Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Hải quân Philippines

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Hải quân Philippines. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hải quân Philippines. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

>> Tàu chiến lớn nhất của Philippines tuần tra Biển Đông





Philippines cử tàu chiến lớn nhất của họ là BRP Rajah Humabon tuần tra biển Tây Philippines, sau khi Trung Quốc cũng cử tàu tuần tra lớn nhất của họ là Haixun 31 tới khu vực.


BRP Rajah Humabonđang đỗ tại cảng Poro Point, chuẩn bị tuần tra khu vực Scarborough Shoal.

Chỉ huy tàu Humabon là Celestino Abalayan tuyên bố: "Chúng tôi sẽ giám sát và kiểm tra nếu có những nguy cơ an ninh trong khu vực; cũng như hành động vi phạm quyền tài phán của chúng tôi”.

Theo báo Phil Star, Scarborough Shoal nằm ở biển Tây Philippines, cách Vịnh Subic 198 km về phía Tây và rộng khoảng 150 km2. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với khu vực này.

Tư lệnh hải quân Philippines là Phó đô đốc Alexander Pama cho rằng, không nên có hành động khiêu khích ở biển Tây Philippines. Hải quân nước này sẽ có những biện pháp phòng thủ chủ động trong lãnh hải của họ.



Tàu Humabon có 68 thủy thủ và 8 sĩ quan.

Trước đó, theo VNE, tàu tuần tra hiện đại nhất và lớn nhất của Trung Quốc là Haixun 31, trước khi thăm Singapore, sẽ vào biển Đông và đi qua các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc cho hay tàu Haixun 31, tải trọng 3.000 tấn, xuất phát sáng qua từ cảng Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Dự kiến hải trình của nó dài 1.400 hải lý, qua các đảo trên vùng biển này, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Đài CRI nói rằng thủy thủ đoàn của tàu tuần tra này sẽ kiểm tra những tàu mang cờ nước khác trên vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố thuộc chủ quyền của họ.

Bắc Kinh tuyên bố yêu sách đường 9 đoạn, hay còn gọi là đường lưỡi bò hoặc chữ U, ôm gần như trọn cả vùng biển Đông. Yêu sách này là hoàn toàn vô lý, không có cơ sở về luật pháp cũng như lịch sử, bị các nước, trong đó có Việt Nam, phản đối.

Haixun 31 là tàu tuần tra lớn nhất và hiện đại nhất từ trước tới nay tại Trung Quốc, được trang bị bãi đáp cho trực thăng, kho chứa máy bay và một tháp điều khiển không lưu. Con tàu có khả năng di chuyển 6.000 hải lý mà không cần tiếp nhiên liệu.

Đây là chuyến đi ra nước ngoài đầu tiên của Haixun 31. Nó sẽ ở Singapore trong 6 ngày. Phái đoàn Trung Quốc sẽ hội đàm với các quan chức hải quân Singapore về các vấn đề an ninh hàng hải, quản lý hải cảng và chống hải tặc.

Trung Quốc đang cho đóng một tàu tuần tra lớn hơn, mang tên Haixun 01. Tàu mới sẽ hoàn thành vào tháng 7 năm tới, với chiều dài 128 m và tải trọng 5.400 tấn.

[BDV news]


>> Trung Quốc tăng thêm 200 tàu hải giám



Bắc Kinh sẽ tăng cường hoạt động hải giám bằng cách bổ sung hơn 200 tàu và 6.000 nhân viên từ nay tới năm 2020. Tới cuối năm 2015, họ sẽ có 16 máy bay, 350 thuyền và tới năm 2020, số nhân viên vượt mức 15.000, số tàu thuyền là hơn 520.


Bắc Kinh sẽ tăng cường hoạt động hải giám.


Theo China Daily, mục đích của hành động trên là bảo vệ lợi ích trên biển, tăng cường an ninh cho lãnh hải, khu vực đang ngày càng xảy ra nhiều các vụ xâm phạm của tàu và máy bay nước ngoài.

Cụ thể, theo phía Trung Quốc, riêng năm 2010 xảy ra 1.303 vụ tàu và 214 máy bay xâm phạm lãnh hải Trung Quốc, so với tổng số 110 vụ năm 2007.

Theo Reuters, hải giám Trung Quốc là lực lượng bán quân sự, có nhiệm vụ tuần tra lãnh hải của nước này. Hiện các lực lượng hải giám đặt dưới sự quản lý của Cục hải dương. Họ có 260 tàu, 9 máy bay và 280 phương tiện cơ giới khác. Riêng năm ngoái, lực lượng này đóng thêm 36 tàu tuần tra và 54 tàu cao tốc khác.

Còn theo VNE, đây là một trong 5 tổ chức hành pháp liên quan đến bờ biển ở nước này, bên cạnh Tuần duyên - lực lượng quân sự tuần tra bờ biển; Ủy ban an toàn hàng hải - chịu trách nhiệm tìm kiếm và giải cứu ven biển; Ngư chính - quản lý các hoạt động đánh cá; Hải quan - giám sát ngăn chặn buôn lậu.

Hải giám là tổ chức được thành lập mới đây nhất, năm 1998. Đó thực chất là lực lượng cảnh sát của Cục hải dương Trung Quốc, chịu trách nhiệm các vùng nước không thuộc lãnh thổ lãnh hải Trung Quốc, ở những nơi mà Trung Quốc đơn phương tự cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ. Hải giám cũng là cơ quan thực thi luật môi trường của Trung Quốc tại các vùng duyên hải.

Chương trình tăng cường lực lượng của Hải giám Trung Quốc chủ yếu nhằm vào nơi mà Trung Quốc tuyên bố là EEZ. Theo luật quốc tế, vùng đặc quyền kinh tế là khu vực 200 hải lý tính từ đất liền.


[BDV news]



Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

>> Philippines gỡ bỏ các cột "chủ quyền" của Trung Quốc ở vùng Đông-Nam biển Đông



Philippines hôm nay (15/6) cho hay, hải quân nước này đã gỡ bỏ những cột trụ “nước ngoài” lắp đặt tại ba bãi đá ngầm trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.



Người dân Manila biểu tình phản đối Trung Quốc chiếm đảo


Việc tháo dỡ các cột trụ gỗ diễn ra trong tháng 5, chỉ ngay trước lúc chính phủ Philippines chính thức phản đối các vụ xâm nhập của tàu Trung Quốc ở vùng biển chủ quyền Philippines, phát ngôn viên hải quân Omar Tonsay nói.

"Đó là các cột trụ nước ngoài vì không phải do quân đội hay chính phủ của chúng tôi dựng nên. Nên chúng tôi gỡ bỏ chúng vì đó là một phần lãnh thổ Philippines”, ông Tonsay nhấn mạnh.


Hiện trạng chiếm giữ vùng quần đảo Trường Sa (bản đồ của Philippines)



Chính phủ Philippines gần đây đã cáo buộc Trung Quốc dựng cột trụ, thả phao ở vùng biển mà Manila tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, Tonsay nói rằng, hải quân không thể xác định ai dựng nên các cột gỗ bị gỡ bỏ trong tháng 5. Các cột trụ này đã được dựng ở Boxall Reef thuộc quần đảo Trường Sa và ở gần Amy Douglas Bank, Reed Bank. Tất cả đều ở khu vực mà cả Philippines và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền.



Biển Đông, vùng biển giàu tài nguyên và có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng, là nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa Trung Quốc và bốn nước Đông Nam Á gồm Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam.

Căng thẳng đang gia tăng ở khu vực này trong thời gian gần đây. Cả Philippines và Việt Nam đều cáo buộc Trung Quốc trở nên gây hấn hơn trong việc tuyên bố chủ quyền trong vùng biển. Trong tháng này, Philippines đã lên án Trung Quốc làm xói mòn hòa bình và ổn định tại châu Á bằng cách điều động các tàu hải quân tới gần Reed Bank để hăm dọa những bên tuyên bố chủ quyền khác, đồng thời lắp đặt cột trụ và thả phao ở vùng lân cận.

Philippines cũng không ngừng phản đối Trung Quốc về các vụ việc xảy ra từ tháng 2 – tháng 5, cáo buộc hải quân Trung Quốc bắn vào ngư dân của họ, quấy nhiễu một tàu thăm dò dầu khí Philippines.

Vì sao phải tranh chấp khi tuân thủ luật pháp quốc tế

Hôm qua (14/6), Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố, nước ông cần sự giúp đỡ từ đồng minh lâu dài là Mỹ trong chuyện tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Ông nói: "Có lẽ, sự hiện diện của Mỹ sẽ đảm bảo rằng tất cả chúng ta sẽ được hưởng tự do hàng hải và sẽ tuân theo luật pháp quốc tế".

Trong khi đó, phát biểu nhân khởi động Chương trình Năng lượng Tái tạo Quốc gia (NREP) của Bộ Năng lượng Philippines, Đại sứ Mỹ tại Philippines Harry Thomas đã khẳng định rằng, Mỹ đảm bảo ủng hộ Philippines “trong mọi vấn đề” kể cả các vấn đề về Biển Đông. Ông khẳng định: "Tôi đảm bảo với các vị rằng Mỹ sẽ sát cánh với Philippines trong tất cả các vấn đề. Mỹ và Philippines là những đồng minh chiến lược. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn và hợp tác với nhau trong các vấn đề, bao gồm cả Biển Đông".

Ông Aquino tỏ ý vui mừng với phát biểu của ông Thomas. Tổng thống Philippines cũng khẳng định việc nước này có quyền tìm kiếm dầu khí trong phạm vi lãnh thổ của họ. Ông viện dẫn Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

UNCLOS quy định: "Vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng này, quốc gia ven biển có quyền thuộc chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế… Trong vùng đặc quyền kinh tế, nước ngoài có quyền tự do hàng hải và đường không, tuân theo sự kiểm soát của quốc gia ven biển. Nước ngoài cũng có thể đặt các đường ống ngầm và cáp ngầm… nhưng phải thông báo và thỏa thuận với quốc gia ven biển".

Recto Bank cách Palawan 80 hải lý và cách Trung Quốc 576 hải lý. "Vì thế, con số 576 rõ ràng lớn hơn nhiều 200. Vậy tại sao phải có tranh chấp nếu chúng tôi tuân thủ luật pháp quốc tế”, ông Aquino nói. "Họ là một siêu cường, dân số của họ gấp 10 lần dân số chúng tôi, chúng tôi không muốn đối đầu xảy ra. Và có lẽ sự hiện diện của Mỹ sẽ đảm bảo rằng tất cả chúng ta sẽ được hưởng tự do hàng hải và sẽ tuân theo luật pháp quốc tế".
[BDV news]


Thứ Hai, 13 tháng 6, 2011

>> Philippines sẽ tập trận với hải quân Mỹ



Philippines và Mỹ diễn tập hải quân chung vào cuối tháng này trên vùng biển phía tây Philippines, nhưng các quan chức quốc đảo khẳng định việc này không phải do tình hình căng thẳng trên Biển Đông, mà đã có kế hoạch từ trước.


Quân đội Philippines thông báo việc tập trận trong lúc Trung Quốc cảnh báo Mỹ không nên dính dáng đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, bởi "Mỹ không phải là một bên tranh chấp".

"Tập trận sẽ diễn ra từ ngày 28/6 với hải quân quân khu phía tây", phát ngôn viên quân đội Philippines Jose Miguel Rodriguez cho hay. "Cuộc diễn tập được lên kế hoạch từ năm ngoái".

Quân đội Philippines chưa thông báo địa điểm tập trận, nhưng thông thường quân khu phía tây hoạt động trên biển Sulu, ngăn cách với Biển Đông bằng đảo Palawan, và các vùng nước lân cận. Cuộc tập trận này nằm trong khuôn khổ các hoạt động thuộc Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines.

Tập trận năm nay nhằm kiểm tra khả năng của hai quân đội trong các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải.

Cuộc diễn tập được công bố trong lúc căng thẳng đang lên cao ở Biển Đông do những vụ va chạm của tàu Trung Quốc với tàu của các nước khác có tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này.



Tàu khu trục Chung-hoon của Mỹ. Ảnh: US Navy.


Trước đó một ngày, hải quân Mỹ cho biết họ điều động tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Chung-hoon tới Tây Thái bình dương. Tàu Chung-hoon sẽ tham gia diễn tập với hải quân Philippines. Trung Quốc tuyên bố tập trận cũng ở Tây Thái bình dương.

Hai tuần qua, tàu của Trung Quốc đã hai lần quấy rối các tàu thăm dò của Việt Nam trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Philippines cũng tố cáo tàu Trung Quốc nhiều lần quấy phá hoạt động của phía Philippines và xây dựng công trình trên các vùng mà Manila tuyên bố chủ quyền. Tuyên bố qua lại của các bên đang khiến Biển Đông nóng.

Là một trong những con tàu mạnh nhất của hải quân Mỹ, tàu khu trục lớp Arleigh Burke nói trên của Mỹ đã rời cảng nhà ở Hawaii và đang ở trong hải phận quốc tế gần biển Sulu. Tư lệnh quân đội Philippines Eduardo Oban Jr khẳng định việc tàu Chung-hoon tới Philippines không liên quan gì đến các căng thẳng mới đây ở Biển Đông.

Trong khi đó, phủ tổng thống Philippines bày tỏ tin tưởng nước này có thể dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ trong việc bảo vệ chủ quyền, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác ngoại giao trong giải quyết tranh chấp. Tờ Inquirer của Philippines dẫn lời phó phát ngôn viên tổng thống Philippines nói rằng: "Chúng tôi cam kết tìm giải pháp hòa bình thông qua ngoại giao đến hết mức có thể. Tôi biết rằng là một đồng minh, Mỹ sẽ giúp chúng tôi nếu cần, bởi chúng tôi có Hiệp ước phòng thủ chung".

Trong khi đó Bắc Kinh cảnh báo Mỹ không nên nhúng tay vào vấn đề tranh chấp hiện nay.

"Những cái cần làm để giải quyết tranh chấp lãnh thổ nên được làm trên cơ sở song phương và Mỹ không phải là một bên trong tranh chấp", đại sứ Trung Quốc tại Philippines Lưu Kiến Siêu nói tại một hội nghị ở Manila hôm thứ năm.

"Tôi cho rằng mối lo ngại (của Mỹ) là không cần thiết. Nói cho cùng, vùng biển này luôn an toàn và hòa bình", ông Lưu nói.

"Chẳng có lý do nào để can thiệp vào khu vực này. Việc tranh chấp xảy ra giữa các bên tranh chấp, chứ không phải với một bên nào đó không ở khu vực này và không có lý do nào để tham gia".

Ông Lưu còn đe dọa rằng bất kỳ chuyến thăm nào của các nghị sĩ Philippines tới vùng tranh chấp sẽ chỉ khiến tình hình bùng lên mức nguy hiểm.

Sau đó một ngày, Mỹ tuyên bố họ lo ngại trước tình hình căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và yêu cầu các bên hành động vì hòa bình. Các quan chức dân sự và quân sự Mỹ đều nhắc lại rằng Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông, mong muốn các bên tuân thủ luật quốc tế và DOC, cũng như quyền tự do hàng hải trong khu vực.


[Vnexpress news]



Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

>> Hải quân Philippines: Rục rịch tái cơ cấu



Để duy trì môi trường an ninh biển hòa bình và ổn định, cùng hợp tác và phát triển, các nước ASEAN đang từng bước củng cố lực lượng hải quân của mình.


Philippines đang có những bước đi cụ thể nhằm tái cơ cấu lực lượng hải quân. Lực lượng thiện chiến nhất của hải quân nước này là các đơn vị tác chiến thủy – bộ, có kinh nghiệm phối hợp với không quân, cảnh sát biển đối phó các nhóm khủng bố ở miền Nam, quanh đảo Mindanao.

“Chạy đà” hàng thập kỷ

Là quốc đảo, Philippines đã rất chú trọng phát triển hải quân, bao gồm lực lượng tàu mặt nước, không quân hải quân, hải quân đánh bộ… từ khá sớm. Ngày 9/5/1955, lực lượng tàu tấn công mặt nước ra đời. Đến năm 1988, bộ phận này trở thành lực lượng tác chiến biển gần. Lực lượng sẵn sàng tác chiến của hải quân xuất hiện muộn hơn (16/11/1964), ra đời để kiểm soát hoạt động trên biển, phối hợp với các đơn vị khác.

Từ năm 1947, Không quân hải quân Philippines được trang bị 2 máy bay vận tải nhưng phải đến ngày 16/9/1975, binh chủng này mới chính thức được thành lập. Về lực lượng Hải quân đánh bộ, ban đầu Philippines chỉ có 1 đại đội, nay đã phát triển thành một binh chủng mạnh.

Được xây dựng, trang bị khá hoàn chỉnh nhưng phải sau năm 1975, Philippines mới nhận thức vai trò của mình một cách độc lập hơn để đưa đất nước, trong đó có quân đội và hải quân vào chặng đường mới.

Hiện đại hóa với nhiều tỷ USD

Một trong những động thái cụ thể là việc Philippines thành lập và phát triển 4 công ty quốc phòng then chốt: Công ty các hệ thống chính xác Creser, chuyên về công nghệ và đạn dược; Công ty phát triển hàng không vũ trụ PAD giúp hải quân lắp ráp máy bay lên thẳng, bảo dưỡng và sữa chữa động cơ; Công ty GKN Defence sửa chữa các xe bọc thép tác chiến thủy-bộ; Công ty Hàng không (thành lập năm 1989) giúp hải quân nước này các loại pháo, cấu kiện composit của máy bay…

Thế nhưng, sự đầu tư rõ ràng nhất là ở các chương trình mua sắm vũ khí. Trong giai đoạn 1991-2000. Năm 1994, nước này ký hợp đồng mua các tàu tên lửa tốc độ cao của Pháp, mua các tàu pháo cao tốc của Mỹ, hợp tác với Đức đóng và sửa chữa tàu. Nhân đà này Không quân Hải quân Philippines mua máy bay trinh sát OV-10, trực thăng vũ trang MD-500, UH-1H, MG-520…


http://nghiadx.blogspot.com
Chiến hạm Hamilton sắp được Philippines mua.

Gần đây, ngày 7/3/2011, Hải quân Philippines cho biết đã mua một chiếc tàu tuần tra lớp Hamilton lớn của Mỹ, nhằm tăng cường khả năng tuần tra biển của Hải quân Philippines.. Được trang bị một nhà chứa máy bay có thể thu lại, một sàn bay cho trực thăng và trang bị 2 động cơ hoặc các tua bin khí, Hamilton được đánh giá là một chiếc tàu có khả năng hoạt động cao với các hệ thống vũ khí phòng thủ tầm gần.Nhân dịp này, ông Trung tướng Eduardo Oban phát biểu, “Chúng ta phải duy trì những nỗ lực để tiến hành hiện đại hóa lực lượng vũ trang của chúng ta”.

Trước đó, ngày 3/1/2011, Philippines thông báo dự định mua 7 tàu chiến vào năm 2011 để cải thiện và nâng cao khả năng tác chiến của hải quân. “Chúng tôi muốn nâng cao khả năng tác chiến của lực lượng hải quân. Việc mua sắm 7 tàu hải quân mới sẽ giúp chúng tôi thực hiện nhiệm vụ này”, Đại úy Giovanni Bacordo, phát ngôn viên Hải quân Philippines tiết lộ với hãng thông tấn Philstar: các tàu tấn công đa năng sẽ được sử dụng để triển khai quân trong quá trình chiến đấu, có giá 7,2 triệu USD mỗi chiếc. Còn tàu đổ bộ có giá 14,3 triệu USD/chiếc được sử dụng để vận chuyển binh sĩ và đảm bảo hậu cần. Trong khi đó, các tàu tuần tra sẽ được sử dụng để tiến hành tuần tra tại mỏ khí.

Theo kế hoạch, đến năm 2015, Hải quân Philippines sẽ có nhiều tỷ USD trong chương trình hiện đại hóa quân đội để mua tàu tuần tiễu cao tốc, máy bay hải quân, thiết bị thông tin liên lạc hiện đại, phương tiện cứu hộ, nâng cấp căn cứ, xây dựng cơ sở huấn luyện.. Song song với quá trình đó, Philippines tiến hành loại bỏ các tàu chiến, phương tiện cũ.

Hiện trong biên chế của Hải quân Philippines có lẽ, sự phục vụ của chiến hạm BRP Rajah Humabon “3 nhất” hình ảnh sinh động cho những chặng đường phát triển của lực lượng này. BRP Rajah Humabon là khu trục hạm mạnh nhất, lớn nhất của Hải quân Philippines, đồng thời cũng là một trong những chiến hạm “cổ” nhất ở Đông Nam Á, có thời gian phục vụ lên tới 67 năm.

Được đưa vào hoạt động từ năm 1943, BRP Rajah Humabon được chính thức biên chế trong Hải quân Philippines vào năm 1978. Hoạt động được 1 năm, chiến hạm này được nâng cấp và phục vụ tới năm 1993. Tưởng đã được “nghỉ hưu”, vậy mà đến năm 1995, Humabon “tái xuất” trong vai trò tàu hộ tống, tuần tra đến ngày nay.


http://nghiadx.blogspot.com
BRP Rajah Humabon, chiến hạm tiêu biểu của Philippines.

Từng có khả năng săn tàu ngầm nhưng vì lạc hậu, hệ thống định vị thủy âm đặt trên thân tàu EDO SQS-17B, bom phá tàu ngầm, hệ thống súng cối chống ngầm Hedgehog Mk 10, ngư lôi chống ngầm Mk 38..., lần lượt bị gỡ bỏ. Đến nay, vũ khí chống hạm mạnh nhất của tàu gồm 3 pháo 76,2mm Mk 22 có tầm bắn 13,4km, dùng để tấn công mục tiêu ven biển, tàu chiến hoặc chống máy bay. Ngoài ra, hỏa lực phòng không gồm 3 pháo cỡ 40mm Bofor, 6 pháo Mk 4 20mm Oerlikon, 4 súng máy 12,7mm. Nhìn chung, hệ vũ khí trên Humabon đều quá cũ, thao tác thủ công, tốc độ bắn chậm, chỉ thích hợp với nhiệm vụ tuần tra.

Chưa đến đích trên con đường cơ cấu lực lượng, Hải quân Philippines dựa nhiều vào yếu tố con người để thực hiện các nhiệm vụ. Trong số các binh chủng của Hải quân Philippines, lực lượng tác chiến đặc biệt là đơn vị tinh nhuệ nhất, hoạt động trên biển, trên bộ và trên không, thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, cận chiến, hoạt động tác chiến dưới mặt nước. Đơn vị này đã lập được một số thành tích trong các chiến dịch truy quét phiến quân ở miền nam nước này.

Hải quân Philippines có số quân nhân lên tới 24.000 người, bảo vệ bờ biển 3.500 người. Dưới Bộ tư lệnh Hải quân có 1 Bộ tư lệnh Hạm đội, 6 vùng hải quân, Bộ Tư lệnh Hải quân đánh bộ (3 lữ hải quân đánh bộ, 1 lữ dự bị, 1 lữ phục vụ và yểm trợ chiến đấu…)

Hải quân Philippines trang bị: 63 tàu chiến đấu, 1 tàu hộ tống Rajah Humabon, 13 tàu tuần tiễu, 49 tàu tuần tiễu ven bờ; 7 tàu đổ bộ (có thể chở 16-32 xe tăng, 150-200 người, 39 phương tiện đổ bộ…; 11 tàu phục vụ (tàu dầu, tàu nước, tàu sửa chữa, tàu nghiên cứu biển)… Trong đó, Không quân hải quân có 13 chiếc BN-2A, BO-105 và Cessna-117; Hải quân đánh bộ với 8.000 người, có 110 xe thiết giáp gồm 25 chiếc LAV-300 và 85 chiếc LVTP-5, LVTP-7, 150 khẩu pháo 105mm; Lực lượng ven bờ (cảnh sát biển) được trang bị 60 tàu, xuồng tốc độ cao cùng một số máy bay trực thăng tuần thám;


[BDV news]


Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

>> Nghị sĩ Philippines: TQ chèn ép các nước Đông Nam Á



Tờ Philstar của Philippines mới đăng tải tuyên bố của thượng nghị sĩ Miriam Defensor-Santiago cho rằng, Trung Quốc luôn cố chèn ép Philippines và các nước khác ở khu vực Đông Nam Á nhằm kiểm soát tài nguyên dầu khí khổng lồ ở Biển Đông.



Thượng nghị sĩ Miriam Defensor-Santiago. Ảnh: ecowastecoalitio


Bà Santiago khuyến cáo, trong khi Philippines rõ ràng không đủ khả năng quốc phòng để chống lại một siêu cường như Trung Quốc, thì chính phủ nước này cần thận trọng và khôn ngoan hơn trong cách đối xử với nước láng giềng lớn. Cựu chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Philippines nhấn mạnh: “Trung Quốc thực sự sẽ cố gắng và chèn ép chúng ta cũng như những nước khác ở Đông Nam Á”.
Thậm chí, bà Santiago còn cảnh báo rằng, Philippines cuối cùng có thể trở thành một “quốc gia vệ tinh” của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong vấn đề khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, bà bày tỏ tin tưởng rằng, Mỹ cũng như các nước giàu ở Tây Âu sẽ không cho phép Trung Quốc giành lợi thế trong phát triển dầu và khí tự nhiên ở Biển Đông.

“Họ sẽ không cho phép như vậy vì nó có thể dẫn tới mất cân bằng trong phân phối quyền lực trên thế giới một khi Trung Quốc có thể nắm giữ nguồn tài nguyên dầu khí tại Biển Đông”, bà Santiago nói.

Trước đó, ngày 24/5, tờ Philstar dẫn các tài liệu và hình ảnh của News5 cho biết, Trung Quốc đã xây dựng các đơn vị đồn trú và tiền đồn quân sự ở sáu bãi đá ngầm trong Nhóm đảo Kalayaan. Philippines đang tuyên bố chủ quyền với Nhóm đảo Kalayaan (một phần của quần đảo Trường Sa).

Theo báo này, ngoài các đơn vị đồn trú, Trung Quốc còn tích cực thúc đẩy những dự án hàng hải quy mô lớn nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của họ với Trường Sa. Đó là các dự án xây dựng cầu cảng, sân bay, hải đăng, đài quan sát hải dương và mạng lưới khí tượng học hàng hải.

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt (nhân chuyến thăm của ông Lương tới Philippines), Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã cảnh báo, những cáo buộc xâm nhập và đụng độ ở các hòn đảo tranh chấp tại khu vực Biển Đông có thể dẫn tới nguy cơ chạy đua vũ trang trong khu vực.

Ngày 24/5, ông Aquino đã tiếp xúc với báo chí sau cuộc gặp một ngày trước đó với ông Lương Quang Liệt. Ông cho hay: “Tôi nói, ‘nếu xảy ra những vụ việc thì liệu nó có thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực? Khi chạy đua vũ trang xảy ra, nguy cơ xung đột có gia tăng? Và ai là người hưởng lợi?Tôi nói với họ, ‘Hiện tại, chúng tôi có thể không có khả năng nhưng tình thế sẽ bắt buộc chúng tôi phải tăng cường các khả năng của mình”.

Ông Aquino đã nhắc lại quan điểm của Philippines rằng, các quốc gia nên tập trung vào sự thịnh vượng của khu vực để tháo gỡ căng thẳng do tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông giữa Philippines, Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á khác.
[Vitinfo news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang