Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Đặng Tiểu Bình

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Đặng Tiểu Bình. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đặng Tiểu Bình. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

>> Bí mật dự án phòng thủ tên lửa của Trung Quốc



Trung Quốc từng muốn xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa với kinh phí khổng lồ từ những năm 60. Tuy nhiên, năm 1980, kế hoạch này chính thức bị hủy bỏ. Cùng Bee nhìn lại quy mô và các trang bị dự kiến cho kế hoạch này.


Lịch sử phát triển

Ngày 15/12/1963, chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã phát biểu rằng chiến lược quân sự của Trung Quốc là phòng thủ, vì vậy Trung Quốc cần thiết phải phát triển vũ khí phòng thủ (chiến lược) cũng như vũ khí tấn công.

Ngày 6/2/1964, trong cuộc gặp gỡ với Qian Xuesen (cha đẻ của ngành khoa học tên lửa Trung Quốc), chủ tịch Mao Trạch Đông đã một lần nữa khẳng định rõ ràng tầm quan trọng của hệ thống phòng thủ tên lửa. Theo chủ tịch Mao Trạch Đông, hệ thống phòng thủ tên lửa này sẽ không chịu ảnh hưởng của hai siêu cường lớn (Mĩ và Liên Xô), và Trung Quốc phải tự phát triển vũ khí phòng thủ tên lửa của riêng mình.

Ngày 23/3/1964, 30 nhà khoa học hàng đầu ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã có mặt trong một cuộc gặp gỡ do Ủy ban khoa học, công nghệ và công nghiệp Bộ quốc phòng Trung Quốc (COSTIND) tổ chức ở Bắc Kinh để cùng thảo luận về tính khả thi của hệ thống phòng thủ tên lửa.

Tháng 8/1965, Ủy ban Trung Ương đặc biệt đã phê chuẩn bản kế hoạch phác thảo việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa do Ủy ban khoa học – công nghệ và công nghiệp Bộ quốc phòng đệ trình.

Ngày 23/2/1966, COSTIND đã tổ chức cuộc thảo luận khác xoay quanh kế hoạch phát triển chương trình phòng thủ tên lửa, mang mật danh “đề án 640” sau “chỉ thị 640” của chủ tịch Mao Trạch Đông.

Các yếu tố chủ yếu của đề án 640 bao gồm seri chống tên lửa đạn đạo Fanji, siêu pháo chống tên lửa XianFeng và mạng lưới cảnh báo sớm chống tên lửa. Hội nghị đã quyết định đẩy nhanh việc xây dựng một khu vực để thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa và phát triển đầu đạn hạt nhân cho hệ thống.

Dưới sự chỉ đạo của thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, viện khoa học số 2 đã được đổi tên thành viện nghiên cứu chống tên lửa đạn đạo và chống vệ tinh năm 1969 từ đó để gánh vác trọng trách phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa.

Viện 210 cấp dưới được phân công phát triển siêu pháo chống tên lửa. Viện Shanghai chịu trách nhiệm phát triển vũ khí laze chống tên lửa.

Sau đây là một số thành phần chính trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc:

Tên lửa đánh chặn FanJi (FJ)

Viện khoa học số 2 đã khởi đầu bằng ba chương trình phát triển tên lửa đánh chặn vào đầu những năm 1970 gồm: tên lửa đánh chặn tầm thấp/ tầm trung FanJi 1, tên lửa đánh chặn tầm thấp FanJi 2, đánh chặn tầm cao FanJi 3.

- FanJi 1 là loại tên lửa đánh chặn tốc độ siêu âm được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo ở tầm thấp và tầm trung.

FanJi 1 thiết kế 2 tầng phóng, tầng thứ nhất của tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng và tầng thứ hai dùng động cơ nhiên liệu rắn.


http://nghiadx.blogspot.com
Tên lửa đánh chặn FanJi 1


Cuộc thử nghiệm bắn thử hai tên lửa đã được thực hiện thành công vào tháng 8 và tháng 9 năm 1979. Quân đội Trung Quốc dự định đề xuất triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa xung quanh thủ đô Bắc Kinh dùng FanJi-1.

Mặc dù vậy, chương trình phát triển đã bị hủy bỏ bởi chính phủ Trung Quốc tháng 3 năm 1980 do những lý do về chính trị và tài chính.

- Từ tháng 10/1971 tới tháng 4/1972, viện nghiên cứu số 2 đã thử nghiệm sáu lần với mô hình thu nhỏ tỉ lệ 1:5 của tên lửa đánh chặn tầm thấp FanJi 2, trong đó có năm lần thành công. Chương trình phát triển bị hủy bỏ năm 1973.

- Tên lửa đánh chặn tầm cao FanJi 3 cũng do Viện nghiên cứu số 2 lên kế hoạch phát triển năm 1974. Tuy nhiên, năm 1977 thì dự án bị hủy bỏ.

Siêu pháo chống tên lửa “Xianfeng”

Siêu pháo chống tên lửa do viện nghiên cứu 210 phát triển. Tháng 1 năm 1967, siêu pháo chống tên lửa biết đến với cái tên “Xianfeng” (“Pioneer” – tiên phong) được đề xuất.

Siêu pháo dài 26m và nặng 155 tấn. Siêu pháo có cỡ nòng 420mm thiết kế để bắn ra đạn nặng 160kg, đây là loại đạn không điều khiển, có sử dụng động cơ rocket dùng để đánh chặn đầu đạn hạt nhân.

http://nghiadx.blogspot.com
Siêu pháo chống tên lửa XianFeng


Các cuộc thử nghiệm khác nhau tiến hành đầu những năm 1970 và sớm chứng minh đây là thiết kế không thực tế. Chương trình phát triển siêu pháo tạm dừng năm 1977 và hủy bỏ tháng 3/1980.

Hệ thống cảnh báo sớm tên lửa

Cùng với hệ thống ABM, cần phải phát triển kết hợp với hệ thống theo dõi và cảnh báo sớm tên lửa. Giai đoạn đầu của dự án bao gồm năm trạm cảnh báo sớm tên lửa đặt ở Khashi, Nanning, Kunming, Hainan, Jiaodong và Xiangxi và trung tâm điều khiển chỉ huy ở Weinan.

Các yếu tố chủ yếu của hệ thống mạng cảnh báo sớm bao gồm radar theo dõi cảnh báo sớm mảng pha 7010 và radar dò tìm tên lửa 110.

Cả hai hệ thống radar đều đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp khả năng cảnh báo sớm tên lửa cho Trung Quốc, cũng như hỗ trợ các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và chương trình không gian.

Radar cảnh báo sớm 7010

Radar 7010 do viện nghiên cứu điện tử số 14 phát triển năm 1970. Radar 7010 là loại radar mảng pha thiết kế để dò tìm, nhận dạng và theo dấu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và các vật thể khác trong khoảng không vũ trụ.

Chương trình phát triển radar 7010 hoàn thiện đầy đủ và chính thức đi vào hoạt động năm 1976. Ăng ten của radar có kích cỡ 40x20m được chế tạo và đặt ở ngọn núi Huangyang cao hơn mực nước biển 1600m ở Xuanhua, tỉnh Hebei, nằm phía tây bắc cách Bắc Kinh 140km. Chiếc thứ hai đặt ở tỉnh Henan.


http://nghiadx.blogspot.com
Radar cảnh báo sớm 7010



http://nghiadx.blogspot.com
Phòng điều khiển radar 7010

Tháng 7/1979, trạm radar 7010 đã cung cấp chính xác thời gian trở lại bầu khí quyển của tàu vũ trụ Skylab (Mĩ).

Ngày 12/1/1983, radar 7010 dự đoán thành công được thời gian và địa điểm đổ bộ của vệ tinh nhân tạo Cosmos 1402 (Liên Xô). Trạm radar 7010 đã bị “bỏ rơi” vào đầu những năm 90.

Radar theo dõi tên lửa đơn xung 110

Radar 110 là sản phẩm hợp tác phát triển giữa viện nghiên cứu điện tử số 14 và viện nghiên cứu điện tử thuộc học viện khoa học Trung Quốc chế tạo trong những năm đầu 1970.


http://nghiadx.blogspot.com
Radar 110


Ăng ten radar có đường kính 25m và nặng 400 tấn. Radar 110 hoàn thành và đi vào hoạt động năm 1977, với một trạm xây dựng ở Zhanyi và trạm theo dõi tên lửa ở phía nam tỉnh Yunnan.

Hủy bỏ

Đề án 640 đòi hỏi phải có công nghệ kĩ thuật hiện đại và nguồn kinh phí khổng lồ nên dự án này đã gặp khó ngay khi mới bắt đầu.

Thêm vào đó, năm 1972 hiệp ước chống tên lửa đạn đạo đã được kí kết giữa Hoa Kì và Liên Xô và sau đó sự kết thúc của hệ thống phòng thủ tên lửa Safeguard (Mĩ). Hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc trở nên đơn độc và thực sự không cần thiết.

Tháng 3/1980, nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc là Đặng Tiểu Bình quyết định hủy bỏ toàn bộ dự án để tập trung phát triển kinh tế đất nước.

Đề án 640 hủy bỏ, toàn bộ mạng lưới theo dõi và cảnh báo sớm chống tên lửa được cải tiến thành mạng theo dõi, đo xa và điều khiển để hỗ trợ chương trình không gian của Trung Quốc.

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

>> Cơ quan tình báo đầu não Trung Quốc (kỳ 1)



Bộ An ninh quốc gia (Ministry of State Security – MSS) là cơ quan tình báo "đầu sỏ" lớn nhất của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.


Cội nguồn của MSS

Tiền thân của Bộ an ninh quốc gia (MSS) là Văn phòng trung ương các vấn đề xã hội (Central Department of Social Affairs – CDSA) – “con mắt” của Đảng Cộng Sản Trung Quốc trước năm 1949.

CDSA cung cấp cho các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc thông tin về tình hình thế giới, các sự kiện lớn và các vấn đề đang diễn ra ở nước ngoài.

Trong giai đoạn nội chiến Trung Quốc 1946-1949, CDSA đã chứng minh hiệu quả của mình góp phần vào thắng lợi của Đảng Cộng Sản trước Quốc Dân Đảng, dẫn tới sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Sau 1949, CDSA được tái tổ chức và một số nhân viên cốt cán của cơ quan này chuyển sang nắm giữ các vị trí mới trong Bộ Công an. Từ đó, CDSA không còn tồn tại mà được tái lập thành cơ quan nằm dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng Sản và mang cái tên mới là Cục điều tra Trung ương (Central Investigation Department - CID).

Cuộc Đại Cách mạng Văn hóa vô sản (1966-1976) nổ ra, CID bị phá hủy nặng nề khi hầu hết các lãnh đạo của cơ quan này bị điều về nông thôn để "giáo dục lại". Toàn bộ hoạt động và "tài sản" của CID chuyển cho Cục 2 – cơ quan tình báo Quân đội Trung Quốc quản lý.



Văn phòng của Bộ an ninh quốc gia (MSS) và Bộ công an ở Vũ Hán.


Sau cái chết của Lâm Bưu vào năm 1971, CID được tái lập. Khi Hoa Quốc Phong và Uông Đông Hưng nắm quyền năm 1976, họ đã tìm cách mở rộng hoạt động của CID, tăng cường thu thập thông tin thông qua các "điệp viên" trong vỏ bọc nhân viên ngoại giao.

Tuy nhiên, năm 1977 Đặng Tiểu Bình nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc thì ông đã phản đối việc sử dụng đại sứ quán làm nơi thu thập thông tin tình báo và ủng hộ việc gửi điệp viên ra nước ngoài dưới vỏ bọc phóng viên hoặc doanh nhân. Do đó, CID đã thu hồi các nhân viên của mình ở Đại sứ quán Trung Quốc.

Năm 1983, Cục điều tra trung ương (CID) sát nhập vào bộ phận phản gián thuộc Bộ công an cho ra đời Bộ an ninh quốc gia Trung Quốc (Ministry of State Security – MSS).

Người lãnh đạo đầu tiên của MSS là ông Lăng Vân (Ling Yun, sinh năm 1917) với nhiệm kỳ khá ngắn chỉ từ tháng 6/1983 tới tháng 9/1985.

Năm 1985, chức vụ đầy quyền lực của MSS chuyển sang cho ông Cổ Xuân Vượng (Jia Chunwang) lãnh đạo MSS lâu nhất từ năm 1985 tới 1998. Lãnh đạo hiện tại của MSS là ông Cảnh Huệ Xương (Geng Huichang).

Hệ thống tổ chức MSS

Bộ an ninh quốc gia Trung Quốc (MSS) được tổ chức thành nhiều cục, mỗi đơn vị được giao phó các nhiệm vụ khác nhau:

- Cục 1 (nội địa)

Cục này có nhiệm vụ tuyển mộ nhân viên làm việc cho MSS. Những người được tuyển chọn sẽ được đào tạo và đưa ra nước ngoài dưới vỏ bọc: sinh viên du học, doanh nhân, du lịch, định cư hoặc các mục đích khác.

Nếu các nhân viên gặp khó khăn với các thủ tục xuất cảnh thì cục sẽ xúc tiến giải quyết các vấn đề đó. Đối với những người đi "du lịch" thì họ sẽ trả tiền cho các thông tin tình báo thu thập được.

Cục 1 còn có trách nhiệm tiếp nhận những điệp viên Trung Quốc từ nước ngoài trở về theo thời gian nhất định để nghỉ ngơi du lịch, chữa bệnh hoặc các lý do khác.

Để đảm bao danh tính cho những người này thì họ sẽ được bố trí đi qua một quốc gia thứ ba. Trước đây, các điệp viên thường về Hong Kong dùng giấy phép về thăm nhà để tránh chỉ ra rằng họ đã nhập cảnh Trung Quốc.

MSS đã xây dựng nhiều nhà nghỉ đặc biệt nằm ở vùng ngoại ô Bắc Kinh dành cho các “vị khách về thăm quê hương”.

- Cục 2 (đối ngoại)

Cục này chịu trách nhiệm hoạt động thu thập thông tin tình báo ở nước ngoài. Đây cũng là đơn vị cung cấp bản phân tích báo cáo cho các cấp tình báo cao hơn dựa theo thông tin thu nhập được từ điệp viên.



Lãnh sự quán Trung Quốc tại thủ đô Washington (Mỹ).



Trong hoạt động, cục 2 gửi điệp viên được đào tạo ra nước ngoài dưới lớp vỏ bọc nhân viên công ty thương mại, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải biển.... Hoặc họ có thể sử dụng Đại sứ quán Trung Quốc để che chở các điệp viên dưới lốt nhà ngoại giao.

Bên cạnh việc gửi điệp viên ra nước ngoài, cục 2 còn làm công tác tuyển mộ người nước ngoài làm gián điệp cho tình báo Trung Quốc. Trong số đó, có những người làm việc với cục trong nhiều năm liên tục nhưng có một số chỉ được sử dụng khi cần thiết.

- Cục 3 (phụ trách Hong Kong, Macao và Đài Loan)

Cục 3 phụ trách hoạt động tình báo ở Hong Kong, Macao và Đài Loan, đồng thời tuyển mộ nhân viên có mối quan hệ ở các vùng lãnh thổ này.

Cục cũng sẽ tiếp nhận các điệp viên Trung Quốc hoạt động ở các vùng này khi họ trở về để báo cáo, nhận nhiệm vụ hoặc đi du lịch. Cục tiếp nhận thông tin từ các điệp viên ở từng khu vực sau đó phân tích và chuyển lên cho các cấp lãnh đạo cao hơn.

Một số điệp viên gửi tới 3 nơi này từ trước năm 1949 nhưng hầu hết những người trong lực lượng mới được tung vào. Trong khi một số ẩn nấp dưới danh nghĩa doanh nhân thì một số “nằm” trong các cơ quan Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ví dụ như, ở trong các phân xã của Tân Hoa Xã ở Hong Kong và Macao hoặc văn phòng của Đại Công báo và Wen Wei báo ở Hongkong.

Trong số các điệp viên được gửi tới đây thì chỉ có một số ít hoạt động lâu dài còn lại cứ vài năm thay một lần. Bộ an ninh quốc gia (MSS) đặc biệt tăng cường hoạt động tại Hong Kong kể từ khi nơi này trở về Trung Quốc năm 1997.

[BDV news]


Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

>> Thái độ của Trung Quốc quyết định tình hình biển Đông



Đó là nhận định của ông Minxin Pei, người Mỹ gốc Hoa, sinh ra tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ông Minxin Pei là giáo sư làm việc ở Trường Cao đẳng Claremont McKenna, cố vấn cấp cao của Carnegie Endowment for International Peace, một tổ chức phi lợi nhuận tư nhân của Mỹ, chuyên thực hiện việc thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia và thúc đẩy các hoạt động quốc tế của Mỹ.

Dưới đây là bài phân tích của ông Minxin Pei về tình hình biển Đông, đăng trên trang Diplomat:

Trước khi có bài phát biểu nêu rõ “lợi ích quốc gia” của Mỹ tại biển Đông của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Trung Quốc được xem như là đang nắm thế thượng phong trên biển Đông sau nhiều năm chịu khó đeo đuổi chính sách “ngoại giao quyến rũ” trong khu vực.

Tuy nhiên, việc nghĩ mình đã nắm thế thượng phong đã khiến Bắc Kinh phạm phải những sai lầm ngoại giao “ngớ ngẩn”.

Sự kiện đụng chạm với tàu Hải quân Mỹ, phản đối và “thách thức” sự hiện diện của Mỹ tại châu Á, các hoạt động phá rối đối với các dự án khai thác dầu mỏ trên biển Đông, khiến Washington phải xem xét lại chiến lược của mình tại châu Á nói chung và ASEAN nói riêng.

Các nước có tranh chấp trực tiếp với Bắc Kinh về chủ quyền biển đảo cũng buộc phải xem xét lại các chính sách của mình đối với sự “leo thang” các hành động của Bắc Kinh.

Bài phát biểu của bà Hillary Clinton tại diễn đàn ARF tại Hà Nội vào tháng 7/2010 được xem là một cú “sốc” đối với Bắc Kinh. Điều đó đã góp phần làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực.

Phát biểu của Washington đã khiến các quốc gia ASEAN tự tin hơn với những tuyên bố của mình. Còn Bắc Kinh đã tự đặt mình vào thế bị cô lập trong các tranh chấp trên biển Đông.



Tự tin với sự trỗi dậy của tiềm lực quân sự, Trung Quốc đã quên chính sách "dấu mình chờ thời" mà cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình của nước này căn dặn?


Ngoài ra, cần phải kể đến phản ứng “vụng về” trong việc che đậy những mối đe dọa về sự phát triển của quân đội đối với các nước trong khu vực khiến các họ không thể không lo lắng.

Năm 2010, được xem là đỉnh điểm của những sai lầm ngoại giao của Bắc Kinh, một năm tồi tệ đối với chính sách đối ngoại của Bắc Kinh từ năm 1989 đến nay.

Để sửa chữa những sai lầm này, năm 2011, Bắc Kinh đã thúc đẩy một loạt các hoạt động ngoại giao. Thay đổi cách nhìn nhận về sự hiển diện của Mỹ tại châu Á, cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Thế nhưng, sự căng thẳng trên biển Đông diễn ra gần đây được xem là một “nút thắt” đối với hình ảnh của Bắc Kinh trên trường quốc tế.

Trong các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, tranh chấp Việt-Trung diễn ra căng thẳng nhất. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang ở thế yếu đối với luật pháp quốc tế. Căn cứ theo công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, Bắc Kinh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chứng minh các đảo và bãi đá ngầm tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có liên quan đến thềm lục địa Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn khăng khăng tuyên bố chủ quyền của mình tại đây, Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974, và lấy đó làm cơ sở để đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Sự đòi hỏi này chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Từ đó, gây ra những sự quấy rối và phá hoại các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam cũng như các đối tác nước ngoài hợp tác với Việt Nam, cũng như các quốc gia khác trong ASEAN.

Rõ ràng, thái độ của Bắc Kinh có ý nghĩa quyết định tình hình tại đây, Bắc Kinh cần thể hiện bản lĩnh của một nước lớn, sự tôn trọng luật pháp quốc tế. Cộng đồng quốc tế đang thể hiện xu hướng ủng hộ các bên yếu hơn trong các tranh chấp biển đảo.

Trước mắt, Bắc Kinh nên tạm dừng các hoạt động tuần tra của mình trên vùng biển tranh chấp để tránh các xung đột có thể phát sinh. Cung cấp các đề xuất cụ thể với các nước trong khu vực để tránh các xung đột tương lai.

Những biện pháp nói trên cần phải được thực hiện một cách đa phương hóa để tiếp thu những sáng kiến ngoại giao từ cộng đồng quốc tế. Đó cũng là cách để khẳng định những đòi hỏi của Bắc Kinh là có cơ sở pháp lý.

Một số ý kiến tại Trung Quốc cho rằng, việc ký kết các quy tắc ứng xử là không cần thiết, đó không phải là một sự lựa chọn mang tính ràng buộc đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, với một quốc gia đã có ý định phát triển quân đội một cách mạnh mẽ, đã gây ra những lo lắng cho cộng đồng quốc tế, những hành động cụ thể hóa cho tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” là điều không thể không làm để chứng minh tuyên bố của Bắc Kinh là có cơ sở và đáng tin cậy.



[BDV news]



Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

>> Trung Quốc: 'Chiến tranh nhân dân đã lỗi thời'



Theo quan điểm thống nhất chung của giới lãnh đạo Trung Quốc, một quốc gia mạnh không thể tồn tại mà không có một quân đội hùng mạnh và hiện đại.



Theo Chính phủ Trung quốc, khái niệm chiến tranh nhân dân đã không còn khả năng bảo vệ vững chắc nên an ninh quốc gia cũng như đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, khái niệm này so với thời đại chiến tranh công nghệ cao hiện nay đã trở nên lỗi thời và không đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ đất nước.

Hiện nay trong biên chế của lực lượng vũ trang Trung quốc có tới 2.300.000 binh sỹ. Hàng năm chính phủ Trung Quốc đã dành một khoản ngân sách khổng lồ chi cho hiện đại hoá quân đội trong đó tập trung cho huấn luyện binh lính và trang bị vũ khí hiện đại, với mục tiêu “sẵn sàng đương đầu với bất kỳ các cuộc tấn công quy mô lớn và nguy cơ đe doạ đến nền anh ninh quốc gia, chủ quyền của trung Quốc”.

Chính phủ Trung Quốc muốn hướng đến phát triển một quân đội hiện đại, trước những nguy cơ đe doạ bằng chiến tranh công nghệ cao, không chỉ là các loại vũ khí siêu hiện đại phá huỷ trực tiếp mà cả những cuộc chiến tranh mạng, chiến tranh kỹ thuật số.

Trung Quốc cho rằng những nguy cơ đó mới đáng lo ngại vì vậy đòi hỏi phải có một lực lượng được đào tạo tinh nhuệ về chiến tranh vũ trụ, tập trung đào tạo lực lượng hải quân, lực lượng vệ tinh - định vị, và đặc biệt là lực lượng chiến tranh mạng.

Để đáp ứng với yêu cầu này, Chính phủ Trung Quốc cho rằng cần phải xác định cả các nhiệm vụ cụ thế khác của từng lực lượng trong quân đội, cần phải xác định nhiệm vụ nhất quán không chỉ sẵn sàng chiến đấu trên chiến trường quân sự mà còn trong cả lĩnh vực chính trị.

Ngoài ra, lực lượng vũ trang hiện đại của Trung Quốc cũng đặt ra kế hoạch sẵn sàng đẩy lui và xoá sổ các âm mưu khủng bố, ý đồ phá hoại cũng như các hoạt động lật đổ để bảo vệ sự ổn định và hòa hợp của xã hội.




Trước nguy cơ gia tăng xung đột trên thế giới, Trung Quốc đã đẩy nhanh hiện đại hoá quân đội.


Mới đây, chính phủ Trung Quốc đã công bố sách trắng quốc phòng, phê chuẩn nguồn ngân sách khổng lồ chi cho việc hiện đại hoá quân đội Trung Quốc với việc tăng thêm 12,7 % chi phí ngân sách quân sự.

Theo đó, ngân sách quân sự hiện có của Trung Quốc vào khoảng 601 tỷ nhân dân tệ tương đương khoảng 66 tỷ euro. Một con số đáng kinh ngạc, khiến nhiều quốc gia phải sửng sốt.

Theo giới chuyên gia phân tích quân sự trên thế giới, với con số này, Trung Quốc đã đứng vào vị trí thứ hai trên thế giới về ngân sách chi cho các hoạt động quân sự trong năm 2011. Trong đó, 1/3 ngân sách sẽ được chi cho việc đào tạo binh lính và mua sắm trang thiết bị vũ khí hiện đại cũng như đầu tư chế tạo vũ khí.

Ngoài tập trung phát triển quân sự, Trung Quốc còn bổ sung chi phí hỗ trợ các nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc, cũng như hỗ trợ cuộc chiến chống cướp biển.

Trong những năm gần đây, lực lượng hải quân của Trung Quốc đã tích cực tham gia vào các hoạt động chống cướp biển Somalia. Hoạt động này đã giúp quân đội Trung Quốc tích luỹ thêm kinh nghiệm, nâng cao khả năng chiến đấu. Cụ thể, vào tháng 12/2010 hải quân của Trung Quốc đã gửi 7 tàu chiến để hộ tống an toàn 3.139 tàu chở hàng.

Trung Quốc luôn theo dõi mọi diễn biến tại các điểm nóng trên toàn cầu. Tình hình đang diễn ra cũng khiến Trung Quốc lo ngại. Trung Quốc có thể mất hàng loạt hợp đồng với các quốc gia tại các khu vực này lên tới 20 tỷ USD. Những gì đang diễn ra tại Bắc Phi và Trung Đông khiến Trung Quốc ngày càng giành nhiều sự quan tâm cho việc phải đẩy nhanh hiện đại hoá quân đội.

Theo Tổ chức quốc tế Heritage Foundation, trong tháng 12/2010, lượng tài chính của Trung Quốc đổ vào các nước thuộc thế giới Arab ước tính khoảng 37 tỷ USD, ở các quốc gia châu Phi lên tới 43 tỷ USD, tại Tây Á - 45 tỷ USD, còn ở Đông Nam Á - 36 tỷ USD, ở khu vực Thái Bình Dương - 61 tỷ USD và ở châu Âu - 34 tỷ USD.

Rõ ràng, việc bảo vệ các kênh đầu tư thương mại trong bối cảnh xung đột và khủng hoảng chính trị leo thang tại những điểm nóng này cũng nằm trong phạm vi và nhiệm vụ quốc phòng mà sách trắng của Trung Quốc đề cập đến.


Việc Trung Quốc đầu tư mạnh cho quân sự khiến nhiều quốc gia phải lo ngại.


Sự khác biệt chính trong lần công bố Sách trắng quốc phòng lần này là đề cập đến các nhân tố xấu có ảnh hưởng mạnh mẽ đến khả năng phát triển quốc phòng của Trung Quốc, điều này cũng khiến Trung Quốc lo ngại về gia tăng các nguy cơ rủi ro cho nền an ninh Trung Quốc.

Song song là sự xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh quân sự trên thế giới. Nhiều nước đang tích cực theo đuổi và áp dụng chiến lược toàn cầu, mở rộng phạm vị chiến trường ra cả không gian và các vùng cực. Trung Quốc cũng tỏ ra lo ngại bởi sự hiện diện của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hàng loạt các động thái tăng cường liên minh quân sự và can thiệp vào các vấn đề an ninh khu vực với nhiều vẫn đề như cuộc xung đột ở hai miền Triều Tiên cho đến tình hình tại Afghanistan…

Với những thực tế này, Trung Quốc cần phải xây dựng một “vũ khí” riêng. Mới đây, Trung Quốc liên tục tiền hành nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm các loại vũ khí tối tân và trang bị thêm nhiều máy bay hiện đại, tàu hỗ tống, tàu ngầm và tàu khu trục, hơn nữa còn tăng cường công tác đào tạo huấn luyện binh lính, tăng cường số quân.

Mặc dù Trung Quốc công bố sách trắng quốc phòng khá kín đáo tuy nhiên cũng thông qua đây Trung Quốc cũng muốn thị uy sức mạnh quân sự, tạo ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế, và ngầm cảnh báo với một số nước đang đối đầu với Trung Quốc.

[BDV news]


Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

>> Trung Quốc có phải là kẻ hiếu chiến? (1)



Sự khẳng định chủ quyền của Trung Quốc gần đây đối với biển Hoa Đông và Biển Đông và dọc biên giới Trung - Ấn đã làm dấy lên một cuộc tranh cãi gay gắt. Phải chăng Bắc Kinh cuối cùng sẽ chứng tỏ mong muốn đòi chiếm đất thực sự?

Phải chăng chỉ là cách thể hiện trong một thời gian ngắn của chủ nghĩa dân tộc trong bối cảnh các lãnh đạo đang chạy đua vào các vị trí ở Bộ Chính trị và Ủy ban trung ương Đảng năm 2012, hay đây là những đoạn hồi rời rạc cho thấy một sự tiếp diễn hơn là thay đổi?

Chính sách đối ngoại dựa trên phát triển hòa bình và hài hòa xã hội
Tôi sẽ bắt đầu bằng cách nhấn mạnh rằng việc đánh giá tình hình đối ngoại của chúng ta dựa trên các trụ cột cơ bản của chủ nghĩa xã hội với các đặc trưng Trung Quốc, phát triển hòa bình và tạo một xã hội hài hòa. Ưu tiên cao nhất của chúng ta kể cả trong chính sách đối ngoại là củng cố các trụ cột này trong nước.



Những mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định mà chúng ta đang phải đối mặt vẫn là từ bên trong. Tôi không cần nhắc nhở các thành viên Ban lãnh đạo Đảng rằng mỗi năm chúng ta có hơn 20 triệu người di cư ra thành phố tìm việc làm, rằng chúng ta đang phải đối mặt với sự chênh lệch kinh tế ngày càng lớn giữa các tỉnh duyên hải và các tỉnh phía Tây; rằng bức tranh dân số sẽ biến thiên nghiêm trọng trong thập kỷ tới; các vấn đề sinh thái và môi trường đang gia tăng; nguyên liệu đầu vào năng lượng và hàng hóa trong năm qua vẫn chưa chắc chắn; và chúng ta cần phải luôn luôn cảnh giác trước những bong bóng và sức nóng quá mức trong chiến lược tăng trưởng kinh tế của mình.

Các mối đe dọa lớn nhất đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc cũng là từ bên trong, nhưng đó là nhờ các mối liên hệ bên ngoài nguy hiểm. Tôi muốn nói đến những nguy cơ của chủ nghĩa ly khai ở Tân Cương, Tây Tạng và Đài Loan.

Cách đây hai năm, trong bài báo cáo của mình, tôi bắt đầu bằng vấn đề Đài Loan, nhưng nay người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu đã quay lưng lại với các hành động đòi độc lập nguy hiểm của chính quyền DPP tiền nhiệm, và hiện chiến lược của chúng ta nhấn mạnh tới sự phát triển hòa bình để thúc đẩy thống nhất đã đạt được một số tiến bộ. Tuy nhiên, chủ nghĩa ly khai ở Tân Cương và Tây Tạng đang trở thành những vấn đề cấp bách hơn, dù tình hình đã bình yên hơn trong một năm vừa qua tại các khu vực này.

Kiềm chế và đảo ngược các xu hướng ly khai này sẽ tiếp tục cho thấy các chiến lược chính sách đối ngoại của chúng ta trong bối cảnh các đồng nghiệp của tôi tại Ban Mặt trận Thống nhất và Văn phòng các vấn đề về Đài Loan đang nỗ lực bảo vệ chính sách một Trung Quốc và đề phòng một sự đảo ngược của các xu hướng có lợi trong 5 thập kỷ qua.

Chiến lược chính sách đối ngoại của chúng ta vận hành theo nguyên tắc phát triển hòa bình và xã hội hài hòa. Chúng ta sẽ tận dụng tối đa các thể chế và diễn đàn quốc tế như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ASEAN + 3, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và các cuộc đàm phán sáu bên để ngăn chặn chủ nghĩa đơn phương của Mỹ hoặc các cường quốc khác và bảo vệ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ, duy trì một xã hội quốc tế hài hòa và thế giới đa cực. Đồng thời, chúng ta sẽ khẳng định lại các lợi ích cốt lõi ở Biển Đông và các vùng lân cận phù hợp với sức mạnh đang lớn dần của chúng ta.

Quan hệ quan trọng nhất: Mỹ
Như Chủ tịch Hồ Cầm Đào đã tuyên bố tại cuộc gặp các Đại sứ của Trung Quốc ở nước ngoài hồi năm ngoái, cách xử lý thận trọng quan hệ Trung - Mỹ sẽ vẫn là trụ cột chính cho một chiến lược chính sách đối ngoại thành công. Chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm một "đối tác chiến lược" với Washington về lâu dài, dù phải thừa nhận rằng chính quyền của Obama không sẵn lòng sử dụng cụm từ này hơn Bush.

Chúng ta vẫn chống lại những lời kêu gọi của các chuyên gia nước ngoài về việc thành lập một G-2 giữa Mỹ với Trung Quốc, vì điều này sẽ đẩy chúng ta vào cái bẫy trách nhiệm quốc tế có thể không phù hợp với chủ trương phát triển hòa bình và xây dựng một xã hội hài hòa.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ tiếp tục hướng tới một chế độ quản lý chung hai cực với Washington, dựa trên sự tôn trọng các lợi ích cốt lõi của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ, và sự nhận thức rằng Trung Quốc đã trở thành trung tâm quyền lực quan trọng nhất ở châu Á.

Chúng ta cũng thận trọng đánh giá chính quyền Obama. Tất cả các ứng cử viên tổng thống Mỹ ở phe đối lập, kể từ thời Nixon, đều sử dụng "quân bài Trung Quốc" - hứa hẹn một chính sách cứng rắn hơn về nhân quyền hoặc Đài Loan nếu đắc cử. Các ứng cử viên McCain và Obama đã không động đến chiến lược đe dọa Trung Quốc và dường như sau khi trở thành tổng thống, Obama mới có khả năng xây dựng trên mối quan hệ ổn định mà Bush để lại.

Các dấu hiệu ban đầu từ Washington cho thấy Obama sẽ cam kết tự kiềm chế, thừa nhận gánh nặng lớn của Mỹ ở Iraq và Afghanistan và các xu hướng suy giảm trong nền kinh tế Mỹ. Obama cũng dường như lo lắng về các mâu thuẫn bên trong như hệ thống chăm sóc y tế của Mỹ. Lời hứa đảm bảo chiến lược của ông và sự trì hoãn các cuộc gặp với thủ lĩnh tinh thần của người Tây Tạng Đạt lai Lạt ma, cũng như việc hoãn bán vũ khí cho Đài Loan có vẻ như cho thấy ông hiểu tương quan sức mạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng. Tuyên bố chung tháng 11/2009 với thỏa thuận tôn trọng "các lợi ích cốt lõi" của nhau là một thành tựu lớn trong bối cảnh chúng ta đang tìm cách ngăn cản Mỹ hoãn thực hiện Tuyên bố chung về việc bán vũ khí cho Đài Loan.

Tuy nhiên, có thể chúng ta đang hiểu sai về chính quyền Obama. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy một đường lối cứng rắn hơn là bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tại đối thoại Shangri-la ở Singapore tháng 6 vừa qua, mở lại cái được gọi là học thuyết "mối đe dọa Trung Quốc". Cuộc đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung hồi tháng Năm đã thành công, song quan điểm của chính quyền Mỹ còn cứng rắn hơn trước. Có vấn đề nhất là bài phát biểu của Ngoại trưởng Clinton tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), trong đó bà đứng về phía Việt Nam và các nước Đông Nam Á để chống lại "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc ở Nam Hải (mà Việt Nam gọi là biển Đông - người dịch). Chúng ta sẽ có thể trung hòa Philippines trong cuộc tranh cãi này bằng cách sử dụng các kênh và quỹ thông thường, nhưng Việt Nam, Malaysia và cả Indonesia dường như hoan nghênh sự can thiệp không có cơ sở của bà Clinton và logic chiến tranh Lạnh của bà về quyền tự do hàng hải.

Cách tiếp cận mặt trận liên minh để ổn định các quan hệ với Washington cũng đang thay đổi. Trong quá khứ, cộng đồng doanh nhân Mỹ hiểu rõ quan điểm của Trung Quốc và chống chủ nghĩa bảo hộ, ủng hộ các yếu tố bè phái hoặc chính sách ngăn chặn tại Mỹ. Nhưng gần đây, một số bộ phận trong cộng đồng doanh nhân đã tham gia học thuyết "mối đe dọa Trung Quốc" khi than phiền rằng các chính sách phát triển kinh tế hợp pháp, như cải tiến bản địa, là một dạng bảo hộ.


Ảnh: Telegraph.co.uk

Nói chung, chúng ta nên đánh giá sức mạnh Mỹ một cách thận trọng. Trong quá khứ chúng ta đôi lúc đã đánh giá quá cao sức mạnh Mỹ - ví dụ sau cuộc chiến tranh Vùng Vịnh - nhưng đôi khi cũng đánh giá thấp sức mạnh này. Chúng ta đã rất ngạc nhiên rằng chỉ vài năm sau khi Mỹ rút quân khỏi Somalia, chính quyền Clinton đã huy động một lực lượng do NATO dẫn đầu tấn công Serbia dưới danh nghĩa bảo vệ quyền tự quyết và nhân quyền cho Kosovo. Đây là một tiền lệ đáng ngại.

Bài học cho chúng ta là Mỹ đã từng là một cường quốc kiên cường về lịch sử. Tình trạng suy yếu của Mỹ do tình hình tài chính hiện nay và các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan gây ra, rõ ràng sẽ thúc đẩy chủ nghĩa đa cực. Chúng ta có thể đẩy nhanh xu hướng này, nhưng không phải là bất chấp nguy cơ đối đầu với Mỹ. Chúng ta cũng không nên dựa quá nhiều vào các trông chờ trong nước rằng có thể uốn Mỹ theo cách của mình.

Việc mua trái phiếu chính phủ Mỹ đã đặt chúng ta vào một tình huống bấp bênh hơn nhiều so với Bộ Tài chính ở Washington. Chúng ta đã cho phép định giá lại đồng nhân dân tệ, nhưng vẫn chưa sẵn sàng chuyển sang một hệ thống tỷ giá hối đoái do thị trường ấn định hay tạo ra lượng cầu hàng hóa nội địa để bù vào lãi suất tiết kiệm cao hơn của Mỹ.

Giả định thực tế của chúng ta phải là Mỹ sẽ vẫn là trung tâm quyền lực nhất trong một thế giới đa cực trong ít nhất một thập kỷ nữa và Trung Quốc sẽ vẫn phụ thuộc vào nền kinh tế Mỹ. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục trung thành với chỉ dẫn chiến lược của Đặng Tiểu Bình là "giấu mình chờ thời", trong khi tìm kiếm các cơ hội để "đạt được một điều gì đó".

(tổng hợp bdv)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang