Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Gruzia

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Gruzia. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Gruzia. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

>> Mỹ đối xử với Đông Nam Á như Gruzia?



"Khi xe tăng Nga tiến vào nhanh chóng chia cắt và chiếm giữ phần lớn Gruzia cũng như hủy diệt quân đội quốc gia này thì phản ứng của Mỹ chỉ dừng lại ở những phát biểu phản đối".

Vào ngày 22/6, trong chuyến thăm Honolulu, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải cảnh báo quan chức Mỹ rằng “các quốc gia đó (các nước Đông nam Á) đang đùa với lửa” và hy vọng ngọn lửa đó sẽ “không lan tới Mỹ”.

Đó là một thông điệp ẩn dụ rõ ràng của Trung Quốc: Mỹ đừng có tham dự vào cuộc tranh chấp về quần đảo Trường Sa, nơi mà 5 quốc gia đang đấu tranh với Trung Quốc để đòi chủ quyền.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đang gia tăng bất chấp mối quan hệ tương đối thân thiện mà hai quốc gia theo đuổi từ năm 1990, nhiều quan chức Mỹ đã bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” và tiến hành tăng cường mối quan hệ với đồng minh lâu năm trong khu vực là Philippines.

Trong cuộc gặp với đô đốc Mike Mullen vào ngày 11/7, tướng Trần Bỉnh Đức, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc cho rằng cuộc diễn tập giữa Mỹ cùng Philippines và hoạt động chung với Việt Nam là hành động “vô cùng bất hợp lý”.

Với 3 cuộc chiến đang diễn ra từng ngày trên sa mạc nóng bỏng của vùng Trung Đông, quan chức Mỹ sẽ phải cân nhắc rất nhiều giữa việc sử dụng “sức mạnh mềm” hay là quân đội để tìm lối ra cho các cuộc tranh chấp mới trong khu vực Đông Nam Á.

Chấm dứt thời kỳ “tấn công ru ngủ”?

Theo học giả Joshua Kurlantzick, Trung Quốc đã tiến vào Đông Nam Á trong suốt một thập kỷ vừa qua bằng chiến lược “Tấn công ru ngủ” với trung tâm là các hiệp định thương mại tự do với những thành viên ASEAN .

Trong vòng gần một thập kỷ trở lại đây, khu vực biển Đông đã trải qua những ngày tháng tương đối yên bình sau khi tuyên bố ứng xử trên biển Đông (DOC) được ký kết giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc, giúp giải tỏa những căng thẳng trong các cuộc đụng độ hải quân vào năm 1988 và căng thẳng năm 1990.

Nhưng khi tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc tiến vào căn cứ ở đảo Hải Nam thì những quan ngại lại tiếp tục dấy lên trong toàn khu vực.

Căng thẳng bùng phát vào đầu năm 2009, khi một đội tàu Trung Quốc truy đuổi tàu do thám của Mỹ khi tàu này hoạt động trong vùng biển quốc tế gần đảo Hải Nam. Trên thực tế, những chiến dịch do thám đó vẫn được Mỹ tiến hành liên tục kể từ thời chiến tranh lạnh trên toàn bộ vùng biển bao quanh Trung Quốc.

Trước đó, vụ việc gây sự chú ý của dư luận là vụ va chạm giữa máy bay và tàu hải quân của hai bên. Một người thiệt mạng khi máy bay do thám gặp nạn gần đảo Hải Nam của Trung Quốc vào tháng 4/2001.

Năm 2010, căng thẳng đạt tới đỉnh điểm khi Bắc Kinh mập mờ tuyên bố biển Đông là một trong “lợi ích cốt lõi” Trung Quốc. Điều này chính thức đánh dấu một bước ngoặt cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc.



Đoàn quân sự Việt Nam thăm tàu sân bay USS Washington (Mỹ).


Thái độ và sự can dự Mỹ

Diễn đàn khu vực ASEAN diễn ra vào tháng 7/2010 là chất xúc tác cho căng thẳng bùng nổ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố sự tự do đi lại trong khu vực biển Đông là lợi ích quốc gia của Mỹ và cảnh báo bất cứ bên nào có liên quan không được sử dụng hoặc đe dọa quân sự. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì bị bất ngờ và phản ứng một cách giận dữ với tuyên bố của bà Hillary.

Tháng 8/2010, Tàu sân bay USS George Washington đón các vị khách là quan chức quân sự Việt Nam, với ý nghĩa "Mỹ muốn tăng cường quan hệ với quân đội Việt Nam". Đáp trả, Trung Quốc tiến hành tập trận lớn trên biển.

Đầu năm 2011, căng thẳng tiếp tục leo thang khi Philippines tố cáo Trung Quốc xâm lấn vùng biển của họ và Việt Nam công bố vụ việc Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh. Theo các chuyên gia, đây là hành động thể hiện Trung Quốc “không hài lòng” khi Việt Nam tiếp tục tiến hành thăm dò trên biển.

Mỹ đáp trả tức thời trong Cuộc họp an ninh châu Á ở học viện nghiên cứu chiến lược quốc tế vào tháng 6: Bộ trưởng bộ quốc phòng Mỹ - ông Robert Gates nhắc tới việc triển khai tàu chiến tại Singapore và tăng cường hợp tác hải quân trong khu vực.

Mỹ luôn tập trung vào vấn đề “Tự do hàng hải” – chính sách cốt lõi của Mỹ trong khi ứng xử với các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia vận tải đường biển lớn nhất thế giới cũng dựa rất nhiều vào khả năng di chuyển tự do trong khu vực.



Sau những sự ủng hộ ngoại giao và quân sự, Mỹ chọn cách bỏ rơi đồng minh nhỏ bé Gruzia khi xe tăng Nga tiến về phía Tbilisi.

Mỹ sẽ can thiệp quân sự vào khu vực?

Nhắc lại cuộc chiến tại Gruzia vào năm 2008, khi căng thẳng leo thang giữa Nga và Gruzia, Mỹ đã cho đồng minh mới của mình nhiều ưu ái đặc biệt và thậm chí cử nhiều cố vấn quân sự tới đây. Nhưng khi xe tăng của Nga tiến vào quốc gia láng giềng nhỏ bé, nhanh chóng chia cắt và chiếm giữ phần lớn Gruzia cũng như hủy diệt quân đội Gruzia thì phản ứng của Mỹ chỉ dừng lại ở những phát biểu phản đối.

Cuối cùng, Mỹ cũng đứng ngoài vận mệnh của một quốc gia nhỏ bé không có tầm quan trọng đối với nền an ninh của Mỹ để tránh một cuộc xung đột lớn hơn với Nga. Đây là một bài học rõ ràng cho các quốc gia Đông Nam Á.

Sự thật là Đông Nam Á không có nhiều ảnh hưởng đến cán cân quyền lực của thế giới. Một loạt các nước nhỏ và nghèo trong khu vực không đủ sức tạo ra ảnh hưởng tới cục diện của toàn cầu. Những quốc gia trung bình như Việt Nam, Indonesia và Australia theo lẽ tự nhiên sẽ tự đứng dậy chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc. Nếu cuộc chiến xảy ra vì những cụm đảo nhỏ tại biển Đông, nền an ninh quốc gia của Mỹ không bị ảnh hưởng nhiều.

Vùng biển Đông cũng rất quan trọng đối với các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, tuy nhiên họ sở hữu các hạm đội tàu chiến lớn và hiện đại và sẽ là một bước thử khó khăn hơn đối với tham vọng của Trung Quốc.



Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ là liều thử "nặng đô" tiếp theo cho tham vọng của Trung Quốc.


Như vậy, nhiều khả năng Mỹ sẽ phải cân nhắc rất kĩ trước khi đưa ra bất cứ hành động “quá tay” nào và có lẽ nguyên tắc ứng xử cơ bản của Mỹ tại biển Đông chính là không can dự quân sự.

Mỹ sẽ vẫn áp dụng chính sách “giơ cao đánh khẽ” khi giải quyết các vấn đề liên quan tới biển Đông và tìm lối thoát cho bế tắc bằng chính sách ngoại giao linh hoạt, thực tế và mềm mỏng.

Hướng đi đúng đắn nhất trong tương lai đối với tất cả các bên chính là đàm phán và đối thoại đa phương. Đây cũng chính là kênh giải quyết hợp lý nhất ngay đối với cả Trung Quốc, vì kể từ năm 1979, quốc gia này đã không dùng các chiến dịch tấn công quân sự lớn để giải quyết tranh chấp biên giới trên đất liền.

[BDV news]


Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

>> Đặc nhiệm Nga suýt thủ tiêu Saakashvili



Gần 3 năm trước, toán đặc nhiệm của tình báo quân sự GRU và trung đoàn đặc nhiệm Bộ đội đổ bộ đường không Nga (VDV) đã chờ sẵn ở ngoại ô Tbilisi chỉ chờ lệnh là ra tay bắt giữ Tổng thống Gruzia, ông Mikhail Saakashvili

Bắt sống hoặc thủ tiêu

Chúng tôi đã có thông tin về vị trí, thời gian và lực lượng bảo vệ của “mục tiêu”. Nhiệm vụ đặt ra là tùy khả năng bắt giữ đối tượng hoặc tiêu diệt. Đồng thời phải tiến hành đánh lạc hướng để không có những chứng cớ trực tiếp về sự dính líu của Quân đội Nga vào vụ việc, một sĩ quan thuộc toán đặc nhiệm VDV tiết lộ.

Lính đặc nhiệm Nga đã sẵn sàng hành động ở ngay "trái tim" của Gruzia.

Các toán đặc nhiệm được bố trí trong các ngôi nhà dân ở ngoại ô thủ đô Gruzia. Các sĩ quan của GRU (Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga) được phối thuộc cho lực lượng đặc nhiệm liên tục theo dõi sự di chuyển của Tổng thống Gruzia bằng các phương tiện kỹ thuật.

Vào phút cuối cùng, khi tất cả đã sẵn sàng để các toán đặc nhiệm lên đường tới địa điểm tiến hành chiến dịch thì Moskva gửi tới lệnh hủy bỏ chiến dịch.

Các toán đặc nhiệm bí mật rời khỏi thành phố, quay về các địa điểm đóng quân tạm thời. Lực lượng của GRU quay về Nam Ossetia, đặc nhiệm VDV trở về căn cứ ở Gudautu, Abkhazia.

Lý lịch của ông Mikhail Saakashvili được cho là có nhiều khoảng tối khó hiểu.


Các toán đặc nhiệm Nga không phải là lực lượng duy nhất sẵn sàng tiến vào Tbilisi. Trong các đội hình chiến đấu của bộ đội xe tăng và lục quân Nga, các sĩ quan lúc đó đã nói toạc ra rằng, điểm dừng chân tiếp theo là thủ đô Tbilisi.

Các đoàn xe tăng đỗ chỉ cách Thủ đô Gruzia 3 giờ hành quân. Các bản đồ Tbilisi đã được phân phát, tiến hành huấn thị thêm và hiệp đồng chiến đấu giữa các kíp xe tăng.

Mối liên hệ với KGB?

Vì sao Moskva đã không dám đi đến cùng để lật đổ ông Saakashvili?

Ở đây, cần trở lại đôi chút quá khứ của Tổng thống Gruzia. Trong tiểu sử của ông ta có không ít những khúc quanh và khoảng trống bí ẩn.

Do Saakashvili không thể trụ lại Tbilisi, người cậu ruột là Timur Alasanya liền tìm cách đưa cháu vào học Đại học Quan hệ quốc tế, thuộc Đại học tổng hợp Kiev mang tên Т. Shevchenko, lò đào tạo chủ yếu các phiên dịch cao cấp cho Bộ Ngoại giao và Bộ Ngoại thương.

Hai bộ này chịu sự giám sát chặt chẽ của 2 tổng cục của Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô KGB phụ trách tình báo đối ngoại và an ninh nội địa - phản gián.

Không rõ, cơ quan nào đỡ đầu cho Mikhail Saakashvili. Chỉ biết, ông ta đã phục vụ 2 năm trong Bộ đội biên phòng KGB và rời quân ngũ với quân hàm binh nhất. Giống như ông cậu T. Alasanya, Mikhail ban đầu làm việc ở Bộ Ngoại giao Gruzia (thuộc Liên Xô), sau đó là ở trụ sở Liên Hợp Quốc.

Lúc đó, Moskva đã chán ngán Tổng thống Gruzia lúc đó là E. Shevardnadze, đồng thời cũng không thể tha thứ Shevardnadze vì tội làm tan vỡ Liên Xô. Vì thế, họ quyết định thay thế ông ta, vấn đề chỉ còn là ứng cử viên là ai. Cuối cùng, Saakashvili trẻ trung đã được lựa chọn.

Saakashvili dường như là “quân mình”, đồng thời cũng đã học ở Mỹ và Pháp. Vì thế, phương Tây cũng “OK” ứng cử viên này.

Ngoài ra, ông cậu của Saakashvili cũng lao vào vận động rất ráo riết cho cháu thông qua các quan hệ rất cao cấp trong Bộ Ngoại giao Nga. Thế là Mikhail bước lên ngai vàng.

Cuối cùng, Nga đã quyết định không xuống tay trừ khử ông Saakashvili trong cuộc chiến tháng 8/2008. Người ta cho rằng, các tổng thống Nga và Mỹ đã móc ngoặc thỏa hiệp với nhau về vấn đề này.
[BDV news]


Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

>> Mount Whitney - Tàu chỉ huy Mỹ trong chiến dịch Libya



[Vnexpress news] Trong chiến dịch tấn công Libya, thủy quân lục chiến Hoa Kỳ huy động 11 tàu hải quân các loại và tất cả được đặt dưới sự chỉ huy của Đô đốc Samuel Locklear từ tàu USS Mount Whitney.

USS Mount Whitney là loại tàu chỉ huy lớp Blue Ridge là đầu não ra mệnh lệnh của Hạm đội 6 hải quân Mỹ. Kể từ khi được hạ thủy năm 1969, chiếc tàu có trọng tải 18.400 tấn này đã trải qua hơn 4 thập kỷ hoạt động tại rất nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.

Bản thân tên của tàu chỉ huy này cũng có xuất xứ thú vị. Mount Whitney (Đỉnh Whitney) là một đỉnh núi tuyết thuộc dãy Sierra Nevada của bang California. Đặc biệt hơn, Mount Whitney chính là đỉnh núi cao nhất Hoa Kỳ lục địa (không tính tiểu bang Alaska) với độ cao 4.421 m.



Một binh sĩ đang thao tác với máy tính trên tàu USS Mount Whitney. Ảnh: Life.

Không chỉ gây chú ý từ cái tên đặc biệt, USS Mount Whitney còn thực sự là một tàu hải quân được trang bị tối tân. Tàu có thể truyền và nhận một lượng lớn dữ liệu an ninh trên khắp thế giới thông qua các kênh liên lạc đa dạng. Tính năng ưu việt này giúp USS Mount Whitney trở thành một trung tâm đầu não xử lý các thông tin tình báo và hỗ trợ cho việc ra quyết định một cách chính xác.

Với chiều dài 189 mét và rộng 33 mét, chiếc tàu hải quân 42 năm tuổi này từng là nơi làm việc và sinh hoạt của 600 người cho tới tận năm 2004, trước khi số lượng này được tinh giảm xuống còn 12 sĩ quan hải quân, 150 binh nhì và 155 thủy thủ dân sự. USS Mount Whitney cũng chính là chiếc tàu đầu tiên của hải quân Mỹ có sự tham gia phục vụ lâu dài của nữ giới.

USS Mount Whitney được trang bị 2 hệ thống phòng thủ tên lửa chống tàu, 2 khẩu pháo M242 Bushmaster 25 mm, 4 súng máy tự động và nhiều hỏa tiễn Mark 36 SRBOC. USS Mount Whitney hiện có kèm theo một trực thăng cơ động SH-60 Knight Hawk. Trong 90 ngày liên tiếp, tàu hải quân này không cần phải tiếp thêm lương thực và thậm chí có thể vận chuyển hàng hóa cũng như thực phẩm các loại để cứu trợ khẩn cấp cho khoảng 3.000 người.

Kể từ năm 1971 tới năm 2004, USS Mount Whitney lần lượt hoạt động tại Đại Tây Dương, Địa Trung Hải, Caribbean, Ấn Độ Dương và Vùng Sừng Châu Phi với nhiều nhiệm vụ khác nhau trước khi tới Gaeta (Italia) vào năm 2005. Kể từ đây, tàu hải quân này mang tên chính thức là USS Mount Whitney và đảm nhận nhiệm vụ chỉ huy Hạm đội 6 thay cho tàu hải quân USS La Salle.


Tàu USS Mount Whitney. Ảnh: Clker.


Tháng 08/2008, USS Mount Whitney trở thành tàu hải quân đầu tiên của NATO cập cảng Poti (Gruzia) để tham gia công tác viện trợ nhân đạo cho những người dân bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến 10 ngày giữa Nga và Gruzia. Gần đây nhất, USS Mount Whitney trở thành cơ quan chỉ huy của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trong chiến dịch tấn công Libya.

Tính từ tháng 02/2005 khi cập cảng Gaeta và trở thành tàu chỉ huy của Hạm đội 6, USS Mount Whiney đã trải qua hơn 32.000 dặm ngang dọc khắp các hải phận với nhiều nhiệm vụ đa dạng. Nhiệm vụ chỉ huy chiến dịch tấn công Libya chính là một cột mốc tiếp theo đánh dấu tầm quan trọng của chiếc tàu này đối với hải quân Mỹ nói riêng và quân đội nước này nói chung.


Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

>> Tổ hợp tên lửa Tochka-U thị uy ở Nam Ossetia





Ngày 24/1/2011, tin từ Bộ Tư lệnh phía Nam cho biết, căn cứ quân sự Nga tại Nam Ossetia đã triển khai tiểu đoàn tổ hợp tên lửa chiến thuật Tochka-U.

Lực lượng đặc nhiệm phía Gruzia đã nhận được thông báo về việc triển khai loại vũ khí này tại Nam Ossetia. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Gruzia đã lên tiếng về kế hoạch triển khai tổ hợp Tochka – U tại căn cứ quân sự đặt tại Nam Ossetia. Tuyên bố có đoạn viết: "Việc triển khai tiểu đoàn tổ hợp tên lửa chiến thuật Tochka - U tại căn cứ quân sự Nga đồn trú tại Nam Ossetia là mối đe dọa trực tiếp đến người dân và là sự công khai chuẩn bị cho cuộc tấn công quân sự chống lại Gruzia".





Tổ hợp tên lửa chiến thuật Tochka-U của Nga.

Bộ Ngoại giao Gruzia tuyên bố: "Bằng những hành động này Nga đang tiếp tục chính sách xâm lược nhằm phá vỡ chủ quyền quốc gia Gruzia". Tbilisi cho hay điều này sẽ gây ra bất ổn toàn khu vực Kavkaz và vùng biển Đen. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Gruzia kêu gọi cộng đồng quốc tế tích cực phản đối kế hoạch này của Nga. Tháng 12/2010, căn cứ quân sự Nga đồn trú gần Tskhinvali, Nam Ossetia còn tiếp nhận hệ thống pháo phản lực phóng loạt Smerch. Quyết định triển khai tổ hợp tên lửa này trên lãnh thổ Gruzia được thông qua nhằm đề phòng khả năng tấn công từ phía Gruzia. Căn cứ quân sự Nga đã được triển khai tại Nam Ossetia sau cuộc chiến tháng 8/2008. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đồn trú tại các doanh trại của thủ phủ Tskhinvali và Dzhava. Theo thỏa thuận với chính quyền địa phương, căn cứ được phép đồn trú trong vòng 49 năm và có khả năng lâu hơn nữa. Tổ hợp tên lửa chiến thuật Tochka-U là phiên bản cải tiến của tổ hợp tên lửa chiến thuật Tochka. Tochka được chế tạo theo Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ban hành ngày 4/3/1968. Tầm bắn tối đa của tổ hợp Tochka – U là 120km. Tổ hợp này có thể được bổ sung thêm tên lửa 9M79 với các loại đầu đạn khác nhau. Tên lửa có khả năng bay với vận tốc 1.000 m/s. Một số hình ảnh về tổ hợp tên lửa Tochka-U:


Binh lính làm công tác chuẩn bị trước khi bắn thử nghiệm.


 Binh lính triển khai tổ hợp tên lửa Tochka-U.


Tên lửa Tochka-U được phóng lên từ bệ phóng.


Hình ảnh cuộc thử nghiệm tổ hợp tên lửa Tochka-U.


Tầm bắn tối đa của tổ hợp Tochka – U là 120km.


Xe chuyên dụng có bệ phóng tên lửa Tochka-U.


Tổ hợp tên lửa Tochka ORT-21.
(lenta news)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang