Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> 'Quân đội Nga mạnh thứ 5 thế giới vào năm 2020?'

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

>> 'Quân đội Nga mạnh thứ 5 thế giới vào năm 2020?'



Chính phủ Nga quyết định: Năm 2020 sẽ hoàn thiện việc xây dựng một đội quân có sức mạnh đứng thứ 5 trên thế giới, Tân Hoa Xã cho hay.

Nhân dịp Quân đội Nga "khoe cơ bắp" nhân Ngày lễ Chiến thắng, hãng thông tấn Tân Hoa Xã vừa có một bài bình luận về kế hoạch xây dựng và phát triển sức mạnh quân sự Nga cùng những khó khăn của nó.

Dưới đây là nội dung chính của bài viết này:

Kế hoạch của Nga

Hiện nay trước sự hiện đại hoá quân sự với quy mô lớn của Trung Quốc và tình hình phức tạp tại phía đông dãy núi Ural, Nga đang tích cực xây dựng một đội quân gồm 40 lữ đoàn có sức mạnh đứng thứ 5 trên thế giới.



Để làm điều này, vào năm 2020 Nga sẽ sử dụng các thiết bị quân sự hiện đại để thay thế 70% vật tư quân sự hiện tại. Đội quân này sẽ trở thành trọng tâm trong chiến lược hiện đại hoá quân sự tương lai của Nga.

Tổng thống Nga Medvedev đã tuyên bố Moscow sẽ bắt đầu công cuộc tái vũ trang quân đội toàn diện từ năm 2011, một phần trong kế hoạch nhằm đối phó với việc mở rộng của NATO về phía biên giới nước này.

Ngoài ra, Chương trình tái trang bị toàn bộ lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga đến năm 2020 sẽ trở thành một chương trình quan trọng bậc nhất trong toàn bộ lịch sử nước Nga.

Tính đến năm 2011, Nga đã chi gần 140 tỷ USD cho việc mua vũ khí. Theo dự đoán của các chuyên gia quân sự chi phí quân sự của Nga trong năm 2011 và 2012 sẽ đạt 53 và 61 tỷ USD.


Đến năm 2020 Nga sẽ xây dựng một đội quân có sức mạnh đứng thứ 5 trên thế giới.


Đến năm 2020, theo kế hoạch quân đội Nga sẽ tiếp nhận: 600 máy bay chiến đấu hiện đại Su-34 và Su-35, trên 1.000 trực thăng mới chủ yếu là trực thăng vận tải Mi-26 và máy bay đa dụng Mi-8; Quân đội Nga còn bố trí hàng trăm hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 và S-500 tại các khu vực “nhạy cảm”.

Hải quân Nga được trang bị 20 tàu ngầm gồm: 100 chiến hạm các loại bao gồm: 35 tàu hộ tống và 15 tàu khu trục, 8 tàu ngầm nguyên tử trang bị tên lửa đạn đạo Bulava, 2 tàu đổ bộ chở trực thăng Mistral (ngoại trừ số tàu đã mua từ trước của Pháp - hợp đồng này đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán).

Xe tăng thế hệ thứ 4 và thứ 5 cũng được trang bị cho Lục quân. Về vũ khí bộ binh, Nga đang hoàn thiện súng tiểu liên AK đời mới để thay cho các loại AK hiện có.

Tổng chi phí cho kế hoạch này là 650 tỷ USD.

Các vấn đề khó khăn mà Nga phải đối mặt:

1. Kinh phí

GDP của Nga năm 2010 khoảng 44,5 nghìn tỷ rub trong khi đó chi phí cho cải cách quân đội chỉ chiếm 1,5% GDP tương đương với 667 tỷ rub (22,8 tỷ USD) như vậy không thể có được 650 tỷ dollar ngay lập tức. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi hiện đại hóa quân đội sẽ kéo dài nhiều năm làm gia tăng tệ nạn tham nhũng và lấy cắp của công.

Trong khi đó ngân sách Quốc phòng của Mỹ cao hơn hẳn ngân sách quốc phòng của Nga, Trung Quốc, Ấn độ cộng lại. Năm 2010 ngân sách quốc phòng của Mỹ là 626 tỷ USD. Ngân sách quân sự của NATO năm 2010 là 994 tỷ USD. Như vậy rõ ràng ngân sách cho hiện đại hóa quân đội Nga là một con số khổng lồ so với thực tại.

Bên cạnh đó việc huấn luyện lực lượng, khai thác và sử dụng vũ khí trang bị mới là một vấn đề rất lớn đặt ra với quân đội Nga đã được chính giới lãnh đạo Nga thừa nhận nhiều lần trước đây.

Cuộc xung đột ở Chechnya (1994-1996, 1999-2004) và xung đột ở Georgia (2008) là những minh chứng cho thấy tính sẵn sàng chiến đấu và tính hiệu quả của quân đội Nga đang ở mức đáng báo động. Ngoài ra, các chi tiêu quân sự của Nga cũng không ổn định, nó phụ thuộc vào việc xuất khẩu năng lượng và nguyên liệu thô.

2. Tiêu cực và tham nhũng

Hiện nay, nội bộ quân đội Nga còn tồn tại những vấn đề tham nhũng nghiêm trọng.

Các văn kiện đều cho thấy một điều rằng, dù Nga đã nhiều lần tuyên bố cải cách quân đội nhưng các phương tiện truyền thông vẫn thường xuyên chỉ trích nạn tham nhũng tràn lan, tuyển dụng không rõ ràng, quân đội vi phạm nhân quyền và các vấn đề khác…

Tuy nhiên, các tướng lĩnh và sĩ quan quân đội cấp cao thường cố gắng biện hộ nhằm giảm nhẹ những áp lực bất lợi cho bản thân. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo điện Kremlin không muốn hoặc không đủ sự tự tin để làm “phật ý” lực lượng quân sự và an ninh.


Lực lượng Quân đội Nga đang phải đối mặt với vấn đề tiêu cực và tham nhũng đã ăn sâu vào tư tưởng từ thời Liên Xô cũ.


Các vấn đề như: Tham nhũng tràn lan; Nhân lực khoa học đang lão hoá; Chất lượng binh lính hợp đồng và quân nhân thấp cả về thể chất và tinh thần, thậm chí, có quân nhân nghiện rượu và ma tuý…tạo thành trở ngại nghiêm trọng đối với việc tạo ra một lực lượng hiện đại và chuyên nghiệp của điện Kremlin.

Trên thực tế, Chính phủ Moscow vẫn còn phải mất một thời gian dài để phát triển và triển khai các công tác quan trọng bao gồm: Thu thập tin tức tình báo hiện đại; Cải tiến hệ thống thông tin; Chỉ huy và phòng không; Hệ thống hướng dẫn có độ chính xác cao để đạt được trình độ quân sự phương Tây hiện đại.

Nga cần phải cải cách các tổ chức quân sự được thành lập từ thời kỳ Liên Xô, khẩn trương thay đổi phương thức làm việc để hạn chế tiêu cực và tham nhũng tràn lan. Đây là một thách thức rất lớn đối với quân đội Nga.

3. Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự

Dù các lãnh đạo trong quân đội Nga chỉ ra rằng, trọng tâm chính đối với các chiến lược phát triển của quân đội Nga chính là NATO tuy nhiên trong những năm trở lại đây, trước sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc với quy mô lớn, Nga đang dần chuyển hướng chú ý sang người láng giềng này.

Năm 2008 và 2009, Trung Quốc tập trận quân sự với phạm vi giả định là 2.000km, với phạm vi này Nga và Trung Á hoàn toàn nằm trong “tầm ngắm” của Trung Quốc. Năm 2010 Nga thông báo với các hãng thông tấn trong nước về mục đích các cuộc tập trận của mình chính là các “hành động giả định đối phó với Trung Quốc”.

Quan tâm đặc biệt của Quân đội Nga chính là việc phát triển và hiện đại hoá quân sự với quy mô lớn của Trung Quốc đã vượt qua việc bố trí quân đội của Nga trên các dải biên giới. Đặc biệt là so với các lực lượng đóng quân tại phía Đông của dãy núi Ural. Nga đang cố gắng triển khai 40 lữ đoàn tại đây để có thể kịp thời đối phó với những thách thức đến từ Trung Quốc và đó cũng là tâm điểm trong việc hiện đại hoá quân đội của Nga.

4. Học thuyết quân sự thiếu thực tế

Một trong những điều chỉnh quan trọng nhất trong các học thuyết quân sự của Nga là việc nhấn mạnh: “Nga có quyền sử dụng quân đội để đáp trả những hành động xâm lược chống Nga và các đồng minh, giữ gìn hòa bình theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các tổ chức an ninh tập thể khác”.

Tuy nhiên, học thuyết quân sự của Nga vẫn chưa dự tính tới việc những “người hàng xóm” có thể tạo ra các xung đột quân sự. Ngoài ra, trong một báo cáo gần đây của Hội đồng An ninh Nga cho biết, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vẫn chưa cân nhắc đến cuộc chiến tranh năng lượng trong tương lai và chỉ nhấn mạnh sự cần thiết của việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang Nga.


Một học thuyết quân sự thiếu thực tế trở thành trở ngại nghiêm trọng cho việc hiện đại hoá quân đội Nga.


Nhiều nhà quan sát tin rằng, lực lượng quân đội của Nga tại khu vực viễn đông đang trong tình trạng thiếu thốn về vật chất trang bị, trong khi đó điện Kremlin tiếp tục nhấn mạnh rằng cần phải phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật. Trong các học thuyết quân sự của Nga việc sử dụng vũ khí hạt nhân đánh bại hệ thống phòng không của đối phương là tiêu chí được đặt lên hàng đầu.

Nếu theo tiêu chí như vậy lực lượng bộ binh Nga sẽ ngày càng lạc hậu vì chi phí cho việc phát triển vũ khí hạt nhân là rất cao mà tệ nạn tham nhũng trong quân đội Nga vẫn chưa chấm dứt. Bên cạnh đó kinh phí chi cho việc hiện đại hoá quân đội chỉ chiếm ¼ ngân sách quốc phòng. Như vậy Nga sẽ hiện đại hoá quân đội bằng cách nào?

NATO nhận định quân đội Nga đang phải đối mặt là khí tài cũ kỹ, thiếu phương tiện vận tải và nhân lực, không có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết,. Vì thế Nga chỉ có thể đối phó những xung đột vũ trang quy mô nhỏ và vừa, khó có thể tham gia hai cuộc xung đột nhỏ cùng lúc hoặc tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô lớn.

(*) Các báo cáo của Nga còn chỉ ra rằng, từ năm 2020, Không quân Nga sẽ bao gồm Lực lượng Linh hoạt, căn cứ không quân và lữ đoàn phòng thủ không gian vũ trụ (phòng thủ tên lửa tầm xa và chống tên lửa).

Không quân Nga sẽ có 33 căn cứ, 13 lữ đoàn phòng thủ không gian vũ trụ. Hiện nay Không quân Nga có 72 trung đoàn không quân, 14 căn cứ quân sự. Lữ đoàn Không quân số 37 sẽ chỉ huy hàng không tầm xa, lữ đoàn không quân số 61 sẽ chỉ huy hàng không vận tải quân sự.

Sau cải tổ, Không quân Nga chỉ còn lại 180 đơn vị, sỹ quan Không quân Nga sẽ giảm từ 65.000 xuống còn 38.000 người. Trong quá trình cải tổ, Nga sẽ thanh lý khoảng 1.000 máy bay và trực thăng. Sau khi quá trình được thực hiện, chỉ còn lại khoảng 2.000 máy bay và trực thăng đồn trú tại những căn cứ không quân mới.

[BDV news]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang