Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> "Anh em’ của Su-27/30 Việt Nam trong khu vực

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

>> "Anh em’ của Su-27/30 Việt Nam trong khu vực


Trong khu vực Đông Nam Á, ngoài Không quân Việt Nam sử dụng chiến đấu cơ hiện đại Su-27SK/30MK2V, hai quốc gia Indonesia và Malaysia cũng trang bị loại này với những biến thể khác nhau, phù hợp với quân đội mỗi nước.

>> Su-30 và các biến thể
>> F-16 và các biến thể

Dưới đây là các biến thể Su-27/30 biên chế trong Không quân Indonesia và Malaysia. Các biến thể này chủ yếu có sự khác biệt trong hệ thống điện tử còn vũ khí và động cơ tương tự nhau.

Su-27SKM

Su-27SKM là chiến đấu cơ đa năng được cải tiến từ tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-27SK. Hiện nay, Indonesia là nước duy nhất trong khu vực sở hữu 3 chiếc Su-27SKM mua từ Nga năm 2007.

Điểm cải tiến chủ yếu đối với biến thể Su-27SKM gồm: radar điều khiển hỏa lực cải tiến có khả năng đáp ứng nhiệm vụ không đối đất bằng vũ khí chính xác cao, hệ thống buồng lái tiên tiến; cải tiến thiết bị định vị dẫn đường; thiết bị đối kháng điện tử tinh vi hơn.





http://nghiadx.blogspot.com
Chiến đấu cơ đa năng Su-27SKM của Không quân Indonesia


Radar kiểm soát hỏa lực của Su-27SKM hoạt động với hai chế độ chính:

- Chế độ không đối không đảm bảo tìm kiếm, phát hiện, nhận dạng mục tiêu; hỗ trợ dẫn đường đường cho tên lửa tấn công mục tiêu bằng tên lửa tầm ngắn/tầm trung; tìm kiếm, khóa trong khi theo dõi mục tiêu trong tầm nhìn.

- Chế độ không đối đất đảm bảo bám bắt mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết, xác định tọa độ mục tiêu và cung cấp cho tên lửa chống hạm Kh-31A tấn công. Đây là điểm khác biệt rõ ràng nhất với Su-27SK vốn không có khả năng mang vũ khí chính xác cao.

Thiết bị định vị quang học kết hợp giữa hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST) và chỉ thị - đo xa laze. Nó được sử dụng để đo khoảng cách từ máy bay tới mục tiêu mặt đất và trên không tới máy bay bằng tia laze, hỗ trợ chiếu chùm tia laze vào mục tiêu mặt đất dẫn đường cho tên lửa điều khiển bằng laze tấn công đối phương.

Buồng lái phi công được hiện đại hóa với 2 màn hình tinh thể lỏng đa năng hiển thị mục tiêu, màn hình HUD. Đặc biệt, phi công có mũ bay tích hợp hiển thị mục tiêu.

Su-27SKM trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy AL-31F cho phép đạt tốc độ tối đa gấp hai lần vận tốc âm thanh Mach 2,15, trần bay hơn 17.000m, tầm bay 3.530km.

Su-30MK

Su-30MK là biến thể xuất khẩu của chiến đấu cơ đa năng Su-30M do Nga thiết kế phát triển từ Su-27. Trong khu vực Đông Nam Á, Không quân Indonesia đang sử dụng 2 chiếc Su-30MK.

Su-30MK thiết kế cho nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu trên không, trên bộ và trên biển bằng vũ khí chính xác cao. Máy bay trang bị radar điều khiển hỏa lực đa chế độ Phazotron N-10 Zhuk-27 (tầm phát hiện mục tiêu trên không 130km).

http://nghiadx.blogspot.com
Chiến đấu cơ đa năng Su-30MK của Không quân Indonesia


Su-30MK trang bị hệ thống ngắm quang điện gồm hệ thống định vị quang học (kết hợp giữa thiết bị tìm kiếm theo dõi hồng ngoại và đo xa laze) và thiết bị hiển thị mục tiêu trên mũ bay của phi công.

Buồng lái phi công trang bị hệ thống màn hình tinh thể lỏng và màn hình HUD đem lại sự tiện nghi, thoải mái cho phi công.

Su-30MK trang bị hai động cơ AL-31F cho phép đạt tốc độ tối đa Mach 2, trần bay hơn 17.000m, tầm bay 3.000m.

Su-30MK là cơ sở để phát tiển một loạt các biến thể phục vụ xuất khẩu tới bạn hàng chiến lược của nước Nga như: Su-30MKK (Trung Quốc), Su-30MKI (Ấn Độ), Su-30MK2V (Việt Nam), Su-30MKM (Malaysia), Su-30MKA (Algeria), Su-30MKV (Venezuela).

Su-30MKM

Năm 2003, trong nỗ lực hiện đại hóa Không quân, Malaysia đã ký hợp đồng mua 18 máy bay chiến đấu đa năng Su-30MKM từ Nga.

Su-30MKM thiết kế dựa trên mẫu Su-30MKI của Ấn Độ, vì thế Su-30MKM có hình dáng tương tự MKI với đặc trưng cánh mũi, động cơ với hệ thống điều khiển véc tơ, hệ thống điều khiển kỹ thuật số fly-by-wire tiên tiến. Điểm khác biệt chủ yếu nằm ở thiết bị điện tử bên trong.

Su-30MKM sử dụng hệ thống điện tử kết hợp giữa Pháp - Nam Phi - Nga: màn hình HUD, hệ thống định vị hồng ngoại nhìn phía trước; thiết bị chỉ thị mục tiêu laser (Pháp) và cảm biến cảnh báo sớm/cảm biến cảnh báo laze (Nam Phi); thiết bị đối kháng điện tử, hệ thống ngắm quang – điện (Nga).

http://nghiadx.blogspot.com
Chiến đấu cơ đa năng Su-30MKM của Không quân Hoàng gia Malaysia


Máy bay lắp loại radar mạng pha quét điện tử bị động N011M, đây là radar rất mạnh có thể theo dõi đồng thời 15 mục tiêu và tấn công 4 trong số đó cùng lúc.

Radar tìm kiếm mục tiêu ở cự ly 400km, theo dõi ở tầm 200km hoặc theo dõi mục tiêu phía sau máy bay ở tầm 60km trong chế độ không đối không. Ở chế độ không đối đất, nó có thể phát hiện xe tăng – thiết giáp ở tầm 50km.

Su-30MKM trang bị 2 động cơ AL-31FM cho phép đạt tốc độ tối đa Mach 2, tầm bay 3.000km, trần bay hơn 17.000m.

Hệ thống vũ khí Su-27SKM/Su-30MK/MKM

Các biến thể trên đều thiết kế trong thân một pháo tự động 30mm dùng cho đánh cận chiến, trong tầm mà tên lửa khó phát huy được hiệu quả.

Về giá treo vũ khí, riêng Su-27SKM chỉ có 10 giá còn Su-30MK/MKM đều có 12 giá mang được tên lửa, bom, rocket phù hợp cho từng nhiệm vụ khác nhau.

Đối với nhiệm vụ đối không, các máy bay đều mang được: tên lửa tầm ngắn R-73, tầm trung R-27, riêng Su-30MKM mang được loại tên lửa tầm xa Novator KS-172 có tầm bắn tới 400km, tốc độ gấp 4 lần vận tốc siêu thanh. Tuy vậy, nhiều khả năng Malaysia không sử dụng loại này.

Đối với nhiệm vụ đối đất, đối hạm: tên lửa dẫn đường laze Kh-29T/L, tên lửa chống hạm Kh-31A, tên lửa chống radar Kh-31P, bom dẫn đường laze KAB-500L/1500L. Riêng Su-30MKM còn mang được tên lửa hành trình đối hạm tầm xa Kh-59.
Vũ khí không điều khiển cả ba loại đều dùng chung bom FAB-500T, OFAB-250, rocket. 

(Theo bee.net.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang