Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Iran - Israel

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Iran - Israel. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Iran - Israel. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

>> Đánh hay không đánh Iran ?

Đánh hay không đánh Iran đang là vấn đề tranh cãi giữa Mỹ và Israel. Để ngăn chặn khả năng tấn công của Israel, Mỹ đã quyết không cung cấp cho đồng minh này một thứ vũ khí bí mật là bom phá boongke.

>> Chiến tranh thế giới thứ 3 xảy ra nếu Mỹ đánh Iran
>> Israel "không hề ngán" Iran

Nhân chuyến thăm tới Israel mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, Mỹ và Israel đã công bố một hợp đồng vũ khí trị giá nhiều tỷ USD. Theo đó, Mỹ sẽ bán cho Israel phiên bản tên lửa diệt radar mới nhất, máy bay tiếp nhiên liệu KC-135, các hệ thống radar tiên tiến dành cho máy bay chiến đấu cũng như một số máy bay V-22 Osprey.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố đây là các loại vũ khí mới của Mỹ và tiên tiến nhất trong khu vực. Khi được hỏi về ý nghĩa của hợp đồng này, ông Chuck Hagel đã úp mở khi khẳng định đây là thông điệp rõ ràng đối với Iran.


Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (trái) trong chuyến thăm Israel mới đây

Tuy nhiên, giới chuyên gia đã phát hiện ra một “khiếm khuyết” quan trọng trong hợp đồng này là sự vắng mặt của bom phá boongke.

Đây là loại vũ khí mà Israel luôn khao khát có được nhằm đảm bảo chắc thắng cho một chiến dịch quân sự chống Iran.

Mỹ hiện đang sở hữu loại bom xuyên boongke lớn nhất thế giới là GBU-57 do Boeing chế tạo. Bom dài 6,2 m, đường kính 0,8 m và nặng xấp xỉ 14 tấn. Ngoài GBU-57, Mỹ còn có sát thủ boongke nổi tiếng khác là GBU-28. Tuy nhiên, loại này chỉ nặng 2,3 tấn.


Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Bom xuyên bê tông GBU-57 của Mỹ

Hiện không quân Mỹ sở hữu khoảng 20 quả GBU-57 và sẽ trang bị cho máy bay ném bom B-2. Mỗi chiếc B-2 có thể mang 2 quả GBU-57 để xâm nhập sâu vào bên trong lãnh thổ đối phương và tấn công các hầm ngầm sâu dưới lòng đất.

Bom GBU-57 được điều khiển bằng hệ thống GPS, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối và có thể đánh trúng mục tiêu nằm trong boongke ở độ sâu từ 8-60 m trong lòng đất. Giới chuyên gia quân sự Mỹ đánh giá đây là loại bom duy nhất có thể phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran vì hầu hết chúng được đặt sâu trong lòng núi đá.


Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Bom xuyên bê tông GBU-28

Israel hiện cũng sở hữu một số loại bom xuyên bê tông, song không thể đe dọa tới các mục tiêu hạt nhân của Iran. Thiếu bom xuyên bê tông của Mỹ, các đòn tấn công đường không của Israel chỉ có khả năng gãi ngứa cho các cơ sở hạt nhân của Iran. Lựa chọn duy nhất còn lại của Israel là tấn công Iran bằng bộ binh, một lựa chọn đầy mạo hiểm và khó có tính khả thi.

Giới phân tích cho rằng Mỹ không bán cho Israel loại bom phá boongke, chìa khóa quan trọng để tấn công Iran, vì Mỹ không muốn xảy ra một cuộc chiến ở khu vực Trung Đông trong thời điểm hiện nay. Việc Israel phát động một cuộc chiến chống Iran sẽ kéo theo nhiều vấn đề đối với Mỹ cũng như các nước đồng minh của Mỹ tại Trung Đông. Khi bị dồn vào chân tường, Iran có thể sẽ tấn công trả đũa vào bất kỳ mục tiêu nào có thể và gây ra các hậu quả khôn lường.

Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Máy bay ném bom B-2 của Mỹ

Một lý do khác khiến Mỹ không muốn bán loại bom phá boongke cho Israel là vì Mỹ không thể bán các phương tiện mang loại bom này cho Israel. Bom phá boongke GBU-57 của Mỹ nặng gần 14 tấn. Hiện có hai loại máy bay có thể mang được loại bom này là B-52 và B-2, cả hai Israel hiện không có. Nếu bán bom GBU-57, Mỹ sẽ phải bán cả máy bay cho Israel. Trong trường hợp Israel sử dụng máy bay và bom do Mỹ bán cho để tấn công Iran, Mỹ sẽ không khỏi bị liên lụy.

Ngoài ra giới phân tích cho rằng Mỹ hiện vẫn đang “cầu giờ” để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao. Lý do để Mỹ hy vọng là cuộc bầu cử tổng thống Iran vào tháng Sáu tới với khả năng nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ có một Tổng thống mới thay đổi theo hướng Mỹ mong muốn.

Tuy nhiên, việc Mỹ không bán bom xuyên boongke cho Israel chỉ là bước trì hoãn trước mắt. Cả Mỹ và Israel đều có những nước đi riêng nhằm chuẩn bị cho một hành động quân sự chống Iran.


Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Kịch bản Israel có thể không kích vào các cơ sở hạt nhân của Iran

Chuyên gia Anthony Cordesman thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nhận định: "Thực tế, Israel đang là mối đe dọa hiện hữu nghiêm trọng hơn nhiều đối với Iran, chứ không phải Iran có thể đe dọa Israel trong tương lai gần".

Không loại trừ trường hợp Israel bất chấp áp lực từ phía Mỹ sẽ tiến hành một cuộc tấn công quân sự chống Iran. Khi đó, nhiệm vụ mà Israel phải giải quyết là hạ gục ngay lập tức khoảng 2.000 mục tiêu, bao gồm các cơ sở hạt nhân, các căn cứ quân sự và tên lửa, và các hệ thống phòng không.

Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
F-15I, một trong những loại vũ khí Israel có thể sử dụng để không kích Iran

Về phía Mỹ, việc nước này vẫn đang lưỡng lự trước khả năng can thiệp quân sự chống Syria cho thấy Mỹ có thể sẽ dồn toàn lực cho một cuộc chiến chống Iran trong tương lai không xa. Nhà cựu đàm phán hàng đầu của Mỹ Aaron David Miller mới đây cho rằng việc đứng ngoài cuộc khủng hoảng Syria sẽ cho ông Obama sự linh hoạt và nhiều lựa chọn hơn trong vấn đề Iran.

Giới phân tích đã cảnh báo, một khi các cơ hội đàm phán và giải pháp ngoại giao bị bỏ lỡ, một cuộc chiến tranh quy mô lớn với những hậu quả khủng khiếp nhiều khả năng sẽ nổ ra ở Trung Đông.


(DVO)

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

>> Chỉ vì Iran mà Israel bị cả thế giới ghét ?


Theo đuổi chiến lược ngăn chặn hạt nhân, Israel không ngừng kêu gọi tấn công Iran để ngăn nước này sở hữu vũ khí hạt nhân, đe dọa sự tồn vong của Nhà nước Do thái. Tuy nhiên, đã đến lúc Israel phải nghĩ đến chuyện sống chung với một nhà nước hạt nhân Iran.



>> Israel có tấn công Iran?
>> Các kịch bản xung đột Iran-Israel (kỳ 1)
>> Chiến tranh Iran - Israel gần kề?
>> Nếu Israel tấn công Iran: Khó đến mức nào?

Tư duy mâu thuẫn

Những năm 1960, Israel chủ trương phát triển khả năng hạt nhân với mục đích cuối cùng là đảm bảo an ninh. Trong trường hợp sự tồn vong của đất nước bị đe dọa, vũ khí hạt nhân sẽ là lựa chọn cuối cùng để Israel chống lại kẻ thù. Chiến lược này được gọi là “Lựa chọn Samson" – chiến lược răn đe bất cứ quốc gia nào có ý định tấn công đe dọa đến sự tồn vong của Nhà nước Do thái sẽ lãnh hậu quả là sự đáp trả quyết liệt bằng tên lửa, hạt nhân từ phía Israel.

"Lựa chọn Samson" được đặt theo tên một anh hùng trong kinh thánh của người Do thái, chấp nhận chết chung với kẻ thù bằng hành động giật sập ngôi đền Philistine.

Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, người Israel bị chi phối bởi niềm tin rằng bất cứ đối thủ nào của họ phát triển vũ khí hạt nhân cũng đều là mối đe dọa đối với sự tồn vong của Nhà nước Do thái và do đó, phải bị ngăn chặn bằng mọi giá. Niềm tin này là cơ sở để hình thành Học thuyết Begin với phát súng mở màn là sự kiện Thủ tướng Israel Menachem Begin quyết dùng vũ lực để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iraq năm 1981.



http://nghiadx.blogspot.com
Israel cho rằng bất cứ đối thủ nào của họ chủ trương phát triển vũ khí hạt nhân đều là mối đe dọa đến sự tồn vong của Nhà nước Do thái nên phải bị ngăn chặn bằng mọi giá. Ảnh minh họa: bikyamasr.


Song một nghịch lý là: "Lựa chọn Samson” chủ trương tìm kiếm và phát triển các lợi thế tiềm năng cơ bản cho Israel để răn đe các kẻ thù sở hữu vũ khí hạt nhân của họ. Trong khi đó, Học thuyết Begin lại chủ trương ngăn chặn bất cứ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân nào từ các đối thủ của họ.

Cuộc tranh luận mãi vẫn chưa có hồi kết về chương trình hạt nhân của Iran rõ ràng đã làm lộ ra những mâu thuẫn trong tư duy chiến lược của Israel. Có vẻ như, Học thuyết Begin xuất phát từ việc Israel không tin tưởng vào khả năng ngăn chặn hạt nhân của họ.

Mặc dù “Lựa chọn Samson” của Israel ủng hộ cho Học thuyết Hủy diệt lẫn nhau (MAD) để ngăn chặn chiến tranh hạt nhân giữa các quốc gia, giới lãnh đạo Israel ngày nay lại không tin vào chiến lược này. Họ cho rằng, việc để yên cho kẻ thù phát triển các khả năng hạt nhân chính là hành động “nối dáo cho giặc”, đẩy Israel vào tình thế nguy hiểm.

Cảm giác bất an, nỗi sợ hãi bị tấn công – kết quả của giả định rằng Nhà nước Do thái luôn phải chống chọi với các mối đe dọa sinh tồn – trở thành lý do để Israel tìm kiếm sự bảo đảm an ninh tuyệt đối. Cốt lõi trong chiến lược của người Israel chính là khái niệm rằng họ chỉ có thể tồn tại trong trường hợp họ giành được ưu thế vượt trội hơn kẻ thù về mặt quân sự. Do đó, Israel luôn muốn giữ thế độc quyền hạt nhân trong khu vực.

Điều này giải thích tại sao Israel tiến hành các cuộc không kích vào các cơ sở hạt nhân bí mật của Iraq năm 1981 và vào Syria năm 2007 nhằm bảo đảm thế độc quyền về khả năng hạt nhân của họ.

Trong khi chương trình hạt nhân là một chiến lược để tìm kiếm sự bảo đảm cuối cùng cho kịch bản ngày tận thế trong trường hợp tất cả kẻ thù liên minh lại với nhau và dốc toàn lực tấn công, đe dọa hủy diệt Nhà nước Do thái thì những đối thủ truyền thống của Israel lại chẳng màng đến chiến lược ngăn chặn hạt nhân của nước này.

Bằng chứng là, chiến lược ngăn chặn hạt nhân của Israel không ngăn được việc Syria và Ai Cập tấn công xâm lược Israel năm 1973 và việc Iraq phóng tên lửa vào lãnh thổ nước này năm 1991.

Ngoài ra, một bằng chứng dễ thấy nhất chính là tình trạng bạo lực leo thang liên tục ở dải Gaza dẫn đến việc Israel phải hứng chịu các trận mưa rocket do các nhóm vũ trang Hezbollah hoặc Hamas tiến hành nhằm vào các khu dân cư đông đúc của Nhà nước Do thái trong suốt thập kỷ qua. Đáng nói là, các nhóm vũ trang này tấn công chống lại Israel bất chấp việc nước này luôn là lực lượng chiếm ưu thế trên chiến trường.

Theo sử gia Avner Cohen, chương trình hạt nhân của Israel đã được khởi động mà không có những phân tích cẩn thận về các mục tiêu chiến lược lâu dài, cách thức áp dụng và các vấn đề liên quan khác đến khả năng răn đe của nó.

Càng cố chống Iran, Irael càng bị chán ghét

Thực tế là, ngày nay, phần lớn chiến lược gia của Israel theo đuổi Học thuyết Begin: ngăn chặn các đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân bằng mọi giá.

Tuy nhiên, việc kích động một cuộc chiến chống lại Cộng hòa Hồi giáo nhằm ngăn chặn nước này sở hữu vũ khí hạt nhân chứng tỏ rằng Israel nghi ngờ khả năng ngăn chặn một nhà nước hạt nhân Iran theo như chiến lược hạt nhân của họ. Nói cách khác, họ không có đủ niềm tin vào chiến lược ngăn chặn hạt nhân - “Chọn lựa Samson” dựa trên Học thuyết hủy diệt lẫn nhau (MAD) bằng tên lửa, hạt nhân.

Không ít người mù quáng cho rằng giới lãnh đạo Iran - bị thúc đẩy bởi hệ tư tưởng tôn giáo cứu thế sai lầm – sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để tiêu diệt Israel, bất kể cái giá phải trả là gì.

Những người khác thì lại lập luận thậm chí, trong trường hợp các nhà hoạch định chính sách Iran là những người có lý trí, thì thế giới quan bí ẩn cộng với quan hệ lạnh nhạt với Israel có thể sẽ khiến Tehran, vì một hiểu nhầm nào đó mà có thể khởi động cho sự leo thang hạt nhân mang lại những hậu quả khôn lường.

Một lập luận phổ biến khác chống lại MAD xuất phát từ quan ngại Iran sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ dẫn đến sự phổ biến loại vũ khí hủy diệt trên khắp Trung Đông.

Đáng bận tâm là, giới lãnh đạo Israel ngày nay cũng không ủng hộ MAD – cốt lõi của chiến lược “Chọn lựa Samson” của họ. Giới chức Israel cho rằng, để yên cho kẻ thù phát triển các khả năng hạt nhân chính là hành động “nối dáo cho giặc”, đẩy Israel vào thế nguy hiểm.

http://nghiadx.blogspot.com
Giới lãnh đạo Israel cho rằng để yên cho kẻ thù phát triển vũ khí hạt nhân là hành động "nối giáo cho giặc". Ảnh minh họa: news4u.

Điều này giải thích tại sao Israel tiến hành các cuộc không kích vào các cơ sở hạt nhân bí mật của Iraq năm 1981 và vào Syria năm 2007 nhằm để đảm bảo thế độc quyền về khả năng hạt nhân của họ.

Tuy nhiên, hành động kích động cho một cuộc chiến chống lại Iran hiện nay của Israel cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và chỉ khiến hình ảnh của Nhà nước Do thái trong mắt cộng đồng quốc tế ngày càng xấu xí đi. Thậm chí, nó kích động tình cảm chống Nhà nước Do thái phổ biến rộng rãi hơn trên phạm vi thế giới. Nicky Larkin, một nhà làm phim người Ireland nhấn mạnh: “Chống Israel được coi là một phần bản sắc Ireland của chúng tôi, giống như việc chúng tôi ghét người Anh vậy”.

Thêm vào đó, cách đây không lâu, tờ Economist chạy bài xã luận tiêu đề “Nỗi ám ảnh Auschwitz”, cáo buộc căng thẳng và bất ổn ở Trung Đông mãi không dứt chính là do nỗi sợ hãi bị tấn công mù quáng của người Israel - sinh ra từ sau vụ tàn sát người Do thái thời Đức Quốc xã. Vì sợ hãi, Israel bị ám ảnh về một bóng ma hạt nhân Iran, do đó, biến Iran thành kẻ thù số 1 của họ. Bài xã luận “Nỗi ám ảnh Auschwitz” nhấn mạnh rằng “người Israel về mặt tâm lý đã chuyển căn nguyên gây ra nỗi lo sợ của họ vào một đối tượng không mấy liên quan: Iran”.

Nhưng trong khi một cuộc tấn công Iran sẽ khiến Israel đối mặt với không ít rủi ro, đe dọa đến sự tồn vong của họ, thì thực tế, chính phủ nước này còn phải đối mặt với câu hỏi quan trọng khác. Đó là liệu theo đuổi một cuộc tấn công nhằm vào Cộng hòa Hồi giáo có thể chấm dứt khát vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của họ hay không.

Đây là câu hỏi mà Nhà nước Do thái cần phải trả lời trước khi đưa ra bất cứ hành động liều lĩnh nào. Đã đến lúc, Israel cần cân nhắc một cách nghiêm túc về việc sẽ tiếp tục ngăn chặn một nhà nước hạt nhân Iran hay sống chung với họ. Rõ ràng, nếu Học thuyết Begin thất bại, không còn cách nào khác Israel sẽ phải tính chuyện làm thế nào để sống chung với một nhà nước hạt nhân Iran.

Israel thề sẽ ngăn chặn Cộng hòa Hồi giáo đạt được giấc mơ hạt nhân nhưng có vẻ như họ lại chưa chuẩn bị cho những gì sẽ xảy ra nếu họ thất bại để đạt được mục tiêu này. Cho đến nay, các nhà hoạch định chính sách của Israel vẫn tránh thảo luận công khai để tìm ra chiến lược chung sống với một nhà nước hạt nhân Iran. Lý do là, họ sợ bàn về vấn đề này sẽ tác động tiêu cực đến chiến lược ngăn chặn hạt nhân của họ và gây ra sự lầm tưởng rằng họ chấp thuận để Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, thực tế là, các cuộc tranh luận công khai về vấn đề này có khả năng sẽ làm tăng nhận thức và hiểu biết về việc làm thế nào để Israel có thể thực thi chiến lược ngăn chặn hạt nhân của họ hiệu quả nhất và để tránh bất cứ sự leo thang nguy hiểm nào liên quan đến vấn đề này. Đồng thời, nó giúp điều chỉnh, xóa bỏ các mâu thuẫn trong chiến lược hạt nhân của nước này.

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

>> Bom khoan mới và những toan tính của Israel


Liên tục tăng cường kho bom xuyên boongke, Israel đang thể hiện quyết tâm lớn trong việc chặn đứng chương trình hạt nhân của Iran.

Tăng cường chuẩn bị

Tuần trước, quân đội Israel đã tiến hành thử nghiệm thành công một loại bom xuyên boongke mới do IMI (Israel Military Industries) chế tạo nhằm nâng cao khả năng đối phó với các mục tiêu nằm sâu trong lòng đất của Iran.

Loại bom xuyên boongke mới có tên là MPR-500, nặng 500 pound (250kg). Loại bom mới này có khả năng xuyên thủng lớp bê tông cốt thép hoặc tường đất dày trước khi phát nổ.

Một quan chức Quân đội Israel đánh giá loại bom mới này “rất đáng tin cậy” để chống lại các mối đe dọa hạt nhân từ Iran.


http://nghiadx.blogspot.com
Hình ảnh ghi nhận khả năng xuyên của MPR-500 trong thử nghiệm ngày 6/3. Ảnh: IMI


MPR-500 là bom dẫn đường bằng laser có độ chính xác cao, được xem là một thiết kế nâng cấp từ loại bom xuyên boongke Mk-82 của Mỹ đang có trong biên chế của quân đội Israel (IDF). Loại bom này có thể sử dụng bộ dẫn hướng của bom thông minh JDAM hoặc bom Paveway để tiếp cận mục tiêu.

Trong lần thử nghiệm mới nhất vào ngày 6/3/2012, MPR-500 thể hiện khả năng xuyên qua 3 bức tường bê tông cốt thép dày 200mm với khoảng cách giữa các bức tường lên tới 2 mét, bom có thể xuyên qua tường bê tông cốt thép cường lực với độ dày hơn 1 mét.

Đầu đạn của bom được trang bị chất nổ cực mạnh, sức mạnh của vụ nổ chỉ tập trung trong bán kính khoảng 3 mét, bán kính sát thương tối đa là 10 mét, điều này làm tăng khả năng công phá tập trung cho một mục tiêu. Đây là một yêu cầu khá quan trọng cho phép Israel có thể tấn công các mục tiêu quân sự quan trọng của Iran bố trí xen kẽ với các mục tiêu dân sự khác.

MPR-500 được xem là một bổ sung đáng kể cho kho vũ khí các loại bom xuyên boongke của IDF, là bước đệm giữa loại bom hàng không cỡ nhỏ GBU-39 và bom xuyên boongke hạng nặng GBU-28 5000 pound ( 2.268kg) đã được Mỹ đồng ý bán cho Israel trước đó.

http://nghiadx.blogspot.com
Khả năng của MPR-500 là một sự bổ sung đáng tin cậy trong các lựa chọn quân sự của IDF Ảnh: IMI


Thời gian gần đây IDF liên tục tìm cách gia tăng kho vũ khí các loại bom xuyên boongke của mình. Điều này có thể xem là một minh chứng cho đồn đoán rằng Israel đang chuẩn bị tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

Bên cạnh việc liên tục tăng cường các loại bom xuyên boongke, IDF còn có kế hoạch mở rộng phi đội máy bay tiếp nhiên liệu trên không Boeing 707.

Sau khi triển khai mở rộng, phi đội tiếp nhiên liệu trên không của IDF có khả năng đảm bảo cung cấp gần 2 triệu pounds (hơn 900 tấn) nhiên liệu, cho phép hàng trăm máy bay tiêm kích F-15, F-16 mang nhiều vũ khí hơn cho các nhiệm vụ ném bom tầm xa.

Báo Ma'ariv của Israel ngày 8/3 cho biết, Washington đang có kế hoạch hạn chế tăng cường phi đội tiếp nhiên liệu trên không cũng như các loại bom xuyên boongke cho IDF nhằm tránh một hành động quân sự đơn phương của Israel nhắm vào Iran trong năm 2012.

Trong khi đó, nguồn tin an ninh Israel phủ nhận thông tin về “sự đổi chác” trong kế hoạch sắp tới của Israel và sự bổ sung trang thiết bị quân sự từ phía Mỹ.

Một nguồn tin Chính phủ Mỹ xác nhận, loại bom xuyên boongke hạng nặng GBU-28 là chủ đề đám phán song phương giữa Mỹ và Israel.

Nguồn tin nhấn mạnh, hơn 100 quả GBU-28 đã được phê duyệt trong năm 2005, 50 quả khác đã được phê duyệt trong năm 2007, tuy nhiên con số này đã không có trong báo cáo mới lên Quốc hội Mỹ về doanh số bán hàng tiềm năng loại bom này cho Israel.

Trung tướng Benny Gantz, tham mưu trưởng IDF cho biết, ông sẽ thảo luận với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leo Panetta và chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ về tăng cường chất lượng cho IDF vào tuần tới tại Washington.

Có thể đơn phương hành động

Trong khi Washington đang tìm cách ngăn chặn một hành động quân sự đơn phương của Israel nhắm vào Iran, các quan chức an ninh tại quốc gia Do Thái này nhấn mạnh Israel có một “lựa chọn đáng tin cậy” để thực hiện một cuộc tấn công nhắm vào Tehran.

“Nếu chúng ta có hành động quân sự, chúng ta sẽ làm tốt hơn những gì mà Washington mong đợi đặc biệt là với Tehran” các quan chức an ninh Israel nói.

Phát biểu trước nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel tại Mỹ (AIAPAC) tại Washington ngày 6/3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã khơi dậy cụm từ “Holocaust”, hay còn gọi là “ sự hủy diệt đại quy mô”, ông nói.

“Israel luôn luôn phải có khả năng tự bảo vệ chính mình, tự mình chống lại mối đe dọa”, ông nói thêm.

http://nghiadx.blogspot.com
Israel có thể đơn phương hành động quân sự chống lại Iran mà không cần phải chờ đợi sự đồng ý từ phía Washington.


Trong thông cáo báo chí được phát đi từ Nhà Trắng ngày 6/3 trích dẫn phát biểu của Tổng thống Obama cho biết, các lệnh trừng phạt chống lại Tehran đang có hiệu lực.

Tổng thống Obama nhấn mạnh, “Bằng cách nào đó chúng ta đang có một sự lựa chọn trong một vài tuần tới thậm chí một tháng hoặc 2 tháng tới sẽ không có các hành động bất ngờ”.

Năm 1981, Israel đã tấn công phủ đầu vào lò phản ứng hạt nhân của Iraq, năm 2007 Israel cũng tiến hành tấn công phá hủy một khu vực bị nghi ngờ là cơ sở hạt nhân của Syria.

Trung tướng nghỉ hưu Dan Halutz, cựu chỉ huy lực lượng Không quân Israel, là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về các tranh chấp nhấn mạnh, Thủ tướng Netanyahu nên coi Iran là mối đe dọa cho sự tồn tại của Israel.

Ông cho biết “Iran là một mối đe dọa nghiêm trọng nhưng không phải là một mối đe dọa đang hiện hữu, và người ta không nên sử dụng điều này là cái cớ để tấn công Iran”.

Theo ông Halutz, hành động quân sự là sự lựa chọn cuối cùng và nó phải được dẫn dắt bởi những quốc gia khác, Israel cần phải cân nhắc những lựa chọn của mình trước khi nghĩ đến hành động quân sự.

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

>> Nếu Israel tấn công Iran: Khó đến mức nào?


Nếu Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, cuộc tấn công đó có thể là dạng oanh kích phức hợp bao gồm hàng chục máy bay chọc thủng các hàng rào phòng không của nước Cộng hòa Hồi giáo và tấn công một loạt mục tiêu cùng lúc.


http://nghiadx.blogspot.com
Nếu đánh Iran, Israel sẽ phải thực hiện một cuộc không kích cực kỳ phức tạp.


"Đó sẽ là một cuộc tấn công phức tạp hơn bất kỳ cuộc tấn công nào trước kia", Charles Wald, một vị tướng Không lực Mỹ về hưu, người từng dẫn đầu chiến dịch không kích giúp lật đổ Taliban của liên quân ở Afghanistan, nhận xét.

Nếu so sánh, cuộc oanh kích của Israel nhằm vào lò phản ứng hạt nhân Osiraq của Iraq năm 1981 và một cuộc tấn công ở Syria năm 2007 là các chiến dịch đơn giản hơn nhiều, chỉ đòi hỏi Tel Aviv tấn công một mục tiêu đơn lẻ trên mặt đất. Bên cạnh đó, cả Syria và Iraq đều không có các năng lực phòng không tinh vi.

Còn với một cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran, sẽ chẳng có gì là dễ dàng, theo ông Wald.

Cũng theo vị tướng về hưu này, người Iran đã học được nhiều từ các cuộc tấn công của Israel ở Syria và Iraq. Các cơ sở hạt nhân của Iran nằm rải rác trên khắp đất nước, một vài trong số đó được gia cố để trụ vững trước các vụ đánh bom - Colin Kahl, một giáo sư của Đại học Georgetown và là cựu quan chức Lầu Năm Góc chuyên theo dõi chính sách Trung Đông - cho biết. Các phi công sẽ phải đối mặt với một mạng lưới radar và các tên lửa phòng không được thiết kế để bảo vệ không phận Iran.

Các nhà phân tích Trung Đông đánh giá, rất khó để dự đoán chính xác một cuộc tấn công sẽ như thế nào.

"Người Israel vô cùng sáng tạo", ông Kahl nói. "Không ai biết chính xác họ sẽ thực hiện việc đó như thế nào".

Dưới đây là những thách thức chủ chốt mà Israel sẽ phải đối mặt nếu thực hiện một cuộc tấn công nhằm vào Iran:

Tầm bay

Các phi công Israel sẽ gần đạt tới hoặc vượt quá tầm bay tối đa của những chiếc phi cơ F-15 và F-16 do Mỹ chế tạo, phụ thuộc vào hành trình họ sẽ đi theo cùng tốc độ và lượng chất nổ.

Theo cựu tướng Wald, người Israel hoặc phải cần đến nhiệm vụ tiếp nhiên liệu trên không hoặc hạ cánh đâu đó trên hành trình để tiếp nhiên liệu. Hiện chưa rõ liệu có nước nào cho phép làm điều này hoặc liệu Israel có thể thiết lập một cơ sở tiếp nhiên liệu bí mật trên sa mạc.

Tiếp nhiên liệu trên không cũng có rất nhiều khó khăn. Không lực Israel có năng lực tiếp nhiên liệu hạn chế, và nếu vận hành bất kỳ một chiếc nào trong 4 chiếc máy bay tiếp dầu KC-130 của mình, họ sẽ phải cử các máy bay chiến đấu đi theo bảo vệ và điều này càng kéo căng thêm các nguồn lực, theo Scott Johnson, một chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn quốc phòng IHS Jane's.

Israel hiện có khoảng 350 chiếc F-15 và F-16.

Bay qua bầu trời Iraq là tuyến thẳng nhất đối với các phi công Israel. Vì Mỹ đã rút quân, Iraq không đủ khả năng bảo vệ hiệu quả không phận của mình và thực tế đó có thể cho Israel một con đường tiếp cận Iran trong khi phải duy trì một yếu tố bất ngờ.

Phòng không

Máy bay Israel có thể chọc thủng các hàng rào phòng không Iran. Tuy nhiên, theo giới phân tích, Israel sẽ cần phải điều thêm máy bay để gây nhiễu radar và theo cách khác, phải vô hiệu hóa các hệ thống tên lửa và radar của Iran.

"Họ sẽ không dùng bút chì sáp trên kính", Johnson nói về phòng không Iran. "Họ đã nâng cấp các hàng rào phòng không hiện đại dùng máy tính".

Iran chưa có các hệ thống mới nhất, theo tướng về hưu Wald, một nhà phân tích quân sự thuộc nhóm cố vấn Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng. Năm 2010, Nga đã hủy một hợp đồng dự kiến bán cho Iran các tên lửa đất đối không tinh vi S-300, loại vũ khí có thể nâng cấp đáng kể các hàng rào phòng không của Iran.

Bom

Israel có nhiều bom lớn đủ sức xuyên thủng boongke, nhưng theo một số nhà phân tích, nước này cần các loại bom đạn tinh vi hơn nữa để giúp hạ gục một số cơ sở được bảo vệ tốt của Iran.

Israel có các bom phá boongke GBU-28 do Mỹ chế tạo, các bom nặng 5.000 pound đủ sức công phá các mục tiêu được gia cố. Trong một báo cáo mới đây, Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng ủng hộ Mỹ cung cấp cho Israel các loại bom GBU-31 tinh vi hơn.

Giới phân tích cho rằng, thời gian thực hiện một cuộc tấn công sẽ là yếu tố quyết định, vì một chiến dịch kéo dài sẽ phát sinh khả năng bị Mỹ phản đối và có thể dẫn tới một cuộc xung đột rộng khắp hơn.

"Có thể họ sẽ chỉ thực hiện một cuộc oanh kích", Anthony Cordesman, một nhà phân tích tại Trung tâm Các nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận xét.

Cựu tướng Wald thì cho rằng, chiến dịch đó đòi hỏi nhiều thời gian hơn. "Nếu bạn thực sự muốn làm đúng điều này, có thể bạn phải bàn luận mất vài tuần".

Mỹ nên sẵn sàng cho một cuộc phản công của Iran, ông Wald đánh giá. Colin Kahl thì nhấn mạnh Iran có các tên lửa tầm trung có thể bắn chạm tới Israel.

Có nhiều cách Iran có thể tấn công đáp trả. Hải quân nước này có thể chặn các tàu buôn đi qua Eo biển Hormuz, phá vỡ các hoạt động cung cấp dầu của thế giới. Năm 2009, khoảng 17% tổng lượng dầu lửa trao đổi trên toàn thế giới được chuyên chở qua eo biển nhỏ hẹp này, theo Bộ Năng lượng Mỹ.

Giới phân tích cũng cho rằng, Iran có thể sẽ dùng đến các tổ chức ủng hộ nước này, Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon, để tấn công Israel.

"Bạn phải sẵn sàng cho điều đó", ông Wald nói

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

>>Israel thử nghiệm lần cuối phòng thủ tên lửa Arrow


Bộ Quốc phòng Israel ngày 10/2 cho biết Israel và Mỹ gần đây đã thực hiện thành công lần thử nghiệm cuối cùng hệ thống phòng thủ tên lửa.


http://nghiadx.blogspot.com
Tên lửa Arrow

Theo AFP, Bộ Quốc phòng Israel ngày 10/2 cho biết Israel và Mỹ gần đây đã thực hiện thành công lần thử nghiệm cuối cùng hệ thống phòng thủ tên lửa "Arrow" trên Địa Trung Hải.

Theo tuyên bố của bộ trên, trong buổi diễn tập, hệ thống rada của Arrow đã theo dõi một mục tiêu "đại diện cho các mối đe doạ của tên lửa đạn đạo nhằm vào Israel" và đã "truyền thông tin tới Hệ thống kiểm soát quản lý chiến trường Citron Tree, hệ thống này đã chuẩn bị một phương án đánh chặn giả tưởng."

Cũng theo bộ trên, đây là cột mốc lịch sử trong quá trình phát triển của Arrow và mang lại niềm tin vào khả năng Israel có thể đánh bại các mối đe doạ tên lửa đạn đạo đang gia tăng.

Vào tuần trước, Tư lệnh tình báo quân đội Israel Aviv Kochavi đã cảnh báo rằng các nước thù địch hiện kiểm soát "khoảng 200.000 tên lửa."

Ông Kochavi lưu ý rằng Iran hiện đã có đủ nguyên liệu phóng xạ để sản xuất bốn quả bom nguyên tử.

Dự án Arrow được khởi động vào năm 1988 và hiện nay chi phí phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa này được đồng minh thân cận của Israel là Mỹ tài trợ 50%.

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

>> Khám phá tên lửa Spyder – MR của Irsael



Spyder là hệ thống phòng không cơ động sử dụng các tên lửa đất đối không tầm ngắn và tầm trung hiện đang được rất nhiều nước sử dụng



Hệ thống tên lửa chống máy bay, tầm ngắn Spyder - SR và tầm trung Spyder – MR được công ty thiết bị quốc phòng Rafael của Irsael thiết kế và chế tạo.

Hệ thống được thiết kế để bảo vệ các cơ sở quân sự quan trọng và đối phó với các mối đe dọa từ không trung, chẳng hạn như các cuộc tấn công bằng máy bay tấn công, tên lửa hành trình và UAV… trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết.



http://nghiadx.blogspot.com
Spyder có khả năng quan sát và tiến hành đánh chặn mục tiêu trong khu vực rẻ quạt 360 độ. Sau khi được bắn đi từ bệ phóng, động cơ tên lửa được khởi động trong vòng 2 giây và lao thẳng tới mục tiêu đã được xác định trước nhờ thiết bị dò hồng ngoại.


http://nghiadx.blogspot.com
Hệ thống tên lửa Spyder sử dụng các chế độ ngắm bắn mục tiêu LOBL - khóa mục tiêu trước khi phóng và LOAL - khóa mục tiêu sau khi phóng.

Khóa mục tiêu trước khi phóng (LOBL) là chế độ mà đầu dò laser của tên lửa khóa mục tiêu trước khi phóng. Trong trường hợp này, mục tiêu chắc chắn đã bị khóa do đó giảm thiểu rủi ro tên lửa bay lạc.



http://nghiadx.blogspot.com
Khóa mục tiêu sau khi phóng (LOAL) bao gồm khóa mục tiêu sau khi phóng - trực tiếp (LOAL-DIR), khóa mục tiêu sau khi phóng - cao (LOAL-HI) và khóa mục tiêu sau khi phóng - thấp (LOAL-LOW).

Trong chế độ khóa mục tiêu sau khi phóng - trực tiếp (LOAL-DIR), tên lửa bắn đi trước rồi mục tiêu mới được khóa bằng hệ thống chỉ thị laser. Do độ trễ từ hệ thống chỉ thị laser, độ cao bay tối đa của tên lửa có thể sẽ giảm đi.

Với chế độ LOAL-HI, tên lửa được phóng khỏi bệ khi chưa có khóa mục tiêu, bay lên một độ cao lớn hơn rồi lao xuống.

Còn trong chế độ khóa mục tiêu sau khi phóng - thấp (LOAL-LOW) tên lửa phóng đi khi chưa có khóa mục tiêu và bay ở độ cao thấp.

Trong các chế độ này, tên lửa được “bắn và quên”. Tức là hệ thống bệ phóng chỉ việc nhấn nút cho tên lửa bay ra, sau đó tên lửa tự tìm và lao vào mục tiêu. Trong toàn bộ hành trình bay của tên lửa không có bất cứ một mối liên hệ nào với tổ hợp tên lửa.

Khả năng chiến đấu của Spider-MR nằm ở đạn tên lửa tầm trung dẫn đường bằng radar Derby, có chiều dài 3,6m, nặng 121,4kg, và tầm bắn tối đa 65 km. Spider-MR có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao lên tới 16 km. Tên lửa Spider-MR sử dụng chế độ khóa mục tiêu LOAL.

Tên lửa Spider-SR sử dụng đạn tên lửa tầm ngắn Python-5 có chiều dài 3,2m, nặng 105kg, và tầm bắn tối đa 15km.

Nhờ thiết bị quan sát quang điện TOPLITE và radar ba chiều EL/M-2106 ATAR, Spider-SR có thể theo dõi cùng lúc tới hàng chục mục tiêu trong phạm vi hơn 30 km. Spider-SR sử dụng cả 2 chế độ khóa mục tiêu LOBL và LOAL, có thể bắn trúng mục tiêu cao nhất 9.000m và mục tiêu thấp nhất 20m.

http://nghiadx.blogspot.com


Tên lửa Derby được các chuyên gia quân sự đánh giá là có nhiều tính năng vượt trội so với tên lửa Python như khối lượng chất nổ lớn hơn và được trang bị hệ thống điều khiển riêng qua radar.

Mỗi hệ thống Spyder có 4 xe tải chở các ống phóng tên lửa, 1 xe radar và 1 chiếc xe tải mang tên lửa để nạp vào ống phóng. Tổng giá trị của mỗi hệ thống ước tính khoảng 11 triệu đôla.

Ngoài các lực lượng Quốc phòng Israel, các hệ thống Spyder còn được phục vụ trong quân đội Georgia (với SAM Python 4), Singapore (Spyder - MR / SR) và Ấn Độ (Spyder - SR).

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

>> Iran chuẩn bị gì nếu có chiến tranh?



Căng thẳng lâu dài và ngày càng gia tăng giữa Iran với các nước phương Tây khiến Tehran tập trung phát triển và mua sắm nhiều loại vũ khí để đối phó với tình huống xấu nhất.



http://nghiadx.blogspot.com


Tên lửa đất đối đất Shahab-3 có thể mang theo đầu đạn với tầm bắn từ 1.300 - 2.000km, có khả năng tấn công các mục tiêu tại Israel, phần lớn các nước Arab và một phần lãnh thổ châu Âu. Loại tên lửa này được coi là niềm tự hào của công nghiệp quốc phòng Iran. Các tên lửa Shahab gồm ba phiên bản do nước này tự sản xuất. Ảnh: military.ir

http://nghiadx.blogspot.com


Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300 tương tự của Nga do chính Iran chế tạo sau khi Nga chấm dứt hợp đồng cung cấp S-300 vào tháng 9 năm nay, dưới sức ép của cộng đồng quốc tế. Rada của hệ thống này có thể cùng lúc theo dõi 100 mục tiêu, trong khi việc triển khai chỉ mất 5 phút. Hệ thống này còn có tuổi thọ cao và tính cơ động tốt. Ảnh: FARS


http://nghiadx.blogspot.com

Tổ hợp tên lửa đất-đối-không Tor M1 9M330 là hệ thống tên lửa tầm trung hiện đại được mua từ Nga. Nó có nhiệm vụ bảo vệ các lực lượng chiến đấu, tiêu diệt các mục tiêu là máy bay ném bom, trực thăng, tên lửa hành trình, máy bay không người lái và các mục tiêu bay ở độ cao thấp đến trung bình. Ảnh: defence.pk


http://nghiadx.blogspot.com

Tên lửa Fateh 110 tầm thấp với bán kính hoạt động 150-200 km. Fateh trong tiếng Farsi và tiếng Ả Rập có nghĩa là "Chinh phục". Tên lửa đất đối đất thế hệ thứ 3 của Fateh-110 có chiều dài khoảng 9m và nặng 3,5 tấn. Ảnh: defence.pk

http://nghiadx.blogspot.com

Tên lửa được trang bị một hệ thống kiểm soát hướng dẫn giúp nó có độ chính xác cao hơn so với phiên bản cũ và có thời gian khởi động cũng nhanh hơn so với các thế hệ trước. Fateh-110 sử dụng nhiên liệu dạng rắn do tổ chức Aerospace Industries của Iran tự nghiên cứu và chế tạo. Bản thân Fateh-110 cũng do chính các nhà khoa học của Iran thiết kế và chế tạo. Ảnh: defence.pk


http://nghiadx.blogspot.com

Máy bay không người lái tấn công (UACV) mang tên Karar được trưng bày năm 2010 trong một buổi lễ ở Iran. Nó được cho là có thể mang hai quả bom và bốn tên lửa hành trình. Ảnh: defence.pk


http://nghiadx.blogspot.com

Tên lửa hành trình "Nasr-1" có khả năng tiêu diệt mục tiêu trên bộ, trên không và trên biển. Loại tên lửa này không chỉ có khả năng “qua mặt” hệ thống radar, có thể phá hủy mục tiêu 3.000 tấn như tàu chiến. defence.pk


http://nghiadx.blogspot.com

Tên lửa Qaem “đất đối không”được sử dụng để tiêu diệt máy bay trực thăng và các mục tiêu trên không hoạt động ở tầm thấp và tầm trung. Được dẫn đường bằng laser, rất có thể đây sẽ “hắc tinh” của máy bay trực thăng chiến đấu đối phương. . Ảnh: MEHR


http://nghiadx.blogspot.com

Tên lửa đất đối đất mới Qiam (Hồi sinh). Đây là loại tên lửa đất đối đất hoàn toàn mới mang đặc tính kỹ thuật và khả năng chiến thuật duy nhất. Tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng, không có cánh nên rất khó đánh chặn. Nó được lắp ráp và chế tạo hoàn toàn tại Iran. Ảnh: defence.pk

http://nghiadx.blogspot.com

Saeqeh (tiếng Ba Tư "tiếng sét") là máy bay tiêm kích 1 chỗ do Iran chế tạo. Máy bay tiêm kích Saeqeh được thử nghiệm thành công tại Iran vào ngày 20 tháng 9/2007 xuất hiện với vài đặc điểm giống F-5E. Loại phi cơ chiến đấu này được đưa vào phục vụ năm 2011Ảnh: ISNA


http://nghiadx.blogspot.com

Máy bay tiêm kích Azarakhsh (tia chớp) là loại máy bay tiêm kích phản lực chiến đấu đầu tiên do Iran tự sản xuất. Azarakhsh có nhiều điểm khác biệt so với F-5 của Mỹ, chẳng hạn như có thân dài hơn, cánh có hình dạng khác. Nhưng nhìn chung đây là loại máy bay được phát triển trên cơ sở F-5 hoặc F-4. Ảnh: defence.pk


http://nghiadx.blogspot.com

Tên lửa hai tầng Sejil -1 là tên lửa đầu tiên được Iran phóng thử và sử dụng nhiên liệu rắn. Ảnh: military.ir


http://nghiadx.blogspot.com

Máy bay chiến đấu tàng hình không người lái Sofreh Mahi đã qua các thử nghiệm radar cần thiết và đang trong giai đoạn chuẩn bị đưa vào sản xuất hàng loạt. Máy bay tàng hình không người lái mới này được sử dụng để tiến hành các chiến dịch tác chiến, trinh sát, đồng thời sẽ sử dụng như máy bay ném bom không người lái thông thường.. Ảnh: military.ir

Các loại khí tài dùng cho tác chiến mặt đất cũng được chú trọng phát triển. Tên lửa Toofan-5 “đất đối đất” được coi là “hắc tinh” của các phương tiện bọc thép bộ binh. Ảnh: military.ir

http://nghiadx.blogspot.com

Nó có thể mang hai loại đầu đạn khác nhau. Ảnh: military.ir


http://nghiadx.blogspot.com

Xe tăng Zolfaghar-3 MBT là dòng xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ hai của Iran, Chuẩn tướng Mir-Younes Masoumzadeh, Phó chỉ huy lực lượng mặt đất đã cho tiến hành nghiên cứu và sản xuất loại tăng này để tăng cường sức mạnh cho lực lượng Lục quân Iran. Các phiên bản thử nghiệm của xe được hoàn thành vào năm 1993. Sáu phiên bản đầu tiên được sản xuất và thử nghiệm vào năm 1997. Ảnh: defence.pk


http://nghiadx.blogspot.com

Xe chiến đấu bộ binh Boragh IFV. Vỏ bọc thép dày hơn và trang bị hỏa lực mạnh hơn được thiết kế để phục vụ tích cực cho chiến đấu trực tiếp. Ảnh: military.ir

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

>> Các kịch bản xung đột Iran-Israel (kỳ 1)


Đất rộng, người đông GDP năm 2010 ước tính tới 357 tỷ USD, Iran có đầy đủ các yếu tố để trở thành một trong những nước có tiềm lực quân sự mạnh nhất khu vực.

Kỳ 1: Tiềm lực quân sự Iran
>>Các kịch bản xung đột Iran-Israel (kỳ 2)


Trong thời gian gần đây, bất chấp những lời đe dọa trừng phạt của Mỹ, Israel và đồng minh, Iran vẫn bảo lưu quan điểm về chương trình hạt nhân của mình.

Chắc chắn Iran không thể không biết hậu quả của những nước đi ngược lại lợi ích của các nước phương Tây qua các cuộc chiến tại Afghanistan, Iraq và mới đây nhất là Libya. Tuy nhiên thái độ cứng rắn của Iran không phải không có cơ sở nếu chúng ta nhìn vào tiềm lực quốc phòng của đất nước này.

Không giống như các nước khác, lực lượng vũ trang của Iran chia thành hai nhánh chính hoạt động khá độc lập với nhau gồm Quân đội Cộng hòa Hồi giáo Iran (IRIA - Islamic Republic of Iran Army) chịu trách nhiệm về chiến đấu bảo vệ lãnh thổ và Lực lượng Vệ binh Cách mạng (IRGC - Islamic Revolution Guardians Corps) phụ trách các vấn đề an ninh.



http://nghiadx.blogspot.com
Các binh sĩ Iran tham gia duyệt binh.


Dù quy mô và nhiệm vụ không giống nhau nhưng cả 2 lực lượng này đều có các binh chủng hải, lục và không quân riêng. Riêng IRGC còn có lực lượng đặc nhiệm Quds và Binh chủng tên lửa đối đất của Iran.

Hiện tại, IRIA đang có trong tay 465.000 binh lính, trong đó 230.000 người là quân nhân chuyên nghiệp và 235.000 người là lính nghĩa vụ, còn IRGC có quy mô 125.000 lính chính quy và khoảng 90.000 dân binh thuộc lữ đoàn bán vũ trang Basij.

Trước cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran là một trong những đồng minh thân cận của phương Tây, vì vậy quân đội nước này đều được trang bị những vũ khí Âu Mỹ tối tân hiện đại nhất như trực thăng tấn công AH-1J, máy bay tác chiến không đối không tầm xa F-14 Tom Cat...

Tuy nhiên, sau cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979, bị phương Tây cấm vận, Iran đã mở rộng nguồn cung cấp vũ khí ra các thị trường mới như Nga, Trung Quốc, Brazil... và đặc biệt là đã đạt được nhiều thành công trong việc hiện đại hóa nền công nghiệp quốc phòng, từ đó đã tự túc được rất nhiều loại vũ khí khí tài hiện đại.

http://nghiadx.blogspot.com
Vị trí địa lý của Iran trong khu vực.

Hải quân

Nắm giữ vùng biển quan trọng, trong đó có eo biển Hormuz với 40% lưu lượng dầu thô giao dịch trên thế giới, Iran đang cố gắng xây dựng một lực lượng hải quân lớn và có sức mạnh đáng kể.

Đặc biệt, do yếu tố địa lý nhỏ hẹp của vùng vịnh Persian, xác suất cao phải chiến đấu với các quốc gia có tiềm lực hải quân mạnh hơn, Iran đã đầu tư mạnh vào lực lượng tàu cao tốc tấn công trang bị tên lửa và lực lượng tàu ngầm.

http://nghiadx.blogspot.com

Tàu đệm không khí trang bị tên lửa chống hạm của Iran.
Hải quân Iran hiện nay sở hữu một lực lượng lớn gồm 28.000 binh sĩ; 13 tàu ngầm các loại, 5 hộ vệ hạm; 3 tàu tàu hộ vệ cỡ nhỏ; 98 tàu tuần tiễu và hơn 100 tàu cao tốc tấn công có trang bị tên lửa.

Ngoài ra, binh chủng này cũng sở hữu lực lượng không quân riêng với 65 máy bay, trong đó có cả máy bay săn ngầm P-3 Orion do Mỹ sản xuất.

http://nghiadx.blogspot.com
Iran đang vận hành 3 tàu ngầm tấn công lớp Kilo do Nga sản xuất.


Trong số tàu ngầm của Iran sở hữu, nổi bật nhất là 3 chiếc Project 877EKM lớp Kilo do Nga sản xuất. Dù vậy, đây là những chiếc Kilo biến thể đầu tiên nên tính năng hoạt động và vũ khí không thể so sánh với những chiếc Kilo Project 636 Nga bán ra sau này.

Ngoài ra, những chiếc tàu ngầm còn lại đều thuộc lớp Nahang và Ghadir do nước này tự sản xuất, vốn là những tàu ngầm mini có lượng giãn nước chỉ từ 150 - 400 tấn và khả năng chiến đấu rất hạn chế.


http://nghiadx.blogspot.com

Một chiếc tàu ngầm mini lớp Ghadir đang được hoàn thiện trong nhà máy.
Năm 2008, Iran công bố nước này đã bắt đầu đóng chiếc tàu ngầm tấn công nội địa đầu tiên giãn nước trên 1.000 tấn có tên Qaem.

Theo những thông tin phía Iran cung cấp, loại tàu ngầm này sẽ được trang bị nhiều công nghệ hiện đại, trong đó vũ khí sẽ bao gồm cả ngư lôi và tên lửa.


http://nghiadx.blogspot.com

Tàu hộ vệ Jamaran là chiếc tàu chiến hiện đại nội địa lớn nhất hiện nay của Iran.

Về lực lượng tàu nổi, không chỉ đầu tư vào các tàu cao tốc tên lửa với nhiệm vụ phòng vệ, Iran cũng đang bắt tay đóng các chiến hạm lớn, trang bị vũ khí mạnh, có khả năng tác chiến dài ngày để gia tăng sự hiện diện của nước này trên các vùng biển quốc tế.

Tiêu biểu cho những chiến hạm này là hộ vệ hạm lớp Moudge có tên Jamaran mới được Iran hoàn thành. Jamaran là một tàu chiến tấn công có khả năng tác chiến rất mạnh, được trang bị 4 tên lửa chống hạm Noor (biến thể nội địa Iran sản xuất theo tên lửa C-802 của Trung Quốc) tầm bắn 200 km; tên lửa phòng không Fajr (copy tên lửa SM-1 của Mỹ) cùng ngư lôi và pháo hạm 76 mm.

Vào thời điểm hiện nay, Iran cũng đang tiến hành đóng tàu hộ vệ lớp Moudge cải tiến với khả năng tác chiến vượt trội so với Jamaran. Dự tính chiếc hộ vệ hạm mới có tên Velayat sẽ phục vụ hải quân Iran trong tương lai gần.


http://nghiadx.blogspot.com

Những chiếc tàu cao tốc này có thể đạt tốc độ tới 150 km/h. Cùng với tên lửa chống hạm, nó sẽ là mối đe dọa chết người với các tàu chiến tại vùng biển nông thuộc vịnh Persian


http://nghiadx.blogspot.com

Máy bay F-14A Tomcat của Không quân Iran.


http://nghiadx.blogspot.com

Một phi đội gồm máy bay F-14, F-4 và Mig-29 của không quân Iran bay biểu diễn.


http://nghiadx.blogspot.com

Máy bay Azarakhs (sấm sét) của Iran chế tạo dựa trên F-5E của Mỹ


http://nghiadx.blogspot.com

Máy bay F-16 Mỹ bán cho chính quyền Shas của Iran. Phòng không - không quân

Nhằm bảo vệ các mục tiêu quan trọng, đặc biệt là cơ sở hạt nhân, Iran đã xây dựng một lực lượng phòng không - không quân đông đảo và có chất lượng cao trong khu vực.

Không quân Iran vào giai đoạn trước cách mạng Hồi giáo đã sở hữu những trang bị hiện đại nhất khu vực. Dưới sự trị vì của vương triều Shas, Mỹ đã viện trợ và bán cho Iran 160 máy bay F-16, 79 máy bay F-14A Tomcat, 32 máy bay F-4D Phantom, 177 máy bay F-4E, 16 máy bay trinh sát điện tử RF-4E Phantom II, 140 máy bay F-5E và 28 máy bay F-5F hai chỗ ngồi.

Sau khi bị cấm vận từ năm 1979 cùng với cuộc chiến tranh Iran - Iraq, Iran đã dần cạn kiệt nguồn phụ tùng thay thế cho những máy bay này, do đó, số máy bay phương Tây còn phục vụ hiện nay trong quân đội Iran không còn nhiều (chỉ còn khoảng 25 chiếc F-14A và hơn 100 máy bay F-4; F-5 còn đang hoạt động).

Dù vậy, Iran cũng đã đạt được thành tựu khi không chỉ sản xuất được phụ tùng thay thế mà còn có khả năng tự nâng cấp những loại máy bay này. Tiêu biểu Iran đã sản xuất được máy bay Saeqeh, biến thể nâng cấp của máy bay F-5A và Azarakhsh là loại máy bay tự sản xuất hoàn toàn dựa trên máy bay F-5E của Mỹ.

Sau nămm 1979, Iran cũng đã mua khá nhiều máy bay từ các nước khối XHCN như máy bay tiêm kích J-7M của Trung Quốc, Mig-29, Su-24MK của Nga và máy bay vận tải Il-76TD.

Một nguồn cung cấp máy bay cho Iran không thể không kể đến là những chiếc máy bay do phi công Iraq đào tẩu khi Mỹ tấn công Iraq trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất gồm các loại như Mirage-F1 (ít nhất một phi đội), Su-24MK (Fencer-D), Mig-29, Su-22M, Su-25, Mig-24 và Il-76.

Trong số các máy bay này, những chiếc Mirage F1 và Su-24MK vẫn còn đang phục vụ bình thường trong lực lượng Không quân Iran.


http://nghiadx.blogspot.com

Chiếc máy bay cảnh báo sớm (AEW) Il-76 Adnan này là do các phi công Iraq "biếu không" cho Iran

Ngoài ra, công nghiệp Iran cũng đã tự chủ trong việc sản xuấ nhiều loại máy bay trực thăng và máy bay huấn luyện theo các nguyên mẫu nước ngoài như Shavabiz 75 (biến thể của trực thăng Bell 214C), Shahed 274 (chủ yếu dựa theo trực thăng Bell-206), máy bay huấn luyện JT2-2 Tazarv, máy bay huấn luyện hạng nhẹ Parastu ( biến thể của máy bay F33 Bonanza do Mỹ sản xuất).

Không những sở hữu số lượng máy bay hùng hậu, không quân Iran cũng đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm tác chiến từ cuốc chiến tranh 9 năm với người láng giềng Iraq. Đồng thời, qua cuộc chiến này, Iran cũng đã làm chủ được nhiều loại vũ khí của cả phương Tây và khối XHCN.

Trong những năm gần đây, bên cạnh việc tự phát triển các loại máy bay chiến đấu mới, Iran cũng đang nỗ lực tìm nguồn cung cấp các chiến đấu cơ hiện đại. Trong số các loại máy bay nước này quan tâm có thể kể đến máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-30 của Nga, J-10 hay JF-17 Thunder của Trung Quốc. Tuy nhiên, dưới áp lực của Mỹ và phương Tây, hiện Iran chưa ký được một hợp đồng nào để mua những loại máy bay này.


http://nghiadx.blogspot.com

Iran tự nhận là nước đầu tiên chế tạo tên lửa đánh chặn tên lửa không đối không.


http://nghiadx.blogspot.com

Tên lửa có thiết kế giống S-300 của Nga.


http://nghiadx.blogspot.com

Tên lửa phòng không 2K12 Kub (SA-6) của Iran.

Dù sở hữu số lượng máy bay khá lớn, nhưng hầu hết những loại máy bay này đã lỗi thời khi so sánh với máy bay F/A-18 của Mỹ hay F-15, F-16 của Israel, do đó nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu quan trọng của Iran vẫn phải dựa nhiều vào lực lượng phòng không.

Tương tự không quân, lực lượng phòng không Iran cũng sở hữu nhiều loại vũ khí khác nhau của cả phương Tây và Nga.

Ngoài các hệ thống tên lửa phòng không cũ như S-200, 2K12 Kub, S-125 (Nga), MIM-23 Hawk, SM-1 (Mỹ), mới đây Iran cũng đã mua 29 hệ thống phòng không tầm ngắn Tor của Nga. Đây là hệ thống phòng không cơ động, có khả năng phản ứng nhanh và có thể đối phó với các tên lửa hành trình.

Ngoài ra, quân đội Iran cũng được trang bị nhiều loại tên lửa tầm nhiệt vác vai hiện đại như SA-16/18 Igla, RBS-70 của Thụy Điển.
Bên cạnh tên lửa phòng không, Iran cũng được trang bị mạng lưới pháo phòng không tầm thấp dày đặc, trong đó có cả những hệ thống hiện đại điều khiển bằng máy tính, dẫn bắn bằng radar và thiết bị ngắm quang điện tử như Skyguard do Thụy Sĩ sản xuất.

Ngoài ra, công nghệ quốc phòng của Iran cũng làm chủ, sản xuất được nhiều loại tên lửa phòng không hiện đại khác.

Đáng kể nhất là tên lửa biến thể S-300 (Iran tuyên bố tự sản xuất sau khi hợp đồng mua bán với Nga bị đổ bể, có thể có sự hỗ trợ kỹ thuật và linh kiện từ Nga hoặc Belarus), tên lửa Messad (là biến thể nâng cấp của tên lửa MIM-23 Hawk của Mỹ với radar và thiết bị điều khiển mới, có độ chính xác và tầm bắn vượt xa nguyên bản.


http://nghiadx.blogspot.com

Binh sĩ Iran đang vận hành pháo 35 mm trong hệ thống phòng không Sky Guard

Tên lửa

Lực lượng tên lửa đối đất là “nắm đấm” đáng gờm của Iran đối với các quốc gia có ý định tấn công nước này, đặc biệt là Israel.

Từ những tên lửa Scud mua ban đầu của Nga và một phần nhờ sự giúp đỡ của Trung Quốc, Triều Tiên, Iran đã tự chế tạo được rất nhiều loại tên lửa đạn đạo nguy hiểm.

Bước đầu, Iran đã thành công trong việc chế tạo các tên lửa đạn đạo tầm ngắn hoạt động bằng nhiên liệu lỏng như Shahab-1 (tầm bắn 350 km, dựa trên tên lửa Scud-B), Shahab-2 (tầm bắn 750 km, dựa trên Scud-C).


http://nghiadx.blogspot.com

Tên lửa đất đối đất Fateh-110 có tầm bắn 300 km với tốc độ tới 1.200 m/s nên gần như không thể đánh chặn.

Sau đó, Iran ngày càng tiến bộ khi đã thành công trong việc chế tạo các tên lửa tầm trung có tầm bắn từ 2.000 - 3.000 km, có khả năng vươn tới Israel và toàn bộ các căn cứ quân sự của Mỹ tại vùng Vịnh.

Đặc biệt, các tên lửa mới này (như Shahab-3 tầm bắn từ 1.200 - 2.000 km; Ghadr-110 tầm bắn 2.500 - 3.000 km, Sajjil-2 tầm bắn 2.000 - 2.500 km) đều sử dụng nhiên liệu rắn, do đó thời gian triển khai phóng sẽ nhanh hơn và đối phương có ít thời gian chống trả hơn.


http://nghiadx.blogspot.com

Tên lửa Sajjil có tầm bắn tới 2.500 km và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân

Thêm nữa, những tên lửa như Ghadr-110 có thể mang đầu đạn nặng tới 750 kg, nghĩa là chúng hoàn toàn có thể được vũ trang bởi đầu đạn hạt nhân nếu Iran làm chủ được công nghệ vũ khí nguyên tử này.


http://nghiadx.blogspot.com

Súng trường tấn công Khaybar KH-2002 do Iran tự chế tạo

Bộ binh

Dù xác suất có một cuộc tấn công bằng bộ binh của Mỹ hay Israel vào Iran là rất nhỏ nhưng không vì thế mà Iran sở hữu lực lượng lục quân yếu.

Lực lượng lục quân Iran đang sở hữu một lực lượng lớn với 350.000 binh sĩ, trong đó 130.000 người là quân nhân chuyên nghiệp, còn lại là lính nghĩa vụ.

Kể từ sau cách mạng Hồi giáo năm 1979, lực lượng lục quân Iran đã được biên chế lại với ba sư đoàn bộ binh cơ giới, 7 sư đoàn bộ binh, một lữ đoàn dù và một sư đoàn đặc nhiệm.

Năm 2004, lực lượng này lại được tổ chức lại một lần nữa với bốn sư đoàn cơ giới, 6 sư đoàn bộ binh, hai lữ đoàn đặc nhiệm và một lữ đoàn dù cùng một số đơn vị độc lập khác.


http://nghiadx.blogspot.com

Pháo Koksan 175 mm do Triều Tiên sản xuất trong biên chế quân đội Iran

Sư đoàn đặc nhiệm số 23 của Iran hiện là đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội nước này với 5.000 quân nhân chuyên nghiệp. Sư đoàn này được chia thành 4 lữ đoàn bao gồm một lữ đoàn hỗ trợ đường không và các lữ đoàn cơ giới hỗn hợp, bao gồm cả một lữ đoàn đổ bộ đường biển được tổ chức tương tự lực lượng thủy quân lục chiến của phương tây.

Hỗ trợ lực lượng bộ binh này là 65 máy bay tấn công mặt đất cùng 320 trực thăng chở quân và chiến đấu, bao gồm chủ yếu là máy bay AH-1J do Mỹ sản xuất.

Hiện lục quân Iran vẫn vận hành nhiều loại vũ khí của cả Nga và phương Tây như xe tăng M-60 của Mỹ, Chieftaincủa Anh, T-54, T-62 và T-72 của Nga. Ngoài ra, Iran cũng có loại xe tăng nội địa với tên Zulfiqar.

Ba biến thể của xe tăng này là Zulfiqar-1 và Zulfiqar-3 sử dụng nhiều chi tiết của cả xe tăng Mỹ và Nga như pháo 2A46 125 mm sản xuất theo pháo của xe tăng T-72 và hệ thống xích, nhún lấy từ xe tăng M-60 của Mỹ.

Iran cũng tự nâng cấp hầu hết số xe tăng T-54 của mình lên chuẩn mới với tên Safir-74 hay còn gọi là T-72Z.


http://nghiadx.blogspot.com

Xe tăng Zulfiqar-3, mẫu xe tăng mới nhất của Iran được cho là có tính năng không kém các xe tăng hiện đại phương Tây

Ngoài ra, Iran cũng tự sản xuất được nhiều hầu hết các loại vũ khí bộ binh như súng trường tấn công Khaybar KH-2002, tên lửa chống tăng Toophan...mặc dù những vũ khí này vẫn dựa một phần hay hoàn toàn vào thiết kế của vũ khí nước ngoài.

Có thể thấy hiện nay Iran đang sở hữu một lực lượng quân đội hùng mạnh trong khu vực. Vũ khí nước này dù chưa phải quá hiện đại và khá lộn xộn do pha trộn giữa hai hệ vũ khí phương Tây và Nga - Trung Quốc, tuy nhiên, nhờ đầu tư nghiêm túc vào công nghiệp quốc phòng, Iran dần đã tự chủ và ngày càng hiện đại hóa được trang thiết bị quân sự của mình.

Nếu Mỹ và Israel muốn đối phó với đất nước này thì những gì đã làm với Iraq hay Afghanistan chắc chắn là không đủ.

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang