Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Anh từng muốn ám sát Lenin?

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

>> Anh từng muốn ám sát Lenin?



[BBC vietnamese news] Gần một thế kỷ trước Anh quốc bị cáo buộc đứng đằng sau vụ mưu sát hụt Lênin và lật đổ chế độ Bolshevik. Chính phủ Anh bác bỏ, nói rằng đây chỉ là sự tuyên truyền của Liên Xô. Nhưng chứng cứ mới cho thấy chuyện này có thể có thực, như Mike Thomson, người dẫn chương trình BBC ''Document'' trên Radio 4, tìm hiểu.



Lênin trước Quảng trường Đỏ năm 1918


Trong nhiều chục năm, những gì quanh cái gọi là "Âm mưu Lockhart" được cất giữ trong thư khố của Liên Xô, được dạy trong trường, thậm chí đem ra làm phim.

Đầu năm 1918 vào những năm cuối của Thế chiến I, tân chính phủ Bolshevik ở Nga thương thuyết với Đức và rút quân đã kiệt sức của họ về.

Điều đó không làm cho London hài lòng vì làm vậy sẽ giúp Berlin dưỡng quân sau khi phải đánh trên cả hai mặt trận.

Quyết tâm kéo người Nga về lại với đồng minh, chính phủ Anh phái một nhân viên trẻ chưa ngoài 30 sang làm đại diện ở Moscow.

Tên của ông ta là Robert Bruce Lockhart.

'Chống Bolshevik'
Lockhart, người Scotland, là một nhân vật đầy sắc thái. Yêu thích rượu chát, phụ nữ và chơi thể thao, ông tự hào với khả năng đọc 5 cuốn sách cùng một lúc.

Đầu tiên Lockhart có vẻ làm được một số việc trong chuyện này, nhưng tháng Ba năm đó, Liên Xô ký hiệp ước Brest-Litovsk với Đức, chấm dứt hy vọng kéo người Nga quay lại với phe đồng minh.

Lockhart dường như không muốn bỏ cuộc.

Thay vào đó ông chuyển sang tìm hiểu cách lật đổ chế độ Bolshevik, thay bằng một chính phủ sẵn sàng đánh Đức.


Robert Bruce Lockhart năm 1955


Hồ sơ lưu trữ cho thấy, vào tháng Sáu, Lockhart yêu cầu London gởi tiền để giúp các nhóm chống Bolshevik ở Moscow.

Trong lá thư "khẩn" gửi từ Bộ Ngoại giao cho Bộ Tài chính, người ta thấy quan điểm của Bộ đối với yêu cầu của đại diện ở Moscow:

"Ý kiến của ông Balfour là đã đến lúc để có hành động cần thiết này, và tôi yêu cầu ngài sang Ủy ban Quý tộc để duyệt cho ngân khoản mà ông Lockhart có thể nhận được cho mục đích đó."

Phản cách mạng
Vào cuối tháng Năm, người Anh quyết định gởi một đạo quân nhỏ tới Archangel, miền bắc nước Nga.

Chính thức thì nhiệm vụ của số binh sĩ đó là bảo vệ hàng ngàn tấn khí cụ cung cấp cho người Nga, đừng để rơi vào tay người Đức.

Các hồ sơ từ ngày đó cho thấy có kế hoạch để cho 5.000 lính Anh vận động 20.000 lính Latvia, vốn có nhiệm vụ canh gác Kremlin, thuyết phục họ quay lại chống những người Bolshevik.

Mùa Hè năm 1918, Lockhart gởi một điện tín về London theo sau một cuộc họp với một nhân vật đối lập gọi là Savinkov:

"Đề nghị của Savinkov là làm sao, với sự can thiệp của đồng minh, các quan chức Bolshevik gộc sẽ bị ám sát và chế độ độc tài quân nhân được thành lập."

Bên dưới bức điện có ghi chú và chữ ký nháy của Lord Curzon, một thành viên của Nội các Thời chiến của Anh hồi đó.

Nội dung đoạn ghi chú như sau: "Phương pháp của Savinkoff mạnh quá, tuy nếu thành công có lẽ sẽ hiệu quả, nhưng chúng ta không thể nói gì hay làm gì cho tới khi hành động can thiệp đã được quyết định.''

'Gián điệp hàng đầu'
Lúc này Lockhart bắt tay một nhân vật cũng đầy sắc thái ở Moscow.

Đó là Sidney Reilly, một người Nga từng đổi tên thành Rosenbloom. Ông là một thương gia hào nhoáng mới tham gia làm gián điệp cho Anh.

Ông được gọi là ''Gián điệp hàng đầu'', nổi tiếng với sự mạo hiểm, thậm chí còn được cho là người đã đem lại ý tưởng cho nhà văn Ian Fleming tạo ra nhân vật James Bond, điệp viên 007.

Nhưng điều bất ngờ đang chờ đón hai người.

Cuối mùa Hè năm 1918, Lenin bị ám sát hụt ở Moscow. Ông bị bắn hai phát đạn ở cự ly gần - hung thủ là một phụ nữ trẻ người Nga.

Cơ quan mật vụ Bolshevik tức Cheka đã bắt Bruce Lockhart vài giờ sau đó và đưa về Kremlin để thẩm vấn.

Reilly trốn thoát mẻ lưới của mật vụ, nhưng bị bắn chết vài năm sau đó khi bị dụ quay trở về Nga.

Theo hồ sơ của Cheka, Lockhart thú nhận ông có dự phần trong vụ mưu sát do London đưa ra để giết Lênin và lật đổ chính quyền cách mạng.

Nhưng đến đầu tháng Mười năm 1918 ông được thả sau khi được đổi mạng với người đại diện của Nga tại London.


Hình hộ chiếu của Sidney Reilly năm 1918


'Sự thật nửa vời'
Trong cuốn sách bán rất chạy của ông, Hồi ký của một điệp viên Anh xuất bản trong thập niên 1930, Lockhart quả quyết ông không có vai trò gì trong âm mưu ám sát Lênin cũng như kế hoạch lật đổ chính quyền.

Ông nói điệp viên non tay Sidney Reilly mới là người đứng đằng sau âm mưu đảo chính.

Lockhart viết thêm ông không liên quan gì nhiều đến Reilly, người bị một số người cho là ''vô kỷ luật''.

Tuy nhiên người ta tìm thấy một lá thư của con trai Lockhart trong thư khố ở Hoa Kỳ. Theo Robin Lockhart thì cha mình không nói hết sự thật:

"Nếu như quan hệ giữa cha tôi với Reilly vẫn làm cho ai đó trong Bộ Ngoại giao bận tâm, thì rõ ràng theo như trong sách Hồi ký của một điệp viên Anh, một khi việc can thiệp vào Nga đã được quyết định năm 1918, ông đã năng động ủng hộ cho phong trào trào chống lại cách mạng, và dĩ nhiên Reilly lúc đó đang hoạt động rất năng nổ.''

"Chính cha tôi đã nói rõ với tôi là ông làm việc rất gần với Reilly, hơn là những gì ông nhìn nhận công khai..."

Người tìm ra lá thư đó là giáo sư Robert Service, người tin rằng muốn biết hết sự thật chỉ còn cách đọc lại hết nhưng hồ sơ trong giai đoạn đó.

Nhưng hơn 90 năm sau, chính phủ Anh vẫn giữ kín nhiều hồ sơ, mà theo giáo sư Service là để bảo lưu rằng London không bao giờ làm chuyện như vậy.

"Nước Anh ngày nay có chính sách cho hoạt động tình báo là công khai chống lại việc lật đổ chính quyền ngoại quốc hay ám sát các lãnh đạo chính trị ở nước ngoài,'' ông nói.

"Tôi đoán rằng ở Whitehall người ta muốn luôn luôn giả vờ như thế. Rằng người Anh bao giờ cũng trong sạch.

"Người Anh không phải lúc nào cũng trong sạch. Họ đã từng xấu xa như bất kỳ người nào khác."



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang