Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: Quan hệ Nga - Trung

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn Quan hệ Nga - Trung. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Quan hệ Nga - Trung. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

>> Nga yếu thế nếu xảy ra chiến tranh với Trung Quốc?

Theo báo chí Nga nhận định, nếu xảy ra chiến tranh trên bộ, Trung Quốc sẽ có lợi thế vì nước này đang sở hữu nhiều loại vũ khí chiến lược tầm trung, có thể bao phủ toàn bộ lãnh thổ Nga, trong khi Nga lại rất hạn chế về loại vũ khí tầm trung để hướng tới lãnh thổ Trung Quốc.

>> Nga không hiểu hay tại Trung Quốc nhiều chiêu ?
>> Trung Quốc: bạn hữu hay kẻ thù tiềm tàng?

Tờ Tiền phong dẫn theo báo Nga nhận định, ở nước Nga, các chuyên gia chiến lược quân sự vẫn đang lo lắng về việc Mỹ và khối quân sự Bắc Đại Tây Dương - NATO đang xây dựng hệ thống đánh chặn tên lửa ở Châu Âu, dù các hệ thống đó chẳng có giá trị gì về mặt tấn công và châu Âu đang hưởng những ngày tháng yên bình tính từ năm 1945, hệ thống đánh chặn tên lửa đó hoàn toàn không có khả năng ngăn chặn được những đầu đạn hạt nhân mà chỉ có giá trị phòng thủ tinh thần cho mùa hè ấm áp của châu Âu.

Mỹ nổi tiếng với hệ thống tên lửa Tomahawk, do tên lửa hành trình Tomahawk có tầm bắn xa, nhưng tốc độ bay của chúng là cận âm, do đó, để tấn công bất cứ một mục tiêu nào sâu trong nội địa với khoảng cách xa nhât, tên lửa tomahawk cần phải bay mất 2 giờ. Đồng thời các phương tiện mang của loại vũ khí này (tàu tuần dương và tàu sân bay) không thể ngụy trang được…

Và thật kỳ lạ là không ai nhận ra rằng, ở nửa phía bên kia của lục địa Á – Âu, một quốc gia đang nỗ lực xây dựng một tiềm lực kinh tế - quân sự ngày càng mạnh hơn, hoàn toàn là lực lượng tiến công, và triển khai các lực lượng đó – một điều khá thú vị - chủ yếu trên biên giới với Liên bang Nga – đó là Trung Quốc.


Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ cho quân sự. Ảnh tên lửa Đông Phong của Trung Quốc.

Trung Quốc đang nổi lên là một siêu cường, với sự đầu tư mạnh mẽ cho quân sự. Nếu trong khối quân sự NATO trong 20 năm trở lại đây, cứ loại bỏ 15 xe tăng cũ sẽ thay thế 1 xe tăng mới thì ở Trung Quốc theo thực tế là một xe thay một xe. Ngoài ra, mỗi năm Trung Quốc xuất xưởng khoảng 200 xe tăng thế hệ mới (có thể là 400 – 500), số lượng 200 xe xuất xưởng mỗi năm đã hơn tổng số xe của tất cả các nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển cùng sản xuất (đặc biệt, ở Châu Âu cũng đã không xuất xưởng các xe tăng với số lượng lớn).

Cũng cần phải nhận xét rằng, nếu quân số phi công của Không quân Mỹ và Nga giảm xuống thì quân số phi công của Trung Quốc lại tăng lên, đồng thời, các máy bay tiêm kích của Trung Quốc cũng mới hơn rất nhiều so với Nga và Mỹ.

Tất cả những lập luận về vũ khí Trung Quốc có điểm yếu, kỹ thuật và công nghệ chưa đạt đến tầm của nền công nghệ Phương Tây và Liên bang Nga không sai.

Nhưng tất cả điều đó đều hoàn toàn không có ý nghĩa với một cuộc xung đột lên tới hàng trăm nghìn quân và hàng chục nghìn phương tiện chiến tranh hiện đại. Sự bùng nổ xung đột có thể diễn ra từ một xung đột biên giới hoặc trên biển, đòn “trừng phạt- theo cách nói của Bắc Kinh” sẽ là của các tập đoàn quân Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) dưới sự yểm trợ của vũ khí thông thường như pháo phản lực, máy bay chiến đấu, pháo binh các cỡ nòng mà số lượng lên tới hàng chục nghìn đơn vị, đồng thời với sự tham chiến của nhiều nghìn xe tăng, xe thiết giáp hiện đại mà PLA sở hữu.

Trung Quốc, như một sự phát triển tất yếu, đang nỗ lực trở thành một siêu cường duy nhất có khả năng lãnh đạo thế giới, cần có quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên trên thế giới và các vùng đất rộng lớn. Trung Quốc không đòi hỏi các vùng đất cận biên giới phải trở thành tiểu bang của họ, mà là kiểm soát và quản lý các vùng đất đó. Điều đó cũng có nghĩa là, đối phương chỉ phụ thuộc mà không thuộc địa… vì trên bản đồ thế giới, đường biên giới vẫn tồn tại như đã từng tồn tại.

Theo báo chí Nga, im lặng trước an nguy của đất nước trong giai đoạn ngày nay đồng nghĩa với việc càng làm sâu sắc thêm những vấn đề đang phát triển và sẽ càng khó khăn hơn nữa trong việc ngăn chặn một sự kiện sẽ sảy ra. Hình thái cán cân lực lượng đang ngày càng trở lên nguy hiểm đối với lợi ích chính đáng, an nguy của Liên bang Nga và không thể chấp nhận được. Nhiều kịch bản nặng nề đã xảy ra và sẽ xảy ra tính từ những năm 1960-x đến nay. Việc im lặng và nhượng bộ sẽ giống như một câu chuyện cổ tích.

Bắc Kinh đầu tư hàng tỷ USD phát triển vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh chỉ nhằm mục đích lấy lại Đài Loan. Và sau khi Đài Loan thống nhất với đại lục mà không cần chiến tranh (và điều đó, dù rất chậm cũng đang xảy ra), liệu Trung Quốc có mang toàn bộ xe tăng, tên lửa, máy bay, pháo dàn của mình dìm xuống biển Đông - Hoa Đông và chung sống hòa bình với các nước khác?
Cách đây ít ngày, hôm 6/5, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã ra báo cáo về tiềm lực quân sự của Trung Quốc năm 2013, trong đó tiết lộ Trung Quốc đang trong quá trình hiện đại hóa quân đội, đồng thời tăng cường quan hệ, trao đổi với quân đội các nước trên thế giới, trong đó có Mỹ.

Báo cáo cũng nhấn mạnh về việc phát triển ngành không gian vũ trụ của Trung Quốc, về những thành tựu trong việc nghiên cứu, phát triển máy bay tàng hình và về tiến trình phát triển tàu sân bay của Trung Quốc. Ngoài ra, một phần của báo cáo này cũng đưa ra những đánh giá về các loại vũ khí của Trung Quốc như tên lửa tầm trung và tầm ngắn, tên lửa chống tên lửa, vũ khí có khả năng vô hiệu hoá công nghệ không gian của đối thủ, vũ khí tấn công hệ thống mạng máy tính của quân đội.

Đánh giá về Hải quân Trung Quốc, báo cáo cho rằng vào năm 2014 Trung Quốc sẽ đưa vào sử dụng hệ thống tên lửa đối hải, đối đất, chống ngầm, được trang bị trên tàu khu trục lớp Lữ Dương 3 (052D). Đồng thời, Trung Quốc có kế hoạch đóng 12 tàu khu trục lớp Lữ Dương 3 (052D) để thay thế cho loại tàu khu trục lớp Lữ Đại.

Hiện nay Trung Quốc cũng đang tiếp tục đóng và nâng cấp tàu hộ vệ tên lửa lớp Giang Khải 2 (054A), theo kế hoạch này thì Trung Quốc sẽ đóng nhiều hơn 6 tàu loại này (hiện nay Trung Quốc có 12 tàu trong biên chế của Hải quân). Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang cho đóng loại tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Giang Đảo (056)…


(Sohoa)

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

>> Trung Quốc: bạn hữu hay kẻ thù tiềm tàng?

Phần lớn giới quân sự và chuyên gia Nga cho rằng, việc cung cấp vũ khí Nga cho Trung Quốc chính là nối giáo cho giặc, là trợ giúp kẻ thù tiềm tàng nhất của nước Nga.

>> Nga sẽ hối tiếc khi bán tàu ngầm Amur cho Trung Quốc
>> Theo báo Nhật : Nga - Trung rút cuộc vẫn đối đầu



Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Tiêm kích J-15

Quan hệ Nga-Trung trong lĩnh vực quân sự nhìn từ bên ngoài xem ra gần như êm ả: Bắc Kinh đặt mua vũ khí, Moskva sẵn lòng mang chúng đến. Bởi thế mà những tranh cãi lẻ tẻ xem ra quá bất ngờ đối với người không hiểu chuyện. Nhưng trong những tháng gần đây, giới hạn của những scandal xì ra bên ngoài giữa hai đối tác rõ ràng đã vượt quá mức bình thường: người ta lại một lần nữa “đột ngột” phát hiện ra rằng, đám người Trung Quốc thực dụng hóa ra đang mua vũ khí Nga là để sao chép.

Nhưng đó có phải là sự khám phá gì không?

Cuối tháng 11/2012, quân đội Trung Quốc hể hả báo tin tiêm kích trên hạm J-15 do họ tự thiết kế cuối cùng đã cất và hạ cánh được trên tàu sân bay.

Nhưng các chuyên gia không bỏ qua dịp châm chọc cay độc rằng, chiếc J-15 “nguyên bản” kia là bản sao chép-làm nhái tiêm kích trên hạm thế hệ 4 Su-33 của Nga. Lẽ ra tất cả sẽ êm ở đây. Nhưng bộ quốc phòng Trung Quốc vì quá giận dỗi với những lời bịa đặt vu cáo đã thông qua phát biểu của phát ngôn viên Geng Yansheng bỗng vội vàng tuyên bố rằng, tiêm kích trên hạm J-15 của họ, trước hết hoàn toàn không phải là bản làm nhái Su-33 của Nga và hai là, hoàn toàn vượt trội máy bay Nga về nhiều tính năng.

Điều đó đã khiến một số chuyên gia cười cợt. Những người tác thì phẫn nộ về chuyện Trung Quốc sẽ đưa ra những thành quả hoạt động của các viện thiết kế vũ khí Liên Xô mà họ trắng trợn đánh cắp thành những thiết kế mới của nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.

Tháng 1/2013, lại có một tin giật gân mới: báo chí Trung Quốc tung tin Bắc Kinh đã thỏa thuận được với Moskva về việc mua dây chuyển sản xuất Tu-22M3. Tu-22M3 là máy bay ném bom tầm xa mang tên lửa có cánh hình tên thay đổi mà NATO gọi là Backfire.
Người ta nói rằng, các máy bay Tu-22M3 được lắp ráp tại Trung Quốc sẽ được đưa vào biên chế hải quân Trung Quốc với ký hiệu Н-10, trị giá hợp đồng Tu-22M3 là 1,5 tỷ USD.

Luồng thông tin khác lại nói đến việc Nga bán một lô lớn gồm 36 Tu-22M3 trị giá 1,5 tỷ USD cho Trung Quốc, còn nước này dự định sử dụng Tu-22M3 cho nhiệm vụ tấn công các mục tiêu trên biển. Nếu như hợp đồng đó trở thành hiện thực, nó sẽ làm thay đổi triệt để cán cân lực lượng trên toàn chiến trường Thái Bình Dương theo hướng có lợi cho Trung Quốc bởi lẽ Tu-22M3 trước hết là phương tiện mang tên lửa hành trình lắp đầu đạn hạt nhân.

Tiếp sau là phản ứng gần như lập tức của Moskva. Quan chức đại diện chính thức của hãng xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronoexport Vyacheslav Davidenko thông qua hãng ITAR-TAS đã tuyên bố rằng, hãng của ông “không có thông tin gì về việc hai bên thảo luận chủ đề này”, “đã và đang không tiến hành bất cứ hoạt động đàm phán nào với Trung Quốc về vấn đề này”. Và nói chung, “bình luận này được đưa ra ở dạng ngoại lệ”, bởi lẽ, như lời ông Davidenko, Rosoboronoexport tuân thủ nghiêm nguyên tắc chỉ bình luận các thông tin từ các nguồn tin chính thức mà các site Trung Quốc nêu trên không thuộc số đó”. Một cách không chính thức, ông ta còn nói thêm rằng, việc xuất khẩu Tu-22M3 ra nước ngoài “về nguyên tắc là không thể bời vì các máy bay này thuộc loại vũ khí chiến lược”.

Nhưng nếu như đây chỉ là tin vịt của báo chí thì việc gì phải quảng bá nó bằng cách phủ nhận ở cấp cao đến thế? Hơn nữa khi nói rằng chưa từng có đàm phán về chủ đề này với Trung Quốc, đại diện của Rosoboronoexport rõ ràng là đã giấu giếm. Vì trước đó, đã có thông tin rò rỉ trên báo chí nói rằng, theo đề xuất của Trung Quốc, vấn đề mua bán Tu-22M3 đã được thảo luận trong những năm 1990-2000. Năm 2005, chủ đề này lại một lần nữa “bất ngờ” được dựng lên trên báo chí để thăm dò, kiểm tra phản ứng của xã hội. Rõ ràng là Trung Quốc cực kỳ muốn có các máy bay ném bom mang tên lửa này. Trong không quân “chiến lược” của họ hiện giờ chỉ có loại máy bay cực kỳ cũ lạc hậu Н-6 vốn cũng là sao chép máy bay ném bom già cỗi Tu-16 của Liên Xô.

Bản thân việc đàm phán cũng đã có thể được tiến hành không thông qua Rosoboronoexport, còn “giá trị chiến lược” của Tu-22M3 tuy đã lạc hậu nhưng chưa chắc làm phiền lòng các chính trị giá trong Điện Kremlin. Có thể dự đoán rằng, điều khiến phía Nga e ngại là mong muốn quen thuộc của Bắc Kinh mua chỉ một lô nhỏ, 3-5 chiếc, thậm chí không phải để sao chép chúng một cách vớ vẩn mà theo các chuyên gia là để kiếm được một cách rẻ tiền các công nghệ và kiến thức cho phép họ tự thiết kế các máy bay ném bom chiến lược.

Ngay từ khi thông tin về khả năng bán Ту-22М3 mới chỉ vừa được tung ra, các nhà quan sát đã không loại trừ khả năng nó được tung ra chỉ để chuẩn bị dư luận cho khả năng bán cho Trung Quốc các máy bay chiến đấu khác, ví dụ như máy bay ném bom Su-34 và/hoặc tiêm kích đa năng Su-35.
Cuối tháng 1/2013, đã có thông báo chính thức đầu tiên: trong cuộc đàm phán ở Bắc Kinh, vấn đề bán Su-35 cho Trung Quốc đã được thảo luận. Tháng 2, điều đó đang trở thành hiện thực: tại triển lãm vũ khí INDEX-2013 khi đó đang diễn ra ở Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, trưởng đoàn Nga, Phó Giám đốc Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự FSVTS Vyacheslav Dzirkaln đã thông báo, hiệp định liên chính phủ Nga-Trung về việc bán cho Trung Quốc một lô tiêm kích Su-35 đã được ký kết.

***


Sớm hay muộn, vũ khí Trung Quốc cũng đã nhất định bắt đầu bắn vào những người lính Xô-viết. Hoặc vào các đồng minh của Liên Xô. Điều đó đã xảy ra trong các trận đánh trên biên giới Xô-Trung, trên đảo Damansky và ở khu vực Zhalanashkol, ở đó những tên lính Trung Quốc đã bắn vào các chiến sĩ biên phòng của chúng ta từ những khẩu súng sản xuất sao chép theo giấy phép của Liên Xô. Ở Afghanistan, một tỷ lệ rất lớn vũ khí có trong tay phiến quân Afghanistan cũng mang mác Trung Quốc. Bằng những khẩu súng Trung Quốc sao chép vũ khí Liên Xô, người ta cũng đã chiến đấu chống lại các đồng minh ở châu Phi khi đó của Liên Xô là Angola, Mozambique, Ethiopia…

Trong giới quân sự và chuyên gia Nga tồn tại một luồng ý kiến phổ biến cho rằng, việc cung cấp vũ khí Nga cho Trung Quốc chính là nối giáo cho giặc, là trợ giúp kẻ thù tiềm tàng nhất của nước Nga bất luận những món tiền thu từ các hợp đồng xuất khẩu vũ khí có béo bở đến đâu.


(Nguồn : Vietnamdefence)

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

>> Thật giả vụ Nga bán vũ khí cho Trung Quốc

Cách diễn đạt cùng những trích dẫn sai lầm của các cơ quan truyền thông Trung Quốc dẫn đến việc phát tán “tin vịt” mang tầm cỡ quốc tế.

>> Theo báo Nhật : Nga - Trung rút cuộc vẫn đối đầu !


Theo Đài tiếng nói nước Nga, phóng sự của đài truyền hình Trung Quốc CCTV về việc ký kết các hợp đồng lớn giữa hai nước Nga - Trung trong lĩnh vực vũ khí trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Moscow chỉ chứa những sự kiện đã được biết từ lâu.

Tuy nhiên, việc sử dụng cách diễn đạt không rõ ràng trong nội dung phóng sự, cùng những trích dẫn sai lầm của các cơ quan truyền thông đã dẫn đến việc phát sinh “tin vịt” mang tầm cỡ quốc tế.

Thực tế, việc ký kết bản ghi nhớ về hiểu biết lẫn nhau đã được biết đến từ các phương tiện truyền thông Nga vào cuối năm ngoái.


Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Các vấn đề kỹ thuật quân sự hầu như không bao giờ được các nguyên thủ quốc gia hai nước đưa ra thảo luận. Ảnh minh họa.

Vào thời điểm đó, một số tờ báo Nga đã công bố một số chi tiết của giao dịch, mà mới đây cũng xuất hiện trong phóng sự của đài CCTV. Chỉ có việc gắn kết những cuộc đàm phán với các chuyến thăm cấp cao là sai lầm rõ rệt.

Trong thực tế của mối quan hệ Nga - Trung, những dự án cụ thể trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật – quân sự hầu như không bao giờ được các nguyên thủ quốc gia của hai nước đưa ra thảo luận. Các nhà lãnh đạo chỉ đề ra những phương pháp tiếp cận chung cho các vấn đề hợp tác.

“Trong chuyến thăm và tại các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc, chủ đề hợp tác kỹ thuật – quân sự nói chung không được bàn đến”, nguồn tin cơ quan hợp tác kỹ thuật – quân sự Nga nói với Itar-Tass.

Sau khi ký kết biên bản ghi nhớ, công việc chuẩn bị hợp đồng tiếp theo nằm trong tay các công ty liên quan của Nga và Trung Quốc, cũng như Bộ Quốc phòng và các cơ quan chuyên môn khác của hai nước.

Họ có rất nhiều công việc phải làm như thỏa thuận giá cả, điều kiện giao hàng, các yêu cầu cụ thể về sản phẩm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ sau bán hàng…

Những việc này có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm. Các cuộc đàm phán này chủ yếu mang tính chất kỹ thuật, và chỉ có thể được thực hiện bởi các chuyên gia có trình độ. Việc kết nối chúng với các nhà lãnh đạo chính trị là hoàn toàn không phù hợp.

Những quyết định quan trọng chủ chốt trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung đã được Ủy ban liên chính phủ về Hợp tác Kỹ thuật Quân sự thành lập năm 1992 thông qua. Bộ trưởng Quốc phòng của Nga và Trung Quốc là đồng chủ tịch của Ủy ban và các cuộc họp được tổ chức thường niên (thường vào tháng 10) luân phiên tại Moscow và Bắc Kinh. Chính trong những phiên họp của Ủy ban có thể mong đợi những tin tức mới trong hợp tác kỹ thuật quân sự Nga - Trung.

Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Các cuộc đàm phán Trung - Nga về hợp đồng Su-35 và Amur 1650 còn trong giai đoạn sơ khởi. Ảnh minh họa

“Trong khi đó, các cuộc đàm phán về máy bay Su-35 và tàu ngầm Amur-1650 (biến thể xuất khẩu của tàu Lada) vẫn còn trong giai đoạn sơ khởi và không có bảo đảm nào về việc chúng sẽ được hoàn thành trước thời điểm cuộc họp kế tiếp của Ủy ban”, chuyên gia về các vấn đề quốc phòng Vasily Kashin nhận định.

Trái với những thông tin của đài truyền hình CCTV, những hợp đồng này sẽ không phải là những thỏa thuận lớn đầu tiên cung cấp vũ khí cho Trung Quốc trong 10 năm qua.

Xuất khẩu sản phẩm quân sự của Nga sang Trung Quốc chưa bao giờ dừng lại hoàn toàn. Ví dụ như chỉ đến năm 2010 mới hoàn tất hợp đồng lớn cung cấp cho Trung Quốc 15 tiểu đoàn hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU2. Hiện tại đang tiến hành thực hiện hợp đồng cung cấp cho Trung Quốc 10 máy bay vận tải Il-76 từ hàng dự trữ của Không quân Nga.

>> Trung Quốc sẽ có tàu ngầm thế hệ 4 từ Nga ?

Khi được hỏi về thông tin do đài truyền hình quốc gia Trung Quốc (CCTV) đưa ra hôm nay về việc Nga đã ký thỏa thuận cung cấp 4 tàu ngầm Lada và 25 tiêm kích Su-35 cho nước này, đại diện của cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự Nga tuyên bố, thỏa thuận cung cấp vũ khí này không được ký.

“Các vấn đề có liên quan đến hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Nga và Trung Quốc đã không được đưa ra thảo luận trong chuyến thăm này”, ông này cho biết.

Thông tin này có nghĩa là hợp đồng mua bán tàu ngầm Lada và Su-35, mà truyền thông Trung Quốc nêu ra là không chính xác.

Đây không phải lần đầu tiên truyền thông Trung Quốc đưa thông tin “sai lệch” liên quan tới hợp đồng mua bán vũ khí với Nga.

Trước đó, Trung Quốc từng đưa tin nước này đã ký thỏa thuận mua dây chuyền sản xuất máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Tu-22M3 của Nga. Tuy nhiên, đại diện của Nga đã lên tiếng bác bỏ thông tin hợp đồng Tu-22M3.

(Tổng hợp)

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

>> Theo báo Nhật : Nga - Trung rút cuộc vẫn đối đầu !

Về góc độ địa-chính trị, Trung-Nga luôn là một mối quan hệ đối lập. Trung Quốc sử dụng SCO thò vào “bụng” Nga và có tham vọng lãnh thổ, tài nguyên.

>> Mục đích cuộc tập trận Nga - Trung
>> Nga: Trung Quốc sẽ tấn công Nga trong vài năm tới


Tờ nguyệt san “Choice” Nhật Bản số tháng 7 có bài viêt nhan đề “Trung-Nga giả vờ tuần trăng mật”.

Theo bài viết, giống như muốn chống lại việc Mỹ từng bước chuyển trung tâm chiến lược tới châu Á, gần đây Trung Quốc và Nga hô hào đưa “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược song phương” đi vào chiều sâu. Hai nước tích cực giả vờ tăng cường một mối quan hệ đối tác bình đẳng, nhưng trò diễn này rất dễ bị phát hiện.


http://nghiadx.blogspot.com
Lính tuần tra biên phòng Trung Quốc ở khu vực biên giới Trung-Nga.

Ngày 8/6, tờ “International Herald Tribune” Mỹ đã đăng bài viết của Bobo Lo, chuyên gia quan hệ Trung-Nga. Bobo Lo viết: “Trung Quốc đang phát triển mạnh, còn các bước hiện đại hóa của Nga đình trệ, về chính trị đã xơ cứng. Mối đe dọa lớn nhất của hai bên chính là khoảng cách giữa hai nước ngày càng lớn”.

Xuất phát từ mục đích chống Mỹ quay trở lại châu Á, Trung Quốc thực sự tìm cách khéo léo tận dụng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) – tổ chức duy nhất được nước này đóng vai trò chủ đạo. Nga rõ ràng cũng tính toán đón lấy “gió đông” Trung Quốc để tăng cường khả năng đàm phán với Mỹ và NATO.

Nhưng Tổng thống Nga Putin ôm mộng nước lớn, tuyên bố Nga sẽ tiếp tục trở thành người tham gia vào các vấn đề toàn cầu, thái độ này rất rõ đối với Trung Quốc và SCO.

Tháng 2/2012, hãng RIA Novosti đã có một chương trình về vấn đề ngoại giao của Tổng thống Putin, ông tuyên bố “vai trò của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng tăng cường”. Putin công khai cho rằng: “Sức mạnh tổng thể của Trung Quốc ngày càng tăng cường, trong đó có khả năng lan tỏa tới các khu vực. Đứng trước yếu tố Trung Quốc được tăng cường nhanh chóng, chúng ta nên làm thế nào?”.

http://nghiadx.blogspot.com
Ngày 25/4/2012, Trung-Nga diễn tập bảo vệ tuyến đường hàng hải ở biển Hoàng Hải.

Trung Quốc rõ ràng đang gây ra “mối đe dọa” cho Nga. SCO trên thực tế bị Trung Quốc kiểm soát, các thành viên bao gồm các nước Trung Á là Kyrgyzstan, Tajikistan, Kazakhstan và Uzbekistan. Lý do Nga cảnh giác với việc Trung Quốc tăng cường quyền phát ngôn rất rõ ràng. Bốn nước Trung Á là thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), vì vậy Nga chắc chắn có cảm giác Trung Quốc thò tay vào “bụng” của họ.

Học giả chính trị quốc tế nổi tiếng Ấn Độ, Brahma Chellaney luôn nhấn mạnh, về địa-chính trị học, Trung-Nga là một mối quan hệ đối lập. Về lý do Trung-Nga tại sao không xóa bỏ sự ngờ vực về địa-chính trị học, Chellaney chỉ ra: “Trung-Nga tuyệt đối sẽ không liên minh. Hai bên có sự ngờ vực lẫn nhau, đặc biệt là sự hoài nghi của Nga đối với Trung Quốc rất lớn.

Dân số Nga có mật độ thấp, còn Trung Quốc tương đối cao. Nga có tài nguyên thiên nhiên phong phú, còn Trung Quốc lại có lòng tham không đáy đối với tài nguyên nhiên nhiên. Đất đai Nga quá rộng lớn, còn Trung Quốc đang tranh đoạt lãnh thổ. Bất kể nhìn ở góc độ nào, Trung Quốc và Nga đều thuộc đối thủ cạnh tranh.

Nga rất lo ngại đối với Trung Quốc là do hiện trạng phân bố trái ngược về diện tích lãnh thổ và dân số của nước này. Phần châu Á chiếm 72% diện tích lãnh thổ Nga, phần châu Âu chỉ chiếm 28%, nhưng 75% người Nga sống ở châu Âu, phần châu Á chỉ chiếm 25%.

Chính vì vậy, Nga thông qua kênh chính thức nhập khẩu lao động Trung Quốc khai thác các dự án của Siberia, đồng thời còn có không ít lao động bất hợp pháp từ Trung Quốc tràn vào lãnh thổ Nga.

http://nghiadx.blogspot.com
Binh sĩ tàu tuần dương Varyag Hạm đội Thái Bình Dương Nga tham quan tàu khu trục tên lửa Thẩm Dương, Hải quân Trung Quốc.

Nga lo ngại rằng, sau 50 năm, khu vực Viễn Đông mặc dù về chính trị vẫn do Nga kiểm soát, nhưng về kinh tế có thể đã bị Trung Quốc kiểm soát thực tế”.

Do kinh tế liên tục tăng trưởng, Trung Quốc vẫn không ngừng tìm kiếm tài nguyên ở các nước láng giềng, trên biển, Trung Đông, châu Phi và châu Nam Mỹ. Người Trung Quốc không thể không tràn vào nước láng giềng theo kiểu thủy triều lên, tìm kiếm các tài nguyên như dầu mỏ, khí đốt, gỗ, kim cương và vàng.

Sự xâm lấn bí mật về con người và vốn này bắt đầu từ thập niên 1990, khiến cho khu vực Viễn Đông dần dần nằm trong sự kiểm soát thực tế của Trung Quốc - điều này thống nhất với phân tích của Chellaney.

Nếu Nga bắt tay khai thác khu vực Viễn Đông thị chắc chắn phải nhập khẩu lao động của Trung Quốc. Nga dựa vào giá dầu tăng lên, thương mại với Trung Quốc ngày càng tăng, nhưng một bên cung cấp nguyên liệu, một bên xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hai bên từng bước hình thành một mối quan hệ tương tự với mô hình giữa nước phát triển và nước đang phát triển trước đây.

Về kinh tế, Trung Quốc tăng cường chi phối thực tế đối với khu vực Viễn Đông, họ liệu có tính toán thôn tính khu vực phía bắc sông Amour (Trung Quốc gọi là Hắc Long Giang) và phía đông hai tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang hay không?

http://nghiadx.blogspot.com
Trung Quốc bỏ ra 20 triệu USD để sở hữu tàu sân bay của Nga.

Putin nhiều lần yêu cầu Trung Quốc có sự hợp tác trong chương trình đường ống khí đốt. Bên ngoài cho rằng, trong hội đàm giữa các nhà lãnh đạo Trung-Nga năm nay, hai nước sẽ đạt được đồng thuận, nhưng do chưa thể thống nhất về vấn đề giá cả, các cuộc đàm phán tiếp tục bị kéo dài. Đối với một nước sản xuất khí đốt lớn thứ hai thế giới, thị trường Trung Quốc chắc chắn rất hấp dẫn.

Nhưng, Trung Quốc không chịu nhượng bộ về giá khí đốt. Trung Quốc biết rất rõ thủ đoạn sử dụng dầu khí làm con bài ngoại giao của Nga, cho nên 6 năm trước họ lần lượt ký hợp đồng mua khí đốt với Trung Đông, Australia và các nước Trung Á.

Ngày 5/6, tờ “Thời báo New York” cho rằng, Trung-Nga tồn tại mối quan hệ lợi hại tương đồng, nhưng rốt cuộc vẫn là quan hệ đối đầu mang tính lịch sử bắt đầu từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Moscow cho rằng, kinh tế Trung Quốc đã vượt toàn diện Nga, cân bằng sức mạnh giữa hai bên đã có sự thay đổi kịch tính.

http://nghiadx.blogspot.com
Trung Quốc nhập khẩu rất nhiều máy bay chiến đấu Su-27/30 của Nga, số lượng những máy bay chiến đấu này của Trung Quốc hiện đã vượt Nga.

(Nguồn :: Báo Giáo Dục VN)

Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

>> Kịch bản lễ nhậm chức tổng thống Nga

Cung điện Kremlin đang hoàn tất chuẩn bị lễ nhậm chức của Tổng thống Vladimir Putin diễn ra vào 7/5. Buổi lễ long trọng của người đứng đầu đất nước được lên kịch bản từng chi tiết.



http://nghiadx.blogspot.com
Ông Vladimir Putin chuẩn bị nhậm chức tổng thống Nga.

Những chiếc kèn đồng của Dàn nhạc tổng thống được đánh bóng. Các chiến sĩ của Trung đoàn cảnh vệ điện Kremlin luyện giọng chuẩn để hô vang “Ura!”; còn những người đầu bếp kiểm tra lại mọi chi tiết trong thực đơn bữa đại tiệc.

Trong buổi lễ nhậm chức, tân Tổng thống sẽ đọc lời tuyên thệ sau khi đặt tay lên cuốn Hiến pháp Nga. Chứng kiến trực tiếp sẽ là đông đảo đại diện các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp Nga; cũng như đại diện những tôn giáo lớn, các nhân vật được nhận huân chương nhà nước, lãnh đạo các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức phi chính phủ và báo giới. Yêu cầu trang phục đối với khách mời của buổi lễ nhậm chức tổng thống Nga khá tự do nhưng họ được khuyến nghị chọn màu sắc thanh nhã và điềm đạm.

Lời tuyên thệ này ngắn, chỉ gồm 33 từ, khẳng định sẽ bảo vệ quyền lợi và tự do của con người; trung thành, phục vụ nhân dân và bảo vệ chủ quyền, an ninh, sự toàn vẹn của đất nước.

Sau khi kết thúc tuyên thệ, Chánh án Tòa án Hiến pháp Nga tuyên bố Tổng thống chính thức nhậm chức, trước khi quốc ca Nga được cử hành, cờ tổng thống được kéo lên trên nóc phủ tổng thống và dàn đại bác bắn chào mừng 30 hồi. Kết thúc buổi lễ, Trung đoàn cảnh vệ sẽ đón chào tân Tổng thống với tư cách vị tổng chỉ huy tối cao.

Cũng trong buổi lễ, tân Tổng thống được trao những biểu trưng đặc biệt gồm Cờ hiệu Tổng thống và Huy hiệu Tổng thống in hình quốc huy. Trên mặt sau của Huy hiệu Tổng thống chạm khắc chữ: “Lợi ích, Danh dự và Vinh quang”.

Lễ nhậm chức của người đứng đầu đất nước được tổ chức năm lần trong lịch sử nước Nga đương đại. Buổi tuyên thệ đầu tiên là của cố Tổng thống Boris Eltsin diễn ra vào năm 1991.

Nhà nghiên cứu chính trị Vladimir Rimsky chia sẻ, dư luận Nga cũng như các nước khác có nhiều ý kiến khác nhau nhưng họ đều thấy sự cần thiết của việc tổ chức nghi lễ đặc biệt này vì nó mang giá trị lớn; để người dân cảm nhận được sự gắn bó, thống nhất với chính quyền, với người giữ chức vụ cao nhất của đất nước. Việc này cũng có ý nghĩa quốc tế, chứng tỏ sự thống nhất của chính quyền và nhân dân.

Lo ngại Trung Quốc trỗi dậy, Putin sẽ lập đại kế hoạch châu Á?

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc thực sự khiến giới lãnh đạo Nga không khỏi “ái ngại”, do đó, Tổng thống kế tiếp Vladimir Putin nhanh chóng đưa ra kế hoạch lớn nhằm gắn kết Moscow với khu vực phát triển có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới này, Diplomat nhận định.

Thách thức đến từ Trung Quốc

Trong vài năm gần đây, Nga thành công trong việc nâng cao vị thế của mình tại châu Á. Quan hệ của Moscow với Bắc Kinh và New Delhi rất khăng khít, trong khi quan hệ với Tehran và Bình Nhưỡng vẫn ổn định bất chấp mọi biến động xoay quanh hai quốc gia này.Nga tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á – hội nghị được cho là quan trọng nhất bàn về thể chế an ninh đa quốc gia ở khu vực này hồi năm ngoái.

Đại diện của Nga cũng thường tham dự vào các cuộc họp và đối thoại của Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng của ASEAN, Đối thoại hợp tác châu Á và các hội nghị quan trọng khu vực mà trước kia họ chưa từng góp mặt. Tuy nhiên, các sáng kiến của Nga vẫn chỉ được coi là các giải pháp tụt hậu, không sáng tạo.

Ngoài ra, khu vực phía Đông của nước Nga cũng ít có sự hội nhập về mặt kinh tế với khu vực năng động của Đông Á, trong khi tính năng động của ngoại giao Nga lại bị ghìm chặt trong xung đột với Nhật, mâu thuẫn với Mỹ trong việc cùng nhau tái thiết tại châu Á và đặc biệt là Nga bối rối trước một Trung Quốc đang trỗi dậy, đồng thời chưa tìm ra được một phương thức hợp lý nhất để hạn chế những tác động tích cực đến từ Bắc Kinh.


http://nghiadx.blogspot.com
Moscow không khỏi quan ngại trước sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Ảnh: Chinagate.

Quả thực, ông Putin chọn Trung Quốc là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên vào cuối 9 vừa qua, khi ông tuyên bố ra tranh cử lần 3. Tuy nhiên, nếu hiểu rằng đây là dấu hiệu cho thấy Nga sẽ tiến gần Bắc Kinh hơn trong những năm tới sẽ là một sai lầm. Thực tế ông Putin không hề theo đuổi các chính sách đặc biệt dựa dẫm vào Trung Quốc trong hai nhiệm kỳ trước của mình.

Trong các bài báo hoạch định chính sách hành động của Putin trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Putin cũng nêu rõ quan điểm với Trung Quốc. Ông khẳng định hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc.

“Trước hết, tôi cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không phải là một sự đe dọa, nhưng là thách thức đồng thời mang đến tiềm năng to lớn cho sự hợp tác kinh tế, ví dụ như sử dụng các nguồn đầu tư của Trung Quốc để khôi phục khu vực viễn Đông của Nga”, Thủ tướng Nga cho hay.

Ngoài ra, theo ông Putin, Moscow và Bắc Kinh đều đã giải quyết ổn thỏa những vấn đề chính trị nổi cộm trong mối quan hệ song phương, trong đó có vấn đề biên giới gây tranh cãi, đồng thời xây dựng cơ chế hợp tác vững chắc trên cơ sở tin cậy lẫn nhau.

“Tóm lại, Nga cần một Trung Quốc ổn định và thịnh vượng và tôi tin chắc rằng, Bắc Kinh cũng cần một Moscow vững mạnh”, Thủ tướng Putin quả quyết.

Tuy nhiên, theo Diplomat, bất chấp những lời lẽ bóng bẩy hoa mỹ dành cho mối quan hệ với Trung Quốc này, ông Putin và nhiều quan chức khác của Nga đều đang rất lo sợ bị Trung Quốc bỏ rơi trên chính trường thế giới.

Họ cảm nhận rõ một điều rằng, mọi xu hướng kinh tế, quân sự hay địa chính trị đều đang vận động xoay quanh lợi ích của Bắc Kinh. Trung Quốc từng là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, song trong năm 2010, Bắc Kinh không còn cần hầu hết các sản phẩm công nghiệp và công nghệ cao của Moscow nữa.

Không chỉ vậy, dân số Nga ngày càng giảm trong khi người Trung Quốc ngày một đông đảo, giàu có và có tầm ảnh hưởng lớn. Nói thẳng ra, người Nga đang hết sức lo sợ trở thành “miếng mồi” cho “người khổng lồ” Trung Quốc.

Đại kế hoạch châu Á

Nhận thức rõ sự yếu thế này, ông Putin thúc đẩy thành lập một liên minh Âu – Á và nếu được công nhận, Moscow sẽ lại giành được vị thế lãnh đạo trong một khối đa quốc gia gắn kết chặt chẽ từ những nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Quan trọng hơn, kế hoạch này có thể giúp Moscow thu hẹp ảnh hưởng của Bắc Kinh ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Thực tế thời gian gần đây Tổ chức Hợp tác Thượng Hải SCO do Trung Quốc làm chủ trì đang tìm cách để mở rộng ảnh hưởng kinh tế, an ninh và các hoạt động khác lên các khu vực tương tự giống như Liên minh Âu – Á.

http://nghiadx.blogspot.com
Nhiều người Nga hy vọng đại kế hoạch châu Á của ông Putin giúp Moscow đối phó với những thách thức đến từ Bắc Kinh. Ảnh: ripley.

Mới đây Nga phải thẳng thừng phản đối các đề xuất của Bắc Kinh nhằm thiết lập một khu vực thương mại tự do cũng như nhiều hoạt động hội nhập kinh tế khác trong khuôn khổ của SCO bởi thực tế, mục đích thực sự của các đề xuất này là nhằm gia tăng ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc trong khu vực Âu – Á.

Theo kế hoạch châu Á này, trước mắt, Nga có thể chấp nhận bán cho Trung Quốc một số vũ khí quan trọng mà Bắc Kinh đang khao khát để tái cân bằng lại cán cân thương mại, thúc đẩy kinh tế. Thông tin xung quanh thương vụ bán máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc là minh chứng cho thấy nỗ lực triển khai đại kế hoạch này của ông Putin.

Sau đó, Moscow có thể phối hợp cùng Bắc Kinh trong một số hoạt động nghiên cứu quốc phòng để có thể thăm dò sức mạnh quân sự Trung Quốc hay ít nhất là cùng nhau hạn chế được mối đe dọa từ các vũ khí tối tân của Mỹ.

Bên cạnh mục tiêu đối phó với Trung Quốc, ý tưởng Liên minh Âu-Á của ông Putin còn giúp kiềm chế sự hiện diện của Mỹ tại Trung Á sau khi NATO rời Afghanistan. Theo kế hoạch, ông Putin tiếp tục gây dựng quan hệ thân thiện với Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai và các lãnh đạo khác, hứa hẹn với họ rằng Nga sẽ trợ giúp về quân sự và kinh tế, tận dụng căng thẳng giữa họ với NATO.

Thêm vào đó, đại kế hoạch châu Á của ông Putin cũng bao gồm cả kế hoạch cải thiện quan hệ với Pakistan. Quan hệ giữa Moscow và Islamabad đã căng thẳng suốt vài thập kỷ qua do Pakistan ủng hộ chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan, hỗ trợ cho Mỹ và Trung Quốc chống lại Nga, cũng như các chính sách đối đầu với Ấn Độ - đồng minh của Nga.

Tuy nhiên, ông Putin đã đồng ý có chuyến thăm chính thức tới Islamabad vào tháng 9 tới bởi nhận thức được rằng, củng cố quan hệ với Pakistan có thể mang lại cho Nga một tầm ảnh hưởng lớn hơn tại Afghanistan thời hậu NATO, bao gồm cả việc đối thoại với Taliban cũng như tăng cường đòn bẩy của Nga với Ấn Độ.

Như vậy, với một đại kế hoạch liên minh Á – Âu này, ông Putin vừa có thể đối phó những thách thức đến từ Trung Quốc vừa kìm chế được tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

>> Thương vụ bán Su-35 cho Trung Quốc (Kỳ 2)


Việc Nga đang đàm phán bán cho Trung Quốc 48 siêu tiêm kích Su-35 là một thông tin sốt dẻo trên thị trường vũ khí. Hãy thử xem hai bên theo đuổi những mục đích gì trong thương vụ này và hậu quả của nó đối với khu vực.


http://nghiadx.blogspot.com
Su-35


Vì sao Nga bán Su-35 cho Trung Quốc trong khi thừa biết Trung Quốc sẽ tìm mọi cách sao chép các công nghệ của nó?

Các nguyên nhân có thể là:

1 - Su-35 và có thể cả S-400 là một phần trong thỏa thuận chính trị Nga-Trung để Trung Quốc ủng hộ Nga trong các vấn đề Syria, Iran và thậm chí cả vấn đề Biển Đông.

2 - Nga muốn Trung Quốc tiếp tục lệ thuộc Nga về máy bay tiêm kích hiện đại.

3 - Nga muốn tranh thủ kiếm tiền bù đắp cho chi phí bỏ ra phát triển Su-35 và hỗ trợ dự án tiêm kích thế hệ 5 PAK FA T-50.

4 - Nga muốn tác động làm chậm hoặc phá vỡ chương trình tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc, qua đó duy trì được ưu thế của Không quân Nga khi họ đưa T-50 vào trang bị dự kiến vào năm 2015.

5 - Nga muốn gây áp lực đối với Mỹ và các nước châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ buộc phải điều động tăng cường hơn nữa không quân ở châu Á-Thái Bình Dương, qua đó, giảm áp lực với Nga ở các khu vực khác; các đồng minh của Mỹ như Nhật, Hàn Quốc, Australia, đặc biệt là Đài Loan phải mua sắm nhiều hơn các tiêm kích tiên tiến để đối phó với Su-35.

6 - Với động cơ của lái súng, Nga muốn tăng cơ hội bán tiêm kích tiên tiến (Su-35, T-50) cho các đồng minh trong khu vực, nhất là Ấn Độ và Việt Nam.

Trung Quốc muốn mua Su-35 có thể do những lý do sau:

1 - Trung Quốc cần giải pháp khẩn cấp để đối phó với sự gia tăng binh lực, sự tăng cường các loại vũ khí tiên tiến của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, đối phó với việc Mỹ và các đồng minh Australia, Nhật và Hàn Quốc mua ồ ạt tiêm kích thế hệ 5 F-35 Lightning II.

2 - Trung Quốc muốn giành ưu thế trên không tuyệt đối tại eo biển Đài Loan và chuẩn bị cho khả năng Đài Loan mua F-35.

3 - Trung Quốc chuẩn bị gấp cho các kịch bản nổ ra xung đột tại eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông, biển Hoa Đông, hoặc với Ấn Độ

4 - Trung Quốc muốn buộc một số đối thủ trong khu vực, trong đó có Việt Nam, phải chạy đua vũ trang hao tiền tốn của trong khi hạn chế về nguồn lực và khó khăn về kinh tế. 5 - Nhai rau, nhưng muốn gắp thịt, Trung Quốc muốn mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, nhưng phải mua Su-35 theo điều kiện “bia kèm lạc” do Nga đặt ra.

6 - Chương trình tiêm kích thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc gặp khó khăn, chậm tiến độ, bế tắc. Mua Su-35, Trung Quốc sẽ ăn cắp được một số công nghệ tiên tiến của Su-35 phục vụ cho dự án J-20. Theo thông tin do Nga công bố, Su-35 có ứng dụng một số hệ thống và công nghệ của tiêm kích thế hệ 5, đặc biệt là hệ thống avionics, radar, động cơ và tên lửa tầm xa. Ngay các mẫu chế thử tiêm kích thế hệ 5 T-50 Nga vẫn đang phải tạm thời sử dụng động cơ của Su-35 vì động cơ thế hệ vẫn chưa sẵn sàng. Cũng có khả năng, dự án J-20 chưa chắc thành công nên Trung Quốc buộc phải có phương án dự phòng, thay thế ít ra là cho đến khi họ có được tiêm kích thế hệ 5 cho ra hồn.

Liên quan đến tác động của thương vụ Su-35 đối với bản thân nước Nga, nhiều chuyên gia Nga đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ đối với an ninh quốc gia Nga cũng như đối với lợi ích thương mại của Nga trên thị trường vũ khí. Xét đến yếu tố Trung Quốc rất thiện nghệ trong việc ăn cắp, sao chép công nghệ vũ khí Liên Xô/Nga, họ cho rằng, thiệt hại mà thương vụ này sẽ gây ra cho Nga sẽ lớn hơn rất nhiều lợi ích mà nó mang lại.

Với tính năng kỹ-chiến thuật cao của Su-35, với công nghệ của Su-35 sao chép được, Trung Quốc sẽ cải tiến các máy bay hiện có và sản xuất các máy bay có tính năng tương đương Su-35S với giá rẻ hơn nhiều, đẩy nhanh phát triển và sản xuất J-20 để có một lực lượng không quân hùng mạnh. Các máy bay tính năng cao giá rẻ của Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường thế giới đe dọa nghiêm trọng tương lai xuất khẩu tiêm kích của bản thân nước Nga.

Còn hậu quả của thương vụ Su-35 đối với an ninh khu vực là gì?

Đó là nó có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh không quân, thúc đẩy chạy đua vũ trang tại châu Á-Thái Bình Dương. Nếu mua được Su-35, không quân Trung Quốc sẽ có ưu thế hơn hẳn về trình độ công nghệ so với không quân tất cả các nước châu Á-Thái Bình Dương trừ Mỹ. Bởi vì, Su-35S được coi là tiêm kích thế hệ 4++, ứng dụng nhiều công nghệ của tiêm kích thế hệ 5, cho phép nó có ưu thế vượt trội so với các tiêm kích thế hệ 4 và 4+ hiện có và sẽ có trong không quân các nước khu vực như Su-27/30 Việt Nam, Indonesia, Malaysia; MiG-29, Su-30MKI, Rafale của Ấn Độ; F-15, F-16, F/A-18 của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia, thậm chí đe dọa nặng nề đội máy bay F-35 mà Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đang và sắp mua sắm. Kết quả không chiến mô phỏng của các chuyên gia Australia mới đây cho thấy, Su-35S có ưu thế vượt trội đối với các máy bay tiên tiến nhất của Mỹ như F/A-18E/F, F-35 và ngang ngửa với F-22

S-400 là hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất của Nga hiện nay, dùng để thay thế các hệ thống S-300. Hiện chỉ có trong trang bị của Nga với số lượng 2 trung đoàn triển khai gần Moskva. Sắp tới, Nga tiếp tục triển khai S-400 ở một số khu vực duyên hải và ven biên giới trọng yếu.

Mặt khác, mua được Su-35, Trung Quốc tiếp cận được công nghệ tiên tiến cho phép họ đẩy nhanh dự án J-20 và nếu mua được cả hệ thống tên lửa phòng không S-400 thì sức uy hiếp của Trung Quốc đối với sức mạnh không quân, hải quân Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương và các nước trong khu vực sẽ gia tăng đột biến.

Trước tình hình đó, các nước có nguy cơ xung đột tiềm tàng với Trung Quốc buộc phải chạy đua cải tiến hoặc mua máy bay tiêm kích tiên tiến. Không quân Mỹ buộc phải tăng cường các máy bay tiên tiến F-22, F-35 tại khu vực này. Các đồng minh Australia, Nhật, Hàn Quốc và thậm chí Đài Loan sẽ quyết tâm và tăng cường mua sắm F-35, thậm chí buộc Mỹ nối lại sản xuất và xuất khẩu F-22. Ấn Độ không còn cách nào khác là tiếp tục gắn chặt với lái súng Nga trong các dự án nâng cấp Su-30MKI lên Super Sukhoi (Super 30), phát triển tiêm kích thế hệ 5 FGFA, thậm chí mua thêm cả F-35 của Mỹ cho chắc ăn.

Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan cũng buộc phải gia nhập cuộc đua để hoặc mua Su-35, PAK FA T-50 hoặc F-35. Việt Nam cũng tất yếu phải nghĩ đến việc mua sắm các hệ thống tên lửa phòng không mới, trong đó có S-400.

Trong một tương lai không xa, không quân châu Á-Thái Bình Dương sẽ bước lên một trình độ công nghệ mới với các tiêm kích thế hệ từ 4++ cho đến 5.

Như vậy, bằng cách tạo ra cho Mỹ và các nước khu vực một đối thủ mạnh là Trung Quốc khi bán Su-35 và có thể cả S-400, Nga đồng thời châm ngòi cho cuộc chạy đua tiêm kích mà Nga sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Nga có thể bảo đảm thành công về mặt thương mại cho các mặt hàng vũ khí chủ lực, đắt tiền của họ là Su-35 và trong tương lai là S-400 và PAK FA T-50 trong nhiều thập niên sắp tới, tức là góp phần duy trì, củng cố ảnh hưởng của Nga tại khu vực chiến lược trọng yếu này của thế giới.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mua sắm Su-35 cũng buộc Mỹ và các nước khu vực chạy đua mua sắm tiêm kích tiên tiến hoặc tìm các giải pháp đối phó khác, đẩy Trung Quốc vào thế “mãnh hổ nan địch quần hồ”.

Hiện trạng cán cân sức mạnh không quân ở châu Á-Thái Bình Dương có thể sẽ được tái lập, song ở trình độ cao hơn mà thôi.
(*)S-400 Triumf là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung/xa, dùng để tiêu diệt các loại mục tiêu bay, kể cả các máy bay trinh sát và tên lửa đường đạn. S-400 hiện được trang bị các tên lửa có khả năng tiêu diệt mục tiêu bay ở tầm 250 km, tên lửa đường đạn chiến thuật ở tầm 60 km.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu khí động ở độ cao 0,01-27 km, tên lửa đường đạn ở độ cao 2-7 km. Tiêu diệt được mục tiêu có tốc độ bay tối đa 4.800 m/s, có thể bắn đồng thời 36 mục tiêu, có thể dẫn đồng thời 72 tên lửa. Thời gian triển khai hệ thống từ trạng thái hành quân 5 phút.
 

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

>> Thương vụ bán Su-35 cho Trung Quốc (Kỳ 1)


Nga sẵn sàng bán cho Trung Quốc 48 tiêm kích đa năng Su-35 với giá gần 4 tỷ USD nếu phía Trung Quốc bảo đảm không sao chép máy bay Nga, tờ Kommersant dẫn các nguồn tin trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết.



http://nghiadx.blogspot.com
Su-35 (sukhoi.org)


Nga và Trung Quốc đang thảo luận điều kiện của hợp đồng bán 48 Su-35 trị giá gần 4 tỷ USD. Hai bên hầu như đã thống nhất về số lượng và giá cả máy bay mua bán, nhưng “giá trong quá trình đàm phán có thể thay đổi”. Nếu như thương vụ được ký kết, đây sẽ là hợp đồng lớn nhất trong lịch sử hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung và là hợp đồng xuất khẩu Su-35 đầu tiên.

Quá trình Nga bán tiêm kích cho Trung Quốc từ năm 1991

Năm 1991-1997: Nga chuyển giao cho Trung Quốc 50 tiêm kích Su-27 (38 Su-27SK một chỗ ngồi và 12 Su-27UBK hai chỗ ngồi) trị giá gần 1,7 tỷ USD.

Năm 1996: Trung Quốc mua giấy phép sản xuất 200 Su-27SK nhưng không được phép tái xuất sang các nước thứ ba. Thương vụ này ước trị giá 2,5 tỷ USD. Trung Quốc lắp ráp các máy bay này tại nhà máy chế tạo máy bay ở Thẩm Dương. Trang thiết bị công nghệ do Nga cung cấp để sản xuất Su-27SK ước trị giá 150 triệu USD. Sau khi Nga chuyển giao 105 bộ linh kiện, Trung Quốc đơn phương từ chối tiếp tục chương trình sản xuất theo giấy phép. Việc lắp ráp Su-27SK từ các bộ linh kiện do Nga cung cấp hoàn thành vào năm 2007. Thực tế, Trung Quốc không chịu tiếp tục chương trình này vì họ đã làm được sản phẩm hàng nhái là J-11.

Năm 2000-2001: Nga xuất sang Trung Quốc 38 tiêm kích đa năng hai chỗ ngồi Su-30MKK theo hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD ký năm 1999. Đơn giá Su-30MKK ước gần 37 triệu USD. Theo hợp đồng, Nga đã cung cấp phụ tùng và vũ khí kèm theo các máy bay cho Trung Quốc và hỗ trợ bảo dưỡng, sửa chữa. Đây là hợp đồng đầu tiên xuất khẩu Su-30MKK.

Năm 2000-2002: Trung Quốc nhận được 28 tiêm kích huấn luyện chiến đấu hai chỗ ngồi Su-27UBK từ Nga để trừ nợ nhà nước.

Năm 2003: Hoàn thành hợp đồng thứ hai bán 38 Su-30MKK cho Trung Quốc.

Mùa thu năm 2004: Nga hoàn thành chuyển giao 24 Su-30MK2 cho hải quân Trung Quốc.

Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu nhiều tiêm kích Su-27/30 nhất. Tổng cộng, từ năm 1991, Nga đã cung cấp cho Trung Quốc 178 chiếc Su-27/Su-30, trong đó có 38 tiêm kích một chỗ ngồi Su-27SK một chỗ ngồi, 40 tiêm kích huấn luyện chiến đấu hai chỗ ngồi Su-27UBK, 76 tiêm kích đa năng Su-30MKK và 24 tiêm kích Su-30MK2.

Ngoài ra, nhà máy chế tạo máy bay Thẩm Dương nhận được 105 bộ linh kiện để sản xuất theo giấy phép Su-27SK theo nguyên tắc lắp ráp tổng thành.

Nếu tính cả 105 Su-27SK lắp ráp theo giấy phép, Nga đã cung cấp cho Trung Quốc tổng cộng 283 tiêm kích Sukhoi.


Trở ngại chính đối với việc ký kết hợp đồng là phía Nga yêu cầu Trung Quốc đưa ra bảo đảm pháp lý tuân thủ bản quyền. Trung Quốc không vội đưa ra những bảo đảm đó.

Một nguồn tin trong chính phủ Nga cho biết, “Moskva đang cố gắng không chỉ giành vị trí trên thị trường Trung Quốc mà còn ngăn chặn việc sao chép trong tương lai các máy bay Nga để bán trên thị trường các nước thứ ba với giá rẻ”.

Trước đó, vào năm 2008, Nga và Trung Quốc đã ký hiệp định khung bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự. Tuy nhiên, các nguồn tin cho hay, “Moskva đang đòi ký một hiệp định riêng về việc bán Su-35 để có thêm những bảo đảm bổ sung. Trung Quốc hiện chưa đưa ra câu trả lời tích cực”.

Các khiếu nại của Nga đối với Trung Quốc về vấn đề vi phạm bản quyền một phần liên quan đến việc một số máy bay Trung Quốc thực chất là bản sao chép các máy bay Nga mà họ mua trước đó. Ví dụ, tiêm kích J-10 sao chép Su-27 (nguồn tin khác nói đây là mẫu sao chép máy bay Lavi của hãng Israel Aircraft Industries), J-11 sao chép Su-30, FC-1 sao chép MiG-21.

Các sản phẩm máy bay hàng nhái của Trung Quốc có tính năng kỹ thuật kém hơn nhưng lại ưu thế lớn về giá so với máy bay nguyên bản của Nga và cạnh tranh tốt với máy bay Nga trên thị trường quốc tế. Chẳng hạn, Trung Quốc đã thu hút được sự quan tâm của Pakistan và Venezuela đối với máy bay của họ.

Việc Trung Quốc muốn mua Su-35 được biết đến lần đầu tiên vào năm 2008 khi diễn ra triển lãm hàng không vũ trụ Airshow China. Thông tin này được xác nhận vào tháng 2.2012. Phó giám đốc thứ nhất Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự FSVTS nói rằng, vào năm 2011, phía Trung Quốc đã đề nghị Nga bán Su-35 cho họ.

Su-35 được coi là tiêm kích thế hệ 4++, có khả năng bay với tốc độ 2.500 km/h, tầm bay 3.400 km, bán kính chiến đấu 1.600 km. Máy bay được trang bị 1 pháo 30 mm, 12 điểm treo vũ khí (tên lửa, bom các loại).

>> Thương vụ bán Su-35 cho Trung Quốc : Nguyên nhân & hậu quả (Kỳ 2 ra ngày 11/03)

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

>> Trung Quốc đã vượt mặt Nga?



Trung Quốc rồi sẽ không còn phụ thuộc vào Nga và sẽ trực tiếp cạnh tranh với Nga trên thị trường thế giới về vũ khí và năng lượng.

Một báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) mới đây cho biết, Trung Quốc đã giành được thế thượng phong trong quan hệ song phương với Nga do Bắc Kinh không còn phụ thuộc vào các vũ khí hiện đại và năng lượng của Moscow nữa.

Trong khi lãnh đạo hai nước vẫn đang nỗ lực xây dựng quan hệ liên minh chiến lược chặt chẽ chẽ giữa hai bên, thì mối quan hệ đối tác này dường như không thể phát triển thành một hình thức nào cao hơn trong tương lai.


http://nghiadx.blogspot.com
Trung Quốc rồi sẽ tách khỏi ảnh hưởng vũ khí và năng lượng từ Nga để trở thành một thực thế trực tiếp cạnh tranh với Nga


“Trong vài năm tới, khi mà quan hệ vẫn duy trì ở mức độ ngoại giao, thì hai nền tảng tạo nên mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa hai bên trong suốt 2 thập kỷ qua – quân sự và năng lượng – sẽ sụp đổ”, nhóm tác giả báo cáo cho biết. “Kết quả là, tầm quan trọng của Nga đối với Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm đi”.

Quan hệ Trung – Nga lúc thăng lúc trầm trong suốt nhiều thập kỷ quả, có khi hai bên còn đứng bên bờ vực chiến tranh, đặc biệt trong cuộc tranh chấp biên giới năm 1969.

Theo nội dung bản báo cáo, trong khi cả hai đều hợp tác chặt chẽ về các lĩnh vực trong khuôn khổ Liên Hợp quốc, như cùng nhau chống lại các quyết định của Mỹ hoặc các nước phương Tây, thì cả Bắc Kinh và Moscow đều tự mình tìm cách thắt chặt quan hệ riêng với Washington.

“Hơn nữa, nhiều nhà hoạch định chiến lược Bắc Kinh và Moscow đều coi phía bên kia là mối đe dọa chiến lược lâu dài”.

Trung Quốc từng phụ thuộc rất lớn vào các vũ khí của Nga. Nhưng những tiến bộ vượt bậc của Bắc Kinh trong suốt thời gian qua cho thấy Trung Quốc sẽ thực sự là một đối thủ của Nga trên bình diện thế giới.

Đó là một trong những lý do vì sao giờ đây Nga không còn muốn xuất khẩu vũ khí công nghệ cao sang Trung Quốc nữa, bản báo cáo cho biết.

“Một nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến sẽ ngày càng đáp ứng những đòi hỏi của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, hạn chế việc phải nhập khẩu vũ khí ồ ạt như thời gian qua”.

“Đồng thời, sẽ thật khó hiểu nếu Nga đồng ý và sẵn lòng đáp ứng các yêu cầu vũ khí tối tân của Trung Quốc do những bí quyết kỹ thuật quân sự riêng của mình và bởi Trung Quốc hoàn toàn có thể bắt chước các loại vũ khí này và cạnh tranh với Nga trên thị trường thế giới”.


http://nghiadx.blogspot.com

Chiếc Su-27 của Nga đã bị Trung Quốc chế biến thành chiếc J-11B của riêng mình như thế này


Cũng theo bản báo cáo, về hợp tác năng lượng, quan hệ hai bên cũng đã có những xói mòn, khi xuất hiện tranh cãi về hợp đồng xuất nhập khẩu năng lượng giữa Nga và Trung Quốc, đồng thời Bắc Kinh cũng đang đi tìm cho mình nhà cung cấp khác, đặc biệt là ở Trung Á.

Một hợp đồng cung cấp năng lượng và khí đốt giữa Nga và Trung Quốc trị giá 1 tỷ USD trong vòng 30 năm được ký kết sau chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới Nga đã không được thực hiện. Theo một nguồn tin thân cận thì nguyên nhân là do những khác biệt về giá giữa nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới và Bắc Kinh vẫn chưa được giải quyết.

“Hiện nay ở cả hai nước, các nhà hoạch định chiến lược đều cho rằng những cuộc cạnh tranh như vậy sẽ làm leo thang mâu thuẫn hai bên và làm sói mòn niềm tin về một mối quan hệ đối tác chiến lược”.

“Do vậy, Nga và Trung Quốc hiện nay sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ đối tác thực dụng, nhưng không dựa trên nền tảng chia sẻ những vấn đề thế giới và lợi ích chiến lược”, bản báo cáo kết luận.
Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang