Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Bahrain

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Bahrain. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bahrain. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

>> Vì sao Mỹ dùng vũ lực với Libya, còn Yemen và Bahrain thì không?


[BDV news] Cả ba nước đều sử dụng vũ lực để "xử lý" các cuộc biểu tình nhưng Mỹ chỉ lên kế hoạch phản ứng quân sự với mỗi Libya. Hai nước còn lại chỉ bị phản đối bằng lời bởi họ là đồng minh của Mỹ.

Khi cuộc nổi dậy lan ra khỏi Bắc Phi thì Washington tỏ ra thận trọng với cách tiếp cận riêng biệt đối với mỗi nước bởi sự ổn định tại các quốc gia giàu dầu mỏ dường như quan trọng hơn là hy vọng của Mỹ về các phong trào phản kháng.

Cụ thể, Yemen có ý nghĩa rất quan trọng đối với Washington trong cuộc chiến chống al-Qaeda. Điều này khiến chính quyền Obama phải hết sức thận trọng trong việc gây áp lực tới đâu đối với Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh.

Nói cách khác, “Mỹ rất sợ rằng nếu ông Saleh đi, Yemen sẽ sụp đổ”, bà Marina Ottaway, Giám đốc chương trình Trung Đông tại Carnegie Endowment for International Peace ở Washington nhận định. Tương tự, ở Bahrain, Mỹ có căn cứ hải quân lớn nên cũng không phản ứng quân sự.

“Mỹ luôn luôn thuyết giảng những giá trị mà chính họ không thể sống theo. Cuối cùng thì quyền lợi của Mỹ luôn là trên hết”, bà Marina khẳng định.



Mỹ chỉ lên kế hoạch phản ứng quân sự với mỗi Libya. Ảnh minh họa.

Ngay cả với Libya, sự thận trọng mới cũng đang được thể hiện. Chính quyền ngần ngại một thời gian trong việc ủng hộ quyết định áp dụng vùng cấm bay, bởi lo ngại rằng điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thứ ba của My tại một quốc gia Hồi giáo, sau Afghanistan và Iraq.

Và Mỹ chỉ quyết định việc này sau khi nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia Arab và các đồng minh châu Âu.

Và hiện vẫn chưa rõ Mỹ sẽ đóng góp quân sự tới mức nào đối với khu vực cấm bay được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, cũng như chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông Gaddafi thành công trong việc níu giữ quyền lực.

Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử và làn sóng biểu tình tràn qua khu vực, người ta có thể nói rằng thận trọng là một chính sách hợp lý, nếu nhìn từ quan điểm Mỹ.

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

>> Bắc Phi - Trung Đông: Mặt trận mới giữa Mỹ và Trung Quốc?



Năm 2010, thế giới chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt, trực diện và chưa ngã ngũ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương giữa Washington và Bắc Kinh.

Bước sang năm 2011, đã xuất hiện nhiều yếu tố khiến cuộc cạnh tranh mở rộng về không gian địa lý, gia tăng về mức độ khốc liệt. Tất cả bắt nguồn từ tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông, đặt biệt là ở Bắc Phi, khu vực mà Trung Quốc đã giành được những lợi thế nhất định sau một thời gian dài Mỹ “lơ là, mất cảnh giác”.

Những cơn địa chấn chính trị với “rừng người xuống phố” nổ ra ở khắp Bắc Phi và Trung Đông đã khiến 2 nhà lãnh đạo Tuynisia và Ai Cập ra đi, Lybia rơi vào nội chiến, và hàng loạt những quốc gia khác như Bahrain, Yemen, Jordani, Marocco, Algeria, Iran… như trên chảo lửa.

Có khá nhiều ý kiến cho rằng Mỹ đang đau đầu bởi quan ngại làn sóng biểu tình có thể khiến những nhà lãnh đạo thân Mỹ trong khu vực phải ra đi, đặc biệt, là tại Bahrain nơi Hạm đội 5 của Mỹ đồn trú. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, xét về tổng thể Mỹ sẽ được nhiều hơn mất, Trung Quốc mới là nhân vật chính phải lo ngại cho vị trí ảnh hưởng của mình sau những biến cố chính trị tại khu vực.

Mỹ được nhiều hơn mất
Cái được dễ nhận thấy là Mỹ có thêm những ví dụ sinh động, những bài học điển hình để rao giảng về những giá trị dân chủ, nhân quyền kiểu Mỹ. Việc người dân xuống đường biểu tình phản đối nhà cầm quyền độc tài, đòi tự do, công bằng, dân chủ là điều mà bất cứ chính quyền Mỹ nào cũng khuyến khích, bởi nó hướng thế giới thêm tôn thờ và mơ về “Giấc mơ Mỹ”.

Hơn nữa, điều này khá phù hợp với chính sách “Đại Trung Đông” mà Mỹ ra đề ra năm 2004 nhằm thúc đẩy dân chủ tại khu vực. Liệu đã đến lúc chúng ta nghĩ về một chính sách “Đại châu Phi” của Mỹ?

Mặt khác, những cuộc xuống đường biểu tình có thể được Mỹ lợi dụng để nhân rộng ra ở những quốc gia mà Mỹ thường chỉ trích, như Triều Tiên, Cu Ba…

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng cách cổ suý cho dân chủ của Mỹ rất linh hoạt, thậm chí mang dáng dấp của “tiêu chuẩn kép”, chẳng hạn như ủng hộ các cuộc xuống đường ở Iran, nhưng “mắt nhắm, mắt mở” khi chính quyền Bahrain giải tán các cuộc biểu tình.



Một trong những điều khiến Mỹ lo lắng nhất trong những ngày này là số phận của trụ sở Hạm đội 5 đóng ở Bahrain.

Thứ hai, sự hỗn loạn nếu tận dụng tốt sẽ là cơ hội để làm kiệt quệ, gây thiệt hại cho những đối thủ đã và đang đầu tư vào 2 khu vực này, nhưng không dựa trên những hợp đồng kinh tế mà chủ yếu dự vào mối quan hệ với nhà cầm quyền.

Khi nhà cầm quyền bị hạ bệ thì các khoản đầu tư dường như mất trắng. Điển hình là Trung Quốc, nước không ngại vung tiền cho những dự án dầu lửa, đường sắt, cơ sở hạ tầng… ở lục địa đen.

Thứ ba, xét về mặt chiến lược dài hạn, hỗn loạn cũng là cơ hội để sắp xếp lại bản đồ thế giới theo hướng phục vụ lợi ích quốc gia.

Bộ máy ngoại giao, quân sự, tình báo Mỹ đang hoạt động ráo riết, từ vận động hành lang tại Liên hợp quốc tới NATO và các đồng mình khác để đưa ra những giải pháp và sự lựa chọn có lợi. Thậm chí cả bằng các chiến dịch quân sự nhằm đảm bảo một hậu Trung Đông và Bắc Phi thân Mỹ hay chí ít cũng là không thù địch với Mỹ.

Hiện Mỹ đã điều 2 tàu chiến áp sát Lybia, sẵn sàng cho một cuộc can thiệp quân sự.

Thứ tư, khá đặc biệt, từ những vụ xuống đường ở Bắc Phi – Trung Đông, sẽ có thêm công nghệ tạo chính biến, đảo chính mới. Đó là internet với mạng xã hội, blogs…mà Mỹ là chủ nhân sáng tạo ra.


Mỹ đã sẵn sàng can thiệp quân sự vào Libya, chỉ chờ thời cơ thích hợp.

Đây là điều Trung Quốc phải suy nghĩ, phần mềm tường lửa Vạn Lý Trường Thành chưa đủ sức để đấu với công nghệ tiên tiến của phương Tây. Đã có ý kiến cho rằng việc Đài VOA quyết định từ 1/10/2011 ngừng phát sóng các bản tin tiếng Trung là để tập trung cho chiến trường trên Internet, nơi có thể tiếp cận thanh niên, tri thức dễ dàng và rộng rãi hơn để tuyên truyền về những “giá trị Mỹ”.

Có lẽ, trong tương lai cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ là cuộc cạnh tranh về công nghệ internet và kiểm soát thông tin.

Về cái mất của Mỹ, hiện chưa mấy rõ ràng, làn sóng xuống đường có thể vượt quá tầm kiểm soát của Washington và đe doạ những chế độ thân Mỹ như Bahrain. Hơn nữa, một số công ty Mỹ đầu tư tại đây có thể bị thiệt hại, nhưng sẽ không lớn bởi có những hợp đồng ràng buộc pháp lý.

Cuối cùng, có lẽ một số đồng minh của Mỹ sẽ e ngại chơi với “chú Sam”, bởi từ vụ khủng hoảng này họ chợt nhận ra họ sẽ bị Washington bỏ rơi nếu không còn hữu dụng với nước Mỹ nữa (trường hợp cựu Tổng thống Ai Cập Mubarak).

Tất nhiên đây là điều phũ phàng nhưng nó luôn đúng trong quan hệ quốc tế, đó là “không có bạn vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn”.

Trung Quốc mất nhiều hơn được
Về chính trị - ngoại giao, không gian phát triển của Trung Quốc rất có thể sẽ bị thu hẹp, do chậm chân, thiếu kinh nghiệm hoặc không có khả năng chớp thời cơ như Mỹ.

Ai cũng biết, gần đây Trung Quốc được xem là quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất châu Phi, nhiều học viện Khổng Tử đã được xây dựng và giới lãnh đạo Bắc Kinh có thể tự hào bởi họ đã khai phá được một không gian phát triển đầy tiềm năng, trong bối cảnh Mỹ đang giành giật ảnh hưởng quyết liệt ở những khu vực xung quanh Trung Quốc.

Tuy nhiên, công sức bao năm qua đang phải đối mặt với nguy cơ bị quét sạch, theo kịch bản mà một nhà báo từng đề cập: Tình hình Bắc Phi - Trung Đông diễn biến theo hướng từ “ổn định” tới “bất ổn” và trở lại “ổn định” nhưng theo hướng thân Mỹ.

Về kinh tế, bao năm nay các nhà đầu tư Trung Quốc đổ dồn về châu Phi với những giấc mơ trở thành tỷ phú. Họ đã hào phóng viện trợ để thiết lập quan hệ với giới cầm quyền, từ đó tìm kiếm những hợp đồng béo bở trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, xây dựng đường sắt, cơ sở hạ tầng… Trớ trêu thay, khi đang lên như diều gặp gió thì hỗn loạn chính trị ập tới, khiến họ đối mặt với nguy cơ trắng tay.


Sắc đỏ Trung Quốc ở lục địa đen sẽ tàn phai trong cơn bão tố cách mạng?

Theo số liệu thống kê, năm 2009, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất châu Phi, vốn đầu tư trực tiếp trên 9 tỷ USD và sẽ tăng lên 70% vào năm 2015. Chỉ riêng Lybia, nơi đang nổ ra nội chiến, thương mại song phương Trung Quốc – Lybia đạt 6,6 tỷ USD năm 2010, Tập đoàn đường sắt Trung Quốc đã đầu tư 5,2 tỷ USD và gần 40.000 lao động Trung Quốc đang làm việc tại quốc gia này. Vẫn biết rằng không có bài học nào là miễn phí, nhưng cái giá mà Trung Quốc phải trả có lẽ quá đắt.

Cái được duy nhất của Trung Quốc có lẽ chính là bài học về quản lý đất nước. Tuy đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, nhưng khoảng cách giàu nghèo, phân phối thành quả phát triển, thất nghiệp…vẫn là điều nhức nhối. Những mầm bệnh của người khổng lồ vẫn đang âm ỉ. Bên cạnh đó, vấn đề Tây Tạng, Tân Cương cũng đáng phải suy ngẫm. Có lẽ, Trung Quốc cần phải chú trọng hơn tới phát triển bền vững, chứ không phải là những con số tăng trưởng.

Nhìn rộng ra thế giới
Bất ổn tại Bắc Phi – Trung Đông và những cuộc cạnh tranh giành giật ảnh hưởng sẽ không chỉ tác động tới những quốc gia liên quan. Thế giới cũng sẽ gánh chịu nhiều tác động tiêu cực, trước mắt là về kinh tế khi giá dầu lên cao.

Nguy hiểm hơn, những tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế có thể sẽ ra đời, những hình thức can thiệp tinh vi mới có thể sẽ được áp dụng, và những quân bài mặc cả mới có thể sẽ xuất hiện trong tay các nước lớn. Tất cả báo hiệu một thời kỳ không mấy bình yên trên trường quốc tế.

(tổng hợp)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang