Mật danh của chiến dịch truy sát trùm khủng bố Osama bin Laden chính là tên của một thủ lĩnh da đỏ từng khiến chính giới Mỹ đau đầu trong thế kỷ 19.
Thủ lĩnh người da đỏ Geronimo. Ảnh: National Archives. Geronimo là tên một chiến binh da đỏ thuộc bộ lạc Apache - bao gồm những người từng sống ở phía tây nam nước Mỹ và phía bắc Mexico. Cái tên này nổi tiếng trong lịch sử Mỹ và gợi lên hình ảnh miền Tây hoang dã của nước này trong dĩ vãng. Trong một bức ảnh được biết đến nhiều nhất về Geronimo chụp năm 1887, người xem thấy ông ném một cái nhìn đầy thách thức vào ống kính khi hai bàn tay nắm chặt khẩu súng trường. Đó là một chiến binh không hề biết tới cảm giác sợ hãi, người đã lãnh đạo một nhóm chiến binh Apache chống lại người da trắng. Trùm khủng bố Osama bin Laden bị lính đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt tại Pakistan vào tối 30/4. Cụm từ mà người chỉ huy nhóm biệt kích hô lên sau khi đã tiêu diệt được Bin Laden là “Geronimo EKIA”. EKIA được viết tắt của cụm từ Enemy Killed In Action, nghĩa là kẻ thù bị tiêu diệt trong lúc giao chiến. Nhưng giới chức Mỹ không đưa ra lời giải thích về việc tại sao họ đặt tên chiến dịch truy sát Osama bin Laden là Geronimo và có thể họ sẽ không bao giờ đưa ra lý giải. Trong khi đó, nỗ lực săn đuổi thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đã gắn liền với hình ảnh chiến binh Geronimo trong quá khứ ngay từ năm 2001. Tổng thống George W Bush khi đó tuyên bố Mỹ sẽ bắt được Bin Laden dù “còn sống hay đã chết”. Hình ảnh trùm khủng bố khiến người ta liên tưởng tới một chiến binh da đỏ thời xưa và khu vực biên giới Pakistan là miền tây hoang dã. Theo BBC, Osama bin Laden vốn được gọi là “Geronimo của thế kỷ 21, người tìm mọi cách để trốn tránh lính Mỹ ở một nơi nào đó trong dãy núi khô cằn giống như dãy núi Sierra Madre ở miền tây nước Mỹ”. Sierra Madre là nơi mà Geronimo cùng đội quân thổ dân của ông trú ngụ để lẩn tránh lính da trắng trong suốt một thời gian dài cuối thế kỷ 19. Vào năm 2001, khi nói tới việc lực lượng Mỹ truy bắt Osama bin Laden trong những khu vực núi non có nhiều bộ lạc của Afghanistan, Allan R Millet, một đại tá thủy quân lục chiến đã nghỉ hưu, nói: “Việc đó giống như bắn nhiều tên lửa vào Geronimo. Họ có thể bắt vài chiến binh Apache, nhưng tình hình chẳng thay đổi”. Geronimo chào đời vào năm 1829 tại bang New Mexico ngày nay. Là một trong những thủ lĩnh của bộ tộc thổ dân Apache, ông thừa hưởng tinh thần chống lại sự tâm xâm lấn đất đai của người da trắng tới từ châu Âu. Ông trở thành huyền thoại nhờ lòng can đảm vô song và những cuộc chiến đẫm máu. Vị thủ lĩnh bộ lạc Apache bắt đầu nổi tiếng từ khi ông chống lại các cuộc tấn công của lính người Mexico. Một đội quân Mexico giết nhiều người thân trong gia đình Geromino khi họ đột kích làng mà ông sống. Từ đó Geronimo thề rằng ông sẽ tiêu diệt lính Mexico mỗi khi thấy họ. Ý thức được khả năng chiến đấu xuất sắc của Geronimo, năm 1872 chính phủ Mỹ đưa ông và vài trăm người Apache vào một khu bảo tồn thuộc bang Arizona. Bốn năm sau, Geronimo cùng một đoàn người chạy ra khỏi khu bảo tồn và trốn vào dãy núi Sierra Madre, thuộc bang California ngày nay. Tại đây họ tấn công tất cả những người da trắng vô tình đi ngang qua. Chính phủ Mỹ tuyên bố Geronimo là kẻ phản bội. Trong một thập kỷ sau đó, Geronimo đồng ý trở lại khu bảo tồn nhiều lần. Nhưng mục đích chính của ông trong những lần quay lại là thuyết phục những người Apache trong khu bảo tồn theo ông vào núi chiến đấu. Mai phục trong các hang và hai bên những con đường lên núi, đội quân thổ dân Apache do Geronimo chỉ huy đã giết chết khoảng 5.000 lính Mỹ trước khi vị thủ lĩnh này bị giết vào năm 1886. Lính Mỹ tìm ra nơi ẩn náu của Geronimo nhờ theo dõi những chiến binh làm nhiệm vụ trinh sát và đưa tin của ông. Tuy nhiên, mặc dù Geronimo từng được coi là kẻ thù của nước Mỹ, tên của ông lại được đặt cho hai đơn vị đặc nhiệm của nước này. Đó là tiểu đoàn lính dù số 1 thuộc trung đoàn 509 và tiểu đoàn lính dù số 501. Tên bộ tộc Apache của ông cũng được đặt cho loại trực thăng chiến đấu phổ biến bậc nhất của quân đội Mỹ. Chiến dịch lùng diệt Osama bin Laden ngày nay mang nhiều chi tiết giống vụ hạ sát thủ lĩnh thổ dân Geronimo hơn một thế kỷ trước, nên việc chiến dịch mang mật danh này cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhiều người gốc thổ dân tại Mỹ đang phản đối quân đội dùng Geronimo làm mật danh điệp vụ tấn công trùm khủng bố.
[Vnexpres news]
|
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mật danh Geronimo. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mật danh Geronimo. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011
>> Mật danh Geronimo
Nhãn:
Al-Qaeda,
Barack Obama,
Bộ lạc Apache,
George W Bush,
Geronimo EKIA,
Mật danh Geronimo,
Mexico,
Osama bin Laden,
Pakistan,
Quân đội Mỹ,
Thổ dân,
Trùm khủng bố
>> Obama theo dõi vụ Bin Laden như thế nào
Những tiến bộ trong công nghệ quân sự giúp Tổng thống Barack Obama cùng các quan chức cao cấp Mỹ không bỏ lỡ giây nào trong điệp vụ tiêu diệt trùm mạng khủng bố Al-Qaeda, từ khoảng cách xa nhiều nghìn km.
Tập trung đông đủ tại Phòng tình huống nằm sâu bên trong Nhà Trắng, ông Obama cùng những phụ tá thân cận nhất theo dõi toàn bộ vụ tấn công tại Pakistan gần như theo "thời gian thực". Các thông tin thuyết minh cho chiến dịch được đích thân giám đốc CIA thực hiện. Nhóm biệt kích SEAL của hải quân Mỹ sử dụng những máy quay nhỏ gắn trên mũ, để truyền hình ảnh vụ tấn công về trung tâm chỉ huy của tổng thống Mỹ tại Washington và trụ sở Cục tình báo trung ương (CIA) tại Virginia. Khi họ rời các máy bay trực thăng để đột kích ngôi nhà của Bin Laden, các camera tối tân cũng bắt đầu hoạt động. Toàn bộ quá trình hình ảnh được truyền từ thị trấn Abbotabad ở Pakistan về Phòng Tình huống ở Nhà Trắng để Tổng thống Obama có thể theo dõi. Đồ họa: Telegraph Các hình ảnh được truyền đi từ những máy quay này tới đơn vị xử lý đặt trên một trong những chiếc trực thăng tham gia chiến dịch, khi ấy đang lượn vòng bên trên khu nhà của kẻ trùm sò Al-Qaeda. Sau đó, hình ảnh được truyền từ đây lên một vệ tinh của Mỹ, trước khi được đưa về Washington và Virginia. Công nghệ truyền dẫn hình ảnh được phát triển cho mục đích quân sự vào năm 2008 này, hoạt động tương tự như cách mà Skype sử dụng cho hệ thống điện thoại Internet rất phổ biến hiện nay. Một phiên bản bảo mật cao của công nghệ này được Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt Mỹ (USSOCOM) mua lại để sử dụng trong nhiều điệp vụ và cuộc tấn công tối mật ở Afghanistan. Ban đầu, người ta cho rằng Tổng thống Obama theo dõi được các hình ảnh trực tiếp truyền về từ Pakistan. Tuy nhiên, Giám đốc CIA Leon Panetta sau đó xác nhận rằng có một độ trễ nhỏ trong việc truyền hình ảnh, và điều này góp phần làm tăng sự căng thẳng tại Phòng Tình huống ở Nhà Trắng và trụ sở CIA. "Khi nhóm biệt kích bắt đầu tấn công khu nhà của Bin Laden, có một khoảng thời gian chừng 20 tới 25 phút chúng tôi thực sự không biết chính xác điều gì đang xảy ra ở đó. Đó là những giây phút căng thẳng vì phải chờ đợi thông tin. Nhưng cuối cùng Đô đốc William McRaven đã liên lạc và cho biết rằng ông nhận được mật danh Geronimo truyền đi từ nhóm biệt kích", giám đốc CIA kể lại. Khi những người tại Nhà Trắng và trụ sở CIA được xem những hình ảnh chậm hơn ít phút so với những gì thực tế xảy ra qua các màn hình lớn, một không khí căng thẳng và hồi hộp bao trùm. Tổng thống Obama ngồi gần màn hình, với một bộ đồ bình thường và đôi mắt chăm chú theo dõi mọi diễn biến. Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton thậm chí còn hồi hộp hơn, khi đưa tay lên che nửa mặt trong suốt thời gian xem những hình ảnh được truyền về từ một nơi cách xa tới hơn 11.000 km. Giám đốc CIA Panetta bình luận trực tiếp chiến dịch tiêu diệt bin Laden từ tổng hành dinh tại Langley, Virginia. Ông sử dụng mật danh Geronimo để chỉ trùm khủng bố. Khi Bin Laden bị tiêu diệt với một viên đạn găm vào phía trên mắt trái, Panetta xác nhận "Geronimo EKIA", có nghĩa là "Geronimo, kẻ thù vừa bị tiêu diệt trong khi kháng cự". Tổng thống Obama và những người thân cận theo dõi các hình ảnh được truyền về từ Pakistan. Ảnh: Telegraph Sau khi chiến dịch hoàn tất, việc Tổng thống Obama trực tiếp theo dõi từng diễn biến tại Pakistan từ Nhà Trắng mới được báo chí loan báo. Thực tế là để có 40 phút tấn công chóng vánh và hiệu quả, người Mỹ đã phải chuẩn bị vô cùng công phu. Nhóm biệt kích SEAL của hải quân Mỹ nhận được lệnh bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc tấn công bất ngờ để lùng bắt một mục tiêu mang mật danh Geronimo (theo tên chiến binh thổ dân Mỹ huyền thoại). Họ thậm chí đã tiến hành hai cuộc tập dượt với một hình nộm giống hệt Bin Laden trong một căn cứ quân sự. Tổng cộng có 79 lính biệt kích SEAL tinh nhuệ nhất được điều động tham gia điệp vụ tại Pakistan, cùng với 4 trực thăng, trong đó có hai chiếc làm nhiệm vụ hỗ trợ. Nhóm biệt kích trú tại một căn cứ của Mỹ tại Jalalabad, Afghanistan, và chỉ vượt qua biên giới để vào Pakistan vào buổi tối theo giờ địa phương. Cuộc đột kích chóng vánh đã tiêu diệt trùm khủng bố khét tiếng Osama bin Laden cùng một số người khác làm nhiệm vụ bảo vệ y. Trong một phát biểu sau khi vụ tấn công kết thúc, Tổng thống Mỹ Obama nói: "Công lý đã được thực thi". Để có được câu nói ngắn gọn này, Mỹ đã sử dụng những công nghệ tối tân nhất hiện nay và hơn một thập kỷ kiên trì theo dấu Osama bin Laden.
[Vnexpress news]
|
Nhãn:
Afghanistan,
Al-Qaeda,
bang Virginia,
Barack Obama,
Biệt kích SEAL,
Bin Laden,
CIA,
Hilary Clinton,
Langley,
Mật danh Geronimo,
Nhà Trắng,
Pakistan,
USSOCOM
>> Bí mật biệt đội bắn hạ Bin Laden
Những biệt kích được giao nhiệm vụ tiêu diệt Osama bin Laden được tuyển chọn từ lực lượng đặc nhiệm SEAL thuộc hải quân Mỹ, đơn vị vốn được coi như huyền thoại của quân đội nước này.
Hơn 20 biệt kích Mỹ được trực thăng thả xuống gần bức tường cao 4,5 mét bao quanh khu trú ẩn của Bin Laden tại Abbottabad, phía tây bắc Pakistan. Họ nhanh chóng tiếp cận ngôi nhà cao 3 tầng nằm giữa khu đất được bảo vệ chặt chẽ và lần lượt tiêu diệt 5 người bên trong, gồm Osama bin Laden bằng viên đạn vào đầu. Các tay súng bảo vệ trùm Al-Qaeda bắn trả dữ dội nhưng tất cả biệt kích Mỹ tham gia chiến dịch đều không có ai bị thương. Kỹ năng chiến đấu tốc độ cao và chính xác đến từng chi tiết của biệt kích SEAL thể hiện qua việc trong thời gian ngắn, họ vừa tiêu diệt các mục tiêu vừa thu thập tất cả ổ đĩa máy tính, đĩa DVD và các tài liệu trong khu nhà rồi rút đi êm thấm cùng với xác của Osama bin Laden. Theo quan điểm của giới chức quân sự Mỹ, chiến dịch tiêu diệt Bin Laden mang mật danh Geronimo nói trên không thể diễn ra hoàn hảo hơn. Điều này đã phản ánh quá trình chuẩn bị chi tiết và kỹ năng chiến đấu cao của lính biệt kích SEAL, những người được tin tưởng giao nhiệm vụ mang tính lịch sử. Hai lính biệt kích SEAL. Ảnh: Navy. Biệt đội tinh nhuệ của SEAL Biệt đội ST6 (SEAL Team Six), có tên gọi chính thức là Nhóm phát triển kỹ năng tác chiến đặc biệt của hải quân, hay còn gọi là DevGru, đã được giao nhiệm vụ tiêu diệt Bin Laden. ST6 gồm những thành viên có thành tích chiến đấu dày dạn và được tuyển chọn kỹ lưỡng từ lực lượng đặc nhiệm SEAL, chuyên được huấn luyện cho những chiến dịch thuộc hàng tối mật của Mỹ. SEAL, tổ chức mẹ của biệt đội ST6, là một phần của Sở chỉ huy tác chiến đặc biệt hải quân Mỹ. Đây cũng là đơn vị hải quân trực thuộc Sở chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của quân đội Mỹ (US Special Operations Command). Biệt kích SEAL thường xuyên triển khai chiến dịch trên khắp thế giới nhằm bảo vệ các lợi ích của Mỹ. Tổng cộng có 2.500 thành viên trong lực lượng SEAL và họ lấy tên gọi này vì có môi trường hoạt động cả trên biển, trên không và trên đất liền. Nhưng SEAL vẫn có kỹ năng nổi trội hơn cả trong các chiến dịch trên biển và họ được biết đến nhiều nhất trong quân đội Mỹ vì chiến thuật này. Các sứ mệnh của SEAL có thể đa dạng từ chiến đấu, chống khủng bố đến giải cứu con tin. Một cựu thành viên kỳ cựu của SEAL có tên Don Shipley nói với BBC: "Để trở thành thành viên của SEAL, bạn cần phải có tố chất vượt trội như khả năng quan sát, trí thông minh cao hơn bình thường và sức chịu đựng ghê gớm". Lực lượng đặc nhiệm này cũng nổi tiếng vì tiêu chuẩn lựa chọn và huấn luyện khắt khe bậc nhất trên thế giới, với tỷ lệ ứng viên bị loại trong quá trình đào tạo là 80 đến 85%. Stew Smith, một cựu thành viên SEAL trong suốt 8 năm cung cấp thông tin cho những ai muốn gia nhập biệt đội này. Anh cho biết trong 6 tháng đầu huấn luyện, các thành viên phải trải qua nhiều kỹ năng khó, đặc biệt là kỹ thuật tấn công cơ bản dưới mặt nước (Buds). Kỹ năng này gồm một giai đoạn hành động kéo dài liên tục trong 120 tiếng, bao gồm cả bơi, chạy, vượt chướng ngại vật, lặn và định vị mục tiêu. Khoá huấn luyện Buds mới đây của SEAL đã loại tới 190 trong tổng số 245 người được tuyển mộ ban đầu. Sau khi trải qua giai đoạn đào tạo này, những người còn trụ lại được sẽ chính thức trở thành thành viên của biệt đội hải quân Mỹ. Nhưng họ vẫn cần thêm 12 tháng huấn luyện chung với các đồng đội, trước khi có thể được giao nhiệm vụ, theo lời Stew Smith. Biệt kích SEAL hoạt động cả trên biển, trên không và trên bộ. Ảnh: Navy. Đơn vị tiền thân của SEAL có từ Chiến tranh thế giới thứ II là lực lượng chuyên phá huỷ mục tiêu của đối phương do hải quân Mỹ tổ chức, với kỹ năng chiến đấu đặc biệt là đổ bộ tấn công từ tàu. Lực lượng này từng tham gia cuộc tiến chiếm Bắc Phi năm 1942. Sự phát triển của SEAL đi tới bước ngoặt kể từ sau sự kiện Tổng thống Mỹ John Kennedy công bố gói kinh phí trị giá 100 triệu USD, nhằm tăng cường sức mạnh các đơn vị đặc nhiệm của nước này trong những năm 60 của thế kỷ trước. Sau đó biệt kích SEAL đã được tung vào hàng loạt các chiến trường từ Việt Nam, Grenada tớ Panama. Trong những năm gần đây, lực lượng SEAL thường xuyên tham gia các sứ mệnh tại chiến trường Afghanistan và Iraq. Tuy nhiên, vai trò của biệt đội này trong vụ tiêu diệt trùm khủng bố Al-Qaeda Osama bin Laden sẽ là chương mới trong lịch sử đặc nhiệm Mỹ, do biệt đội tinh nhuệ nhất của SEAL là ST6 thực hiện.
[BDV news]
|
Nhãn:
Afghanistan,
Bắc Phi,
Biệt đội ST6,
Biệt kích Mỹ,
Iraq,
Lực lượng đặc nhiệm SEAL,
Mật danh Geronimo,
Osama bin Laden,
Quân đội Mỹ,
SEAL Team Six,
Trùm Al-Qaeda
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)
Chuyên mục Quân Sự
Hải quân Trung Quốc
(263)
Hải quân Mỹ
(174)
Hải quân Việt Nam
(171)
Hải quân Nga
(113)
Không quân Mỹ
(94)
Phân tích quân sự
(91)
Không quân Nga
(83)
Hải quân Ấn Độ
(54)
Không quân Trung Quốc
(53)
Xung đột biển Đông
(50)
Không quân Việt Nam
(44)
tàu ngầm
(42)
Hải quân Nhật
(33)
Không quân Ấn Độ
(16)
Tàu ngầm hạt nhân
(15)
Hải quân Singapore
(12)
Xung đột Iran - Israel
(12)
Không quân Đài Loan
(9)
Siêu tên lửa
(8)
Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
(7)
Tranh chấp biển Đông
(7)
Xung đột Trung - Mỹ
(4)
Xung đột Việt-Trung
(2)