Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Sức mạnh Không quân Indonesia

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

>> Sức mạnh Không quân Indonesia



[BDV news] Indonesia đang bắt đầu khôi phục lại các lực lượng vũ trang vốn danh tiếng một thời.

Trong kế hoạch “khoác cho quân đội bộ áo mới”, bước đầu giới chức Indonesia tập trung khôi phục lại lực lượng không quân với khoản kinh phí lên đến 150.000 tỷ rupi cho kế hoạch 5 năm tới.

Đồng thời, Indonesia không ngần ngại tuyên bố sẽ tăng số lượng các cuộc tập trận quân sự trên không để nâng cao khả năng tác chiến.

Để thực hiện kế hoạch khôi phục sức mạnh cho không quân, Indonesia dự định sẽ mua sắm các loại máy bay mới, các trang thiết bị kỹ thuật quân sự của các nước châu Âu, Mỹ và Nga.

Sau đỉnh cao là khủng hoảng
Không quân Indonesia được thành lập từ năm 1946, tiền thân là một quân chủng với số lượng nhân sự và sức mạnh khá khiêm tốn.

Đầu những năm 1960, dù đảng Cộng sản Indonesia không nắm quyền, nhưng vẫn có một uy tín chính trị tương đối cao và ảnh hưởng lớn đến chính sách quốc phòng. Dựa vào đó, Indonesia đã tăng cường hợp tác quân sự với Trung Quốc và Nga. Nhờ vậy, Indonesia đã đầu tư sức mạnh cho lực lượng không quân của mình.



MiG-17 trong biên chế Không quân Indonesia.


Cụ thể, năm 1961, Indonesia trở thành khách hàng thứ hai của Liên Xô mua máy bay ném bom Tu-16. Ngoài ra, Indonesia tích cực mua sắm các loại máy bay hiện đại khi đó, như MiG-15, MiG-17, MiG-19, MiG-21, Il-28, An-12, La-11 và trực thăng Mi-4, Mi-6... Các loại máy bay này được sử dụng trong khoảng thời gian khá lâu cùng thời với với Ту-2, B-25 Mitchel, A-26 Invader, P-51 Mustang, C-47 Dakota.

Với sức mạnh tiềm năng khá lớn (hơn 400 máy bay và trực thăng), đến cuối năm 1965, không quân Indonesia đã trở thành lưc lượng không quân có uy lực mạnh nhất ở nam bán cầu.

Tuy nhiên, thời kỳ hưng thịnh đã nhanh chóng lụi tàn vào năm 1966, khi Thiếu tướng Khadzi Mukhammed Sukharto lên nắm quyền, làm đóng băng quan hệ của Indonesia với các nước thuộc phe XHCN. Điều này khiến các lực lượng vũ trang mất đi khả năng mua sắm các trang thiết bị kỹ thuật và thiết bị phụ trợ mới.

Đầu những năm 1970, Không quân Indonesia tuyên bố, chỉ 20% máy bay trong trang bị có thể thực hiện các chuyến bay, số còn lại đã không thể hoạt động và cần phải sửa chữa.

Năm 1970, tất cả các loại máy bay MiG-15, MiG-17, MiG-19, MiG-21 và Tu-16, muộn hơn nữa là B-25 và P-51 bị loại khỏi biên chế.


Những "chiến binh" tạo nên đỉnh cao sức mạnh một thời của Không quân Indonesia lần lượt bị loại khỏi biên chế. Trong ảnh là máy bay ném bom Tu-16 của Không quân Indonesia.


Trên thực tế, trong thời gian hàng chục năm, Không quân Indonesia được liệt vào loại kém nhất trong khu vực.

Tình hình có vẻ được cải thiện đôi chút vào cuối những năm 1970 khi Austrailia chuyển giao cho Indonesia một vài máy bay tiêm kích F-86 Sabre. Sau đó, Indonesia đã “tậu” được của Anh các máy bay huấn luyện chiến đấu BAE Hawk Mk.53. Cuối những năm 1980, không quân nước này đã mua của Mỹ và Israel các máy bay tấn công A-4 Skyhawk và máy bay tiêm kích F-5E/F Tiger II. Năm 1989, Indonesia mua thêm của Mỹ 12 máy bay tiêm kích F-16 Fighting Falcon.

Indonesia đã tổ chức nhiều vụ thầu cung cấp máy bay chiến đấu và vận tải. Cụ thể, không quân nước này có kế hoạch sở hữu 60 máy bay tiêm kích F-16, 24 Su-30KI và một vài BAE Hawk. Nhưng kế hoạch này ngay lập tức đã bị tiêu tan vào năm 1992 khi Mỹ tuyên bố cắt đứt hợp tác quân sự với Indonesia với lý do Indonesia đã tiến hành các hoạt động quân sự tại Đông Timor, tây Papua và Achekh. Sau Mỹ, nhiều nước châu Âu đã cắt đứt quan hệ ngoại giao, kinh tế và quân sự với nước này.

Cùng với lệnh cấm vận, hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã tước đi hoàn toàn khả năng mua sắm các trang thiết bị quân sự và thiết bị ở thị trường bên ngoài của Indonesia. Chính vì vậy, không quân Indonesia lâm vào khủng hoảng, yếu kém.

Hiện nay, trong trang bị của không quân có 330 máy bay và trực thăng huấn luyện, huấn luyện - chiến đấu, chiến đấu, vận tải. Trong số các loai máy bay trên, theo các đánh giá khác nhau, chỉ có 150-260 có thể hoàn thành các chuyến bay. Và tất cả các loại máy bay này cần sửa chữa và hiện đại hoá.

“Vươn vai thức giấc” mạnh mẽ
Năm 2005, khi Chính phủ Indonesia và lãnh đạo nhóm nổi dậy “Acher tự do” ký thảo hiệp hoà bình, Mỹ đã bãi lệnh cấm vận vũ khí cho nước này. Nhờ vậy, Không quân Indonesia có những bước khởi sắc.

Theo số liệu của Flightglobal MiliCAS, trong trang bị của Không quân Indonesia chỉ còn 194 máy bay và trực thăng có thể cất cánh (1).

Vào tháng 3/2011, Tư lệnh không quân Indonesia, Imam Sufaat tuyên bố, không quân cần tăng số lượng các trang thiết bị kỹ thuật, bởi trong 5 năm tới đất nước sẽ tiến hành nhiều chiến dịch quân sự.

Theo kế hoạch này, không loại trừ khả năng Indonesia sẽ tiếp tục tham gia các chiến dịch hoà bình của Liên Hợp Quốc (2).

Với kế hoạch phát triển không quân trong 5 năm tới, Indonesia dự định chi khoản ngân sách 150.000 tỷ rupi, tương đương 17 tỷ USD. 2/3 số tiền trên sẽ lấy từ ngân sách quốc gia, số còn lại Bộ Quốc phòng sẽ nhận dưới dạng thanh toán tín dụng.


Không quân Indonesia ngày càng có nhiều hoạt động hợp tác quốc phòng.


Với số tiền này, Indonesia sẽ mua các máy bay tiêm kích mới, máy bay vận tải quân sự, trực thăng tìm kiếm cứu hộ và hiện đại hoá các trang thiết bị kỹ thuật hàng không hiện có trong trang bị.

Không quân nước này dự định hiện đại hoá 4 Su-27SK và Su-30MK biến thể SKM và MK2, 10 máy bay tiêm kích F-16A/B, tiến hành đại tu 15 máy bay tiêm kích F-15E.

Tháng 1/2011, Indonesia đã ký hợp đồng với công ty Arinc Engineering của Mỹ hiện đại hoá 5 máy bay vận tải quân sự C-130B. Dự kiến, các máy bay này sẽ được trang bị các thiết bị hàng không mới và vỏ khác, chuyển giao cho không quân Indonesia trong thời gian 3 năm tới.

Ngoài ra, không quân Indonesia đang xem xét khả năng mua đến 6 máy bay vận tải quân sự C-27J Spartan hoặc Casa CN-295. Dự kiến, việc mua sắm máy bay sẽ được thực hiện trong khuôn khổ đấu thầu.

Ngày 21/3/2011, theo thông báo, Công ty hàng không Indonesia Garuda đã bán cho không quân nước này 2 máy bay vận tải đã qua sử dụng B737-400. Không quân sẽ sử dụng để vận chuyển quân đổ bộ.


Không quân Indonesia có những bước tiến mạnh mẽ thời gian gần đây. Trong ảnh là một phi đội F-16 trong biên chế Không quân Indonesia.


Hiện nay, Indonesia tiến hành đàm phán với Mỹ mua 24 máy bay tiêm kích đã qua sử dụng F-16A/B Block 25. Bộ Quốc phòng Mỹ trước đó đã đề xuất viện trợ miễn phí cho Indonesia các máy bay này với điều kiện sau khi nhận được máy bay nước này, Indonesia phải thuê các công ty Mỹ sửa chữa và hiện đại hoá.Indonesia đã thông qua đề xuất của Mỹ và tuyên bố rằng, việc hiện đại hoá các máy bay Mỹ “cho không” sẽ rẻ hơn mua 6 chiếc F-16C/D Block 52 mới như dự kiến.

Ngoài ra, Indonesia đã gửi yêu cầu không chính thức đến Anh để mua 24 máy bay tiêm kích Eurofighter Typhoon. Nếu đề xuất này được chính phủ Anh tán thành thì tổng giá trị của hợp đồng sẽ lên tới 5 tỷ bảng, tương đương 8,1 tỷ USD.

Để thực hiện kế hoạch hiện đại hoá không quân, ngoài những đối tác trên, Indonesia còn đặc biệt quan tâm đến nhà cung cấp truyền thống – Nga.


Indonesia nhập khẩu máy bay chiến đấu Su-30MK của Nga.


Bộ Quốc phòng Indonesia tuyên bố trong 10 năm tới sẽ mua 180 máy bay tiêm kích Sukhoi để thành lập 10 phi đội bay.

Tháng 9/2010, Indonesia tuyên bố đã mua thêm 6 tiêm kích Su-30MK2. Trong tương lai, máy bay tiêm kích của Nga sẽ là lực lượng nòng cốt trong thành phần máy bay chiến đấu của không quân Indonesia.

Tháng 6/2010, Indonesia đã ký thoả thuận tham gia dự án chung với Hàn Quốc chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình KF-X thế hệ "4++".

KF-X thế hệ "4++" sẽ được chế tạo bằng cách sử dụng công nghệ tàng hình và theo sự mô tả kỹ thuật, nó có khả năng vượt trội so với máy bay Rafale và Typhoon, tuy nhiên không thể sánh được với tiêm kích F-22 Raptor và F-35 Lightning II.

Với việc tham gia dự án chung với Hàn Quốc, không quân Indonesia dự định sẽ sở hữu 50 máy bay tiêm kích KF-X.

(1) Cụ thể là các loại máy bay tiêm kích F-16A, Hawk Mk.209, Mirage 2000, Su—27SK/SKM, Su-30МК/МК2, máy bay tấn công OV-10 Bronco, máy bay tuần tiễu B737MPA, CN-235MPA, máy bay tiếp dầu KC-130B, máy bay vận tải C-130B/H/L-100 Hercules, C-212 Aviocar, Casa CN-235, Fokker F-27 Friendship, Pilatus PC-6 Porter, trực thăng tấn công đa năng AS332 Super Puma, Bell 412, EC725 Super Cougar và SA330 Puma.

Ngoài ra, không quân nước này còn trang bị máy bay trực thăng huấn luyện EC120B Colibri, máy bay SF.260, F-16B, Hawk Mk.53, Hawk Mk.109, KT-1 Ungbi và T-34 Mentor.

(2) Trước đó, với tư cách là thành viên, Indonesia đã tham gia các chiến dịch của Liên Hợp Quốc tại nước Cộng hoà Dân chủ Congo, Lebanon, chiến dịch thứ nhất và thứ hai tại Somali, Bosnia và Campuchia. Ngoài ra, quân đội nước này còn tham gia chế áp du kích tại Tây Papua.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang