Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: An ninh - Quốc phòng

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn An ninh - Quốc phòng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn An ninh - Quốc phòng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

>> Một phút thế giới chi 3,3 triệu USD cho quốc phòng


Mỹ vẫn dẫn đầu về chi phí quốc phòng với 711 tỷ USD, tương đương với 41% chi phí về quốc phòng của thế giới.




http://nghiadx.blogspot.com

Theo thống kê về chi phí quốc phòng của thế giới năm 2011 được công bố mới đây của Viện Quốc tế (Sipri), có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển, mỗi phút, thế giới chi tới 3,3 triệu USD, tức 198 triệu USD mỗi giờ, 4,7 tỷ USD mỗi ngày và tương đương với 1.738 tỷ USD mỗi năm cho chi phí về quân sự.

Mỹ vẫn dẫn đầu về chi phí quốc phòng với 711 tỷ USD, tương đương với 41% chi phí về quốc phòng của thế giới.

Thông báo cắt giảm 45 tỷ USD chi phí quốc phòng hàng năm trong thập kỷ tới vẫn còn đang trong quá trình thực hiện.

Mỹ đang thực hiện cắt giảm lực lượng bộ binh và thu hẹp trợ cấp (bao gồm cả hỗ trợ y tế) đối với các cựu chiến binh.

Mục tiêu của Lầu Năm Góc là xây dựng lực lượng quân sự gọn nhẹ, linh hoạt và sẵn sàng triển khai một cách nhanh chóng.

Việc cắt giảm lực lượng bộ binh nằm trong chiến lược mới, đã được thử nghiệm tại cuộc chiến Libya: sử dụng ưu thế vượt trội về không quân và hải quân của Mỹ và các chi phí lớn khác do liên quân đảm nhiệm.

Tuy nhiên, chi phí cho các cuộc chiến không hề giảm đi chút nào, như ngân sách cần thiết phục vụ cho cuộc chiến tại Libya đã được quốc hội Mỹ thông qua cũng được bổ sung vào ngân sách của Lầu Năm Góc.

Ngoài ra, còn có các khoản chi cho ngân sách quân sự khác, trong số đó có khoảng 125 tỷ USD hàng năm chi cho nghỉ dưỡng của quân nhân và 50 tỷ USD dành cho Bộ phận Anh ninh, theo đó, chi phí quốc phòng của Hoa Kỳ phải chiếm tới 50% chi phí quốc phòng của thế giới.

Theo ước tính của Sipri, Trung Quốc vẫn đứng thứ 2 thế giới về chi phí quốc phòng trong năm 2011, với 143 tỷ USD, tương đương với 8% chi phí quốc phòng thế giới.

Tuy nhiên, với mức tăng ngân sách quốc phòng hiện nay là 170% trong giai đoạn 2002-2011, là mức tăng cao hơn cả mức tăng ngân sách quốc phòng của Mỹ, tức 59% cho cùng giai đoạn này. Sự gia tăng này cơ bản là do Mỹ đang thực hiện chính sách chuyển trọng tâm chiến lược vào khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Nga cũng là quốc gia có mức tăng chi phí quốc phòng cao với ngân sách quốc phòng năm 2001 lên tới 72 tỷ USD, theo đó, Nga từ vị trí thứ 5 leo lên vị trí thứ 3 về mức chi phí quốc phòng cao trên thế giới.

Tiếp theo sau Nga là Anh, Pháp, Nhật Bản, Arập Xêút, Ấn Độ, Đức, Brazil và Italy.

Về phân bố khu vực, khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản chiếm tới 70% chi phí quân sự của thế giới. Bộ ba này hiện cũng là trung tâm kinh tế của thế giới và đồng thời cũng đầu tư nguồn lực lớn nhất vào lĩnh vực quân sự.

Theo nhận định của các chuyên gia, chi phí quân sự thế giới sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Theo ước tính của Sipri, chi phí quân sự thế giới đã tăng 250 USD trên đầu người trong số 7 tỷ dân trên trái đất

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2012

>> Châu Á bạo tay chi tiêu quốc phòng


Ngân sách quốc phòng tăng mạnh của Trung Quốc đang góp phần thúc đẩy việc chi tiêu cho quân sự trên khắp châu Á, với các khí tài được mua từ máy bay chiến đấu, trinh thám đến công nghệ tên lửa.



http://nghiadx.blogspot.com
Ấn Độ vừa chi 11 tỷ USD để mua 126 chiến đấu cơ Rafale của Pháp. Ảnh: Outlookinda

Làn sóng chi tiêu quân sự ở châu Á mang lại cho Mỹ và châu Âu một cơ hội để bù đắp nhu cầu đang ngày một giảm ở thị trường phương Tây.

Hãng sản xuất trang thiết bị quân sự Lockheed Martin và công ty sản xuất máy bay chiến đấu Boeing sẽ có buổi trình diễn máy bay vào tuần sau tại Singapore với tư cách là hai nhà thầu quốc phòng lớn nhất của Mỹ, nhằm cạnh tranh với các hãng châu Âu nhằm chiếm phần bánh to trong đơn đặt hàng trị giá 7 tỷ USD của Hàn Quốc. Cuộc đấu khắc nghiệt này cũng tương tự như những gì đang diễn ra ở Nhật và Ấn Độ.

Theo Frost & Sullivan, chi tiêu vào việc mua sắm máy bay chiến đấu, tên lửa và các vũ khí thiết bị khác của các nước châu Á Thái Bình Dương được dự đoán là có mức tăng trưởng trung bình hàng năm 4,2%, đạt giá trị tới 114 tỷ USD vào năm 2016. Lý do là sự tăng trưởng kinh tế và những căng thẳng leo thang trong khu vực. Tập đoàn Goldman Sachs dự đoán rằng chỉ riêng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng lên 14% hàng năm từ nay cho tới 2015.

“Nguồn thu ngân sách tăng lên khiến đầu tư cho quốc phòng cũng tăng,” Tim Huxley, giám đốc điều hành của Viện quốc tế nghiên cứu chiến lược châu Á tại Singapore nói. “Nhiều khu vực của châu Á không an toàn hoặc là chính phủ các nước có lý do để nhận thấy sự bất ổn”.

Trung Quốc đang tiến hành dự án tàu sân bay đầu tiên và máy bay chiến đấu tàng hình J-20. Nước này lên kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên 13%, đạt 601,1 tỷ nhân dân tệ (95 tỷ USD) vào năm ngoái. Quốc gia này đang đẩy mạnh ngân sách cho quốc phòng để thay thế các loại máy bay chiến đấu cũ, và đặc biệt nhấn mạnh vào vấn đề an ninh quốc gia trong bối cảnh những căng thẳng về lãnh thổ gia tăng, các nhà phân tích của Goldman Sachs, Ronald Keung và Tom Kim, cho biết.

Chạy đua mua chiến đấu cơ

Đài Loan đang có kế hoạch nâng cấp 145 máy bay chiến đấu F-16 trong một dự án tiêu tốn khoảng 3,7 tỷ USD. Theo một tuyên bố của cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng, dự án của Đài Loan bao gồm cả việc lắp đặt hệ thống định vị và radar mới.

Cục ngân sách quốc phòng của Hàn Quốc cho biết, nước này đang lên kế hoạch mua sắm khoảng 60 máy bay chiến đấu. Các hồ sơ dự thầu đơn hàng này bao gồm F-35 của Lockheed Martin, F-15 của Boeing, chiến đấu cơ Typhoon của Eurofighter, và Gripen của Saab. Ngoài ra, quốc gia này cũng đang mua sắm thêm các loại máy bay trực thăng tấn công cũng như xem xét việc mua thêm các thiết bị bay không người lái để trang bị cho quân đội và hải quân.

Công ty Lockheed, có trụ sở đặt tại Bethesda, Maryland, đã giành được đơn đặt hàng của Nhật Bản đặt mua 42 chiếc máy bay chiến đấu F-35 vào tháng mười hai. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, dự án đầu tư thêm các máy bay phản lực này trị giá 1,6 nghìn tỷ yên (21 tỷ USD) bao gồm cả việc mua mới, vận hành và bảo dưỡng trong 20 năm. Singapore cũng đã đăng ký như là một đối tác phát triển của phi cơ chiến đấu.

Tuần trước, Ấn Độ đã chấm công ty Dassault Aviation SA của Pháp là nhà thầu cung cấp 126 máy bay chiến đấu. Trong khi Lockheed, Boeing, Saab và tập đoàn máy bay United có trụ sở tại Moscow bị loại ngay từ vòng đầu thì nhà sản xuất máy bay Rafale cũng lọt vào danh sách vòng sau cùng với Eurofighter Typhoon. Cuối cùng chỉ có Dasault thắng thầu.

Mục tiêu của Eurofighter bây giờ là các nhà thầu Hàn Quốc cùng với các cơ hội ở Malaysia và vùng Vịnh, giám đốc điều hành Enzo Casolini cho biết. Cũng theo Casolini, châu Á là “thị trường quan trọng". Xuất khẩu chiến đấu cơ Typhoon cũng hết sức quan trọng đối với ngành công nghiệp của châu Âu và nền kinh tế châu Âu.”

Quá trình sản xuất của Eurofighter bị ngừng trệ khi chính phủ các nước châu Âu tiến hành các biện pháp cắt giảm chi tiêu cho quốc phòng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và các quốc gia phải “thắt lưng buộc bụng”. Theo Fitch Ratings, năm ngoái, chi tiêu cho quốc phòng của Tây Âu giảm khoảng 5% và có thể giảm hơn nữa trong năm nay.

Trong khi đó, chi tiêu quốc phòng của châu Á - Thái Bình Dương tăng 14% năm ngoái và trở thành khu vực tăng trưởng nhanh nhất, theo Frost & Sullivan. Số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho thấy rằng, Nhật Bản là nước chi tiêu lớn thứ hai về quốc phòng ở châu Á, sau Trung Quốc, với ngân sách chi tiêu lên tới 54,5 tỷ USD trong năm 2010. Cũng trong năm ngoái, Ấn Độ được đánh giá là nước đứng thứ ba với mức chi cho quốc phòng là 41,3 tỷ USD. Dẫn đầu mức chi tiêu cho quốc phòng trong năm ngoái là Mỹ với tổng ngân sách trị giá 698 tỷ USD.

Chiến đấu cơ Trung Quốc

http://nghiadx.blogspot.com
Hai chiếc JF-17 của Trung Quốc. Ảnh: China Militray Report


Trung Quốc cũng đang tìm kiếm để tận dụng cơ hội của việc tăng ngân sách cho quốc phòng bằng cách bán các thiết bị được sản xuất ở trong nước ra thị trường nước ngoài. Tại cuộc triển lãm ở Singapore, bộ phận xuất khẩu vũ khí của tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC), đơn vị hàng không vũ trụ lớn nhất của Trung Quốc, sẽ giới thiệu máy bay chiến đấu loại JF-17 có biệt danh là Fierce Dragon (Rồng dữ) do nước này hợp tác với Pakistan sản xuất. Ngoài ra các loại máy bay nâng cao như L-15, Yilong hoặc Pterodactyl và máy bay do thám cũng sẽ được giới thiệu và ra mắt tại triển lãm.

“Những cuộc triển lãm hàng không như thế này là dịp giúp các công ty quốc phòng Trung Quốc tiến ra thị trường toàn cầu nhằm phản ánh sức mạnh tăng lên của họ”, Ken Zhang, một nhà phân tích quốc phòng có công ty đặt tại Bắc Kinh cho biết. Ông nói, các công ty như AVIC cũng cần đẩy mạnh xuất khẩu để có kinh phí trang trải cho việc nghiên cứu bởi lẽ họ có thể không giành được “lợi nhuận béo bở” từ các hợp đồng bán hàng cho quân đội Trung Quốc.

Lockeed cũng thấy được nhu cầu về công nghệ tên lửa phòng thủ ở châu Á - Thái Bình dương, giống như một xu hướng đã thấy ở Trung Đông một thập kỷ trước.

“Chúng tôi nhận thấy họ đang có các mối quan ngại về an ninh giống hoặc tương tự như ở Trung Đông trước đây", Robert Stevens, giám đốc điều hành văn phòng Lockheed, nhận xét. "Đó là, sự phát triển lớn mạnh của công nghệ, mong muốn có được tên lửa có khả năng chiến đấu tốt hơn, tầm xa hơn, chính xác hơn, cũng như mong muốn của các chính phủ nâng cao khả năng phòng vệ nhằm chống lại mối đe dọa của tên lửa đạn đạo".

Máy bay trinh sát và do thám

Công ty truyền thông L-3 có trụ sở tại New York, đã nhận được sự quan tâm của khách hàng ở châu Á Thái Bình dương đối với các máy bay có người lái, máy bay thông minh, các hệ thống trinh sát, theo dõi và do thám, cũng như loại máy bay do thám không người lái, giám đốc điều hành của công ty Michael Strianese cho biết cuối tháng trước.

Bill Swanson, giám đốc điều hành công ty Raytheon, một hãng sản xuất tên lửa lớn nhất trên thế giới, nói rằng công ty hy vọng sẽ đạt được 30% lượng đơn hàng và 26% doanh thu bán hàng từ thị trường ngoài Mỹ trong năm nay.

“Châu Á và Trung Đông là các thị trường quan trọng và vẫn đang phát triển,” Swanson nói.

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

>> 'Phải làm thất bại mọi âm mưu xâm phạm chủ quyền'



Đó là một trong những nhiệm vụ cơ bản của đối ngoại Quốc phòng Việt Nam được Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, khẳng định.


Trước thềm Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN lần thứ 5 (ADMM-5) tổ chức ngày 19/5 tại Jakarta (Indonesia), Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã có bài viết gửi VnExpress, nêu rõ quan điểm, nội dung và chiến lược đối ngoại quốc phòng của Việt Nam trong thời gian tới.

Dưới đây là nội dung bài viết được trích đăng:

"Lần đầu tiên trong các kỳ đại hội của Đảng, Đại hội 11 đã đề cập trực tiếp đến công tác đối ngoại quốc phòng đó là: "Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh".

Trên cơ sở định hướng quan trọng đó của Đảng, cần nhận thức sâu sắc về mục tiêu của hội nhập quốc tế trên lĩnh vực quốc phòng, nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mục tiêu này chính là lợi ích quốc gia, dân tộc và phải được xem là thước đo hiệu quả của mọi hoạt động đối ngoại nói chung và nói riêng.

Để bảo vệ lợi ích quốc gia, công tác đối ngoại quốc phòng trước hết cần nắm vững và vận dụng quan điểm của Đảng về đối tượng, đối tác được nêu rõ trong Nghị quyết trung ương 8 (khoá 9) về Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Từ quan điểm nêu trên, việc xác định đối tượng, đối tác để hợp tác và đấu tranh trong công tác đối ngoại quốc phòng phải lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm tiêu chí cơ bản.



Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Nguyễn Hưng.


Quan hệ quốc tế về quốc phòng nhằm đem lại và bảo vệ các lợi ích quốc gia về chính trị, ngoại giao, quốc phòng an ninh, khoa học - công nghệ, kinh tế... phục vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đó chính là lợi ích cơ bản của đất nước, và cũng là mục tiêu cơ bản của công tác đối ngoại quốc phòng, trên nguyên tắc giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác phát triển, cùng có lợi.

Cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế, giữa bảo vệ lợi ích quốc gia với đóng góp cho hoà bình, ổn định của khu vực và trên thế giới. Trong quá trình hợp tác khu vực và quốc tế, do sự đan xen và mâu thuẫn về lợi ích, tất yếu sẽ dẫn đến những điểm đồng và bất đồng giữa các nước đối với các vấn đề an ninh - quốc phòng. Chúng ta cần chủ động, tích cực phát huy các điểm đồng, có giải pháp phù hợp khắc phục bất đồng nhằm thúc đẩy hợp tác để vừa bảo vệ được các lợi ích cơ bản của đất nước, vừa bảo đảm lợi ích chính đáng của các đối tác và lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.

Tất cả các điểm đồng đều phải hướng về một điểm cơ bản là đồng về lợi ích - ở đây là lợi ích chính đáng của đất nước ta, của các nước bạn bè, đối tác, lợi ích chung của khu vực và thế giới chứ không phải là lợi ích cục bộ theo kiểu “được mình, hại người”, ngược lại, càng không thể vì lợi ích “chung chung” mà quên đi hay coi nhẹ mục đích lợi ích cơ bản, tiên quyết, đó là lợi ích của dân tộc mình.

Giữ vững độc lập tự chủ là nguyên tắc cơ bản, bất di, bất dịch và cần được quán triệt trong mọi kế hoạch, biện pháp công tác đối ngoại quốc phòng, là cơ sở để nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trong quan hệ quốc tế, là điều kiện để hội nhập thành công.

Hội nhập quốc tế trên lĩnh vực quốc phòng nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước cả về tiềm lực và thế trận, để giữ vững độc lập, tự chủ của đất nước. Ngược lại, giữ vững độc lập, tự chủ là điều kiện thuận lợi cơ bản để tăng cường hội nhập quốc tế về quốc phòng. Nếu không có độc lập, tự chủ thì không thể hội nhập thành công, và dù có “thân thiện” đến mấy cũng không đem lại lợi ích đích thực cho đất nước, mà sẽ càng ngày càng sa vào lệ thuộc.

Khi chúng ta giữ độc lập tự chủ, giành lợi ích cho đất nước thì cũng phải tôn trọng độc lập tự chủ và lợi ích của các nước khác. Nếu một nước đối tác không có độc lập tự chủ thì khó có thể hợp tác bền vững và đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Đồng thời phải giữ cho được quan hệ bình đẳng, không phân biệt giữa nước lớn và nước nhỏ.

Thấm nhuần tư duy của Đảng về hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại quốc phòng trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chính sau: Một là, hợp tác quốc phòng trong những năm tới cần được tiến hành đồng bộ với hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực khác để tạo thành một thể thống nhất trong chiến lược chung của quốc gia, giữ vững mối quan hệ hữu cơ giữa xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đối ngoại quốc phòng không chỉ nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của đất nước mà còn phải tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước hết và trên hết, công tác đối ngoại quốc phòng phải đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước, đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Hai là, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia. Đối ngoại quốc phòng phải trở thành một trong những lực lượng nòng cốt cùng toàn dân thực hiện thắng lợi chiến lược bảo vệ tổ quốc. Đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các đối tác để có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề an ninh có liên quan, đẩy mạnh hợp tác với các nước láng giềng để bảo vệ an ninh biên giới, giữ vững chủ quyền của tổ quốc. Phối hợp chặt chẽ với ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh ngoại giao với đấu tranh trên thực địa để làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Hợp tác và đấu tranh trong quan hệ quốc tế, trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích quốc gia là hai mặt của một vấn đề, không thể xem nhẹ mặt nào. Chúng ta đấu tranh không khoan nhượng trên những vấn đề có tính nguyên tắc nhưng lại mềm dẻo, linh hoạt trong các vấn đề cụ thể để có thể hợp tác giải quyết các bất đồng, thông qua hợp tác để tác động, đấu tranh nhằm hạn chế các hoạt động xâm phạm chủ quyền của tổ quốc. Cần phải công khai minh bạch về chính sách đối ngoại quốc phòng để xây dựng lòng tin trong bạn bè quốc tế và phát huy tối đa sức mạnh chính nghĩa của ta.

Ba là, công tác đối ngoại quốc phòng góp phần quan trọng trong đấu tranh chống diễn biến hoà bình, chống bạo loạn lật đổ; bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và ổn định chính trị của đất nước. Thông qua mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hợp tác, đối ngoại quốc phòng tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa quân đội và nhân dân ta với quân đội và nhân dân các nước, làm cho các nước hiểu rõ hơn đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Như vậy, đối ngoại quốc phòng có thể làm thất bại ngay từ bên ngoài các luận điệu tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa của các thế lực thù địch. Mặt khác, đối ngoại quốc phòng phải đấu tranh có hiệu quả đối với âm mưu nhằm phi chính trị hoá quân đội, tách quân đội khỏi sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, phòng và chống các hoạt động tuyên truyền phản cách mạng, các tác động tiêu cực của hội nhập quốc tế đến tư tưởng của quân đội.

Bốn là đối ngoại quốc phòng tích cực góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, tiếp thu các kiến thức quân sự hiện đại của thế giới. Mặt khác, thông qua các cơ chế hợp tác công nghiệp, khoa học kỹ thuật, thương mại quốc phòng, tranh thủ các nguồn lực về vốn, khoa học - công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến…, để trang bị cho quân đội các loại vũ khí, khí tài ngày càng hiện đại, phù hợp với điều kiện và nghệ thuật quân sự Việt Nam, làm cho đất nước ngày càng tự chủ về khoa học, kỹ thuật quân sự, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện trong thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật.

Trong thời gian tới, cần tập trung phát triển các mối quan hệ quốc phòng theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng. Kết hợp chặt chẽ giữa hợp tác song phương và đa phương. Quan hệ quốc phòng song phương với các nước láng giềng cần được ưu tiên và không ngừng phát triển ngày càng sâu sắc, phát huy các điểm đồng về lợi ích kinh tế, mô hình phát triển, nhu cầu hợp tác xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, bảo vệ an ninh chung và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định…

Quan hệ quốc phòng với Lào và Campuchia dựa trên cơ sở tình hữu nghị truyền thống, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, nâng cao hiệu quả, đi vào thực chất đáp ứng nhu cầu bảo vệ an ninh của mỗi nước. Trong điều kiện các nước bạn còn có những khó khăn, nền kinh tế - quốc phòng còn chưa phát triển… nhưng trên cơ sở tôn trọng độc lập tự chủ và lợi ích của bạn, chúng ta cần xây dựng mối quan hệ hợp tác vừa đem lại lợi ích cho đất nước mình, vừa tạo điều kiện giúp bạn mạnh lên, đồng thời tăng cường mối quan hệ truyền thống đoàn kết, gắn bó thêm sâu sắc, bền vững và lâu dài.

Cần coi trọng và tập trung đầu tư cho quan hệ hợp tác quốc phòng với Trung Quốc - quốc gia láng giềng có truyền thống quan hệ hữu nghị tốt đẹp, hiện là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, đồng thời cũng đang tồn tại những vấn đề khác biệt - nhất là những vấn đề trên biển Đông cần được giải quyết trong tình đồng chí, anh em, láng giềng gần gũi, bằng biện pháp hoà bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, công khai minh bạch, trên cơ sở tôn trọng và tin cậy lẫn nhau.

Ở đây, quan hệ quốc phòng có một ý nghĩa và tác dụng rất đặc biệt để tăng cường hợp tác phát triển về mặt chiến lược, vừa để đấu tranh giải quyết những khác biệt, hướng tới một quan hệ thật sự tốt đẹp, bình đẳng, ổn định, bền vững, lâu dài. Muốn có được mối quan hệ tốt đẹp như vậy, hoà hiếu chưa đủ, mà quan trọng hơn cả là ta phải giữ cho được độc lập tự chủ và tìm kiếm lợi ích chung trên con đường phát triển của hai nước. Thực tế cho thấy trong thời gian qua, khi chúng ta giữ vững độc lập tự chủ, tôn trọng lợi ích của bạn thì chúng ta đã tăng cường quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, từng bước nâng cao hiệu quả hợp tác, đồng thời bàn bạc giải quyết những bất đồng còn tồn tại.

Quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam với các thành viên của ASEAN cần chú trọng hiệu quả trong quá trình xây dựng cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN, cần đặt trọng tâm vào những nội dung gắn với an ninh của Việt Nam như vấn đề an ninh biển, vấn đề sông Mê Kông... Cần chú ý thích đáng để mở rộng hợp tác với các đối tác lớn như Nga, Ấn Độ, Mỹ... và dần dần đi vào thực chất ở các khía cạnh, nội dung và mức độ khác nhau, đáp ứng nhu cầu quốc phòng của đất nước. Chúng ta cũng coi trọng và tiếp tục phát triển quan hệ quốc phòng với các nước bạn bè truyền thống như Cuba, các nước Đông Âu, Liên Xô cũ…

Quan hệ quốc phòng đa phương cần phát huy các thành tích đã đạt được trong năm Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN, tiếp tục khẳng định vai trò của cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), cũng như tiếp tục nghiên cứu để tham gia ngày càng sâu hơn vào các hoạt động hợp tác quốc phòng đa phương khác trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc.

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ nêu trên, cần chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại quốc phòng, tiếp tục đưa các mối quan hệ quốc tế về quốc phòng đi vào chiều sâu. Trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, công tác đối ngoại quốc phòng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước, bám sát sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, chủ động, tích cực phát triển đồng bộ, toàn diện, có chiều sâu, lấy hiệu quả làm thước đo thực hiện nhiệm vụ của quân đội, nhiệm vụ quốc phòng của đất nước, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc".
[BDV news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang