Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Rosoboronoexport

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Rosoboronoexport. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Rosoboronoexport. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

>> Việt Nam mua thêm hệ thống tên lửa bờ biển



Tập đoàn NPO Mashinostroenia bắt đầu chuẩn bị hợp đồng bán hệ thống tên lửa bờ biển Bastion-P cho Việt Nam.


http://nghiadx.blogspot.com
Hệ thống tên lửa bờ biển Bastion-P trong biên chế Hải Quân Việt Nam


Tập đoàn NPO Mashinostroenia đã bắt đầu chuẩn bị hợp đồng xuất khẩu hệ thống tên lửa bờ biển Bastion-P với Việt Nam không thông qua công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronoexport. Kinh phí cho hợp đồng này được lấy từ tín dụng nhà nước do Nga cấp cho Việt Nam.

Hiện nay, hai bên đang xác định các điều kiện sơ bộ của hợp đồng xuất khẩu: số lượng chính xác trang bị mua bán, quy mô tín dụng nhà nước của Nga và thời hạn chuyển giao.

Theo một nguồn tin gần gũi với Bộ Tài chính Nga, Nga đang đàm phán với Việt Nam về việc cấp tín dụng mua vũ khí Nga. Quy mô tín dụng nhà nước này chưa được xác định vì “phụ thuộc trực tiếp vào số lượng vũ khí mua sắm, mà điều đó thì hiện đang được thảo luận”. “Một trong các bên của hợp đồng mới sẽ là NPO Mashinostroenia. Vai trò đó được xác định cho NPO và hãng này đang đàm phán với Việt Nam về việc cung cấp một số hệ thống Bastion”. Nguồn tin này cũng cho biết, việc chuyển giao các hệ thống tên lửa cho Việt Nam có thể diễn ra không sớm hơn năm 2013-2014 do phía Nga cần chuẩn bị và có những bổ sung vào luật ngân sách để có thể cấp tín dụng xuất khẩu cho Việt Nam.

Một nguồn tin gần gũi với Rosoboronoexport, hôm 10.8, cho biết, “vấn đề cấp tín dụng có liên quan cho Việt Nam để mua vũ khí Nga đang ở giai đoạn bàn bạc thống nhất cuối cùng”.

NPO Mashinostroenia đã được phép của đích thân Tổng thống Nga Dmitri Medvedev tự chuẩn bị hợp đồng xuất khẩu, mặc dù việc đó chưa được hợp thức hóa về mặt pháp lý. Tập đoàn này sẽ chỉ có thể ký kết hợp đồng xuất khẩu không qua Rosoboronoexport nếu có được quyền này về mặt pháp lý.

Một nguồn tin trong văn phòng Tổng thống Nga tiết lộ, Tổng thống Dmitri Medvedev đã được báo cáo từ tháng 6.2011 về kế hoạch của NPO độc lập xuất khẩu vũ khí thành phẩm, người đệ trình báo cáo này là trợ lý Tổng thống Sergei Prikhodko đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị của NPO Mashinostroenia và Tổng thống Medvedev đã viết lên tờ trình là “Đồng ý”, tuy nhiên chưa có sắc lệnh chính thức của Tổng thống.

Một nguồn tin trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự cho hay, NPO Mashinostroenia đang thực sự chuẩn bị tự đi ra thị trường thế giới. Đến năm 2007, NPO đã tự xuất khẩu vũ khí và hiểu rõ thị trường Việt Nam, và nay đã được Tổng thống Nga cho phép tiếp tục làm việc đó. Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự đã thông báo việc này cho Rosoboronoexport.

NPO Mashinostroenia cho đến năm 2007 đã từng xuất khẩu độc lập một số mẫu sản phẩm quân dụng nên có đủ kinh nghiệm. Năm 2007, thị trường xuất khẩu vũ khí Nga đã hình thành rõ ràng và toàn quyền bán sản phẩm quân dụng thành phẩm chuyển sang tay một công ty nhà nước là Rosoboronoexport đóng vai trò nhà trung gian cung cấp vũ khí.

Quy chế chủ thể hợp tác kỹ thuật quân sự không trao quyền xuất khẩu thành phẩm, song cho phép cung cấp cho khách hàng nước ngoài phụ tùng, các tổng thành, bộ phận hay dịch vụ hiện đại hóa và bảo dưỡng.

Hiện nay, có quy chế chủ thể hợp tác kỹ thuật quân sự là Rosoboronoexport (công ty trung gian quốc doanh), Rostechnologyy (hoạt động marketing) và 21 hãng phát triển và sản xuất hàng quân sự. Trong đó, chỉ có Rosoboronoexport có quyền xuất khẩu tất cả các loại hàng quân sự, trước hết là thành phẩm. Các hãng còn lại chỉ có thể xuất khẩu phụ tùng, các tổng thành, tài liệu, cũng như dịch vụ bảo dưỡng hậu mãi cho các vũ khí trang bị đã cung cấp trước đó.

Ngoài Rosoboronoexport, hiện chỉ có 2 công ty có quyền bán sản phẩm thành phẩm ra nước ngoài - đó là hãng đóng tàu Zvezdochka ở Severidvinsk và Admiralteiskye Verfi ở St. Petersburg. Hai hãng này nằm trong Tập đoàn Đóng tàu thống nhất OSK. Tháng 11.2010, Admiralteiskye Verfi công bố chiến lược phát triển của mình, trong đó đề xuất trao cho họ “quy chế chủ thể hợp tác kỹ thuật quân sự”. Quy chế này sẽ trao cho tập đoàn toàn quyền độc lập cung cấp sản phẩm của mình ra thị trường thế giới mà không cần sự trợ giúp của Rosoboronoexport.

Hiện nay, Rosoboronoexport kiểm soát phần lớn hoạt động xuất khẩu quân sự của Nga. Năm 2010, Nga đã bán ra nước ngoài 10 tỷ USD vũ khí trang bị, trong đó có 8,6 theo kênh Rosoboronoexport. Trong khi đó, năm 2009, các chỉ số này tương ứng là 8,8 và 7,4 tỷ USD. Tính đến đầu năm 2011, khối lượng đơn đặt hàng của Rosoboronoexport là 38 tỷ USD.

Có ý kiến cho rằng, nếu hợp đồng bán trực tiếp Bastion cho Việt Nam sẽ được ký kết, thì đây là đòn đau đầu tiên vào sự độc quyền của Rosoboronoexport, nhà xuất khẩu sản phẩm quân sự thành phẩm duy nhất của Nga.

Tuy nhiên, chuyên gia Konstantin Makienko, thuộc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ (TsAST, Nga) thì cho rằng, tổn thất tài chính của Rosoboronoexport do NPO Mashinostroenie độc lập xuất khẩu vũ khí là không lớn. “Nhiều lắm là bằng số hợp đồng mà NPO có thể ký được, trung bình cung cấp 1 hệ thống/năm.

Hệ thống này rất mạnh, rất đắt và rất nhạy cảm về chính trị. Ở phân khúc này, thị trường chắc chắn sẽ tập trung vào hệ thống thay thế khác là Bal-E. Vì thế, Rosoboronoexport có thể có biện pháp đối phó đối xứng là bắt đầu tiếp thị hệ thống dễ bán hơn nhiều là Bal-E. Năm 2010, trong khuôn khổ các hợp đồng mà Rosoboronoexport đã ký trước đó, Nga đã cung cấp cho Việt Nam 1 hệ thống Bastion có giá 150 triệu USD.

Còn theo ý kiến của ủy viên Hội đồng Xã hội thuộc Bộ Quốc phòng Nga, ông Ruslan Pukhov thì tổn thất lớn hơn nhiều là tổn thất về hình ảnh của Rosoboronoexport.

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

>> Không quân Việt Nam nhận tiếp 4 Su-30МК2




Nga đã bàn giao cho Việt Nam lô đầu tiên gồm 4 tiêm kích Su-30МК2 trưởng đoàn Rosoboronoexport tại triển lãm Le Bourget Sergei Kornev cho biết.




Su-30MK2 Flanker-G


Theo Trung tâm phân tích mua bán vũ khí thế giới TsAMTO, đây là lô máy bay đầu tiên được chuyển giao theo hợp đồng mua 8 Su-30МК2 ký đầu năm 2009 trị giá gần 400 triệu USD. Hợp đồng này không bao gồm vũ khí hàng không.

Đầu tháng 2.2010, Nga và Việt Nam đã ký hợp đồng thứ hai mua bán 12 Su-30МК2 và vũ khí hàng không, trị giá gần 1 tỷ USD. Nga sẽ bàn giao số máy bay theo hợp đồng này cho Việt Nam vào năm 2011-2012. Cũng theo hợp đồng này, Việt Nam sẽ nhận được vũ khí hàng không và phụ tùng cho cả lô máy bay này lẫn 8 Su-30МК2 đặt mua trước đó.

Việt Nam bắt đầu ráo riết mua vũ khí trang bị không quân của Nga từ giữa thập niên 1990 sau thời gian dài suy giảm hợp tác kỹ thuật quân sự song phương. Năm 1995, Việt Nam mua của Nga lô đầu tiên gồm 6 Su-27 (5 Su-27SK, 1 Su-27UBK) trị giá 150 triệu USD. Đầu năm 1997, Hà Nội mua lô thứ hai gồm 6 Su-27 (5 Su-27SK, 1 Su-27UBK).

Trong số các thương vụ thực hiện trước đó, có hợp đồng nâng cấp 2 tiêm kích MiG-21bis.

Năm 1996-1998, hãng KnAAPO và công ty Sukhoi đã nâng cấp 32 máy bay tiêm kích-bom một chỗ ngồi Su-22М4 và 2 máy bay huấn luyện chiến đấu 2 chỗ ngồi Su-22UM3. Hiện nay, 53 máy bay tiêm kích-bom Su-22М4/Su-22UM3 đang là chủ lực của lực lượng máy bay tiến công của Không quân Việt Nam.

Tháng 12.2003, Rosoboronoexport đã ký hợp đồng bán cho Việt Nam 4 Su-30МК, giao hàng năm 2004. Đây là mẫu cơ sở Su-30МК được cải tiến thích ứng các yêu cầu của Không quân Việt Nam. Tính cả giá Su-30МК kiểu cơ sở, vũ khí hàng không, phụ tùng và những cải tiến cần thiết theo yêu cầu của Việt Nam, hợp đồng trị giá gần 120 triệu USD.

Nga đang xúc tiến máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130 vào thị trường Việt Nam. Xét đến việc Việt Nam mua thêm Su-30МК, công ty Sukhoi đang đàm phán xây dựng tại Việt Nam một trung tâm bảo dưỡng kỹ thuật cho các máy bay Su.



[Vietnamdefence news]


Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

>> Ukraine tiếp tay cho chương trình tàu sân bay Trung Quốc



Công khai và bí mật, Ukraine đã và đang cung cấp cho Trung Quốc các vũ khí trang bị thiết yếu như động cơ xe tăng, tên lửa Kombat, R-27, tên lửa hành trình chiến lược Kh-55, tàu đổ bộ Zubr, động cơ máy bay, và đặc biệt là vũ khí trang bị cho dự án tàu sân bay như mẫu chế thử Su-33, động cơ thủy,...




Máy bay của Hải quân Nga luyện tập tại NITKA

Thiết kế tổ hợp mặt đất huấn luyện phi công tàu sân bay của Trung Quốc hầu như giống hệt tổ hợp NITKA ở Saki, Crimea, Ukraine; đặc biệt giống là kích thước và hình dáng bên ngoài của cầu bật (để máy bay cất cánh), một nguồn tin trong Hải quân Nga tiết lộ với tạp chí Kanwa.

Theo nguồn tin này, Trung Quốc không thể nào sao chép trung tâm NITKA sau khi tham quan NITKA 2-3 lần.

Nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng mới đây đã có bài trả lời phỏng vấn độc quyền với Kanwa về vấn đề này. Ông ta thừa nhận rằng, một công ty quốc doanh Ukraine (có thể là Ukrspetsexport) đang dính líu sâu vào chương trình đóng tàu sân bay của Trung Quốc và trang bị lại cho tàu sân bay Varyag. Song nguồn tin cũng nhấn mạnh rằng, sự tham gia đó mang tính chất rất hạn chế và mức độ tham gia thực tế của Ukraine vào dự án tàu sân bay Trung Quốc không giống như các đánh giá mà thế giới đưa ra, đồng thời lưu ý là toàn bộ thông tin có được về vấn đề này đều bắt nguồn từ công ty quốc doanh kia.

Nguồn tin cho biết, thông tin nói rằng, tàu Varyag sẽ được trang bị hệ thống động lực chính do Ukraine sản xuất là đúng. Ukraine cũng sẽ bán cho Trung Quốc 2 tàu đổ bộ đệm khí Zubr, chứ không phải 4 tàu như dư luận ngoài Ukraine bàn tán.

Nguồn tin cho hay: “Trong 2-3 năm qua, hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Trung Quốc và Ukraine đã tiến lên một trình độ mới về chất, chủ yếu là vì Trung Quốc muốn tiếp cận các công nghệ, nhưng chúng tôi cho rằng, việc đó không phù hợp với những lợi ích kinh tế của chúng tôi. Vì thế, trong chuyến thăm Bắc Kinh vừa qua của Tổng thống Ukraine, hai bên đã thảo luận triển vọng tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự, nhưng đến nay vẫn chưa có những kế hoạch cụ thể nào. Ở giai đoạn đầu, Trung Quốc muốn nghiên cứu cấu tạo của tàu đổ bộ Zubr, và chúng tôi giải thích với họ là sẽ không phải là chuyện khó nếu chúng tôi có thể hỗ trợ gì đó, nhưng sẽ không có chuyện chuyển giao công nghệ. Kết quả là biến thể Zubr của Trung Quốc khác với mẫu cơ sở vì trên tàu lắp đặt các hệ thống vũ khí, điều khiển hỏa lực của Trung Quốc, ngoài ra việc lắp ráp hoàn chỉnh cũng tiến hành ở Trung Quốc. Chúng tôi chỉ làm vỏ tàu. Ngoài ra, căn cứ vào kích thước các loại binh khí kỹ thuật cần đổ bộ của Trung Quốc, chúng tôi đã thay đổi cách bố trí các khoang”.

Một nguồn tin có uy tín mới đây cũng tiết lộ với Kanwa: “Các chuyên gia Ukraine đã đến thăm Nhà máy nồi hơi Harbin. Sau dự án hợp tác về turbine khí DN80 mà các vị đã biết (dự án nay bao gồm cả việc chuyển giao cho Trung Quốc công nghệ sản xuất turbine khí DN80, và các turbine này được lắp đặt cho tàu sân bay Varyag”), thì dự án hợp tác lớn nhất trong lĩnh vực vũ khí hải quân giữa Trung Quốc và Ukraine là hỗ Nhà máy nồi hơi Harbin sản xuất các nồi hơi và động cơ quân dụng công suất lớn”. Đáp lại câu hỏi liệu các nồi hơi mới có được lắp cho các tàu sân bay Trung Quốc dự định đóng sắp tới hay không, nguồn tin chỉ cười.

Hiện nay, có thể khẳng định chắc chắn, tàu Varyag và tàu sân bay nội địa của Trung Quốc sẽ được trang bị các nồi hơi của Ukraine. Công việc tiến triển tốt, Ukraine sẽ cung cấp các nồi hơi thử nghiệm cho Trung Quốc.

Trong khuôn khổ dự án xây dựng trung tâm huấn luyện phi công tàu sân bay tương tự tổ hợp NITKA, cũng theo các nguồn tin này, sự hợp tác mang tính chất rất hạn chế, bởi vì Ukraine đã bán các công nghệ và vũ khí trang bị, và không chịu trách nhiệm về việc xây dựng các công trình quân dụng. Ukraine chỉ tư vấn cho Trung Quốc về thiết kế bên trong của NITKA và cung cấp cho họ thông tin về các tòa nhà và công trình.

Theo Kanwa, kể cả như thế thì cũng có thể coi là kết quả không tồi. Nhờ sự hợp tác đó với Ukraine, Trung Quốc có khả năng nắm được những cách tiếp cận cơ bản đối với việc xây dựng NITKA.

Ukraine cũng có nhiều cơ hội bán vũ khí và công nghệ của mình cho Trung Quốc, khác với Nga, nơi toàn bộ hoạt động xuất khẩu vũ khí và công nghệ quân sự phải thực hiện thông qua công ty Rosoboronoexport.

Theo nguồn tin của Kanwa, “việc xuất khẩu các vũ khí như tên lửa chống tăng có điều khiển Kombat (phóng qua nòng pháo tăng) nằm trong thẩm quyền của công ty Artyom, công ty này cũng đang cung cấp cho Trung Quốc tên lửa không-đối-không R-27Т/R. Công ty này cũng có quyền xuất khẩu trực tiếp vũ khí. Công ty KhKBM A.A. Morozov ở Kharkov cũng có quyền xuất khẩu động cơ diesel dành cho xe tăng 6TD-2. Các công ty Antonov và Ivchenko-Progress cũng có thể cung cấp trực tiếp động cơ cho Trung Quốc”.

Trở lại với vấn đề xây dựng trung tâm tương tự NITKA ở Trung Quốc, vài năm trước Kanwa đã đưa tin nói rằng, tổ hợp NITKA của Ukraine đang thuộc quyền quản lý trực tiếp của Hải quân Ukraine, còn Bộ Quốc phòng Ukraine thì có quyền tự chủ trong xuất khẩu một số hệ thống vũ khí. Một nguồn tin khác tiết lộ với Kanwa rằng, mẫu chế thử của tiêm kích Su-33 (Т-10К) được chuyển cho Trung Quốc không phải thông qua Ukrspetexport. Theo Kanwa, Т-10К có thể đã do Hải quân hoặc Bộ Quốc phòng Ukraine cung cấp cho Trung Quốc dưới dạng vũ khí thanh lý. Cũng nhiều khả năng là tài liệu về NITKA cũng đã được Bộ Quốc phòng Ukraine cung cấp trực tiếp cho Trung Quốc.

Liên quan đến vai trò của Ukraine trong việc hỗ trợ Trung Quốc đóng các tàu sân bay, nguồn tin cho biết, Ukraine đã cử một số lượng hạn chế chuyên gia sang Trung Quốc. Theo Kanwa, điều đó có nghĩa là sau khi nghỉ việc, đa số các chuyên gia Ukraine sẽ đến Thượng Hải dưới tên thật của họ.
[VietnamDefence news]


Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

>> Việt Nam sắp sản xuất siêu tên lửa Yakhont



Quan hệ hợp tác Nga-Việt trong những năm gần đây đã có tính chất đối tác chiến lược. Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Việt Nam.



Tên lửa chống hạm siêu âm Yakhont


Trong tương lai, hợp tác kỹ thuật quân sự song phương sẽ còn mở rộng hơn nữa. Nga đang hợp tác với Việt nam về tất cả các loại vũ khí trang bị.

Trong quá trình hiện đại hóa hoàn toàn Hải quân, Việt Nam đã trở thành một trong những khách hàng lớn nhất của vũ khí trang bị hải quân Nga. Tổng giá trị các đơn đặt hàng mua vũ khí hải quân của Việt Nam có thể sánh với các hợp đồng hiện tại đang thực hiện cho Hải quân Ấn Độ.

Cuối năm 2009, Nga và Việt Nam ký hợp đồng mua bán 6 tàu ngầm diesel Projekt 636 Kilo trị giá gần 1,8 tỷ USD. Ngày 26.8.2010, tại xưởng đóng tàu Admiralteiskye Verfi đã diễn ra lễ khởi đóng tàu ngầm đầu tiên trong 6 chiếc Kilo mà Hải quân Việt Nam đặt hàng. Các tàu ngầm Kilo của Việt Nam sẽ được trang bị hệ thống tên lửa Club-S.

Ba tháng sau khi ký hợp đồng, hai bên đã bắt đầu đàm phán về việc xây dựng căn cứ tàu ngầm và hạ tầng liên quan. Dự án này trị giá dự đoán tương đương, hoặc thậm chí lớn hơn giá trị các tàu ngầm.

Việt Nam muốn Nga cấp tín dụng xây dựng cả căn cứ tàu ngầm, cũng như các loại tàu khác (kể cả tàu cứu hộ và bảo đảm) và máy bay hải quân.

Lực lượng tàu ngầm và không quân hải quân là những đơn vị mới trong quân đội Việt Nam.

Dự án lớn thứ hai trong lĩnh vực vũ khí hải quân là chương trình mua sắm và đóng theo giấy phép các tàu tên lửa Molnya, tổng trị giá ước 1 tỷ USD. Trong thập niên 1990, Việt Nam đã nhận được 4 tàu tên lửa Projekt 1241RE Molnya trang bị hệ thống tên lửa chống hạm Termit. Năm 1993, Việt Nam mua giấy phép đóng các tàu tên lửa Projekt 1241.8 Molnya trang bị hệ thống tên lửa Uran Việc chuyển giao các tài liệu kỹ thuật, tiêu chuẩn và công nghệ để đóng các tàu này bắt đầu từ năm 2005. Từ năm 2006, bắt đầu quá trình chuẩn bị đóng tàu. Theo hợp đồng ký năm 2003, 2 tàu Projekt 1241.8 Molnya trang bị hệ thống tên lửa Uran dự định đóng tại Nga và 10 tàu còn lại đóng theo giấy phép tại Việt Nam. Tàu Molnya Projekt 1241.8 với hệ thống Uran-E đầu tiên được chuyển giao cho Việt Nam vào năm 2007, chiếc thứ hai vào năm 2008. Năm 2010, việc đóng theo giấy phép 10 tàu trong giai đoạn đến nă 2016 bắt đầu với việc khởi đóng tàu đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh.

Nga vẫn tiếp tục chương trình cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam. Mùa hè năm 2002, 2 tàu tuần tra Projekt 10412 Svetlyak, do Hải quân Việt Nam đặt hàng đã được hạ thủy tại xưởng đóng tàu Almaz (St. Petersburg). Hai tàu này đã được bàn giao cho Việt Nam vào tháng 1.2003. Trị giá mỗi tàu là 10-15 triệu USD.

Các tàu này đóng theo hợp đồng ký giữa Việt Nam và Rosoboronoexport vào tháng 11.2001. Tàu lớp Svetlyak dùng để bảo vệ hải phận, các tuyến giao thông ven bờ và chống đánh cá trộm. Vũ khí trên tàu gồm 2 ụ pháo АК-306, 1 bệ phóng tên lửa phòng không Igla-1М.

Hồi đó, Việt Nam cũng bày tỏ ý định tiếp tục đóng tàu Svetlyak (tổng số lên tới 10-12 chiếc). Chương trình này tiếp tục vào năm 2009. Mùa hè 2009, 2 xưởng đóng tàu Nga (hãng đóng tàu Almaz và Nhà máy sửa chữa tàu Vostochnaya Verf ở Vladivostok) đã khởi đóng tổng cộng 4 tàu Projekt 10412 Svetlyak (mỗi xưởng đóng 2 tàu) theo đơn đặt hàng của Việt Nam.

Projekt 10412 do hãng TsMKB Almaz ở St. Petersburg thiết kế. Tàu có khả năng đi biển tốt, tốc độ gần 30 hải lý/h. Tàu được trang bị 1 khẩu pháo, các súng máy phòng không, thủy thủ đoàn gồm 28 người.



Hệ thống tên lửa bờ biển cơ động K-300P Bastion-P

Việt Nam là khách hàng đầu tiên mua hệ thống tên lửa bờ biển cơ động К-300P Bastion-P sau khi ký hợp đồng mua 2 hệ thống này vào năm 2006.

Nga đang chuẩn bị hợp đồng hỗ trợ Việt Nam sản xuất tên lửa chống hạm Yakhont. Hợp đồng này trị giá ước 300 triệu USD.

Tháng 1.2002, công ty Kronshtadt đã cung cấp cho Hải quân Việt Nam hệ thống huấn luyện tổng hợp Laguna-1241RE. Kronshtadt đã sử dụng các công nghệ phần mềm hệ thống huấn luyện của công ty Tranzas để thiết kế hệ thống Laguna.

Laguna được sử dụng để huấn luyện các kỹ năng điều khiển các tàu tên lửa lớp Projket 12141RE trang bị hệ thống tên lửa Termit được cung cấp cho Việt Nam trong những năm 1990.

Việt Nam cũng bày tỏ ý định mua hệ thống huấn luyện tổng hợp cho 3 tàu Projekt 1241RE, Projekt 1241.8 và cho các frigate mới mua Gepard-3.9.

Tháng 9.2006, hãng Rosoboronoexport đã ký hợp đồng với Hải quân Việt Nam nhằm hiện đại hóa hệ thống huấn luyện Laguna-1241RE và cung cấp các hệ thống huấn luyện mới cho các tàu tên lửa Projekt 1241RE và 1241.8 Molnya. Hợp đồng đã được thực hiện vào tháng 12.2007.

Nga cũng đang thực hiện các dự án lớn bán máy bay chiến đấu và vũ khí phòng không cho Việt Nam.
[VietnamDefence news]


Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

>> Hệ thống huấn luyện Gepard, Kilo sắp về Việt Nam



Công ty R.E.T Kronshtadt (thuộc nhóm công ty Tranzas) đang hoàn tất lắp đặt hệ thống Laguna-11661.


Hệ thống này dùng để huấn luyện các thủy thủ đoàn, kíp chiến đấu trên các khinh hạm Gepard tại Việt Nam, Tổng giám đốc R.E.T Kronshtadt Yevgeny Komrakov cho hay. Trước đó, công ty này đã sản xuất cho Việt Nam hệ thống huấn luyện mô phỏng tổng hợp tàu tên lửa Molnya.




Dự kiến, năm 2012 hệ thống huấn luyện tàu ngầm Projekt 636 Kilo cho Việt Nam sẽ hoàn thành. Trong dự án này, R.E.T Kronshtadt tham gia với tư cách nhà thầu phụ của công ty Avrora, ông Komrakov tiết lộ.

Sắp tới, R.E.T Kronshtadt sẽ sản xuất hệ thống huấn luyện tổng hợp cho Hải quân Turkmenia, nước này đã đặt mua của Nga 2 tàu tên lửa Molnya và dự định đặt mua thêm 2 chiếc nữa.

Hãng Rosoboronoexport đã thống nhất với Turkmenia về hợp đồng mua bán hệ thống huấn luyện sẽ có hiệu lực trong vòng 6 tháng. Sau đó, R.E.T Kronshtadt sẽ hoàn thành công việc trong vòng 1 năm.

Hệ thống huấn luyện tổng hợp là hệ thống rất đắt tiền và tinh vi, đòi hỏi phỏng tạo được 100% vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật trên tàu. “Chẳng hạn, hệ thống huấn luyện mà chúng tôi đang lắp đặt tại Việt Nam có 56 vị trí làm việc, 7 bộ phận tác chiến làm việc ở 3 chế độ”, - ông Yevgeny Komrakov cho hay.
[BDV news]


Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

>> Nga hoàn tất bàn giao động cơ D-30KP-2 cho Trung Quốc


[VietnamDefence news] Trung Quốc sử dụng động cơ D-30KP-2 cho máy bay ném bom chiến lược mới H-6K, mặc dù nói là mua cho máy bay vận tải Il-76.
Lô động cơ D-30KP-2 thứ năm của Liên hiệp NPO Saturn đã được bàn giao hôm 23.3 cho Trung Quốc. Việc chuyển hàng lô cuối gồm 11 động cơ này cho Trung Quốc dự kiến trước cuối tháng 3.2011.

Theo hợp đồng giữa Rosoboronoexport và Trung Quốc có hiệu lực tháng 4.2009, phía Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 55 động cơ trong thời gian đến năm 2012.




H-6K

4 lô động cơ D-30KP-2 trước đó đã được bàn giao vào tháng 11.2009, tháng 3, 5 và 10.2010. Hợp đồng cũng quy định hãng sản xuất sẽ phải cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật trong thời hạn bảo hành.
Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang