được khả năng cạnh tranh trên biển với Hải quân Mỹ. Gần đây, Trung Quốc cũng không ngừng phô trương các loại vũ khí mới - một tiêu chí nhằm nâng cao sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Có chuyên gia nhận định nhiều khả năng sẽ nổ ra một cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực Đông Á, sau khi các phương tiện thông tin đưa hình ảnh Trung Quốc công bố loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ J-20. Việc công bố công nghệ mới của Trung Quốc trùng hợp với thời điểm tại Seoul, Nhật Bản và Hàn Quốc nhất trí tìm kiếm một thỏa thuận quân sự song phương đầu tiên sau khi Mỹ hối thúc Hàn - Nhật tăng cường hợp tác để đối phó với Triều Tiên. Trong khi tìm cách tăng cường quan hệ quân sự với Nhật Bản, quân đội Hàn Quốc cũng thông báo kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa dẫn đường diệt xe tăng do Israel chế tạo trên đảo YeonPyeong, hòn đảo vừa bị Triều Tiên pháo kích hồi cuối tháng 11/2010. Hàn Quốc cũng đầu tư đáng kể cho sức mạnh quân sự. Ngoài việc tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn với Mỹ, quân đội Hàn Quốc còn gia tăng tổ chức các cuộc diễn tập quân sự giả định quy mô lớn. Trong khi đó, nhập khẩu quân sự của Malaysia cũng đang tăng lên, Singapore cũng đang có kế hoạch mua 2 tàu ngầm; Australia đang lập kế hoạch chi 179 tỷ USD trong vòng 20 năm tới để mua mới tàu ngầm, tàu khu trục và máy bay chiến đấu. Bên cạnh đó, Nga cũng có kế hoạch tổ chức cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn nhất trong lịch sử tại khu vực Viễn Đông vào năm 2011, tăng cường sự hiện diện sức mạnh quân sự của Nga tại khu vực này. Điểm đáng quan tâm là hiện nay, Mỹ đang tăng cường sức mạnh cho các lực lượng đồn trú tại khu vực Đông Bắc Á. Theo các phương tiện truyền thông của Anh, Mỹ có kế hoạch đầu tư 12,6 tỷ USD nhằm xây dựng và mở rộng căn cứ quân sự trên đảo Guam - khoản đầu tư lớn nhất để xây dựng căn cứ quân sự tại khu vực Tây Thái Bình Dương của Mỹ kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, với mục đích là biến đảo Guam thành căn cứ quân sự lớn nhất khu vực Tây Thái Bình Dương. Chưa hết, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đang chạy đua mạnh mẽ phát triển các tên lửa chống hạm, điều có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong chiến tranh trên biển và thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu. Ấn Độ và Nga đang bắt tay chế tạo tên lửa BrahMos thế hệ thứ hai, dự kiến có thể đạt tốc độ tới 7.300 km/h. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang phát triển tên lửa chống hạm siêu âm như vậy của riêng mình, mang tên Đông Phong 21D (DF-21D). Được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”, loại tên lửa này có thể được dùng để chống các tàu sân bay của Mỹ, qua đó hủy diệt uy quyền tối thượng của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Bản thân Mỹ cũng đang đẩy mạnh phát triển tên lửa siêu tốc của mình mang tên X-51A WaveRider, sử dụng công nghệ phản lực tĩnh siêu âm. … và “động cơ” kích động cuộc đua Sau khi xuất hiện một số sự kiện như vấn đề hạt nhân, phóng thử tên lửa đạn đạo và cái gọi là thử vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Triều Tiên đã trở thành một trong những nhân tố nổi bật tác động đến quyết định nâng cao sức mạnh quân sự của Hàn Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt là sau sự kiện tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm và hai miền Triều Tiên pháo kích lẫn nhau, Hàn Quốc và Nhật Bản càng có các động thái tăng cường sức mạnh quân sự hơn nữa. Tương quan sức mạnh quân sự trong khu vực đang có những thay đổi. Nhưng một lý do được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc đua sức mạnh quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương là các nước trong khu vực đang lo ngại sự ngày càng trỗi dậy về kinh tế và sức mạnh quân sự của Trung Quốc, trong khi cho rằng Mỹ ít có khả năng can dự vào sự vụ khu vực. Trung Quốc đã chính thức vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc đang xúc tiến chính sách ngoại giao kinh tế, và vũ khí mạnh nhất của Trung Quốc ngày nay chính là sức mạnh kinh tế, đặc biệt là dự trữ ngoại tệ. Về quân sự, trước kia, các nước khác cho rằng, Trung Quốc phát triển quân sự chỉ để trấn áp “giặc cỏ”. Hiện nay, các nước bất ngờ phát hiện ra rằng, quân đội Trung Quốc đã đột phá chuỗi đảo thứ nhất, tiến ra Thái Bình Dương. Trong khi đó, toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nguy cơ sẽ bước vào một thời kỳ “không xác định” chưa từng có: rối loạn trên bán đảoTriều Tiên, kinh tế phập phù khó đoán định và thời gian tại chức ngắn ngủi của nhiều vị Thủ tướng Nhật Bản, ngoài ra còn có vấn đề “chuyển giao quyền lực” ở nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… sắp diễn ra. Đối với nhiều nhà quan sát, 2010 là một năm đầy thử thách đối với ngoại giao của Bắc Kinh do quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng và những quan ngại trước việc Mỹ cam kết "quay trở lại" khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo của các cố vấn quân sự Australia cho rằng Australia cần một hạm đội tàu ngầm hạt nhân tấn công cùng một loạt hệ thống vũ khí tiên tiến nhằm đáp lại những mối đe dọa về an ninh từ việc xây dựng quân đội quy mô lớn của Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu khiến Ấn Độ đang ra sức mở rộng kho vũ khí cũng bắt nguồn từ Trung Quốc. Trung Quốc nói nước này không phải là một mối đe dọa, nhưng lập trường ngoại giao và quân sự của họ ngày càng cứng rắn, đặc biệt là tại các vùng biển. Các tàu hải quân của Trung Quốc hoạt động ngày càng thường xuyên tại các vùng biển xung quanh phía Nam Nhật Bản. Nhật Bản tuyên bố sẽ tăng cường giám sát các lực lượng của Trung Quốc và tăng cường hạm đội tàu ngầm. Còn các chuyên gia về Nga cho rằng chính sách quân sự và các cuộc tập trận mà Nga đã tiến hành trong những tháng gần đây dường như chứng tỏ rằng Moscow đã bắt đầu cảm thấy bị đe dọa bởi sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Ngân sách quốc phòng của Nga trong năm 2011 tăng khoảng 20% so với năm 2010. Nhìn nhận sự thay đổi trong quan hệ quân sự giữa các bên có lợi ích an ninh trong khu vực và sự thay đổi sức mạnh giữa các bên, không khó phát hiện cục diện quân sự khu vực đang có sự thay đổi từng bước, mà nguyên nhân cơ bản chính là sức ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc ở vị trí hàng đầu, tiếp đến là sức ảnh hưởng của Nhật Bản và Hàn Quốc. |
Thứ Ba, 1 tháng 2, 2011
>> Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việt Nam không chạy đua vũ trang
Thời gian gần đây, vấn đề bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, diễn biến an ninh khu vực từ cuộc hội nhập sâu rộng của đất nước vào đời sống quốc tế… đã trở thành những chủ đề thảo luận sôi nổi của đông đảo giới trẻ Việt Nam. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Thanh niên Công tác đối ngoại quốc phòng đã được đặt ra ngay từ những năm đầu đổi mới, đến nay đã gần 20 năm, trong đó chúng ta đã phát triển từng bước vững chắc, hiệu quả nhằm phục vụ nhiệm vụ quốc phòng quân sự của đất nước. Tuy nhiên năm 2010 có ý nghĩa rất đặc biệt khi Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động. Với sự phát triển chung của đất nước, vị thế, vai trò của quân đội cũng được nâng cao và công tác đối ngoại quốc phòng đã đạt được những thành tựu nổi bật. Có thể nói 2010 là năm hội tụ kết quả của gần 20 năm phát triển đối ngoại quốc phòng từ khi bắt đầu đổi mới. Cụ thể, chúng ta đã tái bản Sách trắng Quốc phòng với nội dung đáp ứng được sự phát triển của tình hình cũng như yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới. Sách trắng Quốc phòng lần này có 2 điểm nổi bật: Thứ nhất, có độ công khai, minh bạch cao, thể hiện sự tự tin và minh bạch của đất nước về quốc phòng; Thứ hai, chúng ta đã trình bày rõ ràng chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, trên tình hình độc lập tự chủ, bảo vệ Tổ quốc dựa trên sức mình là chính, sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước để xây dựng khu vực hòa bình ổn định, đóng góp cho sự phát triển chung của thế giới. Với chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, chúng ta đã tăng cường quan hệ hợp tác song phương, nhất là các nước bạn bè cũ, các nước láng giềng; chủ động tham gia các diễn đàn đa phương như ARF, ADMM, Shangri-la…Trên các diễn đàn này, chúng ta chủ động trình bày chính sách quốc phòng của đất nước, thể hiện mong muốn hòa bình và giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình; mong muốn khu vực ổn định và phát triển; công khai, minh bạch, chủ động đề xuất các biện pháp giải quyết những khác biệt như tranh chấp lãnh thổ, các thách thức an ninh phi truyền thống… Những thành tựu trong đối ngoại quốc phòng của chúng ta đã tăng cường xu hướng hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực, hạn chế và từng bước đẩy lùi nguy cơ chiến tranh và xung đột vũ trang. Đây là kết quả rất quan trọng nhằm đạt được mục tiêu của chiến lược quốc phòng là bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực. Bên cạnh đó, nhờ tăng cường hợp tác mà sức mạnh quốc phòng Việt Nam được tăng cường, không chỉ thể hiện qua việc tăng cường sức mạnh quân sự mà là sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân. Đối ngoại quốc phòng đã góp phần nâng cao vị thế của quân đội và của đất nước, qua đó tăng cường thế trận quốc phòng bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam. Thành tựu quan trọng nhất là đối ngoại quốc phòng đã góp phần bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước thông qua kết hợp giữa quốc phòng và ngoại giao, thực hiện chiến lược tối ưu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc mà không cần đến chiến tranh. Năm qua, vấn đề biển Đông được đề cập trong nhiều diễn đàn quốc tế. Theo Thứ trưởng, chúng ta nhận thức như thế nào về việc bảo vệ được chủ quyền nhưng vẫn giữ được hòa hiếu trong giải quyết vấn đề này? Tàu hải quân Việt Nam. Ảnh minh họa Vấn đề đặt ra là chúng ta giữ hòa bình bằng cách nào, nhất là khi xử lý các vấn đề tranh chấp trên biển Đông? Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta, kế sách bảo vệ Tổ quốc thứ nhất là đánh thắng, thứ hai là không đánh mà thắng. Chính sách quốc phòng của chúng ta hiện nay đang nhằm vào cái không đánh mà thắng. Trước hết cần kiên trì chủ trương xử lý các vấn đề trên biển Đông bằng các biện pháp quốc tế. Tăng cường đoàn kết hữu nghị với các nước láng giềng, đặc biệt là các nước đang có tranh chấp. Không thể bàn về lợi ích một cách bình đẳng, cùng có lợi nếu không có quan hệ hòa hiếu, hiểu biết lẫn nhau. Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước hết chúng ta phải công khai, minh bạch chủ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam và khẳng định quyết tâm bảo vệ những lợi ích đó. Bên cạnh dó cần tích cực xây dựng tiềm lực quốc phòng mạnh và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Chúng ta không chủ trương sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực với các nước khác, nhưng chúng ta cũng không thể đàm phán với hai tay không mà phải khẳng định có đủ khả năng và đủ quyết tâm bảo vệ Tổ quốc khi bị xâm lược. Khi đó mới có thể ngồi vào bàn đàm phán một cách bình đẳng và tự tin. Thời gian qua, việc Việt Nam nâng cấp, trang bị vũ khí liệu có khả năng tạo ra dư luận về cuộc chạy đua vũ trang mới đang tiềm ẩn trong khu vực không, thưa Thứ trưởng? Việc hiện đại hóa quân đội nhằm đáp ứng các nhu cầu phòng thủ theo lộ trình phù hợp với nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam, thể hiện tinh thần hòa bình, tự vệ trong chính sách quốc phòng của nước ta. Thời gian qua, Việt Nam đã mua sắm một số vũ khí hiện đại như máy bay chiến đấu có tính năng ưu việt hệ thống tên lửa phòng không mạnh, các tàu tuần tiễu tàu ngầm hiện đại… nhưng Việt Nam không chạy đua vũ trang, chúng ta bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp của đất nước. Chúng ta đã công khai, minh bạch chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, trong đó khẳng định việc mua sắm vũ khí trang bị là một vấn đề hết sức bình thường, trên cơ sở khả năng kinh tế phát triển đến đâu, chúng ta mua sắm trang bị đến đó. Tuy nhiên, đối với khu vực, chạy đua vũ trang thực sự là một nguy cơ cần đề phòng và ngăn chặn. Trong những năm gần đây, ngân sách quốc phòng của các nước trong khu vực đều tăng, có những nước tăng nhanh hơn bình thường, Việc mua sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự phản ánh chiến lược quốc phòng quân sự của các nước. Khi chúng ta trang bị các loại vũ khí, thiết bị quân sự có tính chất phòng thủ, tự vệ là chính, phù hợp với tiềm lực kinh tế của mình thì không thể gọi là chạy đua vũ trang. Ngược lại, khi một nước mua sắm vũ khí, trang bị quân sự một cách bất thường, có tính năng tấn công tầm xa, vươn ra ngoài phạm vi địa lý thuộc chủ quyền lãnh thổ của mình, chắc chắn sẽ gây lo ngại từ các nước khác và có thể dẫn đến chạy đua vũ trang. Ở đây cũng cần nhấn mạnh là chỉ có một số ít các nước trên thế giới có khả năng và tham vọng để thực hiện những việc như vậy. Việc các cường quốc cùng quan tâm và muốn can dự vào Châu Á – Thái Bình Dương, Đông Á, Đông Nam Á sẽ đặt các nước trong khu vực, đặc biệt là những nước nhỏ, trước những vấn đề gì trong việc giữ vững chủ quyền của mình? Việc các nước lớn cùng quan tâm và muốn can dự vào khu vực, trước hết chứng tỏ được vị thế và giá trị địa chiến lược, địa chính trị, địa kinh tế, môi trường ổn định và tiềm năng phát triển lớn của khu vực, và cùng với nó vị thế, vai trò của từng nước trong khu vực cũng được nâng lên. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực sẽ tranh thủ đươc sự hổ trợ về tiềm lực đầu tư, kinh nghiệm, tri thức từ các nước lớn trong điều kiện các bên cùng có lợi để một mặt đối phó với các thách thức truyền thống và phi truyền thống. Việc các cường quốc cùng quan tâm và muốn can dự vào Châu Á – Thái Bình Dương tạo thuận lợi cho các nước đang phát triển trong khu vực bảo vệ độc lập và chủ quyền. Trước hết, sự tham gia của các cường quốc thể hiện xu thế chính của khu vực và thế giới là hòa bình, ổn định, hợp tác, trong điều kiện như vậy, các nước nhỏ có nhiều khả năng giữ vững độc lập và chủ quyền hơn. Mặt khác, với sự tham gia của nhiều cường quốc nhưng không nước nào chiếm ưu thế áp đảo nên vai trò, vị thế của các nước nhỏ tăng lên, tính bình đẳng trong quan hệ quốc tế được nâng cao, có tác dụng tích cực trong bảo vệ độc lập và chủ quyền. Việc các nước nhỏ tập hợp trong ASEAN có thế giữ vai trò chủ đạo trong các thể chế khu vực như ADMM+, ARF, EAS… là những ví dụ điển hình. Tuy nhiên, xu thế này cũng đặt ra nhiều thách thức cho các nước nhỏ, đang phát triển. Nếu các nước này không vững vàng thì dễ bị lôi về một phía; dễ mất độc lập, tự chủ. Mặt khác, sự can dự của các cường quốc đòi hỏi các nước nhỏ phải tỉnh táo trong quan hệ với các đối tác nhất là các cường quốc trên những vấn đề mà các bên có quyền lợi mâu thuẫn nhau. Như vậy, việc các cường quốc can dự vào khu vực tạo ra cả cơ hội và thách thức để phát triển, bảo vệ chủ quyền của các nước nhỏ trong khu vực. Để nắm bắt các cơ hội và vượt qua thách thức, các nước nhỏ phải giữ vững nguyên tắc độc lập tự chủ trong quan hệ quốc tế, hơn thế nữa cần tăng cường hợp tác với nhau và với các cường quốc để bảo vệ các lợi ích chung theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Đối với Việt Nam, điều quan trọng nhất để có thể tận dụng các thuận lợi này là kiên định đường lối độc lập tự chủ trong quan hệ đối với từng nước, đồng thời tham gia giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong mọi mô hình hợp tác khu vực. Trong đó độc lập tự chủ là quan trọng nhất, Việt Nam không ngả về bên nào, không cùng với nước nào chống nước kia, không tham gia vào những “trò chơi quyền lực” của các nước lớn. Xin cảm ơn Thứ trưởng! 12/2009: Việt Nam công bố Sách trắng Quốc phòng, khẳng định chính sách quốc phòng của Việt Nam là không đe dọa hoặc sử dụng sức mạng quân sự trước trong quan hệ quốc tế nhưng sẵn sàng và kiên quyết giáng trả mọi hành động xâm lược. 5/2010: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ nhất với 8 nước đối tác, đối thoại gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Liên Bang Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand được tổ chức tại Hà Nội. Vấn đề giữ vững hòa bình, ổn định tại biển Đông theo tuyên bố ứng xử trên biển Đông (COC), không dùng vũ lực, đàm phán hòa bình để giải quyết trên cơ sở Công ước về Luật biển quốc tế năm 1982 được các nước ủng hộ. 6/2010: Tại Hội nghị An ninh châu Á không chính thức lần thứ 8 tại Singapore (Đối thoại Shangri–la 8) với sự tham dự của lãnh đạo và học giả của 27 quốc gia và tổ chức thế giới, Đại tướng – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh khẳng định chủ trương và nỗ lực thúc đẩy ngoại giao quốc phòng, góp phần vào nhận thức chung vì một khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển trên một nền an ninh hợp tác vững chắc. 8/2010: Lần đầu tiên đối thoại quốc phòng Việt – Mỹ. Hai bên đã thảo luận các vấn đề song phương về quốc phòng, truyền thống tăng cường hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh, cứu hộ cứu nạn, ứng phó với thiên tai trên biển và đất liền… Một điểm mới trong hợp tác song phương là Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc tìm kiếm quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh… 11/2010: Đối thoại chiến lược – an ninh Việt – Trung. Quân đội hai nước thống nhất tiếp tục đẩy mạnh giao lưu, trao đổi, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học quân sự, đào tạo, hợp tác hải quân, biên phòng, thiết lập đường dây nóng giữa hai bộ quốc phòng. 12/2010: Hội nghị Nhóm Công tác quan chức quốc phòng cao cấp các nước ASEAN mở rộng (ADSOM + WG) triển khai các sáng kiến hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ ADMM+. |
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)
Chuyên mục Quân Sự
Hải quân Trung Quốc
(263)
Hải quân Mỹ
(174)
Hải quân Việt Nam
(171)
Hải quân Nga
(113)
Không quân Mỹ
(94)
Phân tích quân sự
(91)
Không quân Nga
(83)
Hải quân Ấn Độ
(54)
Không quân Trung Quốc
(53)
Xung đột biển Đông
(50)
Không quân Việt Nam
(44)
tàu ngầm
(42)
Hải quân Nhật
(33)
Không quân Ấn Độ
(16)
Tàu ngầm hạt nhân
(15)
Hải quân Singapore
(12)
Xung đột Iran - Israel
(12)
Không quân Đài Loan
(9)
Siêu tên lửa
(8)
Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
(7)
Tranh chấp biển Đông
(7)
Xung đột Trung - Mỹ
(4)
Xung đột Việt-Trung
(2)