Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Tiêm kích thế hệ 5

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Tiêm kích thế hệ 5. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tiêm kích thế hệ 5. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

>> Sức mạnh tiêm kích thế hệ 5 (kỳ 5)



Cuộc đua tiêm kích thế hệ 5, từ cuối thập niên 1970 sang đầu thế kỷ 21 đã sôi nổi hơn, với sự tham gia của các đối thủ nặng ký khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc…

>> Sức mạnh tiêm kích thế hệ 5 (kỳ 1)
>> Sức mạnh tiêm kích thế hệ 5 (kỳ 3)
>> Sức mạnh tiêm kích thế hệ 5 (kỳ 4)

Kỳ 5: Cuộc đua tăng tốc

Không quân thế giới tất yếu sẽ chuyển sang thế hệ 5 trong những thập kỷ tới. Một số ít cường quốc có tham vọng lớn và tiềm lực như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản thì tự phát triển các máy bay này. Nhiều nước thiếu tiềm lực thì chọn giải pháp hợp tác phát triển rồi mua, hoặc tự mua.

Giải pháp thứ ba là mua sắm các tiêm kích 4+, 4++ nhưng có một số tính năng tiếp cận thế hệ 5.

Ấn Độ: FGFA, AMCA, F-35 và Super Sukhoi

Chịu chơi nhất trong tốp đối thủ mới gia nhập cuộc đua thế hệ 5 là Ấn Độ. Họ cùng lúc theo đuổi 2 chương trình tiêm kích thế hệ 5 là FGFA (hợp tác với Nga) và AMCA. Ấn Độ dự định mua sắm 250 - 300 tiêm kích FGFA 2 chỗ ngồi (dựa trên T-50 của Nga) trị giá hơn 30 tỷ USD.

AMCA là tiêm kích tàng hình, thế hệ 5, đa năng, cỡ 25 tấn, một chỗ ngồi, trang bị 2 động cơ. AMCA sẽ thay thế Jaguar, MiG-27 và tăng cường cho các loại tiêm kích FGFA, Su-30MKI, Tejas và MRCA.

Thiết kế cuối cùng của AMCA sẽ được đệ trình Không quân Ấn Độ vào năm 2012, sau đó bắt đầu phát triển toàn quy mô máy bay. Dự kiến, AMCA cất cánh lần đầu năm 2017 và trang bị năm 2020.

Nga cũng sẽ nâng cấp các tiêm kích thế hệ 4+ Su-30MKI hiện có và sản xuất mới cho Không quân Ấn Độ (IAF) lên tiêu chuẩn Super Sukhoi bằng công nghệ tiêm kích thế hệ 5. Trị giá hợp đồng dự đoán là 1 tỷ USD. Ngoài ra, Ấn Độ cũng có thể xem xét mua F-35 Lightning II mà Mỹ đã năm lần bảy lượt tha thiết mời chào.

Nhật Bản: ATD-X và F-35

Nhật Bản đã lao vào phát triển tiêm kích tàng hình thế hệ 5 ATD-X Shinshin. Nguyên nhân chính không phải là Mỹ từ chối bán F-22, mà do Trung Quốc đã bắt đầu bay thử nghiệm J-20 và Hàn Quốc đang đẩy nhanh các chương trình tiêm kích tàng hình F-X và KF-X.

Năm 2004, Nhật quyết định tiến hành chương trình ATD-X Shinshin. Vì Nhật có ý định mua F-22 của Mỹ để trang bị, nên mục tiêu ban đầu của dự án chỉ là chế tạo mẫu trình diễn công nghệ nhằm chứng tỏ khả năng sản xuất vũ khí công nghệ cao của Nhật.

Sau khi nỗ lực đàm phán mua F-22 kết thúc thất bại năm 2009, dự án Shinshin được nâng lên quy chế thiết kế tiên tiến để có thể nhận vào trang bị khi hoàn thành.


http://nghiadx.blogspot.com
Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 ATD-X của Nhật Bản.


Shinshin là tiêm kích tàng hình, trang bị động cơ có điều khiển vector lực đẩy, radar mạng pha chủ động, công nghệ tự khôi phục khả năng điều khiển bay SRFCC, các hệ thống điều khiển từ xa bằng sợi quang, đối phó điện tử, tác chiến điện tử, trao đổi thông tin thống nhất. Shinshin dự kiến còn có thể mang cả vũ khí viba.

Hai mẫu chế thử ATD-X sẽ được lắp động cơ nước ngoài. Còn các máy bay sản xuất loạt sẽ được lắp động cơ XF5-1 do Nhật phát triển. Dự kiến, ATD-X sẽ bay thử vào năm 2014 và có thể được đưa vào trang bị năm 2018-2020.

Nhật cũng đang xúc tiến chương trình F-X để thay thế các máy bay lạc hậu F-4EJ và F-15J. Nhật Bản sẽ lựa chọn loại tiêm kích thắng thầu vào tháng 12/2011 để mua sắm trong tài khóa 2012 và đưa vào trang bị năm 2016.

Các ứng viên vòng cuối là F-35, F/A-18E/F và EF-2000 Typhoon. Bộ Quốc phòng Nhật muốn mua F-35, song thời hạn hoàn tất phát triển F-35 liên tục bị trì hoãn và tăng giá, trong khi Nhật muốn có máy bay sớm. Vì thế, số phận của Shinshin có thể sẽ phụ thuộc nhiều vào số phận của F-35.

Hàn Quốc: F-35 và KF-X

Tháng 2/2011, Hàn Quốc quyết định thực hiện giai đoạn 3 chương trình tiêm kích thế hệ mới F-X (F-X III), mua 60 tiêm kích tàng hình, trị giá 8-9 tỷ USD, bắt đầu vào năm 2012.

Theo giới quân sự Hàn Quốc, mục tiêu chính của F-X III là mua F-35 mặc dù tham gia cuộc thầu còn có F-15SE Silent Eagle, Typhoon và mới đây là cả PAK FA T-50 của Nga.

Hàn Quốc cũng đang tiến hành chương trình tiêm kích thế hệ 4+ KF-X, có ứng dụng công nghệ tàng hình và tính năng cao hơn F-16, Rafale, Typhoon, nhưng thua kém F-22 và F-35.

Hàn Quốc và Indonesia đã thỏa thuận hợp tác đầu tư phát triển KF-X. Indonesia dự kiến sẽ mua 50 chiếc, Hàn Quốc mua đến 60 chiếc KF-X. Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Brazil và Italia cũng quan tâm đến khả năng tham gia chương trình KF-X.

Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng đang xem xét khả năng hợp nhất F-X III và KF-X.

Tràn ngập thế hệ 5

Trong vài thập niên tới, tiêm kích thế hệ 5 sẽ lan tràn khắp thế giới và cuộc cạnh tranh chủ yếu khai diễn sau năm 2025 giữa PAK FA và F-35.

Theo dự báo của Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới TsAMTO (Nga), PAK FA và F-35 sẽ thống lĩnh thị trường tiêm kích thế giới từ năm 2025. Máy bay của Trung Quốc và các nước khác không phải là đối thủ của máy bay Mỹ và Nga.

Về triển vọng xuất khẩu PAK FA T-50, Chủ tịch OAK Mikhail Pogosyan cho rằng, nhu cầu đối với Т-50 khoảng 600 chiếc, trong đó Không quân Nga mua 200 chiếc, Không quân Ấn Độ - 200 chiếc (FGFA) và 200 chiếc bán cho các nước khác. Theo dự báo ban đầu, đến năm 2045-2050, Mỹ sẽ sản xuất tổng cộng 4.500 chiếc F-35, trong đó, Mỹ mua 3.340 chiếc, 10 nước đối tác mua 897 chiếc.

Như vậy, châu Á-Thái Bình Dương sẽ tràn ngập tiêm kích thế hệ 5. Việt Nam dự báo sẽ là khách hàng thứ ba mua T-50 với số lượng mua từ 12-36 chiếc từ năm 2018-2035. Tuy vậy, căn cứ nhu cầu quốc phòng, khả năng tài chính và kinh nghiệm, Việt Nam có thể sẽ ưu tiên hiện đại hóa phòng không để tăng khả năng chống máy bay tàng hình, kể cả tiêm kích thế hệ 5. Tiêm kích thế hệ 5 sẽ dừng sản xuất vào năm 2050-2055. Từ năm 2060, Nga, Mỹ sẽ tập trung phát triển tiêm kích thế hệ 6 không người lái

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

>> Sức mạnh tiêm kích thế hệ 5 (kỳ 4)



Trung Quốc là nước thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Nga, đưa được mẫu chế thử tiêm kích thế hệ 5. Thế nhưng, có nhiều đồn đoán về việc sao chép công nghệ.

>> Sức mạnh tiêm kích thế hệ 5 (kỳ 1)
>> Sức mạnh tiêm kích thế hệ 5 (kỳ 2)
>> Sức mạnh tiêm kích thế hệ 5 (kỳ 3)

Kỳ 4: J-20 “Đại bàng đen” lai lịch bất minh

Ngày 11/1/2011, tiêm kích thế hệ 5 J-20 “Đại bàng đen” của Trung Quốc lần đầu tiên đã bay thử tại sân bay Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đang ở Bắc Kinh. Đây gần như là một cú sốc bất ngờ đối với tình báo Mỹ, bởi Washington đinh ninh rằng, Trung Quốc không thể có tiêm kích thế hệ 5 nội địa ít nhất đến năm 2018 - 2020, và chỉ có thể có vài chiếc trong trang bị vào năm 2025.

4+ hay 5-?

Giới chuyên gia đánh giá rất khác nhau về J-20. Tuy nhiên, những đánh giá về chức năng, tính năng kỹ thuật, trang bị, vũ khí của máy bay này đều là phỏng đoán dựa trên hình ảnh, video clip hay thông tin không chính thức trên mạng Trung Quốc. Nhìn chung, giới phân tích thống nhất coi đây là bước tiến bộ lớn của Trung Quốc.

Thậm chí, một số ít người đã vội tung hô J-20 như một kỳ phùng địch thủ của F-22 và T-50, đe dọa các tiền đồn của quân đội Mỹ, và là “sát thủ” tàu sân bay Mỹ ở Thái Bình Dương; hay nó có thể thách thức ưu thế trên không của Mỹ và xuyên thủng mọi hệ thống phòng không ở châu Á-Thái Bình Dương.

Một số ý kiến khác thì thận trọng hơn, từ chê trách kịch liệt cho đến khẳng định đây chỉ là mẫu trình diễn công nghệ. Ông Andrei Chang, Tổng biên tập tạp chí Kanwa Asian Defense, đánh giá máy bay Trung Quốc chưa thể sánh với F-22 và T-50, và nhiều khả năng J-20 chỉ là máy bay thế hệ 4+, song có thể hiện đại hóa lên thế hệ 5 khi công nghệ cho phép.

http://nghiadx.blogspot.com
Máy bay tiêm kích J-20 của Trung Quốc.


Về tác động tiềm tàng của J-20, ông Ted Galen Carpenter, Phó chủ tịch Viện Cato ở Washington cho rằng, J-20 “sẽ không có ảnh hưởng gì đến cán cân quân sự trong vòng 10 năm tới hay gần như thế”, nhưng sự xuất hiện của nó “là quan trọng về mặt tâm lý và tượng trưng”.

Căn cứ vào kích thước lớn của máy bay, nhiều chuyên gia phỏng đoán, J-20 có chức năng chính là tiến công mục tiêu mặt đất và tàu chiến mặt nước cỡ lớn, song nó cũng có thể làm nhiệm vụ tiêm kích đánh chặn. Từ góc độ kỹ thuật, J-20 cũng gây nên những nghi ngờ lớn, đặc biệt là khả năng của Trung Quốc tự phát triển động cơ thế hệ 5 và radar mạng pha chủ động, hai điều kiện sống còn của tiêm kích thế hệ 5, nhưng cũng là hai điểm yếu cốt tử của Trung Quốc.

Theo giới chuyên gia, J-20 quá cồng kềnh và nặng nề với chiều dài khoảng 21-23m, sải cánh 14-15m, trọng lượng cất cánh tối đa 34-40 tấn. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn không có động cơ nội địa thế hệ 5 cho J-20. Với động cơ nội địa cải tiến WS-10G hoặc AL-31FN của Nga, J-20 không thể có các tính năng bay cần thiết cho một tiêm kích thế hệ 5.

Khó khăn về động cơ cho J-20 có lẽ là thật, vì không phải ngẫu nhiên mà năm 2010, Trung Quốc đã ráo riết đàm phán với Nga để mua động cơ 117S. Bên cạnh đó, khả năng Trung Quốc tự chế tạo các thiết bị điện tử tiên tiến cho tiêm kích thế hệ 5, trước hết là radar mạng pha chủ động, trong tương lai gần vẫn còn là hoài nghi.

Nghi án sao chép công nghệ

Thú vị nhất là những đồn đoán Trung Quốc cóp nhặt, lai tạp các công nghệ máy bay tàng hình của Nga và Mỹ trong thiết kế J-20. Một giả thiết được nhiều người ủng hộ là J-20 được phát triển dựa trên thiết kế tiêm kích thế hệ 5 thử nghiệm MiG 1.44 mà Nga đã “vứt bỏ”.

Tháng 1/2011, nghị sĩ Mỹ Buck McKeon nói rằng, Trung Quốc đã dùng gián điệp mạng trên lãnh thổ Nga đánh cắp công nghệ của Nga để chế tạo J-20. Còn theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), Nga đã bán bản vẽ sơ đồ khí động học và phần mềm tính tiết diện radar của MiG-1.44 cho Trung Quốc. Tháng 8/2011, một nguồn tin cao cấp Nga tiết lộ, J-20 được chế tạo theo công nghệ Nga và Trung Quốc có thể đã có được các tài liệu liên quan đến dự án MiG 1.44.

Nga từ bỏ MiG 1.44 để phát triển T-50, vì MiG-1.44 ở trình độ công nghệ lỗi thời của những năm 1980. Thế nhưng “cũ người, mới ta”, Trung Quốc lại rất quan tâm đến MiG-1.44 và có tin, cuối cùng, Trung Quốc đã mua được tài liệu thiết kế MiG-1.44. Ông Mikhail Barabanov, Tổng biên tập tạp chí Moscow Defense Brief thuộc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ TsAST (Nga) bình luận: J-20 trông như một kết cấu lai ghép từ các giải pháp thiết kế học mót từ các mẫu máy bay thế hệ 5 MiG 1.44 và Т-50 của Nga và F-22 của Mỹ.

J-20 có sơ đồ kiểu “vịt”, giống hệt 1.44 và kích thước cũng gần như thế, trừ những khác biệt nhỏ. Sao chép MiG-1.44, J-20 cũng không tránh khỏi các nhược điểm của thiết kế này. Ngoài ra, J-20 còn bị nghi ngờ sao chép một số công nghệ của các máy bay tàng hình Mỹ F-117, F-22 và F-35. J-20 có mũi và buồng lái giống hệ F-22, còn các bộ hút khí có lẽ sao chép từ F-35.

Chuyên gia Richard Aboulafia (Trung tâm Teal Group) lại cho rằng, trong số 11 tiêu chí của tiêm kích thế hệ 5, J-20 may ra chỉ đáp ứng được một: bộc lộ thấp (tàng hình). Có lẽ ông này có lý vì tình báo Trung Quốc từ lâu đã săn lùng và lấy được không ít công nghệ của máy bay tàng hình Mỹ.

Tháng 1/2011, Đô đốc Domazet-Lošo, cựu chỉ huy tình báo quân sự và phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Croatia thời nội chiến Nam Tư cho biết, tình báo Trung Quốc đã mua lại từ các nông dân Serbia những mảnh xác và chi tiết của chiếc F-117 bị bắn rơi tháng 3/1999. Trung Quốc có thể đã sử dụng công nghệ F-117 để chế tạo J-20. Như vậy, có thể thấy rằng, “kỳ quan công nghệ made in China” J-20 hiện chỉ có thể là mẫu trình diễn công nghệ lạc hậu 10-15 năm, chứ chưa phải là một tiêm kích thế hệ 5 thật sự.

Cuộc đua tiêm kích thế hệ 5 tay đôi giữa Mỹ và Liên Xô (Nga) từ cuối thập niên 1970 sang đầu thế kỷ 21 đã sôi nổi hơn rất nhiều với sự tham gia của các đối thủ nặng ký như Trung Quốc Nhật Bản Ấn Độ…

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

>> Sức mạnh tiêm kích thế hệ 5 (kỳ 3)



Là máy bay tiêm kích thế hệ 5 thứ ba trên thế giới, PAK FA T-50 (Nga) đã xóa bỏ sự độc quyền của Mỹ về máy bay tàng hình và tiêm kích thế hệ 5.

>> Sức mạnh tiêm kích thế hệ 5 (kỳ 1)
>> Sức mạnh tiêm kích thế hệ 5 (kỳ 2)

Việt Nam được dự báo sẽ là khách hàng thứ ba mua PAK FA, sau Nga và Ấn Độ.

Kỳ 3: Phá thế độc quyền

Tiêm kích thế hệ 5 thử nghiệm Т-50-1 của Nga với tên gọi chính thức là hệ thống máy bay chiến thuật tương lai (PAK FA) cất cánh lần đầu tiên vào ngày 29/1/2010.

Đây được coi là sự đáp trả đối với F-22 Raptor của Mỹ, qua đó tái khẳng định vị thế cường quốc hàng không của Nga.

Uy hiếp các đối thủ Mỹ

PAK FA là tiêm kích hạng nặng đa năng, một chỗ ngồi, hai động cơ. Máy bay có thể tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu trên không, mặt đất và trên biển, kể cả các mục tiêu nhỏ và cơ động, trong mọi thời tiết, suốt ngày đêm, khi đối phương sử dụng nhiễu tích cực, bảo đảm bí mật trong sử dụng, có các khả năng tàng hình, siêu cơ động, bay siêu hành trình dài và cất/hạ cánh đường băng ngắn.

T-50 là máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên, có độ bộc lộ radar nhỏ nhất của Nga, nhưng vẫn lớn hơn F-22 của Mỹ một chút vì Nga chú trọng hơn khả năng cơ động ở tiêm kích thế hệ 5 và giá cả, trong khi Mỹ nhấn mạnh yếu tố tàng hình.


http://nghiadx.blogspot.com
Siêu phẩm T50 của Nga. Ảnh: Topwar-ru


Công trình sư trưởng T-50 Aleksandr Davydenko cho biết, PAK FA kém F-22A, nhưng không nhiều. F-22 có tiết diện radar 0,3-0,4 m2, còn tiết diện radar của T-50 được cho là khoảng 0,5 m2.

Hệ thống avionics trên máy bay là loại hiện đại nhất của Nga, có mức độ trí năng, tự động hóa rất cao, bảo đảm khả năng tác chiến lấy mạng làm trung tâm cho PAK FA. Đây là sự kết hợp các chức năng của phi công điện tử và radar tiên tiến anten mạng pha chủ động, cho phép giảm tải cho phi công để phi công tập trung vào thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.

Máy bay có hệ thống trao đổi dữ liệu chiến thuật thời gian thực. Phi công được cung cấp đầy đủ thông tin do các khí tài trên máy bay thu thập và từ các nguồn khác.

Máy bay được trang bị một số radar và trạm định vị quang học làm việc ở các dải tần khác nhau để phát hiện máy bay tàng hình của đối phương, các hệ thống laser và quang-điện tử, trạm gây nhiễu quang-điện tử chủ động...

Radar mạng pha chủ động băng X siêu hiện đại do Viện NIIP Tikhomirov phát triển được cho có thể bắt bám đến 60 mục tiêu bay và bắn 16 mục tiêu, ở tầm xa tới 400 km.

Radar bổ trợ băng L cho phép tăng khả năng kháng nhiễu, khả năng sống còn và tăng hiệu quả phát hiện mục tiêu tàng hình. Trạm định vị quang học (có thể là OLS-50М) cho phép phát hiện máy bay tàng hình ở tầm xa, tạo ra lợi thế khi không chiến với F-22 và F-35.

Phi công PAK FA cũng được trang bị các thiết bị hỗ trợ thế hệ mới như mũ bay ZSh-10 tích hợp hệ thống phát hiện và chỉ thị mục tiêu, ghế thoát hiểm thế hệ 5 K36D-3,5.

Các mẫu chế thử T-50 và các mẫu sản xuất đầu tiên được lắp động cơ tạm thời Izdelie 117 (117S) của tiêm kích thế hệ 4++ Su-35S. Tuy vẫn cho phép T-50 bay hành trình siêu âm không tăng lực, động cơ 117S chưa có tất cả các tính năng của động cơ thế hệ 5.

Chưa có động cơ thế hệ 5 là điểm yếu cơ bản, “gót chân Achilles” của chương trình PAK FA. Sự cố một chiếc T-50 không thể cất cánh trình diễn hôm 21.8.2011 tại MAKS-2011 do trục trặc ở một động cơ như khẳng định sự lo ngại này.


http://nghiadx.blogspot.com
T-50 – đối thủ cạnh tranh của F-22A (bên phải). Ảnh: pakfa-ucoz-ru


“S-400 trên không” và sát thủ tàu sân bay

Về trang bị vũ khí, T-50 có ưu thế là các khoang vũ khí bên trong có sức chứa kỷ lục đối với các máy bay có kích thước tương tự. Máy bay được trang bị nhiều loại tên lửa đối không, đối đất và đối hạm tiên tiến nhất, có tầm bắn xa gấp đôi các loại tương tự của Mỹ, các loại bom thông minh cỡ đến 500 kg và hai pháo 30 mm.

PAK FA được mệnh danh là “S-400 trên không”, sát thủ máy bay chỉ huy-báo động sớm và tàu sân bay nhờ được trang bị tên lửa đối không tầm siêu xa izd. 810 tầm bắn 400-420 km (tương tự tầm bắn của hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 Triumf) và tên lửa hành trình chống hạm siêu vượt âm BrahMos-II bay nhanh nhất thế giới, gấp 7 lần tốc độ âm thanh (7М).

Các tên lửa đối không tầm trung trang bị cho PAK FA là izd. 180-PD tầm bắn 250 km và izd. 180 tầm 110-140 km. Khi cận chiến, PAK FA sử dụng tên lửa tầm gần cơ động cao mới K-MD (izd. 300), lắp đầu tự dẫn ảnh nhiệt matrix với khả năng phân biệt hình ảnh và tầm bắt mục tiêu xa gấp đôi, có thể tiêu diệt máy bay tiêm kích cơ động cao, thậm chí cả tên lửa đang bay đến.

Tại Triển lãm MAKS-2011, Tổng giám đốc và Tổng công trình sư Tập đoàn Vũ khí tên lửa chiến thuật KTRV Boris Obnosov cho biết, KTRV đã phát triển loại tên lửa mới cho tiêm kích thế hệ 5 Т-50 (PAK FA) tầm bắn 200 km, sẽ sản xuất thử nghiệm trong năm 2011 và bắt đầu sản xuất loạt từ năm 2012. Theo KTRV, T-50 sẽ được trang bị một pháo 30 mm, các tên lửa đối không tầm ngắn, trung và xa RVV-MD, RVV-SD và RVV-BD, các bom KAB-500.

Tổng cộng, có 14 loại vũ khí đang được phát triển cho PAK FA. Đặc biệt, PAK FA có tuyệt chiêu “hồi mã thương” lợi hại là khả năng tác chiến ở bán cầu sau. Với các radar quan sát phía sau, máy bay có thể phóng ngược tên lửa để chặn đánh các đối phương đang truy đuổi ở phía sau, không cần quay đầu lại để phóng tên lửa.

Theo một dự báo của Nga, các khách hàng tiềm năng mua PAK FA ở Đông Nam Á là Indonesia (mua 6-12 chiếc vào năm 2028-2032), Việt Nam (12-24 chiếc, 2030-2035) và Malaysia (12-24 chiếc, 2035-2040).

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

>> Tại sao 'siêu phẩm' F-22 'mất điểm'?



Xin phân tích một số nhược điểm của F-22 để thấy bất cứ loại vũ khí hiện đại nào cũng có nhược điểm và đối phương luôn có thể tìm ra cách đối phó thích hợp.

Điều đáng ngạc nhiên trong chiến dịch quân sự của liên minh phương Tây tiến hành ở Libya là việc Mỹ không đưa tiêm kích F-22 “Chim ăn thịt” tham chiến. Như vậy, suốt 6 năm được đưa vào trang bị, loại máy bay này chưa một lần “đánh đấm” thực sự.

"Giá mà có khả năng"

Chiến dịch quân sự của liên minh phương Tây ở Libya bắt đầu từ 19/3/2011 với các màn phô diễn của F-15 Eagle, F-16 Fighting Falcon, Dassault Rafale, Tornado GR4.

Trước chiến dịch mang tên “Bình minh Odyssey”, giới quân sự chờ đợi sự tham gia của “Chim ăn thịt” F-22 - máy bay chiến đấu thế hệ 5 duy nhất ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Tuy nhiên, sự mong đợi của các chuyên gia đã không trở thành hiện thực khi mà F-22 không chịu “ló mặt” trên bầu trời Libya. Không quân Mỹ còn tuyên bố, loại máy bay này sẽ không tham chiến trong tương lai.

Theo nhà phân tích Loren Thompson làm việc tại Viện Lexington, lý do đơn giản là chiếc máy bay chiến đấu tiên tiến nhất này của Mỹ không được chế tạo để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu giống như những gì đang phải làm ở Libya.

“Mục đích chủ yếu của giai đoạn một là thiết lập vùng cấm bay trên không phận quốc gia châu Phi này, muốn vậy phải tiêu diệt hoàn toàn các hệ thống phòng không của ông Gaddafi”. F-22 không được thiết kế để đánh các mục tiêu trên mặt đất. Máy bay có thể mang 2 bom có điều khiển JDAM khối lượng 450 Kg có khả năng tiêu diệt các mục tiêu cố định, nhưng vũ khí này không được dùng để đánh các mục tiêu di động.

Ngoài ra, radar của F-22 không quét được địa hình như các radar sử dụng anten tổng hợp, nghĩa là không thể tự chọn mục tiêu trên mặt đất. Điều này có nghĩa là nếu sử dụng F-22 để đánh mục tiêu mặt đất, các thông số của mục tiêu phải được nạp vào máy tính của máy bay từ trước khi cất cánh.

Đây vẫn chưa phải là đoạn cuối liệt kê khiếm khuyết của chiếc máy bay thế hệ 5 của Mỹ. Bởi F-22 còn bị hạn chế trong khả năng liên lạc, chỉ có thể chia sẻ thông tin với các máy bay F-22 khác trong biên đội.

Cụ thể, F-22 được trang bị hệ thống liên lạc tiêu chuẩn Link 16, hệ thống được giới quân sự Mỹ và NATO sử dụng rộng rãi, nhưng “bị cắt bớt”. Theo đó, hệ thống này chỉ có thể thu các tin tức tác chiến từ các máy bay hoặc máy bay lên thẳng khác và không thể dùng để chuyển dữ liệu.

Khi thiết kế chế tạo F-22, các kỹ sư đã chủ tâm hạn chế khả năng liên lạc của chiếc tiêm kích nhằm đảm bảo khả năng tàng hình cao hơn – người ta định nếu đưa máy bay vào tác chiến sẽ luôn duy trì chế độ không có liên lạc vô tuyến.



Chim ăn thịt" F-22 tự cô lập mình trên không do không thể liên kết chiến đấu với máy bay "bạn".


Vào cuối tháng 3/2011, chính Tư lệnh Không quân Mỹ Norton Schwartz quyết định đề cập đến việc F-22 không tham gia vào chiến dịch Libya. Theo ông, máy bay tiêm kích này của Mỹ không tham gia chiến dịch vì nó ở căn cứ cách xa chiến trường.

“Giá như F-22 được bố trí ở một trong những căn cứ ở châu Âu, chắc chắn chúng đã tham chiến trong chiến dịch Libya”, ông Schwartz tuyên bố. Ông nói thêm “do chiến dịch ở Libya đã bắt đầu khá nhanh, nên đã quyết định huy động những lực lượng đang ở gần”.

Theo các nguồn tin Mỹ, hiện F-22 đang có ở các căn cứ ở Virginia, New Mexico, California, Florida, Alaska và Hawaii. Cuối bài phát biểu ông Schwartz tuyên bố “việc F-22 không tham gia chiến dịch này không phải là minh chứng cho sự vô dụng của nó”.

Cũng ngày hôm đó, phát biểu tại cuộc điều trần của tiểu ban ngân sách Hạ viện Mỹ, ông Schwartz định giải thích vì sao không quân đã quyết định năm 2010 không cải tiến hệ thống liên lạc của máy bay tiêm kích F-22 dự kiến sẽ thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Increment 3.2”.

Theo ông Schwartz, dự định lắp cho F-22 hệ thống liên lạc tiêu chuẩn MADL là hệ thống hiện đang được nghiên cứu chế tạo cho các máy bay tiêm kích tương lai F-35 Lightning II. Hệ thống MADL mới chưa được kiểm tra để sử dụng cho tác chiến, do đó việc dùng hệ thống này cho F-22 sẽ làm chi phí tăng lên và ẩn chứa sự mạo hiểm nhất định, điều mà không quân không thể chấp nhận. Đồng thời các thông số còn lại của chương trình Increment 3.2 sẽ được thực hiện.

Tính năng của F-22

Kíp lái: 1 người
Dài: 18,9 mét; Sải cánh: 13,56 mét
Khối lượng máy bay không tải: 19,7 tấn;
Khối lượng cất cánh tối đa: 38 tấn;
Động cơ: 2 động cơ Pratt&Whitney F-119-PW-100 lực đẩy 140kN;
Tốc độ tối đa: Mach 2,25;
Tốc độ vượt âm hành trình: Mach 1,5;
Bán kính tác chiến: 759km;
Trần bay: 19.800m;
Vũ khí: pháo 20m. 6 tên lửa không đối không hoặc 2 bom JDAM, 4 điểm treo trên 2 cánh mang vũ khí có khối lượng đến 2,3 tấn.

Cựu chỉ huy tình báo Không quân Mỹ David Deptula có mặt tại phiên điều trần ở Hạ viện đã phê phán mạnh việc từ chối lắp MADL lên F-22. Theo ông này, thật là vô nghĩa khi định chế tạo “máy bay tiêm kích hiện đại nhất thế giới” mà lại không thể trao đổi dữ liệu với các máy bay khác.

Ông Deptula đã coi quyết định của Không quân Mỹ từ chối lắp hệ thống MADL lên máy bay tiêm kích F-22 là “sự thông minh tính bằng xu, còn sự ngu ngốc có giá gấp hàng trăm lần).

Dù sao, rất thú vị là để F-22 có thể trao đổi thông tin với các máy bay, máy bay lên thẳng khác và các đơn vị mặt đất, Không quân Mỹ đã thiết lập một cụm thông tin hàng không đặc biệt. Cụm này bao gồm 6 loại máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk Block 20 có thể trao đổi dữ liệu với máy bay tiêm kích.

Đồng thời các máy bay không người lái có thể chuyển dữ liệu từ F-22 sang các máy bay và máy bay lên thẳng khác có trang bị hệ thống Link 16. Một hệ thống như vậy được thiết lập cho trường hợp tiến hành các hoạt động tác chiến quy mô lớn và hiện chưa được ứng dụng trong thực tiễn.

Có nghĩa là, thực chất Không quân Mỹ xác nhận là dẫu sao các phi công F-22 vẫn cần trao đổi dữ liệu. Nhưng chưa hiểu được vì sao phải thiết lập cho “Raptor” cụm thông tin độc lập riêng và từ chối cải tiến các hệ thống thông tin hiện có của máy bay tiêm kích. Chắc là, vẫn có sự chú trọng đến khả năng khó phát hiện như trước – khi nhận thông tin từ cụm liên lạc, F-22 có được nguồn dữ liệu tác chiến phong phú hơn mà không tự làm lộ mình.

Đáng lưu ý là F-22 được đưa vào trang bị năm 2005. Từ ngày đó nó chưa hề tham chiến vào bất kỳ hoạt động quân sự nào của Mỹ tiến hành ngoài lãnh thổ Mỹ. Một mặt, chiếc chiếc máy bay tiêm kích Mỹ này này quá đắt để có thể tham chiến ở Pakistan, Iraq, Afghanistan hoặc Somalia. Nhưng mặt khác, làm thế nào để kiểm tra mọi tính năng của nó khi máy bay chưa hề chứng tỏ trên thực tế “sự hùng mạnh” của mình.

Những điều khó chịu về kỹ thuật

Một đòn tiếp theo hạ uy tín của máy bay tiêm kích Mỹ thế hệ 5 này đã giáng xuống cuối tháng 3/2011, khi biết được là Không quân Mỹ hạn chế trần bay của F-22.

Theo chỉ thị của Bộ chỉ huy tác chiến không quân (ACC) của Không quân Mỹ, trần bay của F-22 không được vượt quá 7.600m – trong khi theo các thông số kỹ thuật đã được công bố, “trần” của “Raptor” là gần 20.000m.

Nguyên nhân của việc này là việc điều tra nhằm kiểm tra các hệ thống tái sinh oxy (OBOGS) đã được lắp đặt trên nhiều máy bay tiêm kích của Mỹ.

Theo số liệu của ACC, hệ thống OBOGS được giới quân sự Mỹ sử dụng có thể có lỗi. Cụ thể, người ta cho rằng nguyên nhân rơi F-22 ngày 17/11/2010 ở Alaska có thể là những trục trặc của OBOGS.

Hệ thống này tái sinh ôxy và đưa hỗn hợp khí thở vào mũ bay của phi công khi máy bay ở độ cao lớn. Vì trục trặc của OBOGS nên phi công Jeffrey Haney của chiếc máy bay bị rơi có thể đã bị đói oxy và bị ngất.

Trong kií cấm các chuyến bay thường, Không quân Mỹ xác nhận là lệnh cấm này không có hiệu lực đối với các chuyến cất cánh chiến đấu của tiêm kích Mỹ, những chuyến bay chiến đấu này vẫn không bị hạn chế trần bay.

ACC giải thích rằng ở độ cao từ 15.000m trở lên phi công chỉ có vỏn vẹn 10 giây trước khi ngất nếu ôxy không được cấp vào mũ bay. Thời gian này không đủ để hạ độ cao xuống mức có thể thở mà không cần mũ bay có cấp ôxy.

Độ cao 7.600m được bộ chỉ huy cho là an toàn vì nếu mất cấp ôxy, phi công có thể hạ độ cao xuống 5.400m là độ cao có thể thở không cần mũ bay có cấp ôxy.


Chiến đấu cơ "lắm tiền nhiều của" F-22 có thể giết chiết chính phi công điều khiển vì lỗi hệ thống tái sinh Oxy.


Tuy nhiên, uy tín của F-22 bị suy giảm trước đó nhiều. Cụ thể, tháng 2/2010 Không quân Mỹ đã đình chỉ bay tất cả các máy bay “Raptor” một thời gian – đã xác định được thân máy bay không chịu được tác động của hơi ẩm và dễ bị ăn mòn.

Trước đó cũng đã phát hiện ra hiện tượng ăn mòn trên máy bay tiêm kích này, nhưng trong trường hợp này hoá ra hệ thống dẫn hơi ẩm thừa thoát ra khỏi đèn pha của máy bay có kết cấu tồi và không đảm đương được nhiệm vụ. Kết qủa là đã xuất hiện các vết ăn mòn trên một số chi tiết của đèn pha máy bay và cả trong buồng lái, hơn nữa vết này có thể là nguyên nhân hư hỏng trong hệ thống nhảy dù.

Năm 2009, Không quân Mỹ đã phái 12 máy bay tiêm kích F-22 từ Alaska đến căn cứ Andersen ở Guam trong khuôn khổ một thí nghiệm. Thời tiết mưa nhiều trên đảo hoá ra là đã không thích hợp cho các máy bay chiến đấu, và không lâu sau đã phát hiện ra là trong điều kiện độ ẩm cao các hệ thống điện tử của máy bay hoạt động không ổn định, còn hệ thống làm mát các bộ phận máy tính đơn giản là đã không hoạt động được trong không khí ẩm. Không biết khiếm khuyết này đã được khắc phục hay chưa. Chỉ biết là từ đó F-22 không được sử dụng trong vùng có khí hậu ẩm nữa.

Cải tiến

Bắt đầu từ năm 2012, Không quân Mỹ sẽ chi hàng năm 500 triệu USD để cải tiến máy bay tiêm kích F-22. Cụ thể, sẽ triển khai chương trình cải tiến Increment 3.1 dự định lắp đặt thiết bị trên khoang mới, thiết bị hàng không và đảm bảo phần mềm.

Nhờ chương trình này máy bay tiêm kích này sẽ biết quét được địa hình, chọn mục tiêu trên mặt đất và sử dụng bom mới SDB.

Việc thực hiện chương trình cải tiến Increment 3.2 sẽ bắt đầu từ năm 2014. Theo những nguồn tin chưa được kiểm chứng, kết quả của chương trình này là F-22 sẽ nhận được phần mềm mới, một số yếu tố kết cấu mới và hệ thống máy tính điện tử mới.

Cũng năm đó kỹ sư cũ của Lockheed Martin là Derrol Olsen đã kết tội hãng này chế tạo máy bay F-22 chất lượng thấp. Theo dữ liệu của Olsen, máy bay F-22 đã được sơn thừa mấy lớp để có thể vượt qua tất cả các thử nghiệm chống radar.

Chất lượng thấp chính là ở chỗ các lớp phủ hấp thụ sóng vô tuyến của F-22 dễ dàng bị nước, dầu hoặc nhiên liệu tẩy khỏi thân máy bay. Hãng Lockheed Martin đã bác bỏ những lời buộc tội của Olsen, tuyên bố rằng đã sử dụng sơn bền chắc hấp thụ sóng vô tuyến.

Hai năm trước đã phát hiện ra một sự cố nực cười trong máy tính lắp trên máy bay F-22. Tháng 2/2007 Không quân Mỹ quyết định lần đầu tiên đưa F-22 ra nước ngoài. Một số máy bay tiêm kích được điều đến căn cứ không quân Kadena ở Okinawa.

Phi đội 6 máy bay F-22 cất cánh từ Hawaii, sau khi vượt qua kinh tuyến 180 độ – đường thay đổi ngày quốc tế – đã bị mất hoàn toàn dẫn đường và một phần liên lạc. Các máy bay tiêm kích đã phải nhìn theo các máy bay tiếp dầu để quay trở về Hawaii. Nguyên nhân sự cố là lỗi trong chương trình, từ đó máy tính đã bị ngừng khi thời gian thay đổi.

Và đây chỉ là những trục trặc mà Không quân hoặc Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố công khai. Đồng thời không thể loại trừ là còn những trục trặc của máy bay được dấu kín. Ví dụ, về trục trặc của các máy bay ném bom B-2 gây nứt tấm kim loại giữa các động cơ ở phần đuôi của máy bay chỉ được biết đến sau khi các kỹ sư của hãng Northrop Grumman tìm được cách khắc phục.



Người Mỹ còn rất nhiều việc phải làm với chiến đấu cơ "con cưng" của họ.


Những trục trặc của kỹ thuật không quân phức tạp nói chung không phải là điều không bình thường, bởi vì không thể dự báo hết những đặc điểm khai thác. Những căn bệnh “ấu trĩ” này sẽ được khắc phụ trong quá trình khai thác và sẽ được rút kinh nghiệm trong những mẫu mới.

Nhưng trong câu chuyện về F-22 thì còn nhiều điều không thể giải thích nổi. Vì vậy, không thể hiểu vì sao Mỹ bỗng nhiên lại “không khảo mà xưng” khi máy bay tiêm kich này đã không có mặt trong đội hình tác chiến của liên minh trong chiến dịch Libya , dù ở Iraq hoặc Afganistan đã không có lần thử nào như vậy.

Lịch sử chỉ ra rằng vũ khí hiện đại và đắt tiền nhất được sử dụng sau cùng trong các cuộc xung đột, thậm chí các cuộc xung đột rất lớn. Ví dụ rõ ràng nhất có thể thấy là các tàu chủ lực lớp “Drenout” của Anh và “Nassau” của Đức. Các tàu này thực tế đã thả neo ở các cảng hầu như suốt Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất và chỉ được đưa vào tác chiến trong những năm cuối cùng.

Ngày 31/3/2011, Tổng cục giám sát Hoa Kỳ tuyên bố giá mua một F-22 cho Không quân Mỹ là 411,7 triệu USD. Tổng cộng giới quân nhân Mỹ định mua 187 máy bay F-22, trong đó 170 chiếc đã được đưa vào biên chế.

[BDV news]


Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

>> Việt Nam: Ứng viên số 1 cho tiêm kích thế hệ 5 T-50



Theo dự báo của chuyên gia quân sự Nga Konstantin Makienko, trong tương lai Việt Nam có thể mua 24-36 máy bay tiêm kích thế hệ 5 PAK FA T-50.

Sự kiện chính của công nghiệp hàng không Nga năm 2010 là việc bắt đầu bay thử nghiệm mẫu chế thử tiêm kích thế hệ 5. Tuy nhiên, thành tựu kỹ thuật tuyệt vời này của các công trình sư, kỹ sư và công nhân Nga bản thân nó không bảo đảm sự thành công của chương trình.



Bộ Quốc phòng Nga đã công bố ý định mua khoảng 50-70 tiêm kích thế hệ 5 trong giai đoạn đến năm 2020. Có lẽ, trong tương lai, số lượng này sẽ tăng lên và con số 150 hay thậm chí 200 chiếc. Nhưng việc mua sắm một số lượng tương đối ít Т-50 không lý giải thỏa đáng cho những khoản đầu tư hàng tỷ của nhà nước và công ty sản xuất vào công tác nghiên cứu phát triển, hiện đại hóa công nghệ và chuẩn bị sản xuất loạt máy bay này. Và vấn đề ở đây không chỉ là ở quan điểm của giới quân sự, vốn ưa thích các giải pháp rẻ tối đa.

Hạn chế cơ bản đối với việc mua sắm cho quân đội Nga là quy mô khiêm tốn của nền kinh tế Nga. Vì thế, yếu tố có tầm cực kỳ quan trọng để phát triển dự án là tìm kiếm một đối tác quốc tế, có đối tác đó sẽ cho phép chia xẻ gánh nặng tài chính của việc phát triển máy bay và tăng khối lượng hợp đồng chắc chắn. Ngoài ra, việc xúc tiến xuất khẩu máy bay T-50 cũng có tầm quan trọng lớn.

Ấn Độ

Yếu tố đảm bảo không thể đảo ngược chương trình Т-50 là việc Ấn Độ, đối tác kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng chiến lược của Nga tham gia chương trình. Ngày 21.12.2010, trong chuyến thăm Ấn Độ của TT Nga Dmitri Medvedev, hai bên đã ký hợp đồng trị giá 295 triệu USD để thiết kế phác thảo biến thể máy bay tiêm kích thế hệ 5 dành cho Ấn Độ. Sự kiện này có thể coi là dấu hiệu chính thức về sự tham gia dự án của Ấn Độ. Ý nghĩa của nó có thể thậm chí còn lớn hơn chuyến bay ra mắt vào tháng 1.2010 của T-50. Nếu ngày 29.1 là bằng chứng thuyết phục về sự chín muồi về kỹ thuật của chương trình thì ngày 21.12 bảo đảm tương lai thương mại và công nghiệp của nó.

Tồn tại sự phụ thuộc giữa sức mạnh kinh tế của một nước và khả năng của quốc gia đó thực hiện một dự án tiêm kích thế hệ 5. Hiện nay, đang thực hiện các chương trình này có Mỹ với GDP 14,3 ngàn tỷ USD, Trung Quốc (8 ngàn tỷ USD), Nhật Bản (4,4 ngàn tỷ USD) và Nga (2,3 ngàn tỷ USD). Ngoài ra, Hàn Quốc cũng tuyên bố tiến hành dự án chế tạo tiêm kích thế hệ 5, hơn nữa còn có tin Indonesia cũng tham gia chương trình của Hàn Quốc. Tổng GDP của hai nước này là 2,3-2,4 ngàn tỷ USD.

Điều rất đáng chú ý là Pháp (GDP 2,1 ngàn tỷ USD) và Thụy Điển (300 tỷ USD), những nước có các trường phái chế tạo máy bay mạnh và độc đáo, cũng như các tiêm kích thế hệ 4 tuyệt vời lại từ bỏ tham vọng chế tạo máy bay thế hệ 5, điều sẽ dẫn tới việc hai đấu thủ này rời khỏi thị trường trong 15-120 năm tới. Dĩ nhiên, điều đó được lý giải một phần ở việc không có nguy cơ quân sự-chính trị, nhưng nguyên nhân chủ yếu việc từ bỏ tham vọng chế tạo máy bay thế hệ 5 là những hạn chế về tài chính và kinh tế. Nói một cách thẳng thắn thì quy mô nền kinh tế hai nước này không đủ lớn để thực hiện những dự án tốn kém đến thế.

Vị thế chính trị-quân sự của Nga đòi hỏi phải có hệ thống máy bay chiến đấu thế hệ 5 của mình. Cần lưu ý là ở Viễn Đông, Nga tiếp giáp với các nước có yêu sách lãnh thổ chính thức (Nhật Bản) hay tiềm ẩn (Trung Quốc) đối với Nga, hơn nữa cả Trung Quốc và Nhật Bản chắc chắn sẽ có tiêm kích thế hệ 5, có thể cả loại hạng nặng. Ở hướng Tây và Nam, một số nước như Ba Lan hay Gruzia đang thi hành chính sách đối ngoại bài Nga, hoàn toàn có thể sẽ được Mỹ cung cấp tiêm kích thế hệ 5 F-35.

Tuy nhiên trong khi có những đòi hỏi bắt buộc về quân sự rõ ràng để chế tạo Т-50, quy mô GDP của Nga lại đang ở ngưỡng thấp nhất cần thiết được xác định để làm việc đó. Quy mô nền kinh tế Nga xét về sức mua hầu như bằng GDP của Pháp, nước vốn gặp rất nhiều khó khăn khi mua sắm ngay cả tiêm kích thế hệ 4 và hơn nữa là không đặt ra nhiệm vụ chế tạo máy bay thế hệ 5. Điều đó thực tế có nghĩa là đơn thương độc mã Nga chắc chắn có khả năng phát triển tiêm kích thế hệ 5, song chưa chắc có thể mua sắm một số lượng đáng kể máy bay này.

Trong khi đó, tổng GDP của Nga và Ấn Độ là gần 6 ngàn tỷ USD và trên nền tảng kinh tế đó thì việc thực hiện dự án chẳng còn khiến ai phải nghi ngờ. Tham vọng quân sự của Ấn Độ tăng thậm chí nhanh hơn khả năng kinh tế và tài chính của họ. Ngay đánh giá bảo thủ nhất về nhu cầu tiêm kích thế hệ 5 của Không quân Ấn Độ cũng là 300 chiếc. Nhưng chắc chắn, số lượng mua sắm thực tế sẽ vượt đáng kể con số này. Xét tới nhu cầu duy trì ưu thế đối với không quân Pakistan và tạo lập sự cân bằng dù là tối thiểu với không quân Trung Quốc, cũng như việc mua sắm biến thể trên hạm của tiêm kích thế hệ 5 FGFA, tổng số các máy bay này trong Không quân và Hải quân Ấn Độ trong suốt vòng đời của chương trình sẽ lên tới 400-450 chiếc.

Các yếu tố thị trường cơ bản

Т-50/FGFA sẽ được đưa ra thị trường không sớm hơn năm 2018-2020. Điều đó có nghĩa là mọi dự báo về triển vọng xuất khẩu máy bay này sang các nước thứ ba, ngoài Nga và Ấn Độ chắc chắn sẽ không chính xác do không thể tiên lượng thế giới lúc đó sẽ ra sao. Nhưng ngay hôm nay đã hoàn toàn có thể nêu ra những yếu tố then chốt quyết định tiềm năng xuất khẩu Т-50/FGFA.

Những yếu tố quan trọng nhất trong số đó sẽ là:

• giá cả của máy bay tiêm kích thế hệ 5 của Nga-Ấn Độ;

• tiến triển của dự án tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc;

• tiến triển của các hệ thống máy bay không người lái;

• các yếu tố cơ bản đối với thị trường vũ khí nói chung, như mức độ xung đột và trạng thái của nền kinh tế thế giới.

Giá cả của máy bay tiêm kích sẽ quyết định khả năng của các nước tương đối nhỏ mua sắm các máy bay này. Hiện nay, dự kiến theo thời giá năm 2010, đơn giá của Т-50 sẽ là 80-100 triệu USD. Trong trường hợp này, máy bay tiêm kích sẽ vừa túi tiền của tất cả các khách hàng hiện nay mua Su-30, sẽ có ưu thế về giá so với F-35 của Mỹ và vẫn có khả năng cạnh tranh đối với máy bay giả định của Trung Quốc. Điều có ý nghĩa nguyên tắc là phải kiểm soát sự tăng giá không tránh khỏi, đây rõ ràng là sẽ là một trong những thách thức chính đối với các nhà thiết kế máy bay. Xét tới yếu tố trang thiết bị điện tử, cụ thể là hệ thống vô tuyến điện tử đa năng tích hợp, sẽ chiếm phần lớn giá cả của máy bay, nên một trong những phương cách giảm giá có thể là chào bán ra thị trường một biến thể tiêm kích với hệ thống avionics giản lược. Ví dụ như một biến thể với một radar ở mũi, không có các anten lưới ở sườn và cánh.

Khối lượng xuất khẩu Т-50 cũng sẽ phụ thuộc vào tiến độ chế tạo tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc. Máy bay của Trung Quốc có khả năng sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh thậm chí nguy hiểm hơn là F-35 của Mỹ. Vũ khí Nga chủ yếu đang bán cho các nước có đường lối đối ngoại và quốc phòng độc lập, những nước thường thích mua vũ khí trang bị không phải của Mỹ. Chừng nào Trung Quốc không có các máy bay đáng nể chào bán thì trên thị trường các quốc gia đó, Nga sẽ vẫn có thế gần như độc quyền hoặc chỉ cạnh tranh với châu Âu. Điều dễ hiểu là sự xuất hiện của máy bay thế hệ 5 của Trung Quốc sẽ dẫn tới sự cạnh tranh trực tiếp, thẳng thừng giữa Т-50 và máy bay tương lai của Trung Quốc.

Cuối cùng, quy mô thị trường sẽ được quy định bởi những xu hướng công nghệ mới mà việc phát triển chúng có thể sẽ làm mất vai trò của máy bay chiến đấu có người lái. Hiện nay, rủi ro chủ yếu kiểu này là sự tiến bộ trong lĩnh vực các hệ thống máy bay tiến công không người lái. Hy vọng là đến năm 2020, yếu tố này sẽ không kịp gây ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường tiêm kích có người lái.

Những khách hàng mua sắm Т-50 nhiều khả năng nhất là các nước sở hữu các tiêm kích hạng nặng Su-27/30 của Nga (hiển nhiên là loại trừ Trung Quốc). Nhưng một tin xấu là khi thay thế Su-30, các nước đó sẽ mua Т-50 chắc chắn không phải với tỷ lệ 1 đổi 1 mà may lắm là 1 đổi 1,5.

Các thị trường triển vọng nhất là các nước Đông Nam Á, những quốc gia mà vì lý do chính trị sẽ không thể xem xét mua sắm máy bay Trung Quốc. Trước hết đó là Việt Nam, cũng như Malaysia và Indonesia. Ngoài ra, trên thị trường Malaysia vẫn có khả năng có cạnh tranh với Mỹ, còn Indonesia ngoài khả năng mua sắm máy bay Mỹ còn có kế hoạch tham gia dự án tiêm kích thế hệ 5 của Hàn Quốc. Bất chấp những rủi ro đó, xác suất mua máy bay Nga-Ấn của cả hai nước này vẫn rất cao.

Với độ chắc chắn cao, có thể dự đoán rằng, cả Algeria cũng sẽ trung thành với máy bay Nga. Liên quan đến một khách hàng truyền thống của vũ khí Liên Xô là Libya thì có sự bất định liên quan đến triển vọng định hướng chính trị không rõ ràng của nước này. Do rủi ro cao về thay đổi chế độ chính trị và hủy bỏ dự án cách mạng Bolivar của TT đương nhiệm Hugo Chavez của Venezuela, cũng rất khó dự báo các đơn đặt hàng của nước này sau năm 2020. Trong trường hợp duy trì chính phủ cánh tả ở nước này, Nga sẽ đụng đầu với công nghiệp hàng không Trung Quốc vốn đã giành nhiều thắng lợi ở đây. Cuối cùng, có thể hy vọng rằng, thị trường tự nhiên đối với máy bay Nga sẽ là một số nước cộng hòa hậu Xô-viết, trước hết là Kazakhstan và Belarus.

Các thị trường tiềm năng của Nga như iran và Sirya nhiều khả năng sẽ bị Trung Quốc chi phối. Đáng tiếc là ban lãnh đạo chính trị Nga sau khi hủy bỏ các hợp đồng bán tên lửa chiến dịch-chiến thuật Iskander-E cho Sirya và hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU2 cho Iran lại đang tích cực tiếp tay cho kịch bản đó.

Mặt khác, có thể có những thị trường hôm nay xem ra không thể sẽ mở ra cho Nga sau 10-20 năm nữa. Thái Lan từng suýt nữa mua Su-30. Sau 20-30 năm nữa, tiềm lực kinh tế khổng lồ đang ngủ yên của Myanmar có thể sẽ thức dậy. Đối với Argentina thì việc mua sắm Т-50 sẽ là giải pháp đối phó phi đối xứng tuyệt vời đối với kế hoạch của Brazil mua sắm 36 và trong tương lai là 120 chiếc Rafale của Pháp. Có thể phỏng đoán mãi như thế. Hiện nay, có một điều rõ ràng là liên minh Nga-Ấn nhất định sẽ là một trong 3 đối thủ trên thị trường máy bay tiêm kích thế hệ 5 của thế giới. Điều đó có nghĩa là Nga bảo đảm được vị thế cường quốc công nghiệp hàng không thế giới trong suốt nửa cuối thế kỷ XXI.




[Vietnamdefence news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang