Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Al-Qaeda

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Al-Qaeda. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Al-Qaeda. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

>> Mỹ đột kích chỉ huy Al-Qaeda



Phi cơ không người lái của Mỹ hôm qua tấn công nhằm tiêu diệt một chỉ huy cao cấp của Al-Qaeda tại Yemen nhưng bất thành, chỉ ít ngày sau vụ biệt kích bắn chết trùm tổ chức khủng bố này là Bin Laden.





Anwar al-Awlaki đang chỉ huy chi nhánh của al Qaeda trên bán đảo Ảrập. Ảnh: AP.


BBC dẫn lời Bộ Quốc phòng Yemen cho biết, máy bay Mỹ bắn tên lửa vào một chiếc xe hơi chở hai người đàn ông tại tỉnh Shabwa. Giới chức Mỹ thì tiết lộ với kênh truyền hình CBS rằng mục đích của vụ oanh kích là tiêu diệt Anwar al-Awlaki, một trong những thủ lĩnh có ảnh hưởng nhất trong Al-Qaeda.

Nhưng cảnh sát Yemen xác định al-Awlaki không ngồi trong chiếc xe. Hai người đàn ông thiệt mạng vì tên lửa bắn là anh em ruột và đều là chỉ huy cấp trung của mạng lưới Al-Qaeda. Các nguồn tin khác cho biết, máy bay không người lái bắn 3 tên lửa vào chiếc xe của al-Awlaki ngày 5/5, nhưng không trúng. Sau đó ông ta đổi xe cho hai anh em và họ đã bị giết trong cuộc tấn công hôm qua.

Hồi tháng 5/2010, máy bay Mỹ từng bắn vài quả tên lửa vào một xe hơi vì tưởng al-Awlaki ngồi trong đó, song người thiệt mạng là một phái viên của tổng thống Yemen. Tháng 9 cùng năm, Ngoại trưởng Yemen tuyên bố những vụ tấn công bằng phi cơ không người lái của Mỹ sẽ không được phép thực hiện nữa.

Anwar al-Awlaki sinh tại Mỹ là một giáo sĩ cấp tiến người Yemen được coi là "gian ác" hơn cả trùm khủng bố Osama bin Laden mới bị tiêu diệt. Hiện ông ta đứng đầu chi nhánh Al-Qaeda trên bán đảo Ảrập và là chi nhánh thực hiện nhiều vụ khủng bố nhất của Al-Qaeda.

Trước đó vài ngày, biệt kích Mỹ đã âm thầm từ Afghanistan sang đột kích khu nhà tại thị trấn Abbottabad của Pakistan, tiêu diệt Osama bin Laden, mà không thông báo cho giới chức nước chủ nhà. Sau đó Mỹ đưa xác Bin Laden ra biển Ảrập để thuỷ táng và không cho công bố các bức ảnh liên quan. Vụ đột kích đang gây chia rẽ mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Pakistan.


[BDV news]


Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

>> 'Người thừa kế' số 1 của Bin Laden (kỳ cuối)



Trong tương lai không xa, al-Awlaki có thể sẽ trở thành tên trùm khủng bố nguy hiểm nhất thế giới trong thời kỳ "Hậu bin Laden".



Kỳ cuối: Biểu tượng mới của cái khủng bố thời kỳ hậu bin Laden
Biến người Mỹ thành chiến binh cực đoan
Gần 3 năm trước, al-Awlaki chính thức tuyên bố đã gia nhập al-Qaeda và chỉ sau một thời gian ngắn, đã trở thành lãnh đạo chi nhánh cảu tổ chức tại bán đảo Arab.

Vai trò chính của al-Awlaki là tuyển dụng các thành viên mới cho mạng lưới al-Qaeda, đặc biệt là những thành viên thuộc khối các quốc gia nói tiếng Anh.

al-Awlaki đã truyền bá tư tưởng cực đoan cho một số phần tử, đặc biệt là người Mỹ, và xúi giục họ thực hiện những cuộc khủng bố ngay trong nước hoặc tham gia vào các mạng lưới khủng bố nước ngoài.

Một trong những vụ khủng bố đẫm máu nhất có liên quan đến al-Awlaki là vụ nổ súng tại Fort Hood vào ngày 5/11/2009 khiến 13 người thiệt mạng và 32 người bị thương.

Kẻ trực tiếp gây ra vụ thảm sát này là Nidal Malik Hasan, một bác sỹ tâm thần và là Thiếu tá Quân đội Mỹ. Tuy nhiên, các điều tra viên xác định al-Awlaki mới là kẻ chủ mưu thực sự. Bởi trước khi xảy ra vụ khủng bố, al-Awlaki đã trao đổi với Hasan qua email hàng chục lần để chuẩn bị cho kế hoạch này.



Nidal Malik Hasan (phải), kẻ đã thực hiện vụ nổ súng Fort Hood, là một trong những môn đệ của Anwar al-Awlaki. Ảnh: AP.


Sau sự kiện trên, al-Awlaki tiết lộ đã gặp Hasan vào năm 2001 khi còn làm thầy tế tại nhà thờ Hồi giáo Dar al-Hijrah, Virginia, Mỹ. al-Awlaki gọi Hasan là một trong những môn đệ của mình và ngợi ca người này là người anh hùng của thế giới Hồi giáo.

CIA cũng đưa ra các bằng chứng cho thấy al-Awlaki ã từng tiếp xúc và có nhiều ảnh hưởng với Faisal Shahzad, một người Pakistan gốc Mỹ. Nhiều khả năng, chính al-Awlaki đã xúi giục Shadzad tiến hành vụ đánh bom xăng tại Quảng trường Thời đại, nhưng âm mưu này đã không thành công.

Sharif Mobley, một công dân Mỹ bị bắt tại Yemen vì những cáo buộc có liên quan đến al-Qaeda, cũng khai nhận rằng thường xuyên trao đổi với al-Awlaki qua email và chịu nhiều tác động từ tư tưởng cực đoan của ông ta.

Khi người Mỹ nhận ra những thủ đoạn của al-Awlaki thì cũng đã không còn kịp nữa, bởi quá trình “nội địa hóa” các tín đồ Hồi giáo trên đất Mỹ đã diễn ra tương đối rộng. Lúc này đây, đã tới lúc chính quyền của ông Barack Obama phải hành động.

Lệnh tiêu diệt của Washington
Nước Mỹ đã đưa ra tuyên bố”Anwar al-Awlaki là tên trùm khủng bố toàn cầu đặc biệt nguy hiểm”, tất cả tài sản của ông ta tại Mỹ bị phong tỏa và những ai có dính líu tới al-Awlaki đều bị điều tra nghiêm ngặt.

Chỉ ít ngày sau, hai gói bưu phẩm bị nghi ngờ có bom đã được gửi tới Chicago từ Yemen thay cho lời thách thức của al-Awlaki dành cho người Mỹ.

Trước những nguy cơ về một vụ 11/9 mới, ông Barack Obama đã ủy quyền cho CIA tìm và tiêu diệt al-Awlaki. Mặc dù vậy, quyết định này đã khiến cho một số cơ quan luật pháp nước ngoài cảm thấy bất bình vì người Mỹ dường như đang đi quá quyền hạn của mình.


Thế giới vẫn chưa thể mừng vui sau cái chết của Osama bin Laden, bởi lẽ vẫn còn đó những kẻ như al-Awlaki sẵn sàng kế tục sự nghiệp của hắn. Ảnh: AP.


Ông Nasser al-Awlaki, cha đẻ của Anwar al-Awlaki, vẫn nhất mực tin tưởng rằng con trai mình không phải là khủng bố như cáo buộc của Mỹ. Ông quyết định kiện chính quyền của ông Obama vì đã đưa con trai mình vào danh sách những người bị tuyên án tử hình mà không qua xét xử.

Tuy nhiên, đơn kiện của ông đã bị bác bỏ vào ngày 7/12/2010 bởi lý do tổng thống Mỹ có quyền tuyên án một công dân Mỹ mà không cần thông qua bất kì thủ tục pháp lý nào mà chỉ cần dựa vào khẳng định người đó là một thành phần khủng bố.

Tháng 1/2011, các nhà chức trách Yemen đã xét xử vắng mặt al-Awlaki vì những cáo buộc có liên quan đến nhiều cuộc tấn công vũ lực với người nước ngoài và gây ra cái chết của một nhân viên bảo vệ người Pháp ở một công ty khai thác dầu. Kết thúc phiên tòa, al-Awlaki bị kết án 10 năm tù giam.

Hiện tại, al-Awlaki bị nghi ngờ là đang lẩn trốn tại miền núi của Shabwa và Marib, dưới sự bảo hộ của bộ tộc hùng mạnh Awalik sinh sống. Bộ tộc này từng tuyên bố sẽ không bao giờ hợp tác với Mỹ để sát hại Anwar al-Awlaki.

Rõ ràng, hiểm họa khủng bố vẫn còn bao trùm trên toàn thế giới kể cả khi Osama bin Laden đã chết. Bởi lẽ, ông trùm khủng bố có thể chết nhưng giấc mơ “Thánh chiến” vẫn còn đó và những người "kế tục" như al-Awlaki.

Với một người từng sống và hiểu rõ về phương Tây, trong tương lai không xa, al-Awlaki còn thể nguy hiểm hơn.

[BDV news]


Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

>> Mật danh Geronimo



Mật danh của chiến dịch truy sát trùm khủng bố Osama bin Laden chính là tên của một thủ lĩnh da đỏ từng khiến chính giới Mỹ đau đầu trong thế kỷ 19.





Thủ lĩnh người da đỏ Geronimo. Ảnh: National Archives.


Geronimo là tên một chiến binh da đỏ thuộc bộ lạc Apache - bao gồm những người từng sống ở phía tây nam nước Mỹ và phía bắc Mexico. Cái tên này nổi tiếng trong lịch sử Mỹ và gợi lên hình ảnh miền Tây hoang dã của nước này trong dĩ vãng.

Trong một bức ảnh được biết đến nhiều nhất về Geronimo chụp năm 1887, người xem thấy ông ném một cái nhìn đầy thách thức vào ống kính khi hai bàn tay nắm chặt khẩu súng trường. Đó là một chiến binh không hề biết tới cảm giác sợ hãi, người đã lãnh đạo một nhóm chiến binh Apache chống lại người da trắng.

Trùm khủng bố Osama bin Laden bị lính đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt tại Pakistan vào tối 30/4. Cụm từ mà người chỉ huy nhóm biệt kích hô lên sau khi đã tiêu diệt được Bin Laden là “Geronimo EKIA”. EKIA được viết tắt của cụm từ Enemy Killed In Action, nghĩa là kẻ thù bị tiêu diệt trong lúc giao chiến.

Nhưng giới chức Mỹ không đưa ra lời giải thích về việc tại sao họ đặt tên chiến dịch truy sát Osama bin Laden là Geronimo và có thể họ sẽ không bao giờ đưa ra lý giải.

Trong khi đó, nỗ lực săn đuổi thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đã gắn liền với hình ảnh chiến binh Geronimo trong quá khứ ngay từ năm 2001. Tổng thống George W Bush khi đó tuyên bố Mỹ sẽ bắt được Bin Laden dù “còn sống hay đã chết”. Hình ảnh trùm khủng bố khiến người ta liên tưởng tới một chiến binh da đỏ thời xưa và khu vực biên giới Pakistan là miền tây hoang dã.

Theo BBC, Osama bin Laden vốn được gọi là “Geronimo của thế kỷ 21, người tìm mọi cách để trốn tránh lính Mỹ ở một nơi nào đó trong dãy núi khô cằn giống như dãy núi Sierra Madre ở miền tây nước Mỹ”. Sierra Madre là nơi mà Geronimo cùng đội quân thổ dân của ông trú ngụ để lẩn tránh lính da trắng trong suốt một thời gian dài cuối thế kỷ 19.

Vào năm 2001, khi nói tới việc lực lượng Mỹ truy bắt Osama bin Laden trong những khu vực núi non có nhiều bộ lạc của Afghanistan, Allan R Millet, một đại tá thủy quân lục chiến đã nghỉ hưu, nói: “Việc đó giống như bắn nhiều tên lửa vào Geronimo. Họ có thể bắt vài chiến binh Apache, nhưng tình hình chẳng thay đổi”.

Geronimo chào đời vào năm 1829 tại bang New Mexico ngày nay. Là một trong những thủ lĩnh của bộ tộc thổ dân Apache, ông thừa hưởng tinh thần chống lại sự tâm xâm lấn đất đai của người da trắng tới từ châu Âu. Ông trở thành huyền thoại nhờ lòng can đảm vô song và những cuộc chiến đẫm máu.

Vị thủ lĩnh bộ lạc Apache bắt đầu nổi tiếng từ khi ông chống lại các cuộc tấn công của lính người Mexico. Một đội quân Mexico giết nhiều người thân trong gia đình Geromino khi họ đột kích làng mà ông sống. Từ đó Geronimo thề rằng ông sẽ tiêu diệt lính Mexico mỗi khi thấy họ.

Ý thức được khả năng chiến đấu xuất sắc của Geronimo, năm 1872 chính phủ Mỹ đưa ông và vài trăm người Apache vào một khu bảo tồn thuộc bang Arizona. Bốn năm sau, Geronimo cùng một đoàn người chạy ra khỏi khu bảo tồn và trốn vào dãy núi Sierra Madre, thuộc bang California ngày nay. Tại đây họ tấn công tất cả những người da trắng vô tình đi ngang qua.

Chính phủ Mỹ tuyên bố Geronimo là kẻ phản bội. Trong một thập kỷ sau đó, Geronimo đồng ý trở lại khu bảo tồn nhiều lần. Nhưng mục đích chính của ông trong những lần quay lại là thuyết phục những người Apache trong khu bảo tồn theo ông vào núi chiến đấu.

Mai phục trong các hang và hai bên những con đường lên núi, đội quân thổ dân Apache do Geronimo chỉ huy đã giết chết khoảng 5.000 lính Mỹ trước khi vị thủ lĩnh này bị giết vào năm 1886. Lính Mỹ tìm ra nơi ẩn náu của Geronimo nhờ theo dõi những chiến binh làm nhiệm vụ trinh sát và đưa tin của ông.

Tuy nhiên, mặc dù Geronimo từng được coi là kẻ thù của nước Mỹ, tên của ông lại được đặt cho hai đơn vị đặc nhiệm của nước này. Đó là tiểu đoàn lính dù số 1 thuộc trung đoàn 509 và tiểu đoàn lính dù số 501. Tên bộ tộc Apache của ông cũng được đặt cho loại trực thăng chiến đấu phổ biến bậc nhất của quân đội Mỹ.

Chiến dịch lùng diệt Osama bin Laden ngày nay mang nhiều chi tiết giống vụ hạ sát thủ lĩnh thổ dân Geronimo hơn một thế kỷ trước, nên việc chiến dịch mang mật danh này cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nhiều người gốc thổ dân tại Mỹ đang phản đối quân đội dùng Geronimo làm mật danh điệp vụ tấn công trùm khủng bố.

[Vnexpres news]


>> Obama theo dõi vụ Bin Laden như thế nào



Những tiến bộ trong công nghệ quân sự giúp Tổng thống Barack Obama cùng các quan chức cao cấp Mỹ không bỏ lỡ giây nào trong điệp vụ tiêu diệt trùm mạng khủng bố Al-Qaeda, từ khoảng cách xa nhiều nghìn km.



Tập trung đông đủ tại Phòng tình huống nằm sâu bên trong Nhà Trắng, ông Obama cùng những phụ tá thân cận nhất theo dõi toàn bộ vụ tấn công tại Pakistan gần như theo "thời gian thực". Các thông tin thuyết minh cho chiến dịch được đích thân giám đốc CIA thực hiện.

Nhóm biệt kích SEAL của hải quân Mỹ sử dụng những máy quay nhỏ gắn trên mũ, để truyền hình ảnh vụ tấn công về trung tâm chỉ huy của tổng thống Mỹ tại Washington và trụ sở Cục tình báo trung ương (CIA) tại Virginia. Khi họ rời các máy bay trực thăng để đột kích ngôi nhà của Bin Laden, các camera tối tân cũng bắt đầu hoạt động.




Toàn bộ quá trình hình ảnh được truyền từ thị trấn Abbotabad ở Pakistan về Phòng Tình huống ở Nhà Trắng để Tổng thống Obama có thể theo dõi. Đồ họa: Telegraph


Các hình ảnh được truyền đi từ những máy quay này tới đơn vị xử lý đặt trên một trong những chiếc trực thăng tham gia chiến dịch, khi ấy đang lượn vòng bên trên khu nhà của kẻ trùm sò Al-Qaeda. Sau đó, hình ảnh được truyền từ đây lên một vệ tinh của Mỹ, trước khi được đưa về Washington và Virginia.

Công nghệ truyền dẫn hình ảnh được phát triển cho mục đích quân sự vào năm 2008 này, hoạt động tương tự như cách mà Skype sử dụng cho hệ thống điện thoại Internet rất phổ biến hiện nay. Một phiên bản bảo mật cao của công nghệ này được Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt Mỹ (USSOCOM) mua lại để sử dụng trong nhiều điệp vụ và cuộc tấn công tối mật ở Afghanistan.

Ban đầu, người ta cho rằng Tổng thống Obama theo dõi được các hình ảnh trực tiếp truyền về từ Pakistan. Tuy nhiên, Giám đốc CIA Leon Panetta sau đó xác nhận rằng có một độ trễ nhỏ trong việc truyền hình ảnh, và điều này góp phần làm tăng sự căng thẳng tại Phòng Tình huống ở Nhà Trắng và trụ sở CIA.

"Khi nhóm biệt kích bắt đầu tấn công khu nhà của Bin Laden, có một khoảng thời gian chừng 20 tới 25 phút chúng tôi thực sự không biết chính xác điều gì đang xảy ra ở đó. Đó là những giây phút căng thẳng vì phải chờ đợi thông tin. Nhưng cuối cùng Đô đốc William McRaven đã liên lạc và cho biết rằng ông nhận được mật danh Geronimo truyền đi từ nhóm biệt kích", giám đốc CIA kể lại.

Khi những người tại Nhà Trắng và trụ sở CIA được xem những hình ảnh chậm hơn ít phút so với những gì thực tế xảy ra qua các màn hình lớn, một không khí căng thẳng và hồi hộp bao trùm. Tổng thống Obama ngồi gần màn hình, với một bộ đồ bình thường và đôi mắt chăm chú theo dõi mọi diễn biến. Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton thậm chí còn hồi hộp hơn, khi đưa tay lên che nửa mặt trong suốt thời gian xem những hình ảnh được truyền về từ một nơi cách xa tới hơn 11.000 km.

Giám đốc CIA Panetta bình luận trực tiếp chiến dịch tiêu diệt bin Laden từ tổng hành dinh tại Langley, Virginia. Ông sử dụng mật danh Geronimo để chỉ trùm khủng bố. Khi Bin Laden bị tiêu diệt với một viên đạn găm vào phía trên mắt trái, Panetta xác nhận "Geronimo EKIA", có nghĩa là "Geronimo, kẻ thù vừa bị tiêu diệt trong khi kháng cự".


Tổng thống Obama và những người thân cận theo dõi các hình ảnh được truyền về từ Pakistan. Ảnh: Telegraph


Sau khi chiến dịch hoàn tất, việc Tổng thống Obama trực tiếp theo dõi từng diễn biến tại Pakistan từ Nhà Trắng mới được báo chí loan báo. Thực tế là để có 40 phút tấn công chóng vánh và hiệu quả, người Mỹ đã phải chuẩn bị vô cùng công phu.

Nhóm biệt kích SEAL của hải quân Mỹ nhận được lệnh bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc tấn công bất ngờ để lùng bắt một mục tiêu mang mật danh Geronimo (theo tên chiến binh thổ dân Mỹ huyền thoại). Họ thậm chí đã tiến hành hai cuộc tập dượt với một hình nộm giống hệt Bin Laden trong một căn cứ quân sự.

Tổng cộng có 79 lính biệt kích SEAL tinh nhuệ nhất được điều động tham gia điệp vụ tại Pakistan, cùng với 4 trực thăng, trong đó có hai chiếc làm nhiệm vụ hỗ trợ. Nhóm biệt kích trú tại một căn cứ của Mỹ tại Jalalabad, Afghanistan, và chỉ vượt qua biên giới để vào Pakistan vào buổi tối theo giờ địa phương.

Cuộc đột kích chóng vánh đã tiêu diệt trùm khủng bố khét tiếng Osama bin Laden cùng một số người khác làm nhiệm vụ bảo vệ y. Trong một phát biểu sau khi vụ tấn công kết thúc, Tổng thống Mỹ Obama nói: "Công lý đã được thực thi". Để có được câu nói ngắn gọn này, Mỹ đã sử dụng những công nghệ tối tân nhất hiện nay và hơn một thập kỷ kiên trì theo dấu Osama bin Laden.

[Vnexpress news]


Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

>> Ai thủ lợi từ cuộc chiến Libya?



[Internet] Các chuyên gia quốc tế cho rằng không khó để xác định những nước kiếm lợi từ cuộc chiến đang diễn ra ác liệt ở Libya.

Theo chuyên gia về Trung Đông và Bắc Phi Pepe Escobar của báo Asia Times, Nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ đã mở đường cho phương Tây và đồng minh bảo vệ một lực lượng vũ trang chống chính phủ. Ông này nhận định ngay cả “con nít” cũng biết rõ mục tiêu của chiến dịch quân sự là nhằm lật đổ chính phủ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. 

 Chỉ huy chiến dịch Libya của NATO, trung tướng Charles Bouchard có thể quả quyết rằng sứ mệnh mà khối này vừa chính thức cầm trịch chỉ nhằm bảo vệ thường dân vô tội. Chỉ có điều những “thường dân vô tội” này lại lái xe tăng, bắn súng AK và giao tranh quyết liệt với quân chính phủ. Mặt khác, liên quân cũng chỉ bao gồm 12/28 nước thành viên NATO cộng với Qatar. 

Theo các chuyên gia, ít ra cho đến thời điểm này, người ta có thể dễ dàng nhận ra những bên hưởng lợi trong cuộc chiến ở Libya. Đó là Mỹ, NATO, Ả Rập Xê Út, Qatar, Pháp, Anh, các tập đoàn nước ngoài và thậm chí cả al-Qaeda.  

Mỹ: Cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã liệt kê 3 nước bị cho là “bất hảo” ở Trung Đông và Bắc Phi là Iran, Syria và Libya. Trong chiến dịch lần này, Lầu Năm Góc nhắm vào mắt xích yếu nhất là Libya. 




Theo Asia Times, cuộc chiến Libya chính là cuộc vận hành thử nghiệm của Bộ Tư lệnh châu Phi (Africom), vốn được thành lập dưới thời Tổng thống George W.Bush và được chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama củng cố. Đây là cuộc chiến đầu tiên của lực lượng Mỹ mà Africom chịu trách nhiệm trực tiếp điều hành. Đại bản doanh của Bộ Tư lệnh này lại đặt tại thành phố Stuttgart (Đức) do không quốc gia châu Phi nào chịu “chứa chấp”. Ngoài Libya, những nước châu Phi bị đặt vào tầm ngắm của Africom còn có Sudan, Bờ Biển Ngà, Eritrea và Zimbabwe.

Horace Campbell, giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Syracuse (Mỹ) thì nhận định chiến dịch của Africom “về cơ bản là mặt trận của các nhà thầu quân sự Mỹ như Dincorp, MPRI và KBR đang hoạt động ở châu Phi”. Báo The Times hôm 30.3 dẫn các nguồn tin riêng cho biết Mỹ có thể huy động lực lượng “quân đội tư nhân” này sang Libya để tránh vi phạm cam kết không đưa bộ binh vào cuộc chiến.

NATO: Chiến dịch Libya chính là cơ hội để NATO biến Địa Trung Hải thành “ao nhà”. Đến nay, chỉ còn 3 nước ven Địa Trung Hải chưa là thành viên đầy đủ hoặc nằm trong danh sách đối tác của NATO. Đó là Libya, Li-băng và Syria. Sau Libya, rất có thể Syria là mục tiêu tiếp theo còn Li-băng bị NATO phong tỏa từ năm 2006. 

Ả Rập Xê Út: Nếu ông Gaddafi ra đi, Quốc vương Abdullah của Ả Rập Xê Út sẽ bớt được một đối thủ đáng gờm trong khu vực. Theo báo Daily Mail, không lâu trước khi liên quân do Mỹ dẫn đầu tiến vào Iraq năm 2003, ông Gaddafi đã tranh cãi nảy lửa với ông Abdullah, khi đó còn là thái tử, tại một hội nghị cấp cao của khối Ả Rập xung quanh tính hợp pháp của cuộc chiến. Ông Abdullah ủng hộ hành động của phương Tây trong khi ông Gaddafi cực lực phản đối. Đến năm 2004, Ả Rập Xê Út tuyên bố phá được một âm mưu ám sát Thái tử Abdullah mà họ cho là có liên quan đến Libya.

Chuyên gia Escobar cho biết Ả Rập Xê Út là nước quảng bá mạnh mẽ việc Liên đoàn Ả Rập “nhất trí” kêu gọi thành lập vùng cấm bay trên không phận Libya. Trên thực tế, chỉ 11/22 nước thành viên của tổ chức này tham gia biểu quyết, trong đó có 6 nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh do Ả Rập Xê Út thống lĩnh. Algeria và Syria thì bỏ phiếu chống. Nghĩa là chỉ có 9/22 thành viên Liên đoàn Ả Rập ủng hộ thành lập vùng cấm bay.

Qatar: Quyết định gửi 2 máy bay chiến đấu tham gia thực thi vùng cấm bay ở Libya được đưa ra trong khi Qatar tìm cách tiếp cận nguồn dầu lửa ở miền đông Libya. Việc chính thức công nhận Hội đồng Quốc gia lâm thời do lực lượng chống đối thành lập được Qatar đưa ra một ngày sau khi nước này giành quyền tiếp thị dầu lửa được khai thác ở miền đông Libya, theo Asia Times.

Pháp: Asia Times dẫn lời giới quan sát đánh giá vùng cấm bay là cơ hội để Pháp quảng bá các mẫu máy bay chiến đấu Mirage và Rafale trên thị trường vũ khí thế giới. Ngoài ra, còn phải kể đến sự phẫn nộ của Pháp trước việc ông Gaddafi hủy bỏ các hợp đồng mua máy bay chiến đấu Rafale và hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân do nước này thiết kế. Nhiều ý kiến khác cho rằng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy muốn gỡ thể diện sau khi bị chỉ trích là phản ứng chậm và yếu ớt trong vụ chính biến tại Tunisia và Ai Cập cũng như tranh thủ cử tri cho các kỳ bầu cử quan trọng. Pháp là nước đầu tiên công nhận Hội đồng Quốc gia lâm thời của phe chống đối và là nước đầu tiên dội bom xuống Libya.

Anh: Cùng với Pháp, Anh là nước ủng hộ mạnh mẽ việc thiết lập vùng cấm bay ở Libya và khẳng định từ đầu là ông Gaddafi phải ra đi. Theo Daily Mail, 2 nước đã có “hận thù” từ lâu sau khi London cáo buộc Tripoli ủng hộ tài chính và huấn luyện các tay súng thuộc Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA). Quan trọng hơn phải kể đến vụ đánh bom chiếc máy bay của hãng Pan Am trên bầu trời Lockerbie (Scotland) hồi năm 1988 làm 270 người thiệt mạng. Ngoại trưởng vừa đào tẩu của Libya Moussa Koussa, khi đó còn là một lãnh đạo tình báo, bị cáo buộc là người đã vạch kế hoạch đánh bom. Ông Koussa cũng bị coi là mắt xích quan trọng giữa ông Gaddafi và kẻ thực hiện vụ đánh bom tên Abdulbaset Al Megrahi.

Al-Qaeda: Theo báo Telegraph, một thủ lĩnh của phe chống đối ở Libya là Abdel-Hakim al-Hasidi, vốn từng cùng Taliban đánh Mỹ ở Afghanistan, xác nhận rằng ông ta đã chiêu mộ được khoảng 25 “chiến binh tử vì đạo” ở miền đông Libya để đánh Mỹ ở Iraq và một số trong những người này “hiện đang chiến đấu ở thành phố Adjabiya”. Tờ The Washington Post thì đưa tin Mỹ đang tích cực làm rõ thông tin tình báo rằng có sự hiện diện của al-Qaeda giữa các tay súng thuộc quân chống đối ở Libya. Đó là chưa kể nghi ngờ về việc lực lượng chống Chính phủ Libya bán vũ khí cho Hamas và Hezbollah.

Trước đó, Tổng thống Idriss Deby của Chad, nước láng giềng phía nam Libya, quả quyết rằng các phần tử có liên hệ với al-Qaeda đã đột nhập nhiều kho vũ khí ở Cyrenaica, miền đông Libya và có thể đã cướp được một số tên lửa đất đối không. Đầu tháng 3, nhóm al-Qaeda ở vùng Maghreb, một chi nhánh của mạng lưới khủng bố khét tiếng, đã lên tiếng ủng hộ lực lượng chống Chính phủ Libya.

RIA Novosti dẫn lời Giám đốc Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí thế giới của Nga Igor Korotchenko cũng cảnh báo rằng những tên lửa đất đối không MANPADS mà quân đội Libya trang bị cho dân chúng cũng như những vũ khí mà phe chống đối chiếm được có thể rơi vào tay các phần tử khủng bố.

Các tập đoàn kinh doanh nước: Ít người biết rằng phía đông sa mạc Sahara chứa một bể nước ngầm khổng lồ có tên Hệ thống ngậm nước Nubian Sandstone (NSAS). Các nhà khoa học ước tính rằng trữ lượng nước ngọt của “đại dương ngầm” lớn nhất thế giới này tương đương với lượng nước chảy qua sông Nil trong 200 năm. Có diện tích bề mặt 2 triệu km2, NSAS trải dài qua 4 nước Suadan, Chad, Ai Cập và Libya, trong đó Libya và Ai Cập chiếm phần lớn nhất. Năm 1984, ông Gaddafi chính thức cho khởi công xây dựng tuyến đường ống dẫn nước khổng lồ GMMRP dài 4.000 km để lấy nước từ NSAS. Công trình này được hoàn thành theo từng phần và đến năm 2007, nó đã có thể cung cấp nước ngọt cho Tripoli, Benghazi và toàn bộ khu vực duyên hải của Libya.

Theo Asia Times, chi phí xây dựng GMMRP là 25 tỉ USD và ông Gaddafi từng tuyên bố số tiền này hoàn toàn từ ngân sách quốc gia chứ chính phủ không hề vay mượn từ Quỹ Tiền tệ quốc tế hay Ngân hàng Thế giới. Giới quan sát cho rằng các tập đoàn nước Veolia, Suez Ondeo và Saur của Pháp, vốn đang kiểm soát 40% thị trường nước ngọt thế giới, rất muốn giành quyền khai thác nguồn tài nguyên chiến lược này của Libya.

Ngoài ra còn phải kể đến các bên nhằm vào trữ lượng dầu khí khổng lồ của Libya. Với nguồn dự trữ 46,5 tỉ thùng, Libya là nền kinh tế dầu mỏ lớn nhất châu Phi, xếp trên Nigeria và Algeria. Tập đoàn dầu mỏ quốc gia (NOC) của Libya nằm trong top 25 trong danh sách 100 công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, theo website Globalresearch.ca.


Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

>> Lafontaine "Chó Sói và Cừu non Libya"



[bee news] Truyện kể rằng Sói đang uống nước trên đầu nguồn, chợt thấy một con Cừu non đang uống nước dưới chân suối, liền tiến lại gần giận dữ: "Cừu non sao dám làm bẩn đục dòng nước của tao?" Cừu phân trần rằng nó chỉ uống nước thấp dưới chân Sói, và nước không thể chảy ngược lại đầu nguồn. Sói giận điên lên, bảo rằng "Hơn sáu tháng trước mày đã nói xấu tao". Thưa ông “Lúc đó tôi còn chưa sinh ra”. Cừu non chưa kịp phân trần thì nó đã nằm trong bụng sói.

Sau gần 400 năm, câu truyện ngụ ngôn xưa của Lafontaine được đương kim tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy dàn dựng thành kịch bản có thật.

Vào hồi 16h45 GMT (tức 23h45 theo giờ Việt Nam) Pháp đã sử dụng 20 máy bay chiến đấu oanh tạc Libya, khởi đầu chiến dịch "Odyssey Dawn". Lực lương liên quân (gồm Mỹ, Pháp, Anh, Canada và Italy) hiện đang sử dung khoảng 25 tầu chiến và tầu ngầm cùng nhiều máy bay chiến đấu hiện đại nhất áp sát bờ biển để tấn công Libya. Đã có hàng trăm quả tên lửa Tomahawk được phóng đi và đã hủy diệt toàn bộ khả năng tự vệ của Libya. Một cuộc diễn tập hiệp đồng tác chiến đã có tiền "phạt vạ", bởi theo như thông báo, Mỹ và Anh đã phong tỏa hơn 50 tỷ đôla của Libya ở các ngân hàng của họ. Một cuộc trình diễn của các loại siêu máy bay tấn công tàng hình, tất cả các loại tầu ngầm chiến lược, tất cả các loại tên lửa hủy diệt, không khỏi không làm cho Nga và Trung Quốc chột dạ. Sau đợt thao diễn kỹ thuật này chắc chả có nước "nhỏ" nào dám đòi có chủ quyền. Một kiểu thực dân cũ đang được áp đặt trở lại.

Chỉ trong ngày đầu tiên không kích đã có hàng trăm người Libya bị chết và bị thương, số người bị chết và bị thương này nhiều hơn nhiều lần số người chết do xung đột phe phái nội bộ Libya. Số lượng người chết sẽ còn tăng hơn nhiều khi cuộc tấn công tiếp tục. Và lẽ dĩ nhiên sẽ chỉ có người Libya là bị chết thảm, bởi đây là một cuộc chiến tranh một phía, một cuộc chiến công nghệ cao mà người dân Libya không thể có khả năng chống cự. Những quả tên lửa được vệ tinh dẫn đường có khả năng san phẳng một thành phố chỉ trong tích tắc. Trong tác phẩm văn học nổi tiếng "Les Trois Mousquetaires" - Ba chàng ngự lâm pháo thủ, Alexandre Dumas, đã mô tả người Pháp không đánh kẻ đã rơi kiếm. Xem ra ông Sakozy không thạo binh kiếm lắm nên đã chọn kẻ không có kiếm để đâm cho chắc thắng. Người Pháp đang chờ đón một chiến thắng vinh quang do một người nhập cư mang lại. Một vinh quang với tên gọi "Odyssey Dawn" - Bản anh hùng ca về Cuộc thập tự chinh lúc bình minh.




Tổng thống Pháp Sarkozy ân cần đón tiếp đại tá Gaddafi tại Điện Élysée ngày 10-12-2007.


Việc làm của ông Sarkozy cũng không phải là không có tiền lệ. Mỹ đã qua mặt Nga đánh một đồng minh thân cận của họ là Nam Tư. Mỹ cũng đã bất chấp sự phản đối của Liên Hiệp Quốc, đánh Iraq và gây ra cái chết cho hơn 100 nghìn dân thường. Lý do mà người mỹ đưa ra nào là Iraq sản xuất vũ khí hủy diệt, vũ khí nguyên tử, nào là tiếp tay cho mạng lưới khủng bố toàn cầu Al-Qaeda... tất cả các "tội ác nghê tởm của Sadam Hussein" hóa ra đều chỉ là tin vịt, và rồi, do kẻ bị hại tức chính thể của ông Sadam đã không còn nên chẳng có ai đứng ra mà thanh minh với thế giới.

Còn nhớ đầu năm 2008, một toàn án liên bang Mỹ đã yêu cầu Libya chi trả hơn 6 tỉ USD bồi thường cho gia đình 7 nạn nhân Mỹ thiệt mạng trong vụ đánh bom một máy bay Pháp cách đây gần 20 năm. Libya cũng đã bị buộc phải bồi thường 2,7 tỷ USD do bị kết tội gài bom chuyến bay Pan Am trên bầu trời Lockerbie năm 1988, gài bom chuyến bay 772 của UTA ở Niger năm 1989. Sự thật ra sao thì khó mà biết được, nhưng một khi Cáo mà đã quy thì Cừu phải có tội, và Cừu thì cứ phải dùng tiền để chuộc tội; đấy là sự công bằng của Sói. Lần này số lượng thường dân bị chết dưới làm đạn của Liên quân là rất lớn, và chẳng tòa án nào dám xử cái tội giết người này, bởi Liên quân đã được Liên Hiệp Quốc cấp "Cota" xuất khẩu tội ác.


Pháp đã phát động chiến tranh ngay sau khi kết thúc hội nghị của liên minh quân sự quốc tế tại Paris (Pháp) vào lúc 21 giờ 45 phút ngày 19/3/2011 (giờ Việt Nam).


Phản ứng lại các cuộc không kích của Liên Quân, Phát ngôn viên chính phủ Libya tuyên bố: "Thay vì gửi các quan sát viên quốc tế đến giám sát lệnh ngừng bắn thì một liên minh các lực lượng quốc tế đã chọn hành động xâm lược quân sự." Chính phủ Libya cũng tái khẳng định việc tuân thủ lệnh ngừng bắn toàn diện. Tuy nhiên những tuyên bố này trở nên lạc lõng giữa những tiếng gầm rú của máy bay và tên lửa của Liên Quân.

So với các tình tiết trong câu truyện của Lafontaine, thì có lẽ ông Sarkozy hơi vội. Lý do mà ông Sarkozy đưa ra để lý giải cho việc vội vàng tấn công một quốc gia có chủ quyền và là thành viên của Liên Hiệp Quốc như Libya là nghĩa vụ lương tâm phải "bảo vệ sinh mạng người dân Libya, đáp ứng lời kêu gọi khẩn thiết của họ". Xem ra Lafontaine còn phải kính Sarkozy vài vái bởi ông Sarkozy đã đề cập tới lương tâm của Chó Sói trước khi xơi món thịt cừu.


Ông Gaddafi tuyên bố phân phát vũ khí để tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân


Suy cho cùng cái lỗi của Cừu là ở chỗ nó là món thịt cừu mà ai cũng thích, và như vậy cái "lỗi" của Libya là không thể phủ nhận. Với bờ biển Địa Trung Hải dài hơn 2000km, diện tích gần 2 triệu km2, dân số khoảng 6,5 triệu người; Libya là một vị trí chiến lược quân sự quan trọng trong khu vực. Libya là một quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn, đứng đầu Châu Phi, đứng thứ 9 trên thế giới. Dầu mỏ Libya có chất lượng cao, dễ khai thác (chi phí khai thác chưa đến 1 đôla cho một barrel, 117 lít). Hầu như tất cả dầu mỏ của Libya được vận chuyển qua Châu Âu với chi phí vận chuyên rất rẻ. Như vậy Libya là một mắt xích quan trọng trong bảo đảm chiến lược an ninh năng luợng đối với Châu Âu, và là đối trọng với nguồn cung dầu khí của Nga. Ngoài ra việc khống chế được Libya cũng sẽ khiến cho Nga mất đi những hợp đồng vũ khí nhiều tỷ đôla mỗi năm.

Có lẽ xét về phương diện kinh tế, và chiến lược quân sự thì ông Sarkozy đã có những tính toán cao tay, tuy nhiên còn quá sớm để mà phán xét về kết cục của cuộc chiến. Những suy nghĩ vội vàng về một hình thái quan hệ quốc tế mới thay cho những nguyên tắc đã tồn tại hàng nghìn năm về quyền tự quyết và chủ quyền quốc gia của các dân tộc rất có thể khiến cho thế giới lâm vào một cuộc đại chiến thế giới mới.


Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

>> Biệt kích Ai Cập xâm nhập Libya



Ai Cập đã cử một số người thuộc lực lượng biệt kích 777 sang Libya giúp lực lượng nổi dậy chống lại ông Gadhafi.

Hàng trăm lính biệt kích này ăn mặc thường phục huấn luyện cho lực lượng nổi dậy kỹ năng quân sự, truyền đạt kinh nghiệm đối phó với quân đội trung thành với ông Gadhafi.

Bên cạnh đó, cũng có một số lực lượng biệt kích của Anh (SAS) và Lực lượng đặc biệt của Mỹ xuất hiện tại Libya, chủ yếu là tháp tùng các quan chức ngoại giao nước này hoặc thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, theo dõi và giám sát những người cầm đầu lực lượng nổi dậy, bị tình nghi là có dính dáng tới Al-Qaeda.



Biệt kích 777 là lực lượng chuyên đổ bộ đường không.

Bất cứ sự can dự của Ai Cập vào Libya đều được thực hiện rất cẩn thận. Hai nước từng giao tranh với nhau trong cuộc chiến tranh kéo dài 3 ngày năm 1977.

Nguyên nhân chính của sự căng thẳng là do những mâu thuẫn có từ hàng nghìn năm nay, toàn bộ Libya bị Ai Cập coi là một phần họ. Nhưng nguyên nhân thực tế là Libya có toàn bộ dầu lửa trong khi dân số chỉ bằng 1/10 dân số Ai Cập.

Tuy nhiên, trong bối cảnh của cuộc cách mạng “hoa nhài” họ có thể trở thành huynh đệ của nhau. Lực lượng biệt kích Ai Cập thuộc đơn vị 777, được thành lập vào cuối những năm 1970. Đon vị này trải qua nhiều thăng trầm trong 2 thập kỷ tiếp theo trước khi có được cơ cấu tổ chức như hiện nay.

Giờ đây, đơn vị 777 có 250-300 thành viên, trực thuộc Bộ Tư lệnh biệt kích Lục quân ở Cairo. Đơn vị do lực lượng GSG-9 (đơn vị tác chiến đặc biệt và chống khủng bố) của Đức, GIGN (Lực lượng đặc biệt) của Pháp và lực lượng biệt kích Delta của Mỹ huấn luyện.

Tất cả các thành viên của đơn vị 777 đều có khả năng thực hiện nhiệm vụ đổ bộ đường không cả ở tầm thấp và nhảy dù ở trên cao.

Trước đây, hoạt động chính của đơn vị này là trấn áp các tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và các nhóm Hồi giáo Cấp tiến khác. Một số thông tin chưa được kiểm chứng cho rằng đơn vị 777 còn tiến hành các chiến dịch xuyên biên giới.

Tất cả lực lượng biệt kích nước ngoài từng hợp tác với đơn vị 777 đều nhận định, biệt kích Ai Cập thực sự có khả năng, nhất là khi thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố.

(bdv news)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang