Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Nhà Trắng

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhà Trắng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhà Trắng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

>> Mỹ 'kích' Trung Quốc gây chiến với Ấn Độ?



Để “hạ gục con rồng” Trung Quốc, Mỹ phải làm gì? Câu trả lời có thể là “mượn dao giết người”, đẩy "rồng" Bắc Kinh vào cuộc chiến hạt nhân với "hổ" New Delhi, cựu trợ lý Bộ trưởng tài chính Mỹ Paul Craig Roberts nhận định.

Theo ông Roberts, kế hoạch của Mỹ rất “thâm sâu” và được thực hiện bài bản, bí mật, lâu dài. Trước hết, Mỹ cho biệt kích tiêu diệt bin Laden. Về hình thức, rõ ràng chiến dịch này là nhằm tiêu diệt kẻ thù "không đội trời chung", giành thêm cử tri cho Tổng thống Mỹ Barack Obama trước thềm bầu cử vào năm sau...

Tuy nhiên, đặt chiến dịch trong bối cảnh giới “diều hâu” ở Mỹ liên tục kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng chiến trường sang Pakistan, nơi bị Mỹ coi là “trại tị nạn” của Taliban; thì thấy mục tiêu ẩn sâu của chiến dịch diệt bin Laden không chỉ có vậy

Theo đó, tiêu diệt bin Laden thực chất là chiến dịch nhằm vào Pakistan; là tín hiệu phát đi từ Mỹ rằng, Washington có thể tấn công Islamabad vì nước này “dám bao che” cho bin Laden trong suốt thời gian trước đó.



Mỹ mượn vụ bin Laden để đe dọa Pakistan.

Về phía Pakistan, họ đương nhiên phải "run sợ” nên ngay sau khi bin Laden bị tiêu diệt, nước này vội vàng cử Thủ tướng Yousaf Raza Gilani sang “cầu cứu” người bạn lớn là Trung Quốc. Và trong chuyến thăm Bắc Kinh, ông Gilani khẳng định hùng hồn rằng Trung Quốc là “người bạn tốt nhất, đáng tin nhất” của mình.

Đáp lại lời "cầu khẩn" của láng giềng, Trung Quốc cũng tranh thủ cơ hội để tăng cường quan hệ với Pakistan bởi họ không muốn NATO “nhảy vào” Pakistan, biến nước này thành chiến trường chống khủng bố và quan trọng hơn, binh lính Mỹ xuất hiện gần biên giới của mình.

Sau đó, Bắc Kinh tự tố giác ý định đó của mình khi công khai bày tỏ sự bất bình với việc Mỹ “đe dọa” Pakistan, kêu gọi Washington tôn trọng chủ quyền của Islamabad; thậm chí còn đe dọa rằng tấn công Pakistan là tấn công Trung Quốc.



Trung Quốc khẳng định liên minh chặt chẽ với Pakistan.

Tới đây, theo ông Roberts, có thể thấy rằng Mỹ thành công khi gián tiếp “kích” Trung Quốc can dự sâu hơn vào Pakistan. Xét từ góc độ quan hệ Pakistan-Trung Quốc, đây là điều tốt. Tuy nhiên, từ góc khác, việc Trung Quốc tăng cường liên minh với Pakistan lại làm Ấn Độ tức giận, lo sợ bởi trục Bắc Kinh-Islamabad mạnh lên đồng nghĩa với việc New Delhi bị uy hiếp.

Nhìn một cách tổng quan hơn, Mỹ biến vụ tiêu diệt bin Laden, đe dọa tấn công Pakistan thành cái cớ để đẩy Ấn Độ và Trung Quốc tiến vào vòng xoáy chạy đua vũ trang mà hậu quả cuối cùng là xung đột quân sự.

Ấn Độ và Pakistan “đổ tiền đổ của” vào lĩnh vực quốc phòng bởi họ luôn lo ngại rằng bên kia sẽ tấn công mình bất kỳ lúc nào, kể cả bằng đòn hạt nhân.

Tuy nhiên, hiện Ấn Độ vẫn yếu hơn Trung Quốc (nhất là về kinh tế và quân sự) nên trong trường hợp xảy ra xung đột, Bắc Kinh-Islamabad có thể “nuốt trôi” New Delhi; nên Washington buộc lòng phải tăng cường sức mạnh cho Ấn Độ.
Ngoài việc hy sinh lợi ích trong nhiều lĩnh vực kinh tế, cắt bớt việc làm tại Mỹ để giúp kinh tế Ấn Độ đi lên..., Mỹ còn bán cho nước này hàng loạt vũ khí hiện đại với hy vọng New Delhi mạnh hơn, tự tin hơn để cuối cùng, cảm thấy đủ sức đối đầu với Trung Quốc như ý định của Mỹ.

Cụ thể thì Nhà Trắng cho rằng, kinh tế, quân sự Trung Quốc mạnh lên khiến Bắc Kinh ngày càng cứng rắn, tự tin, hung hăng, với tay ra bên ngoài. Vậy thì tại sao New Delhi không có những chính sách, hành động tương tự khi họ mạnh lên.

Mỹ không chỉ đưa Ấn Độ ra khỏi danh sách các nước bị cấm vận về vũ khí mà còn giúp nước này phát triển vũ khí công nghệ cao và hàng không vũ trụ. Mục tiêu cuối cùng là đưa Ấn Độ vào nhóm bốn nước phát triển vũ khí mạnh nhất thế giới.

Với tính toán đó, Mỹ hy vọng hai cường quốc châu Á sẽ lao vào nhau mà hậu quả là cả hai có thể bị kiệt quệ sau xung đột bởi cả Bắc Kinh lẫn New Delhi đều có vũ khí hạt nhân, lại ở liền kề nhau.



Mỹ hy vọng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đánh nhau.


Trong viễn cảnh đó của Mỹ, khi Ấn Độ và Trung Quốc kiệt sức, chỉ còn Nga là đối thủ đáng quan tâm ở châu Á.

Và để "nhổ nốt cái gai" này, Mỹ không đợi tới khi Trung Quốc, Ấn Độ “dắt tay nhau đi xuống” mà từ lâu triển khai nhiều biện pháp tấn công Nga: liên tiếp củng cố, mở rộng chuỗi căn cứ quân sự bao vây Nga; thúc đẩy Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kết nạp thêm các thành viên từng thuộc Liên Xô, dồn ép Nga về phía Đông...

Chưa dừng lại ở việc “ngoại kích”, Mỹ còn “nội công” Nga mà điển hình là tuyên truyền văn hóa Mỹ vào quốc gia rộng nhất thế giới.

Tới nay, kế hoạch này gặt hái khá nhiều thành quả khi tạo ra được một bộ phận không nhỏ thanh niên Nga ngưỡng mộ cái được Mỹ gọi là tự do, thù gét điều mà Mỹ cáo buộc là chính quyền độc tài...

Kết quả cuối cùng sẽ là các thanh niên Nga “được Mỹ hóa” trở thành đồng minh của Washington hoặc chí ít cũng không còn ủng hộ chính quyền ở Moscow như trước.

Khi “đả bại” được Nga, Trung Quốc, Mỹ sẽ tập trung “quét dọn” Nam Mỹ. Khi đó, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez dường như chắc chắn sẽ trở thành mục tiêu đầu tiên của Mỹ, trước khi Washington tràn vào hàng loạt quốc gia khác.



Mỹ tiếp tục triển khai lá chắn tên lửa gần Nga.

Theo ông Roberts, để tránh được “thảm họa” trên, Nga và Trung Quốc cần liên minh với nhau chặt chẽ, trấn an Ấn Độ, không để New Delhi mắc mưu của Washington; đồng thời phải kéo Đức ra khỏi NATO, làm suy yếu tổ chức này; cũng như tiếp tục bảo vệ quốc gia bị Mỹ gọi là “ma quỷ”: Iran tại Trung Đông.

Nếu không làm được vậy, Mỹ sẽ dần kiểm soát được toàn thế giới, đồng USD trở thành đơn vị tiền tệ duy nhất của hành tinh xanh và đi tới đâu cũng thấy biển hiệu gà rán KFC...
[BDV news]



Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

>> Obama theo dõi vụ Bin Laden như thế nào



Những tiến bộ trong công nghệ quân sự giúp Tổng thống Barack Obama cùng các quan chức cao cấp Mỹ không bỏ lỡ giây nào trong điệp vụ tiêu diệt trùm mạng khủng bố Al-Qaeda, từ khoảng cách xa nhiều nghìn km.



Tập trung đông đủ tại Phòng tình huống nằm sâu bên trong Nhà Trắng, ông Obama cùng những phụ tá thân cận nhất theo dõi toàn bộ vụ tấn công tại Pakistan gần như theo "thời gian thực". Các thông tin thuyết minh cho chiến dịch được đích thân giám đốc CIA thực hiện.

Nhóm biệt kích SEAL của hải quân Mỹ sử dụng những máy quay nhỏ gắn trên mũ, để truyền hình ảnh vụ tấn công về trung tâm chỉ huy của tổng thống Mỹ tại Washington và trụ sở Cục tình báo trung ương (CIA) tại Virginia. Khi họ rời các máy bay trực thăng để đột kích ngôi nhà của Bin Laden, các camera tối tân cũng bắt đầu hoạt động.




Toàn bộ quá trình hình ảnh được truyền từ thị trấn Abbotabad ở Pakistan về Phòng Tình huống ở Nhà Trắng để Tổng thống Obama có thể theo dõi. Đồ họa: Telegraph


Các hình ảnh được truyền đi từ những máy quay này tới đơn vị xử lý đặt trên một trong những chiếc trực thăng tham gia chiến dịch, khi ấy đang lượn vòng bên trên khu nhà của kẻ trùm sò Al-Qaeda. Sau đó, hình ảnh được truyền từ đây lên một vệ tinh của Mỹ, trước khi được đưa về Washington và Virginia.

Công nghệ truyền dẫn hình ảnh được phát triển cho mục đích quân sự vào năm 2008 này, hoạt động tương tự như cách mà Skype sử dụng cho hệ thống điện thoại Internet rất phổ biến hiện nay. Một phiên bản bảo mật cao của công nghệ này được Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt Mỹ (USSOCOM) mua lại để sử dụng trong nhiều điệp vụ và cuộc tấn công tối mật ở Afghanistan.

Ban đầu, người ta cho rằng Tổng thống Obama theo dõi được các hình ảnh trực tiếp truyền về từ Pakistan. Tuy nhiên, Giám đốc CIA Leon Panetta sau đó xác nhận rằng có một độ trễ nhỏ trong việc truyền hình ảnh, và điều này góp phần làm tăng sự căng thẳng tại Phòng Tình huống ở Nhà Trắng và trụ sở CIA.

"Khi nhóm biệt kích bắt đầu tấn công khu nhà của Bin Laden, có một khoảng thời gian chừng 20 tới 25 phút chúng tôi thực sự không biết chính xác điều gì đang xảy ra ở đó. Đó là những giây phút căng thẳng vì phải chờ đợi thông tin. Nhưng cuối cùng Đô đốc William McRaven đã liên lạc và cho biết rằng ông nhận được mật danh Geronimo truyền đi từ nhóm biệt kích", giám đốc CIA kể lại.

Khi những người tại Nhà Trắng và trụ sở CIA được xem những hình ảnh chậm hơn ít phút so với những gì thực tế xảy ra qua các màn hình lớn, một không khí căng thẳng và hồi hộp bao trùm. Tổng thống Obama ngồi gần màn hình, với một bộ đồ bình thường và đôi mắt chăm chú theo dõi mọi diễn biến. Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton thậm chí còn hồi hộp hơn, khi đưa tay lên che nửa mặt trong suốt thời gian xem những hình ảnh được truyền về từ một nơi cách xa tới hơn 11.000 km.

Giám đốc CIA Panetta bình luận trực tiếp chiến dịch tiêu diệt bin Laden từ tổng hành dinh tại Langley, Virginia. Ông sử dụng mật danh Geronimo để chỉ trùm khủng bố. Khi Bin Laden bị tiêu diệt với một viên đạn găm vào phía trên mắt trái, Panetta xác nhận "Geronimo EKIA", có nghĩa là "Geronimo, kẻ thù vừa bị tiêu diệt trong khi kháng cự".


Tổng thống Obama và những người thân cận theo dõi các hình ảnh được truyền về từ Pakistan. Ảnh: Telegraph


Sau khi chiến dịch hoàn tất, việc Tổng thống Obama trực tiếp theo dõi từng diễn biến tại Pakistan từ Nhà Trắng mới được báo chí loan báo. Thực tế là để có 40 phút tấn công chóng vánh và hiệu quả, người Mỹ đã phải chuẩn bị vô cùng công phu.

Nhóm biệt kích SEAL của hải quân Mỹ nhận được lệnh bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc tấn công bất ngờ để lùng bắt một mục tiêu mang mật danh Geronimo (theo tên chiến binh thổ dân Mỹ huyền thoại). Họ thậm chí đã tiến hành hai cuộc tập dượt với một hình nộm giống hệt Bin Laden trong một căn cứ quân sự.

Tổng cộng có 79 lính biệt kích SEAL tinh nhuệ nhất được điều động tham gia điệp vụ tại Pakistan, cùng với 4 trực thăng, trong đó có hai chiếc làm nhiệm vụ hỗ trợ. Nhóm biệt kích trú tại một căn cứ của Mỹ tại Jalalabad, Afghanistan, và chỉ vượt qua biên giới để vào Pakistan vào buổi tối theo giờ địa phương.

Cuộc đột kích chóng vánh đã tiêu diệt trùm khủng bố khét tiếng Osama bin Laden cùng một số người khác làm nhiệm vụ bảo vệ y. Trong một phát biểu sau khi vụ tấn công kết thúc, Tổng thống Mỹ Obama nói: "Công lý đã được thực thi". Để có được câu nói ngắn gọn này, Mỹ đã sử dụng những công nghệ tối tân nhất hiện nay và hơn một thập kỷ kiên trì theo dấu Osama bin Laden.

[Vnexpress news]


Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

>> Tổng thống nào là người giàu nhất nước Mỹ?



Tất nhiên, đếm tiền trong ví người khác không phải là việc lịch sự lắm. Nhưng đối với báo chí Mỹ, đếm tiền trong ví của các nguyên thủ quốc gia, ngay cả của những người đã quá cố là việc cần thiết phải làm vì rất có ích cho các công dân khi họ biết được các nhà lãnh đạo của họ đã và đang sống ở mức độ nào.

Chính vì thế nên những thông tin mà hãng phân tích tài chính 24/7 Wall St. vừa công bố về trị giá gia sản của các đời Tổng thống Mỹ đã được truyền bá rất rộng rãi.



TT Mỹ đương nhiệm thứ 44 của nước Mỹ, ông B. Obama chỉ được xếp hạng thường thường bậc trung về tài sản trong danh sách.


Theo đó, vị Tổng thống có gia sản lớn nhất (tính theo tỉ giá hiện nay) là George Washington, người đã trị vì nước Mỹ ngay từ khi Nhà Trắng còn chưa được xây dựng. Ông Washington đã làm Tổng thống trong hai nhiệm kỳ, từ ngày 30/4/1789 tới năm 1796. Trang trại mênh mông 32 cây số vuông của ông tại Mont Vernon (bang Virginia) và các cổ phiếu cộng lại, tính theo giá hôm nay, là vào khoảng 525 triệu USD.

Trong khi đó, gia sản của đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ ở mức hơn 5 triệu USD một chút, tức là chỉ bằng khoảng một phần trăm so với bậc tiền bối Washington(!). Phần lớn thu nhập của ông Obama không phải từ bất động sản mà là từ các khoản tiền nhuận bút và bản quyền từ các cuốn sách mà ông là tác giả.

Vị Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ cũng từng có mức lương cao hơn hẳn so với những ông chủ Nhà Trắng thời hiện đại. Lương của Washington đã được tính bằng 2% ngân sách quốc gia khi đó. Trong khi đó nếu so sánh với ngân sách Mỹ hiện nay, mức lương của Tổng thống Obama chỉ chiếm một tỉ lệ cực kỳ nhỏ nhoi. Sinh thời, vị Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ vẫn bị coi là người chi ly trong mọi sinh hoạt, ngay cả khi đã rất giàu có rồi vẫn không chịu cho ai "ăn quịt" của mình dù chỉ một xu.




Một điều oái oăm là, mặc dù được xếp hạng cao như thế về sự giàu có, nhưng ông Washington trong những năm cuối cùng của đời mình đã phải sống trong cảnh giật gấu vá vai. Tiền bán và cho thuê bất động sản mà ông cho nợ không thu hồi được kịp thời, trong khi các chi phí cho các hoạt động giao tiếp càng ngày càng tăng cao.

Chẳng hạn, vào năm 67 tuổi, ông đã phải đi vay ngân hàng để có tiền thanh toán các chi phí đời thường. Trước khi chết vào ngày 14/12/1799, ông Washington đã viết di chúc cho vợ quyền sử dụng và mọi quyền lợi khác đối với trang trại của ông, tính theo tỉ giá lúc đó chỉ ở mức 500 nghìn USD.

Các chuyên gia nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, ba trong số bốn vị Tổng thống giàu có nhất đã ngồi ở cương vị của mình trong bốn thập niên đầu tiên của nước Mỹ. Ngoài George Washington còn có vị Tổng thống Mỹ thứ ba Thomas Jefferson (nhiệm kỳ từ năm 1801 tới năm 1809) ở vị trí thứ hai và vị Tổng thống Mỹ thứ tư James Madison (1809-1817) ở vị trí thứ tư. Ông Jefferson từng có gia sản trị giá 212 triệu USD (tính theo tỉ giá hiện nay), còn ông Madison có gia sản trị giá 101 triệu USD.

Cũng phải nói rằng, Tổng thống Jefferson sinh ra tại một trong những gia đình giàu nhất nước Mỹ. Cha ông, Peter Jefferson, từng sở hữu 5-7 nghìn mẫu Anh đất ở hạt Goochland, phía tây bang Virginia. Thế nhưng, sau khi rời khỏi Washington về nghỉ ở Monticello, ông lại bị mắc nợ đầm đìa. Thậm chí sau khi ông mất vẫn còn những khoản nợ tới 107.274 USD mà ông chưa thanh toán được. Đến mức những người thừa kế phải bán đấu giá nhiều đồ đạc trong nhà để trả những món nợ mà ông để lại.


Đại gia nhất trong các đời TT Mỹ là George Washington.


Tổng thống Madison có họ xa với vị Tổng thống Mỹ đầu tiên Washington. Tổ tiên ông, như chính ông nói, "không giàu có", nhưng đều là những chủ đồn điền. Cha của ông từng là một chủ đất lớn nhất tại hạt Orange, bang Virginia. Tổng thống Madison sau khi về hưu cũng là một trong những đại gia về bất động sản ở hạt Orange…

Vị Tổng thống Mỹ thứ 26 Theodore Roosevelt (1901- 1909) được xếp ở vị trí thứ ba với gia sản trị giá 125 triệu USD (theo tỉ giá hiện nay). Khi ông qua đời ngày 6/7/1919, theo chúc thư của ông, phần lớn gia sản mà tính theo đồng tiền hồi đó chỉ ở mức 500 nghìn USD đã được để lại cho vợ ông.

Các con ông chỉ được nhận khoảng 60 nghìn USD, chia đều cho 6 người (một người con gái từ cuộc hôn nhân đầu và 5 người con, 4 trai, một gái từ cuộc hôn nhân thứ hai).

Vị Tổng thống Mỹ thứ 36 Lyndon Johnson (nhiệm kỳ từ năm 1963 tới năm 1969) được xếp ở vị trí thứ 5 với gia sản trị giá 98 triệu USD theo tỉ giá hiện nay. Lúc ông chết ngày 22/1/1973, gia sản của ông để lại chỉ được xác định ở mức 20 triệu USD. Gia sản này đã được chia cho 2 người con gái của ông.

Trong top - ten còn có hai vị Tổng thống nữa ở thế kỷ XIX: John Tyler (nhiệm kỳ từ năm 1841 tới năm 1845) với gia sản trị giá 8,51 triệu USD và James Monroe (1817-1825) với gia sản trị giá 10,27 triệu USD. Vị Tổng thống Mỹ thứ 10 Tyler khi nghỉ hưu đã về ở tại trang trại rộng 1.200 mẫu Anh với hàng chục nô lệ. Ông hai lần lập gia đình và là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên lấy vợ lần thứ hai ngay khi vẫn còn đương chức. Ông cũng là vị Tổng thống Mỹ có đông con nhất: 15 người từ hai bà vợ. Người vợ thứ hai kém ông tới 30 tuổi…

Vị Tổng thống Mỹ thứ 5 Monroe sinh ra trong một gia đình chủ đồn điền giàu có. Khi về hưu năm 1825, ông đã phải chịu một khoản nợ là 70 nghìn USD (theo tỉ giá hồi đó).

Ông mất năm 1831 và là vị Tổng thống Mỹ thứ ba mất vào ngày Quốc khánh Mỹ 4/7 (ngoài ông ra còn có Jefferson và Adams cũng chết vào ngày này). Vào những năm cuối đời, ông Monroe thường bị lâm vào cảnh nợ nần, một phần do những chi tiêu của cá nhân ông, phần khác do các chi phí để chạy chữa cho người vợ sức khỏe kém.

Trong những cựu Tổng thống đang còn sống hiện nay, người giàu nhất là ông Bill Cliton (hai nhiệm kỳ từ năm 1993 tới năm 2001) với gia sản trị giá 9,38 triệu USD. Phần lớn số tiền này do ông Clinton kiếm được sau khi đã rời khỏi Nhà Trắng nhờ các cuốn hồi ký và các chuyến du thuyết ở khắp nơi trên thế giới.


Người từng kế vị ông Clinton, vị Tổng thống Mỹ thứ 43 George Bush (con) được xếp ở vị trí 20 trong danh sách các nguyên thủ giàu có. Khác với người tiền nhiệm, ông Bush đã kiếm được phần lớn trong gia sản trị giá 20 triệu USD của mình từ trước khi trở thành Tổng thống nhờ các hoạt động trong ngành kinh doanh dầu mỏ và nhờ đã bán đội bóng chày Texas Rangers… Tổng thống Mỹ thứ 41 George Bush (cha) được xác định là có gia sản trị giá 23 triệu USD. Vị Tổng thống Mỹ thứ 40 Ronald Reagan có gia sản ước tính vào khoảng 13 triệu USD.



Đương kim Tổng thống Mỹ hiện nay chỉ được xếp ở vị trí thường thường bậc trung với gia sản ở mức 5 triệu USD, nhưng có cơ sở để khẳng định rằng, trong tương lai, ông sẽ có nhiều cơ hội để cải thiện tình hình tài chính của mình, đặc biệt là sau khi đã rời khỏi Nhà Trắng.

Bản báo cáo của hãng phân tích tài chính 24/7 Wall St. về gia sản của các đời Tổng thống Mỹ cũng cho thấy, không phải ông chủ Nhà Trắng nào cũng giàu có. Một số vị nguyên thủ quốc gia Mỹ chỉ có gia sản ở mức dưới 1 triệu USD. Trong số những Tổng thống Mỹ bị coi là nghèo nhất có Abraham Lincoln và Ulysses Grant.

Vị Tổng thống Mỹ thứ 16 Lincoln là người được coi là xuất sắc nhất trong các đời nguyên thủ quốc gia Mỹ. Ông bị ám sát ngày 14/4/1865. Còn vị Tổng thống Mỹ thứ 18 Grant sau khi về hưu tháng 3-1887 đã đứng ra lập công ty môi giới Grant and Ward, một công ty cổ phần cùng với con trai và một người bạn.

Thế nhưng, công ty này đã nhanh chóng bị phá sản, thậm chí đối tác của ông là Ferdinand Ward do các hành động gian lận trong điều hành công ty còn bị đi tù. Những năm cuối đời, ông Grant phải kiếm tiền thêm bằng cách viết báo cho tạp chí Century.

Ông cũng đã hoàn thành tập hồi ký về đoạn đời binh nghiệp của mình trước khi chết để lấy tiền nhuận bút làm của để dành cho người vợ góa. Vài tháng trước khi ông mất, thương tình gia cảnh khốn khó của ông, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật cho phép khôi phục lại mức lương cho ông như cho một ông tướng (trước khi trở thành Tổng thống, ông từng là một vị tướng trong quân đội Mỹ). Ông Grant mất ngày 23/7/1885.


[Bee news]


Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang