Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Hoàng Sa - Việt Nam

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoàng Sa - Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoàng Sa - Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

>> Tàu chiến lớn nhất của Philippines tuần tra Biển Đông





Philippines cử tàu chiến lớn nhất của họ là BRP Rajah Humabon tuần tra biển Tây Philippines, sau khi Trung Quốc cũng cử tàu tuần tra lớn nhất của họ là Haixun 31 tới khu vực.


BRP Rajah Humabonđang đỗ tại cảng Poro Point, chuẩn bị tuần tra khu vực Scarborough Shoal.

Chỉ huy tàu Humabon là Celestino Abalayan tuyên bố: "Chúng tôi sẽ giám sát và kiểm tra nếu có những nguy cơ an ninh trong khu vực; cũng như hành động vi phạm quyền tài phán của chúng tôi”.

Theo báo Phil Star, Scarborough Shoal nằm ở biển Tây Philippines, cách Vịnh Subic 198 km về phía Tây và rộng khoảng 150 km2. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với khu vực này.

Tư lệnh hải quân Philippines là Phó đô đốc Alexander Pama cho rằng, không nên có hành động khiêu khích ở biển Tây Philippines. Hải quân nước này sẽ có những biện pháp phòng thủ chủ động trong lãnh hải của họ.



Tàu Humabon có 68 thủy thủ và 8 sĩ quan.

Trước đó, theo VNE, tàu tuần tra hiện đại nhất và lớn nhất của Trung Quốc là Haixun 31, trước khi thăm Singapore, sẽ vào biển Đông và đi qua các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc cho hay tàu Haixun 31, tải trọng 3.000 tấn, xuất phát sáng qua từ cảng Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Dự kiến hải trình của nó dài 1.400 hải lý, qua các đảo trên vùng biển này, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Đài CRI nói rằng thủy thủ đoàn của tàu tuần tra này sẽ kiểm tra những tàu mang cờ nước khác trên vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố thuộc chủ quyền của họ.

Bắc Kinh tuyên bố yêu sách đường 9 đoạn, hay còn gọi là đường lưỡi bò hoặc chữ U, ôm gần như trọn cả vùng biển Đông. Yêu sách này là hoàn toàn vô lý, không có cơ sở về luật pháp cũng như lịch sử, bị các nước, trong đó có Việt Nam, phản đối.

Haixun 31 là tàu tuần tra lớn nhất và hiện đại nhất từ trước tới nay tại Trung Quốc, được trang bị bãi đáp cho trực thăng, kho chứa máy bay và một tháp điều khiển không lưu. Con tàu có khả năng di chuyển 6.000 hải lý mà không cần tiếp nhiên liệu.

Đây là chuyến đi ra nước ngoài đầu tiên của Haixun 31. Nó sẽ ở Singapore trong 6 ngày. Phái đoàn Trung Quốc sẽ hội đàm với các quan chức hải quân Singapore về các vấn đề an ninh hàng hải, quản lý hải cảng và chống hải tặc.

Trung Quốc đang cho đóng một tàu tuần tra lớn hơn, mang tên Haixun 01. Tàu mới sẽ hoàn thành vào tháng 7 năm tới, với chiều dài 128 m và tải trọng 5.400 tấn.

[BDV news]


Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

>> Philippines gỡ bỏ các cột "chủ quyền" của Trung Quốc ở vùng Đông-Nam biển Đông



Philippines hôm nay (15/6) cho hay, hải quân nước này đã gỡ bỏ những cột trụ “nước ngoài” lắp đặt tại ba bãi đá ngầm trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.



Người dân Manila biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm đảo


Việc tháo dỡ các cột trụ gỗ diễn ra trong tháng 5, chỉ ngay trước lúc chính phủ Philippines chính thức phản đối các vụ xâm nhập của tàu Trung Quốc ở vùng biển chủ quyền Philippines, phát ngôn viên hải quân Omar Tonsay nói.

"Đó là các cột trụ nước ngoài vì không phải do quân đội hay chính phủ của chúng tôi dựng nên. Nên chúng tôi gỡ bỏ chúng vì đó là một phần lãnh thổ Philippines”, ông Tonsay nhấn mạnh.


Hiện trạng chiếm giữ vùng quần đảo Trường Sa (bản đồ của Philippines)



Chính phủ Philippines gần đây đã cáo buộc Trung Quốc dựng cột trụ, thả phao ở vùng biển mà Manila tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, Tonsay nói rằng, hải quân không thể xác định ai dựng nên các cột gỗ bị gỡ bỏ trong tháng 5. Các cột trụ này đã được dựng ở Boxall Reef thuộc quần đảo Trường Sa và ở gần Amy Douglas Bank, Reed Bank. Tất cả đều ở khu vực mà cả Philippines và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền.



Biển Đông, vùng biển giàu tài nguyên và có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng, là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và bốn nước Đông Nam Á gồm Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam.

Căng thẳng đang gia tăng ở khu vực này trong thời gian gần đây. Cả Philippines và Việt Nam đều cáo buộc Trung Quốc trở nên gây hấn hơn trong việc tuyên bố chủ quyền trong vùng biển. Trong tháng này, Philippines đã lên án Trung Quốc làm xói mòn hòa bình và ổn định tại châu Á bằng cách điều động các tàu hải quân tới gần Reed Bank để hăm dọa những bên tuyên bố chủ quyền khác, đồng thời lắp đặt cột trụ và thả phao ở vùng lân cận.

Philippines cũng không ngừng phản đối Trung Quốc về các vụ việc xảy ra từ tháng 2 – tháng 5, cáo buộc hải quân Trung Quốc bắn vào ngư dân của họ, quấy nhiễu một tàu thăm dò dầu khí Philippines.

Vì sao phải tranh chấp khi tuân thủ luật pháp quốc tế

Hôm qua (14/6), Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố, nước ông cần sự giúp đỡ từ đồng minh lâu dài là Mỹ trong chuyện tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Ông nói: "Có lẽ, sự hiện diện của Mỹ sẽ đảm bảo rằng tất cả chúng ta sẽ được hưởng tự do hàng hải và sẽ tuân theo luật pháp quốc tế".

Trong khi đó, phát biểu nhân khởi động Chương trình Năng lượng Tái tạo Quốc gia (NREP) của Bộ Năng lượng Philippines, Đại sứ Mỹ tại Philippines Harry Thomas đã khẳng định rằng, Mỹ đảm bảo ủng hộ Philippines “trong mọi vấn đề” kể cả các vấn đề về Biển Đông. Ông khẳng định: "Tôi đảm bảo với các vị rằng Mỹ sẽ sát cánh với Philippines trong tất cả các vấn đề. Mỹ và Philippines là những đồng minh chiến lược. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn và hợp tác với nhau trong các vấn đề, bao gồm cả Biển Đông".

Ông Aquino tỏ ý vui mừng với phát biểu của ông Thomas. Tổng thống Philippines cũng khẳng định việc nước này có quyền tìm kiếm dầu khí trong phạm vi lãnh thổ của họ. Ông viện dẫn Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

UNCLOS quy định: "Vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng này, quốc gia ven biển có quyền thuộc chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế… Trong vùng đặc quyền kinh tế, nước ngoài có quyền tự do hàng hải và đường không, tuân theo sự kiểm soát của quốc gia ven biển. Nước ngoài cũng có thể đặt các đường ống ngầm và cáp ngầm… nhưng phải thông báo và thỏa thuận với quốc gia ven biển".

Recto Bank cách Palawan 80 hải lý và cách Trung Quốc 576 hải lý. "Vì thế, con số 576 rõ ràng lớn hơn nhiều 200. Vậy tại sao phải có tranh chấp nếu chúng tôi tuân thủ luật pháp quốc tế”, ông Aquino nói. "Họ là một siêu cường, dân số của họ gấp 10 lần dân số chúng tôi, chúng tôi không muốn đối đầu xảy ra. Và có lẽ sự hiện diện của Mỹ sẽ đảm bảo rằng tất cả chúng ta sẽ được hưởng tự do hàng hải và sẽ tuân theo luật pháp quốc tế".
[BDV news]


>> Thái độ của Trung Quốc quyết định tình hình biển Đông



Đó là nhận định của ông Minxin Pei, người Mỹ gốc Hoa, sinh ra tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ông Minxin Pei là giáo sư làm việc ở Trường Cao đẳng Claremont McKenna, cố vấn cấp cao của Carnegie Endowment for International Peace, một tổ chức phi lợi nhuận tư nhân của Mỹ, chuyên thực hiện việc thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia và thúc đẩy các hoạt động quốc tế của Mỹ.

Dưới đây là bài phân tích của ông Minxin Pei về tình hình biển Đông, đăng trên trang Diplomat:

Trước khi có bài phát biểu nêu rõ “lợi ích quốc gia” của Mỹ tại biển Đông của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Trung Quốc được xem như là đang nắm thế thượng phong trên biển Đông sau nhiều năm chịu khó đeo đuổi chính sách “ngoại giao quyến rũ” trong khu vực.

Tuy nhiên, việc nghĩ mình đã nắm thế thượng phong đã khiến Bắc Kinh phạm phải những sai lầm ngoại giao “ngớ ngẩn”.

Sự kiện đụng chạm với tàu Hải quân Mỹ, phản đối và “thách thức” sự hiện diện của Mỹ tại châu Á, các hoạt động phá rối đối với các dự án khai thác dầu mỏ trên biển Đông, khiến Washington phải xem xét lại chiến lược của mình tại châu Á nói chung và ASEAN nói riêng.

Các nước có tranh chấp trực tiếp với Bắc Kinh về chủ quyền biển đảo cũng buộc phải xem xét lại các chính sách của mình đối với sự “leo thang” các hành động của Bắc Kinh.

Bài phát biểu của bà Hillary Clinton tại diễn đàn ARF tại Hà Nội vào tháng 7/2010 được xem là một cú “sốc” đối với Bắc Kinh. Điều đó đã góp phần làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực.

Phát biểu của Washington đã khiến các quốc gia ASEAN tự tin hơn với những tuyên bố của mình. Còn Bắc Kinh đã tự đặt mình vào thế bị cô lập trong các tranh chấp trên biển Đông.



Tự tin với sự trỗi dậy của tiềm lực quân sự, Trung Quốc đã quên chính sách "dấu mình chờ thời" mà cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình của nước này căn dặn?


Ngoài ra, cần phải kể đến phản ứng “vụng về” trong việc che đậy những mối đe dọa về sự phát triển của quân đội đối với các nước trong khu vực khiến các họ không thể không lo lắng.

Năm 2010, được xem là đỉnh điểm của những sai lầm ngoại giao của Bắc Kinh, một năm tồi tệ đối với chính sách đối ngoại của Bắc Kinh từ năm 1989 đến nay.

Để sửa chữa những sai lầm này, năm 2011, Bắc Kinh đã thúc đẩy một loạt các hoạt động ngoại giao. Thay đổi cách nhìn nhận về sự hiển diện của Mỹ tại châu Á, cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Thế nhưng, sự căng thẳng trên biển Đông diễn ra gần đây được xem là một “nút thắt” đối với hình ảnh của Bắc Kinh trên trường quốc tế.

Trong các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, tranh chấp Việt-Trung diễn ra căng thẳng nhất. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang ở thế yếu đối với luật pháp quốc tế. Căn cứ theo công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, Bắc Kinh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chứng minh các đảo và bãi đá ngầm tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có liên quan đến thềm lục địa Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn khăng khăng tuyên bố chủ quyền của mình tại đây, Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974, và lấy đó làm cơ sở để đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Sự đòi hỏi này chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Từ đó, gây ra những sự quấy rối và phá hoại các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam cũng như các đối tác nước ngoài hợp tác với Việt Nam, cũng như các quốc gia khác trong ASEAN.

Rõ ràng, thái độ của Bắc Kinh có ý nghĩa quyết định tình hình tại đây, Bắc Kinh cần thể hiện bản lĩnh của một nước lớn, sự tôn trọng luật pháp quốc tế. Cộng đồng quốc tế đang thể hiện xu hướng ủng hộ các bên yếu hơn trong các tranh chấp biển đảo.

Trước mắt, Bắc Kinh nên tạm dừng các hoạt động tuần tra của mình trên vùng biển tranh chấp để tránh các xung đột có thể phát sinh. Cung cấp các đề xuất cụ thể với các nước trong khu vực để tránh các xung đột tương lai.

Những biện pháp nói trên cần phải được thực hiện một cách đa phương hóa để tiếp thu những sáng kiến ngoại giao từ cộng đồng quốc tế. Đó cũng là cách để khẳng định những đòi hỏi của Bắc Kinh là có cơ sở pháp lý.

Một số ý kiến tại Trung Quốc cho rằng, việc ký kết các quy tắc ứng xử là không cần thiết, đó không phải là một sự lựa chọn mang tính ràng buộc đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, với một quốc gia đã có ý định phát triển quân đội một cách mạnh mẽ, đã gây ra những lo lắng cho cộng đồng quốc tế, những hành động cụ thể hóa cho tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” là điều không thể không làm để chứng minh tuyên bố của Bắc Kinh là có cơ sở và đáng tin cậy.



[BDV news]



Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

>> “ASEAN sẽ buộc Trung Quốc tuân thủ những cam kết về Biển Đông"



Indonesia sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào tháng 10 với sự tham gia lần đầu tiên của Mỹ. Giới phân tích cho rằng điều này sẽ giúp ASEAN có thêm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để buộc Trung Quốc tuân thủ những cam kết ở Biển Đông.


Ngay từ những năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký kết Tuyên bố Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) - một tuyên bố về cách hành xử ở Biển Đông, trong đó cả hai bên cam kết sẽ không dùng đến vũ lực.


Hải quân Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.


Cuối năm ngoái, trong cuộc họp nhóm làm việc hỗn hợp Trung Quốc - ASEAN bàn về việc triển khai DOC, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã tuyên bố chính quyền Bắc Kinh và các nước ASEAN cam kết sẽ duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực biển Biển Ðông. Thông cáo từ Bắc Kinh cho hay tất cả các bên tại cuộc họp này nhấn mạnh tầm quan trọng của DOC đồng thời cam kết biến Biển Đông thành một khu vực hòa bình, hợp tác và hữu nghị.

Nhưng ngay sau đó, Ðô đốc Robert Willard, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, nhận định rằng Trung Quốc đang xúc tiến triển khai hệ thống tên lửa “chống tàu sân bay”. Vị chỉ huy này cũng nhận định rằng Trung Quốc nhắm mục tiêu trở thành một cường quốc quân sự toàn cầu bằng cách mở rộng ảnh hưởng ra “bên ngoài lãnh hải khu vực”, ngoài những vùng biển mà Bắc Kinh hiện đặt trọng tâm, trong đó có Biển Đông.

Mặc dù Trung Quốc cho rằng họ luôn tôn trọng hòa bình tại vùng Biển Đông, những động thái có tính khẳng định một cách mạnh mẽ chủ quyền của Bắc Kinh trong khu vực này khiến nhiều quốc gia trong khu vực e ngại.

Nhận định về vai trò của ASEAN trong việc hòa giải các vụ tranh chấp lãnh thổ này, Giáo sư Carl Thayer thuộc Ðại Học New South Wales (Australia) - một chuyên gia nghiên cứu quân sự kiêm giám đốc diễn đàn Nghiên Cứu Quốc Phòng, cho biết Indonesia, với tư cách là chủ tịch ASEAN đã có những bước đi chủ động.

Theo ông, Indonesia sẽ chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào tháng 10 tới với sự có tham gia lần đầu tiên của Mỹ. Điều này sẽ giúp ASEAN có thêm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, buộc Trung Quốc phải tuân thủ theo những ký kết của mình.

Trong tuyên bố mới nhất từ Nhà trắng, Mỹ đã kêu gọi giải quyết các căng thẳng trên Biển Đông bằng giải pháp hòa bình. “Mỹ và cộng đồng quốc tế nói chung đều quan tâm đến việc duy trì an ninh hàng hải trong khu vực, để bảo đảm sự tự do lưu thông, phát triển kinh tế và tôn trọng công pháp quốc tế”, người phát ngôn Nhà trắng hôm 10/6 nói.

Cuối tuần trước, tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng đã cảnh báo là xung đột có thể bùng nổ trên Biển Đông, trừ phi các quốc gia tranh chấp chủ quyền thông qua một cơ chế giải quyết một cách hòa bình.

Hải quân Mỹ cũng vừa triển khai tàu USS Chung-Hoon, một khu trục hạm có trang bị tên lửa, đến khu vực Biển Đông và Biển Sulu (tây nam Philippines ) trong tuần này để kiểm tra việc thực hiện quyền tự do lưu thông hàng hải tại các vùng biển này.

Về mặt chính thức, theo thông báo của đại sứ quán Mỹ ở Manila, USS Chung-Hoon là một trong những chiến hạm của Hải quân Mỹ được mời tham gia cuộc tập trận thường niên Mỹ-Philippines trong khuôn khổ hiệp định quốc phòng song phương.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Manila Harry Thomas Jr. vừa lên tiếng bảo đảm là Mỹ sẽ yểm trợ Philippines “chống lại mọi đe dọa đối với an ninh của nước này”.


[Vitinfo news]



Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

>> Phát biểu của Đại tướng Phùng Quang Thanh tại Shangri-La



Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã có bài phát biểu quan trọng Ứng phó với các thách thức an ninh biển mới tại Shangri-La 10.




Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu tại Shangri-La

Thưa Ngài Chủ tịch!

Thưa các quí vị!

Tôi chân thành cảm ơn Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế và nước Chủ nhà Xinh-ga-po đã mời tôi tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 10 và chia sẻ cùng các quí vị tại phiên họp này.

Tôi đồng tình với đánh giá của các quí vị về vai trò của Đối thoại Shangri-La trong 10 năm qua với những đóng góp tích cực vào việc xây dựng lòng tin, tăng cường tính minh bạch trong chính sách an ninh của các quốc gia trong khu vực, đồng thời thúc đẩy việc hình thành các cơ chế hợp tác an ninh đa phương mới vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng chung ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Thưa các quí vị!

Chủ đề mà Ban tổ chức dành cho tôi “Ứng phó với các thách thức an ninh biển mới” là một vấn đề rất thời sự, rất hệ trọng, liên quan đến hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới. Nói đến biển trong thế kỷ 21, chúng ta đều có nhận thức chung đó là không gian sống còn, phát triển và là tương lai của thế giới hiện đại đối với cả các nước có biển và không có biển, tại những khu vực có tuyên bố chủ quyền, hay không tuyên bố chủ quyền.

Đặc điểm nổi lên của không gian biển thời gian gần đây là sự can dự của các nước được tăng cường trong mọi lĩnh vực để có được lợi ích trước mắt và lâu dài của các quốc gia, các lợi ích đó đều mang tính chiến lược, sống còn.

Trong bối cảnh hiện nay, các mối quan hệ hợp tác đang phát triển mạnh mẽ, đem lại lợi ích lớn cho từng quốc gia, cho khu vực và cho toàn thế giới. Bên cạnh đó, cũng nảy sinh những khác biệt, mâu thuẫn, thậm chí xung đột. Chúng ta không nên né tránh và hãy nhìn nhận nó, những sự hợp tác và khác biệt đó là một thực tế khách quan, là hai mặt của một vấn đề trong quá trình phát triển và khai thác biển. Vấn đề là chúng ta phải nhận thức đầy đủ tính toàn cầu, tính quốc tế của biển trong thế giới hiện đại- không có thách thức nào là của riêng ai, mà đó là những thách thức chung, trực tiếp hay gián tiếp đối với tất cả các quốc gia, đòi hỏi phải có sự hợp tác rộng rãi, thiện chí để tăng cường hợp tác, giảm thiểu những khác biệt, mâu thuẫn và xung đột.

Vậy, chúng ta sẽ làm gì với cái nhìn rộng rãi, trên góc độ đa phương để ngày càng cải thiện tình hình, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, môi trường không gian biển, đem lại lợi ích cho từng quốc gia, cho khu vực, cũng như cho toàn thế giới?

Trước hết, chúng ta cần có nhận thức chung đúng về giá trị, về những đặc điểm mới, những lợi ích và thách thức mà tất cả các quốc gia đều gặp phải. Sự xuất hiện hàng loạt vấn đề an ninh phi truyền thống bên cạnh những vấn đề an ninh truyền thống là vấn đề tất yếu nảy sinh trong quá trình phát triển của thế giới, từ đó càng cần hơn sự hợp tác rộng rãi, cả song phương và đa phương để cùng giải quyết là một ví dụ cho thấy tính đa dạng, sự đan xen giữa phát triển và thách thức, giữa lợi ích và xung đột… trong tình hình hiện nay.

Thứ hai, chúng ta cần củng cố các cơ sở pháp lý về các hoạt động trên biển, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển, ngăn chặn những hành động phương hại đến lợi ích chung của khu vực cũng như của từng nước, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia và xử lý tốt những vấn đề nảy sinh như tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ… Trước hết, cần tuân thủ nghiêm và thực hiện đầy đủ Công ước LHQ về luật biển 1982. Trong khu vực Đông Nam Á, cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC), tiến tới ASEAN và Trung Quốc cùng nhau xây dựng Bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Bên cạnh đó, việc tăng cường hiệu lực của các cơ chế hiện hữu và xuất hiện các cấu trúc an ninh mới như Cấp cao Đông Á (EAS) với sự tham gia của Nga và Mỹ, hay ADMM+ cũng cho thấy nhu cầu và triển vọng hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác có chung lợi ích trong khu vực, nó sẽ đem lại một tương lai tốt đẹp khi có sự thống nhất, đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, cũng như hài hòa lợi ích và trách nhiệm của các nước đối tác.

Thứ ba, chúng ta cần tăng cường hơn nữa hợp tác phát triển trên biển, cả song phương và đa phương, nhằm đem lại sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, cùng phát triển. Trong đó, hợp tác quốc phòng có vai trò ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trước hết nhằm xây dựng và tăng cường lòng tin giữa quân đội các nước, tuyệt đối không sử dụng vũ lực, đồng thời giữ gìn hòa bình, ổn định, bảo vệ lao động và các hoạt động kinh tế, hàng hải, hòa bình trên biển.

Vùng biển Ma-lắc-ca vừa qua đã có sự ổn định, góp phần cho sự tăng trưởng của khu vực. Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác hải quân giữa các nước trực tiếp có liên quan như Malaysia, Indonesia, Singapore và sự ủng hộ của những quốc gia trong và ngoài khu vực. Tương tự như vậy, việc tăng cường hợp tác hải quân như tuần tra chung, thiết lập đường dây nóng giữa Việt Nam với Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia và tiến tới tuần tra chung với Malaysia và Indonesia cũng góp phần tăng cường an ninh, trật tự trên Biển Đông.

Thứ tư, đối với các vấn đề, vụ việc xảy ra trên biển, chúng ta cần kiên trì, kiềm chế, xử lý rất bình tĩnh, trên tầm cao chiến lược và nhận thức quan trọng về tính chất của thời đại, trong đó đặc biệt cần tuân thủ luật pháp quốc tế, công khai minh bạch; Và những diễn đàn như Shangri-La hôm nay là cơ hội để chúng ta cùng minh bạch quan điểm về lợi ích, về những thách thức và những quan ngại, đồng thời bày tỏ chính sách quốc phòng của các quốc gia. Trong hợp tác, chúng ta cần bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc, đồng thời phải giữ gìn hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực - đó là giá trị chung trong quan hệ lợi ích của tất cả các nước, đồng thời cũng là giá trị to lớn đối với mỗi quốc gia trong một môi trường lành mạnh, ổn định để phát triển.

Tình hình Biển Đông nhìn chung vẫn ổn định, nhưng đôi khi vẫn xảy ra các va chạm, gây lo ngại cho các quốc gia ven biển, gần đây nhất là vụ ngày 26/05/2011, tàu khảo sát Bình Minh 02 của Việt Nam bị cắt cáp thăm dò khi đang hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, gây lo ngại đến việc duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông cũng như khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã kiên trì giải quyết vụ việc trên bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế và nguyên tắc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông và giữ mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng. Chúng tôi mong muốn những sự việc tương tự không tái diễn.

Thưa các quí vị!

Là một quốc gia biển, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chúng tôi thấu hiểu giá trị của hòa bình và ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ; Việt Nam luôn chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với quân đội các nước trong và ngoài khu vực, tăng cường hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, phối hợp trong các hoạt động nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh chung, trong đó có an ninh biển. Việt Nam luôn coi an ninh quốc gia của mình gắn liền với an ninh khu vực và thế giới, mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong Cộng đồng quốc tế, tăng cường xây dựng lòng tin, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và thế giới vì hòa bình, ổn định và phát triển.

Cuối cùng, chúc các quí vị mạnh khỏe!
Chúc Đối thoại Shangri-La lần thứ 10 thành công tốt đẹp!
Xin cảm ơn!
[Vitinfo news]


Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

>> Biển Đông cuộn sóng

Sóng Biển Đông đang gầm gào thét gọi, lay động những tâm hồn Việt Nam chẳng thể nào ngủ yên vì những hành vi xâm phạm chủ quyền đất nước. Đây không là hành vi của bọn cướp biển Xômali của một quốc gia đang chao đảo, mà là hành vi của các lực lượng cưỡi trên những con tàu “hải giám” được trang bị đến tận răng và được hỗ trợ bởi nào là máy bay tàng hình, nào là hàng không mẫu hạm hòa tấu với sự ngụy biện bằng những lời đường mật mỹ miều cũ kỹ cố tân trang song càng tân trang lại càng tương phản.

Ở cạnh một nước láng giềng với mong muốn “tối lửa tắt đèn có nhau”, chúng ta cứ ao ước được “bên ni biên giới là mình, bên kia biên giới cũng tình anh em”. Và trong trái tim nhân dân của hai nước Việt-Trung bao đời, những người dân hiền lành, lương thiện, luôn dành chỗ cho tình hữu nghị anh em từng cưu mang cứu giúp lẫn nhau trong cơn hoạn nạn.

Không phải ngẫu nhiên mà căn cứ địa thần thánh của cách mạng và kháng chiến của ta trong thế kỷ XX được xây dựng kề sát biên giới Việt Trung, và những chiến sĩ cách mạng Việt Nam đã ghi tạc vào lòng sự đùm bọc của bà con người Hoa bên kia biên giới trong những ngày đen tối của xiềng xích thực dân, đế quốc, phát xít. Cũng chính nơi đây, sau 30 năm bôn ba bốn biển năm châu tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã dừng lại tại cột mốc biên giới để xúc động cúi hôn nắm đất quê hương.



Hải quân Việt Nam đang từng bước xây dựng chính quy,hiện đại, bảo vệ vững chắc vùng biển của Tổ quốc (Ảnh: Hoàng Long)

Rồi đến hôm nay, đúng một trăm năm ngày Bác ra đi tìm đường, những cột mốc nằm suốt dải biên giới Việt - Trung đã được xác định và gia cố vững chắc để khẳng định trên thực địa tính tôn nghiêm của quyền lãnh thổ bất khả xâm phạm của một quốc gia. Thế nhưng cùng với việc thỏa thuận cột mốc biên giới trên bộ, thì “chiếc lưỡi bò” với toan tính lấn chiếm lại thè ra muốn liếm trọn Biển Đông để thỏa cơn khát năng lượng của một cường quốc đang công nghiệp hóa và hiện đại hóa bằng bất cứ giá nào.

Việc làm này của Trung Quốc đi ngược lại với nguyện vọng của nhân dân Trung Quốc anh em vốn muốn sống hòa hiếu, muốn có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam, cũng đi ngược lại với thiện chí của nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc từng có những hành động và ý nguyện thiết thực xây đắp mối quan hệ Việt – Trung thực sự tốt đẹp.

Theo các số liệu do Bloomberg tổng hợp thì nguồn dự trữ dầu của Trung Quốc đã sụt giảm gần 40% kể từ năm 2001. Để thỏa mãn nhu cầu về năng lượng thì Biển Đông với diện tích khoảng 3.500.000 km2, chứa đựng hơn 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20 nghìn tỉ mét khối khí (con số này gấp khoảng 25 lần trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí của Trung Quốc đã được ghi nhận) quả thật là “vịnh Ba tư thứ hai” theo cách nói của tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ra ngày 19-4-2011, là kho dự trữ lý tưởng mà cơn khát năng lượng của nước này nhằm vào.

Cho nên, cùng với sự kiên quyết bảo vệ chủ quyền, cần phải làm cho nhân dân Trung Quốc biết về những hành động của một bộ phận lãnh đạo của họ đối với nước láng giềng Việt Nam. Trong khi cố gắng hàn gắn và củng cố mối quan hệ song phương với Trung Quốc thì đồng thời chúng ta phải làm cho cộng đồng quốc tế biết về thiện chí của ta và hành động của Trung Quốc ở Biển Đông để thế giới hiểu thêm về Trung Quốc mà họ vốn rất cảnh giác trong quan hệ.

Điều quan trọng nhất là trong khi mở ra một mặt trận đối ngoại để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ quốc tế, phải ra sức cải thiện hình ảnh Việt Nam trong lòng bè bạn. Để có được cái đó thì xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh làm chỗ dựa vững chắc cho mọi giải pháp cần phải có nhằm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Để làm được việc này cũng cần phê phán luận điệu đang được tung lên nhằm kích động chủ nghĩa dân tộc Đại Hán, đành phải dẫn ra đây để mỗi người Việt Nam có lòng tự trọng dân tộc tỏ tường hành động của Trung Quốc: “Một nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nói một câu, trẻ con không nghe lời phải đét đít.

Sau đó 10 vạn đại quân điều tới biên cương. Còn bây giờ thì sao? Trẻ con không những không nghe lời mà còn hoàn toàn không thèm để mắt tới người lớn. Ngang nhiên nói, tiến hành bầu cử quốc dân trên các đảo bãi xâm chiếm phi pháp tại Biển Đông, còn gào thét đó là công việc nội bộ của quốc gia, nói là, phải dùng vũ lực bảo vệ chủ quyền thần thánh không thể xâm phạm của đất nước mình. Điều đó chẳng phải là chống lại trời thì là cái gì. Liệu không thể đét đít chăng? Không cho bài học, từ nay trở đi liệu có ổn không? Không đánh bây giờ thì đợi đến khi nào?”. Đây là lời trích trong bài “Liệu khi Trần Tổng Tham mưu trưởng trở về [tức là Trần Bỉnh Quốc vừa có chuyến công du đến Mỹ] có là lúc dạy cho An Nam bài học?”.

Việc ngang nhiên cho tàu “hải giám” [thực chất là tàu quân sự] xâm nhập vùng biển của ta để cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh là một bước leo thang nhằm thực hiện ý đồ nói trên. Cần hiểu rằng, đây chỉ là khúc nhạc dạo đầu để thăm dò thái độ của Việt Nam mà thôi. Và nếu như không có một thái độ thật cứng rắn thì từ khúc nhạc dạo đầu đó nó sẽ là một bản “hòa tấu” quen thuộc của những lời có cánh đi liền với những hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Đúng như sự nhận định của thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an ngày 31-5-2011: “Chủ quyền quốc gia là tối thượng của một dân tộc, là vĩnh cửu, là trường tồn. Không ai có quyền được mặc cả độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia mình cả... Phải nói rõ việc làm của Trung Quốc đã vi phạm gì, vi phạm đến đâu sự độc lập của chúng ta, để cho thế giới biết chúng ta không kích động chủ nghĩa dân tộc mà là tinh thần tự tôn dân tộc”.

Lòng yêu nước gắn làm một với tinh thần tự tôn dân tộc là điểm nhạy cảm nhất trong tâm thế Việt Nam, chạm đúng vào điểm nhạy cảm ấy là một sức mạnh vô bờ được bật dậy “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước ” như Bác Hồ đã từng phân tích. Đây chính là lúc phải biết tiếp tục phát huy truyền thống Việt Nam quật cường bất khuất không bao giờ chịu hèn yếu cúi đầu khuất phục cho dù kẻ thù có hung bạo đến đâu.

Kinh nghiệm lịch sử đã cho thấy, chỉ giữ được hòa hiếu nếu chúng ta có đủ thực lực. Khi Nguyễn Trãi nhằm “sửa hòa hiếu cho hai nước, tắt muôn đời chiến tranh” đã “nghĩ kế lâu dài đất nước, tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh” [Bình Ngô đại cáo]. Mà làm được vậy vì thực lực của cuộc kháng chiến ở thế kỷ XV buổi ấy vốn đã từng “Gươm mài đá, đá núi cũng mòn; voi uống nước, nước sông phải cạn, Đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông”.[Bình ngô đại cáo]

Cũng vì vậy, đúng một năm trước ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, Hồ Chí Minh từng căn dặn : “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn”. Để có đủ thời gian gây dựng thực lực, Hồ Chí Minh đã từng khai thác bất cứ khả năng nào có thể, cho dù là nhỏ nhất, để nhân nhượng nhằm kéo dài thời kỳ hoà bình mong manh. Thế nhưng, “Chúng ta muốn hòa bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa..Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ ”. Đó chính là bản lĩnh của Hồ Chí Minh.

Có được bản lĩnh ấy vì Hồ Chí Minh tin chắc vào sức mạnh của dân tộc mình, biết cách khởi động và đẩy tới đỉnh cao sức mạnh đó bằng đường lối đại đoàn kết dân tộc. “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên”. Nội hàm của khái niệm “đồng bào” của Hồ Chí Minh rất rộng lớn và dứt khoát : “bất kỳ đàn ông đàn bà, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, bất kỳ người già, người trẻ. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. Vũ khí vạn năng của “người Việt Nam” là lòng yêu nước và ý chí quật cường lưu truyền trong huyết quản. Chính cái đó là chất xi măng gắn kết khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng của dân chủ và tự do được nghiêm chỉnh thực hiện. Bởi lẽ, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”.

Đã đúng một trăm năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước để có một đất nước như hôm nay. Đúng vào dịp này, tiếng sóng biển vỗ dưới thân tàu “đưa tiễn Bác” thuở nao nay lại đang sục sôi gầm thét về hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam, khúc dạo đầu cho toan tính liếm trọn Biển Đông để thỏa cơn khát năng lượng.

Chúng ta khát khao hòa hiếu và hữu nghị với các nước láng giềng. Tuy nhiên, hòa bình và hòa hiếu không thể bằng sự nhân nhượng mà có được. Bởi vậy, phải thường trực nuôi dưỡng và phát huy ý chí quật cường bất khuất mà ông cha ta bao đời nuôi dưỡng để biến thành vũ khí mầu nhiệm bảo vệ chủ quyền. Kỷ niệm một trăm năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước đúng vào lúc mà Biển Đông đang nổi sóng. Đây không còn là “sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương” của trăm năm trước khi đất nước còn trong xiềng xích của thực dân, đế quốc, phát xít mà là tiếng sóng phẫn nộ của một đất nước độc lập, thống nhất đang đối diện với hành động và mưu toan lấn chiếm chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia từng hiên ngang đứng bên bờ Thái Bình Dương đầy thử thách. Biển Đông đang cuộn sóng.

Biết cách khởi động sức mạnh toàn dân để bảo vệ chủ quyền là việc cần kíp hôm nay. Đó
là chính cách thiết thực kỷ niệm và học tập bản lĩnh Hồ Chí Minh.
(Nguồn :: Vitinfo)
Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang