Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Algeria

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Algeria. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Algeria. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

>> Nga bắt đầu thụt lùi trên thị trường tăng-thiết giáp ?



Vị trí của Nga trên thị trường tăng-giáp hạng nặng thế giới xem ra khá mâu thuẫn, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Konstantin Makienko nhận định.

Rõ ràng, Nga đã bắt đầu chầm chậm mất vị trí vì không thể chào bán các sản phẩm hiện đại và có sức cạnh tranh.

Tính mâu thuẫn nằm ở chỗ, một mặt trong giai đoạn 2000-2009, Nga thực tế là nhà cung cấp tăng-giáp lớn nhất ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, sự gia tăng doanh số bán tăng chủ lực Т-90S chủ yếu là nhờ Ấn Độ và Algeria, trong khi ngoài các nước này, xe tăng T-90S của Nga không có sự đột phá lớn. Hơn nữa, xe tăng VT1A của Trung Quốc bắt đầu có tiếng.

Theo ông Makienko, “sự trì trệ về trình độ kỹ thuật của Т-90” đồng thời với giá tăng của T-90 dẫn tới việc VT1A đã vượt qua được Т-90S trong cuộc thầu cung cấp tăng chủ lực cho Maroc.

Ngoài ra, Trung Quốc bắt đầu ráo riết hơn trong việc chào bán các xe tăng rẻ tiền hơn là Type 96 và trong tương lai có thể đưa ra thị trường tăng Type 99. Như vậy, Trung Quốc thực tế sẽ có thể thỏa mãn nhu cầu của khách hàng ở các phân khúc giá và tính năng kỹ thuật khác nhau.

Một tín hiệu đáng báo động nữa, theo ông Makienko là việc Т-90S thất bại trong cuộc thầu mua xe tăng của Malaysia. Trong cuộc thầu này, T-90 đã thua PT-91M của Ba Lan, loại tăng được chế tạo dựa trên Т-72 của Liên Xô. Nguyên nhân khiến Nga dần mất vị thế trên thị trường thế giới là “chủng loại sản phẩm chào bán của Nga quá nghèo nàn”, sự lạc hậu của vũ khí trang bị và “phản ứng kém linh hoạt đối với nhu cầu của thị trường”. Để khôi phục vị thế của Nga, cần phải tạo đột phá về chất lượng.

Chẳng hạn, có thể cải thiện đôi chút tình hình bằng cách nâng cấp các tăng hiện có cho đáp ứng các tiêu chuẩn hiện đại, ví dụ như Т-90АМ. Ông Makienko cho biết, Т-90АМ (Objekt 188М) là biến thể nâng cấp mới của Т-90 do Viện thiết kế chế tạo máy vận tải Ural (UKBTM) phát triển, được trang bị tháp xe mới, máy nạp đạn tự động với một phần cơ số đạn được bố trí ở đuôi xe, các khí tài quan sát, phương tiện bảo vệ và có khả năng lắp pháo mới 125 mm 2А82. Ở cấu hình này, xe có tính năng tương đương những mẫu tăng thế hệ 3 hiện đại nhất của phương Tây. Năm 2009-2010, đã chế tạo một số mẫu thử nghiệm Т-90АМ, song lập trường của Bộ Quốc phòng Nga đối với xe tăng này vẫn không rõ ràng nên chưa biết xe tăng này có được phát triển tiếp hay không.



Т-90S của Lục quân Ấn Độ(armyrecognition.com)


Trong một thời gian dài, loại tăng Objekt 195 ( (Т-95) có cấu tạo hoàn toàn mới cũng gieo hy vọng lớn. Loại tăng chủ lực này có kíp xe được bố trí trong khoang cách ly, pháo được đưa ra ngoài (các pháo 152 mm và 30 mm), các hệ thống quan sát và điều khiển hỏa lực tối tân, hệ thống thông tin-chỉ huy, hệ thống phòng vệ tích cực và động cơ mới tiên tiến. Các mẫu chế thử T-95 đã được thử nghiệm năm 2010. Nhưng Bộ Quốc phòng Nga đã dừng cấp kinh phí cho dự án T-95 vào năm 2010 với lý do là giá thành xe tăng quá đắt và quá phức tạp về kỹ thuật.

Rõ ràng là vị trí cao của Nga trên thị trường tăng-giáp hạng năng trong vài năm tới vẫn được duy trì, song khi các mẫu trang bị mới được phát triển, doanh số bán tăng Nga có thể sút giảm.

Để duy trì vị thế dẫn đầu của Nga, ông Makienko cho rằng, “phải có bước nhảy vọt về chất trong chế tạo binh khí kỹ thuật tăng-giáp thế hệ mới”.

Tháng 9.2010, được biết, từ năm 2006-2009, Nga đã xuất khẩu 482 xe tăng, tổng trị giá 1,57 tỷ USD. Xét về khối lượng xuất khẩu, Nga đứng thứ nhất, vượt qua Đức (292 xe tăng) và Mỹ (209 xe tăng).

Theo dự báo của Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới, năm 2010-2013, khối lượng xe tăng bán ra thị trường thế giới sẽ là 859 chiếc. Đánh giá này dựa trên các hợp đồng đã ký, cũng như ý định mua sắm của một số nước.


[VietnamDefence news]


Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

>> Mô hình hiện đại hóa trang bị vũ khí quân đội các nước nhỏ



[VITINFO news] Giới thiệu một mô hình hiện đại hóa trang bị vũ khí quân đội các nước nhỏ, rút ra từ chiến dịch quân sự chống Libya gần đây và từ các cuộc chiến tranh chống lại Nam Tư, Iraq trước đây.

Mô hình hiện đại hóa trang bị vũ khí quân đội các nước nhỏ
Lực lượng vũ trang của các nước nhỏ cần phải rút ra bài học từ chiến dịch quân sự chống Libya gần đây và từ các cuộc chiến tranh chống lại Nam Tư, Iraq trước đây. Bài học đó là: lực lượng vũ trang của các nước nhỏ cần phải hiện đại hóa để có đủ khả năng đáp ứng với các mối đe dọa trong điều kiện "thế giới đa cực" hiện nay. Trọng tâm của việc hiện đại hóa này là phải nâng cao sức mạnh chiến đấu của hai lực lượng - Phòng không và Không quân.

Hai lực lượng đặc biệt quan trọng trên đây cần phải được trang bị các loại vũ khí hiện đại dựa trên công nghệ cao. Lực lượng Phòng không và lực lượng Không quân phải là một Lực lượng thống nhất (là một Quân chủng giống như tổ chức quân đội của Nga). Lực lượng Phòng không cần phải có các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300PS và S-300 PMU-1 (4 đến 6 tiểu đoàn); và để bảo vệ các hệ thống này cần có thêm hệ thống tên lửa phòng không tầm gần “Tor-M1V” và hệ thống pháo-tên lửa phòng không “Pantsir-S1”. Để bảo vệ các khu vực quân sự và công nghiệp quan trọng Lực lượng Không quân cần phải có các loại máy bay chiến đấu đa chức năng thế hệ 4 ++ (theo tỷ lệ: 20 máy bay MIG-35, 30 máy bay MIG-29SMT và 50 máy bay SU-27SM). Ngoài ra, để nâng cao khả năng tác chiến thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt cần có khoảng (20-30) máy bay trực thăng hiện đại Ka-52 hoặc MI-28N.




Hệ thống tên lửa phòng không S-300 PMU-1


Để tối ưu hóa hoạt động tác chiến của hai lực lượng Phòng không và Không quân cần phải có ít nhất 2 máy bay AWACS A-50U và Binh chủng rađar phải được trang bị (3-4) đài radar AWACS “Protivnhik-G”. Máy bay AWACS A-50U và đài radar AWACS “Protivnhik-G” thực hiện nhiệm vụ cảnh báo các cuộc tấn công tên lửa của đối phương, phát hiện mục tiêu ở cự ly 340 km và ở độ cao 120 km. Trong trường hợp quốc gia có ngân sách quân sự không đủ lớn thì có thể trang bị cho Lực lượng Không quân như sau: 50 máy bay MIG-29K thế hệ 4++ và 70 máy bay MIG-23-98-2 đã được cải tiến nâng cấp lên mức thế hệ 4+. Bằng cách này cho phép giảm đáng kể ngân sách trang bị cho Lực lượng Không quân. Máy bay MIG-23-98-2 - phiên bản được cải tiến hoàn thiện nhất của loại máy bay đa chức năng MIG-23ML - về tính năng kỹ thuật tương đương với máy bay thế hệ 4+. Máy bay MIG-23-98-2 được trang bị các loại tên lửa hiện đại R-27ER, RVV-AE, và vũ khí chính xác cao để tiêu diệt các mục tiêu trên đất liền và trên biển ngay cả trong trường hợp có nhiễu điện tử.

Không cần thiết phải trang bị hàng trăm xe tăng hiện đại đắt tiền cho Lực lượng lục quân. Phương án tốt hơn là cải tiến nâng cấp vũ khí hiện có, và trang bị thêm khoảng (20-30) Hệ thống tên lửa chống tăng “Hermes” (với số lượng 720 tên lửa chống tăng có các cự ly sát thương 15, 40 và 100 km). Đối với lực lượng bộ binh cơ giới cần trang bị 200 xe bọc thép BMP-3, 100 xe bọc thép hạng nặng BTR-4, 1000 tên lửa chống tăng “Kornet-E”, và (10-15) máy bay không người lái loại rẻ Tu-300 “Korsun” và “Inspektor-301”.

Lực lượng Hải quân của nước nhỏ có thể trang bị 4 tàu ngầm diesel thiết kế 677 “Lada”, 10 tàu tên lửa cao tốc “Molnhia” có hệ thống pháo-tên lửa phòng không “Kortik” (thay cho hệ thống pháo phòng không AK-630M cũ trước đây), và 2 tầu tấn công “Shichzyachzhuan” thiết kế 051S của Trung quốc (mã phân loại của NATO Destroyer 051 "Luda class"). Với thành phần tinh gọn này lực lượng Hải quân có khả năng làm nguội lạnh tham vọng của cả một đối phương mạnh. Để bảo vệ bờ biển cần trang bị thêm cho Lực lượng Hải quân Hệ thống tên lửa Bastion “Bờ đối Biển” và Pháo bờ biển “Bereg” (số lượng tùy thuộc vào độ dài bờ biển).

Hiện nay, Algeria là nước có quan điểm xây dựng lực lượng vũ trang gần giống nhất với quan điểm trình bày trên đây. Cùng với nhận thức quy luật của các cuộc xung đột quân sự mới diễn ra gần đây, Lãnh đạo các nước nhỏ cần phải suy nghĩ về việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang, để một ngày nào đó không bị hàng trăm quả tên lửa “Tomogav” bắn vào các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng dân sự của đất nước.



Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

>> Thực lực quân sự của Libya



Bất ngờ với cuộc bạo loạn, thực tế ông Muammar Gaddafi đã không kịp chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh với Mỹ, phương Tây và đồng minh.

Sau khi có Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, để duy trì vùng cấm bay, Mỹ, phương Tây và đồng minh sẽ phải chế áp hệ thống phòng không và hủy diệt không quân Libya vốn phần nào vẫn còn sức chiến đấu bất chấp cuộc bạo loạn trong nước.

Một chiến dịch như vậy cần không dưới mấy trăm máy bay tiến công của Không quân Mỹ, phương Tây và đồng minh.

Còn ông Gaddafi có trong tay những lực lượng nào? Ông Gaddafi có thể chống chọi các kẻ thù của mình hay không?

Chỗ dựa của Gaddafi
Ngoài Lục quân, còn có 5 lữ đoàn Vệ binh Jamihiria, 1 lữ đoàn Cận vệ cách mạng và Lữ đoàn Vệ binh 32. Chính các đơn vị này cùng với 6 tiểu đoàn commando do các chuyên gia nước ngoài huấn luyện là những đơn vị có khả năng chiến đấu nhất và trung thành với ông Gaddafi. Các đơn vị này tuyển quân từ những người đồng hương và cùng bộ tộc với nhà lãnh đạo Libya. Lực lượng vệ sĩ riêng của Gaddafi, theo một số nguồn tin, là do các chuyên gia Nga và Belarus huấn luyện.

Trong các bản tin từ Libya, nhiều người thấy những binh lính da đen chiến đấu bên phía Gaddafi. Đó chính là các lính đánh thuê của lực lượng Lê dương Hồi giáo al-Failaka al-Islamiya (Islamic Legion hay Islamic Pan-African Legion) có quân số 7.000-15.000. Đó là những lính đánh thuê được trả lương rất cao, tuyển từ Chad, Nigeria, Mali, Sudan, có cả người Arab từ Ai Cập, Algeria, Tunisia, thậm chí từ Pakistan và nhiều nước khác. Họ cũng được chuyên gia nước ngoài huấn luyện.





Máy bay Tornado của Không lực Hoàng gia Anh cất cánh từ căn cứ không quân ở Lossiemouth ở Moray, phía Bắc Scotland tới căn cứ Akrotiri.(theo: báo đất việt)


Quân đội Libya
Quan điểm khác thường của ông Gaddafi về tổ chức nhà nước cũng thể hiện trong lĩnh vực quân sự. Libya giống như mọi nhà nước cũng có lực lượng vũ trang. Lực lượng này bao gồm bản thân quân đội và nhiều đơn vị quân sự và bán quân sự cấu thành cái gọi là lực lượng dân quân.

Quân đội Libya có gần 80.000 người và chiếm khoảng ½ là lính nghĩa vụ. Vũ khí chủ yếu là của Liên Xô, nhưng cũng có vũ khí của Czech, Pháp, Italia.

Về xe tăng, Libya có hơn 800 chiếc, trong đó có khoảng 200 Т-72М1, số còn lại là những xe tăng lạc hậu, ngoài ra còn có khoảng 1.300 đang được cất giữ.

Về tên lửa đường đạn chiến thuật, họ có tới 120 hệ thống đã cũ nhưng tin cậy là Elbrus (Scud) và Luna-M.

Quân đội Libya có rất nhiều pháo, đặc biệt là pháo phản lực.

Như vậy là quân đội Libya tuy nhỏ bé song lại không thiếu binh khí kỹ thuật. Nhưng phần lớn số vũ khí được lưu kho ở tình trạng không thuân thủ các quy định, tiêu chuẩn niêm cất và từ lâu không còn hoạt động được.

Ngoài ra, hiện chưa rõ bộ phận nào của quân đội còn trung thành với ông Gaddafi. Chắc chắn đó là các đơn vị đặc nhiệm và vệ binh do những sĩ quan đồng hương với “vị lãnh tụ cách mạng” chỉ huy.

Một bộ phận nhỏ các đơn vị quân đội thông thường nằm dưới quyền chỉ huy của các sĩ quan cùng bộ tộc với phe nổi loạn đã chạy sang phía họ. Tham gia chiến đấu chống Gaddafi còn có các dân binh từ các tổ chức bán quân sự “Phòng vệ nhân dân địa phương” và “Đội dân binh vũ trang”

Nhiều khả năng, một bộ phận đáng kể quân đội chính quy vẫn chờ xem ai sẽ thắng và không chịu chấp hành mệnh lệnh của cấp chỉ huy.

Không quân và phòng không lạc hậu nhưng vẫn còn sức chiến đấu
Theo chuẩn mực của Phi châu, Không quân Libya khá mạnh và đông quân, nhưng được trang bị vũ khí lạc hậu. Ngoài ra, trình độ kỹ năng bay của nhiều phi công là rất kém do tính bừa bãi và thái độ coi thường công tác huấn luyện chiến đấu.

Tổng cộng, họ có hơn 400 máy bay chiến đấu, trong đó có 7 máy bay ném bom tầm xa Tu-22B.

Lực lượng trực thăng có hơn 140 chiếc, trong đó có 35 trực thăng tiến công Mi-24.

Dĩ nhiên không phải toàn bộ số binh khí kỹ thuật này còn tốt và có thể bay, song chắc chắn là có 1/2 số máy bay có khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Hệ thống phòng không Libya do các chuyên gia Liên Xô xây dựng và khá mạnh, nhưng lạc hậu. Lực lượng tiến công chủ lực là 8 tiểu đoàn tên lửa phòng không tầm xa S-200VE có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở tầm đến 250 km.

Ngoài ra, còn có 3 lữ đoàn tên lửa phòng không S-125 và 5 lữ tên lửa phòng không quá lạc hậu S-75. Các hệ thống tên lửa phòng không cơ động bao gồm các loại Kvadrat, Osa và Strela của Liên Xô và Crotale của Pháp, tổng cộng có hơn 100 hệ thống.

Gaddafi không kịp chuẩn bị cho chiến tranh
Gần đây, quân đội Libya đã có kế hoạch hiện đại hóa mạnh vũ khí trang bị. Gaddafi muốn mua của Nga các hệ thống tên lửa phòng không Buk-М1-2E, Tor-М2E và kể cả S-300PMU-2.

Không quân Libya muốn mua tới 20 tiêm kích tối tân Su-35, máy bay huấn luyện-chiến đấu Yak-130.

Lục quân Libya dự định hiện đại hóa các xe tăng Т-72М1 lên mức gần với tăng Т-90S, cũng như mua xe tăng Т-90SA. Họ cũng đã đặt hàng 3 tàu tên lửa Projekt 1241.8 Molnya trang bị tên lửa Uran-E và dự kiến đặt mua 2 tàu ngầm Projekt 636М Kilo.

Nhưng cuộc bạo loạn và những biện pháp trừng phạt áp đặt sau khi cuộc bạo loạn nổ ra đã cản trở các kế hoạch này.

Lúc này, khi mà các cuộc không kích của kẻ thù đang đến gần, chắc ông Gaddafi phải hối tiếc về sự chậm trễ hiện đại hóa quân đội của ông.


(theo vietnamdefence news )

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

>> Bắc Phi - Trung Đông: Mặt trận mới giữa Mỹ và Trung Quốc?



Năm 2010, thế giới chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt, trực diện và chưa ngã ngũ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương giữa Washington và Bắc Kinh.

Bước sang năm 2011, đã xuất hiện nhiều yếu tố khiến cuộc cạnh tranh mở rộng về không gian địa lý, gia tăng về mức độ khốc liệt. Tất cả bắt nguồn từ tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông, đặt biệt là ở Bắc Phi, khu vực mà Trung Quốc đã giành được những lợi thế nhất định sau một thời gian dài Mỹ “lơ là, mất cảnh giác”.

Những cơn địa chấn chính trị với “rừng người xuống phố” nổ ra ở khắp Bắc Phi và Trung Đông đã khiến 2 nhà lãnh đạo Tuynisia và Ai Cập ra đi, Lybia rơi vào nội chiến, và hàng loạt những quốc gia khác như Bahrain, Yemen, Jordani, Marocco, Algeria, Iran… như trên chảo lửa.

Có khá nhiều ý kiến cho rằng Mỹ đang đau đầu bởi quan ngại làn sóng biểu tình có thể khiến những nhà lãnh đạo thân Mỹ trong khu vực phải ra đi, đặc biệt, là tại Bahrain nơi Hạm đội 5 của Mỹ đồn trú. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, xét về tổng thể Mỹ sẽ được nhiều hơn mất, Trung Quốc mới là nhân vật chính phải lo ngại cho vị trí ảnh hưởng của mình sau những biến cố chính trị tại khu vực.

Mỹ được nhiều hơn mất
Cái được dễ nhận thấy là Mỹ có thêm những ví dụ sinh động, những bài học điển hình để rao giảng về những giá trị dân chủ, nhân quyền kiểu Mỹ. Việc người dân xuống đường biểu tình phản đối nhà cầm quyền độc tài, đòi tự do, công bằng, dân chủ là điều mà bất cứ chính quyền Mỹ nào cũng khuyến khích, bởi nó hướng thế giới thêm tôn thờ và mơ về “Giấc mơ Mỹ”.

Hơn nữa, điều này khá phù hợp với chính sách “Đại Trung Đông” mà Mỹ ra đề ra năm 2004 nhằm thúc đẩy dân chủ tại khu vực. Liệu đã đến lúc chúng ta nghĩ về một chính sách “Đại châu Phi” của Mỹ?

Mặt khác, những cuộc xuống đường biểu tình có thể được Mỹ lợi dụng để nhân rộng ra ở những quốc gia mà Mỹ thường chỉ trích, như Triều Tiên, Cu Ba…

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng cách cổ suý cho dân chủ của Mỹ rất linh hoạt, thậm chí mang dáng dấp của “tiêu chuẩn kép”, chẳng hạn như ủng hộ các cuộc xuống đường ở Iran, nhưng “mắt nhắm, mắt mở” khi chính quyền Bahrain giải tán các cuộc biểu tình.



Một trong những điều khiến Mỹ lo lắng nhất trong những ngày này là số phận của trụ sở Hạm đội 5 đóng ở Bahrain.

Thứ hai, sự hỗn loạn nếu tận dụng tốt sẽ là cơ hội để làm kiệt quệ, gây thiệt hại cho những đối thủ đã và đang đầu tư vào 2 khu vực này, nhưng không dựa trên những hợp đồng kinh tế mà chủ yếu dự vào mối quan hệ với nhà cầm quyền.

Khi nhà cầm quyền bị hạ bệ thì các khoản đầu tư dường như mất trắng. Điển hình là Trung Quốc, nước không ngại vung tiền cho những dự án dầu lửa, đường sắt, cơ sở hạ tầng… ở lục địa đen.

Thứ ba, xét về mặt chiến lược dài hạn, hỗn loạn cũng là cơ hội để sắp xếp lại bản đồ thế giới theo hướng phục vụ lợi ích quốc gia.

Bộ máy ngoại giao, quân sự, tình báo Mỹ đang hoạt động ráo riết, từ vận động hành lang tại Liên hợp quốc tới NATO và các đồng mình khác để đưa ra những giải pháp và sự lựa chọn có lợi. Thậm chí cả bằng các chiến dịch quân sự nhằm đảm bảo một hậu Trung Đông và Bắc Phi thân Mỹ hay chí ít cũng là không thù địch với Mỹ.

Hiện Mỹ đã điều 2 tàu chiến áp sát Lybia, sẵn sàng cho một cuộc can thiệp quân sự.

Thứ tư, khá đặc biệt, từ những vụ xuống đường ở Bắc Phi – Trung Đông, sẽ có thêm công nghệ tạo chính biến, đảo chính mới. Đó là internet với mạng xã hội, blogs…mà Mỹ là chủ nhân sáng tạo ra.


Mỹ đã sẵn sàng can thiệp quân sự vào Libya, chỉ chờ thời cơ thích hợp.

Đây là điều Trung Quốc phải suy nghĩ, phần mềm tường lửa Vạn Lý Trường Thành chưa đủ sức để đấu với công nghệ tiên tiến của phương Tây. Đã có ý kiến cho rằng việc Đài VOA quyết định từ 1/10/2011 ngừng phát sóng các bản tin tiếng Trung là để tập trung cho chiến trường trên Internet, nơi có thể tiếp cận thanh niên, tri thức dễ dàng và rộng rãi hơn để tuyên truyền về những “giá trị Mỹ”.

Có lẽ, trong tương lai cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ là cuộc cạnh tranh về công nghệ internet và kiểm soát thông tin.

Về cái mất của Mỹ, hiện chưa mấy rõ ràng, làn sóng xuống đường có thể vượt quá tầm kiểm soát của Washington và đe doạ những chế độ thân Mỹ như Bahrain. Hơn nữa, một số công ty Mỹ đầu tư tại đây có thể bị thiệt hại, nhưng sẽ không lớn bởi có những hợp đồng ràng buộc pháp lý.

Cuối cùng, có lẽ một số đồng minh của Mỹ sẽ e ngại chơi với “chú Sam”, bởi từ vụ khủng hoảng này họ chợt nhận ra họ sẽ bị Washington bỏ rơi nếu không còn hữu dụng với nước Mỹ nữa (trường hợp cựu Tổng thống Ai Cập Mubarak).

Tất nhiên đây là điều phũ phàng nhưng nó luôn đúng trong quan hệ quốc tế, đó là “không có bạn vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn”.

Trung Quốc mất nhiều hơn được
Về chính trị - ngoại giao, không gian phát triển của Trung Quốc rất có thể sẽ bị thu hẹp, do chậm chân, thiếu kinh nghiệm hoặc không có khả năng chớp thời cơ như Mỹ.

Ai cũng biết, gần đây Trung Quốc được xem là quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất châu Phi, nhiều học viện Khổng Tử đã được xây dựng và giới lãnh đạo Bắc Kinh có thể tự hào bởi họ đã khai phá được một không gian phát triển đầy tiềm năng, trong bối cảnh Mỹ đang giành giật ảnh hưởng quyết liệt ở những khu vực xung quanh Trung Quốc.

Tuy nhiên, công sức bao năm qua đang phải đối mặt với nguy cơ bị quét sạch, theo kịch bản mà một nhà báo từng đề cập: Tình hình Bắc Phi - Trung Đông diễn biến theo hướng từ “ổn định” tới “bất ổn” và trở lại “ổn định” nhưng theo hướng thân Mỹ.

Về kinh tế, bao năm nay các nhà đầu tư Trung Quốc đổ dồn về châu Phi với những giấc mơ trở thành tỷ phú. Họ đã hào phóng viện trợ để thiết lập quan hệ với giới cầm quyền, từ đó tìm kiếm những hợp đồng béo bở trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, xây dựng đường sắt, cơ sở hạ tầng… Trớ trêu thay, khi đang lên như diều gặp gió thì hỗn loạn chính trị ập tới, khiến họ đối mặt với nguy cơ trắng tay.


Sắc đỏ Trung Quốc ở lục địa đen sẽ tàn phai trong cơn bão tố cách mạng?

Theo số liệu thống kê, năm 2009, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất châu Phi, vốn đầu tư trực tiếp trên 9 tỷ USD và sẽ tăng lên 70% vào năm 2015. Chỉ riêng Lybia, nơi đang nổ ra nội chiến, thương mại song phương Trung Quốc – Lybia đạt 6,6 tỷ USD năm 2010, Tập đoàn đường sắt Trung Quốc đã đầu tư 5,2 tỷ USD và gần 40.000 lao động Trung Quốc đang làm việc tại quốc gia này. Vẫn biết rằng không có bài học nào là miễn phí, nhưng cái giá mà Trung Quốc phải trả có lẽ quá đắt.

Cái được duy nhất của Trung Quốc có lẽ chính là bài học về quản lý đất nước. Tuy đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, nhưng khoảng cách giàu nghèo, phân phối thành quả phát triển, thất nghiệp…vẫn là điều nhức nhối. Những mầm bệnh của người khổng lồ vẫn đang âm ỉ. Bên cạnh đó, vấn đề Tây Tạng, Tân Cương cũng đáng phải suy ngẫm. Có lẽ, Trung Quốc cần phải chú trọng hơn tới phát triển bền vững, chứ không phải là những con số tăng trưởng.

Nhìn rộng ra thế giới
Bất ổn tại Bắc Phi – Trung Đông và những cuộc cạnh tranh giành giật ảnh hưởng sẽ không chỉ tác động tới những quốc gia liên quan. Thế giới cũng sẽ gánh chịu nhiều tác động tiêu cực, trước mắt là về kinh tế khi giá dầu lên cao.

Nguy hiểm hơn, những tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế có thể sẽ ra đời, những hình thức can thiệp tinh vi mới có thể sẽ được áp dụng, và những quân bài mặc cả mới có thể sẽ xuất hiện trong tay các nước lớn. Tất cả báo hiệu một thời kỳ không mấy bình yên trên trường quốc tế.

(tổng hợp)

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

>> Chùm ảnh: T-90C, siêu tăng hiện đại nhất của Lục quân Nga



“Siêu tăng” hiện đại T-90C của Nga có khả năng “bơi”, “bay” và hỏa lực mạnh



“Xe tăng bay” T-90C của Nga có tổng trọng lượng 46,5 tấn, nhẹ hơn nhiều so với các dòng xe tăng cùng loại của nước ngoài và trên thực tế thì cũng khó có thể có chiếc xe tăng nào có thể so sánh với nó về tốc độ bắn.


Không những vậy, xe tăng T-90C của Nga còn có khả năng đặc biệt mà hiếm có loại xe tăng nào trên thế giới hiện nay có thể làm được Nga. Đó là khả năng tiêu diệt bất cứ xe bọc thép nào của đối phương trong phạm vi 5 km.


Theo nhận định của nhà thiết kế, chế tạo xe tăng Vladimir Nevolin, T-90C không hề thua kém bất cứ mẫu xe tăng thế hệ thứ 3 nào của nước ngoài.


Nó được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực hoàn toàn tự động nên có thể quan sát, phát hiện mục tiêu cả ngày lẫn đêm mà không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết tốt hay xấu. Kính ngắm của xe tăng được tích hợp với camera cảm ứng nhiệt tiên tiến làm tăng khả năng quan sát.


Bên cạnh đó, tăng T-90C còn được trang bị lớp thép bảo vệ phản lực rất chắc chắn, có khả năng chống được đạn xuyên thép, đồng thời tổ hợp chế áp “Blind” trang bị trên xe sẽ giúp cho T-90C có thể tránh được tên lửa chống tăng có điều khiển của đối phương.


Khả năng vượt trội này của T-90C đã được thực nghiệm tại các sa mạc của Ấn Độ khi nhiệt độ ngoài trời là 50 độ C và nó có thể hoạt động trong phạm vi hàng nghìn km ở các khu rừng nhiệt đới ở Malaysia.


Hiện tại, xe tăng T-90C của Nga đang được coi là một trong những loại xe tăng hiện đại và nguy hiểm nhất thế giới. Ngoài Nga, T-90C còn được biên chế trong lực lượng vũ trang của Ấn Độ, Algeria và Ả Rập Xê út.

(vitinfo news)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang