Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Vũ khí

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ khí. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ khí. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

>> Máy bay ném bom hải quân Trung Quốc tập bay tốp đánh đêm



Vũ khí và chiến thuật mới của máy bay ném bom hải quân Trung Quốc.






Máy bay ném bom H-6M của không quân Trung Quốc


Loại máy bay ném bom trang bị tên lửa mới của hải quân Trung Quốc đã bắn tập thành công loại tên lửa mới, các mục tiêu đã bị tiêu diệt, Tân Hoa xã đưa tin hôm 26.4.11.

Bản tin của hãng này viết về trung đoàn trưởng Fan Bin (được bổ nhiệm tháng 6.2006) của trung đoàn máy bay ném bom Н của hải quân Trung Quốc. “Để chuẩn bị cho chiến tranh tương lai, trung đoàn đã bắt tay vào nghiên cứu các vấn đề tấn công ban đêm và trong điều kiện im lặng vô tuyến, thao dượt tấn công tốp, tiến hành tấn công thành nhiều đợt, cũng như các phương pháp tác chiến mới khác, tập luyện các nội dung hành động theo tốp ở độ cao nhỏ và tấn công thành mấy lượt…”.


Fan Bin


Trong một cuộc tập trận, bộ chỉ huy đã yêu cầu Fan Bin sử dụng một loại máy bay ném bom mới được đưa vào trang bị cách đây không lâu, và lần đầu tiên sẽ phóng loại tên lửa mới vào mục tiêu. Fan Bin lái máy bay và đã bắn trúng mục tiêu từ quả đạn đàu, khởi đầu cho các lần phóng chiến đấu tên lửa mới.

Fan Bin mấy năm gần đây đã xây dựng gần 60 phương án hành động trong những tình huống khẩn cấp và bản thân đã nhiều lần thoát khỏi các tình huống nguy hiểm như chảy nhiên liệu khi đang bay và hỏng hệ thống phanh. Fan Bin nhiều lần được tặng thưởng về thành tích chỉ huy, trung đoàn của anh ta trong 5 năm gần đây là đơn vị xuất sắc trong huấn luyện chiến đấu.

Qua bức ảnh Fan Bin được đăng tải, có thể thấy rằng anh ta là trung đoàn trưởng trung đoàn máy bay ném bom H-6. Trong hải quân Trung Quốc, các máy bay này được trang bị cho 1 trung đoàn của sư đoàn không quân số 1và 4 trung đoàn của sư đoàn không quân số 2 hải quân Trung Quốc.

Biến thể hải quân mới nhất mang tên lửa của máy bay ném bom H-6 là H-6M, mang được 4 tên lửa chống hạm YJ-81. Tháng 12.2009, đã có ảnh chụp các máy bay ném bom H-6M với các tên lửa hành trình mới CJ-10.

Trong khi đó, H-6M được nhận vào trang bị từ 2005 trở về trước, tức là trước khi Fan Bin được bổ nhiệm trung đoàn trưởng. Trước đó nữa, vào nửa cuối thập niên 1990, loại tên lửa YJ-8 được trang bị cho máy bay ném bom, cũng như cho các máy bay ném bom hải quân khác là JH-7A. Một loại tên lửa khác trang bị cho các máy bay ném bom hải quân là YJ-83К cũng được thử nghiệm trước khi Fan Bin được bổ nhiệm trung đoàn trưởng.

Như vậy, không loại trừ ở đây người ta nói đến biến thể mới của máy bay ném bom-mang tên lửa hải quân, có lẽ là biến thể hải quân của H-6K lắp động cơ D-30KP2 của Nga, và nó đã thực hiện phóng chiến đấu một biến thể mới của các tên lửa không-đối-hạm hiện có hoặc tên lửa YJ-62.
[VietnamDefence news]


Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

>> Việt Nam thử nghiệm kính ngắm MS



MS là kính ngắm quang học đa năng do Việt Nam phát triển giúp nâng cao tốc độ, độ chính xác khi bắn.

Kính ngắm quang học đa năng MS là đề tài khoa học cấp bộ, do Bộ môn Khí tài quang học (Khoa Vũ khí, Học viện Kỹ thuật Quân sự) triển khai thực hiện từ năm 2007. Đề tài đang trong giai đoạn áp dụng thử nghiệm.

Kính ngắm quang học đa năng MS dùng cho súng tiểu liên AK báng gập, nhằm nâng cao tốc độ (nhờ lấy đường ngắm nhanh) và độ chính xác khi bắn, rất thích hợp khi được trang bị cho lực lượng đặc nhiệm, chống khủng bố…

MS là loại kính ngắm có thể sử dụng cả khi bắn găm, bắn gần và bắn các mục tiêu ở cự ly xa, nhờ sử dụng dấu ngắm màu đỏ kết hợp với chỉ thị mục tiêu bằng tia laze.



Cán bộ Bộ môn Khí tài quang học giới thiệu tính năng, tác dụng kính ngắm quang học đa năng MS.


Ngoài AK báng gập, kính ngắm quang học đa năng MS có thể được sử dụng cho súng AR-15 và nhiều loại súng bộ binh khác.

“Trước đây chúng ta vẫn phải nhập ngoại súng Microuzi để có được các tính năng tương tự. Đặc biệt, chúng ta phải nhập ngoại đạn của loại súng này, dẫn đến sự lệ thuộc rất lớn trong quá trình khai thác súng Microuzi”, Đại úy, Thạc sĩ Lê Duy Tuấn, Trưởng Phòng Thí nghiệm, bộ môn Khí tài quang học cho hay.

Qua nhiều lần thử nghiệm, kính quang học đa năng MS được đánh giá có kết cấu chắc chắn, tin cậy, sử dụng đơn giản, thao tác lắp kính nhanh (không quá 10 giây).

Ngoài ra, cường độ sáng của dấu ngắm được tự động điều chỉnh và từ phía mục tiêu không nhìn thấy dấu ngắm; kính ngắm có thể hoạt động cả trong điều kiện ngày và đêm.

Kính ngắm quang học đa năng MS vừa được trưng bày, phục vụ tham quan tại Trung tâm huấn luyện Miếu Môn trong kỳ tập huấn điều lệnh toàn quân năm 2011, được các thành phần tham dự tập huấn đánh giá cao…


[BDV news]


Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

>> Mây đen bao phủ thị trường vũ khí Nga - Trung (kỳ 1)



Số tháng 11 của tạp chí Kanwa Asian Defence đăng tải đánh giá triển vọng các loại vũ khí cơ bản của Nga trên thị trường Trung Quốc.
Cụ thể là: máy bay tiêm kích Sukhoi, máy bay ném bom, tàu ngầm Projekt 636, tàu mặt nước cỡ lớn. Theo Kanwa, Trung Quốc rõ ràng đang từ bỏ việc dựa vào Nga với tư cách nhà cung cấp các loại vũ khí này, tuy nhiên vẫn cần các bộ phận, linh kiện như động cơ máy bay RD-93, AL-31F, D30-KP2, cũng như linh kiện cho những mẫu vũ khí đã có trong trang bị của không quân và hải quân Trung Quốc.

Các mẫu vũ khí khác của Nga có thể xâm nhập thị trường Trung Quốc gồm có máy bay vận tải quân sự hạng nặng và các hệ thống tên lửa phòng không S-400 tầm bắn 400 km.

Trung Quốc tính chuyện chia tay với Sukhoi

Theo tổng kết của Kanwa, hãng Sukhoi đã xuất sang Trung Quốc 143 máy bay tiêm kích Su-27SK, J-11, J-11A, trong đó J-11 và J-11 là các biến thể lắp ráp tại nhà máy chế tạo máy bay ở Thượng Hải, Trung Quốc.

Trong số 143 máy bay tiêm kích này, có 70 chiếc đã được nâng cấp để có khả năng sử dụng tên lửa tầm trung RVV-AE. Trung Quốc cũng đã mua 40 máy bay tiêm kích huấn luyện Su-27UBK, 76 máy bay tiêm kích Su-30MKK và 24 Su-30MK, đưa tổng số máy bay tiêm kích Sukhoi ở nước này lên đến 283 chiếc. Nhưng kể từ đó, Trung Quốc đã chọn con đường “độc lập sản xuất”, một cách gọi khác của việc làm nhái các máy bay tiêm kích Nga.

Tại sao Trung Quốc lại quyết định chia tay với Sukhoi? Kanwa đề nghị dựa vào văn hóa Trung Quốc và tình hình thực tế trong quan hệ quốc tế hiện nay để trả lời câu hỏi này.

Từ góc độ văn hóa truyền thống Trung Quốc, quan điểm “đánh cắp sách vở của người khác không phải là phạm pháp” đã ăn sâu trong xã hội Trung Quốc. Nói cách khác, đối với Trung Quốc, việc sao chép văn hóa hay kiến thức của người khác là một yếu tố của chủ nghĩa yêu nước Trung Quốc, giải quyết vấn đề này không đơn giản, bởi vậy không thể nào bị chỉ trích được.

Hai là, do tư tưởng đặc biệt của Trung Quốc, các chương trình hợp tác quân sự của Trung Quốc với các nước khác đều đã suy tàn. Ví dụ, hợp tác Xô-Trung những năm 1950 và 1960, quan hệ với Mỹ và châu Âu những năm 1980 đều đã kết thúc bằng việc đóng băng các thương vụ cung cấp vũ khí và rút chuyên gia quân sự đại diện cho đối tác nước ngoài do những lý do chính trị. Vì nguyên nhân đó, người Trung Quốc có thái độ nhạy cảm và ngờ vực đối với việc hợp tác với các nước khác.

Kể cả xét đến việc sao chép các máy bay tiêm kích sản xuất loạt Su-27SK và tiếp tục phát triển chúng, trong tương lai tất cả các máy bay tiêm kích Sukhoi sẽ bị thay thế bằng các bản sao Trung Quốc. Theo Kanwa, quá trình này sẽ kéo dài trong 5-10 năm.

Trước tiên, J-11B sẽ phải thay thế toàn bộ số máy bay tiêm kích Su-27SK. Còn đối với Su-27SK, Trung Quốc đặt ra nhiệm vụ trang bị cho chúng động cơ nội địa WS10A lực đẩy 13.200 kg. Bên cạnh đó, việc tích hợp radar và hệ thống điều khiển điện từ xa vẫn đang nghiên cứu.




Tiêm kích Sukhoi, chiến đấu cơ "thèm khát" một thời của Trung Quốc.
Một trong những lý do để Trung Quốc có thể sao chép máy bay tiêm kích Su-27 trong một thời gian ngắn như thế, ngoài các yếu tố do Kanwa nêu ra, còn có yếu tố trong quá trình hợp tác với Nga sản xuất J-11 và J-11А, các kỹ sư và nhân viên kỹ thuật Trung Quốc được đào trong thời gian dài tại Viện Nghiên cứu khoa học hàng không Siberia SibNIIA (Nga), chủ yếu là trong lĩnh vực thiết kế máy bay chiến đấu.

Việc đào tạo là kinh nghiệm cực kỳ quan trọng đối với Trung Quốc trong việc thiết kế các biến thể máy bay tiêm kích của mình dựa vào thiết kế của Nga. Tất cả điều đó đã diễn ra vào giữa những năm 1990.

Trung Quốc chưa bao giờ mua của Nga giấy phép sản xuất máy bay huấn luyện chiến đấu 2 chỗ ngồi Su-27UBK. Không dưới 3-4 máy bay tiêm kích J-11BS được sản xuất ở Trung Quốc năm 2008 đang được thử nghiệm ở Nhan Lương (Yan Lian). Như vậy là thị trường Trung Quốc hầu như đã đóng lại đối với máy bay tiêm kích Su-27UBK.

Tầm quan trọng của việc Trung Quốc sao chép thành công máy bay tiêm kích Su-27UBK vượt quá việc sao chép thành công J-11B. Người ta biết rõ rằng, các thiết kế Su-30MKK và МК2 dựa trên Su-27UBK hay là sự hiện đại hóa nó. Như vậy, ta có mọi cơ sở để phỏng đoán rằng, trong 10-20 năm nữa, Trung Quốc sẽ có thể phát triển được các biến thể làm nhái máy bay tiêm kích Su-30MKK và МК2 dựa trên J-11B.

Vì lý do đó, Su-30MKK và МК2 không có triển vọng trên thị trường Trung Quốc. Với tư cách một bệ mang quá độ, máy bay tiêm kích đa năng J-11B đã vượt qua tất cả các thử nghiệm bay vào năm 2010.

Từ năm 2006, khi bắt đầu thực hiện dự án tàu sân bay cỡ lớn, Trung Quốc rất hy vọng nhận được các máy bay tiêm kích trên hạm Su-33. Nhưng Trung Quốc cũng đã có biến thể làm nhái J-15. Căn cứ trình độ “công nghệ làm nhái” và trình độ công nghệ của công nghiệp hàng không Trung Quốc, Kanwa dự báo, việc triển khai sử dụng J-15 sẽ mất 5-10 năm nữa.


Trung Quốc hào hứng với hợp đồng tiềm kích hạm Su-33 có điều kiện.
Trong thời gian đó, vấn đề tối quan trọng là tích hợp thiết bị avionics (điện tử không quân) của máy bay và các động cơ nội địa.

Ngoài ra, cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc đang tiến hành những nghiên cứu trong lĩnh vực chế tạo máy bay 2 chỗ ngồi với các phi công ngồi vai kề vai. Trên một đoạn video do công ty AVIC I giới thiệu trước đó có hình ảnh một máy bay huấn luyện với vị trí các phi công ngang nhau giống như Su-33KUB, đang thử nghiệm điện từ đối với radar. Nếu đó là sự thật thì không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục sao chép máy bay ném bom Su-34 dựa trên J-11BS và Su-33KUB dựa trên J-15.

Máy bay tiêm kích thế hệ 5 Т-50 của Nga sẽ không đến được thị trường Trung Quốc.

Điều đó bị quy định bởi chính tiến trình phát triển của dự án Т-50, bởi vì nó trước hết có “dấu ấn Ấn Độ” rõ nét. Ngoài ra, Trung Quốc đang phát triển các máy bay tiêm kích thế hệ 5 nội địa.

Động cơ máy bay - điểm sáng trong thị trường vũ khí

Theo một báo cáo xuất hiện ở phương Tây vào năm 2010, Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm các động cơ thế hệ mới với lực đẩy 15.000 kg ở chế độ tăng lực.

Theo một nguồn tin uy tín của Kanwa, việc nghiên cứu chế tạo động cơ thế hệ mới với các tham số mức trang bị lực kéo tốt hơn do công ty Chian tiến hành đang ở tình trạng nan giải bởi vì ngay khi thử nghiệm động cơ WS10A lực đẩy 13.200 kg đã thấy những vấn đề tương tự gây ra bởi sự không ổn định các tham số làm việc của nó do hỏng hóc của một số bộ phận (theo các báo cáo nội bộ).

Lịch trình nghiên cứu nội bộ của công ty Liming Engine Factory ở Thẩm Dương cho thấy rõ rằng, động cơ với lực đẩy mạnh có tên Thái Sơn (Taishan) sẽ bước sang giai đoạn phát triển cuối vào năm 2020. Cũng theo lịch trìh này, việc phát triển động cơ WS10A dự kiến hoàn tất năm 2010-2011.

Việc chuẩn bị sản xuất động cơ WS13 vốn là hàng nhái động cơ Nga RD-33 đang được Guizhou United Engine Corporation tiến hành gấp rút. Nhưng năm 2010, những khó khăn kỹ thuật nghiêm trọng vẫn còn và có vẻ là Trung Quốc mới chỉ chế tạo được mẫu chế thử WS13 sa lầy ở giai đoạn “5 so sánh” (5 giai đoạn sao chép).

Trong tình hình hiện tại, theo Kanwa, trong 10 năm tới, các động cơ RD-33, AL-31FN và AL-31F có tương lai rất tươi sáng ở Trung Quốc. Trung Quốc không có lựa chọn nào khác và họ chỉ còn cách tiếp tục nhập khẩu các động cơ này từ Nga cho đến khi chính phủ Nga áp đặt hạn chế chính trị đối với các hợp đồng này.

Kanwa dự báo, chừng nào Trung Quốc còn chưa triển khai được sản xuất động cơ nội địa WS10A, thì họ sẽ không thể xuất khẩu máy bay tiêm kích J-11B và J-11BS bởi vì việc đó sẽ gây ra sự phản đối quyết liệt từ phía Nga.

Trong khi đó, việc sản xuất hạn chế J-11B/BS vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu của không quân và hải quân Trung Quốc. Nhưng ở chân trời năm 2020, khi động cơ WS10A được tích hợp hoàn toàn với J-11B/BS, Trung Quốc sẽ không do dự ráo riết xúc tiến các máy bay này ra thị trường các nước thứ ba cùng với các biến thể Su-30MKK/МК2 do Trung Quốc phát triển dựa trên máy bay huấn luyện chiến đấu 2 chỗ ngồi J-11B/BS.

Trung Quốc không bao giờ thừa nhận các máy bay chiến đấu đó là làm nhái máy bay Nga và sẽ khẳng định chúng là máy bay do Trung Quốc phát triển. Từ góc độ luật pháp Trung Quốc, không hề có hạn chế gì đối với việc xuất khẩu J-11B/BS, nhất là cho các đồng minh của Trung Quốc như Pakistan.
(Kanwa Asian Defence)

Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

>> Bán vũ khí: Chính sách chia để trị của Trung Quốc đối với Đông Nam Á



Trung Quốc tăng cường bán vũ khí sang Đông Nam Á.

Tạp chí Kanwa Asian Defence số tháng 11.2010 khẳng định, những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng ráo riết xúc tiến vũ khí của mình vào các thị trường Đông Nam Á và có được những thành công rõ nét.

Trong cả khu vực, chỉ có Philippines, Việt Nam và Brunei không mua vũ khí Trung Quốc. Tất cả các nước Đông Nam Á còn lại đều có trong trang bị các mẫu vũ khí Trung Quốc. Tình hình này trở thành thực tế sau tháng 6.2009 khi Trung Quốc chính thức cung cấp cho Malaysia 16 hệ thống tên lửa phòng không vác vai FN6 và đây là lần đầu tiên Kuala Lumpur mua trực tiếp vũ khí Trung Quốc.

Nhận được nhiều vũ khí Trung Quốc nhất là Thái Lan. Ngoài hợp đồng mua bán 2 tàu tuần tra, năm 2008, hai nước đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất hệ thống rocket phóng loạt WS1B với các tên lửa không điều khiển, cũng như tiếp tục hiện đại hóa hệ thống và chuyển sang dùng tên lửa có điều khiển. Đây là dự án lớn nhất phát triển công nghệ tên lửa trong quân đội Thái.

Căng thẳng giữa Thái Lan và Campuchia những năm gần đây đã tăng mạnh, bên cạnh đó Campuchia và Myanmar cũng là các khách hàng chủ chốt của vũ khí Trung Quốc. Thái Lan là nước đầu tiên mua tên lửa chống hạm Trung Quốc С802А tầm bắn 180 km. Theo dư luận, tên lửa chống hạm này đang được xúc tiến mạnh vào Myanmar, nhưng thông tin này không được các nguồn tin Myanmar xác nhận.

Ở chính Myanmar, thương vụ thành công nhất năm 2009 là việc Trung Quốc bán một số lượng không nêu cụ thể tăng МВТ2000. Do Myanmar thiếu ngoại tệ chuyển đổi tự do, một số chi tiết của hệ thống ngắm bắn đã được đơn giản hóa, nhưng dẫu sao các xe tăng này cũng vẫn là loại xe tăng uy lực nhất khu vực. Đồng thời, Trung Quốc cũng đã xúc tiến tăng Т-96 vào Thái Lan, tuy nhiên do hạn chế ngân sách, Thái Lan đã buộc phải đóng băng kế hoạch mua vũ khí Trung Quốc.

Ở Campuchia, phần lớn tàu pháo của hải quân nước này do Trung Quốc sản xuất. Trung Quốc đã xuất khẩu sang Campuchia không dưới 2 tàu nhỏ, trong đó 1 chiếc là loại Р46С, trang bị 1 pháo 37 mm và 1 súng máy phòng không, chiếc thứ hai là tàu cao tốc Р200С. Cả 2 đều được đóng ở xưởng đóng tàu Jiangxi.

Tại Malaysia, tất cả vũ khí Trung Quốc, trừ tên lửa phòng không vác vai FN6 là được nhập khẩu trực tiếp, đều được mua nhờ sự giúp đỡ của Pakistan. Các hệ thống này bao gồm hệ thống tên lửa phòng không QW1/Anza Mk II hiện đã có trong trang bị của Lục quân Malaysia, cũng như hệ thống tên lửa chống tăng HJ8F/C.

Tại triển lãm Defence Services Asia 2010 (Malaysia), đoàn Trung Quốc đã giới thiệu một bộ thiết bị tích hợp các hệ thống phòng không TH-S311, được phát triển dành riêng cho các hệ thống FN6. Thành phần then chốt của việc hiện đại hóa là bố trí 1 chiếc ô tô trang bị radar, hệ thống nhìn đêm và hệ thống trao đổi dữ liệu. Sau hiện đại hóa, FN6 có thể sử dụng thông tin chỉ thị mục tiêu từ radar và hoạt động được trong mọi thời tiết. Ngoài ra, một đại đội FN6 có thể dùng để tác chiến chống các mục tiêu tốp. Hệ thống này hiện đang được chào bán cho Malaysia.

Từ năm 2008, Trung Quốc ráo riết xúc tiến FN6 vào thị trường Brunei.

Tại Indonesia, các nỗ lực xúc tiến vũ khí trang bị của Trung Quốc đã gặt hái thành công. Hải quân và lục quân nước này hiện có trong trang bị các hệ thống tên lửa phòng không Trung Quốc QW1. Trong khi đó, không quân Indonesia sẽ nhận được các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa QW3, lần đầu tiên được xuất sang một nước thứ ba. Hải quân Indonesia cũng đã mua tên lửa chống hạm С802.

Các nỗ lực mới đây của Trung Quốc nhằm xâm nhập thị trường Indonesia còn đang ngày càng ấn tượng hơn. Hiện nay, Indonesia bày tỏ quan tâm đến tên lửa có điều khiển SY400 tầm bắn 200 km, sử dụng hệ dẫn quán tính và GPS, có sai số vòng tròn xác suất 30 m. Rõ ràng là các nước Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, đang rất nỗ lực để mua sắm các hệ thống tên lửa chiến thuật-chiến dịch.

Trước đó, PT PAL của Indonesia đã có chút ít kinh nghiệm trang bị tên lửa mới mua sắm từ nước ngoài cho tàu của họ. Các nguồn công khai đã đưa tin rằng, trong trang bị của Hải quân Indonesia hiện có các tên lửa chống hạm Trung Quốc С-802 lắp trên 5 tàu tên lửa nhỏ FPB-57 sêri 5. Các tàu nhỏ này đóng ở Indonesia theo giấy phép dựa trên thiết kế Albatros của Đức với vũ khí tiêu chuẩn là tên lửa chống hạm Exocet. Một phân hãng của PT PAL đã lắp đặt tên lửa Trung Quốc cho các tàu FPB-57.

Phân hãng này cũng đang cố gắng lắp đặt tên lửa chống hạm Yakhont của Nga cho các tàu corvette và frigate của Indonesia. Thông tin này xuất hiện vào tháng 5-8.2010. Theo đó, số lượng tên lửa mua về là không dưới 120 quả.

Việt Nam và Philippines, theo Kanwa, là hai nước duy nhất ở Đông Nam Á mà Trung Quốc không xúc tiến chào bán vũ khí. Nguyên nhân chính là các nước này đang tranh chấp với Trung Quốc về quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

Bằng việc bán vũ khí, Trung Quốc đang tiến hành chiến lược ngoại giao “chia để trị” trong khu vực Đông Nam Á. Nói cách khác, sử dụng thủ đoạn “viễn giao, cận công” và tích cực bán vũ khí, Trung Quốc đang cố gắng trói tay Malaysia, Indonesia và Brunei. Malaysia và Trung Quốc đang có tranh chấp về hòn đảo Layang, nhưng có vẻ vấn đề này không nằm trong số các ưu tiên của Bắc Kinh hiện nay.

Cần lưu ý rằng, việc Trung Quốc bán vũ khí vào khu vực đã gây nên phản ứng dây chuyền, nhất là do sự xuất hiện của các hệ thống tên lửa tầm xa.

Hệ thống rocket phóng loạt WS1B

Đối với các nước Đông Nam Á, hệ thống rocket phóng loạt WS1B/2 và SY400 tầm bắn 180-200 km thuộc vào hàng vũ khí chiến lược. Một khi Thái Lan và Indonesia mua các hệ thống này, Malaysia, Myanmar và thậm chí Campuchia chắc chắn sẽ buộc phải mua các hệ thống như vậy. Campuchia cũng đang sử dụng các hệ thống rocket phóng loạt Type 81 của Trung Quốc, còn Nga xúc tiến vào Malaysia hệ thống rocket phóng loạt Smerch.

Với việc mua xe tăng МВТ2000, lục quân Myanmar trở thành lục quân mạnh thứ hai ở Đông Nam Á sau Malaysia.

Nhờ việc củng cố quan hệ quân sự với Myanmar, Trung Quốc có lẽ có thể xây dựng được các lực lượng mới để kiềm chế Ấn Độ trong khu vực và đó là yếu tố then chốt trong vấn đề vũ trang cho Myanmar. Nước này là điểm chiến lược mà cả Ấn Độ và Trung Quốc đều muốn kiểm soát. Tuy nhiên, trong lĩnh vực bán vũ khí, Ấn Độ thua Trung Quốc hầu như trên mọi lĩnh vực, Kanwa kết luận.

(vietnamdefence)

Thứ Ba, 25 tháng 1, 2011

>> Nga trả nợ Hàn Quốc bằng vũ khí và công nghệ



Trang bị phòng không Nga là đối tượng quan tâm
của Hàn Quốc (RIA Novosti)

Các quan chức quốc phòng Hàn Quốc và Nga đã bắt đầu giai đoạn đàm phán thứ ba về khả năng chuyển giao cho Seoul các hệ thống và công nghệ quốc phòng trong khuôn khổ thanh toán nợ nhà nước của Nga, hãng Yonhap cho hay.

Đại diện Cơ quan chương trình mua sắm quốc phòng DAPA thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận, việc đàm phán về vấn đề chuyển giao công nghệ đã diễn ra và sẽ tiếp tục trong thời gian tới, nhưng không nói rõ là các công nghệ nào của Nga. Trị giá thương vụ ước 400 triệu USD.

Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) dẫn nguồn không nêu tên trong quân đội nước này cho biết, trong danh sách các công nghệ chuyển giao có công nghệ đài radar phát hiện tầm xa và hệ thống bảo vệ chống xung điện từ.

Trong số các trang thiết bị khác mà Hàn Quốc quan tâm có acquy tàu ngầm và động cơ máy bay.

Khoản tín dụng cấp cho Nga ban đầu năm 1991 trị giá 1 tỷ USD, nhưng tính cả lãi nay đã lên tới 1,3 tỷ USD. Hiện tại, khoản nợ của Nga chưa thanh toán cho Hàn Quốc được cho là 560 triệu USD.

Trong hai giai đoạn trước của dự án, Nga đã thanh toán gần 740 triệu USD bằng cung cấp cho Hàn Quốc các xe tăng chủ lực Т-80U, hệ thống tên lửa chống tămng Metis-M, trực thăng Ка-32, các vũ khí khác, nhôm và uranium làm giàu để dùng làm nhiên liệu hạt nhân. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đang hợp tác với Hàn Quốc tiến hành các chương trình vũ trụ.

Tuy nhiên theo tờ Dni (Nga), thì Hàn Quốc muốn nhận được từ Nga các công nghệ quốc phòng tiên tiến để trừ khoản nợ 1,3 tỷ USD mà Nga nợ họ trong 20 năm qua.

Khoản tín dụng Hàn Quốc cấp cho Nga trong thập niên 1990 trong khuôn khổ hiệp định hợp tác kinh tế đến năm 2025 là 1,5 tỷ USD.

Đầu những năm 2000, hai bên thỏa thuận khoản nợ sẽ được thanh toán vào năm 2010, một nửa trong số đó, Nga sẽ trả bằng tiền mặt, phần còn lại bằng công nghệ quân sự và hàng quân sự thành phẩm.

Nga đã sử dụng phương thức thanh toán này 2 lần. Năm 1998, Nga đã đề nghị thanh toán cho Hàn Quốc một phần khoản tín dụng bằng tàu ngầm diesel Varshavyanka và hệ thống tên lửa phòng S-300.

Năm 2001, nợ tín dụng của Nga tính cả lãi đã lên tới gần 2 tỷ USD. Hai bên đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ quân sự Nga và trong vài năm sau đó, Hàn Quốc đã nhận được vũ khí Nga trị giá 267 triệu USD.

Sau đó, hai nước còn thực hiện một thương vụ nữa, theo đó Seoul đã nhận được các xe tăng Т-80U, xe chiến đấu bộ binh BMP-3, tên lửa phòng không vác vai Igla, trực thăng Ка-32, máy bay Il-103 và các hệ thống tên lửa chống tăng Metis-M.

Hàn Quốc quan tâm nhất là các thành phần của hệ thống phòng không. Seol đang muốn Nga chuyển giao các radar phát hiện tầm xa và hệ thống chống tấn công điện từ.

Một phương án trả nợ khác được xem xét là Nga đầu tư hiện đại hóa đường sắt liên Triều và sau đó liên kết nó với tuyến đường xuyên Siberia.

(vtc news)

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

>> Điểm mặt các vũ khí hạng nặng Mỹ đang bố trí tại châu Á



- Các loại vũ khí tấn công chiến lược của Mỹ gồm máy bay F-22, B-52, B-1B, B-2, B-3, tàu ngầm nguyên tử, tàu sân bay nguyên tử USS George Washington, Carl Vinson v.v… đã, đang và sẽ tập trung bố trí ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đang tạo vòng kiềm tỏa đối với Trung Quốc và ảnh hưởng lớn đến an ninh khu vực.




Mạng Cri - "World News" đưa tin, những năm gần đây, cùng với việc quân đội Mỹ đẩy nhanh các bước “hướng Đông” trọng tâm chiến lược toàn cầu, các loại vũ khí tấn công chiến lược của quân đội Mỹ cũng bắt đầu được điều động liên tục tới khu vực Tây Thái Bình Dương.

Có thể việc Trung Quốc nghiên cứu chế tạo máy bay thế hệ thứ 5 đã phá vỡ thế cân bằng chiến lược quân sự ở Tây Thái Bình Dương, nhưng trước tiên chính Mỹ đã chủ ý đến và làm thay đổi quy tắc trò chơi.

F-22 tiếp tục xâm nhập Đông Á

Khi báo chí đang xôn xao về máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Trung Quốc, ngày 7/1/2011 Không Quân Mỹ công bố: 15 máy bay tàng hình siêu âm F-22 sẽ được triển khai tạm thời tại căn cứ Kadena của quân Mỹ ở tỉnh Okinawa, Nhật Bản. Tin cho biết, kể từ năm 2007 đến nay, đây là lần thứ 5 quân đội Mỹ bố trí tạm thời máy bay F-22 tại Okinawa.

Thời gian bố trí lần này là 4 tháng. Không quân Mỹ cho biết, việc triển khai tạm thời lần này "là để làm nổi bật sự tham gia của Mỹ đối với (công việc phòng vệ của) đối tác quan trọng Nhật Bản, thể hiện quyết tâm bảo đảm ổn định và an ninh của quân đội Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương".

Máy bay tàng hình siêu âm F-22 của Không quân Mỹ


Các nhà phân tích cho rằng, với tư cách là lực lượng đột kích không chiến của quân Mỹ, máy bay chiến đấu F-22 xuất hiện thường xuyên ở Okinawa, nhằm hình thành sự răn đe chiến lược đối với các nước có liên quan, tiến tới đặt nền tảng cho việc giành lấy quyền kiểm soát châu Á-Thái Bình Dương cho quân đội Mỹ.

Dựa vào tính năng tàng hình và khả năng tuần tra siêu âm của F-22, dưới sự chi viện của máy bay tiếp dầu, F-22 có thể xuyên thẳng tung thâm lục địa châu Á, thực hiện nhiệm vụ của hệ thống tấn công phòng không, trung tâm chỉ huy và trung tâm chính trị.

Tháng 1/2009, 12 máy bay F-22 lần đầu tiên đóng tại Căn cứ không quân Andersen ở Guam. Điều này có ý nghĩa to lớn đối với việc tăng cường ưu thế sức mạnh quân sự cho Quân đội Mỹ. So với căn cứ Kadena, Guam cách lục địa châu Á xa hơn, ở mức độ lớn có thể tránh được sự tấn công của không quân các nước châu Á.


Máy bay ném bom chiến lược B-1B


Dưới sự chi viện của máy bay tiếp dầu trên không, máy bay F-22 có hành trình gần 4.000 km lại có thể độc lập trực tiếp xâm nhập, trực tiếp tấn công các mục tiêu mặt đất ở lục địa châu Á, từ đó tạo ra ưu thế đối với các nước châu Á.

Ngoài F-22, ba loại máy bay ném bom chiến lược của quân Mỹ gồm B-52, B-1B, B-2 hiện nay đều được bố trí tại căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam. Máy bay ném bom chiến lược với khả năng tấn công tầm xa luôn là vũ khí tác chiến lợi hại quan trọng của Quân đội Mỹ.

Chẳng hạn máy bay ném bom chiến lược B-2 có thể bay liên tục 12.000 km mà không cần tiếp thêm nhiên liệu, có thể mang theo vài chục quả bom dẫn đường chính xác hoặc 8 tên lửa hành trình. Ngoài ra, máy bay ném bom mới B-3 đang được quân đội Mỹ phát triển, cũng có thể sẽ được điều đến Guam.

Quân đội Mỹ từng cho biết, máy bay ném bom chiến lược này có thể mang theo một lượng lớn bom đạn, có thể triển khai hành động 24/24 giờ trong bất kỳ thời tiết nào.

Theo kế hoạch của Không quân Mỹ, B-3 sẽ ra đời vào năm 2018. Các nhà phân tích cho rằng, máy bay ném bom chiến lược và máy bay chiến đấu F-22 đồng thời hiện diện tại khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ tăng cường rất lớn cho quân Mỹ khả năng can dự nhanh đối với các vấn đề của châu Á-Thái Bình Dương.

Máy bay ném bom chiến lược B-1B


Trên biển, Mỹ bố trí nhiều tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng nguyên tử tại khu vực Đông Á, đã tạo ra thế bao vây ngăn chặn Hải quân Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương.

Năm 2001, quân đội Mỹ đã thành lập Trung đội tàu ngầm số 15 tại căn cứ hải quân Apra trên đảo Guam, tiếp theo đó trang bị 3 tàu ngầm tấn công nguyên tử "Los Angeles", chúng luôn có khả năng rình rập xung quanh Eo biển Đài Loan, tiến hành do thám dưới nước.

Năm 2008, tàu ngầm nguyên tử trang bị tên lửa hành trình "Ohio" của Mỹ cũng được kéo vào quân cảng Apra. Là tàu ngầm được trang bị nhiều tên lửa hành trình nhất thế giới, tàu ngầm "Ohio" có thể được trang bị 154 quả tên lửa hành trình "Tomahawk", khả năng tấn công chỉ đứng sau hạm đội tàu sân bay.

Chỉ huy tàu ngầm "Ohio", Thượng tá Hale từng khoe rằng, chỉ cần từ tây Guam đi vài trăm km, tàu “Ohio” sẽ có thể tiến hành uy hiếm tầm xa đối với khu vực Eo biển Đài Loan.


Máy bay ném bom chiến lược B2


Cuối tháng 9/2010, quân cảng Apra ở Guam đã đón tiếp một “bảo kiếm” trong đội ngũ tàu ngầm nguyên tử của hải quân Mỹ, đó là tàu ngầm tấn công nguyên tử tiên tiến nhất "Hawaii" lớp Virginia.

Tàu ngầm nguyên tử này có thể lặn sâu tới 243 m, mang theo 24 quả ngư lôi nặng 2 tấn, có thể phóng tên lửa hành trình "Tomahawk". Các nhà phân tích cho rằng, với khả năng trinh sát và cơ động gần bờ mạnh, khi đến chốt giữ tại đây, tàu ngầm nguyên tử này sẽ trở thành một “người lính” bao vây, phong tỏa và do thám các loại tin tức ở vùng biển xung quanh Trung Quốc.

“Nhóm tàu sân bay” có thể đến châu Á-Thái Bình Dương

Ngay từ năm 2004, cựu Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Fargo đã đề nghị, tăng cường 1 tàu sân bay thường trú lâu dài ở một nơi nào đó tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương giữa Hawaii và Guam, nhằm duy trì một trạng thái “sẵn sàng chiến đấu cao”.


Máy bay ném bom chiến lược B-52


Trong năm 2010 vừa qua, khái niệm “nhóm tàu sân bay” từ 2 – 3 tàu sân bay, thực sự đã làm căng thẳng “dây thần kinh” an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tàu sân bay USS George Washington đóng tại Yokosuka, Nhật Bản đã liên tục tiến hành tập trận với 2 đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản trong năm 2010. Sau khi tình hình bán đảo Triều Tiên lại rơi vào tình trạng căng thẳng bởi sự kiện đấu pháo đảo Yeonpyeong, Hải quân Mỹ đã liên tiếp phát đi tín hiệu tăng cường tàu sân bay tới châu Á-Thái Bình Dương.

Báo chí Mỹ gần đây cho biết, hạm đội tàu sân bay Carl Vinson (có kế hoạch thay thế tàu USS George Washington đang được nghỉ ngơi, tu sửa) đã đến vùng biển Okinawa. Tàu Carl Vinson sẽ tổ chức tập trận chung với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Hải quân Hàn Quốc.


Ý tưởng máy bay ném bom chiến lược B-3


Các nhà quan sát cho rằng, Mỹ giỏi đánh “con bài tàu sân bay”, động thái phức tạp này chủ yếu là để uy hiếp tinh thần, nhằm khẳng định rằng, không thể thách thức địa vị bá chủ của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.
“Ba tác hại” do quân Mỹ bày binh bố trận ở Đông Á

Các nhà phân tích cho rằng, quân đội Mỹ “gươm súng sẵn sàng” ở khu vực Đông Á đã gây ra tác hại đối với tình hình an ninh khu vực này:

Một là, làm trầm trọng hơn sự đối đầu quân sự trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các vấn đề điểm nóng tập trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Giải quyết những vấn đề này, các bên cần đối thoại và tham vấn.


Tàu ngầm tấn công nguyên tử "Hawaii"


Mỹ muốn thông qua sức ép vũ lực để tìm cách giải quyết vấn đề, đặc biệt là trực tiếp bố trí vũ khí tấn công chiến lược ở tiền duyên các điểm nóng, cho thấy quyết tâm sẵn sàng can dự bất cứ lúc nào, điều này không chỉ bất lợi cho giải quyết vấn đề, mà còn làm tăng khả năng xảy ra xung đột.

Hai là, có thể gây ra cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiện nay, khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn tồn tại các vấn đề như tranh chấp biên giới, lãnh thổ và tranh giành quyền lợi biển.

Mỹ tăng cường bố trí quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ làm gia tăng sức ép quân sự đối với một số nước, thúc đẩy những nước này đẩy nhanh phát triển sức mạnh quân sự của mình.


Tàu sân bay nguyên tử USS George Washington

Ba là, đã làm tăng sự ngờ vực giữa một số nước. Quân đội Mỹ tiến hành “bố trí tiền duyên” ở châu Á-Thái Bình Dương, ngoài việc điều động tập trung các loại vũ khí tiên tiến, còn tăng cường quan hệ đồng minh quân sự với một số nước đồng minh, biến họ thành căn cứ tiền duyên để Mỹ can dự vào các vấn đề khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Do có Mỹ đứng sau, những nước này sẽ thừa cơ phát triển sức mạnh quân sự và mở rộng lợi ích của họ, điều này sẽ làm sâu sắc hơn sự ngờ vực của một số nước, không có lợi cho hòa bình và ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

(vtc news)

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

>> Các khái niệm về vũ khí vũ trụ của Mỹ



(- Sina news)Trong những năm qua, Mỹ không ngừng nghiên cứu phát triển các loại vũ khí mới. Đặc biệt, vũ khí vũ trụ ngày càng được coi trọng hơn.
Theo tờ báo khoa học New Scientist, ngoài việc Mỹ đã đạt được một bước đột phá lớn trong việc phát triển vũ khí Laser, với công suất 100kW, hoạt động trong 6 giờ. Mới đây Quân đội Mỹ lại bắn thử thành công siêu pháo điện từ.

Thế nhưng, các chương trình đáng để quan tâm thực sự là các loại vũ khí vũ trụ, bao gồm 2 phần: căn cứ và tải trọng. Tải trọng lại được phân thành tải trọng có thể di chuyển và tải trọng có thể điều khiển.

Dưới đây là một số khái niệm về vũ khí không gian đang được Mỹ hình thành:

Căn cứ quân sự trên không gian

Máy bay vận tải không gian là loại máy bay cơ động, có thể hoạt động lâu dài trên quy đạo, được sử dụng như một nơi cung cấp vũ khí, cũng có thể làm trạm trinh sát, triển khai, sửa chữa hoặc thu hồi các vệ tinh nhỏ và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác.


Mô hình căn cứ vũ khí vũ trụ của Mỹ.

Máy bay chiến đấu không gian là loại máy bay có thể tấn công mục tiêu bị che chắn hoặc ẩn nấp dưới mặt đất từ trên vũ trụ. Nó có thể mang bom thông minh loại nhỏ dùng để phá huỷ các cơ sở mặt đất, mang vũ khí trang bị đầu dò phạm vi lớn. Ngoài ra, có thể được dùng để thu thập thông tin tình báo.

Máy bay cơ động không gian (còn gọi là máy bay ném bom không gian) có thể thả/thu bom, được dùng để tấn công các mục tiêu mặt đất, vệ tinh và các trạm vũ trụ….

Máy bay vũ trụ (còn gọi là máy bay vượt tầng khí quyển) có thể đi về liên tục giữa tầng khí quyển và mặt đất, có thể được dùng để vận chuyển vệ tinh, cũng có thể dùng làm trạm cung cấp các vũ khí, hệ thống trinh sát, giám sát và các nhiệm vụ cảnh báo sớm… Trong chiến tranh, nó còn có thể được sử dụng như một sở chỉ huy dự bị.

Robot không gian: là một hệ thống thông minh trong không gian, có khả năng di chuyển, và có thể dùng cánh tay cơ khí để tác động nhiều đối tượng, nó có thể thay thế các tấm pin hoặc các bộ phận khác của mục tiêu, cũng có thể sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ khác.

Vũ khí cơ động không gian

Sỏi thông minh: là loại vũ khí thông minh trong vũ trụ, có kích thước nhỏ có thể di chuyển, có thể được dùng để phát hiện, theo dõi và đánh chặn tên lửa đạn đạo.

Tên lửa đánh chặn không gian là một tên lửa đạn đạo có thể tiêu diệt mục tiêu bằng phương pháp tác động với tốc độ cao, nó cũng có thể được dùng làm vũ khí phá huỷ vệ tinh một cách nhanh chóng và chính xác.


Máy bay mang vũ khí không gian.


Bom quỹ đạo điện từ: Dựa vào những nghiên cứu vũ khí điện từ hiện nay, Mỹ dự kiến sẽ đẩy tốc độ bay của đạn pháo và triển khai 100 khẩu pháo trên quỹ đạo cao 2.000 km, nó được sử dụng để đánh chặn các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong giai đoạn đang bay lên.

Mìn không gian là một dạng vũ khí phong toả quỹ đạo, thường được triển khai trên các quỹ đạo bay của vũ khí đối phương trong chiến tranh không gian.

Tên lửa của "thượng đế" là loại vũ khí không gian được triển khai trên quỹ đạo thấp, sau khi nhận chỉ thị nó sẽ nhanh chóng bay vào tầng khí quyển, nó được sử dụng để phá huỷ các công trình lớn trên mặt đất và các mục tiêu ẩn nấp sâu hàng trăm mét dưới đất.

Vệ tinh kí sinh là một loại vệ tinh siêu nhỏ có khả năng di động, nó có thể bám vào các vệ tinh khác; sau khi nhận được chỉ thị nó sẽ can thiệp, phá hỏng hoặc phá huỷ vệ tinh đó.

Vũ khí định hướng vũ trụ

Vũ khí laser vũ trụ: Mục tiêu cuối cùng của kế hoạch này là triển khai từ 20-40 vệ tinh mang vũ khí laser trong quỹ đạo cao 1.300km, có phạm vi tác chiến hiệu quả từ 4.000 - 5.000km, hình thành hệ thống vũ khí không gian bao phủ cả thế giới.


Vũ khí có khả năng di chuyển trong không gian.

"Kính ma" không gian là một loại vũ khí không gian có tính phản chiếu, loại vũ khí đặc chế trên các tàu vũ trụ có thể phản chiếu tia laser, các tia laser đó sẽ làm hỏng mục tiêu hoặc vô hiệu chúng.

Bom tia gamma: Là loại bom dùng chùm tia để sát thương mục tiêu, nó dùng các nguyên tố phóng xạ nên có thể phát ra một số lượng lớn chùm tia gamma trong thời gian rất ngắn. Sức mạnh của nó thật khủng khiếp, năng lượng của nó thoát ra đạt mức giữa vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân.

Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2011

>> 10 vũ khí được thế giới quan tâm năm 2010 (kỳ 1)

- Dưới đây là top 10 vũ khí được coi là "ngôi sao" của năm trong con mắt truyền thông thế giới:

Phi cơ X-37B của Mỹ: “chân trời vũ khí không gian”


Nếu như trong vài năm trở lại đây, có người nói phi cơ có thể bay với vận tốc gấp 5 lần vận tốc âm thanh, có thể bay từ bất kì thành phố này tới thành phố khác trên hành tinh trong vòng 2 giờ, tự do bay lên tới độ cao 410km, chạm vào vệ tinh của các nước khác... thì người đó có thể là kẻ ảo tưởng hoặc là người biết được thông tin về dự án thử nghiệm phi cơ X-37B của Mỹ.

Máy bay X-37B.

Ngày 3/12, phi cơ X-37B của Mỹ đã hạ cánh an toàn kết thúc hơn 7 tháng du hành trong không gian. X-37B thân không to, chiều dài là 8,8m, cánh khoảng 4,6m, có thể triển khai tới bất kỳ nơi nào trên thế giới trong 2 giờ. Thậm chí, có tin đồn, máy bay có thể biến đổi cấu trúc để chiến đấu lâu dài trên không, có khả năng tấn công vệ tinh.
Nhiều dự báo cho rằng, đưa X-37B vào các trận không chiến sẽ làm thay đổi các hình thức chiến đấu.

Máy bay chiến đấu JF-17 của Pakistan

Trong quan điểm truyền thông của Trung Quốc và Pakistan, JF-17 thực sự là "ngôi sao" của năm 2010. Vì đây là thế hệ máy bay chiến đấu đa năng kiểu mới do Tập đoàn công nghiệp hàng không số 1 Trung Quốc và không quân Pakistan cùng nhau nghiên cứu chế tạo.
JF-17 có tốc độ bay lớn nhất đạt 2.200km/h, tầm bay 3.000km, được trang bị một pháo cỡ nòng 23mm, dưới thân và cánh được thiết kế 7 điểm treo nhằm trang bị các loại hỏa lực như: tên lửa, bom rơi tự do và bom có điều khiển…


Máy bay chiến đấu đa năng JF-17.


Trong cuộc triển lãm hàng không tại Chu Hải, JF-17 đã thực hiện rất nhiều thao tác bay mang tính kỹ thuật cao, thu hút rất nhiều sự chú ý của giới quân sự các nước.

Máy bay chiến đấu PAK FA Su-T-50 của Nga

Nga đang nghiên cứu chế tạo Su-T-50, được định vị là chiến đấu cơ đa năng, trang bị radar N050 BRLS AFAR/AESA cực mạnh, phát hiện các mục tiêu cách 400km, theo dõi 32 mục tiêu và tấn công 8 mục tiêu cùng một lúc, động cơ chỉnh hướng phụt 3D AL-41F, khả năng thao diễn vượt mọi loại máy bay hiện nay, cất cánh ở những đường băng cực ngắn và có khả năng tàng hình cao.

Máy bay chiến đấu Su-T-50.


Su-T-50 có khối lượng rỗng 18,5 tấn, có thể mang theo 7,5 tấn vũ khí và 10,3 tấn nhiên liệu. được trang bị hai pháo 30 mm, với mỗi pháo 150 viên đạn.

Vũ khí chính của Su-T-50 gồm các loại tên lửa không đối không mới nhất của Nga như R-73, R-77, R-37, các loại tên lửa đối đất chống radar như Kh-31P hay tên lửa chống hạm như Kh-35 Ural, Kh-41 Moskit và tên lửa hành trình đối đất Kh-55S với tầm bắn 3.000 km và có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.

Ngoài ra, Su-T-50 còn có 8 mấu cứng gắn trên cánh để trang bị các thiết bị trinh sát điện tử hay thùng nhiên liệu phụ cho các nhiệm vụ tuần tiễu. Dù đã thực hiện các chuyến bay thử nhưng nhiều thông tin quan trọng khác của Su-T-50 vẫn nằm trong vòng bí mật.

Tàu đổ bộ Mistral của Pháp

Năm 2010 đánh dấu nước Nga nhập khẩu vũ khí từ nước ngoài. Thương vụ đầu tiên là tàu chiến Mistral của Pháp. Khi cần thiết, con tà chi cần “một cái lắc mình” là trở thành “bệnh viện trên biển” hoặc tàu sân bay.

Con tàu này có thể mang theo hơn 1.450 binh sĩ và một số lượng lớn vũ khí, 60 xe bọc thép, 230 xe các loại, 4 tàu đổ bộ LMC thông dụng, 2 thủy phi cơ, 16 trực thăng hặng nặng, 35 trực thang hạng nhẹ.

Tàu đổ bộ lớp Mistral.


Mistral có lượng giãn nước từ 16.500 tấn đến 21.300 tấn. Chiều dài 199m, rộng 32m, mớn nước 6.3m, được trang bị 4 động cơ diesel, 2 động cơ đẩy Mermaid, trục kép.

Vận tốc tàu đạt 18,8 hải lý. Hệ thống vũ khí bao gồm 2 súng Breda-Mauser 30mm, súng máy hạng nặng M2-HB và 2 hệ thống tên lửa phòng không. Trang bị radar DRBN-38A Decca Bridgemaster E-250 theo dõi tàu; radar MRR3D-NG giám sát trên không/trên biển, 1 bộ ARBR-21 thiết bị radar cảnh báo; 2 hệ thống phòng chống cháy nổ, hệ thống quản lý dữ liệu tác chiến Xi Nite, hệ thống chỉ huy và hỗ trợ SIC-21, 3 hệ thống thông tin vệ tinh, 1 hệ thống vệ tinh thông tin hàng hải quốc tế, 1 hệ thống thông tin vệ tinh Hạm đội, liên kết dữ liệu số 11 và 16.

Máy bay AT-802U của Mỹ

Trong chiến tranh công nghệ cao hiện tại và tương lai, máy bay dùng trong nông nghiệp có thể hoán cải trở thành máy bay chiến đấu? Đó chính là trường hợp của máy bay AT-802U (Mỹ)

AT-802U có thiết kế dựa trên máy bay nông nghiệp và được phát triển thành "sát thủ trên không", chủ yếu sử dụng cho việc thực hiện tấn công các mục tiêu cố định và di chuyển trên mặt đất, thực hiện các nhiệm vụ trinh sát.

Máy bay AT-802U.

Ngoài việc sử dụng để bảo vệ rừng, cơ động ở tốc độ thấp, đơn giản, bền, đáng tin cậy, có thể đáp xuống ở mọi đường băng thậm chí là đường băng gồ ghề và chi phí đặc biệt thấp, AT-802U còn có thể sử dụng để vận chuyển các loại vũ khí, thể hiện ưu thế siêu việt, độc đáo trong công tác chống khủng bố.

AT-802U khiến cho nhiều người hiểu rằng: đánh giá vũ khí tốt phải phụ thuộc vào các nhiệm vụ cụ thể, không nhất thiết phải là tiên tiến nhất mới là tốt nhất.


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang