Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Khu vực Mỹ Latinh

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Khu vực Mỹ Latinh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Khu vực Mỹ Latinh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

>> 'Việt Nam là đối tác kỹ thuật - quân sự chính của Nga'



Phó Trưởng ban về Hợp tác quốc phòng Nga Alexander Formin khẳng định việc Nga sẽ không điều chỉnh kế hoạch hợp tác kỹ thuật - quân sự trong năm 2011.


“Mặc dù có một số yếu tố tiêu cực song Nga sẽ không điều chỉnh số lượng trong kế hoạch hợp tác kỹ thuật - quân sự của năm 2011”, theo báo cáo của Phó Trưởng ban về Hợp tác kỹ thuật - quân sự Liên bang Nga Alexander Fomin tại Triển lãm Hàng không - Vũ trụ Quốc tế Paris lần 49.

“Các kế hoạch là phải đạt được hiệu quả cao hơn chỉ số của năm 2010 nhưng chúng ta đang phải đối mặt với những hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các sự kiện ở một số nước Arab, tuy nhiên kế hoạch sẽ không thay đổi", ông nói.



Nga có ý định xâm nhập thị trường vũ khí Châu Phi, Mỹ Latinh.


Ông Fomin nêu tên các đối tác chính của Nga trong việc hợp tác kỹ thuật - quân sự đó là Ấn Độ, Việt Nam, Algeria, Venezuela và Trung Quốc.

Đồng thời, ông cũng thừa nhận “những sự kiện trong một số các quốc gia Arab không phải không ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch hợp tác với họ”.

Ông Fomin cho ITAR-TASS biết thêm, trong trường hợp này “có những thị trường chúng ta đã bỏ quên như châu Phi, nơi đó cần thiết phải quay trở lại”.

Phát biểu về khu vực Mỹ la tinh, ông nói rằng “Chúng ta cũng cần phải khai thác một cách triệt để tiềm năng của thị trường Mỹ Latin nơi mà trong những năm gần đây đã được “phát hiện”, đặc biệt Uruguay và Argentina”.

[BDV news]


Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

>> 'Những nước giàu tài nguyên sẽ thành mục tiêu xâm lược'





"Nước giàu tài nguyên sẽ trở thành mục tiêu xâm lược của những nước không có, hoặc có mà không đủ cho sự phát triển của mình. Bằng chứng là các cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan và gần đây là ở Libya", Tổng bí thư Đảng Lao động Mexico, Thượng Nghị sĩ Alberto Anaya Gutierrez nhận định.


Các cường quốc dầu mỏ (ảnh Internet)


Từ năm 1997 tới nay, Tổng bí thư Đảng Lao động Mexico, Thượng Nghị sĩ Alberto Anaya Gutierrez 8 lần sang thăm Việt Nam.

Lần này, chuyến thăm của ông nhằm trao tặng nhân dân Việt Nam bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang làm việc tại vườn Phủ Chủ tịch và chào các lãnh đạo mới của Việt Nam sau kỳ Đại hội Đảng khóa XI vừa qua.

Cởi mở trao đổi với phóng viên về tình hình trong khu vực và chính sách của Mexico nói chung cũng như Đảng Lao động Mexico nói riêng trong việc tăng cường và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, ông Gutierrez đánh giá “Việt Nam là đất nước của những cơ hội, đất nước của tương lai”.

Ông cũng nhấn mạnh rằng doanh nghiệp và Chính phủ Mexico phải quan tâm hơn nữa đến cơ hội này.

- Xin ông cho biết, Việt Nam và khu vực châu Á có ý nghĩa và vai trò như thế nào trong đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng Lao động Mexico?

Hiện nay trong chính sách của Đảng Lao động, chúng tôi đang tăng cường hợp tác với các nước trong khối ASEAN, APEC và đặc biệt mong muốn thúc đẩy hợp tác hơn nữa với Đảng cộng sản Việt Nam.

Theo tôi, tương lai của thế giới sẽ không phải là Mỹ Latin, Mỹ hay châu Âu mà chính là châu Á. Những mô hình sản xuất được nhiều quốc gia châu Á áp dụng cho thế giới thấy rằng đây mới là mô hình tiên tiến, kể cả trong lĩnh vực khoa học và công nghệ thì khu vực này có những bước tiến đáng kể. Và, trong thập kỷ tới trung tâm phát triển của thế giới sẽ là châu Á.

- Ông đánh giá thế nào về tình hình châu Á hiện nay?

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, từ đơn cực giờ đây thế giới trở nên đa cực. Nhiều quốc gia mới sẽ trở thành những cực phát triển mới trên thế giới và nước Mỹ sẽ không còn là cực duy nhất. Thêm vào đó sẽ là châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Brazil và Ấn Độ. Đây có thể là những cực mới trong thập kỷ tới.

Ngoài ra, chúng ta cũng đang sống trong bối cảnh nhiều quốc gia phát triển đang cố gắng tìm kiếm và sở hữu các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khí đốt. Dù có những nguồn năng lượng thay thế nhưng chủ yếu vẫn phải sử dụng những nguồn năng lượng truyền thống này.

Và những nước giàu tài nguyên sẽ trở thành mục tiêu xâm lược của những nước không có, hoặc có mà không đủ cho sự phát triển của mình. Bằng chứng là các cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan và gần đây là ở Libya.

- Trong cuộc gặp gỡ ngày 15/6 với các nhà lãnh đạo của Việt Nam, hai bên bàn những biện pháp cụ thể gì để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương, thưa ông?

Những đề xuất để tăng cường hợp tác chủ yếu tập trung trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp trong đó có việc trồng lúa nước, trồng cây cao su và đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực y tế với trọng tâm là phát triển lĩnh vực châm cứu ở Mexico.

Cá nhân Đảng Lao động chúng tôi cũng mong muốn đóng góp một phần nào đó để tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mexico. Cụ thể là việc chúng tôi sẽ nỗ lực thúc đẩy dự án trồng cây Nopal [cây xương rồng rau - PV] tại các khu vực khô cằn ở Việt Nam.

Chúng tôi hy vọng mối quan hệ giữa hai nước sẽ phát triển trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là thương mại, kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa và tăng cường hơn nữa việc trao đổi các đoàn doanh nghiệp hai nước với mục đích tìm kiếm cơ hội làm ăn và thiết lập những công ty liên doanh Việt Nam - Mexico trong tương lai.

Theo tôi, Việt Nam là đất nước của những cơ hội, đất nước của tương lai. Doanh nghiệp và Chính phủ Mexico phải quan tâm đến cơ hội này.

- Lần sang Việt Nam này, cảm nhận của ông về đất nước và con người Việt Nam như thế nào?

Mỗi lần sang đất nước của các bạn là tôi lại bắt gặp một Việt Nam mới với nhiều thay đổi, với tốc độ phát triển kinh tế cao. Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam vẫn luôn giữ được mức tăng trưởng kinh tế trung bình 7% mỗi năm.

Kể từ năm 1986 tới nay, Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, hiện đại hóa đất nước và thực tế là bộ mặt của Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Đại hội Đảng XI của các bạn vừa qua một lần nữa khẳng định quyết tâm tiến hành đổi mới để trong tương lai tiếp tục hiện đại hóa.

Tôi biết rằng các bạn đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành nước công nghiệp hiện đại và chúng tôi tin tưởng rằng mục tiêu đó hoàn toàn có thể đạt được. Chúng tôi tin tưởng rằng trong tương lai Việt Nam sẽ trở thành con hổ của châu Á với nhiều tiềm năng phát triển.


[BDV news]


Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2011

>> Nga trở thành thủ lĩnh trên thị trường vũ khí Peru



Theo gói đơn hàng cung cấp vũ khí cho lực lượng vũ trang Peru giai đoạn 2010-2013, Nga chiếm vị trí thứ nhất với giá trị cung cấp vũ khí trị giá 253 triệu USD. Theo chỉ số này, Nga vượt xa đáng kể so với Pháp (140 triệu USD, thứ hai) và Mỹ (88 triệu USD, vị trí thứ ba).

Theo đánh giá của Trung tâm phân tích buôn bán vũ khí quốc tế Nga (TsAMTO), giá trị nhập khẩu vũ khí Peru giai đoạn 2010-2013 là 588 triệu USD.

Trong 8 năm trước (2002-2009), có 9 quốc gia đã cung cấp vũ khí cho Peru là Belarus, Đức, Ấn Độ, Italy, Trung Quốc, Ba Lan, Nga, Mỹ và Ukraine.




Từ năm 2010-2013, các nước Anh, Israel, Italy, Canada, Trung Quốc, Hà Lan, Nga, Mỹ, Ukraine, Pháp và Hàn Quốc có các đơn hàng cung cấp vũ khí với Peru.

Trong 4 năm trở lại đây (2007-2010), giá trí khối lượng các hợp đồng nhập khẩu vũ khí của Peru là 647 triệu USD, trong đó năm 2007 – 10 triệu USD, 2008 – 217,5 triệu USD, 2009 – 153 triệu USD, năm 2010 – 267 triệu USD.

Trong khi đó, giá trị nhập khẩu vũ khí thực tế trong giai đoạn này là 448 triệu USD, trong đó năm 2007 - 27 triệu USD, năm 2008 – 56 triệu USD, năm 2009 - 80,5 triệu USD, năm 2010 – 284 triệu USD.

Trong những năm gần đây, Peru tăng đáng kể ngân sách quốc phòng. Từ 840 triệu USD năm 2002, Peru đã tăng ngân sách quốc phòng lên 1,4 tỷ USD vào năm 2009 (chưa có thống kê năm 2010).

Peru là một trong những quốc gia mua nhiều vũ khí nhất của Liên Xô trong khu vực Mỹ Latinh. Hợp tác kỹ thuật quân sự Liên Xô – Peru được bắt đầu vào năm 1973 khi những thỏa thuận vũ khí đầu tiên được ký kết.

Chuyên gia Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Pauline Temerin đánh giá, cùng với Venezuela, thị trường vũ khí Peru vẫn hấp dẫn nhất đối với xuất khẩu vũ khí Nga bất chấp những khó khăn tạm thời.

Theo bà, Peru hiện đã thông qua chương trình hiện đại hóa Lực lượng Vũ trang trị giá 650 triệu USD.

“Thị trường Peru cũng trở nên tiềm năng nhất trước hết đối với trang thiết bị trực thăng Nga”, bà Temerin đánh giá. Bà cũng cho rằng Nga có cả những cơ hội tốt dành cho Nga trong việc cung cấp trang thiết bị bọc thép hạng nặng cho Peru trong đó có xe tăng T-90.

Tháng 7 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Peru đã ký hợp đồng với công ty xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport cung cấp 6 trực tăng Mi-17Sh và 2 trực thăng vận tải chiến đấu Mi-35P. Giá trị thỏa thuận bao gồm cả hỗ trợ kỹ thuật trị giá 107,9 triệu USD. Trong khuôn khổ thỏa thuận, đầu tháng 4 năm nay, 2 trực thăng vận tải chiến đấu Mi-35P đầu tiên của Nga đã được chuyển tới căn cứ không quân của Peru.

Trong tương lai, Không quân Peru cũng sẽ quay trở lại chương trình sửa chữa máy bay Su-25. Tháng 9/2010, Không quân Peru đã hoãn vô thời hạn vụ đấu thầu quốc tế cung cấp phụ tùng dành cho những cường kích cơ Su-25 đang trang bị.

Liên quan đến việc hủy bỏ kết quả đấu thầu mua xe tăng chiến đấu chủ lực dành cho lực lượng vũ trang Peru mà công ty NORINCO của Trung Quốc với tăng MBT-2000 đã giành chiến thắng, Nga lại có cơ hội để tranh giành hợp đồng này. Những đối thủ cạnh tranh chính trong vụ đấu thầu là Ukraine, Hà Lan, Đức, Serbia và có thể là cả Ba Lan.
[BDV news]


Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

>> Vũ khí Nga phủ đầy khu vực Mỹ Latinh



Danh sách các đối tác trong khu vực Mỹ Latinh của những nhà cung cấp vũ khí Nga ngày càng mở rộng hơn. Ngay cả quốc gia như Brazil trước đây vốn thích vũ khí Mỹ cũng thể hiện sự quan tâm đến trang thiết bị quân sự của Nga.

Những tổ hợp tên lửa phòng không S-300V của Nga dự kiến sẽ được cung cấp cho Venezuela trong một vài năm tới, Cục trưởng Cục khu vực của Cơ quan Xuất khẩu vũ khí quốc phòng Nga Sergei Ladygin tuyên bố với hãng tin Interfax hôm 14/4 tại triển lãm vũ khí LAAD-2011 ở Brazil từ ngày 12-15/4 vừa qua.

Theo ông, Venezuela là khách hàng mua vũ khí và trang thiết bị quân sự nhiều nhất của Nga tại Mỹ Latinh. “Một phần các thỏa thuận ký với Venezuela đã được thực hiện, còn các hợp đồng khác đang nằm trong giai đoạn thực hiện”, ông Sergei Ladygin tuyên bố với hãng tin Interfax.




Ông Ladygin bổ sung thêm rằng, trong 5 năm trở lại đây “các hợp đồng cung cấp trang thiết bị quân sự trị giá 11 tỷ USD đã được ký kết”, vì thế, Venezulea là một trong những quốc gia nhập khẩu chính vũ khí Nga tại Mỹ Latinh.

“Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao Venezulea mua nhiều vũ khí đến như vậy. Vâng, là bởi vì Venezuela đã bắt đầu hiện đại hóa Lực lượng Vũ trang và đây là một quá trình khách quan, không liên quan đến bất kỳ điều gì khác”, ông giải thích.

Nói đến tương lai ký các hợp đồng mới, theo ông Ladygin, điều đó sẽ phụ thuộc vào lãnh đạo chính trị - quân sự của Venezuela. “Chỉ có lãnh đạo mới có quyền thông qua quyết định mua hay không. Ít nhất, chúng ta vẫn luôn có khả năng sửa chữa và nâng cấp vũ khí đã cung cấp trước đây cũng như tiến hành đào tạo các chuyên gia quân sự để vận hành và sửa chữa trang thiết bị đã mua theo mong muốn của Venezuela”, ông Ladygin chia sẻ.

Ngoài Venezuela, các nước lớn khác thuộc Mỹ Latinh cũng bày tỏ sự quan tâm với trang thiết bị quân sự Nga. Phó Tổng giám đốc công ty Sukhoi Boris Bregman trước đây đã thông báo, công ty Sukhoi cùng với Rosoboronexport hy vọng có thể quay lại tham gia đấu thầu nếu vụ đấu thầu chiến đấu cơ được khôi phục tại Brazil.

Brazil cũng bày tỏ quan tâm đến việc tổ chức sản xuất trên lãnh thổ của mình xe bọc thép Tiger của Nga. Ngoài Brazil, Uruguay, Venezuela và hàng loạt quốc gia Mỹ Latinh khác đều quan tâm đến xe bọc thép mới của Nga.

Tại triển lãm LAAD-2011, công ty Trực thăng Nga đã ký các thỏa thuận thành lập trung tâm bảo dưỡng kỹ thuật đối với trực thăng Mi-171A1 và Ka-32A11VS. Thỏa thuận đã được ký với Аtlas Taxi Aereo (công ty vận hàng trực thăng Mi-171A1) và Helipark Taxi Aereo (công ty vận hành Ka-32A11VS), phóng viên của Interfax – AVN cho hay.

Những máy bay không người lái (UAV) như Irkut – 3 và Irkut – 10 trưng bày tại triển lãm LAAD-2011 cũng đã gây được sự sự chú ý và quan tâm lớn của các nhà quân sự cũng như các chuyên gia dân sự khu vực Mỹ Latinh. Tập đoàn Irkut lần đầu tiên giới thiệu tại Brazil UAV Irkut-3 và Irkut-10 của mình.

Giám đốc marketing phụ trách khu vực các nước Bắc và Nam Mỹ của tập đoàn Irkut cho biết, trong quá trình diễn ra triển lãm, các cuộc gặp gỡ và hội đàm - với đại diện lãnh đạo quân sự cũng như tổ chức dân sự của Brazil, Chile, Ecuador, Peru và hàng loạt quốc gia Mỹ Latinh khác có quan tâm thực sự đến những hệ thống không người lái của Nga - đã được tổ chức.

Cục trưởng Cục khu vực của Cơ quan Xuất khẩu vũ khí quốc phòng Nga Sergei Ladygin cho rằng, Nga coi các nước Mỹ Latinh như một đối tác tiềm năng và gia tăng hợp tác kỹ thuật quân sự với những quốc tại khu vực này. Trước đó, ông tiết lộ: “Trong năm 2010, Nga đã nhận được hơn 1 tỷ USD từ việc cung cấp trang thiết bị cho khu vực Mỹ Latinh”.

Theo đánh giá của ông, vài năm trở lại đây, quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự với Venezuela phát triển ổn định; quan hệ Nga với Peru, Ecuador, Mexico, Colombia, Uruguay, Bolivia, Paragoay đạt được bước tiến mới về chất; các nước khác như Brazil và Argentina – những quốc gia có truyền thống mua vũ khí Mỹ và châu Âu – đã bắt đầu mua vũ khí của Nga.

Theo ông, tất cả điều đó chứng minh rằng các nước Mỹ Latinh không chỉ đánh giá cao vũ khí và trang thiết bị chiến đấu của Nga mà còn thấy nước Nga là một đối tác đáng tin cậy đối với họ.


[BDV news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang