Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: jakarta

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn jakarta. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn jakarta. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

>>Tuyên bố Jakarta: Đường lưỡi bò không phù hợp



Hội thảo quốc tế "Triển vọng hợp tác, những vấn đề hội tụ và động lực ở Biển Đông" tại Jakarta (Indonesia) kết thúc chiều 31/5 đã ra Tuyên bố Jakarta.

Tuyên bố Jakarta nhấn mạnh các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông là cần thiết cho toàn bộ khu vực, vì lợi ích chung của các nước ven biển và các nước liên quan.

Các đại biểu nhất trí Biển Đông là vấn đề đa phương, từ việc duy trì hòa bình, ổn định cho đến đảm bảo tự do đi lại trên biển và triển khai Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc ký tháng 10/2002.

Tuyên bố khẳng định việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh hải với "Đường 9 điểm" trên bản đồ (đường lưỡi bò) chiếm tới 80% diện tích Biển Đông là không phù hợp và đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích.

Tuyên bố cho rằng các bên liên quan cần duy trì cam kết giải quyết tranh chấp lãnh thổ và pháp lý ở Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc, luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, tăng cường các nỗ lực xây dựng lòng tin, hợp tác đa phương về an toàn biển, nghiên cứu khoa học, chống tội phạm và hướng tới ký kết Bộ Quy tắc về ứng xử ở biển Đông (COC).

Tuyên bố cho rằng việc hướng tới ký COC là nỗ lực chung của cả ASEAN và Trung Quốc, thể hiện bước tiến tích cực hướng tới hòa bình và ổn định trong khu vực. Không chỉ các nước trong khu vực mà cả các cường quốc bên ngoài khu vực như Mỹ, Australia, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có vai trò hữu ích trong việc duy trì tình trạng hiện nay, cần tiếp tục ủng hộ DOC.

ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục triển khai các bước tích cực trong vấn đề DOC, đẩy nhanh nỗ lực hướng tới COC và Ban Thư ký ASEAN có thể có quyền hạn lớn hơn trong thực thi quá trình hòa bình để giải quyết các xung đột, ASEAN cần trung thành với nguyên tắc thống nhất, đoàn kết và nhất trí trong việc phối hợp và phát triển vị thế chung của khối trong đối thoại với các đối tác liên quan đến các vấn đề Biển Đông và bắt đầu thảo luận về COC.

Cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các nước đối tác (ADMM +) cần được xem là diễn đàn quan trọng thúc đẩy cam kết mang tính xây dựng giữa ASEAN và các đối tác trong các vấn đề chiến lược, quốc phòng và an ninh tác động đến khu vực.

Tại hội thảo, các học giả, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đến từ Ấn Độ, Indonesia, Singapore, Philippines, Việt Nam, Australia,... đã trình bày 13 tham luận nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến Biển Đông được dư luận các nước trong khu vực và quốc tế quan tâm. Các diễn giả cũng trao đổi ý kiến, giải thích rõ hơn và trả lời các câu hỏi của các đại biểu.

Bế mạc hội thảo, ông A.B Mahapatra, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á của Ấn Độ, khẳng định việc giải quyết các tranh chấp, xây dựng lòng tin trong bối cảnh có những sự phụ thuộc toàn cầu và xung đột phức tạp hiện nay là đòi hỏi cấp thiết; theo tinh thần đó, việc xây dựng năng lực và lòng tin ở Biển Đông, cũng như thể chế hóa đối thoại về những vấn đề có khả năng gây bất đồng là sự hỗ trợ bổ sung cần thiết cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Mahapatra cũng nhấn mạnh hai vấn đề quan tâm hàng đầu tại Biển Đông là xu hướng hiện đại hóa lực lượng vũ trang thông thường có thể làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này. Ông cho rằng cần xây dựng một cơ chế chung cho việc khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông và việc sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề là rất nguy hiểm.

Hội thảo do Trung tâm Habibie của Indonesia và Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á (CASS) của Ấn Độ phối hợp tổ chức với sự tham dự của hơn 150 đại biểu.
[BDV news]


Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

>> 'Phải làm thất bại mọi âm mưu xâm phạm chủ quyền'



Đó là một trong những nhiệm vụ cơ bản của đối ngoại Quốc phòng Việt Nam được Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, khẳng định.


Trước thềm Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN lần thứ 5 (ADMM-5) tổ chức ngày 19/5 tại Jakarta (Indonesia), Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã có bài viết gửi VnExpress, nêu rõ quan điểm, nội dung và chiến lược đối ngoại quốc phòng của Việt Nam trong thời gian tới.

Dưới đây là nội dung bài viết được trích đăng:

"Lần đầu tiên trong các kỳ đại hội của Đảng, Đại hội 11 đã đề cập trực tiếp đến công tác đối ngoại quốc phòng đó là: "Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh".

Trên cơ sở định hướng quan trọng đó của Đảng, cần nhận thức sâu sắc về mục tiêu của hội nhập quốc tế trên lĩnh vực quốc phòng, nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mục tiêu này chính là lợi ích quốc gia, dân tộc và phải được xem là thước đo hiệu quả của mọi hoạt động đối ngoại nói chung và nói riêng.

Để bảo vệ lợi ích quốc gia, công tác đối ngoại quốc phòng trước hết cần nắm vững và vận dụng quan điểm của Đảng về đối tượng, đối tác được nêu rõ trong Nghị quyết trung ương 8 (khoá 9) về Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Từ quan điểm nêu trên, việc xác định đối tượng, đối tác để hợp tác và đấu tranh trong công tác đối ngoại quốc phòng phải lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm tiêu chí cơ bản.



Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Nguyễn Hưng.


Quan hệ quốc tế về quốc phòng nhằm đem lại và bảo vệ các lợi ích quốc gia về chính trị, ngoại giao, quốc phòng an ninh, khoa học - công nghệ, kinh tế... phục vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đó chính là lợi ích cơ bản của đất nước, và cũng là mục tiêu cơ bản của công tác đối ngoại quốc phòng, trên nguyên tắc giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác phát triển, cùng có lợi.

Cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế, giữa bảo vệ lợi ích quốc gia với đóng góp cho hoà bình, ổn định của khu vực và trên thế giới. Trong quá trình hợp tác khu vực và quốc tế, do sự đan xen và mâu thuẫn về lợi ích, tất yếu sẽ dẫn đến những điểm đồng và bất đồng giữa các nước đối với các vấn đề an ninh - quốc phòng. Chúng ta cần chủ động, tích cực phát huy các điểm đồng, có giải pháp phù hợp khắc phục bất đồng nhằm thúc đẩy hợp tác để vừa bảo vệ được các lợi ích cơ bản của đất nước, vừa bảo đảm lợi ích chính đáng của các đối tác và lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.

Tất cả các điểm đồng đều phải hướng về một điểm cơ bản là đồng về lợi ích - ở đây là lợi ích chính đáng của đất nước ta, của các nước bạn bè, đối tác, lợi ích chung của khu vực và thế giới chứ không phải là lợi ích cục bộ theo kiểu “được mình, hại người”, ngược lại, càng không thể vì lợi ích “chung chung” mà quên đi hay coi nhẹ mục đích lợi ích cơ bản, tiên quyết, đó là lợi ích của dân tộc mình.

Giữ vững độc lập tự chủ là nguyên tắc cơ bản, bất di, bất dịch và cần được quán triệt trong mọi kế hoạch, biện pháp công tác đối ngoại quốc phòng, là cơ sở để nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trong quan hệ quốc tế, là điều kiện để hội nhập thành công.

Hội nhập quốc tế trên lĩnh vực quốc phòng nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước cả về tiềm lực và thế trận, để giữ vững độc lập, tự chủ của đất nước. Ngược lại, giữ vững độc lập, tự chủ là điều kiện thuận lợi cơ bản để tăng cường hội nhập quốc tế về quốc phòng. Nếu không có độc lập, tự chủ thì không thể hội nhập thành công, và dù có “thân thiện” đến mấy cũng không đem lại lợi ích đích thực cho đất nước, mà sẽ càng ngày càng sa vào lệ thuộc.

Khi chúng ta giữ độc lập tự chủ, giành lợi ích cho đất nước thì cũng phải tôn trọng độc lập tự chủ và lợi ích của các nước khác. Nếu một nước đối tác không có độc lập tự chủ thì khó có thể hợp tác bền vững và đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Đồng thời phải giữ cho được quan hệ bình đẳng, không phân biệt giữa nước lớn và nước nhỏ.

Thấm nhuần tư duy của Đảng về hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại quốc phòng trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chính sau: Một là, hợp tác quốc phòng trong những năm tới cần được tiến hành đồng bộ với hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực khác để tạo thành một thể thống nhất trong chiến lược chung của quốc gia, giữ vững mối quan hệ hữu cơ giữa xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đối ngoại quốc phòng không chỉ nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của đất nước mà còn phải tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước hết và trên hết, công tác đối ngoại quốc phòng phải đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước, đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Hai là, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia. Đối ngoại quốc phòng phải trở thành một trong những lực lượng nòng cốt cùng toàn dân thực hiện thắng lợi chiến lược bảo vệ tổ quốc. Đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các đối tác để có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề an ninh có liên quan, đẩy mạnh hợp tác với các nước láng giềng để bảo vệ an ninh biên giới, giữ vững chủ quyền của tổ quốc. Phối hợp chặt chẽ với ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh ngoại giao với đấu tranh trên thực địa để làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Hợp tác và đấu tranh trong quan hệ quốc tế, trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích quốc gia là hai mặt của một vấn đề, không thể xem nhẹ mặt nào. Chúng ta đấu tranh không khoan nhượng trên những vấn đề có tính nguyên tắc nhưng lại mềm dẻo, linh hoạt trong các vấn đề cụ thể để có thể hợp tác giải quyết các bất đồng, thông qua hợp tác để tác động, đấu tranh nhằm hạn chế các hoạt động xâm phạm chủ quyền của tổ quốc. Cần phải công khai minh bạch về chính sách đối ngoại quốc phòng để xây dựng lòng tin trong bạn bè quốc tế và phát huy tối đa sức mạnh chính nghĩa của ta.

Ba là, công tác đối ngoại quốc phòng góp phần quan trọng trong đấu tranh chống diễn biến hoà bình, chống bạo loạn lật đổ; bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và ổn định chính trị của đất nước. Thông qua mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hợp tác, đối ngoại quốc phòng tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa quân đội và nhân dân ta với quân đội và nhân dân các nước, làm cho các nước hiểu rõ hơn đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Như vậy, đối ngoại quốc phòng có thể làm thất bại ngay từ bên ngoài các luận điệu tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa của các thế lực thù địch. Mặt khác, đối ngoại quốc phòng phải đấu tranh có hiệu quả đối với âm mưu nhằm phi chính trị hoá quân đội, tách quân đội khỏi sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, phòng và chống các hoạt động tuyên truyền phản cách mạng, các tác động tiêu cực của hội nhập quốc tế đến tư tưởng của quân đội.

Bốn là đối ngoại quốc phòng tích cực góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, tiếp thu các kiến thức quân sự hiện đại của thế giới. Mặt khác, thông qua các cơ chế hợp tác công nghiệp, khoa học kỹ thuật, thương mại quốc phòng, tranh thủ các nguồn lực về vốn, khoa học - công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến…, để trang bị cho quân đội các loại vũ khí, khí tài ngày càng hiện đại, phù hợp với điều kiện và nghệ thuật quân sự Việt Nam, làm cho đất nước ngày càng tự chủ về khoa học, kỹ thuật quân sự, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện trong thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật.

Trong thời gian tới, cần tập trung phát triển các mối quan hệ quốc phòng theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng. Kết hợp chặt chẽ giữa hợp tác song phương và đa phương. Quan hệ quốc phòng song phương với các nước láng giềng cần được ưu tiên và không ngừng phát triển ngày càng sâu sắc, phát huy các điểm đồng về lợi ích kinh tế, mô hình phát triển, nhu cầu hợp tác xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, bảo vệ an ninh chung và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định…

Quan hệ quốc phòng với Lào và Campuchia dựa trên cơ sở tình hữu nghị truyền thống, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, nâng cao hiệu quả, đi vào thực chất đáp ứng nhu cầu bảo vệ an ninh của mỗi nước. Trong điều kiện các nước bạn còn có những khó khăn, nền kinh tế - quốc phòng còn chưa phát triển… nhưng trên cơ sở tôn trọng độc lập tự chủ và lợi ích của bạn, chúng ta cần xây dựng mối quan hệ hợp tác vừa đem lại lợi ích cho đất nước mình, vừa tạo điều kiện giúp bạn mạnh lên, đồng thời tăng cường mối quan hệ truyền thống đoàn kết, gắn bó thêm sâu sắc, bền vững và lâu dài.

Cần coi trọng và tập trung đầu tư cho quan hệ hợp tác quốc phòng với Trung Quốc - quốc gia láng giềng có truyền thống quan hệ hữu nghị tốt đẹp, hiện là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, đồng thời cũng đang tồn tại những vấn đề khác biệt - nhất là những vấn đề trên biển Đông cần được giải quyết trong tình đồng chí, anh em, láng giềng gần gũi, bằng biện pháp hoà bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, công khai minh bạch, trên cơ sở tôn trọng và tin cậy lẫn nhau.

Ở đây, quan hệ quốc phòng có một ý nghĩa và tác dụng rất đặc biệt để tăng cường hợp tác phát triển về mặt chiến lược, vừa để đấu tranh giải quyết những khác biệt, hướng tới một quan hệ thật sự tốt đẹp, bình đẳng, ổn định, bền vững, lâu dài. Muốn có được mối quan hệ tốt đẹp như vậy, hoà hiếu chưa đủ, mà quan trọng hơn cả là ta phải giữ cho được độc lập tự chủ và tìm kiếm lợi ích chung trên con đường phát triển của hai nước. Thực tế cho thấy trong thời gian qua, khi chúng ta giữ vững độc lập tự chủ, tôn trọng lợi ích của bạn thì chúng ta đã tăng cường quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, từng bước nâng cao hiệu quả hợp tác, đồng thời bàn bạc giải quyết những bất đồng còn tồn tại.

Quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam với các thành viên của ASEAN cần chú trọng hiệu quả trong quá trình xây dựng cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN, cần đặt trọng tâm vào những nội dung gắn với an ninh của Việt Nam như vấn đề an ninh biển, vấn đề sông Mê Kông... Cần chú ý thích đáng để mở rộng hợp tác với các đối tác lớn như Nga, Ấn Độ, Mỹ... và dần dần đi vào thực chất ở các khía cạnh, nội dung và mức độ khác nhau, đáp ứng nhu cầu quốc phòng của đất nước. Chúng ta cũng coi trọng và tiếp tục phát triển quan hệ quốc phòng với các nước bạn bè truyền thống như Cuba, các nước Đông Âu, Liên Xô cũ…

Quan hệ quốc phòng đa phương cần phát huy các thành tích đã đạt được trong năm Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN, tiếp tục khẳng định vai trò của cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), cũng như tiếp tục nghiên cứu để tham gia ngày càng sâu hơn vào các hoạt động hợp tác quốc phòng đa phương khác trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc.

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ nêu trên, cần chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại quốc phòng, tiếp tục đưa các mối quan hệ quốc tế về quốc phòng đi vào chiều sâu. Trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, công tác đối ngoại quốc phòng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước, bám sát sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, chủ động, tích cực phát triển đồng bộ, toàn diện, có chiều sâu, lấy hiệu quả làm thước đo thực hiện nhiệm vụ của quân đội, nhiệm vụ quốc phòng của đất nước, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc".
[BDV news]


Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

>> Sức mạnh Không quân Indonesia



[BDV news] Indonesia đang bắt đầu khôi phục lại các lực lượng vũ trang vốn danh tiếng một thời.

Trong kế hoạch “khoác cho quân đội bộ áo mới”, bước đầu giới chức Indonesia tập trung khôi phục lại lực lượng không quân với khoản kinh phí lên đến 150.000 tỷ rupi cho kế hoạch 5 năm tới.

Đồng thời, Indonesia không ngần ngại tuyên bố sẽ tăng số lượng các cuộc tập trận quân sự trên không để nâng cao khả năng tác chiến.

Để thực hiện kế hoạch khôi phục sức mạnh cho không quân, Indonesia dự định sẽ mua sắm các loại máy bay mới, các trang thiết bị kỹ thuật quân sự của các nước châu Âu, Mỹ và Nga.

Sau đỉnh cao là khủng hoảng
Không quân Indonesia được thành lập từ năm 1946, tiền thân là một quân chủng với số lượng nhân sự và sức mạnh khá khiêm tốn.

Đầu những năm 1960, dù đảng Cộng sản Indonesia không nắm quyền, nhưng vẫn có một uy tín chính trị tương đối cao và ảnh hưởng lớn đến chính sách quốc phòng. Dựa vào đó, Indonesia đã tăng cường hợp tác quân sự với Trung Quốc và Nga. Nhờ vậy, Indonesia đã đầu tư sức mạnh cho lực lượng không quân của mình.



MiG-17 trong biên chế Không quân Indonesia.


Cụ thể, năm 1961, Indonesia trở thành khách hàng thứ hai của Liên Xô mua máy bay ném bom Tu-16. Ngoài ra, Indonesia tích cực mua sắm các loại máy bay hiện đại khi đó, như MiG-15, MiG-17, MiG-19, MiG-21, Il-28, An-12, La-11 và trực thăng Mi-4, Mi-6... Các loại máy bay này được sử dụng trong khoảng thời gian khá lâu cùng thời với với Ту-2, B-25 Mitchel, A-26 Invader, P-51 Mustang, C-47 Dakota.

Với sức mạnh tiềm năng khá lớn (hơn 400 máy bay và trực thăng), đến cuối năm 1965, không quân Indonesia đã trở thành lưc lượng không quân có uy lực mạnh nhất ở nam bán cầu.

Tuy nhiên, thời kỳ hưng thịnh đã nhanh chóng lụi tàn vào năm 1966, khi Thiếu tướng Khadzi Mukhammed Sukharto lên nắm quyền, làm đóng băng quan hệ của Indonesia với các nước thuộc phe XHCN. Điều này khiến các lực lượng vũ trang mất đi khả năng mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật và thiết bị phụ trợ mới.

Đầu những năm 1970, Không quân Indonesia tuyên bố, chỉ 20% máy bay trong trang bị có thể thực hiện các chuyến bay, số còn lại đã không thể hoạt động và cần phải sửa chữa.

Năm 1970, tất cả các loại máy bay MiG-15, MiG-17, MiG-19, MiG-21 và Tu-16, muộn hơn nữa là B-25 và P-51 bị loại khỏi biên chế.


Những "chiến binh" tạo nên đỉnh cao sức mạnh một thời của Không quân Indonesia lần lượt bị loại khỏi biên chế. Trong ảnh là máy bay ném bom Tu-16 của Không quân Indonesia.


Trên thực tế, trong thời gian hàng chục năm, Không quân Indonesia được liệt vào loại kém nhất trong khu vực.

Tình hình có vẻ được cải thiện đôi chút vào cuối những năm 1970 khi Austrailia chuyển giao cho Indonesia một vài máy bay tiêm kích F-86 Sabre. Sau đó, Indonesia đã “tậu” được của Anh các máy bay huấn luyện chiến đấu BAE Hawk Mk.53. Cuối những năm 1980, không quân nước này đã mua của Mỹ và Israel các máy bay tấn công A-4 Skyhawk và máy bay tiêm kích F-5E/F Tiger II. Năm 1989, Indonesia mua thêm của Mỹ 12 máy bay tiêm kích F-16 Fighting Falcon.

Indonesia đã tổ chức nhiều vụ thầu cung cấp máy bay chiến đấu và vận tải. Cụ thể, không quân nước này có kế hoạch sở hữu 60 máy bay tiêm kích F-16, 24 Su-30KI và một vài BAE Hawk. Nhưng kế hoạch này ngay lập tức đã bị tiêu tan vào năm 1992 khi Mỹ tuyên bố cắt đứt hợp tác quân sự với Indonesia với lý do Indonesia đã tiến hành các hoạt động quân sự tại Đông Timor, tây Papua và Achekh. Sau Mỹ, nhiều nước châu Âu đã cắt đứt quan hệ ngoại giao, kinh tế và quân sự với nước này.

Cùng với lệnh cấm vận, hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã tước đi hoàn toàn khả năng mua sắm các trang thiết bị quân sự và thiết bị ở thị trường bên ngoài của Indonesia. Chính vì vậy, không quân Indonesia lâm vào khủng hoảng, yếu kém.

Hiện nay, trong trang bị của không quân có 330 máy bay và trực thăng huấn luyện, huấn luyện - chiến đấu, chiến đấu, vận tải. Trong số các loai máy bay trên, theo các đánh giá khác nhau, chỉ có 150-260 có thể hoàn thành các chuyến bay. Và tất cả các loại máy bay này cần sửa chữa và hiện đại hoá.

“Vươn vai thức giấc” mạnh mẽ
Năm 2005, khi Chính phủ Indonesia và lãnh đạo nhóm nổi dậy “Acher tự do” ký thảo hiệp hoà bình, Mỹ đã bãi lệnh cấm vận vũ khí cho nước này. Nhờ vậy, Không quân Indonesia có những bước khởi sắc.

Theo số liệu của Flightglobal MiliCAS, trong trang bị của Không quân Indonesia chỉ còn 194 máy bay và trực thăng có thể cất cánh (1).

Vào tháng 3/2011, Tư lệnh không quân Indonesia, Imam Sufaat tuyên bố, không quân cần tăng số lượng các trang thiết bị kỹ thuật, bởi trong 5 năm tới đất nước sẽ tiến hành nhiều chiến dịch quân sự.

Theo kế hoạch này, không loại trừ khả năng Indonesia sẽ tiếp tục tham gia các chiến dịch hoà bình của Liên Hợp Quốc (2).

Với kế hoạch phát triển không quân trong 5 năm tới, Indonesia dự định chi khoản ngân sách 150.000 tỷ rupi, tương đương 17 tỷ USD. 2/3 số tiền trên sẽ lấy từ ngân sách quốc gia, số còn lại Bộ Quốc phòng sẽ nhận dưới dạng thanh toán tín dụng.


Không quân Indonesia ngày càng có nhiều hoạt động hợp tác quốc phòng.


Với số tiền này, Indonesia sẽ mua các máy bay tiêm kích mới, máy bay vận tải quân sự, trực thăng tìm kiếm cứu hộ và hiện đại hoá các trang thiết bị kỹ thuật hàng không hiện có trong trang bị.

Không quân nước này dự định hiện đại hoá 4 Su-27SK và Su-30MK biến thể SKM và MK2, 10 máy bay tiêm kích F-16A/B, tiến hành đại tu 15 máy bay tiêm kích F-15E.

Tháng 1/2011, Indonesia đã ký hợp đồng với công ty Arinc Engineering của Mỹ hiện đại hoá 5 máy bay vận tải quân sự C-130B. Dự kiến, các máy bay này sẽ được trang bị các thiết bị hàng không mới và vỏ khác, chuyển giao cho không quân Indonesia trong thời gian 3 năm tới.

Ngoài ra, không quân Indonesia đang xem xét khả năng mua đến 6 máy bay vận tải quân sự C-27J Spartan hoặc Casa CN-295. Dự kiến, việc mua sắm máy bay sẽ được thực hiện trong khuôn khổ đấu thầu.

Ngày 21/3/2011, theo thông báo, Công ty hàng không Indonesia Garuda đã bán cho không quân nước này 2 máy bay vận tải đã qua sử dụng B737-400. Không quân sẽ sử dụng để vận chuyển quân đổ bộ.


Không quân Indonesia có những bước tiến mạnh mẽ thời gian gần đây. Trong ảnh là một phi đội F-16 trong biên chế Không quân Indonesia.


Hiện nay, Indonesia tiến hành đàm phán với Mỹ mua 24 máy bay tiêm kích đã qua sử dụng F-16A/B Block 25. Bộ Quốc phòng Mỹ trước đó đã đề xuất viện trợ miễn phí cho Indonesia các máy bay này với điều kiện sau khi nhận được máy bay nước này, Indonesia phải thuê các công ty Mỹ sửa chữa và hiện đại hoá.Indonesia đã thông qua đề xuất của Mỹ và tuyên bố rằng, việc hiện đại hoá các máy bay Mỹ “cho không” sẽ rẻ hơn mua 6 chiếc F-16C/D Block 52 mới như dự kiến.

Ngoài ra, Indonesia đã gửi yêu cầu không chính thức đến Anh để mua 24 máy bay tiêm kích Eurofighter Typhoon. Nếu đề xuất này được chính phủ Anh tán thành thì tổng giá trị của hợp đồng sẽ lên tới 5 tỷ bảng, tương đương 8,1 tỷ USD.

Để thực hiện kế hoạch hiện đại hoá không quân, ngoài những đối tác trên, Indonesia còn đặc biệt quan tâm đến nhà cung cấp truyền thống – Nga.


Indonesia nhập khẩu máy bay chiến đấu Su-30MK của Nga.


Bộ Quốc phòng Indonesia tuyên bố trong 10 năm tới sẽ mua 180 máy bay tiêm kích Sukhoi để thành lập 10 phi đội bay.

Tháng 9/2010, Indonesia tuyên bố đã mua thêm 6 tiêm kích Su-30MK2. Trong tương lai, máy bay tiêm kích của Nga sẽ là lực lượng nòng cốt trong thành phần máy bay chiến đấu của không quân Indonesia.

Tháng 6/2010, Indonesia đã ký thoả thuận tham gia dự án chung với Hàn Quốc chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình KF-X thế hệ "4++".

KF-X thế hệ "4++" sẽ được chế tạo bằng cách sử dụng công nghệ tàng hình và theo sự mô tả kỹ thuật, nó có khả năng vượt trội so với máy bay Rafale và Typhoon, tuy nhiên không thể sánh được với tiêm kích F-22 Raptor và F-35 Lightning II.

Với việc tham gia dự án chung với Hàn Quốc, không quân Indonesia dự định sẽ sở hữu 50 máy bay tiêm kích KF-X.

(1) Cụ thể là các loại máy bay tiêm kích F-16A, Hawk Mk.209, Mirage 2000, Su—27SK/SKM, Su-30МК/МК2, máy bay tấn công OV-10 Bronco, máy bay tuần tiễu B737MPA, CN-235MPA, máy bay tiếp dầu KC-130B, máy bay vận tải C-130B/H/L-100 Hercules, C-212 Aviocar, Casa CN-235, Fokker F-27 Friendship, Pilatus PC-6 Porter, trực thăng tấn công đa năng AS332 Super Puma, Bell 412, EC725 Super Cougar và SA330 Puma.

Ngoài ra, không quân nước này còn trang bị máy bay trực thăng huấn luyện EC120B Colibri, máy bay SF.260, F-16B, Hawk Mk.53, Hawk Mk.109, KT-1 Ungbi và T-34 Mentor.

(2) Trước đó, với tư cách là thành viên, Indonesia đã tham gia các chiến dịch của Liên Hợp Quốc tại nước Cộng hoà Dân chủ Congo, Lebanon, chiến dịch thứ nhất và thứ hai tại Somali, Bosnia và Campuchia. Ngoài ra, quân đội nước này còn tham gia chế áp du kích tại Tây Papua.


Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

>> Việt Nam đề xuất hợp tác giữa quân đội ASEAN



[BDV news] Ngày 31/3, Hội nghị không chính thức Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước thành viên ASEAN lần thứ 8 (ACDFIM-8) đã diễn ra tại Jakarta, với sự tham dự của nhiều tham mưu trưởng quân đội và tướng lĩnh các nước ASEAN.


Tổng Tham mưu Trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ dẫn đầu đoàn quân sự cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị.




Phát biểu tại ACDFIM-8 với chủ đề "Phát huy sự đồng tâm hiệp lực của quân đội các nước ASEAN trong đối phó với những thách thức hiện tại của khu vực," Trung tướng Đỗ Bá Tỵ đã trình bày quan điểm của Quân đội Việt Nam về vấn đề an ninh khu vực và đề xuất phương hướng hợp tác giữa quân đội các nước ASEAN trong thời gian tới.

Về tình hình an ninh Biển Đông, vấn đề đang được khu vực và thế giới quan tâm, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ nêu rõ Biển Đông là vùng biển gắn với lợi ích của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực, song vùng biển này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn khó lường. Các tranh chấp chủ quyền trên biển vẫn chưa được giải quyết. Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) chưa đủ sức mạnh pháp lý để được các bên tuân thủ nghiêm túc.

Việt Nam luôn nhất quán trong chủ trương giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và tinh thần của DOC trong khi tiếp tục tìm giải pháp đảm bảo hòa bình và ổn định lâu dài.

Vấn đề an ninh Biển Đông đòi hỏi nỗ lực hợp tác của tất cả các nước trong khu vực và có lợi ích liên quan, đặc biệt trong giải quyết vấn đề an ninh phi truyền thống, góp phần thực hiện đầy đủ DOC, ngăn chặn hoạt động làm phức tạp tình hình, các cuộc diễn tập phô trương sức mạnh quân sự hay đe dọa các nước khác.

Nhân dịp này, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ đã đề xuất một số vấn đề cụ thể cần được tập trung trong hợp tác giữa quân đội các nước ASEAN như xây dựng nhận thức chung về các mối đe dọa và thách thức trong khu vực thông qua tăng cường chia sẻ và trao đổi; thiết lập đường dây nóng và phối hợp tuần tra chung giữa hải quân các nước nhằm đối phó với các thách thức an ninh biển; xây dựng và hoàn thiện cơ chế hợp tác giữa quân đội các nước ASEAN, đặc biệt trong tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa thiên tai; thành lập các lực lượng phản ứng nhanh có khả năng ứng phó khẩn cấp tại chỗ cũng như hỗ trợ các nước láng giềng khi cần.

Trung tướng đề xuất hợp tác xây dựng các trung tâm cảnh báo sớm; tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, phối hợp chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia; tăng cường diễn tập cả trên sa bàn và thực tế; tăng cường trao đổi đoàn, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.

Đại biểu nước chủ nhà Indonesia, Malaysia và Singapore cũng đã phát biểu chia sẻ quan điểm về tình hình ở Biển Đông.

Cũng nhân dịp này, Trung tướng Đỗ Bá Tỵ đã bày tỏ chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Nhật Bản cũng như Chính phủ và nhân dân Myanmar trước những thiệt hại to lớn do hậu quả các trận động đất và sóng thần mới đây.



Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

>> Indonesia tự hào với chiến hạm nội địa mới



Công ty đóng tàu quốc gia PT Palindo Marine Industri (PMI), có trụ sở tại Batam, đã đóng hoàn thiện chiếc tàu chiến KRI Clurit-641.

“Hiện nay, chúng ta đã có điều để tự hào vì nguồn nhân lực của Indonesia có khả năng đóng được tàu chiến”, Bộ trưởng Quốc phòng Purnomo Yusgiantoro phát biểu khi đến thăm nhà máy đóng tàu PMI ngày 27/2.

Chiến hạm KRI Clurit-641, phát triển với sự trợ giúp của các sinh viên tốt nghiệp từ Viện Công nghệ Surabaya, được trang bị một hệ thống điều khiển vũ khí cảm biến (Sewaco), hệ thống vũ khí tầm gần (CIWS) và các tên lửa.

Tàu KRI Clurit-641 dài khoảng 44m, rộng 8m và cao 3,4m; tàu có thể đạt tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ và phóng tên lửa có điều khiển C-705 với khoảng cách vài trăm mét. Tàu sử dụng một động cơ 5 chân vịt.

Chuẩn Đô đốc Marsatio, Tư lệnh Hạm đội Miền Tây của Hải quân Indonesia, cho biết chiến hạm KRI Clurit-641 sử dụng thiết bị công nghệ khác với các tàu chiến nước ngoài. “Chúng ta có lý do để tự hào vì chúng ta có thể tự đóng được tàu chiến,” ông Marsatio nói.



Chiến hạm KRI /Clurit-641. Ảnh chụp màn hình vô tuyến.




Quan sát mô hình chiến hạm KRI Clurit-641 thấy, có thể tàu được trang bị pháo đa năng đối hải - phòng không phía trước, hai bệ phóng diệt hạm kèm một xuồng đổ bộ phía sau. Ở phần thân tàu có 2 súng máy phòng không và 2 dàn phóng rocket chống ngầm.

(Antara news )

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang