Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Yemen

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Yemen. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Yemen. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

>> Mỹ đột kích chỉ huy Al-Qaeda



Phi cơ không người lái của Mỹ hôm qua tấn công nhằm tiêu diệt một chỉ huy cao cấp của Al-Qaeda tại Yemen nhưng bất thành, chỉ ít ngày sau vụ biệt kích bắn chết trùm tổ chức khủng bố này là Bin Laden.





Anwar al-Awlaki đang chỉ huy chi nhánh của al Qaeda trên bán đảo Ảrập. Ảnh: AP.


BBC dẫn lời Bộ Quốc phòng Yemen cho biết, máy bay Mỹ bắn tên lửa vào một chiếc xe hơi chở hai người đàn ông tại tỉnh Shabwa. Giới chức Mỹ thì tiết lộ với kênh truyền hình CBS rằng mục đích của vụ oanh kích là tiêu diệt Anwar al-Awlaki, một trong những thủ lĩnh có ảnh hưởng nhất trong Al-Qaeda.

Nhưng cảnh sát Yemen xác định al-Awlaki không ngồi trong chiếc xe. Hai người đàn ông thiệt mạng vì tên lửa bắn là anh em ruột và đều là chỉ huy cấp trung của mạng lưới Al-Qaeda. Các nguồn tin khác cho biết, máy bay không người lái bắn 3 tên lửa vào chiếc xe của al-Awlaki ngày 5/5, nhưng không trúng. Sau đó ông ta đổi xe cho hai anh em và họ đã bị giết trong cuộc tấn công hôm qua.

Hồi tháng 5/2010, máy bay Mỹ từng bắn vài quả tên lửa vào một xe hơi vì tưởng al-Awlaki ngồi trong đó, song người thiệt mạng là một phái viên của tổng thống Yemen. Tháng 9 cùng năm, Ngoại trưởng Yemen tuyên bố những vụ tấn công bằng phi cơ không người lái của Mỹ sẽ không được phép thực hiện nữa.

Anwar al-Awlaki sinh tại Mỹ là một giáo sĩ cấp tiến người Yemen được coi là "gian ác" hơn cả trùm khủng bố Osama bin Laden mới bị tiêu diệt. Hiện ông ta đứng đầu chi nhánh Al-Qaeda trên bán đảo Ảrập và là chi nhánh thực hiện nhiều vụ khủng bố nhất của Al-Qaeda.

Trước đó vài ngày, biệt kích Mỹ đã âm thầm từ Afghanistan sang đột kích khu nhà tại thị trấn Abbottabad của Pakistan, tiêu diệt Osama bin Laden, mà không thông báo cho giới chức nước chủ nhà. Sau đó Mỹ đưa xác Bin Laden ra biển Ảrập để thuỷ táng và không cho công bố các bức ảnh liên quan. Vụ đột kích đang gây chia rẽ mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Pakistan.


[BDV news]


Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

>> 'Người thừa kế' số 1 của Bin Laden (kỳ cuối)



Trong tương lai không xa, al-Awlaki có thể sẽ trở thành tên trùm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới trong thời kỳ "Hậu bin Laden".



Kỳ cuối: Biểu tượng mới của cái khủng bố thời kỳ hậu bin Laden
Biến người Mỹ thành chiến binh cực đoan
Gần 3 năm trước, al-Awlaki chính thức tuyên bố đã gia nhập al-Qaeda và chỉ sau một thời gian ngắn, đã trở thành lãnh đạo chi nhánh cảu tổ chức tại bán đảo Arab.

Vai trò chính của al-Awlaki là tuyển dụng các thành viên mới cho mạng lưới al-Qaeda, đặc biệt là những thành viên thuộc khối các quốc gia nói tiếng Anh.

al-Awlaki đã truyền bá tư tưởng cực đoan cho một số phần tử, đặc biệt là người Mỹ, và xúi giục họ thực hiện những cuộc khủng bố ngay trong nước hoặc tham gia vào các mạng lưới khủng bố nước ngoài.

Một trong những vụ khủng bố đẫm máu nhất có liên quan đến al-Awlaki là vụ nổ súng tại Fort Hood vào ngày 5/11/2009 khiến 13 người thiệt mạng và 32 người bị thương.

Kẻ trực tiếp gây ra vụ thảm sát này là Nidal Malik Hasan, một bác sỹ tâm thần và là Thiếu tá Quân đội Mỹ. Tuy nhiên, các điều tra viên xác định al-Awlaki mới là kẻ chủ mưu thực sự. Bởi trước khi xảy ra vụ khủng bố, al-Awlaki đã trao đổi với Hasan qua email hàng chục lần để chuẩn bị cho kế hoạch này.



Nidal Malik Hasan (phải), kẻ đã thực hiện vụ nổ súng Fort Hood, là một trong những môn đệ của Anwar al-Awlaki. Ảnh: AP.


Sau sự kiện trên, al-Awlaki tiết lộ đã gặp Hasan vào năm 2001 khi còn làm thầy tế tại nhà thờ Hồi giáo Dar al-Hijrah, Virginia, Mỹ. al-Awlaki gọi Hasan là một trong những môn đệ của mình và ngợi ca người này là người anh hùng của thế giới Hồi giáo.

CIA cũng đưa ra các bằng chứng cho thấy al-Awlaki ã từng tiếp xúc và có nhiều ảnh hưởng với Faisal Shahzad, một người Pakistan gốc Mỹ. Nhiều khả năng, chính al-Awlaki đã xúi giục Shadzad tiến hành vụ đánh bom xăng tại Quảng trường Thời đại, nhưng âm mưu này đã không thành công.

Sharif Mobley, một công dân Mỹ bị bắt tại Yemen vì những cáo buộc có liên quan đến al-Qaeda, cũng khai nhận rằng thường xuyên trao đổi với al-Awlaki qua email và chịu nhiều tác động từ tư tưởng cực đoan của ông ta.

Khi người Mỹ nhận ra những thủ đoạn của al-Awlaki thì cũng đã không còn kịp nữa, bởi quá trình “nội địa hóa” các tín đồ Hồi giáo trên đất Mỹ đã diễn ra tương đối rộng. Lúc này đây, đã tới lúc chính quyền của ông Barack Obama phải hành động.

Lệnh tiêu diệt của Washington
Nước Mỹ đã đưa ra tuyên bố”Anwar al-Awlaki là tên trùm khủng bố toàn cầu đặc biệt nguy hiểm”, tất cả tài sản của ông ta tại Mỹ bị phong tỏa và những ai có dính líu tới al-Awlaki đều bị điều tra nghiêm ngặt.

Chỉ ít ngày sau, hai gói bưu phẩm bị nghi ngờ có bom đã được gửi tới Chicago từ Yemen thay cho lời thách thức của al-Awlaki dành cho người Mỹ.

Trước những nguy cơ về một vụ 11/9 mới, ông Barack Obama đã ủy quyền cho CIA tìm và tiêu diệt al-Awlaki. Mặc dù vậy, quyết định này đã khiến cho một số cơ quan luật pháp nước ngoài cảm thấy bất bình vì người Mỹ dường như đang đi quá quyền hạn của mình.


Thế giới vẫn chưa thể mừng vui sau cái chết của Osama bin Laden, bởi lẽ vẫn còn đó những kẻ như al-Awlaki sẵn sàng kế tục sự nghiệp của hắn. Ảnh: AP.


Ông Nasser al-Awlaki, cha đẻ của Anwar al-Awlaki, vẫn nhất mực tin tưởng rằng con trai mình không phải là khủng bố như cáo buộc của Mỹ. Ông quyết định kiện chính quyền của ông Obama vì đã đưa con trai mình vào danh sách những người bị tuyên án tử hình mà không qua xét xử.

Tuy nhiên, đơn kiện của ông đã bị bác bỏ vào ngày 7/12/2010 bởi lý do tổng thống Mỹ có quyền tuyên án một công dân Mỹ mà không cần thông qua bất kì thủ tục pháp lý nào mà chỉ cần dựa vào khẳng định người đó là một thành phần khủng bố.

Tháng 1/2011, các nhà chức trách Yemen đã xét xử vắng mặt al-Awlaki vì những cáo buộc có liên quan đến nhiều cuộc tấn công vũ lực với người nước ngoài và gây ra cái chết của một nhân viên bảo vệ người Pháp ở một công ty khai thác dầu. Kết thúc phiên tòa, al-Awlaki bị kết án 10 năm tù giam.

Hiện tại, al-Awlaki bị nghi ngờ là đang lẩn trốn tại miền núi của Shabwa và Marib, dưới sự bảo hộ của bộ tộc hùng mạnh Awalik sinh sống. Bộ tộc này từng tuyên bố sẽ không bao giờ hợp tác với Mỹ để sát hại Anwar al-Awlaki.

Rõ ràng, hiểm họa khủng bố vẫn còn bao trùm trên toàn thế giới kể cả khi Osama bin Laden đã chết. Bởi lẽ, ông trùm khủng bố có thể chết nhưng giấc mơ “Thánh chiến” vẫn còn đó và những người "kế tục" như al-Awlaki.

Với một người từng sống và hiểu rõ về phương Tây, trong tương lai không xa, al-Awlaki còn thể nguy hiểm hơn.

[BDV news]


Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

>> 'Người thừa kế' số 1 của Bin Laden (kỳ 2)



Với cách nói chuyện có sức truyền đạt và thông thạo tiếng Anh, Anwar al-Awlaki đã thu hút được rất nhiều thành phần khủng bố cấp tiến.



Kỳ 2: Osama bin Laden trên internet 


Kẻ núp bóng trong vụ khủng bố 11/9

Năm 1996, Anwar al-Awlaki trở thành thầy tế ở nhà thờ Hồi giáo Masjid Ar-Ribat al-Islami tại thành phố San Diego. Trong 4 năm làm việc ở đây, al-Awlaki đã có gặp gỡ với Khalid al-Midhar và Nawaf al-Hazmi, 2 tên không tặc trong vụ khủng bố 11/9.

Trong giai đoạn này, al-Awlaki cũng bắt đầu bị FBI để ý đến do nghi ngờ một tổ chức từ thiện màal-Awlaki làm phó chủ tịch có hoạt động “cung cấp tài chính cho các lực lượng khủng bố”. al-Awlaki còn bị tình nghi là có tiếp xúc với Ziyad Khaleel, một thành viên khác của al-Qaeda và Sheikh Omar Abdel Rahman, kẻ từng dính líu tới vụ đánh bom nổi tiếng ở New York. Tuy nhiên, al-Awlaki vẫn bình an vô sự do FBI không có chứng cứ rõ ràng.

Đầu năm 2001, al-Awlaki chuyển tới nhà thờ Hồi giáo Dar al-Hijrah ở Falls Church, Virginia. Tại đây, al-Awlaki đã gặp tên không tặc thứ ba, Hani Hanjour.




Anwar al-Awlaki được cho là một trong những kẻ đứng sau vụ khủng bố 11/9. Ảnh: AFP


Sau vụ khủng bố 11/9, al-Awlaki đã bị cơ quan điều tra đặc biệt của Mỹ thẩm vấn 4 lần vì bị tình nghi đứng sau cuộc tấn công này, đồng thơi đưa ra những cứ về việc ông ta từng tiếp xúc với 3 tên không tặc Khalid al-Midhar, Nawaf al-Hazmi và Hani Hanjour.

Tuy nhiên, với sự khéo léo của mình, cuối cùng al-Awlaki đã buộc 11/9 Commission (Ủy ban đặc biệt điều tra vụ 11/9) phải thừa nhận rằng những cuộc gặp gỡ đó chỉ là ngẫu nhiên.

Cũng trong thời gian này, al-Awlaki bày tỏ quan điểm phản đối cuộc tấn công 11/9; so sánh vụ khủng bố này với những cuộc thảm sát thường dân trong Chiến tranh Vùng vịnh lần thứ nhất và vụ tàn sát người Palestine ở Israel.

Trở về quê hương và bộc lộ bản chất

Năm 2002, al-Awlaki rời nước Mỹ. Ban đầu, al-Awlaki ta sang Anh trong vài tháng để phổ biến các bài giảng cho thanh niên Hồi giáo qua các đĩa CD. Tuy nhiên, do không thể hoạt động độc lập lâu dài nên al-Awlaki đã trở về Yemen.

Với sự giúp đỡ của cha mình, al-Awlaki trở thành giảng viên tại ĐH Sana'a. Trong thời kỳ giảng dạy tại đây, al-Awlaki đã tiếp xúc nhiều với Abdul-Majid al-Zindani, một kẻ mà chính phủ Mỹ đã mô tả là “tên khủng bố toàn cầu đặc biệt nguy hiểm”.

Tháng 8/2006, al-Awlaki bị bắt giam 18 tháng do can thiệp vào một cuộc tranh chấp giữa các bộ tộc và dính líu tới vụ bắt cóc một tùy viên quân sự Mỹ. al-Awlaki đổ lỗi cho Mỹ khi cho rằng chính Washington gây sức ép để buộc chính quyền Yemen phải làm như vậy.

Kể từ khi được trả tự do, al-Awlaki đã công khai ủng hộ sử dụng bạo lực để chống lại ảnh hưởng của phương Tây lên các quốc gia Hồi giáo. Ông ta cho rằng: “Mỹ không thể và sẽ mãi không thể dành chiến thắng. Không gì có thể cản trở phong trào Thánh chiến trên toàn thế giới.”

Truyền bá tư tưởng khủng bố trên thế giới mạng
FBI có lẽ sẽ rất hối hận khi đã không phát hiện ra bản chất của al-Awlaki trong thời kỳ còn ở nước Mỹ.

Sau khi rời bỏ nước Mỹ, al-Awlaki vẫn tạo được sức ảnh hưởng lớn đến các tín đồ Hồi giáo ở đây thông qua những tư tưởng được truyền bá trên website cá nhân.


Facebook cũng là một phương tiện để al-Awlaki truyền bá tư tưởng khủng bố. Ảnh: The Week.


Ngoài website, al-Awlaki còn sử dụng facebook và đĩa CD để tuyên truyền những bài giảng của mình, cả bằng tiếng Arab và tiếng Anh.

Trong số những tài liệu của al-Awlaki, có tài liệu “44 cách để hỗ trợ Thánh chiến” thu hút được rất nhiều sự quan tâm và ủng hộ. Bộ tài liệu này đã được tìm thấy trong máy tính của nhiều chiến binh Hồi giáo cực đoan ở Canada, Anh và Mỹ.

Không dừng lại ở đó, al-Awlaki cũng sử dụng Youtube làm công cụ kêu gọi “Thánh chiến”. Cho tới khi bị dỡ bỏ hàng loạt vào ngày 3/11/2010, hàng trăm video của ông ta đã có tổng cộng 3,5 triệu lượt xem, một con số kỉ lục!

Một lợi thế của al-Awlaki so với chính trùm khủng bố Osama bin Laden là việc ông ta nói tiếng Anh rất tốt. Do vậy, ông ta dễ truyền bá những thông điệp của mình đến với những tín đồ Hồi giáo thuộc khối các quốc gia nói tiếng Anh hơn.

al-Awlaki cũng có một lợi thế trong cuộc chiến chống lại nước Mỹ đó là việc đã sống ở quốc gia này hơn 20 năm và hiểu rất rõ tình hình kinh tế - chính trị - xã hội nơi đây.

Với phong cách dẫn dắt vấn đề tài tình khi nói chuyện, cộng thêm khả năng phân tích, lý luận chặt chẽ, ông ta đã không mấy khó khăn để thu hục những tín đồ Hồi giáo ở Mỹ và biến họ thành những tên khủng bổ nguy hiểm.

[BDV news]


Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

>>'Người thừa kế' của Bin Laden



Anwar al-Awlaki, đồng thời là một học giả Hồi giáo ở Yemen được truyền thông phương Tây giới thiệu là một trùm khủng bố toàn cầu.



Kỳ 1: "Trùm khủng bố" sinh ra trong lòng nước Mỹ
CIA đã phải dùng đến cụm từ “kẻ thù nguy hiểm nhất với nước Mỹ hiện nay” khi nhắc đến Anwar al-Awlaki.

Người cha danh giá
Anwar al-Awlaki là người Mỹ gốc Yemen, sinh ngày 22/04/1971 tại Las Cruces, New Mexico, trong một gia đình tri thức.

Cha Anwar al-Awlaki, Nasser al-Awlaki, là một nghiên cứu sinh Yemen đến Mỹ do đạt được học bổng Fulbright. Năm 1971, ông Nasser bảo vệ thành công luận văn Thạc sỹ tại ĐH New Mexico.

Bốn năm sau, ông được cấp bằng Tiến sỹ của ĐH Nebraska và tham gia giảng dạy, nghiên cứu ở ĐH Minnesota cho tới năm 1977.

Đến năm 1978, ông đưa cả gia đình trở về quê hương Yemen. Năm ấy, Anwar al-Awlaki đã được 7 tuổi.




Ông Nasser al-Awlaki, cha đẻ của trùm khủng bố Anwar al-Awlaki, trong một cuộc phỏng vấn do đài CNN thực hiện vào tháng 02/2010. Ảnh: CNN.


Sau khi trở về quê hương, ông Nasser tham gia giảng dạy ở ĐH Sana'a. Đây là một trong những ngôi trường lớn nhất Yemen, được thành lập vào năm 1970 ở thủ đô Sana'a.

Hiện tại, ĐH Sana’a có tới 14.000 sinh viên, có nhiều phần tử cực đoan theo học ở đây như John Walker Lindh, có biệt danh “American Taliban”.

Ở quê nhà, ông Nasser thăng tiến rất nhanh và trở thành hiệu trưởng của ĐH Sana’a vào năm 2001. Ông còn nắm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp trong 2 năm, và là cố vấn kinh tế cho Tổng thống Yemen trong 4 năm.

"Trùm khủng bố" sinh trưởng ở Mỹ
Sinh ra ở Mỹ, sống ở đó tới năm 7 tuổi và có giọng Mỹ rất đặc trưng nhưng điều làm al-Awlaki tự hào lại là dòng máu Yemen chảy trong huyết quản. Trở về quê hương vào năm 1978, thời niên thiếu của al-Awlaki gắn liền với những bài giảng của kinh Koran và giáo lý đạo Hồi.

Có xuất thân danh giá nên al-Awlaki không phải quan tâm tới việc mưu toan cho cuộc sống như nhiều đứa trẻ cùng trang lứa. Anwar al-Awlaki theo học trường Azal Modern và hưởng thụ những chế độ đãi ngộ giáo dục tốt nhất.

Trong thời gian này, al-Awlaki dành nhiều thời gian để nghiên cứu về đạo Hồi. Năm 1991, al-Awlaki ta trở lại Mỹ để theo học chương trình kỹ sư xây dựng tại ĐH Colorado, bằng học bổng của Chính phủ Yemen và sử dụng visa dành cho sinh viên nước ngoài (dù có quốc tịch kép: Yemen và Mỹ).

Nếu sử dụng quốc tịch Mỹ khi đăng ký các chương trình giáo dục tại đây thì al-Awlaki sẽ được hưởng những chính sách đãi ngộ tốt hơn nhưng al-Awlaki ta kiên quyết không sử dụng ưu thế này.

Các nhà phân tích suy diện hành động này cho thấy al-Awlaki ý thức rất rõ về gốc gác Yemen, đạo Hồi của mình và có ý Mỹ.


Sinh ra ở nước Mỹ nhưng Anwar al-Awlaki luôn tự hào về gốc gác Yemen của mình. Ảnh: Telegraph.


Ban đầu, al-Awlaki miễn cưỡng theo học ở nước Mỹ chỉ để làm vừa ý cha mình, nhưng chính chuyến trở lại nước Mỹ này đã ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng của al-Awlaki sau này.

Trong thời gian học đại học, bằng tài hùng biện và sức thu hút mạnh mẽ, al-Awlaki nhanh chóng dành được sự tín nhiệm từ nhiều sinh viên đến từ thế giới Hồi giáo học tại Mỹ. Thậm chí, al-Awlaki được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Sinh viên Hồi giáo (MSA) ở Mỹ.

Anwar al-Awlaki và những lãnh đạo của MSA luôn tránh đụng chạm đến các vấn đề chính trị, thay vào đó họ quan tâm nhiều hơn đến việc thay đổi hình ảnh tiêu cực của thế giới Hồi giáo trong mắt người Mỹ.

Tuy nhiên, trên cương vị chủ tịch MSA, al-Awlaki đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều thành phần cực đoan và những tư tưởng cực đoan dần định hình trong suy nghĩ của ông ta.

Mùa hè năm 1993, al-Awlaki đã tới Afghanistan và tham gia một khóa đào tạo với các thành viên lực lượng “thánh chiến” Mujahedin, những người từng chiến đấu với quân đội Liên Xô trong giai đoạn 1979-1988.

Chính thời gian này, ngay trong lòng nước Mỹ, một con người đang cố gắng kết nối thế giới Hồi giáo với phương Tây lại được "vun đắp" tư tưởng cực đoan, được "nhào nặn" trở thành "trùm khủng bố", người "kế tục" Binladen, theo cách gọi của phương Tây. Chính Anwar al-Awlaki luôn tự hào mỗi khi nhắc khoảng thời gian này trong cuộc đời mình.


[BDV news]


Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

>> Chính trường Yemen ‘nóng’ từng ngày



[BDV news] Tổng thống Yemen Abdullah Saleh phải đối mặt với sự cô lập ngày càng tăng sau khi các quan chức quân đội và chính phủ quay sang ủng hộ các cuộc nổi dậy ủng hộ dân chủ.

Bộ trưởng Quốc phòng Yemen tuyên bố rằng quân đội vẫn ủng hộ tổng thống. Ngày 21/3, nhiều xe tăng đã được triển khai trên đường phố Sanaa để ngăn chặn các cuộc biểu tình, bạo loạn.

Mohammed Nasser Ahmed công bố “Các lực lượng vũ trang sẽ ở lại trung thành với Tổng thống Ali Abdullah Saleh. Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ một cuộc đảo chính chống lại dân chủ hoặc vi phạm an ninh quốc gia nào xảy ra”.

Thiếu tướng Ali Mohsen Saleh, người đứng đầu quân khu phía tây bắc đã quyết định ủng hộ những người biểu tình sau một cuộc đàn áp của chính phủ đối với những người biểu tình.



Các cuộc biểu tình tại Yemen không ngừng gia tăng.

Một chỉ huy quân sự cao cấp và ít nhất 18 sĩ quan khác đã đào thoát sang các phong trào đối lập, trong đó bao gồm : Ali Abdullaha Aliewa (chủ tịch cố vấn tối cao của quân đội Yemen), Al Koshebi Brigadiers Hameed (chỉ huy lữ đoàn 310 ở khu vực Omran), Mohammed Ali Mohsen, Nasser Eljahori (chỉ huy trưởng lữ đoàn 121),...

Ngoài ra, một số Đại sứ Yemen ở Syria, Saudi Arabia, Lebanon, Ai Cập, Trung Quốc, Liên đoàn A Rập cũng từ chức để bày tỏ sự ủng hộ với phong trào phản đối.

Đại sứ Yemen Abdullah Alsaidi tại Liên Hiệp Quốc phát biểu với phóng viên Al Jazeera: “Tôi nghĩ rằng hiện nay chúng ta cần thay đổi và chúng tôi đã chuẩn bị tất cả cho một sự thay đổi hòa bình. Tôi kêu gọi Tổng thống và tất cả những người làm việc cho Tổng thống tiến hành chuyển giao quyền lực trong một bầu không khí hòa bình”.

Phát biểu tại Paris, Bộ trưởng ngoại giao Pháp Alain Juppé cho biết, việc từ chức của Tổng thống Yemen là điều "không thể tránh khỏi" và ông cam kết "hỗ trợ cho tất cả những người đấu tranh cho dân chủ".


Quân đội Chính phủ tăng cường đàn áp các cuộc biểu tình.


Trưởng ban biên tập tờ Yemen Post Al Hakim Masmari cho biết, 60% binh lính trong quân đội đã trở thành đồng minh của những người biểu tình. "Đối với Ali Mohsen Saleh thông báo này là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy ‘trò chơi chính trị đã kết thúc’ và ông phải bước xuống ngay bây giờ".

Thiếu tướng Masmari cho biết cả đất nước Yemen đều không ủng hộ Saeh, ông là trung tâm của sự tham nhũng và không được tôn trọng tại Yemen. Đại sứ Yemen tại Pháp nói rằng Tổng thống Saleh phải từ chức để tránh thêm đổ máu.

Các bộ lạc mạnh nhất tại Yemen bao gồm cả bộ lạc nơi sinh ra của Tổng thống Yemen cũng yêu cầu ông phải từ chức đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và phải ra đi một cách hòa bình.

Cựu đại sứ của Yemen Barbara Bodine cho rằng một thỏa thuận đàm phán có thể kết thúc cuộc khủng hoảng tại Yemen. Chính phủ sẽ không thể tồn tại được khi mà các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp đất nước và các quan chức của chính phủ đang lần lượt từ chức đi theo các phong trào dân chủ.

Tổng thống Saleh lên nắm quyền từ năm 1978 và cam kết từ chức vào cuối nhiệm kỳ của ông trong năm 2013. Tuy nhiên sau khi ông từ chức lại không có người kế nhiệm rõ ràng. Đây cũng là một trong những lý do tại sao các đồng minh thân cận nhất của ông – Mỹ và Ả Rập Saudi lo lắng về hình chính trị tại Yemen và đã không giúp đỡ ông.

Việc Tổng thống Yemen từ chức sẽ giáng một đòn mạnh đối với chính quyền Mỹ, tại Yemen Mỹ đã không ngừng giúp đỡ Tổng thống Ali Mohsen Saleh nhằm tạo dựng ảnh hưởng của mình tại đất nước này.


Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

>> Vì sao Mỹ dùng vũ lực với Libya, còn Yemen và Bahrain thì không?


[BDV news] Cả ba nước đều sử dụng vũ lực để "xử lý" các cuộc biểu tình nhưng Mỹ chỉ lên kế hoạch phản ứng quân sự với mỗi Libya. Hai nước còn lại chỉ bị phản đối bằng lời bởi họ là đồng minh của Mỹ.

Khi cuộc nổi dậy lan ra khỏi Bắc Phi thì Washington tỏ ra thận trọng với cách tiếp cận riêng biệt đối với mỗi nước bởi sự ổn định tại các quốc gia giàu dầu mỏ dường như quan trọng hơn là hy vọng của Mỹ về các phong trào phản kháng.

Cụ thể, Yemen có ý nghĩa rất quan trọng đối với Washington trong cuộc chiến chống al-Qaeda. Điều này khiến chính quyền Obama phải hết sức thận trọng trong việc gây áp lực tới đâu đối với Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh.

Nói cách khác, “Mỹ rất sợ rằng nếu ông Saleh đi, Yemen sẽ sụp đổ”, bà Marina Ottaway, Giám đốc chương trình Trung Đông tại Carnegie Endowment for International Peace ở Washington nhận định. Tương tự, ở Bahrain, Mỹ có căn cứ hải quân lớn nên cũng không phản ứng quân sự.

“Mỹ luôn luôn thuyết giảng những giá trị mà chính họ không thể sống theo. Cuối cùng thì quyền lợi của Mỹ luôn là trên hết”, bà Marina khẳng định.



Mỹ chỉ lên kế hoạch phản ứng quân sự với mỗi Libya. Ảnh minh họa.

Ngay cả với Libya, sự thận trọng mới cũng đang được thể hiện. Chính quyền ngần ngại một thời gian trong việc ủng hộ quyết định áp dụng vùng cấm bay, bởi lo ngại rằng điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thứ ba của My tại một quốc gia Hồi giáo, sau Afghanistan và Iraq.

Và Mỹ chỉ quyết định việc này sau khi nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia Arab và các đồng minh châu Âu.

Và hiện vẫn chưa rõ Mỹ sẽ đóng góp quân sự tới mức nào đối với khu vực cấm bay được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, cũng như chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông Gaddafi thành công trong việc níu giữ quyền lực.

Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử và làn sóng biểu tình tràn qua khu vực, người ta có thể nói rằng thận trọng là một chính sách hợp lý, nếu nhìn từ quan điểm Mỹ.

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

>> Bắc Phi - Trung Đông: Mặt trận mới giữa Mỹ và Trung Quốc?



Năm 2010, thế giới chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt, trực diện và chưa ngã ngũ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương giữa Washington và Bắc Kinh.

Bước sang năm 2011, đã xuất hiện nhiều yếu tố khiến cuộc cạnh tranh mở rộng về không gian địa lý, gia tăng về mức độ khốc liệt. Tất cả bắt nguồn từ tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông, đặt biệt là ở Bắc Phi, khu vực mà Trung Quốc đã giành được những lợi thế nhất định sau một thời gian dài Mỹ “lơ là, mất cảnh giác”.

Những cơn địa chấn chính trị với “rừng người xuống phố” nổ ra ở khắp Bắc Phi và Trung Đông đã khiến 2 nhà lãnh đạo Tuynisia và Ai Cập ra đi, Lybia rơi vào nội chiến, và hàng loạt những quốc gia khác như Bahrain, Yemen, Jordani, Marocco, Algeria, Iran… như trên chảo lửa.

Có khá nhiều ý kiến cho rằng Mỹ đang đau đầu bởi quan ngại làn sóng biểu tình có thể khiến những nhà lãnh đạo thân Mỹ trong khu vực phải ra đi, đặc biệt, là tại Bahrain nơi Hạm đội 5 của Mỹ đồn trú. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, xét về tổng thể Mỹ sẽ được nhiều hơn mất, Trung Quốc mới là nhân vật chính phải lo ngại cho vị trí ảnh hưởng của mình sau những biến cố chính trị tại khu vực.

Mỹ được nhiều hơn mất
Cái được dễ nhận thấy là Mỹ có thêm những ví dụ sinh động, những bài học điển hình để rao giảng về những giá trị dân chủ, nhân quyền kiểu Mỹ. Việc người dân xuống đường biểu tình phản đối nhà cầm quyền độc tài, đòi tự do, công bằng, dân chủ là điều mà bất cứ chính quyền Mỹ nào cũng khuyến khích, bởi nó hướng thế giới thêm tôn thờ và mơ về “Giấc mơ Mỹ”.

Hơn nữa, điều này khá phù hợp với chính sách “Đại Trung Đông” mà Mỹ ra đề ra năm 2004 nhằm thúc đẩy dân chủ tại khu vực. Liệu đã đến lúc chúng ta nghĩ về một chính sách “Đại châu Phi” của Mỹ?

Mặt khác, những cuộc xuống đường biểu tình có thể được Mỹ lợi dụng để nhân rộng ra ở những quốc gia mà Mỹ thường chỉ trích, như Triều Tiên, Cu Ba…

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng cách cổ suý cho dân chủ của Mỹ rất linh hoạt, thậm chí mang dáng dấp của “tiêu chuẩn kép”, chẳng hạn như ủng hộ các cuộc xuống đường ở Iran, nhưng “mắt nhắm, mắt mở” khi chính quyền Bahrain giải tán các cuộc biểu tình.



Một trong những điều khiến Mỹ lo lắng nhất trong những ngày này là số phận của trụ sở Hạm đội 5 đóng ở Bahrain.

Thứ hai, sự hỗn loạn nếu tận dụng tốt sẽ là cơ hội để làm kiệt quệ, gây thiệt hại cho những đối thủ đã và đang đầu tư vào 2 khu vực này, nhưng không dựa trên những hợp đồng kinh tế mà chủ yếu dự vào mối quan hệ với nhà cầm quyền.

Khi nhà cầm quyền bị hạ bệ thì các khoản đầu tư dường như mất trắng. Điển hình là Trung Quốc, nước không ngại vung tiền cho những dự án dầu lửa, đường sắt, cơ sở hạ tầng… ở lục địa đen.

Thứ ba, xét về mặt chiến lược dài hạn, hỗn loạn cũng là cơ hội để sắp xếp lại bản đồ thế giới theo hướng phục vụ lợi ích quốc gia.

Bộ máy ngoại giao, quân sự, tình báo Mỹ đang hoạt động ráo riết, từ vận động hành lang tại Liên hợp quốc tới NATO và các đồng mình khác để đưa ra những giải pháp và sự lựa chọn có lợi. Thậm chí cả bằng các chiến dịch quân sự nhằm đảm bảo một hậu Trung Đông và Bắc Phi thân Mỹ hay chí ít cũng là không thù địch với Mỹ.

Hiện Mỹ đã điều 2 tàu chiến áp sát Lybia, sẵn sàng cho một cuộc can thiệp quân sự.

Thứ tư, khá đặc biệt, từ những vụ xuống đường ở Bắc Phi – Trung Đông, sẽ có thêm công nghệ tạo chính biến, đảo chính mới. Đó là internet với mạng xã hội, blogs…mà Mỹ là chủ nhân sáng tạo ra.


Mỹ đã sẵn sàng can thiệp quân sự vào Libya, chỉ chờ thời cơ thích hợp.

Đây là điều Trung Quốc phải suy nghĩ, phần mềm tường lửa Vạn Lý Trường Thành chưa đủ sức để đấu với công nghệ tiên tiến của phương Tây. Đã có ý kiến cho rằng việc Đài VOA quyết định từ 1/10/2011 ngừng phát sóng các bản tin tiếng Trung là để tập trung cho chiến trường trên Internet, nơi có thể tiếp cận thanh niên, tri thức dễ dàng và rộng rãi hơn để tuyên truyền về những “giá trị Mỹ”.

Có lẽ, trong tương lai cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ là cuộc cạnh tranh về công nghệ internet và kiểm soát thông tin.

Về cái mất của Mỹ, hiện chưa mấy rõ ràng, làn sóng xuống đường có thể vượt quá tầm kiểm soát của Washington và đe doạ những chế độ thân Mỹ như Bahrain. Hơn nữa, một số công ty Mỹ đầu tư tại đây có thể bị thiệt hại, nhưng sẽ không lớn bởi có những hợp đồng ràng buộc pháp lý.

Cuối cùng, có lẽ một số đồng minh của Mỹ sẽ e ngại chơi với “chú Sam”, bởi từ vụ khủng hoảng này họ chợt nhận ra họ sẽ bị Washington bỏ rơi nếu không còn hữu dụng với nước Mỹ nữa (trường hợp cựu Tổng thống Ai Cập Mubarak).

Tất nhiên đây là điều phũ phàng nhưng nó luôn đúng trong quan hệ quốc tế, đó là “không có bạn vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn”.

Trung Quốc mất nhiều hơn được
Về chính trị - ngoại giao, không gian phát triển của Trung Quốc rất có thể sẽ bị thu hẹp, do chậm chân, thiếu kinh nghiệm hoặc không có khả năng chớp thời cơ như Mỹ.

Ai cũng biết, gần đây Trung Quốc được xem là quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất châu Phi, nhiều học viện Khổng Tử đã được xây dựng và giới lãnh đạo Bắc Kinh có thể tự hào bởi họ đã khai phá được một không gian phát triển đầy tiềm năng, trong bối cảnh Mỹ đang giành giật ảnh hưởng quyết liệt ở những khu vực xung quanh Trung Quốc.

Tuy nhiên, công sức bao năm qua đang phải đối mặt với nguy cơ bị quét sạch, theo kịch bản mà một nhà báo từng đề cập: Tình hình Bắc Phi - Trung Đông diễn biến theo hướng từ “ổn định” tới “bất ổn” và trở lại “ổn định” nhưng theo hướng thân Mỹ.

Về kinh tế, bao năm nay các nhà đầu tư Trung Quốc đổ dồn về châu Phi với những giấc mơ trở thành tỷ phú. Họ đã hào phóng viện trợ để thiết lập quan hệ với giới cầm quyền, từ đó tìm kiếm những hợp đồng béo bở trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, xây dựng đường sắt, cơ sở hạ tầng… Trớ trêu thay, khi đang lên như diều gặp gió thì hỗn loạn chính trị ập tới, khiến họ đối mặt với nguy cơ trắng tay.


Sắc đỏ Trung Quốc ở lục địa đen sẽ tàn phai trong cơn bão tố cách mạng?

Theo số liệu thống kê, năm 2009, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất châu Phi, vốn đầu tư trực tiếp trên 9 tỷ USD và sẽ tăng lên 70% vào năm 2015. Chỉ riêng Lybia, nơi đang nổ ra nội chiến, thương mại song phương Trung Quốc – Lybia đạt 6,6 tỷ USD năm 2010, Tập đoàn đường sắt Trung Quốc đã đầu tư 5,2 tỷ USD và gần 40.000 lao động Trung Quốc đang làm việc tại quốc gia này. Vẫn biết rằng không có bài học nào là miễn phí, nhưng cái giá mà Trung Quốc phải trả có lẽ quá đắt.

Cái được duy nhất của Trung Quốc có lẽ chính là bài học về quản lý đất nước. Tuy đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, nhưng khoảng cách giàu nghèo, phân phối thành quả phát triển, thất nghiệp…vẫn là điều nhức nhối. Những mầm bệnh của người khổng lồ vẫn đang âm ỉ. Bên cạnh đó, vấn đề Tây Tạng, Tân Cương cũng đáng phải suy ngẫm. Có lẽ, Trung Quốc cần phải chú trọng hơn tới phát triển bền vững, chứ không phải là những con số tăng trưởng.

Nhìn rộng ra thế giới
Bất ổn tại Bắc Phi – Trung Đông và những cuộc cạnh tranh giành giật ảnh hưởng sẽ không chỉ tác động tới những quốc gia liên quan. Thế giới cũng sẽ gánh chịu nhiều tác động tiêu cực, trước mắt là về kinh tế khi giá dầu lên cao.

Nguy hiểm hơn, những tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế có thể sẽ ra đời, những hình thức can thiệp tinh vi mới có thể sẽ được áp dụng, và những quân bài mặc cả mới có thể sẽ xuất hiện trong tay các nước lớn. Tất cả báo hiệu một thời kỳ không mấy bình yên trên trường quốc tế.

(tổng hợp)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang