Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: BrahMos

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn BrahMos. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn BrahMos. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

>> Ấn Độ đánh giá thấp tàu khu trục Type-052C



Các chuyên gia Ấn Độ nhận định, sử dụng tên lửa chống hạm lắp đầu tự dẫn radar thụ động hoàn toàn có thể đánh chìm tàu khu trục Type-052C của Trung Quốc với xác suất 100%.



Báo chí Ấn Độ đã có một loạt các bài viết phân tích đánh giá khả năng của tàu khu trục Type-052C của Trung Quốc. Họ cũng so sánh tàu này với tàu khu trục lớp Kolkata của Ấn Độ đang được đóng mới. Báo chí Ấn Độ cho rằng, tàu khu trục Type-052C hoàn toàn không thể so sánh với tàu khu trục của Ấn Độ.

Sau một thời gian nghiên cứu, Hải quân Ấn Độ kết luận, hệ thống radar mạng pha đa năng với 4 anten nằm ở 4 góc của tháp chỉ huy của tàu khu trục Type-052C là một mục tiêu béo bở cho các tên lửa chống hạm.

4 anten ở 4 góc đài chỉ huy cùng phát sóng sục sạo mục tiêu biến nó trở thành một nguồn phát xạ mạnh. Cùng với đó là công nghệ chắp vá khiến hệ thống radar này hoạt động không hiệu quả.

Sử dụng tên lửa chống hạm lắp đầu tự dẫn radar thụ động hoàn toàn có thể đánh chìm tàu khu trục Type-052C với xác suất 100%. Việc dẫn tên lửa tấn công tàu khu trục Type-052C là quá dễ, một tên lửa chống hạm lắp đầu tự dẫn radar thụ động sẽ tự động đánh chìm tàu khu trục này.


http://nghiadx.blogspot.com
Điểm yếu của Type-052C nằm ở hệ thống radar mạng pha. Ảnh: Junshijia


Kém xa so với tàu khu trục của Ấn Độ

So với tàu khu trục Project 15A, lớp Kolkata của Ấn Độ đang được đóng, tàu khu trục Type-052C của Trung Quốc còn kém xa về tất cả các chỉ số.

Tàu khu trục lớp Kolkata của Ấn Độ được trang bị radar mạng pha chức năng hoạt động theo từng giai đoạn EL/M-2248 MF-STAR của Israel, một trong những radar tiên tiến nhất thế giới hiện nay.


http://nghiadx.blogspot.com
Thiết kế thủy động học, vũ khí, radar của tàu khu trục lớp Kolkata ở một đẳng cấp hoàn toàn khác.


Hệ thống radar này hoàn toàn có thể so sánh với hệ thống Aegis của Hải quân Mỹ. Đặc biệt hệ thống radar này được thiết kế riêng cho Ấn Độ và hoàn toàn tương thích với chương trình phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo AAD.

Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 được trang bị trên tàu khu trục Type-052C không phải là một lựa chọn hợp lý cho phòng thủ tên lửa. Type-052C buộc phải dựa vào hệ thống phòng thủ tầm cực gần như là lá chắn cuối cùng trước các tên lửa chống hạm. Tất nhiên, tỷ lệ đánh chặn thành công của súng là không đáng tin cậy.

Tàu khu trục lớp Kolkata sử dụng 3 loại tên lửa siêu âm để đánh chặn tên lửa đạn đạo và tên lửa chống hạm. 8 hệ thống phóng thắng đứng cho tên lửa đánh chặn tầm xa AAD với tầm bắn đến 200km, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo.

Có tất cả 48 tên lửa đánh chặn tầm trung Barak-8 với tầm bắn 70km, tên lửa có khả năng hoạt động độc lập rất cao và gần như không phải phụ thuộc vào hệ thống nhắm mục tiêu hay dẫn đường của bệ phóng.

Sau cùng là 32 tên lửa đánh chặn tầm ngắn Barak-1 với tầm bắn 12 km, bất kỳ tên lửa chống hạm nào trước khi uy hiếp tàu khu trục lớp Kolkata phải vượt qua 3 hệ thống đánh chặn nói trên.


http://nghiadx.blogspot.com
Năng lực chống hạm của tàu Kolkata vượt trội so với Type-052C.


Nói đến khả năng chống hạm, tên lửa chống hạm YJ-62 của tàu khu trục Type-052C quả là khập khiễng khi đem so sánh với tên lửa chống hạm BrahMos được trang bị trên tàu khu trục lớp Kolkata.

Tàu khu trục Type-052C được trang bị một trực thăng chống ngầm, trong khi đó tàu khu trục lớp Kolkata được trang bị tới 2 trực thăng với khả năng chống ngầm cực kỳ mạnh mẽ.

Hệ thống đẩy của tàu khu trục Type-052C sử dụng hệ thống động cơ đẩy hỗn hợp tua bin khí-diesel CODOG nên bị hạn chế về tốc độ và khả năng hoạt động. Trong khi đó, tàu khu trục lớp Kolkata được trang bị hệ thống đẩy COGAG cho phép đạt tốc độ nhanh hơn, tiêu thụ ít nhiên liệu hơn.

Báo chí Ấn Độ cho rằng, Trung Quốc luôn coi Ấn Độ tụt hậu trong công nghiệp đóng tàu so với Trung Quốc. Thế nhưng, Trung Quốc đóng tàu sân bay, Ấn Độ cũng có tàu sân bay , Trung Quốc có tàu ngầm nguyên tử, Ấn Độ cũng có. Ấn Độ cũng đang phát triển những năng lực không gian mạnh mẽ và hoàn toàn không thua kém Trung Quốc.

Trong xu hướng chung phát triển công nghệ tàng hình cho tàu chiến, tàu khu trục Type-052C gần như không có khả năng tàng hình, thiết kế thân tàu mắc kẹt trong những thiết kế của những năm 1980, các công nghệ trang bị trên tàu thậm chí ở công nghệ của những năm 1960.

Đáp lại các bài viết của báo chí Ấn Độ, trang mạng Junshijia có đoạn bình luận: “Ấn Độ tỏ ra quá kiêu ngạo khi so sánh với các tàu chiến hiện đại nhất của Trung Quốc, thiết kế của tàu khu trục Type-052C ở đẳng cấp thế giới, được thiết kế với công nghệ module hoàn toàn có thể dễ dàng thực hiện các công việc sửa đổi trong tương lai”.

Trang mạng này cho rằng, Trung Quốc không dừng lại ở Type-052C mà còn phát triển xa hơn nữa. Ấn Độ còn nhiều việc phải làm để có thể đuổi kịp Trung Quốc.

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

>> Ấn Độ chế tạo tàu ngầm lớp Arihant thứ 2



Ấn Độ bắt đầu chế tạo tàu ngầm hạt nhân lớp “Arihant” thứ 2 tại xưởng đóng tàu Vishakhapatname.

Hiện tại, nhà máy đóng tàu đang lắp ráp thân tàu. Dự kiến, tàu ngầm mới sẽ mang tên “Arhidaman”, được chế tạo và bắt đầu thử nghiệm trên biển vào năm 2015.

Theo các báo, tàu ngầm lớp “Arihant” thứ 2 sẽ có một số thay đổi trong thết kế để khắc phục các khiếm khuyết trong quá trình thử ghiệm của chiếc đầu tiên, đã hạ thuỷ vào tháng 7/2009. Những thay đổi của chiếc tàu ngầm thứ 2 trong dự án chưa được công bố.

Trước đó, Hải quân Ấn Độ tuyên bố rằng có ý định sở hữu 6 chiếc tàu như vậy, nhưng đến thời điểm mới ký hợp đồng để xây dựng 4 tàu ngầm loại này.

Theo kế hoạch, “Arihant” sẽ được đưa vào sử dụng trong hải quân Ấn Độ từ năm 2012 sau khi hoàn thành tất cả các bài kiểm tra.

Đến nay, chiếc tàu ngầm nguyên tử “Nerpa”, trong hải quân Ấn Độ được gọi tên “Chakra” là tàu ngầm hạt nhân duy nhất trong lực lượng vũ trang Ấn Độ. Tàu ngầm này được đóng ở Nga, sau đó, Ấn Độ thuê lại từ cuối năm 2011 với thời hạn 10 năm.

Tàu ngầm lớp Arihant là dự án phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược đầu tiên của Ấn Độ. Con tàu đầu tiên của dự án đã hạ thuỷ, 2 chiếc đang được xây chế tạo, theo kế hoạch của dự án sẽ có 5 tàu ngầm được đóng.



Tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo INS Arihant đầu tiên của Ấn Độ.


Ban đầu, đây là dự án thiết kế tàu ngầm nguyên tử của riêng có tên là AVT (Công nghệ đóng tàu tiên tiến) được Chính phủ Ấn độ công bố vào năm 1985. Tàu ngầm nguyên tử của Ấn độ được phát triển trên nền tảng tàu ngầm “Skat”, project 670 của Liên Xô. Sau đó, dự án đã được định hướng lại để chế tạo thành các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo.

Năm 1998, bắt đầu đóng tàu ngầm đầu tiên với tên gọi INS Arihant, nhưng đã bị trì hoãn do vấn đề thiết kế, chế tạo lò phản ứng và mãi đến năm 2009 con tàu mới được hạ thuỷ. Theo kế hoạch, tàu được đưa vào sử dụng trong năm 2011. Tất cả tàu sẽ được xây dựng ở trung tâm đóng tàu “Vishakapatnam” trên vịnh Bengal.

Tàu ngầm lớp “Arihant” có lượng giãn nước 6.000 tấn, tốc độ lên đến 24-30 hải lý/giờ tuỳ theo các phương án khác nhau.

Vũ khí chính của tàu là 12 tên lửa đạn đạo K-15 Sagarika, có tầm bắn 700 km. Tên lửa này được phóng thành công lần cuối vào ngày 26/2/2009.

Sau đó, trên tàu ngầm dự tính trang bị tên lửa đạn đạo “Agni-3”, có tầm bắn lên đến 3.500 km, tên lửa được chứa trong ống phóng chắc chắn nằm phía sau mui tàu và có hướng thẳng đứng. Trên tàu có trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm.

[BDV news]


Thứ Ba, 12 tháng 4, 2011

>> Tên lửa chống hạm của Nga (kỳ 3)



[BDV news] Nếu Mỹ có tên lửa chống hạm nổi tiếng Harpoon và Tomahawk, thì các họ tên lửa của Nga như Switchblade, Yakhont hoặc 3M-54 luôn được xem là "sát thủ" vô hình đối với các mục tiêu trên biển cũng như trên đất liền.

>> Tên lửa chống hạm của Nga(kỳ 1)
>>Tên lửa chống hạm của Nga(kỳ 2)


Họ tên lửa SS-N-25

SS-N-25 (NATO gọi là Switchblade) là loại tên lửa chiến thuật chống hạm tầm trung, có tính năng kỹ chiến thuật giống tên lửa chống hạm nổi tiếng của Mỹ US RGM-84/AGM-84 Harpoon, Exocet của Pháp hoặc Sea Eagle của Anh quốc.




Switchblade có tính năng kỹ chiến thuật ngang ngửa với tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ


SS-N-25 có tên thiết kế là Kh-35, 3M24, Uran, Bal hoặc Harpoonski, vì có tính năng giống với tên lửa chống hạm của Mỹ Harpoon như nói ở trên. Switchblade được thiết kế nhằm tiêu diệt mục tiêu là các tàu thuyền trên biển có trọng lượng lên tới 5000 tấn.

Phiên bản đầu tiên của dòng tên lửa Switchblade được đưa vào sử dụng trong quân đội Nga từ năm 1983 nhằm thay thế cho dòng tên lửa SS-N-2 Styx. Trải qua quá trình phát triển, Switchblade hiện có thể triển khai trên nhiều phương tiện khác nhau như: tàu khu trục, tàu tuần tra, lực lượng phòng vệ bờ biển trên đất liền, từ một số loại máy bay trực thăng và từ máy bay tuần tra trên biển Tu-142 Bear.


Switchblade được triển khai trên nhiều phương tiện khác nhau, trong đó, có máy bay Tu-142 Bear.


Switchblade có trọng lượng 520 - 610 kg tùy từng phiên bản, đầu đạn nặng 145 kg, kích thước tên lửa 4,4 m x 0,42 m, sử dụng động cơ tuabin phản lực, vận tốc 0,8M và tầm bắn cực đại lên tới 130 km.

Switchblade sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và radar chủ động. Thông tin về mục tiêu có thể được truyền tới tên lửa từ các hệ thống bay hoặc từ trung tâm điều khiển bắn.

Quá trình tấn công mục tiêu được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, khi tên lửa rời khỏi bệ phóng, hệ thống dẫn đường quán tính được khởi động, đưa tên lửa tới khu vực có mục tiêu. Tại một khoảng cách nhất định, radar chủ động được kích hoạt nhằm xác định, khóa mục tiêu.

Bốn quả tên lửa SS-N-25 trên tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard


Cùng thời điểm đó, hệ thống dẫn đường quán tính sẽ hướng tên lửa tới mục tiêu, đồng thời thay đổi độ cao hành trình, bay là là trên mặt biển (thấp nhất là 1 m trên mặt biển). Tại thời điểm này, tên lửa tiếp tục nhận thông tin chỉ thị mục tiêu và điều khiển từ trung tâm bắn cho đến khi đầu tên lửa chạm mục tiêu và phát nổ.

Riêng phiên bản cuối của dòng SS-N25, Kh-35UE được tích thêm thêm hệ thống tiếp nhận thông tin từ Glonass (hệ thống định toàn cầu bằng vệ tinh của Nga, giống GPS của Mỹ). Với hệ thống tiếp nhận thông tin Glonass, Kh-35UE có thể hoạt động trong điều kiện biển động cấp 6, tốt hơn hẳn AGM-84 Harpoon của Mỹ, đồng thời có khả năng tấn công vào các mục tiêu cố định trên bờ biển.


Xe chỉ huy và điều khiển bắn hệ thống phòng thủ bờ biển Bal E.


Phiên bản sử dụng vào mục đích phòng thủ bờ biển có tên là Bal E, được thiết kế nhằm thay thế cho hệ thống phòng thủ bờ biển Rubezh. Hệ thống Bal E bao gồm một xe chỉ huy, một xe xác định mục tiêu và một số xe mang tên lửa, trong đó, mỗi xe mang được 8 quả tên lửa 3M-24 Uran.


Bal E là hệ thống phòng thủ bờ biển, sử dụng tên lửa 3M-24 Uran.


Họ tên lửa SS-N-26
SS-N-26 là tên lửa tầm trung chiến thuật, có tên thiết kế là 3k-55 Onyx/Yakhont, P-800. Phát triển từ năm 1983, trang bị cho hải quân Nga vào năm 1999 và cho đến năm 2001, P-800 đã được triển khai trên nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả trên biển, trên không và đất liền.


SS-N-26 là tên lửa chiến thuật tầm trung, được trang bị cho cả máy bay, tàu chiến và trên xe ô tô. Ảnh là một chiếc Su-33 được trang bị Yakhont.


Trong vài năm gần đây, Nga bán bản quyền hợp tác sản xuất P-800 cho Ấn Độ dưới tên là Brahmos A và Brahmos S. Trung Quốc đang đàm phán với Nga để mua dây chuyền sản xuất phiên bản 3M-55 nhằm trang bị cho nhiều tàu chiến trong hải quân Trung Quốc.


Nga và Ấn Độ phối hợp sản xuất một phiên bản SS-N-26, có tên là Brahmos A/S.Ảnh là hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion, sử dụng tên lửa Brahmos.


Về mặt thiết kế, P-800 giống tên lửa chống hạm Moskit (SS-N-22) và P-700 Granit. P-800 có kích thước 8,9 x 0,9 (m), trọng lượng 3 tấn, đầu đạn nặng 250 kg, sải cánh rộng 1,7 m, sử dụng động cơ đẩy phản lực thẳng, nhiên liệu lỏng, hoạt động trong phạm vi từ 120 - 300 km tùy theo độ cao và hành trình với vận tốc 2,5 M.

So với các tên lửa đối hải thế hệ trước, hành trình của P-800 đặc biệt hơn. Ngay khi rời bệ phóng P-800 bay vút lên cao, hành trình gần tới mục tiêu thì dần dần hạ thấp độ cao. Khoảng cách tới mục tiêu khi tên lửa hạ thấp có thể được lập trình từ trước.

Việc kiểm soát độ cao của tên lửa được thực hiện nhờ radar KTRV-Deltal K313, cho phép tên lửa có thể hoạt động tại độ cao từ 1.000 m đến 5000 m.


Hệ thống dò mục tiêu Granit - Elektron được trang bị cho Yakhont của Nga và Brahmos của Ấn độ.


P-800 sử dụng hệ thống dò tìm mục tiêu Granit – Elektron. Đây là một trong những hệ thống rò tìm mục tiêu kỹ thuật số hiện đại nhất của Nga cho đến ngày nay. Radar có thể hoạt động ở hai trạng thái: chủ động và thụ động.

Trong chế độ chủ động, radar hoạt động ở giải băng tần rộng với điều biến phổ tần ngẫu nhiên, có thể xác định mục tiêu cách 50km. Khi tên lửa phát hiện mục tiêu và lại gần ở khoảng cách 25 - 30 km, tên lửa tắt mọi liên lạc với hệ thống và chỉ sử dụng radar ở trạng thái thụ động.

Nhờ công nghệ hiện đại, P-800 có thể chống lại hiệu quả hệ thống gây nhiễu của đối phương, đồng thời cho phép hoạt động trong điều kiện biển động cấp 7.


Brahmos của Ấn độ có những cải tiến lớn về hệ thống dẫn đường và Ấn độ dự kiến triển khai trên cả máy bay Su-27/30


Trong phiên bản hợp tác sản xuất với Ấn độ, tên lửa Brahmos có những cải tiến đáng kể về hệ thống dẫn đường. Phiên bản Brahmos dự kiến được Ấn độ triển khai trên các tàu chiến, các hệ thống phòng thủ bờ biển di động và trên máy bay Su27/30.

Nga và Ấn độ cũng đang xem xét triển khai phiên bản Brahmos tấn công đất liền. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào khả năng tăng độ chính xác cũng như hệ thống dẫn đường bổ sung.


Hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion sử xe MZKT-7930 TEL, mỗi xe mang theo ba quả tên lửa.


Hệ thống phòng thủ bờ biển sử dụng tên lửa P-800 được đặt tên là hệ thống phòng thủ Bastion. Đây là một hệ thống phòng thủ bờ biển di động, sử dụng xe MZKT-7930 TEL, trọng tải 41 tấn, mỗi xe mang theo ba quả tên lửa, hoạt động trong đội hình bao gồm các xe mang tên lửa, xe chỉ huy, hệ thống radar truyền tiếp thông tin.

Họ tên lửa SS-N-27
SS-N-27 có tên thiết kế của Nga là 3M-54 là một họ tên lửa đa chức năng, được thiết kế dùng cho tàu chiến (Club N), tàu ngầm (Club S) và các máy bay chiến đấu. Hệ thống tên lửa này có thể sử dụng nhiều loại đầu đạn khác nhau, cho phép tấn công các mục tiêu trên biển cũng như các mục tiêu cố định trên bờ.


3M-54 là loại tên lửa đa chức năng, cho phép tiêu diệt các mục tiêu trên biển cũng như trên đất liền.


Không giống như tên lửa chống hạm Moskit và Yakhont, Club sử dụng ống phóng ngư lôi 533mm hoặc các ống phóng thẳng đứng. Cho đến nay, có 5 phiên bản Club khác nhau, trong đó, phiên bản 3M-54E1 và 3M-14E gần giống tên lửa chống hạm Tomahawk của hải quân Mỹ.

Tùy từng phiên bản, trọng lượng của tên lửa giao động từ 1.300 kg đến 2.300 kg và kích thước cũng từ 6,2 m đến 8,2 x 0,533 (m). Do có nhiều phiên bản khác nhau nên tên lửa này cũng sử dụng nhiều loại động cơ đẩy khác nhau, bao gồm cả động cơ phản lực sử dụng nhiên liệu rắn nhiều tầng và động cơ tuabin phản lực.

Phiên bản 3M-54E1 sử dụng hệ thống dò tìm mục tiêu bằng radar ARGS-54E (hoạt động chế độ chủ động), hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh Glonass và hệ thống thống dẫn đường bằng quán tính. Rada ARGS-54E có góc dò ±45 độ, bán kính hoạt động 65km. Tên lửa cũng sử dụng radar KTRV-Detal RVE-B, giống như radar sử dụng trong họ tên lửa SS-N-25.

Phiên bản tấn công mục tiêu trên đất liền 3M-14E sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và bằng hệ thống định vị Glonass. Rada chủ động ARGS-14E, có tầm hoạt động 20km, được sử dụng để xác định các mục tiêu trên mặt đất với góc tìm kiếm ±45 độ.


3M-54 sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính và hệ thống định vị Glonass, sử dụng rada chủ động để xác định mục tiêu.


Giống như các họ tên lửa khác, sau khi được phóng, tên lửa sẽ hành trình trên cao, khi tới gần mục tiêu, rada tích cực sẽ được kích hoạt để xác định mục tiêu. Khi mục tiêu đã được khóa, động cơ tên lửa được tăng tốc lên tới 2,9M, độ cao hạ thấp xuống còn 15 m và lao thẳng đến mục tiêu.


3M-54AE được triển khai trên máy bay Su-33 Flanker



3M-54 triển khai trên tàu ngầm lớp Kilo.


Nhằm vượt qua lưới phòng ngự của đối phương, 3M-54 hành trình theo đường zig-zag, hơn thế, thân tên lửa được thiết kế khá gọn, sử dụng vật liệu hấp thụ sóng radar khiến cho đối phương khó khăn trong việc phát hiện tên lửa từ xa.

Theo nguồn tin báo chí, Ấn độ đã triển khai loại tên lửa này cho lực lượng hải quân, còn Trung Quốc đặt hàng cho các tàu ngầm lớp Kilo. Nga cũng đang xem xét triển khai loại tên lửa này trên máy bay Su-32FN/34.




Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

>> Tên lửa hành trình chống hạm siêu vượt âm BrahMos-II



- Nga và Ấn Độ đang phát triển loại tên lửa hành trình siêu vượt âm BrahMos-II có tốc độ cao nhất thế giới ~6000 km/h, tầm bắn 290 km, dùng để trang bị cho tàu nổi, tàu ngầm, máy bay và triển khai trên mặt đất.

Tiếp sau thành công với tên lửa BrahMos (với 4 biến thể: biến thể triển khai trên mặt đất, biến thể trang bị cho tàu nổi, biến thể phóng từ tàu ngầm và biến thể trang bị cho máy bay), mới đây, Nga và Ấn Độ đã ký thỏa thuận phát triển và đưa vào sử dụng BrahMos-II vào năm 2015.

Ngày 3/8/2009, Chính phủ Ấn Độ đã phê chuẩn dự án nhiều tỷ USD nhằm phát triển biến thể siêu vượt âm BrahMos-II cho quân đội Ấn Độ.



Tên lửa hành trình chống hạm siêu vượt âm BraMos-II

Dự kiến, BrahMos-II sẽ là tên lửa hành trình có tốc độ cao nhất thế giới (> 6M, tức ~6000 km/h) và tầm bắn 290 km. BrahMos-II đã được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm với tốc độ 5,26M, tốc độ cao nhất của tên lửa hành trình hiện nay trên thế giới.

Các thông số kích thước của tên lửa vẫn được giữ nguyên để các bệ phóng BrahMos và các trang thiết bị mặt đất hiện nay không phải thay đổi vẫn sử dụng được BrahMos-II. BrahMos-II cũng sẽ có các biến thể phóng từ mặt đất, từ biển và từ máy bay.

Ngoài các ưu điểm như BrahMos siêu âm, BrahMos-II có uy lực rất cao nhờ tốc độ khủng khiếp của nó vì một tên lửa tấn công mục tiêu với tốc độ 6M sẽ có uy lực công phá gấp 36 lần tên lửa cùng trọng lượng tấn công mục tiêu ở tốc độ 1M. Với động năng cao nhờ tốc độ >6M, BrahMos-II là vũ khí lý tưởng đế tấn công các mục tiêu ngầm sâu dưới đất như boongke, các cơ sở hạt nhân, hóa-sinh vf các mục tiêu kiên cố khác. Với tốc độ này, đối phương sẽ không có thời gian phản ứng đối phó với BrahMos-II.

BrahMos II dự kiến sẵn sàng vào năm 2013-14 và sẽ được trang bị cho các tàu khu trục lớp Project 15B của Hải quân Ấn Độ.

(brahmos.com news)

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

>> Nga, Ấn tranh cãi về chi phí phát triển BrahMos phóng từ máy bay



“Cuộc chiến ngôn từ” giữa Nga và Ấn Độ đang đe dọa làm chậm trễ việc chế tạo biến thể phóng từ máy bay của tên lửa hành trình siêu âm BrahMos dự kiến trang bị cho các tiêm kích đa năng Su-30MKI của Không quân Ấn Độ.

Mặc dù Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng DRDO ủng hộ Liên hiệp NPO Mashinostroenia của Nga tham gia phát triển biến thể tên lửa này, nhưng hãng Nga cho rằng, Ấn Độ phải chi trả cho việc hiện đại hóa Su-30MKI thành phương tiện mang tên lửa này.



Trong bối cảnh đó, phía Ấn Độ cho rằng, tập đoàn Hindustan Aeronautics Limited (HAL) của họ vốn đang sản xuất Su-30MKI theo giấy phép sẽ có thể tự lực nâng cấp máy bay để mang tên lửa BrahMos với “giá hạ hơn nhiều”.

Các nguồn tin nói rằng, phía Nga có thể hiện đại hóa máy bay, nhưng “đòi nhiều tiền” và không nêu số tiền chính xác. Nhưng gây bức xúc nhất cho phía Ấn Độ là lối làm việc của người Nga. “Họ cản trở chúng tôi tiến hành các công việc độc lập, viện lý do hợp đồng chuyển giao công nghệ”.

Sự tranh cãi đã dẫn tới việc thử nghiệm tên lửa bị chậm trễ. “Chúng tôi đã cùng với Nga hoàn thành chương trình thử nghiệm tên lửa từ bệ phóng mặt đất, nhưng chúng tôi cần tiến hành các thử nghiệm tên lửa hành trình từ máy bay cơ động ở tốc độ cao”.


Su-30MKI sẽ phải có một mấu treo dưới thân chuyên dùng để treo tên lửa BrahMos, vì thế cần có một số thay đổi kết cấu ở khung thân máy bay. Nếu mọi chuyện thuận lợi thì Su-30MKI trang bị BrahMos có thể thực hiện chuyến bay đầu tiên trước cuối năm 2011

(vietnamdefence news)

Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

>> Ấn Độ phát triển tên lửa hành trình thế hệ mới



Cơ quan nghiên cứu phát triển quốc phòng Ấn Độ DRDO đang hoàn thiện một loại tên lửa hành trình mới có tên Nirbhay.

Đây là tên lửa hành trình tầm trung , tốc độ cận âm, tầm bắn 800km, dự kiến tên lửa sẽ được thử nghiệm vào năm 2012. Người đứng đầu chương trình phát triển tên lửa cho biết: “Hệ thống tên lửa đang trong giai đoạn hoàn thiện, các tên lửa đầu tiên sẽ sẳn sàng thử nghiệm vào đầu năm 2012”.

Tên lửa Nirbhay được phát triển để trang bị cho không quân và hải quân, được thiết kế để phóng từ các ống phóng thẳng đứng trên tàu chiến, tàu ngầm hoặc được phóng từ tiêm kích đa năng Su-30MKI, khi đó tầm bắn của tên lửa sẽ đạt đến 1000km .

Tên lửa có cấu hình khí động học của tên lửa hành trình thông thường với một cánh lái có khả năng gập lại giữa thân, 4 cánh ổn định ở đuôi. Hiện vẫn chưa rõ thông tin về động cơ dùng cho tên lửa. Một số nguồn tin cho rằng tên lửa sẽ sử dụng động cơ Saturn 36MT của Nga, theo một thỏa thuận giữa hai bên vào năm 2006.

Ngoài ra, theo một số nguồn tin, sự phát triển của tên lửa Nirbhay có sự trợ giúp kỷ thuật của Israel. Tên lửa sẽ được dẫn hướng kết hợp giữa dẫn đường quán tính và sử dụng thiết bị đầu cuối. Thêm vào đó, tên lửa có khả năng lập bản đồ bay để bay theo chế độ men theo địa hình.




Cùng với Brahmos và Kh-59M, Nirbhay sẽ là bộ ba mũi tên xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa.
Theo một thỏa thuận vào cuối năm 2010, Ấn Độ sẽ được phép truy cập tín hiệu với độ chính xác cao của hệ thống định vị toàn cầu Glonass (Nga). Như vậy, tên lửa sẽ được bổ sung thêm khả năng dẫn đường bằng vệ tinh để tăng cường độ chính xác.

Tên lửa có khả năng trang bị 24 loại đầu đạn khác nhau tùy thuộc nhiệm vụ. Tên lửa có chiều dài 6m, đường kính 0,52m, trọng lượng 1.000kg, tốc độ Mach 0,7.

Phát triển của Nirbhay cùng với sự hoàn thiện của biếnn thể phóng trên không và từ tàu chiến của tên lửa siêu âm BrahMos, tên lửa Kh-59M mua từ Nga, Ấn Độ đang nắm trong tay bộ 3 “mũi tên chiến lược” đủ khả năng xuyên thủng mọi lá chắn phóng thủ tên lửa.

Khi một nhà báo đặt câu hỏi về khả năng phát triển các tên lửa chống vệ tinh của Ấn Độ, một đại diện giấu tên của DRDO cho biết Ấn Độ hoàn toàn đủ khả năng để phát triển các hệ thống vũ khí như vậy. Nhưng do theo đuổi các mục đích hòa bình đối với không gian bên ngoài nên Ấn Độ không phát triển các hệ thống vũ khí này.

“Đất nước chúng tôi không có chính sách tấn công bất cứ ai trong không gian, chúng tôi không tin vào điều đó. Nhưng chúng tôi có tất cả các yếu tố cần thiết để thiết kế và phát triển một hệ thống vũ khí như vậy”, vị quan chức giấu tên kia cho biết.

Sự phát triển của tên lửa hành trình mới là một phần trong chiến lược an ninh quốc gia. Tích hợp các công nghệ và sản phẩm cần thiết để bảo vệ đất nước của Ấn Độ, đáp ứng các thách thức của tương lai. Hiện Ấn Độ phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa Agni-V, dự kiến sẽ được phóng thử vào cuối năm 2011.


(Aviation Week, Brahmand)

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

>> Ấn Độ chi 4 tỷ USD mua tên lửa BrahMos



Ấn Độ ký kết với Nga hợp đồng trị giá 4 tỷ USD việc cùng nhau hợp tác thành lập công ty BrahMos Aerospace sản xuất tên lửa hành trình vượt âm BrahMos.

Phụ trách công ty, ông Pillay cho biết, trong vòng 5-6 năm tới Ấn Độ sẽ được trang bị một loạt tên lửa mới có tính năng vượt trội so với các tên lửa hiện có. Ngoài ra, Ấn Độ còn thu được khoảng 10 tỷ USD từ các đơn đặt hàng nước ngoài, trong đó có thương vụ tên lửa BrahMos.

Đồng thời ông cũng chỉ ra, để đáp ứng yêu cầu của thị trường trong tương lai, Ấn Độ và Nga sẽ nâng cao khả năng hoạt động của công ty BrahMos Aerospace. Theo đó, Tên lửa BrahMos trong 2-3 năm tới sẽ trở thành tên lửa được ưa chuộng trên thị trường quốc tế.

Hiện nay, các động cơ của tên lửa BrahMos được Nga sản xuất, trong tương lai, sẽ chuyển giao cho Ấn Độ sản xuất.

Dự án tên lửa hành trình vượt âm bắt đầu nghiên cứu từ giữa năm 1999, cơ bản là dựa trên hệ thống tên lửa phóng từ tàu ngầm P-800 do Liên Xô chế tạo. Tên lửa BrahMos lần đầu được thử nghiệm thành công vào 12/6/2001 tại bang Orissa/Ấn Độ.




  Tên lửa BrahMos rời bệ phóng.
Tên lửa "BrahMos" có chiều dài 10 m, đường kính 70 cm, trọng lượng khởi động trong khoảng 3,9 tấn (bao gồm cả hộp khởi động), trọng lượng đầu đạn khoảng 300 kg, cự li phóng 290 km, tốc độ bay tối đa 2.9M.

Công ty BrahMos Aerospace đã hoàn thành việc nghiên cứu cải tiến tên lửa Brahmos, trong đó, đã thử nghiệm thành công trên biển và trên mặt đất, tiến tới trang bị cho quân đội Ấn Độ. Ngoài ra, việc nghiên cứu các biến thể của tên lửa này để phóng từ tàu ngầm và trên không cũng đã hoàn thành vào tháng 12/2010.

Tháng 9/2008 Ấn Độ và Nga tuyên bố sẽ nghiên cứu cải tiến tính năng tên lửa này thành tên lủa Brahmos-2. Theo đó BrahMos-2 có uy lực rất cao nhờ tốc độ khủng khiếp của nó (khoảng 5-7 Mach, cao nhất thế giới). Một tên lửa tấn công mục tiêu với tốc độ 6 Mach sẽ có uy lực công phá gấp 36 lần tên lửa cùng trọng lượng tấn công mục tiêu ở tốc độ 1 Mach.

Với động năng cao nhờ tốc độ lớn hơn 6 Mach, BrahMos-2 là vũ khí lý tưởng đế tấn công các mục tiêu ngầm sâu dưới đất như boongke, các cơ sở hạt nhân, hóa - sinh và các mục tiêu kiên cố khác. Với tốc độ này, đối phương sẽ không có thời gian phản ứng đối phó. Theo kế hoạch, trước năm 2013 việc chế tạo tên lửa này sẽ hoàn tất.

Trong vòng 10 năm, Ấn Độ sẽ mua khoảng 1.000 tên lửa BrahMos. Có khoảng 14 khách hàng tìm hiểu loại tên lửa này, tuy nhiên các hợp đồng này phải cùng đạt được sự đồng thuận từ chính phủ Nga và Ấn Độ.

Mỗi năm công ty BrahMos Aerospace có thể sản xuất từ 50-100 tên lửa BrahMos. Cho đến khi nhận được các đơn đặt hàng thì số lượng của tên lửa này sẽ là 2.000 quả.
(tổng hợp)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang