Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: >> Tìm hiểu sức mạnh của tên lửa Iskander

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

>> Tìm hiểu sức mạnh của tên lửa Iskander


Hệ thống tên lửa đường đạn tầm ngắn Iskander (phương Tây gọi là SS-26 Stone) - loại tên lửa đường đạn phi chiến lược hiệu quả và đáng sợ nhất hiện nay.


http://nghiadx.blogspot.com
Hệ thống tên lửa đường đạn chiến thuật tầm ngắn Iskander (SS-26 Stone)


Hệ thống tên lửa đường đạn tầm ngắn Iskander (phương Tây gọi là SS-26 Stone) - loại tên lửa đường đạn phi chiến lược hiệu quả và đáng sợ nhất hiện nay - đang là tâm điểm tranh cãi chính trị-quân sự ở Nga, châu Âu và Trung Đông trong bối cảnh mâu thuẫn Nga-Mỹ gia tăng liên quan đến việc Mỹ xúc tiến các kế hoạch mở rộng NATO, triển khai lá chắn tên lửa tại Ba Lan và Czech. Từ Oka đến Iskander

Năm 1980, Liên Xô đưa vào trang bị hệ thống tên lửa đường đạn tầm ngắn cơ động 9K714 Oka (SS-23 Spyder). Đây là loại ên lửa 1 tầng, nhiên liệu rắn, có tầm bắn lên tới 450 km, độ chính xác cao, mang 1 đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường. Hệ thống Oka do Viện Thiết kế Chế tạo máy Kolomna (KBM) phát triển để thay thế hệ thống tên lửa đường đạn tầm ngắn cơ động tầm bắn 300 km 9K72 Elbrus (SS-3B Scud) nổi tiếng, nhưng đã lạc hậu, có trong trang bị quân đội Liên Xô và khối Varsava.

Độ chính xác rất cao của tên lửa Oka (sai số vòng tròn xác suất 30 m) khiến Mỹ rất lo ngại . Năm 1987, lợi dụng chiều hướng thoả hiệp của Mikhail Gorbachev, Mỹ đã tìm cách đưa được Oka (còn có ký hiệu OTR-23) vào danh sách các hệ thống tên lửa phải thủ tiêu theo Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm trung Mỹ-Xô (INF - Intermediate-Range Nuclear Forces), mặc dù hiệp ước chỉ áp dụng với những tên lửa có tầm bắn trên 500 km.

Theo Hiệp ước INF, Liên Xô đã buộc phải phá hủy toàn bộ 106 xe bệ phóng (TEL) cùng 339 tên lửa Oka vào năm 1991. Sau đó, Mỹ cũng đòi các đồng minh cũ của Liên Xô đơn phương phá huỷ các hệ thống tên lửa Oka mà họ nhận được vào giữa thập kỷ 1980: Bulgaria - 8 xe TEL và 25 tên lửa Oka), Cộng hoà Czech - 2 xe TEL và 12 tên lửa Oka; Slovakia - 2 xe TEL và 24 tên lửa Oka. Giới quân sự Liên Xô đã tranh cãi kịch liệt xung quanh việc phá hủy các tên lửa Oka theo Hiệp ước INF và đây bị coi là một ví dụ rõ ràng về “sự phản bội” của của Gorbachev. Bởi như vậy, Liên Xô và Nga đã bị tước bỏ loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn hiệu quả nhất của mình, trong khi loại tên lửa đường đạn tầm ngắn (Nga gọi là tên lửa chiến thuật-chiến dịch) Elbrus R17 (SS-3B Scud) vốn được chế tạo dựa trên thiết kế tên lửa đường đạn nhiên liệu lỏng V-2 của Đức, đã bị loại khỏi trang bị vì có độ chính xác thấp và công nghệ lỗi thời.

Trước tình hình đó, Viện KBM đã bắt đầu phát triển loại tên lửa tầm ngắn 1 tầng nhiên liệu rắn cơ động, mới và hiện đại hơn, có độ chính xác cao và tầm bắn tới 500 km để phù hợp với quy định của Hiệp ước INF. Hệ thống tên lửa mới được đặt tên là Iskander - tên của Alexander Đại đế trong tiếng Ba Tư và được dùng để lấp đầy khoảng trống mà các hệ thống Oka và Elbrus bị thủ tiêu để lại. Sau này, Nga quyết định sử dụng Iskander để thay thế các hệ thống tên lửa đạn đạo cơ động tầm ngắn Tochka và Tochka-U (SS-21 Scarab) có tầm bắn lần lượt là 70 và 120 km vì chúng đã hết tuổi thọ khai thác sau năm 2000.

http://nghiadx.blogspot.com


Tên lửa đường đạn Iskander có chiều dài 7,3 m; đường kính thân 0,92 m, khối lượng phóng 3.800-4.020 kg tuỳ thuộc loại đầu đạn. Tên lửa lắp động cơ tên lửa 1 tầng nhiên liệu rắn của hãng Soyuz NPO Tốc độ bay cao của tên lửa cho phép nó đột phá các hệ thống phòng thủ chống tên lửa của đối phương. Tên lửa Iskander có thể bay theo một quỹ đạo thấp dưới 50 km và có thể cơ động tránh đạn với quá tải lên tới 30 g ở giai đoạn bay cuối để đối phó với tên lửa đất-đối-không của đối phương.

Iskander có thể mang các loại đầu đạn thông thường khác nhau có khối lượng 480-700 kg tuỳ thuộc chủng loại. Người ta cho rằng, các loại đầu đạn của Iskander bao gồm: đầu đạn chùm (cassette) chứa các đạn con phá-mảnh sát thương và chống phương tiện kỹ thuật, chứa đạn con tấn công diện; đầu đạn nổ mạnh đơn khối, đầu đạn nhiên liệu không khí; đầu đạn xuyên nổ mạnh chống boongke và đầu đạn phá-mảnh chống radar. Iskander cũng có thể mang 1 đầu đạn hạt nhân mặc dù khả năng này không được công bố công khai. Tên lửa còn có thể mang các đạn mồi bẫy chiến thuật.

Hệ dẫn của tên lửa Iskander do Viện Nghiên cứu khoa học Quốc gia về Tự động hoá và Thuỷ lực (TsNIIAG) phát triển gồm 1 hệ dẫn quán tính và 1 đầu tìm tương quan quang-điện tử giai đoạn cuối sử dụng dữ liệu ảnh mục tiêu số. Tên lửa có độ chính xác (sai số vòng tròn xác suất) 10-30 m, thậm chí còn cao hơn. Một số biến thể được trang bị hệ dẫn có thể cập nhật dữ liệu từ các hệ vệ tinh định vị toàn cầu GPS/GLONASS trong khi bay và thay đổi mục tiêu tấn công trong khi bay. Iskander còn có thể được trang bị các hệ dẫn giai đoạn cuối khác sử dụng đầu tự dẫn radar chủ động hoặc ảnh hồng ngoại.

Hệ thống tên lửa đường đạn Iskander có 2 biến thể cơ bản: 9K723 Iskander (còn gọi là Iskander-M hoặc Tender) được chế tạo giành cho quân đội Nga, sử dụng tên lửa đường đạn 9M723 có tầm bắn tối đa lên tới 450-500 km và biến thể xuất khẩu 9K720 Iskander-E sử dụng tên lửa đường đạn 9M720-E lắp đầu đạn nhẹ hơn - đến 480 kg, và có tầm ngắn hơn - đến 280 km để tuân thủ quy định của chế độ cấm phổ biến công nghệ tên lửa MTCR.

Mỗi xe bệ phóng 9P78 được lắp 2 tên lửa. Xe 4 cầu 9P78 do Viện Thiết kế Trung ương Titan ở Volgograd thiết kế dựa trên khung gầm xe Minsk MZKT-7930. Xe bệ phóng có chiều dài 13,1 m, chiều rộng 2,6 m và chiều cao 3,55 m, mang 2 tên lửa nằm ở tư thế hành quân. Tổng trọng lượng có tải của xe là 42.850 kg. Xe được lắp 1 động cơ diesel 650 mã lực, có tốc độ tối đa trên đường nhựa là 70 km/h và dự trữ hành trình không tiếp dầu là 1.100 km. Khẩu đội trên xe gồm 3 người. Xe có khả năng phòng chống vũ khí hạt nhân-sinh-hoá và khả năng bơi.

Xe bệ phóng còn bao gồm 1 đài chỉ huy với hệ thống điều khiển hoả lực tự động nên mỗi xe bệ phóng có thể hoạt động độc lập nếu cần. Đài chỉ huy có các vị trí thực hiện các nhiệm vụ xử lý dữ liệu mục tiêu và chỉ thị mục tiêu, đạo hàng, kiểm soát thời tiết, cũng như trang bị kiểm thử hệ thống. Xe bệ phóng có thể triển khai ở địa hình nghiêng và cân bằng bằng 4 chân đỡ thuỷ lực trong vòng 30-80 s. Các tên lửa chỉ mất khoảng 20 s để nâng đến góc tầm 85°. Thời gian phản ứng của hệ thống là 5-16 phút, 2 tên lửa có thể phóng loạt cách nhau 60 s.

Hệ thống Iskander còn có 1 xe chở-tiếp đạn 9T250 sử dụng khung gầm MZKT-7930 chở 2 tên lửa dự phòng và có 1 cần cẩu. Kíp xe 9T250 gồm 2 người, khối lượng có tải đầy đủ là 40.000 kg.

Ngoài ra còn có 4 xe tải 6 cầu KamAZ-43101, gồm: 1 xe chỉ huy/điều khiển 9S552 với 4 vị trí công tác và 1 bộ khí tài liên lạc; 1 xe lập kế hoạch tác chiến 9S920 với 2 vị trí công tác,;1 xe bảo đảm và 1 xe nghỉ ngơi cho khẩu đội.

Một đại đội Iskander tác chiến tiêu chuẩn được biên chế 2 xe bệ phóng, 2 xe nạp đạn, 2 xe chỉ huy/điều khiển, 2 xe vạch kế hoạch tác chiến, 1 xe bảo đảm và 1 xe nghỉ ngơi cho khẩu đội. Một tiểu đoàn Iskander gồm 2 đại đội tác chiến.

Một lữ đoàn tên lửa Iskander gồm 3 tiểu đoàn tên lửa, với 12 xe bệ phóng TEL và 12 xe tiếp đạn, và tổng cộng 48 tên lửa đường đạn.

Hệ thống Iskander bắt đầu được thử nghiệm tại trường bắn Kapustin Yar ở tỉnh Astrakhan từ năm 1995. Các cuộc thử nghiệm quốc gia đã hoàn tất tháng 8/2004 và năm 2007, Iskander chính thức được Bộ Quốc phòng Nga nhận vào trang bị. Hệ thống được sản xuất loạt nhỏ từ năm 2005. Tên lửa đường đạn Iskander được sản xuất tại Nhà máy chế tạo máy Votkinsk ở Udmurtia, còn các động cơ tên lửa nhiên liệu rắn thì do Liên hiệp Soyuz NPO (nay là bộ phận của Tập đoàn Tên lửa Chiến thuật - Tactical Missiles Corporation) ở Dzerzhisky sản xuất. Các xe bệ phóng và tiếp đạn được chế tạo tại Nhà máy Barrikady ở Volgograd.

http://nghiadx.blogspot.com
Hệ thống tên lửa đường đạn chiến thuật tầm ngắn Iskander (SS-26 Stone)


Hệ thống tên lửa Iskander có thể được hiện đại hoá để nâng cao sức chiến đấu bằng cách trang bị tên lửa hành trình dưới âm chính xác cao R-500 (3M14) do Viện Thiết kế Novator ở Yekaterinburg phát triển. Tên lửa R-500 thực tế là biến thể mang đầu đạn thông thường của tên lửa hành trình tầm xa của Liên Xô 3M10 (RK-55), có tính năng tương đương tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ. 3M10 được sử dụng cho hệ thống tên lửa Granat (SS-N-21) tầm bắn lên tới 2.600 km trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Nga và trước đó được triển khai trong hệ thống tên lửa hành trình cơ động mặt đất tầm xa Relief (SSC-4) đã bị thủ tiêu theo Hiệp ước INF năm 1987. R-500 được trang bị 1 đầu đạn thông thường và có tầm bắn tới 500 km để tuân thủ quy định của Hiệp ước INF. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng, có thể dễ dàng nâng tầm bắn của R-500 lên đến 1.000 km, thậm chí lên tới 2.500 km tuỳ thuộc vào kích cỡ đầu đạn.

Tháng 11/2007, Thượng tướng Vladimir Zaritsky, Tư lệnh Bộ đội Tên lửa và Pháo binh của Lục quân Nga, đã nói rằng, “hiện tại, hệ thống tên lửa Iskander-M tuân thủ đầy đủ các quy định của Hiệp ước INF nhưng nếu quyết định chính trị về việc rút khỏi Hiệp ước này được đưa ra thì chúng tôi sẽ nâng cao khả năng tác chiến của hệ thống, kể cả tầm bắn”.

Hệ dẫn của tên lửa R-500 gồm 1 hệ dẫn quán tính, 1 hệ đạo hàng vệ tinh GPS/GLONASS và 1 đầu tìm quang-điện tử tương quan giai đoạn cuối sử dụng dữ liệu số về khu vực mục tiêu hoặc 1 đầu tìm radar chủ động. Việc thử nghiệm R-500 tại trường bắn Kapustin Yar đã hoàn tất năm 2007 và Nga đã thông báo đưa tên lửat này vào trang bị cùng hệ thống Iskander vào năm 2009.

Hệ thống Iskander trang bị tên lửa R-500 có tên gọi Iskander-K. Mỗi xe bệ phóng tiêu chuẩn 9P78 có thể mang 6 ống phóng thẳng đứng chứa tên lửa R-500 thay cho 2 tên lửa đường đạn.

Quá trình đưa Iskander vào trang bị

Ngày 1/1/2007, Tiểu đoàn Tên lửa huấn luyện 630 - đơn vị đầu tiên kiểu này - với 4 xe bệ phóng đã được thành lập tại Trung tâm Huấn luyện chiến đấu số 60 của Bộ đội Tên lửa lục quân tại trường bắn Kapustin Yar, đóng tại quân khu Bắc Kavkaz đã được thành lập.

Theo Chương trình trang bị vũ khí quốc gia giai đoạn 2007-2015, quân đội Nga sẽ mua sắm 60 hệ thống tên lửa đường đạn sản xuất loạt Iskander (tức là 60 xe bệ phóng) để trang bị cho 5 trong số 10 lữ đoàn tên lửa của Nga. Các lữ đoàn trang bị tên lửa Iskander sẽ được triển khai trên khắp lãnh thổ Nga: Lữ 26 ở Luga, gần St. Petersburg thuộc quân khu Leningrad, Lữ 92 ở Kamenka, gần Penza thuộc quân khu Volga-Urals, Lữ 103 ở Ulan-Ude, quân khu Siberia, Lữ 107 ở Semistochny, gần Birobidzhan thuộc quân khu Viễn Đông, và Lữ 114 ở Znamensk, gần Astrakhan, quân khu Bắc Kavkaz. Các lữ đoàn này đang được trang bị các hệ thống tên lửa đường đạn tầm ngắn Tochka và Tochka-U.

Các lữ đoàn tên lửa 92 và 107 sẽ là các lữ đầu tiên được tái trang bị bằng Iskander vào năm 2011, những hệ thống tên lửa Iskander đầu tiên được chuyển giao từ năm 2008. Đáng lưu ý là trong số 5 lữ đoàn sẽ nhận Iskander không có Lữ tên lửa 152 ở Kaliningrad, 2 lữ tên lửa của quân khu Moskva (Lữ 50 ở Shuya và Lữ 448 ở Kursk), và 1 lữ khác của quân khu Bắc Kavkaz (Lữ 1 ở Krasnodar).

Ngày 9/5/2008, 4 xe bệ phóng mang tên lửa Iskander của Tiểu đoàn Tên lửa huấn luyện 630 thuộc Trung tâm Huấn luyện chiến đấu số 60 của Bộ đội Tên lửa lục quân đã tham gia diễu binh trên Quảng trưởng Đỏ ở Moskva.

Tháng 8/2008, Tiểu đoàn 630 đã tham gia cuộc chiến 5 ngày với Gruzia ở Nam Ossetia. Có tin quân đội Nga đã phóng một số tên lửa 9M723 mang đầu đạn chùm (và đầu đạn nổ mạnh đơn khối vào các mục tiêu quân sự ở Gruzia. Theo các báo cáo chưa được xác nhận thì 1 tên lửa Iskander đã tấn công chính xác vào căn cứ của tiểu đoàn xe tăng độc lập Gruzia ở Gori. Quả tên lửa này đã bắn trúng 1 kho vũ khí làm nổ kho này và gây thiệt hại lớn cho tiểu đoàn tăng Gruzia. Phía Nga không thừa nhận có sử dụng tên lửa Iskander chống Gruzia. Tuy nhiên, các báo cáo không chính thức đã xác nhận hiệu quả cao của các tên lửa Iskander và là một trong những vú khí uy lực và chính xác nhất trong kho vũ khí trang bị của Nga.

Hệ thống tên lửa Iskander chuyển sang bước ngoặt mới ngày 5/11/2008 khi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố trong Thông điệp Liên bang rằng, Nga sẽ triển khai tên lửa Iskander ở tỉnh Kaliningrad để đáp lại kế hoạch triển khai các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Ba Lan và Czech. Về nguyên tắc, thông báo của Medvedev không phải là điều đáng ngạc nhiên với những ai theo dõi những diễn biến trong lĩnh vực quân sự của Nga. Phó Thủ tướng thứ nhất Sergey Ivanov đã nói đến điều đó từ tháng 7/2007, giới quân sự Nga cũng nhiều lần có những tuyên bố tương tự năm 2008. Thậm chí, tờ báo Sao Đỏ (Krasnaya Zvezda) của Bộ Quốc phòng Nga tháng 9/2008 cũng có 1 bài nói về kế hoạch triển khai Iskander. Thực tế đó chỉ là việc thay thế các tên lửa Tochka-U của Lữ đoàn Tên lửa Cận vệ số 152 đóng ở Chernyakhovsk, tỉnh Kaliningrad, một bộ phận của Đặc khu quân sự Kaliningrad dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh Hải quân Nga.

Việc tái trang bị Lữ đoàn Tên lửa 152 bằng tên lửa Iskander sẽ cho phép tên lửa 9M723 tầm bắn 500 km với tới toàn bộ lãnh thổ Ba Lan, phần Đông nước Đức và miền Bắc Cộng hoà Czech, tấn công tất cả các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ dự kiến triển khai ở khu vực này, kể cả trận địa radar ở Cộng hoà Czech. Độ chính xác của tên lửa 9M723 đủ để tiêu diệt cả những mục tiêu cự kỳ kiên cố, kể cả các tên lửa chống tên lửa GBI bố trí trong giếng phóng của Mỹ, bẳng đầu đạn thông thường. Tên lửa hành trình R-500 sẽ cho phép tiêu diệt hiệu quả hơn các mục tiêu ở châu Âu từ Kaliningrad, cũng như các mục tiêu ở xa hơn. Nga cũng không loại trừ khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân cho hệ thống tên lửa Iskander.

Tuy nhiên, quyết định tái trang bị Lữ đoàn Tên lửa Cận vệ 152 bằng tên lửa Iskander chỉ là một phần trong việc xem xét lại tổng thể các kế hoạch ban đầu triển khai các tên lửa này. Hai ngày sau diễn văn của ông Medvedev, một quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Nga đã nói với Thông tấn xã RIA Novosti rằng, một kế hoạch mới sẽ bao gồm việc trang bị hệ thống tên lửa Iskander cho toàn bộ 5 lữ đoàn “đối mặt với phương Tây” vào năm 2015. Điều đó sẽ có nghĩa là thay vì trang bị Iskander cho các lữ đoàn tên lửa 92, 103 và 107, loại vũ khí mới này sẽ được triển khai cho các lữ đoàn tên lửa 50 và 448 của quân khu Moskva, Lữ 152 ở Kaliningrad và Lữ 26 ở quân khu Leningrad, Lữ 114 ở Bắc Kavkaz. Căn cứ vào các tuyên bố chính thức sau đó, có lẽ Lữ tên lửa 152 ở Kaliningrad sẽ được trang bị Iskander không trước năm 2011 và sẽ trùng hợp về thời gian với việc triển khai các tên lửa đánh chặn GBI của Mỹ ở Ba Lan.

Rõ ràng là quyết định thay đổi kế hoạch triển khai tên lửa Iskander để tập trung cho việc trang bị lại cho các đơn vị tên lửa ở phần châu Âu của Nga trước tiên phản ánh sự suy giảm đáng kể quan hệ giữa Nga và phương Tây trong vài năm gần đây, nhất là sau cuộc chiến 5 ngày với Gruzia. Về quân sự, việc triển khai các hệ thống Iskander ở Kaliningrad và các khu vực ở phần châu Âu của Nga sẽ nâng cao cơ bản khả năng của các đơn vị chiến đấu Nga thực hiện các đòn tấn công chính xác cao chống bất kỳ mục tiêu nào ở Đông, Trung và Nam Âu. Các hệ thống phòng không dù là hiện đại nhất hiện nay và tương lai của phương Tây sẽ rất khó đánh chặn tên lửa đường đạn Iskander. Các xe bệ phóng tên lửa đã cho thấy chúng khó bị phát hiện và tương đối khó tiêu diệt đối với các lực lượng Mỹ trong 2 cuộc chiến chống Iraq năm 1991 và năm 2003.

Việc các nước phương Tây phản ứng quyết liệt đối với tuyên bố triển khai hệ thống Iskander ở Kaliningrad không phải là một điều ngạc nhiên vì nó sẽ tăng cường cơ bản tiềm năng quân sự của Nga tại khu vực này. Nhưng châu Âu cũng không được quên rằng, chính kế hoạch của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa dọc biên giới Nga đã dẫn đến việc Nga đưa ra quyết định này. Kremlin đã nói rõ rằng, Iskander sẽ là một lý lẽ có trọng lượng cho các cuộc thảo luận ở châu Âu về việc họ có sẵn sàng hy sinh các lợi ích an ninh trực tiếp của chính họ để phục vụ tham vọng chính trị-quân sự của Mỹ hay không. Nói cho cùng thì tên lửa Iskander ở Kaliningrad vừa gần hơn nhiều và vừa thực tế hơn nhiều bất kỳ loại tên lửa tưởng tượng nào của Iran.

Cơ hội xuất khẩu

Hệ thống tên lửa đường đạn cơ động tầm ngắn Iskander-E đã được công khai chào bán xuất khẩu năm 1999 mặc dù việc bán loại vũ khí nhạy cảm như vậy sẽ gặp phải nhiều trở ngại chính trị. Syria và Iran là những nước đầu tiên bày tỏ sự quan tâm đối với Iskander năm 2000 mặc dù Nga từ chối vì sợ làm tổn hại quan hệ với Mỹ và Israel. Vào cuối năm 2004, Nga đã ký hợp đồng bán 18 hệ thống Iskander cho Syria, nhưng Tổng thống Putin đã huỷ bỏ hợp đồng vào phút cuối. Tuy nhiên, những vụ mua bán tương lai sẽ không thể loại trừ và Nga rõ ràng đang tận dụng khả năng bán Iskander cho Iran làm con bài mặc cả với Mỹ và Iran. Iskander-E đã trở thành lá bài nặng ký trong tay nước Nga trong ván bài phức tạp ở Trung Đông.

Các cuộc đàm phán với Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) cũng đã được tiến hành, hãng Rosoborneksport còn nêu tên Algeria, Kuwait, Yemen, Việt Nam, Singapore và Hàn Quốc như các khách hàng tiềm năng của Iskander. Năm 2006, các đại diện của KBM đã thông báo rằng, một hợp đồng bán Iskander-E đã được ký kết nhưng không nêu rõ tên khách hàng mua. Thông tin này đến nay vẫn chưa được tiết lộ.

Viện Novator cũng đã chào bán hệ thống tên lửa Club-M trang bị tên lửa hành trình 3M14E và tên lửa chống hạm 3M54E/E1 (SS-N-27). Club-M thực tế là biến thể xuất khẩu của hệ thống Iskander-K. UAE đã bày tỏ sự quan tâm đến hệ thống này.

Tuy nhiên, nhiều khả năng Belarus sẽ là nước đầu tiên mua Iskander-E. Tháng 11/2007, Tướng Mikhail Puzikov đã thông báo quyết định của chính phủ Belarus mua hệ thống tên lửa Iskander-E để tái trang bị cho Lữ đoàn Tên lửa 465 của Belarus vào năm 2015-2020. Puzikov nói rằng, kinh phí mua tên lửa đã được cấp và Belarus sẽ mua Ikander với giá nội bộ của Nga căn cứ các điều khoản của Hiệp định Tashkent của Tổ chức An ninh Tập thể ODKB. Những hệ thống Iskander-E đầu tiên sẽ được chuyển giao năm 2010.

Iskander-E và Club-M là những loại vũ khí tối tân và hiếm có trên thị trường vũ khí toàn cầu vì những tính năng kỹ thuật và khả năng tác chiến của chúng. Iskander-E, loại vũ khí xuất khẩu tiên tiến nhất của công nghiệp quốc phòng Nga, một khi được bán cho bất kỳ nước nào cũng chắc chắn sẽ tác động đến tương quan lực lượng ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới.

Nguồn: Iskander the Great / Mikhail Barabanov // MDB (Centre for Analysis of Strategies and Technologies - CAST)-N.4/2008.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang