Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Dầu khí Việt Nam

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Dầu khí Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Dầu khí Việt Nam. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

>> 'Những nước giàu tài nguyên sẽ thành mục tiêu xâm lược'





"Nước giàu tài nguyên sẽ trở thành mục tiêu xâm lược của những nước không có, hoặc có mà không đủ cho sự phát triển của mình. Bằng chứng là các cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan và gần đây là ở Libya", Tổng bí thư Đảng Lao động Mexico, Thượng Nghị sĩ Alberto Anaya Gutierrez nhận định.


Các cường quốc dầu mỏ (ảnh Internet)


Từ năm 1997 tới nay, Tổng bí thư Đảng Lao động Mexico, Thượng Nghị sĩ Alberto Anaya Gutierrez 8 lần sang thăm Việt Nam.

Lần này, chuyến thăm của ông nhằm trao tặng nhân dân Việt Nam bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang làm việc tại vườn Phủ Chủ tịch và chào các lãnh đạo mới của Việt Nam sau kỳ Đại hội Đảng khóa XI vừa qua.

Cởi mở trao đổi với phóng viên về tình hình trong khu vực và chính sách của Mexico nói chung cũng như Đảng Lao động Mexico nói riêng trong việc tăng cường và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, ông Gutierrez đánh giá “Việt Nam là đất nước của những cơ hội, đất nước của tương lai”.

Ông cũng nhấn mạnh rằng doanh nghiệp và Chính phủ Mexico phải quan tâm hơn nữa đến cơ hội này.

- Xin ông cho biết, Việt Nam và khu vực châu Á có ý nghĩa và vai trò như thế nào trong đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng Lao động Mexico?

Hiện nay trong chính sách của Đảng Lao động, chúng tôi đang tăng cường hợp tác với các nước trong khối ASEAN, APEC và đặc biệt mong muốn thúc đẩy hợp tác hơn nữa với Đảng cộng sản Việt Nam.

Theo tôi, tương lai của thế giới sẽ không phải là Mỹ Latin, Mỹ hay châu Âu mà chính là châu Á. Những mô hình sản xuất được nhiều quốc gia châu Á áp dụng cho thế giới thấy rằng đây mới là mô hình tiên tiến, kể cả trong lĩnh vực khoa học và công nghệ thì khu vực này có những bước tiến đáng kể. Và, trong thập kỷ tới trung tâm phát triển của thế giới sẽ là châu Á.

- Ông đánh giá thế nào về tình hình châu Á hiện nay?

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, từ đơn cực giờ đây thế giới trở nên đa cực. Nhiều quốc gia mới sẽ trở thành những cực phát triển mới trên thế giới và nước Mỹ sẽ không còn là cực duy nhất. Thêm vào đó sẽ là châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Brazil và Ấn Độ. Đây có thể là những cực mới trong thập kỷ tới.

Ngoài ra, chúng ta cũng đang sống trong bối cảnh nhiều quốc gia phát triển đang cố gắng tìm kiếm và sở hữu các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khí đốt. Dù có những nguồn năng lượng thay thế nhưng chủ yếu vẫn phải sử dụng những nguồn năng lượng truyền thống này.

Và những nước giàu tài nguyên sẽ trở thành mục tiêu xâm lược của những nước không có, hoặc có mà không đủ cho sự phát triển của mình. Bằng chứng là các cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan và gần đây là ở Libya.

- Trong cuộc gặp gỡ ngày 15/6 với các nhà lãnh đạo của Việt Nam, hai bên bàn những biện pháp cụ thể gì để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương, thưa ông?

Những đề xuất để tăng cường hợp tác chủ yếu tập trung trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp trong đó có việc trồng lúa nước, trồng cây cao su và đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực y tế với trọng tâm là phát triển lĩnh vực châm cứu ở Mexico.

Cá nhân Đảng Lao động chúng tôi cũng mong muốn đóng góp một phần nào đó để tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mexico. Cụ thể là việc chúng tôi sẽ nỗ lực thúc đẩy dự án trồng cây Nopal [cây xương rồng rau - PV] tại các khu vực khô cằn ở Việt Nam.

Chúng tôi hy vọng mối quan hệ giữa hai nước sẽ phát triển trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là thương mại, kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa và tăng cường hơn nữa việc trao đổi các đoàn doanh nghiệp hai nước với mục đích tìm kiếm cơ hội làm ăn và thiết lập những công ty liên doanh Việt Nam - Mexico trong tương lai.

Theo tôi, Việt Nam là đất nước của những cơ hội, đất nước của tương lai. Doanh nghiệp và Chính phủ Mexico phải quan tâm đến cơ hội này.

- Lần sang Việt Nam này, cảm nhận của ông về đất nước và con người Việt Nam như thế nào?

Mỗi lần sang đất nước của các bạn là tôi lại bắt gặp một Việt Nam mới với nhiều thay đổi, với tốc độ phát triển kinh tế cao. Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam vẫn luôn giữ được mức tăng trưởng kinh tế trung bình 7% mỗi năm.

Kể từ năm 1986 tới nay, Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, hiện đại hóa đất nước và thực tế là bộ mặt của Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Đại hội Đảng XI của các bạn vừa qua một lần nữa khẳng định quyết tâm tiến hành đổi mới để trong tương lai tiếp tục hiện đại hóa.

Tôi biết rằng các bạn đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành nước công nghiệp hiện đại và chúng tôi tin tưởng rằng mục tiêu đó hoàn toàn có thể đạt được. Chúng tôi tin tưởng rằng trong tương lai Việt Nam sẽ trở thành con hổ của châu Á với nhiều tiềm năng phát triển.


[BDV news]


Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

>> Cắt cáp dầu khí Việt Nam, Trung Quốc nói là bình thường!



Sau khi bị Việt Nam phản đối về việc các tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Dư đã có một số bình luận.

Bà Khương Dư nói trong một tuyên bố đăng tải trên trang web của bộ này rằng: "Những gì mà các cơ quan liên quan của Trung Quốc đã làm là các hoạt động giám sát và thực thi luật pháp hoàn toàn bình thường ở khu vực biển thuộc thẩm quyền tài phán của Trung Quốc”.


Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở thủ đô Bắc Kinh


Giống như mọi tuyên bố sau khi xảy ra những tranh chấp ở Biển Đông với các bên liên quan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn khẳng định: "Trung Quốc đã cam kết bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Chúng tôi sẵn sàng làm việc với các bên có liên quan để tìm kiếm một giải pháp cho các tranh chấp liên quan”.

Hồi đầu tháng 3, tại các khu vực tranh chấp tại biển Hoa Đông và Biển Đông đã liên tiếp xảy ra những vụ việc có liên quan tới tàu, máy bay Trung Quốc. Trước phản ứng của Nhật, Philippines, ngày 8/3, phát biểu với báo chí ở Bắc Kinh, bà Khương Dư từng quả quyết: "Trung Quốc nắm giữ chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông. Trung Quốc tìm kiếm giải quyết tranh chấp bằng tham vấn thân thiện với các quốc gia khác”.

Trở lại vụ việc tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh. Hôm 27/5, quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận sáng 26/5, trong khi đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, tàu Bình Minh 02 của PVN đã bị 3 tàu hải giám số 72, 17 và 84 của Trung Quốc cắt cáp thăm dò.

Lô 148 hoàn toàn nằm trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Vị trí cáp thăm dò bị phía Trung Quốc cắt chỉ cách mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên khoảng 120 hải lý, tức là còn 80 hải lý nữa mới đến ranh giới 200 hải lý. Khác với tình hình trong vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan, ở khu vực miền Trung vào phía Nam, trong đó có lô 148, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoàn toàn không chồng lấn với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của bất cứ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc.

Địa điểm tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp cách bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 340 hải lý. Do đó, việc tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình. Là một thành viên của Công ước Luật Biển năm 1982 nhưng hành động này của Trung Quốc lại hoàn toàn trái với nghĩa vụ của mình theo Công ước này.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động nói trên của phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.

Nội dung công hàm cũng nêu rõ hành động nói trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Biển Đông được coi là nơi cung cấp lộ trình vận chuyển quan trọng cho thương mại hàng hải toàn cầu và với các nền kinh tế Đông Á vốn phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Trung Đông. Đây còn là vùng đa dạng sinh học cực lớn, nguồn thủy sản dồi dào, và được tin là rất giàu tài nguyên dầu khí.

Trong bài nghiên cứu về Biển Đông đăng trên tạp chí Hàng hải và Thủy sản quốc tế KMI, tác giả Nazery Khalid khuyến cáo: "Vì lợi ích chung của các nước trong khu vực, Biển Đông cần được xem là nền tảng của sự thịnh vượng hơn là nơi tranh chấp hay đấu khẩu. Các quốc gia liên quan tới tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nên tự mình chấp nhận một tư thế linh hoạt hơn, ít hiếu chiến hơn trong vùng biển. Sẽ không có tác dụng trong việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng vùng biển khi mỗi người tham gia cuộc chơi có hành động gây hấn hay quan điểm cứng rắn để đảm bảo tuyên bố chủ quyền của mình. Và, con đường hòa bình thông qua các kênh ngoại giao cần được khai thác triệt để hơn là con đường dẫn tới căng thẳng gia tăng ở Biển Đông".
[Vitinfo news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang