Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Mỹ đối xử với Đông Nam Á như Gruzia?

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

>> Mỹ đối xử với Đông Nam Á như Gruzia?



"Khi xe tăng Nga tiến vào nhanh chóng chia cắt và chiếm giữ phần lớn Gruzia cũng như hủy diệt quân đội quốc gia này thì phản ứng của Mỹ chỉ dừng lại ở những phát biểu phản đối".

Vào ngày 22/6, trong chuyến thăm Honolulu, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải cảnh báo quan chức Mỹ rằng “các quốc gia đó (các nước Đông nam Á) đang đùa với lửa” và hy vọng ngọn lửa đó sẽ “không lan tới Mỹ”.

Đó là một thông điệp ẩn dụ rõ ràng của Trung Quốc: Mỹ đừng có tham dự vào cuộc tranh chấp về quần đảo Trường Sa, nơi mà 5 quốc gia đang đấu tranh với Trung Quốc để đòi chủ quyền.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đang gia tăng bất chấp mối quan hệ tương đối thân thiện mà hai quốc gia theo đuổi từ năm 1990, nhiều quan chức Mỹ đã bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” và tiến hành tăng cường mối quan hệ với đồng minh lâu năm trong khu vực là Philippines.

Trong cuộc gặp với đô đốc Mike Mullen vào ngày 11/7, tướng Trần Bỉnh Đức, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc cho rằng cuộc diễn tập giữa Mỹ cùng Philippines và hoạt động chung với Việt Nam là hành động “vô cùng bất hợp lý”.

Với 3 cuộc chiến đang diễn ra từng ngày trên sa mạc nóng bỏng của vùng Trung Đông, quan chức Mỹ sẽ phải cân nhắc rất nhiều giữa việc sử dụng “sức mạnh mềm” hay là quân đội để tìm lối ra cho các cuộc tranh chấp mới trong khu vực Đông Nam Á.

Chấm dứt thời kỳ “tấn công ru ngủ”?

Theo học giả Joshua Kurlantzick, Trung Quốc đã tiến vào Đông Nam Á trong suốt một thập kỷ vừa qua bằng chiến lược “Tấn công ru ngủ” với trung tâm là các hiệp định thương mại tự do với những thành viên ASEAN .

Trong vòng gần một thập kỷ trở lại đây, khu vực biển Đông đã trải qua những ngày tháng tương đối yên bình sau khi tuyên bố ứng xử trên biển Đông (DOC) được ký kết giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc, giúp giải tỏa những căng thẳng trong các cuộc đụng độ hải quân vào năm 1988 và căng thẳng năm 1990.

Nhưng khi tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc tiến vào căn cứ ở đảo Hải Nam thì những quan ngại lại tiếp tục dấy lên trong toàn khu vực.

Căng thẳng bùng phát vào đầu năm 2009, khi một đội tàu Trung Quốc truy đuổi tàu do thám của Mỹ khi tàu này hoạt động trong vùng biển quốc tế gần đảo Hải Nam. Trên thực tế, những chiến dịch do thám đó vẫn được Mỹ tiến hành liên tục kể từ thời chiến tranh lạnh trên toàn bộ vùng biển bao quanh Trung Quốc.

Trước đó, vụ việc gây sự chú ý của dư luận là vụ va chạm giữa máy bay và tàu hải quân của hai bên. Một người thiệt mạng khi máy bay do thám gặp nạn gần đảo Hải Nam của Trung Quốc vào tháng 4/2001.

Năm 2010, căng thẳng đạt tới đỉnh điểm khi Bắc Kinh mập mờ tuyên bố biển Đông là một trong “lợi ích cốt lõi” Trung Quốc. Điều này chính thức đánh dấu một bước ngoặt cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc.



Đoàn quân sự Việt Nam thăm tàu sân bay USS Washington (Mỹ).


Thái độ và sự can dự Mỹ

Diễn đàn khu vực ASEAN diễn ra vào tháng 7/2010 là chất xúc tác cho căng thẳng bùng nổ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố sự tự do đi lại trong khu vực biển Đông là lợi ích quốc gia của Mỹ và cảnh báo bất cứ bên nào có liên quan không được sử dụng hoặc đe dọa quân sự. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì bị bất ngờ và phản ứng một cách giận dữ với tuyên bố của bà Hillary.

Tháng 8/2010, Tàu sân bay USS George Washington đón các vị khách là quan chức quân sự Việt Nam, với ý nghĩa "Mỹ muốn tăng cường quan hệ với quân đội Việt Nam". Đáp trả, Trung Quốc tiến hành tập trận lớn trên biển.

Đầu năm 2011, căng thẳng tiếp tục leo thang khi Philippines tố cáo Trung Quốc xâm lấn vùng biển của họ và Việt Nam công bố vụ việc Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh. Theo các chuyên gia, đây là hành động thể hiện Trung Quốc “không hài lòng” khi Việt Nam tiếp tục tiến hành thăm dò trên biển.

Mỹ đáp trả tức thời trong Cuộc họp an ninh châu Á ở học viện nghiên cứu chiến lược quốc tế vào tháng 6: Bộ trưởng bộ quốc phòng Mỹ - ông Robert Gates nhắc tới việc triển khai tàu chiến tại Singapore và tăng cường hợp tác hải quân trong khu vực.

Mỹ luôn tập trung vào vấn đề “Tự do hàng hải” – chính sách cốt lõi của Mỹ trong khi ứng xử với các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia vận tải đường biển lớn nhất thế giới cũng dựa rất nhiều vào khả năng di chuyển tự do trong khu vực.



Sau những sự ủng hộ ngoại giao và quân sự, Mỹ chọn cách bỏ rơi đồng minh nhỏ bé Gruzia khi xe tăng Nga tiến về phía Tbilisi.

Mỹ sẽ can thiệp quân sự vào khu vực?

Nhắc lại cuộc chiến tại Gruzia vào năm 2008, khi căng thẳng leo thang giữa Nga và Gruzia, Mỹ đã cho đồng minh mới của mình nhiều ưu ái đặc biệt và thậm chí cử nhiều cố vấn quân sự tới đây. Nhưng khi xe tăng của Nga tiến vào quốc gia láng giềng nhỏ bé, nhanh chóng chia cắt và chiếm giữ phần lớn Gruzia cũng như hủy diệt quân đội Gruzia thì phản ứng của Mỹ chỉ dừng lại ở những phát biểu phản đối.

Cuối cùng, Mỹ cũng đứng ngoài vận mệnh của một quốc gia nhỏ bé không có tầm quan trọng đối với nền an ninh của Mỹ để tránh một cuộc xung đột lớn hơn với Nga. Đây là một bài học rõ ràng cho các quốc gia Đông Nam Á.

Sự thật là Đông Nam Á không có nhiều ảnh hưởng đến cán cân quyền lực của thế giới. Một loạt các nước nhỏ và nghèo trong khu vực không đủ sức tạo ra ảnh hưởng tới cục diện của toàn cầu. Những quốc gia trung bình như Việt Nam, Indonesia và Australia theo lẽ tự nhiên sẽ tự đứng dậy chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc. Nếu cuộc chiến xảy ra vì những cụm đảo nhỏ tại biển Đông, nền an ninh quốc gia của Mỹ không bị ảnh hưởng nhiều.

Vùng biển Đông cũng rất quan trọng đối với các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, tuy nhiên họ sở hữu các hạm đội tàu chiến lớn và hiện đại và sẽ là một bước thử khó khăn hơn đối với tham vọng của Trung Quốc.



Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ là liều thử "nặng đô" tiếp theo cho tham vọng của Trung Quốc.


Như vậy, nhiều khả năng Mỹ sẽ phải cân nhắc rất kĩ trước khi đưa ra bất cứ hành động “quá tay” nào và có lẽ nguyên tắc ứng xử cơ bản của Mỹ tại biển Đông chính là không can dự quân sự.

Mỹ sẽ vẫn áp dụng chính sách “giơ cao đánh khẽ” khi giải quyết các vấn đề liên quan tới biển Đông và tìm lối thoát cho bế tắc bằng chính sách ngoại giao linh hoạt, thực tế và mềm mỏng.

Hướng đi đúng đắn nhất trong tương lai đối với tất cả các bên chính là đàm phán và đối thoại đa phương. Đây cũng chính là kênh giải quyết hợp lý nhất ngay đối với cả Trung Quốc, vì kể từ năm 1979, quốc gia này đã không dùng các chiến dịch tấn công quân sự lớn để giải quyết tranh chấp biên giới trên đất liền.

[BDV news]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang