Ngày 18/5, tại cuộc hội đàm song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước này và tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ năm (ADMM-5), Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh và người đồng cấp nước chủ nhà đã trao đổi một số vấn đề khu vực cùng quan tâm và nhất trí các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng-an ninh giữa hai nước. Chào mừng Đại tướng Phùng Quang Thanh và Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro bày tỏ hy vọng ADMM-5 sẽ có kết quả tốt đẹp để phát huy những thành quả về hợp tác an ninh-quốc phòng mà các nước ASEAN đã đạt được trong năm 2010 khi Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN. Đại tướng Phùng Quang Thanh đánh giá cao công tác chuẩn bị ADMM-5 và sự đón tiếp trọng thị, tình cảm hữu nghị chân thành mà phía Indonesia dành cho đoàn Việt Nam. Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ đóng góp tích cực và tin tưởng chắc chắn ADMM-5 sẽ thành công tốt đẹp. Tại cuộc hội đàm, hai Bộ trưởng thống nhất cần sớm thúc đẩy việc triển khai thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương mà Bộ Quốc phòng hai nước ký tháng 10/2010, tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng hai bên cần sớm lập nhóm làm việc để trao đổi biện pháp triển khai tất cả các lĩnh vực trong Bản ghi nhớ; nhấn mạnh Việt Nam mong muốn lĩnh vực hải quân sẽ đi đầu trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước, muốn mời nhóm chuyên viên của Hải quân Indonesia sang thăm và làm việc với Hải quân Việt Nam để thảo luận việc thực hiện tuần tra chung và thiết lập kênh thông tin liên lạc giữa hải quân hai nước; bày tỏ hy vọng Tư lệnh Hải quân hai bên sẽ ký kết thỏa thuận này trong năm nay. Nhất trí với ý kiến của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Purnomo Yusgiantoro khẳng định Indonesia sẽ sớm lập nhóm công tác và cử Phó Tư lệnh Hải quân Indonesia sang thăm và làm việc với Hải quân Việt Nam. Về hợp tác trên các diễn đàn đa phương, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ Indonesia đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN; nhấn mạnh thành công của Indonesia là thành công chung của cả ASEAN, trong đó có Việt Nam. Về vấn đề xung đột biên giới giữa Campuchia và Thái Lan, hai bên nhất trí cho rằng đây là điều đáng tiếc cho tiến trình xây dựng Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN, ảnh hưởng tới liên kết nội khối và tình đoàn kết của các nước ASEAN. Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ là nước láng giềng của cả Thái Lan và Campuchia, và cùng là thành viên của ASEAN, Việt Nam hoan nghênh hai bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, mong muốn hai bên không để tái diễn xung đột và tiếp tục thực hiện cam kết tại cuộc họp không chính thức các Ngoại trưởng ASEAN tại Jakarta ngày 22/2. Việt Nam ủng hộ vai trò của ASEAN hỗ trợ hai bên giải quyết hòa bình các tranh chấp, ủng hộ Indonesia với tư cách là Chủ tịch ASEAN tiếp tục các nỗ lực hỗ trợ trên cơ sở đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương ASEAN, nhất là tham vấn và đồng thuận. Việt Nam mong muốn Indonesia, với cương vị Chủ tịch ASEAN 2011, sớm cử quan sát viên tới giúp giải quyết vấn đề xung đột biên giới giữa Thái Lan và Campuchia, và tiếp tục đóng góp tích cực vào tiến trình này. Bộ trưởng Purnomo Yusgiantoro cho biết trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Indonesia đang nỗ lực góp phần giải quyết vấn đề xung đột biên giới giữa Thái Lan và Campuchia. Indonesia sẵn sàng cử quan sát viên tới khu vực tranh chấp khi được hai bên đồng ý. Bộ trưởng Purnomo Yusgiantoro nhất trí rằng công việc của ASEAN phải được giải quyết theo các nguyên tắc của ASEAN, trên cơ sở Hiến chương ASEAN. Về vấn đề Biển Đông, Đại tướng Phùng Quang Thanh đánh giá nhìn chung hiện nay vẫn giữ được ổn định. Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng các nước dù đang tranh chấp chủ quyền, ở ven bờ và cả trong khu vực đều có lợi ích và nguyện vọng chung là duy trì hòa bình, ổn định để hợp tác cùng phát triển. Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ: “Quan điểm của Việt Nam là các tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Các nước ASEAN và Trung Quốc cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), được ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 tại Campuchia. ASEAN và Trung Quốc tiến tới soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).” Bộ trưởng Purnomo Yusgiantoro khẳng định Indonesia muốn Biển Đông là một khu vực ổn định, an ninh và tự do hàng hải được đảm bảo. Bộ trưởng thông báo Indonesia đã đưa vấn đề này vào dự thảo Tuyên bố chung của ADMM-5, nêu rõ Indonesia chia sẻ mong muốn các bên liên quan sẽ đạt được COC trong tương lai gần. Cùng ngày, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam đã đến chào xã giao Phó Tổng thống Indonesia Boediono./. [Vitinfo news] |
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hội nghị ADMM-5. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hội nghị ADMM-5. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011
>> Việt Nam-Indonesia chia sẻ quan điểm hợp tác quốc phòng
Nhãn:
biển đông,
DOC,
Hải quân Indonesia,
Hải quân Việt Nam,
Hội nghị ADMM-5,
Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN,
Phùng Quang Thanh,
Quân đội Việt Nam,
viet nam
Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011
>> 'Phải làm thất bại mọi âm mưu xâm phạm chủ quyền'
Đó là một trong những nhiệm vụ cơ bản của đối ngoại Quốc phòng Việt Nam được Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, khẳng định. Trước thềm Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN lần thứ 5 (ADMM-5) tổ chức ngày 19/5 tại Jakarta (Indonesia), Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã có bài viết gửi VnExpress, nêu rõ quan điểm, nội dung và chiến lược đối ngoại quốc phòng của Việt Nam trong thời gian tới. Dưới đây là nội dung bài viết được trích đăng: "Lần đầu tiên trong các kỳ đại hội của Đảng, Đại hội 11 đã đề cập trực tiếp đến công tác đối ngoại quốc phòng đó là: "Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh". Trên cơ sở định hướng quan trọng đó của Đảng, cần nhận thức sâu sắc về mục tiêu của hội nhập quốc tế trên lĩnh vực quốc phòng, nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mục tiêu này chính là lợi ích quốc gia, dân tộc và phải được xem là thước đo hiệu quả của mọi hoạt động đối ngoại nói chung và nói riêng. Để bảo vệ lợi ích quốc gia, công tác đối ngoại quốc phòng trước hết cần nắm vững và vận dụng quan điểm của Đảng về đối tượng, đối tác được nêu rõ trong Nghị quyết trung ương 8 (khoá 9) về Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Từ quan điểm nêu trên, việc xác định đối tượng, đối tác để hợp tác và đấu tranh trong công tác đối ngoại quốc phòng phải lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm tiêu chí cơ bản. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh: Nguyễn Hưng. Quan hệ quốc tế về quốc phòng nhằm đem lại và bảo vệ các lợi ích quốc gia về chính trị, ngoại giao, quốc phòng an ninh, khoa học - công nghệ, kinh tế... phục vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đó chính là lợi ích cơ bản của đất nước, và cũng là mục tiêu cơ bản của công tác đối ngoại quốc phòng, trên nguyên tắc giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác phát triển, cùng có lợi. Cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế, giữa bảo vệ lợi ích quốc gia với đóng góp cho hoà bình, ổn định của khu vực và trên thế giới. Trong quá trình hợp tác khu vực và quốc tế, do sự đan xen và mâu thuẫn về lợi ích, tất yếu sẽ dẫn đến những điểm đồng và bất đồng giữa các nước đối với các vấn đề an ninh - quốc phòng. Chúng ta cần chủ động, tích cực phát huy các điểm đồng, có giải pháp phù hợp khắc phục bất đồng nhằm thúc đẩy hợp tác để vừa bảo vệ được các lợi ích cơ bản của đất nước, vừa bảo đảm lợi ích chính đáng của các đối tác và lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế. Tất cả các điểm đồng đều phải hướng về một điểm cơ bản là đồng về lợi ích - ở đây là lợi ích chính đáng của đất nước ta, của các nước bạn bè, đối tác, lợi ích chung của khu vực và thế giới chứ không phải là lợi ích cục bộ theo kiểu “được mình, hại người”, ngược lại, càng không thể vì lợi ích “chung chung” mà quên đi hay coi nhẹ mục đích lợi ích cơ bản, tiên quyết, đó là lợi ích của dân tộc mình. Giữ vững độc lập tự chủ là nguyên tắc cơ bản, bất di, bất dịch và cần được quán triệt trong mọi kế hoạch, biện pháp công tác đối ngoại quốc phòng, là cơ sở để nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trong quan hệ quốc tế, là điều kiện để hội nhập thành công. Hội nhập quốc tế trên lĩnh vực quốc phòng nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước cả về tiềm lực và thế trận, để giữ vững độc lập, tự chủ của đất nước. Ngược lại, giữ vững độc lập, tự chủ là điều kiện thuận lợi cơ bản để tăng cường hội nhập quốc tế về quốc phòng. Nếu không có độc lập, tự chủ thì không thể hội nhập thành công, và dù có “thân thiện” đến mấy cũng không đem lại lợi ích đích thực cho đất nước, mà sẽ càng ngày càng sa vào lệ thuộc. Khi chúng ta giữ độc lập tự chủ, giành lợi ích cho đất nước thì cũng phải tôn trọng độc lập tự chủ và lợi ích của các nước khác. Nếu một nước đối tác không có độc lập tự chủ thì khó có thể hợp tác bền vững và đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Đồng thời phải giữ cho được quan hệ bình đẳng, không phân biệt giữa nước lớn và nước nhỏ. Thấm nhuần tư duy của Đảng về hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại quốc phòng trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chính sau: Một là, hợp tác quốc phòng trong những năm tới cần được tiến hành đồng bộ với hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực khác để tạo thành một thể thống nhất trong chiến lược chung của quốc gia, giữ vững mối quan hệ hữu cơ giữa xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đối ngoại quốc phòng không chỉ nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của đất nước mà còn phải tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước hết và trên hết, công tác đối ngoại quốc phòng phải đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước, đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Hai là, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia. Đối ngoại quốc phòng phải trở thành một trong những lực lượng nòng cốt cùng toàn dân thực hiện thắng lợi chiến lược bảo vệ tổ quốc. Đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các đối tác để có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề an ninh có liên quan, đẩy mạnh hợp tác với các nước láng giềng để bảo vệ an ninh biên giới, giữ vững chủ quyền của tổ quốc. Phối hợp chặt chẽ với ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh ngoại giao với đấu tranh trên thực địa để làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam. Hợp tác và đấu tranh trong quan hệ quốc tế, trong bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích quốc gia là hai mặt của một vấn đề, không thể xem nhẹ mặt nào. Chúng ta đấu tranh không khoan nhượng trên những vấn đề có tính nguyên tắc nhưng lại mềm dẻo, linh hoạt trong các vấn đề cụ thể để có thể hợp tác giải quyết các bất đồng, thông qua hợp tác để tác động, đấu tranh nhằm hạn chế các hoạt động xâm phạm chủ quyền của tổ quốc. Cần phải công khai minh bạch về chính sách đối ngoại quốc phòng để xây dựng lòng tin trong bạn bè quốc tế và phát huy tối đa sức mạnh chính nghĩa của ta. Ba là, công tác đối ngoại quốc phòng góp phần quan trọng trong đấu tranh chống diễn biến hoà bình, chống bạo loạn lật đổ; bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và ổn định chính trị của đất nước. Thông qua mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hợp tác, đối ngoại quốc phòng tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa quân đội và nhân dân ta với quân đội và nhân dân các nước, làm cho các nước hiểu rõ hơn đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Như vậy, đối ngoại quốc phòng có thể làm thất bại ngay từ bên ngoài các luận điệu tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa của các thế lực thù địch. Mặt khác, đối ngoại quốc phòng phải đấu tranh có hiệu quả đối với âm mưu nhằm phi chính trị hoá quân đội, tách quân đội khỏi sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, phòng và chống các hoạt động tuyên truyền phản cách mạng, các tác động tiêu cực của hội nhập quốc tế đến tư tưởng của quân đội. Bốn là đối ngoại quốc phòng tích cực góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, tiếp thu các kiến thức quân sự hiện đại của thế giới. Mặt khác, thông qua các cơ chế hợp tác công nghiệp, khoa học kỹ thuật, thương mại quốc phòng, tranh thủ các nguồn lực về vốn, khoa học - công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến…, để trang bị cho quân đội các loại vũ khí, khí tài ngày càng hiện đại, phù hợp với điều kiện và nghệ thuật quân sự Việt Nam, làm cho đất nước ngày càng tự chủ về khoa học, kỹ thuật quân sự, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện trong thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật. Trong thời gian tới, cần tập trung phát triển các mối quan hệ quốc phòng theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng. Kết hợp chặt chẽ giữa hợp tác song phương và đa phương. Quan hệ quốc phòng song phương với các nước láng giềng cần được ưu tiên và không ngừng phát triển ngày càng sâu sắc, phát huy các điểm đồng về lợi ích kinh tế, mô hình phát triển, nhu cầu hợp tác xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, bảo vệ an ninh chung và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định… Quan hệ quốc phòng với Lào và Campuchia dựa trên cơ sở tình hữu nghị truyền thống, tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, nâng cao hiệu quả, đi vào thực chất đáp ứng nhu cầu bảo vệ an ninh của mỗi nước. Trong điều kiện các nước bạn còn có những khó khăn, nền kinh tế - quốc phòng còn chưa phát triển… nhưng trên cơ sở tôn trọng độc lập tự chủ và lợi ích của bạn, chúng ta cần xây dựng mối quan hệ hợp tác vừa đem lại lợi ích cho đất nước mình, vừa tạo điều kiện giúp bạn mạnh lên, đồng thời tăng cường mối quan hệ truyền thống đoàn kết, gắn bó thêm sâu sắc, bền vững và lâu dài. Cần coi trọng và tập trung đầu tư cho quan hệ hợp tác quốc phòng với Trung Quốc - quốc gia láng giềng có truyền thống quan hệ hữu nghị tốt đẹp, hiện là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, đồng thời cũng đang tồn tại những vấn đề khác biệt - nhất là những vấn đề trên biển Đông cần được giải quyết trong tình đồng chí, anh em, láng giềng gần gũi, bằng biện pháp hoà bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, công khai minh bạch, trên cơ sở tôn trọng và tin cậy lẫn nhau. Ở đây, quan hệ quốc phòng có một ý nghĩa và tác dụng rất đặc biệt để tăng cường hợp tác phát triển về mặt chiến lược, vừa để đấu tranh giải quyết những khác biệt, hướng tới một quan hệ thật sự tốt đẹp, bình đẳng, ổn định, bền vững, lâu dài. Muốn có được mối quan hệ tốt đẹp như vậy, hoà hiếu chưa đủ, mà quan trọng hơn cả là ta phải giữ cho được độc lập tự chủ và tìm kiếm lợi ích chung trên con đường phát triển của hai nước. Thực tế cho thấy trong thời gian qua, khi chúng ta giữ vững độc lập tự chủ, tôn trọng lợi ích của bạn thì chúng ta đã tăng cường quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, từng bước nâng cao hiệu quả hợp tác, đồng thời bàn bạc giải quyết những bất đồng còn tồn tại. Quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam với các thành viên của ASEAN cần chú trọng hiệu quả trong quá trình xây dựng cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN, cần đặt trọng tâm vào những nội dung gắn với an ninh của Việt Nam như vấn đề an ninh biển, vấn đề sông Mê Kông... Cần chú ý thích đáng để mở rộng hợp tác với các đối tác lớn như Nga, Ấn Độ, Mỹ... và dần dần đi vào thực chất ở các khía cạnh, nội dung và mức độ khác nhau, đáp ứng nhu cầu quốc phòng của đất nước. Chúng ta cũng coi trọng và tiếp tục phát triển quan hệ quốc phòng với các nước bạn bè truyền thống như Cuba, các nước Đông Âu, Liên Xô cũ… Quan hệ quốc phòng đa phương cần phát huy các thành tích đã đạt được trong năm Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN, tiếp tục khẳng định vai trò của cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), cũng như tiếp tục nghiên cứu để tham gia ngày càng sâu hơn vào các hoạt động hợp tác quốc phòng đa phương khác trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ nêu trên, cần chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại quốc phòng, tiếp tục đưa các mối quan hệ quốc tế về quốc phòng đi vào chiều sâu. Trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, công tác đối ngoại quốc phòng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước, bám sát sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, chủ động, tích cực phát triển đồng bộ, toàn diện, có chiều sâu, lấy hiệu quả làm thước đo thực hiện nhiệm vụ của quân đội, nhiệm vụ quốc phòng của đất nước, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc". [BDV news] |
Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011
>> Đoàn quân sự Việt Nam dự ADSOM và ADSOM+
TTXVN ngày 30/4 đưa tin: Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao các nước ASEAN (ADSOM) và Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao các nước ASEAN mở rộng (ADSOM+).
Hai hội nghị diễn ra tại thành phố Yogyakarta của Indonesia từ ngày 27 đến ngày 29/4. Đây là hai hội nghị quan chức quốc phòng ASEAN đầu tiên được tổ chức để triển khai các quyết định của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ nhất, được tổ chức tại Việt Nam hồi tháng 10 năm ngoái. Tham dự hội nghị có các thứ trưởng, thư ký thường trực Quốc phòng các nước ASEAN và tám nước đối tác đối thoại của ASEAN gồm Nga, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có bài phát biểu tập trung vào Chương trình hành động ba năm (2011-2013) của ADMM, trong đó nhấn mạnh đến các thách thức an ninh đang nổi lên ở khu vực, như xung đột biên giới Thái Lan-Campuchia, an ninh môi trường và tài nguyên nước trong khu vực. Trung tướng nhấn mạnh vấn đề an ninh trên Biển Đông không chỉ tác động, ảnh hưởng đến lợi ích các nước trực tiếp liên quan mà còn tác động mạnh mẽ đến nhiều quốc gia khác có lợi ích trong khu vực. Trung tướng tái khẳng định cần giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 và Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); đồng thời cho rằng các bên cần phải tích cực và có trách nhiệm xây dựng Bộ quy tắc Ứng xử khu vực ở Biển Đông (COC). ảnh minh họa Cũng theo Trung tướng, các nước ASEAN có trách nhiệm yêu cầu Thái Lan và Campuchia ngừng bắn, sớm quay lại đàm phán để giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình. Trung tướng đề nghị Indonesia tích cực hơn nữa trong vai trò trung gian hòa giải theo sự ủy quyền của Liên hợp quốc và quyết định của Ngoại trưởng các nước ASEAN ngày 22/4 vừa qua. Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đã có các cuộc gặp song phương với một số đối tác quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… để trao đổi về các vấn đề hợp tác quốc phòng-quân sự song phương và đa phương trong thời gian tới. Bên lề hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh đã tới chào xã giao Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia. Thứ trưởng khẳng định Việt Nam hết sức ủng hộ Indonesia hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2011 cũng như trong việc duy trì động lực hợp tác quốc phòng giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác trong những năm tiếp theo. Thứ trưởng cũng đề xuất một số biện pháp xử lý nhân đạo đối với các ngư dân bị bắt giữ do xâm phạm chủ quyền lãnh hải các nước trong khu vực. Tại Hội nghị ADSOM, các quan chức quốc phòng ASEAN đã đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hoạt động 3 năm của ADMM (2008-2010); thảo luận các tài liệu, nội dung và chương trình nghị sự cho Hội nghị ADMM-5 (gồm Dự thảo Tuyên bố chung, Chương trình hành động 2011-2013, Tài liệu khái niệm về thiết lập Mạng lưới các Trung tâm gìn giữ hòa bình ASEAN; Tài liệu khái niệm về hợp tác công nghiệp quốc phòng ASEAN và Chương trình nghị sự của Hội nghị ADMM-5). Tại Hội nghị ADSOM+, trưởng đoàn các nước đã tập trung thảo luận và thông qua các tài liệu khái niệm thiết lập các nhóm chuyên gia (EWG); thông qua tài liệu khái niệm và đồng thuận quyết định thiết lập 5 nhóm chuyên gia theo 5 lĩnh vực hợp tác ưu tiên đã được thông qua tại ADMM+ lần thứ nhất tại Việt Nam, gồm hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; an ninh biển; chống khủng bố; quân y và gìn giữ hòa bình.
[BDV news]
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)
Chuyên mục Quân Sự
Hải quân Trung Quốc
(263)
Hải quân Mỹ
(174)
Hải quân Việt Nam
(171)
Hải quân Nga
(113)
Không quân Mỹ
(94)
Phân tích quân sự
(91)
Không quân Nga
(83)
Hải quân Ấn Độ
(54)
Không quân Trung Quốc
(53)
Xung đột biển Đông
(50)
Không quân Việt Nam
(44)
tàu ngầm
(42)
Hải quân Nhật
(33)
Không quân Ấn Độ
(16)
Tàu ngầm hạt nhân
(15)
Hải quân Singapore
(12)
Xung đột Iran - Israel
(12)
Không quân Đài Loan
(9)
Siêu tên lửa
(8)
Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
(7)
Tranh chấp biển Đông
(7)
Xung đột Trung - Mỹ
(4)
Xung đột Việt-Trung
(2)