Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Hai tấm lá chắn của Mỹ ở Đông Bắc Á

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2011

>> Hai tấm lá chắn của Mỹ ở Đông Bắc Á



[BDV news] Hệ thống phòng tên Aegis và THAAD sẽ là con bài cuối cùng mà Mỹ và các nước đồng minh tung ra để đối phó với các đòn tấn công bất ngờ từ tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Hệ thống Aegis trên biển
Hệ thống vũ khí Aegis (ACS - Aegis combat system) hiện đang là hệ thống vũ khí phòng thủ hiện đại nhất của Hải quân Mỹ và các nước đồng minh.

Theo các nhà thiết kế, Aegis đóng vai trò hệ thống phòng thủ toàn diện, có thể chống lại mọi mối đe dọa từ trên không, trên biển hay dưới đại dương. Ý tưởng phát triển hệ thống Aegis có từ hơn 40 năm trước khi Hải quân Mỹ dựa vào pháo hạm cỡ lớn lép vế trước các thế hệ tên lửa chống hạm của Liên Xô.





Khu trục hạm Arleigh Burke được trang bị hệ thống Aegis hiện đại nhất của hải quân Hoa Kỳ.
Sau sự kiện khu trục hạm Eylat của Israel bị đánh chìm bởi tên lửa chống hạm P-15 Termit và Hải quân Mỹ đánh chìm một hộ vệ hạm cùng một tầu tên lửa cỡ nhỏ của Iran năm 1988 bằng tên lửa Harpoon, người Mỹ càng thấy sự quan trọng của việc triển khai hệ thống phòng thủ này.


Trung tâm điều khiển điện tử của hệ thống Aegis.


Chính phủ Mỹ hầu như “ném” hết tất cả những thành tựu của mình vào một hệ thống phòng thủ trên biển. Vũ khí của Aegis có tầm tác chiến rộng, có khả năng chống đỡ các cuộc tấn công từ mọi độ cao, mọi hướng, với đủ loại vũ khí từ tên lửa chống hạm, cho đến máy bay đối phương ở mọi tốc độ bay từ dưới âm, cận âm đến siêu âm.

Không những thế, Aegis không hề giảm sút khả năng ngay cả trong những điều kiện thời tiết cực kỳ khắc nghiệt, hay dưới điều kiện nhiễu mạnh mà đối phương gây ra.

“Trái tim” của hệ thống Aegis là radar đa kênh AN/SPY-1 có khả năng tự động phát hiện và theo dõi mục tiêu. Nhờ công suất cực lớn 4MW (cần một nhà máy thủy điện cơ vừa như nhà máy thủy điện Khe Cách của Việt Nam để cung cấp năng lượng cho radar này hoạt động).

AN/SPY-1 có khả năng theo dõi và dẫn bắn cùng lúc tới hơn 100 mục tiêu. Về hệ thống vũ khí, Aegis là sự kết hợp hoàn hảo của tên lửa đối đất Tomahawk; tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon, hệ thống phòng không SM-2, SM-3; hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx, các loại ngư lôi MK-46, MK-50 và trực thăng săn ngầm SH-60 Seahawk.


Hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx, một phần của Aegis.



Tên lửa phòng không tầm xa SM-2 được phóng thử nghiệm trong hệ thống Aegis.



Trực thăng săn ngầm SH-60 Seahawk.


Hiện nay, hệ thống Aegis đã được lắp đặt và đưa vào sử dụng trên các khu trục lớp Ticonderoga; Arleigh Burke của Mỹ; Kongo của Nhật Bản và tầu hộ vệ lớp F-100 của Tây Ban Nha. Gần đây, Hàn Quốc cũng lắp đặt thành công hệ thống Aegis trên khu trục hạm mới nhất của họ là King Sejong the Great.

Trong tình hình thời sự hiện nay, Aegis được tin tưởng và đặt trọng trách lớn với nhiệm vụ ngăn chặn các tên lửa của các nước “thù địch” với Mỹ và đồng minh như CHDCND Triều Tiên hay Iran.

Hệ thống THAAD trên đất liền
THAAD (Theatre high-altitude area defence - Hệ thống phòng không tầm cao) là một hệ thống tên lửa phòng không có khả năng di chuyển linh hoạt với nhiệm vụ bảo vệ các căn cứ và mục tiêu quan trọng khỏi các loại tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 200 km và độ cao lên tới 150 km.

THAAD chính là lớp ngoài cùng trong “Hệ thống bảo vệ nhiều tầng” mà người Mỹ dày công xây dựng. Các hệ thống khác như Patriot PAC-3 sẽ “lo liệu” các mục tiêu ở tầm thấp hơn từ 1,5-7,5 km.

Hệ thống THAAD có tuổi đời khá trẻ, mới được Lockheed Martin phát triển theo một hợp đồng với Bộ Quốc phòng Mỹ trị giá 689 triệu USD. Sau đó, nhiệm vụ phát triển hệ thống còn được chia cả cho các công ty khác như Raytheon với nhiệm vụ thiết kế radar mặt đất.

Cho đến năm 2000, hệ thống THAAD mới chuyển sang giai đoạn thiết kế chính thức và năm 2004, 16 tên lửa dành cho hệ thống mới được sản xuất với mục đích thử nghiệm. Cuộc thử nghiệm đầu tiên của hệ thống này diễn ra tốt đẹp tại bãi thử Kauai (Hawaii) tháng 1/2007, khi tên lửa THAAD bắn trúng mục tiêu ở tầng bình lưu (độ cao khoảng 30-70km).


Loại xe phóng M1075 có chiều dài 12 mét, rộng 3,25 mét và mang được 8 tên lửa THAAD.



Tên lửa THAAD đang được phóng thử nghiệm.


Sau thử nghiệm thành công lần thứ hai vào tháng 4 cùng năm, THAAD dành được một hợp đồng cung cấp hai hệ thống gồm 6 xe phóng, 48 tên lửa, hai radar và hai trạm điều khiển. Hệ thống đầu tiên trong hợp đồng này được giao, kích hoạt và đưa vào sử dụng tại Fort Bliss tháng 5/2008. Một hệ thống THAAD hoàn chỉnh bao gồm 9 xe phóng, mỗi xe có khả năng mang 8 tên lửa và được điều khiển bằng hai trạm kiểm soát (TOCs - Tactical operation centres) và một radar mặt đất (GBR - Ground Base Radar).

Tên lửa sử dụng cho THAAD là loại tên lửa nhiên liệu rắn một tầng đẩy với khả năng điều chỉnh hướng phụt có khối lượng 900 kg và dài 6,17m. Tên lửa được nạp dữ liệu trực tiếp về mục tiêu từ trạm điều khiển, từ đó nó sẽ tự tính toán điểm va chạm để tiêu diệt mục tiêu.


Tên lửa THAAD đánh chặn mục tiêu tầm cao.


Trong suốt quá trình bay, dữ liệu về mục tiêu tiếp tục được cập nhật để tăng tính chính xác; nếu vì một lý do nào đó quá trình này không hiệu quả thì tên lửa sẽ sử dụng đầu dò hồng ngoại để tự tìm kiếm mục tiêu.

Tên lửa được vận chuyển và phóng trên xe tải M1075. Nguồn năng lượng để phóng tên lửa được tích trữ trong các acqui chì vận chuyển theo xe; các acqui này có thể sạc rất nhanh bằng máy phát điện đi kèm nên quá trình thay tên lửa và phóng loạt thứ hai của THAAD rất nhanh, chỉ trong vòng 30 phút.

THAAD sử dụng radar băng sóng milimet và micromet loại AN/TPY-2, là phiên bản đất liền của loại AN/SPY-2 vốn được sử dụng trong hệ thống Aegis. Với công suất mạnh như nêu ở trên, radar này có khả năng phát hiện được tên lửa đạn đạo đối phương ở khoảng cách lên tới 1.000 km.


Sơ đồ tác chiến phòng thủ của hệ thống THAAD.


Ngoài khả năng tác chiến độc lập, THAAD còn có khả năng cung cấp thông tin về mục tiêu cho các hệ thống phòng không khác qua hệ thống data link nhằm nâng cao khả năng chiến đấu đến mức tối đa.

Tháng 9/2008, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất đã đặt mua 3 hệ thống THAAD gồm 147 tên lửa, bốn radar, 6 trạm kiểm soát thông tin và 9 xe phóng. Tuy nhiên, thông tin về giá trị hợp đồng cũng như thời gian giao hàng vẫn được các bên giữ kín.

Tháng 6/2009, trước sức nóng của các vụ thử tên lửa của CHDCND Triêu Tiên, Mỹ cũng đã có ý định triển khai hệ thống THAAD tại Nhật Bản kết hợp với hệ thống Aegis trên biển nhằm vô hiệu hóa mối đe dọa này.

Mặc dù được thử nghiệm không ít lần thành công, hệ thống Aegis và THAAD vẫn bị nhiều thành viên của Bộ Quốc phòng Mỹ nghi hoặc. Các thử nghiệm dựa trên các mẫu tên lửa với đường bay cố định mang một đầu đạn hạt nhân; trong khi các tên lửa của đối trọng lớn nhất của Mỹ là Nga thường có khả năng tàng hình, có đường bay thay đổi liên tục, mang theo hàng chục đầu đạn hạt nhân và có thể phóng từ tầu ngầm từ bất cứ nơi nào trên thế giới.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang