Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Hệ thống THAAD

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Hệ thống THAAD. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hệ thống THAAD. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

>> Israel xây dựng lưới lửa dày đặc


Lực lượng không quân và tên lửa phòng thủ của Israel sẽ kết hợp và tái cơ cấu để có thể bảo vệ tốt hơn toàn vẹn lãnh thổ đất nước.



http://nghiadx.blogspot.com
Arrow 2 ASIP, một vũ khí chiến lược của Không quân Israel. Ảnh: Defense-Updates.

Theo quyết định mới, Không quân Israel sẽ kết hợp tất cả các lực lượng có thể chặn đứng máy bay và tên lửa ở bất kỳ tầm cao nào. Lực lượng phòng thủ “đa tầng” này sẽ được điều khiển từ một trung tâm chỉ huy đánh chặn.

Cùng với đó, Không quân Israel cũng bố trí theo nhiệm vụ thay vì triển khai theo địa hình.

Theo lý luận quân sự cũ, các vị trí bố trí lực lượng đảm bảo bảo vệ phần lớn không phận của Israel. Giờ đây, lực lượng phòng hệ năng động hiện đại hoạt động dựa trên cảnh báo và kiên định với mục tiêu ban đầu từ khoảng cách rất xa.

Theo đó, bộ phận chỉ huy phòng không không quân có thể bảo vệ không phận Israel tốt hơn, bất chấp địa điểm đặt vũ khí ở đâu.

Kho vũ khí phòng không của Israel hiện gồm các tên lửa và hệ thống: MIM-23 Improved Hawk PIP3, MIM-104 Patriot, MIM-92A Stinger, Arrow 2 ASIP, Iron Dome, C-RAM...

Trong đó, 2 hệ thống được sản xuất tại Israel gồm: Arrow để chặn đứng tên lửa đạn đạo tầm trung Scud của Iraq và Syria và Iron Dome chống lại các cuộc tấn công rocket của du kích Hồi giáo cực đoan.

Không quân Israel (IAF) đang lên kế hoạch triển khai khẩu đội Iron Dome thứ tư trong vài tháng tới và sẽ đặt nó ở vịnh Haifa để bảo vệ trung tâm công nghiệp của nước này.

Theo yêu cầu của IAF, cần triển khai khoảng 12 khẩu đội này dọc biên giới phía Nam và phía Bắc Israel.

Thêm vào đó, Rafael đang đề xuất một biến thể mới của Iron Dome, được gọi là Iron Flame có nhiệm vụ phản pháo các vụ phóng rocket của du kích Hồi giáo.

Trước thông tin tình báo về việc Iran đang cố sản xuất vũ khí hạt nhân, đồng minh Mỹ và Israel đang lên kế hoạch tổ chức tập trận chung quy mô lớn nhất từ trước đến nay nhằm thử nghiệm các biện pháp phòng vệ chung chống lại tên lửa đạn đạo. Hai cuộc tập trận chung là Juniper Cobra và Austere Challenge được dự định tổ chức từ đầu năm nhưng lùi lại đến tháng 4 hoặc tháng 5/2012, thậm chí muộn hơn.

Mỹ dự định triển khai hệ thống THAAD trong quá trình tập trận. Trong bối cảnh như vậy, THAAD có thể bổ sung cho tên lửa Arrow của Israel với khả năng hoạt động ở độ cao lớn hơn. Cuộc tập trận sẽ bao gồm việc thiết lập trạm chỉ huy của Israel tại trụ sở chỉ huy châu Âu của Mỹ đặt tại Đức.

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

>> "Chiến tranh vùng Vịnh lần 3" sắp xảy ra ???


"Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết", vì vậy các nước vùng Vịnh đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất xảy ra xung đột giữa Mỹ - Iran.

Tăng cường mua sắm quốc phòng

Tình hình tại eo biển Hormuz đang trở nên hết sức căng thẳng với những tuyên bố của các bên liên quan. Sau khi kết thúc cuộc tâp trận hải quân kéo dài 10 ngày, ngày 6/1/2012 Tehran thông báo sẽ tiếp tục tổ chức một cuộc tập trận mới trong tháng 2/2012.

Cùng với đó, Mỹ và Israel cũng tổ chức một cuộc tập trận phòng thủ tên lửa, diễn biến tình hình tại vùng Vịnh đang đứng trên bờ vực của một cuộc chiến tranh nếu các bên liên quan không kiềm chế.



http://nghiadx.blogspot.com
Rất nhiều hệ thống vũ khí hiện đại trong đó có hệ thống đánh chặn siêu hạng THAAD (ảnh) đã có mặt tại vùng Vịnh nhằm đối phó với mối đe dọa từ Iran.


AFP dẫn lời nhà phân tích quân sự Riad Kahwaji (UAE) cho biết: Các quốc gia vùng Vịnh đang dõi theo từng bước diễn biến mối quan hệ giữa Mỹ - Iran". Bởi, một cuộc xung đột giữa phương Tây và Tehran đồng nghĩa với việc nền kinh tế các nước vùng Vịnh bị tàn phá, khủng hoảng kinh tế toàn cầu thêm trầm trọng. Nỗi quan ngại của các nước vùng Vịnh là có cơ sở khi các bên liên quan chưa cho thấy dấu hiệu nhượng bộ.

Dù vẫn hy vọng vào các biện pháp ngoại giao có thể làm dịu tình hình, song các quốc gia vùng Vịnh đã bắt đầu có những sự chuẩn bị để tăng cường khả năng phòng thủ nhằm đối phó với tình huống xấu nhất, đặc biệt là các quốc gia thân cận với phương Tây. “Không có quốc gia vùng Vịnh nào mong muốn chiến tranh xảy ra, nhưng các nước đều có những chuẩn bị cho khả năng xấu nhất”, ông Riad Kahwaji nói.

Các quốc gia vùng Vịnh đang chờ đợi diễn biến tình hình và đẩy mạnh mua sắm quốc phòng, tháng 12/2011 Saudi Arabia đã ký một thỏa thuận trị giá 29,4 tỷ USD để mua 84 máy bay chiến đấu F-15 và nâng cấp 70 máy bay phản lực khác đang có trong biên chế. Không lâu sau đó UAE cũng ký một thỏa thuận trị giá 3,84 tỷ USD để mua hệ thống đánh chặn tên lửa THAAD.

Trong năm 2011, Mỹ và Saudi Arabia cũng công bố hợp đồng trị giá 1,7 tỷ USD để mua sắm thêm các hệ thống tên lửa phòng không Patriot. Kuwait cũng đặt mua tới 209 tên lửa Patriot trị giá 900 triệu USD. Hiện, tập đoàn Raytheon hoàn thành việc nâng cấp radar của hệ thống phòng không Patriot cho Kuwait.

Thủ tướng Qatar, ông Sheikh Hamad bin Jassem Al-Thani cho biết, trong quá khứ các nước vùng Vịnh đã cố gắng thu hẹp khoảng cách với Tehran và sẽ góp phần vào việc tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng tại đây. “Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều không có lợi ích với một cuộc xung đột tại vùng Vịnh, sự căng thẳng giữa Mỹ và Iran là đáng lo ngại. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong các cuộc xung đột quân sự, tất cả chúng ta đều biết rằng không có người chiến thắng trong các cuộc xung đột như vậy, đặc biệt là đối với các nước vùng Vịnh”, ông nói.

Ngoài việc chuẩn bị đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài, các quốc gia vùng Vịnh cũng đang chuẩn bị đối phó với các mối đe dọa từ các cơ sở tên lửa của Iran bị nghi ngờ triển khai trong khu vực. Ông Riad Kahwaji nói: “Chúng tôi nghe nói nhiều đến các biện pháp phòng ngừa trong nhiều quốc gia nhằm đối phó với mối đe dọa bằng tên lửa từ Iran”

Muốn tránh chiến tranh cần phải hạn chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran trong khu vực. Nhà phân tích chính trị người Kuwait Sami al-Faraj nhận định, có hai kịch bản có thể xảy ra ở vùng Vịnh. Thứ nhất: Loại bỏ hoàn toàn các biện pháp dùng đến chiến tranh trừ trường hợp bị bắt buộc phải sử dụng đến vũ lực. Thứ hai: Sự cần thiết phải chống lại việc Iran can thiệp vào Syria, Iraq, Lebanon, Yemen và Sudan nhằm thổi bùng căng thẳng giáo phái. Ông Faraj cho rằng khả năng thứ hai là mạnh mẽ hơn.

Cần lưu ý rằng Kuwait đã xây dựng các cơ sở dầu mỏ chiến lược, các trung tâm tài chính, kinh doanh gần bờ biển Iran. Cơ sở dầu mỏ chiến lược Ras Tanura của Saudi Arabia chỉ cách bờ biển Iran có 180km, trung tâm dầu mỏ chiến lược Abu Dhabi thuộc UAE chỉ cách bờ biển Iran có 220km.

Các quốc gia vùng Vịnh có nhiều lý do để lo ngại, một cuộc xung đột vũ trang giữa Mỹ-Iran sẽ là thảm họa đối với các nước này. Không ai có thể đoán được Tehran sẽ làm gì với những vũ khí mà họ đang sở hữu.

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

>> Lực lượng tên lửa chiến lược Nga bị đe dọa



Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga sẽ không còn duy trì được lợi thế và khả năng răn đe cũng như đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân vào năm 2015.

Cuộc hội đàm song phương giữa Bộ quốc phòng Nga và NATO đã không đạt được bất kỳ sự thống nhất nào về lá chắn tên lửa mà khối quân sự này đang xây dựng tại châu Âu.

NATO đã bác bỏ đề xuất của Moscow về xây dựng một lá chắn tên lửa chung châu Âu, cũng như từ chối đưa ra đảm bảo bằng văn bản đối với lá chắn này không đe dọa đến Nga.

Về nguyên tắc cho dù có một sự đảm bảo bằng văn bản cũng không thể cho Nga một sự tin tưởng rằng lá chắn tên lửa này không đe dọa an ninh Nga.

Mỹ và NATO có thể cung cấp các bảo lãnh nhưng đảm bảo lợi ích cốt lõi của họ vẫn là ưu tiên hàng đầu. Không có gì để đảm bảo một cuộc tấn công nhằm vào Nga sẽ không xảy ra.


Việc xây dựng lá chắn tên lửa tại châu Âu đang gây ra mối lo ngại sâu sắc cho Nga.


Trong tình hình như vậy, sự đảm bảo chỉ có thể đến từ quân đội Nga, họcó đủ khả năng để đáp trả và gây tổn thất không thể chấp nhận được cho kẽ thù hay không.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov phát biểu một cách đầy thất vọng sau cuộc hội đàm “Chúng tôi chưa nhận được một câu trả lời tích cực và rõ ràng, sự lo ngại của chúng tôi với lá chắn tên lửa này không hề giảm đi chút nào, NATO đã không quan tâm đến đề nghị của chúng tôi. NATO nhấn mạnh đến việc tạo ra 2 hệ thống phòng thủ tên lửa độc lập, nếu như vậy, đến năm 2020 hệ thống này sẽ loại bỏ khả năng của lực lượng tên lửa chiến lược Nga”.



Mỹ và NATO sẽ triển khai đến 900 tên lửa đánh chặn vào năm 2015, trong ảnh hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD.


Trong trường hợp thỏa thuận với NATO không đạt được, Nga sẽ buộc phải cải thiện khả năng của lực lượng tên lửa chiến lược của mình lên một tầm cao mới, với khả năng đột phá lá chắn tên lửa của NATO, đó là nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov.

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết, họ không đồng ý với ý kiến xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa chung giữa châu Âu và Nga.

Mặc dù tình hình khá bế tắc song cả hai bên đều nhất trí sẳn sàng đàm phán tiếp về vấn đề này.

Nhận định của giới chuyên môn Nga

Theo chuyên gia quân sự Constantine Sivkova, Phó Chủ tịch Học viện Chính trị Nga cho rằng: “Phát biểu của Tổng thư ký NATO Rasmussen về lá chắn tên lửa là muốn nhắc nhở Nga không nên chuẩn bị cho một cuộc chay đua vũ trang hay các hành động làm nóng thêm tình hình. Đó là sự lựa chọn của Mỹ bằng cách sử dụng một cuộc chiến tranh để làm thế giới quên đi các vấn đề về tài chính của họ và có được một sự đảm bảo an ninh”.



Lực lượng tên lửa chiến lược Nga sẽ mất khả năng răn đe và đáp trả hạt nhân nếu lá chắn tên lửa tại châu Âu được hoàn thành.


Trong khi đó giáo sư Pavel S. Zolotarev phó giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ và Canada của Viện Hàn Lâm khoa học Nga, giáo sư của Học viện Khoa học Quân sự Nga cho rằng: “Hãy nhớ rằng, nhiều lực lượng đang muốn kéo Nga vào một cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn nhằm làm suy yếu nền kinh tế của chúng tôi.

Đáp ứng các nhu cầu trên mặt trận ngoại giao, trì hoãn việc triển khai lá chắn tên lửa, cố gắng hợp tác sâu rộng hơn với NATO. Mặc khác, Nga cần phải đặt cược vào sự phát triển của một hệ thống vũ khí hiện đại chính xác”.

Phó chủ tịch Ủy ban đối ngoại nhà nước của Duma quốc gia Lev Kalashnikov cho biết: “Việc xây dựng lá chắn tên lửa sẽ được hoàn thành vào năm 2015, lúc đó Mỹ sẽ triển khai tới 900 tên lửa đánh chặn, trong đó có tới 400 tên lửa SM-3. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Nga, hệ thống này sẽ cho phép vô hiệu hóa khả năng đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân của lực lượng tên lửa chiến lược Nga.

Đối tượng của lá chắn tên lửa này là ai?

Rõ ràng Mỹ và NATO đang thổi phòng mối đe dọa về tên lửa từ Triều Tiên và Iran, thực tế Iran chưa có vũ khí hạt nhân, không có tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM.

Triều Tiên chỉ có hạn chế một vài tên lửa tầm trung, ngay cả khi Bình Nhưỡng và Tehran hợp tác cùng nhau để tạo ra từ 15-30 tên lửa ICBM để đe dọa Israel châu Âu và Mỹ, 2 quốc gia này cũng chẳng dại gì mà bắn các tên lửa này vào Israel hay Mỹ. Điều đó sẽ khiến họ tự tay tiêu diệt đất nước mình. Khả năng của những tên lửa này là không đủ mạnh để có thể vượt qua được lá chắn tên lửa trên các tàu khu trục Aegis của Mỹ.

Tuy nhiên, Mỹ và NATO đang dự định triển khai đến 900 tên lửa đánh chặn vào năm 2015, vậy hệ thống đánh chặn khổng lồ này sẽ nhắm vào ai? Không còn nghi ngờ gì nữa, hệ thống này được tạo ra để ngăn chặn lực lượng tên lửa chiến lược của Nga và một phần của Trung Quốc.

Đây là hệ thống đánh chặn tên lửa với khả năng cơ động rất cao. Đơn cử như hệ thống đánh chặn tên lửa THAAD có khả năng kiểm soát đến một nửa khu vực của lá chắn tên lửa phức hợp này. Chúng có thể nhanh chóng được triển khai đến gần biên giới, bờ biển hoặc các căn cứ quân sự của Mỹ và đủ khả năng để can thiệp sâu vào bên trong lãnh thổ đối phương.

Ngoài ra, Mỹ liên tục trau chuốt khả năng đánh chặn của các tên lửa, tuy rằng hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD chỉ có thể đánh chặn các tên lửa đạn đạo ở tầm trung, nhưng các tên lửa SM-3 của hệ thống chiến đấu Aegis không ngừng được mở rộng tầm bắn và nâng cao độ chính xác.

Trong một kịch bản xấu nhất, hệ thống đánh chặn khổng lồ này đủ khả năng để vô hiệu hóa các ICBM của Nga ngay bên trong lãnh thổ để tạo điều kiện cho các tên lửa hạt nhân của họ tấn công.

Ngoài ra, cần phải xét đến khả năng to lớn từ hệ thống tên lửa hành trình tấn công chính xác như Tomahawk của Mỹ hay Storm Shadow của NATO, một cuộc tấn công đầu tiên bằng các tên lửa hành trình này có thể phá hủy một phần của hệ thống đánh chặn tên lửa của Nga.

Cho dù có đạt được sự đồng thuận với NATO hay không, Nga vẫn phải đầu tư phát triển các hệ thống vũ khí tinh vi hơn để loại bỏ mối đe dọa từ lá chắn tên lửa này.


[BDV news]



Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2011

>> Hai tấm lá chắn của Mỹ ở Đông Bắc Á



[BDV news] Hệ thống phòng tên Aegis và THAAD sẽ là con bài cuối cùng mà Mỹ và các nước đồng minh tung ra để đối phó với các đòn tấn công bất ngờ từ tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Hệ thống Aegis trên biển
Hệ thống vũ khí Aegis (ACS - Aegis combat system) hiện đang là hệ thống vũ khí phòng thủ hiện đại nhất của Hải quân Mỹ và các nước đồng minh.

Theo các nhà thiết kế, Aegis đóng vai trò hệ thống phòng thủ toàn diện, có thể chống lại mọi mối đe dọa từ trên không, trên biển hay dưới đại dương. Ý tưởng phát triển hệ thống Aegis có từ hơn 40 năm trước khi Hải quân Mỹ dựa vào pháo hạm cỡ lớn lép vế trước các thế hệ tên lửa chống hạm của Liên Xô.





Khu trục hạm Arleigh Burke được trang bị hệ thống Aegis hiện đại nhất của hải quân Hoa Kỳ.
Sau sự kiện khu trục hạm Eylat của Israel bị đánh chìm bởi tên lửa chống hạm P-15 Termit và Hải quân Mỹ đánh chìm một hộ vệ hạm cùng một tầu tên lửa cỡ nhỏ của Iran năm 1988 bằng tên lửa Harpoon, người Mỹ càng thấy sự quan trọng của việc triển khai hệ thống phòng thủ này.


Trung tâm điều khiển điện tử của hệ thống Aegis.


Chính phủ Mỹ hầu như “ném” hết tất cả những thành tựu của mình vào một hệ thống phòng thủ trên biển. Vũ khí của Aegis có tầm tác chiến rộng, có khả năng chống đỡ các cuộc tấn công từ mọi độ cao, mọi hướng, với đủ loại vũ khí từ tên lửa chống hạm, cho đến máy bay đối phương ở mọi tốc độ bay từ dưới âm, cận âm đến siêu âm.

Không những thế, Aegis không hề giảm sút khả năng ngay cả trong những điều kiện thời tiết cực kỳ khắc nghiệt, hay dưới điều kiện nhiễu mạnh mà đối phương gây ra.

“Trái tim” của hệ thống Aegis là radar đa kênh AN/SPY-1 có khả năng tự động phát hiện và theo dõi mục tiêu. Nhờ công suất cực lớn 4MW (cần một nhà máy thủy điện cơ vừa như nhà máy thủy điện Khe Cách của Việt Nam để cung cấp năng lượng cho radar này hoạt động).

AN/SPY-1 có khả năng theo dõi và dẫn bắn cùng lúc tới hơn 100 mục tiêu. Về hệ thống vũ khí, Aegis là sự kết hợp hoàn hảo của tên lửa đối đất Tomahawk; tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon, hệ thống phòng không SM-2, SM-3; hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx, các loại ngư lôi MK-46, MK-50 và trực thăng săn ngầm SH-60 Seahawk.


Hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx, một phần của Aegis.



Tên lửa phòng không tầm xa SM-2 được phóng thử nghiệm trong hệ thống Aegis.



Trực thăng săn ngầm SH-60 Seahawk.


Hiện nay, hệ thống Aegis đã được lắp đặt và đưa vào sử dụng trên các khu trục lớp Ticonderoga; Arleigh Burke của Mỹ; Kongo của Nhật Bản và tầu hộ vệ lớp F-100 của Tây Ban Nha. Gần đây, Hàn Quốc cũng lắp đặt thành công hệ thống Aegis trên khu trục hạm mới nhất của họ là King Sejong the Great.

Trong tình hình thời sự hiện nay, Aegis được tin tưởng và đặt trọng trách lớn với nhiệm vụ ngăn chặn các tên lửa của các nước “thù địch” với Mỹ và đồng minh như CHDCND Triều Tiên hay Iran.

Hệ thống THAAD trên đất liền
THAAD (Theatre high-altitude area defence - Hệ thống phòng không tầm cao) là một hệ thống tên lửa phòng không có khả năng di chuyển linh hoạt với nhiệm vụ bảo vệ các căn cứ và mục tiêu quan trọng khỏi các loại tên lửa đạn đạo ở khoảng cách 200 km và độ cao lên tới 150 km.

THAAD chính là lớp ngoài cùng trong “Hệ thống bảo vệ nhiều tầng” mà người Mỹ dày công xây dựng. Các hệ thống khác như Patriot PAC-3 sẽ “lo liệu” các mục tiêu ở tầm thấp hơn từ 1,5-7,5 km.

Hệ thống THAAD có tuổi đời khá trẻ, mới được Lockheed Martin phát triển theo một hợp đồng với Bộ Quốc phòng Mỹ trị giá 689 triệu USD. Sau đó, nhiệm vụ phát triển hệ thống còn được chia cả cho các công ty khác như Raytheon với nhiệm vụ thiết kế radar mặt đất.

Cho đến năm 2000, hệ thống THAAD mới chuyển sang giai đoạn thiết kế chính thức và năm 2004, 16 tên lửa dành cho hệ thống mới được sản xuất với mục đích thử nghiệm. Cuộc thử nghiệm đầu tiên của hệ thống này diễn ra tốt đẹp tại bãi thử Kauai (Hawaii) tháng 1/2007, khi tên lửa THAAD bắn trúng mục tiêu ở tầng bình lưu (độ cao khoảng 30-70km).


Loại xe phóng M1075 có chiều dài 12 mét, rộng 3,25 mét và mang được 8 tên lửa THAAD.



Tên lửa THAAD đang được phóng thử nghiệm.


Sau thử nghiệm thành công lần thứ hai vào tháng 4 cùng năm, THAAD dành được một hợp đồng cung cấp hai hệ thống gồm 6 xe phóng, 48 tên lửa, hai radar và hai trạm điều khiển. Hệ thống đầu tiên trong hợp đồng này được giao, kích hoạt và đưa vào sử dụng tại Fort Bliss tháng 5/2008. Một hệ thống THAAD hoàn chỉnh bao gồm 9 xe phóng, mỗi xe có khả năng mang 8 tên lửa và được điều khiển bằng hai trạm kiểm soát (TOCs - Tactical operation centres) và một radar mặt đất (GBR - Ground Base Radar).

Tên lửa sử dụng cho THAAD là loại tên lửa nhiên liệu rắn một tầng đẩy với khả năng điều chỉnh hướng phụt có khối lượng 900 kg và dài 6,17m. Tên lửa được nạp dữ liệu trực tiếp về mục tiêu từ trạm điều khiển, từ đó nó sẽ tự tính toán điểm va chạm để tiêu diệt mục tiêu.


Tên lửa THAAD đánh chặn mục tiêu tầm cao.


Trong suốt quá trình bay, dữ liệu về mục tiêu tiếp tục được cập nhật để tăng tính chính xác; nếu vì một lý do nào đó quá trình này không hiệu quả thì tên lửa sẽ sử dụng đầu dò hồng ngoại để tự tìm kiếm mục tiêu.

Tên lửa được vận chuyển và phóng trên xe tải M1075. Nguồn năng lượng để phóng tên lửa được tích trữ trong các acqui chì vận chuyển theo xe; các acqui này có thể sạc rất nhanh bằng máy phát điện đi kèm nên quá trình thay tên lửa và phóng loạt thứ hai của THAAD rất nhanh, chỉ trong vòng 30 phút.

THAAD sử dụng radar băng sóng milimet và micromet loại AN/TPY-2, là phiên bản đất liền của loại AN/SPY-2 vốn được sử dụng trong hệ thống Aegis. Với công suất mạnh như nêu ở trên, radar này có khả năng phát hiện được tên lửa đạn đạo đối phương ở khoảng cách lên tới 1.000 km.


Sơ đồ tác chiến phòng thủ của hệ thống THAAD.


Ngoài khả năng tác chiến độc lập, THAAD còn có khả năng cung cấp thông tin về mục tiêu cho các hệ thống phòng không khác qua hệ thống data link nhằm nâng cao khả năng chiến đấu đến mức tối đa.

Tháng 9/2008, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất đã đặt mua 3 hệ thống THAAD gồm 147 tên lửa, bốn radar, 6 trạm kiểm soát thông tin và 9 xe phóng. Tuy nhiên, thông tin về giá trị hợp đồng cũng như thời gian giao hàng vẫn được các bên giữ kín.

Tháng 6/2009, trước sức nóng của các vụ thử tên lửa của CHDCND Triêu Tiên, Mỹ cũng đã có ý định triển khai hệ thống THAAD tại Nhật Bản kết hợp với hệ thống Aegis trên biển nhằm vô hiệu hóa mối đe dọa này.

Mặc dù được thử nghiệm không ít lần thành công, hệ thống Aegis và THAAD vẫn bị nhiều thành viên của Bộ Quốc phòng Mỹ nghi hoặc. Các thử nghiệm dựa trên các mẫu tên lửa với đường bay cố định mang một đầu đạn hạt nhân; trong khi các tên lửa của đối trọng lớn nhất của Mỹ là Nga thường có khả năng tàng hình, có đường bay thay đổi liên tục, mang theo hàng chục đầu đạn hạt nhân và có thể phóng từ tầu ngầm từ bất cứ nơi nào trên thế giới.



Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

>> Mỹ tăng số lượng hệ thống phòng không



[BDV news]Chiến dịch quân sự tại Libya đã làm nóng thị trường vũ khí thế giới, đặc biệt là thị trường tên lửa phòng không.


Ngày 31/3/2011, Cơ quan phòng thủ tên lửa của Mỹ MDA đã ký kết một bản hợp đồng cung cấp 6 tổ hợp tên lửa phòng không di động THAAD (Theatre High Altitude Area Defense) với công ty Lockheed Martin.

Tổng trị giá của bản hợp đồng lên tới 694,9 triệu USD. Dự kiến đến năm 2013 Quân đội mỹ sẽ đưa vào biên chế cho lực lượng phòng không hệ thống tên lửa di động hiện đại này.

Hiện nay trong biên chế của Quân đội Mỹ có hai tổ hợp THAAD với tên gọi Alpha. Trong đó, tổ hợp Alpha thứ nhất được biên chế cho Trung đoàn phòng không số 4, Tổ hợp Alpha thứ hai được biên chế Trung đoàn phòng không số 2 có căn cứ tại Fort Bliss bang Texas.

Tổ hợp THAAD bao gồm 3 bệ phòng với 24 tên lửa cùng với một hệ thống chỉ huy và hệ thống rađa band-X.



Tên lửa phòng không của hệ thống THAAD rời bệ phóng.


Tổ hợp THAAD thực hiện theo nguyên tắc tấn công trực tiếp các mục tiêu tên lửa, có khả năng trao đổi thông tin với các tổ hợp tên lửa đạn đạo bao gồm Aegis, tên lửa phòng không Patriot PAC-2 và PAC-3.

Hệ thống phòng thủ THAAD được mệnh danh là "nỗi khiếp sợ" của tên lửa. Hệ thống này được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm thấp, tầm trung như tên lửa Scud. Ngoài ra, THAAD cũng có khả năng tấn công lại các tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Do khả năng của của hệ thống Patriot PAC-2 và PAC-3 đã không đủ khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tiên tiến, Quân đội Mỹ đã đưa ra đề xuất chính thức cho việc chế tạo hệ thống phòng thủ chống tên lửa mới THAAD. Lockheed Martin được lựa chọn cho sự phát triển hệ thống phòng thủ tiên tiến THAAD.

THAAD là một phần của một mạng lưới phòng thủ tên lửa ba lớp. Trong đó, lớp phòng thủ thứ nhất là hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo. Nếu lớp thứ nhất không ngăn chặn được thì đến hệ thống đánh chặn THAAD và lớp cuối cùng là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn Patriot PAC-2 và PAC-3.

Hệ thống đánh chặn tên lửa THAAD có một phạm vi hoạt động khoảng 150-200 km và có thể đạt đến độ cao 25 km. Trong giây đầu tiên sau khi được phóng tên, lửa sẽ xoay vòng và sau đó mới tấn công mục tiêu.


THAAD là một phần của một mạng lưới phòng thủ tên lửa ba lớp.


Xe gắn bệ phóng THAAD gắn trên xe tải hạng nặng Oshkosh M1120 LHS có tính cơ động cao, mỗi xe có thể được mang được 8 ống phóng tên lửa, tên lửa có chiều dài 6,17 m, đường kính 0,34 m trọng lượng của tên lửa là 900 kg, vận tốc tối đa lên tới 100 km/h.

Xe được trang bị một động cơ diesel Detroit 8V92TA với công suất tối đa 450 mã lực.

Biên chế đủ của một đơn vị THAAD bao gồm một radar, một trung tâm kiểm soát-điều khiển và 4 xe phóng tên lửa.



Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang