Tình báo Israel là lực lượng có tuổi đời non trẻ so với các bậc đàn anh ở Anh, Liên Xô, Pháp... nhưng tiến bộ rất nhanh và được coi là ngành tình báo thuộc loại hiệu quả nhất thế giới.
Ngành tình Israel báo thuộc loại hiệu quả nhất thế giới Chính nhờ hoạt động có tính nhà nghề cao của tình báo mà quân đội Israel luôn có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao và là một trong những yếu tố then chốt giúp Israel luôn giành được thắng lợi trong các cuộc chiến tranh với các nước Arập kể từ năm 1948 khi nhà nước Do Thái ra đời. Hiện nay, đối tượng chủ yếu của tình báo Israel là chủ nghĩa khủng bố. Dưới đây xin khái quát vài nét về cộng đồng tình báo Israel. VARASH - Đây là chữ viết tắt của cụm từ “Vaadat rashet ha-Sherutim” trong tiếng Do Thái nghĩa là “Uỷ ban các chỉ huy tình báo”. VARASH về bản chất là cơ quan điều phối duy nhất của các cơ quan tình báo Israel, còn những người đứng đầu các cơ quan này là thành viên thường trực của Uỷ ban. Nhiệm vụ chủ yếu của Uỷ ban kể từ khi được thành lập vào năm 1949 là bảo đảm hiệu quả cho các chiến dịch của các cơ quan tình báo, khống chế, khoanh vùng sai sót, đổ vỡ và loại trừ, khắc phục những hậu quả tiêu cực khi xảy ra những sai sót, đổ vỡ. Nghị trình và thời gian các phiên họp của VARASH cho đến nay vẫn được giữ tuyệt đối bí mật. Theo truyền thống, Giám đốc Mossad đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban. 1. MOSSAD - “Ha-Mossad le teum” - Viện Điều phối Trung ương Đây là tên chính thức của cơ quan tình báo quan trọng nhất, nổi tiếng nhất của nhà nước Do Thái, đồng thời cũng là cơ quan “trẻ tuổi” nhất so với các cơ quan còn lại vì nó được thành lập vào tháng 4/1951. Bởi vậy, mỗi khi nói về các “hiệp sĩ áo choàng và dao găm” của Israel thì trước tiên người ta nghĩ ngay đến các chiến dịch của Mossad mà gần như không bao giờ nhắc đến các cơ quan tình báo khác của nhà nước Do Thái mặc dù xét về số lượng cơ quan tình báo, Israel chỉ đứng thứ hai thế giới sau nước Mỹ. Tên đầy đủ của nó là Mossad Merkazi Le-modiin U-letafkidim Meyuhadim, tiếng Do Thái nghĩa là: “Viện Tình báo và An ninh Trung ương”. Mossad là một trong 5 cơ quan tình báo chủ chốt của Israel, đảm trách tình báo đối ngoại và các chiến dịch chính trị, bán quân sự ngầm ở nước ngoài, bao gồm cả ám sát những người Palestine bị cho là khủng bố và các đối tượng khác. Chỉ huy Mossad báo cáo trực tiếp cho Thủ tướng Israel. Giám đốc đầu tiên của Mossad là cán bộ tình báo chuyên nghiệp Reuven Shiloy. Chính ông là tác giả của chiến lược hành động của Mossad, theo đó, do quân số cán bộ tình báo biên chế ít nên Mossad chủ yếu dựa vào việc sử dụng cộng đồng người Do Thái ở nước ngoài. Mạng lưới của những người gọi là Sayanim (trợ thủ) được hình thành từ những người chủng tộc Do Thái, một mặt họ trung thành vô điều kiện với nước trú ngụ, đồng thời cũng có sự hậu thuẫn, giúp đỡ nhất định cho lực lượng điệp viên bất hợp pháp của Mossad. Liên quan đến các cán bộ tình báo trong biên chế thì người ta tập trung tuyển chọn họ trước hết trong số những người Israel đã hết hạn phục vụ trong quân đội, ưu tiên người có trình độ đại học. Nhưng việc tuyển chọn không chỉ dựa vào điều này, người ta còn nghiên cứu lai lịch xuất thân, các phẩm chất cá nhân, cá tính của các ứng viên. Sau đó, họ trải qua một giai đoạn thử thách. Những người vượt qua giai đoạn này được nhận vào Học viện Midhrash của Mossad. Các học viên ngay từ đầu được đặt bí danh và có câu chuyện nguỵ trang riêng mà họ phải tuân thủ trong quá trình học tập. Chương trình của Midhrash có mục đích đào tạo lực lượng điệp viên nhà nghề trình độ cao có khả năng hoạt động hiệu quả ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới, trong những tình huống gay go, ác liệt nhất để tiến hành những chiến dịch đôi khi tưởng chừng như không tưởng. Một trong những chiến dịch đó là việc chuyển 21 tấn nước nặng từ Nauy thực hiện theo chỉ thị của vị giám đốc thứ hai, nhưng có lẽ là lỗi lạc nhất của Mossad là Isser Harel. Ông được bổ nhiệm giữ chức vụ này vào năm 1952 và trong 11 năm dưới quyền lãnh đạo của ông, Mossad đã thực hiện được không ít những điệp vụ chấn động. Mossad duy trì một số lượng lớn điệp viên mật ở các nước Arập và các nước khác, các nhân viên hoạt động của Mossad đã tiến hành các chiến dịch ngầm chống các kẻ thù của Israel và các cựu tội phạm chiến tranh quốc xã sống ở nước ngoài. Điệp vụ nổi tiếng nhất và do Isser Harel đích thân chỉ huy là vụ bắt cóc tên tội phạm chiến tranh Đức quốc xã Adolf Eichmann tại Argentina năm 1960 và đưa ra toà xét xử ở Israel về tội ác chiến tranh. Isser Harel cũng đã tiến hành chiến dịch “đánh vào” Ai Cập và Syria 3 tình báo viên: Ben Jair, Leon Tomas và Elia Cohen. Những người này đã thu thập được các kế hoạch tác chiến của người Arập, các sơ đồ và ảnh chụp nhiều mục tiêu chiến lược. Và tuy Elia Cohen và Leon Tomas cuối cùng cũng bị lộ và bị tử hình nhưng hoạt động của họ đã thể hiện tích cực ở kết quả tác chiến của quân đội Israel trong cuộc chiến 6 ngày năm vào tháng 6/1967. Người kế nhiệm Isser Harel vào năm 1963 là Thiếu tướng Meyr Amit, người đã tiến hành hàng loại cải cách cơ bản trong cơ cấu và chiến lược hoạt động của Mossad. Chính dưới thời ông, Học viện Midhrash và phòng máy tính được thành lập, biên chế của tổ chức lên tới 1.000 nhân viên và hoạt động của họ đã bảo đảm cho thắng lợi của các lực lượng vũ trang Israel. Ví dụ, họ đã tổ chức cướp những chiếc máy bay tiên tiến nhất của Liên Xô có trong trang bị của không quân các nước Arập. Năm 1964, điệp viên của Mossad đã tuyển mộ được viên đại uý không quân Ai Cập Abbas Khilmy để anh ta lái chiếc Yak-T bay sang Israel. Mùa hè năm 1966, viên sĩ quan Iraq Mounir Redfa đã cho chiếc MiG-21 của mình hạ cánh xuống một sân bay trong sa mạc Negev, Israel. Viên thiếu tá Ai Cập Bassam Alel lái chiếc MiG-23 cũng đã làm như thế. Trọng trách triển khai cuộc đấu tranh chống khủng bố Palestine, mà trước hết là với tổ chức “Tháng chín đen”, các phần tử vũ trang của tổ chức này đã giết hại các vận động viên Israel trong thời gian Thế vận hội Olympic 1972 ở Munich, Đức, được giao cho vị giám đốc thứ tư của Mossad - Thiếu tướng Zvi Zamir. Nhóm sát thủ Mitzwa Elohim (Cơn lôi đình của thần thánh) được thành lập theo lệnh của Thủ tướng Golda Meyer đã truy lùng và ám sát 11 tên tổ chức cuộc tàn sát ở Munich năm 1972, kể cả thủ lĩnh “Tháng chín đen” Hassan Salameh cũng đã bị giết chết. Năm 1976, các điệp viên Mossad đã giải cứu các con tin là các hành khách một máy bay hành khách Israel bị bắt cóc và bị giam giữ tại sân bay Entebbe, Uganda. Mossad còn dính líu đến một số vụ ám sát các thủ lĩnh Palestine ở châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi. Đồng thời, Mossad cũng mắc không ít sai sót nghiêm trọng, trong đó lớn nhất là việc Giám đốc Mossad Zvi Zamir vào mùa thu năm 1973 đã không thể thuyết phục được ban lãnh đạo Israel tin rằng, quân đội Ai Cập và Syria đang sẵn sàng tấn công nhà nước Do Thái, nhất là khi đã có trong tay những tin tức không thể bác bỏ. Zvi Zamir đã biết chính xác đến cả ngày tháng và thời gian bắt đầu cuộc tấn công của người Arập, nhưng người ta đã không tin các báo cáo của Giám đốc Mossad. Năm 1974, Zvi Zamir được thay thế bằng Thiếu tướng Yitzhak Hofi. Chính dưới thời ông này, các cán bộ hoạt động của Mossad đã bảo đảm cho thắng lợi của chiến dịch có một không hai giải thoát những con tin của chiếc máy bay hành khách Pháp bị bọn khủng bố ở cách xa Israel 2.500 km - tại sân bay thủ đô Uganda. Một việc làm còn quan trọng hơn của Mossad có lẽ là việc tham gia phá hoại chương trình hạt nhân của Saddam Hussein. Ngày 5/4/1979, tại một kho ở Pháp, các nhân viên Mossad đã nổ phá 2 tổ máy năng lượng đã sẵn sàng gửi sang Iraq cho lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng ở đó. Tháng 7/1981, dựa trên tin tức tình báo của Mossad, các phi công Israel đã tiến hành thành công chiến dịch Sphinx, phá huỷ lò phản ứng Osirak của Iraq. Tuy nhiên, vấn đề chủ yếu đối với Mossad đã và vẫn là chủ nghĩa khủng bố Palestine mà tình trạng thắng bại luôn giằng co kéo dài. Một trong những thất bại là việc điệp viên Amina al-Moufti của Israel đã hoạt động trót lọt trong ban lãnh đạo tổ chức PLO gần 3 năm bị phát giác ở Beirut. Tháng 6/1982, tại thủ đô Li-băng, một người Palestine bắn chết tướng Cotiel Adam, người sắp thay Yitzak Hofi làm giám đốc Mossad. Do đó, cán bộ tình báo chuyên nghiệp Naum Admoni đã trở thành giám đốc Mossad. Trong số các chiến dịch thành công trong 7 năm Naum Admoni lãnh đạo Mossad có vụ gây nổ chiếc phà Palestine Al Avaz mà người Palestine định sử dụng để đổ bộ quân xuống Gaza, thủ tiêu đại tá PLO Mohammed Tamami, ám sát Abu Jihad, vị phó của Yasir Arafat chuyên trách các chiến dịch khủng bố ngay trong ngôi nhà của ông ta ở Tunis, giết nhà sáng chế Canada Gerald Bull, người đã thiết kế khẩu pháo tầm siêu xa cho Saddam Hussein... Đồng thời, họ cũng vấp phải những thất bại rất đau đớn. Vụ mưu sát bất thành thủ lĩnh HAMAS Khaled Mashaal ở Jordanie vào năm 1997 đã dẫn đến những hậu quả nặng nề. Kết quả là Israel đã buộc phải thả tự do vị giáo sĩ Palestine Ahmed Yassin và 70 người ủng hộ ông ra khỏi nhà tù. Tháng 2/1998, cảnh sát Thuỵ Sĩ đã bắt giữ 5 điệp viên Mossad trong khi đang mưu toan máy nghe trộm tại cơ quan đại diện Iran. Trong 2 năm cuối thế kỷ ХХ, ở Li-băng, đã bắt giữ và xét xử hơn 100 điệp viên người Arập địa phương của Mossad. 2. AMAN Cơ quan tình báo quân sự (TBQS) Aman là cơ quan tình báo lâu đời nhất của Israel, ra đời từ năm 1934 để ngăn chặn những cuộc tiến công liên tục của người Arập địa phương vào các làng Do Thái. Sau khi thành lập nhà nước Israel, TBQS được mang tên Sherut modiin và do Isser Beeri, sau đó là Haim Hertzog lãnh đạo. Haim Hertzog đã cải cách cơ quan này và trong một thời gian ngắn đã biến nó thành một cơ quan tình báo thực thụ có các trung tâm tình báo bình phong công khai ở nhiều nước châu Âu. Tháng 12/1953, cơ quan TBQS Israel đã được đổi tên thành AMAN (chữ viết tắt của Agaf modiin) và trở thành một cục của Bộ Tổng tham mưu. Trực thuộc cơ quan này có trinh sát bộ đội và tình báo lục quân. Đại tá Benjamin Jibly được bổ nhiệm làm Cục trưởng AMAN. Ông chủ yếu tập trung chú ý vào Ai Cập vì nước này rõ ràng đang chuẩn bị chiến tranh với Israel. AMAN gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ này bởi vì lực lượng điệp viên trước đây của AMAN ở Ai Cập chủ yếu là người Do Thái mà người Do Thái thì đang ồ ạt rời khỏi nước này. Jibly quyết định triển khai trên nước láng giềng phía Tây một lưới điệp báo-phá hoại mới. Chiến dịch Susanna bắt đầu vào tháng 5/1951 khi tình báo viên chuyên nghiệp Avraham Dar tới Cai-rô và ông đã xây 2 nhóm điệp báo gồm những thanh niên Do Thái. Nhưng không lâu sau, Dar đã bị một cán bộ điệp báo bất hợp pháp khác là Thiếu tá Meyer Bennet thay thế. Cuối năm 1953, ông này cũng bị gọi về và Đại uý Avri El-Ad được phái đến Cai-rô. Sự thay đổi xoành xoạch như thế và những sai sót của các nhân viên phá hoại đã làm cho chiến dịch Susanna thất bại hoàn toàn. Bản thân tổ trưởng điệp báo và toàn bộ các điệp viên đều đã bị phản gián Ai Cập tóm gọn và khi bị tra tấn đã khai ra chi tiết hoạt động của mình. Vụ đổ vỡ này đã gây thiệt hại to lớn cho Israel cả về quan hệ với các nước Arập, lẫn ở Tây Âu. Cả cục trưởng AMAN lẫn bộ trưởng quốc phòng đều bị mất chức. Tướng Jegoshafat Harkabi lên đứng đầu AMAN. Dưới quyền ông, TBQS Israel hoạt động thành công hơn, chẳng hạn đã bảo đảm hiệu quả cho cuộc hành quân đường trường chớp nhoáng của quân đội Israel qua bán đảo Sinai vào mùa thu năm 1956. Các điệp viên AMAN đã thực hiện hàng loạt vụ phá hoại tiêu diệt hàng loạt yếu nhân trong bộ chỉ huy quân sự Ai Cập. Năm 1959, Haim Hertzog lại lên cầm đầu TBQS, ông đã soạn thảo và thực hiện một kế hoạch quy mô triển khai mạng lưới điệp báo. Một trong những chiến dịch nổi tiếng nhất và hiệu quả nhất là việc cài điệp viên Wolfgang Lotz vào giới thượng lưu Cai-rô vào năm 1960. Lotz đã mở các quan hệ trong giới tướng lĩnh, trở thành nhân vật tin cậy, thân tín trong giới quan chức Ai Cập. Điều đó đã cho phép ông ta thu thập tin tức về biên chế và trang bị, về các kế hoạch tác chiến, tình hình bố trí các căn cứ không quân của quân đội Ai Cập và nhiều tin mật quan trọng khác. Mặc dù bị bắt vào năm 1965 nhưng những tài liệu, tin tức mà Lotz cung cấp đã đóng vai trò không nhỏ trong cuộc chiến 6 ngày. Trước cuộc chiến tranh này, Thiếu tướng Aaron Jarev được cử làm Cục trưởng TBQS và ông cũng đặc biệt chú trọng nhiệm vụ thu thập tin điệp báo về lực lượng vũ trang Ai Cập, Syria, Jordanie và Li-băng. Kết quả là đến năm 1967, AMAN đã có trong tay những thông tin chân tơ kẽ tóc về quân đội các nước này, đã cung cấp được cho Bộ Tổng tham mưu quân đội Israel những danh sách mục tiêu chi tiết trên lãnh thổ các nước này và dự báo được những vấn đề chính có thể nảy sinh trong quá trình chiến sự. Tuy vậy, các nhà lãnh đạo Ai Cập và Syria không cam tâm thất bại và nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô họ đã ráo riết chuẩn bị báo thù. Bộ chỉ huy AMAN cũng đã nắm được tin này, song lại nghĩ rằng, người Arập sẽ không dám khai diễn cuộc chiến mới vì biết là một thất bại mới đang chờ đón họ. Ủng hộ quan điểm đó có cả Thiếu tướng Eliahu Zeira, Cục trưởng AMAN từ tháng 11/1972. Bất chấp vô số báo cáo tin tình báo của các điệp viên, không ảnh do thám và tin chặn thu kỹ thuật, Zeira đã thuyết phục được ban lãnh đạo quốc gia và Thủ tướng Golda Meyer tin rằng, Israel không bị đe doạ bởi một cuộc tấn công bất ngờ. Sự trả giá cho sự tự tin đó bắt đầu vào thứ bảy, ngày 6/10/1973... Dĩ nhiên, sau đó là sự trừng phạt, nhiều người ở AMAN, kể cả Zeira đã mất chức. Trong thập niên 1970, khi một thứ thể chế nhà nước Palestine xuất hiện ở Nam Li-băng, tình báo quân sự Israel do Tướng Shlom Gazit đứng đầu đã xác định được rất chính xác lực lượng và các kế hoạch hành động của lực lượng cực đoan. Tướng Yeoshua Sagui thay thế Tướng Gazit vào năm 1979 về cơ bản đã tổ chức hoạt động một cách đúng đắn cho các nhân viên của mình và các điệp viên trong hàng ngũ PLO nên trong thời kỳ gay cấn năm 1982, khi quân Israel tiến vào Li-băng, họ đã có đầy đủ thông tin về đối phương - không chỉ về người Palestine mà cả về các đội quân Syria trên lãnh thổ Li-băng. Trong 12 năm gần đây sau khi các thoả thuận Oslo dự định thành lập Nhà nước Palestine được ký kết, tình hình ở Israel đã thay đổi đột biến và cuộc đấu tranh với khủng bố Arập đã cuốn hút những lực lượng và phương tiện chủ yếu của TBQS Israel. Tuy vậy, chất lượng và số lượng tin tình báo về các đối thủ tiềm tàng của Israel không suy giảm, thậm chí còn hơi tăng nhờ việc tích cực áp dụng các phương tiện kỹ thuật. Trong số các phương tiện đó có mạng lưới các trạm quan sát ở cao nguyên Golan được trang bị các khí tài quang-điện tử tiên tiến nhất. Một giai đoạn mới trên hướng này việc phóng các vệ tinh do thám Ofeq bằng tên lửa đẩy vũ trụ. Hiện nay, AMAN là cơ quan tình báo hàng đầu của nhà nước Do Thái (Cục trưởng từ năm 2003 là Thiếu tướng Aaron Zeavi-Farkash) và đã đẩy Mossad xuống vị trí thứ hai. Quân số nhân viên TBQS Israel hiện là gần 7.000 người. Một số nhà quan sát coi Aman là đối thủ kình địch của Mossad và đã có tin về những xung đột giữa 2 cơ quan này. Chỉ huy Aman là cố vấn tình báo quân sự của bộ trưởng quốc phòng. 3. SHIN BET Tổng cục An ninh Chung Shin Bet phụ trách phản gián nội địa, tập trung vào các hoạt động phá hoại tiềm tàng, khủng bố và các vấn đề an ninh có tính chất chính trị cao. Shin Bet được chia thành 3 cục phụ trách các vấn đề Arập, các vấn đề phi Arập và bảo vệ an ninh (bảo vệ các sứ quán Israel, hạ tầng quốc phòng và hãng hàng không quốc gia El Al). Trong những năm 1980, thanh danh của Shin Bet bị hoen ố khi các điệp viên Shin Bet bị phát hiện đã đánh đến chết 2 người Palestine bị bắt do tham gia vụ bắt cóc 1 xe buýt. Trong thập kỷ 1990, Shin Bet bị công luận quốc tế theo dõi chặt chẽ vì họ sử dụng tra tấn đối với các tù nhân Palestine và vai trò của nó trong các vụ ám sát những người được cho là phần tử vũ trang Palestine. Shin Bet cũng bị chỉ trích do thất bại trong việc bảo vệ Thủ tướng Yitzhak Rabin vào tháng 11/1995. Sau vụ tai tiếng này, chỉ huy Shin Bet đã buộc phải từ chức. 4. CÁC đơn vị trinh sát/biệt kích Trước năm 1974, nhiệm vụ thủ tiêu những phần tử khủng bố do các nhóm lính tinh thuệ của các lữ dù do Mossad chỉ huy và các điệp viên của Mossad thực hiện. Nhưng sau chiến dịch chống bọn tội phạm đánh chiếm một trường học làm thiệt mạng cả bọn khủng bố và nhiều con tin, trong đó có 21 trẻ em, Israel đã quyết định thành lập các đơn vị đặc nhiệm chống khủng bố chuyên trách. Ngay từ đầu, các đơn vị này trực thuộc trực tiếp và hoạt động chủ yếu theo chỉ đạo của Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel.Đơn vị đầu tiên là nhóm chiến đấu Yamam. Sau đó, bổ sung cho nhóm này còn có 6 toán đặc biệt nữa. Tất cả các đơn vị này đều đóng tại trường chống khủng bố ở căn cứ quân sự Matkal Adam và qua khoá huấn luyện cường độ cao. Một năm sau, lính đặc nhiệm đã thể hiện tính nhà nghề cao trên thực tiễn. Cộng thêm là các phương pháp hành động được chuẩn bị tuyệt vời cho trường hợp đánh bắt, tiêu diệt bọn cực đoan và giai thoát con tin. Hiện nay, có 3 đơn vị đặc nhiệm chính: Yamam, Sayeret Matkal và S-13. Yamam chủ yếu chịu trách nhiệm tiến hành các chiến dịch trên lãnh thổ Israel, Sayeret Matkal phụ trách địa bàn ngoài nước, còn S-13 trên biển (ven bờ biển Israel cũng như ngoài hải phận nước này). Các đơn vị đặc nhiệm được chia theo khu vực tương ứng với các quân khu: miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Ở quân khu miền Bắc có 2 đơn vị, quân khu miền Trung có 3 đơn vị, quân khu miền Nam có 4 đơn vị. Nếu chiến dịch được tiến hành ở ngoài nước, thì người ta chọn đơn vị nào phù hợp nhất với nhiệm vụ đặt ra bất kể khu vực trách nhiệm. Được ưu tiên đặc biệt là đơn vị 7149 (tiểu đoàn Kalbia) đóng tại căn cứ không quân Sirkin. Vũ khí của đơn vị này là chó huấn luyện đặc biệt (gần 120 con). Số chó này được chia thành 4 đại đội: tìm-cứu, truy tìm, dò mìn và chiến đấu. Cần lưu ý rằng, gần như tất cả các đơn vị đặc nhiệm Israel đều nằm trong biên chế quân đội bởi vậy binh sĩ đều là lính nghĩa vụ (công dân Israel có nghĩa vụ quân sự 3 năm). Trường hợp ngoại lệ là đơn vị Yamam với nhân viên gồm hoàn toàn là binh sĩ chuyên nghiệp. Thuộc về lực lượng đặc nhiệm còn có đơn vị siêu mật Metzada chuyên tuyển mộ và phái điệp viên vào các quốc gia Arập. Các binh sĩ đơn vị này được tuyển chọn hoàn toàn từ người Do Thái đến Israel từ xứ Maghrib của người Arập. Họ rất giỏi ngôn ngữ của những nước mà họ đã từng sinh sống trước khi di cư về Israel và am hiểu về văn hoá Arập, tâm tính của những nơi cư ngụ trước kia bởi vậy họ không có gì khác biệt với những người bản xứ. Một trong những đơn vị đặc nhiệm hiệu quả nhất là Mistaravim (“trở thành người Arập”) được thành lập năm 1987. Đơn vị này được biên chế không chỉ những người xuất thân từ các nước Arập mà cả người Do Thái châu Âu. Mistaravim hoạt động trên lãnh thổ nhà nước Palestine với nhiệm vụ truy tìm và tiêu diệt những người bị cho là khủng bố. 5. NATIV NATIV, tên viết tắt của “Văn phòng liên lạc với người Do Thái”, được thành lập năm 1951 với nhiệm vụ kêu gọi người Do Thái di cư ồ ạt từ các nước thuộc khối XHCN. Từ những ngày đầu tiên, NATIV đã là một trong những cơ quan bí mật nhất trong cộng đồng tình báo Israel, chẳng hạn ở Tel Aviv chỉ có 6 người biết về sự tồn tại của nó. Trụ sở của NATIV đặt tại thôn Saron, không xa Tel Aviv, biên chế nhân viên không bao giờ vượt quá 200 người. Tuy quân số ít, nhưng bù lại nhân viên của Nativ có tính nhà nghề cực kỳ cao và được tuyển chọn rất khắt khe. Họ phải là những người trẻ, cực kỳ khoẻ mạnh về thể chất, bắt buộc đã phải có gia đình để tránh các vấn đề tình dục. Tất cả các nhân viên NATIV đều rất giỏi tiếng Nga và ít nhất một thứ tiếng Đông Âu nữa. Họ phải nắm vững kiến thức căn bản của đạo Do thái và những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Zion. Tất cả những phẩm chất của họ đều phục vụ cho nhiệm vụ thúc đẩy người Do Thái di cư về Israel. Tuy vậy, việc thu thập tin tức chính trị, kinh tế và kỹ thuật quân sự ở những nước mà nhân viên NATIV hoạt động cũng không kém phần quan trọng. Thông thường, họ hoạt động dưới bình phong nhân viên các phái bộ ngoại giao, nhưng hoàn toàn ẩn danh và độc lập với các đại sứ. Sau khi Liên Xô sụp đổ, hoạt động của NATIV được đẩy mạnh và hiện đang được tiến hành hầu như ở tất cả các nước SNG, đồng thời vai trò của nó như một cơ quan tình báo tăng mạnh. Việc thu thập tin tức được thực hiện bằng các phương pháp mà các cơ quan tình báo Israel khác không sử dụng. Chẳng hạn, NATIV không tuyển điệp viên, không áp dụng hình thức hoạt động mật mà chủ yếu sử dụng các liên hệ công khai hợp pháp. Một ví dụ là phương pháp “đọc báo/nghe đài” khi mà những nhân viên hợp pháp của NATIV thu thập từ các nguồn công khai những tin tức mà họ quan tâm và gửi về cho cán bộ chỉ đạo họ. Phương pháp này cực kỳ ít tốn kém và chỉ tốn không quá 15.000 USD/năm. Nhưng vào cuối thế kỷ ХХ đã diễn ra một loạt những vụ tai tiếng do các tổ trưởng địa bàn của NATIV thiếu thận trọng đã bắt đầu chỉ đạo nhân viên dưới quyền thu thập tin tức quân sự và lập tức bị các cơ quan an ninh Nga và các nước SNG khác phát hiện. Tuy nhiên, NATIV cho đến nay vẫn tiếp tục tồn tại và vẫn là một trong những nguồn cung cấp thông tin chính từ lãnh thổ Liên Xô trước đây. 6. LEKEM Văn phòng Quan hệ Khoa học LEKEM là cơ quan tình báo nhỏ và bí mật, tuyển điệp viên ở các nước phương Tây cho đến khi bị giải tán vào năm 1986 sau khi Jonathan Pollard, một nhà phân tích của tình báo Hải quân Mỹ, người đã bán những tài liệu tình báo tuyệt mật của Mỹ cho Israel, bị bắt. (Ngay sau khi Pollard bị bắt, Israel đã xin lỗi chính phủ Mỹ và khẳng định, những tiếp xúc với Pollard đã chưa được các quan chức tình báo cao cấp Israel cho phép). Sự ra đời của cơ quan tình báo siêu mật này vào năm 1957 có liên hệ trực tiếp với chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của Israel. LEKEM là từ viết tắt của Lishka le kishrei mada trong tiếng Do Thái nghĩa là “Văn phòng Quan hệ Khoa học” chuyên trách tình báo KHKT. Chỉ huy đầu tiên của cơ quan LEKEM, nhà tình báo dày dạn kinh nghiệm Benjamin Blumberg trước hết đã soạn thảo một kế hoạch tung tin giả toàn cầu nhằm che giấu việc xây dựng cơ sở nguyên tử Kamag ở gần khu dân cư Dimona trong sa mạc Negev. Sau đó, LEKEM tiến hành tìm kiếm ở nước ngoài uranium được làm giàu, các nhân viên của cơ quan này triển khai một cuộc săn tìm thực sự các vật liệu liên quan đến lĩnh vực hạt nhân trên khắp hành tinh và rất thành công. LEKEM đã bí mật đưa được khỏi Mỹ hơn 100 cryotron có thể dùng làm ngòi nổ cho bom đạt hạt nhân. Tháng 11/1968, các nhân viên LEKEM cùng với Mossad đã tiến hành chiến dịch Plumbat, đưa một cách bất hợp pháp 200 tấn oxit uranium Israel. Nói một cách ngắn gọn là LEKEM đã có công lao không nhỏ trong việc chế tạo quả bom nguyên tử của Israel (năm 1969). Nhưng các đầu đạn hạt nhân cần phải có phương tiện mang phóng và LEKEM cũng đã phải đảm nhiệm việc này. Kết quả là các công trình sư Israel đã nhận được những thông tin cặn kẽ và tài liệu, cũng như một số tên lửa DM-660 của Pháp. Chỉ vài năm sau, Israel đã thử nghiệm các tên lửa đất-đối-đất Luz và Jericho. Đỉnh cao sáng tạo và táo bạo của các nhân viên LEKEM là việc đánh cướp 5 tàu tên lửa lớp Jaguar từ cảng Cherbour ngay trước lễ Giáng sinh năm 1969 trong chiến dịch “Con thuyền Nô-ê” do Mordechai Limon chỉ huy. Một chiến dịch thành công khác liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm phụ tùng cho các máy bay tiêm kích Mirage của Israel. Vấn đề đã được giải quyết bằng việc tuyển mộ được kỹ sư Thuỵ Sĩ Fraunknecht và điệp viên này đã lấy được hết cả bộ bản vẽ của chiếc máy bay Pháp. Những thành công này đã nâng cao đáng kể uy tín của Benjamin Blumberg. Tuy nhiên, năm 1981, ông dã bị cáo buộc lợi dụng chức vụ để tư lợi và bị cách chức. Chỉ huy mới của LEKEM là Rafael Eithan và dưới thời ông, số lượng tài liệu thu được đã tăng lên gấp 10 lần - tới 2.000 đầu/năm. Nhưng toàn bộ công lao của cơ quan này đã bị xoá sạch bởi một vụ tai tiếng om xòm khi công dân Mỹ Jonathan Pollard bị phát hiện là điệp viên Israel. Người tuyển Pollard là Đại tá Аvien Sella, khoản thù lao không nhỏ được trả qua LEKEM. Năm 1985, khi Pollard bị các cơ quan tình báo Mỹ phát giác, Israel đã từ chối đưa Pollard ra khỏi nước Mỹ và cũng không điệp viên này ẩn náu trong sứ quán Israel tại Washington. Vụ đổ vỡ này đã dẫn LEKEM đến bị giải tán vào năm 1986 và hiện nay không có thông tin chắc chắn về việc cơ quan nào ở Israel hiện nay chịu trách nhiệm cung cấp tin tức tình báo KHKT. Theo một số nguồn tin thì trách nhiệm của Lekem được giao lại cho Bộ Ngoại giao Israel. MỘT VÀI NHẬN XÉT Hoạt động của tình báo Israel gắn liền với sự sống còn của dân tộc Do Thái và của bản thân Nhà nước Israel. Tình báo Israel là tinh hoa trí tuệ, đỉnh cao ý chí và chủ nghĩa yêu nước của người Do Thái, do đó lực lượng này được nhà nước quan tâm đầu tư, phát triển; người dân kính trọng, yêu mến, che chở, giúp đỡ cả trong nước lẫn ở nước ngoài. Nói một cách khái quát, có thể thấy rằng triết lý của tình báo Israel dựa vào các yếu tố căn bản sau: Ưu tiên chất lượng, chứ không phải số lượng; chú trọng tinh nhuệ chứ không phải số đông. Coi yếu tố chính trị-yêu nước là phẩm chất quyết định của cán bộ, nhân viên. Lấy lợi ích quốc gia-dân tộc làm mục đích tối thượng, bất chấp thủ đoạn để đạt mục đích. Tuyển chọn chặt chẽ, huấn luyện bài bản, lập kế hoạch chu đáo, phối hợp chính xác, ra tay quyết liệt, đánh hiểm-diệt gọn. Tình báo Israel hoạt động có hiệu quả cao là do một số nguyên nhân chính sau đây: Sự chỉ huy trực tiếp, thống nhất chặt chẽ của lãnh đạo cao nhất Nhà nước và nhận thức rất đúng đắn của họ về vai trò của tình báo. Tình báo luôn là một ưu tiên quốc gia và là một trong những thành tố quyết định trong tiềm lực quốc phòng Israel. Sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình và hiệu quả của cộng đồng người Do Thái giàu có và đầy thế lực ở các địa bàn hoạt động. Tài năng tổ chức của các nhà lãnh đạo tình báo và tính nhà nghề cao của đội ngũ cán bộ, nhân viên.Tóm lại, hệ thống tình báo Israel được xây dựng chủ yếu để đối phó với các mối đe doạ từ bên ngoài (các nước Hồi giáo, Arập và người Palestine thù địch), phục vụ nhu cầu phòng vệ thiết yếu của quốc gia. Trong nửa thế kỷ chiến đấu và trưởng thành, tình báo Israel đã phát triển nghệ thuật điệp báo, tình báo quân sự, tình báo KHKT và tình báo hành động lên đến đỉnh cao. Thành công của tình báo Israel xứng đáng là tấm gương cho các cơ quan tình báo trên thế giới học hỏi. |
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tình báo Trung Quốc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tình báo Trung Quốc. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011
>> Tìm hiểu lực lượng tình báo Israel
Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011
>> Những điểm yếu của tình báo Mỹ
Tờ Washington Post cho biết kể từ sau các vụ tấn công 11/9/2001, hệ thống tình báo mật vụ của Mỹ đã phát triển đến mức hiện không ai biết chi phí chính xác của hoạt động này là bao nhiêu, hay có bao nhiêu người tham gia vào công tác này. Washington Post nói gần 2000 công ty tư nhân và 1270 cơ quan chính phủ đã tham gia vào công tác chống khủng bố tại 10 ngàn địa điểm trên toàn đất nước. CIA chỉ là một trong số hơn một chục cơ quan tình báo của Mỹ Báo cáo này, mang tên Hoa Kỳ Tối mật (Top Secret America), được đưa ra sau hai năm điều tra của Washington Post. Các quan chức được trích dẫn thừa nhận rằng hệ thống này còn nhiều thiếu sót, nhưng họ cũng đặt các câu hỏi về kết luận của tờ báo. Trước khi báo cáo được đưa ra, Nhà Trắng nói với tờ Washington Post rằng họ biết có các vấn đề trong việc thu thập tình báo của Mỹ và đang tìm cách xử lý. Cồng kềnh Báo cáo này nói việc phát triển ngành an ninh - với các hợp đồng trị giá hàng tỉ dollar được đưa ra cho nhiều cơ quan chính phủ và nhà thầu tư - đã kéo theo một hệ thống khó sử dụng, thiếu giám sát trong khi lại lãng phí và trùng lặp cao. Theo tờ Washington Post: Khoảng 854 ngàn công dân Mỹ được phép tiếp cận các thông tin bí mật cao. 1/5 trong số các tổ chức chống khủng bố ở Mỹ là được tạo ra kể từ sau các vụ tấn công 11/9/2001. Hơn 250 cơ quan an ninh được lập ra hoặc tái cơ cấu kể từ sau vụ 11/9. Hơn 30 khu tổ hợp với diện tích chừng 1.6 triệu mét vuông được xây dựng cho tình báo mật tại khu vực Washington kể từ sau vụ tấn công. Nhiều cơ quan ấn hành rất nhiều báo cáo mà các quan chức chẳng bao giờ sờ tới. Kể từ sau các vụ tấn công 11/9, hệ thống tình báo và theo dõi của Mỹ đã thay đổi mạnh, với nhiều cải cách - như việc tạo ra Ban Giám đốc Tình báo Quốc gia để theo dõi 16 cơ quan hoạt động tình báo - và tiêu tốn rất nhiều nguồn lực. Các quan chức Mỹ thì nói những cải cách này đã kéo theo những cải thiện lớn. Phóng viên BBC về quốc phòng và an ninh, Nick Childs, nhận định các sự cố gần đây - như vụ đánh bom máy bay không thành tại Detroit vào tháng 12 năm ngoái, và vụ tấn công bất thành ở quảng trường Times ở New York vào tháng Năm - tiếp tục cho thấy những yếu kém và thất bại của hệ thống tình báo. Không lộ danh tính Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates nói sự cồng kềnh của hệ thống thu thập tình báo Mỹ không phải là không quản lý nổi, nhưng đôi khi người ta khó mà có được thông tin chính xác. Tháng trước, Tổng thống Barack Obama chỉ định tướng về hưu James Clapper, vốn là quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc, lên thay cho đô đốc Dennis Blair làm lãnh đạo ngành tình báo trong thời gian tới. Báo cáo Hoa Kỳ Tối mật do phóng viên đoạt giải Pulitzer, Dana Priest soạn thảo với sự cộng tác của hơn hai chục phóng viên khác, và được ấn hành làm ba phần trong tuần này. Washington Post nói cuộc điều tra của họ dựa trên các tài liệu của chính phủ, hồ sơ công và hàng trăm cuộc phỏng vấn với các quan chức tình báo, quân sự và kinh doanh cùng các cựu quan chức. Theo Washington Post, đa phần những người được phỏng vấn yêu cầu giữ bí mật danh tính, do họ không được phép nói công khai hoặc sợ bị trả đũa tại nơi làm việc. [Vietnamdefence news] |
Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011
>> Phá tan âm mưu tình báo Trung Quốc ở Ukranie
Cơ quan An ninh Ukraine SBU vừa phá tan âm mưu của tình báo Trung Quốc đánh cắp bí mật của trung tâm huấn luyện phi công tàu sân bay NITKA ở TP Saki (Crimea, Ukraine). Năm 1998, thông qua một công ty bình phong ở Macau, Hải quân Trung Quốc đã mua tàu sân bay đóng dở Varyag từ Ukraine với giá rẻ mạt 20 triệu USD để “làm sòng bạc nổi”. Nay tàu Varyag đã có tên Thi Lang và đang được hiện đại hóa gấp rút để đưa biên chế Hải quân Trung Quốc vào năm 2011 -2012. Năm 2010, Trung Quốc chính thức tuyên bố bắt đầu đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên. Lộ trình “bán mình” Trung Quốc cũng đã bắt đầu xây dựng trung tâm huấn luyện phi công tàu sân bay tương tự trung tâm NITKA ở Crimea. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, họ triển khai các điệp vụ thu thập thông tin mật về hoạt động và cấu tạo của NITKA. Trước đó, Ukraine từng cho các chuyên gia quân sự Trung Quốc nhiều lần đến tham quan tổ hợp NITKA với hy vọng sẽ thuê huấn luyện phi công tàu sân bay tại đây. Tình báo Trung Quốc đã đặt hàng Gennady Ermakov, công dân Nga gốc Ukraine đánh cắp thông tin mật về NITKA dưới dạng tài liệu, hình vẽ, ảnh số ghi trong đĩa USB với giá 1 triệu USD. Gennady Ermakov từng phục vụ trong lực lượng đặc nhiệm binh chủng đổ bộ đường không Nga. Tiếp tay cho Gennady chính là con trai Aleksandr, 35 tuổi, công dân Nga. Alkesandr đã đăng ký một công ty dịch vụ quốc phòng ở Cyprus hoạt động ở lĩnh vực cung cấp thông tin kỹ thuật quân sự các loại theo đơn đặt hàng... Máy bay Su-27KUB cất cánh từ tổ hợp NITKA. Khoảng 10 năm trước, Gennady Ermakov đã đến Trung Quốc. Trong 10 năm sau đó, ông nổi danh là gián điệp công nghiệp tài ba của nước này, khi tiến hành đánh cắp công nghệ quốc phòng trên toàn lãnh thổ Liên Xô trước đây. Theo yêu cầu của Trung Quốc, ông ta lôi kéo các cựu sĩ quan, chuyên gia kỹ thuật quân sự Nga, Ukraine và các nước SNG khác đến Trung Quốc tham dự các hội thảo, hội nghị khoa học dưới vỏ bọc tham quan, du lịch. Thực tế, họ đến Trung Quốc làm tư vấn cho công nghiệp quốc phòng và Quân giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA). Ermakov nhận được khoản hoa hồng lên đến 1.500 USD cho mỗi “du khách” kiểu này. Con trai ông ta, Aleksandr Ermakov, cũng đã nhiều lần đến Trung Quốc gặp đại diện Hải quân Trung Quốc tại các cơ sở hải quân nước này. 6 năm tù và một máy cạo râu Để thực hiện đơn đặt hàng mới của Trung Quốc, Ermakov cha đã làm quen, móc nối với một sĩ quan đang làm việc tại NITKA và ra giá 300.000 USD. Viên sĩ quan này giả vờ nhận lời làm ăn với Ermakov, nhưng sau đó lập tức báo cho phản gián Ukraine. Công việc còn lại chỉ mang tính "kỹ thuật". Aleksandr đã bị SBU bắt quả tang khi mưu toan chuyển giao tài liệu mật cho phía Trung Quốc tại một phòng khách sạn ở Saki. Theo SBU, cha con Ermakov dự định giao cho phía Trung Quốc 1.500 trang tài liệu cỡ А4, các sơ đồ, bản vẽ với giá tròn 1 triệu USD. Tại tòa, các chuyên gia SBU đánh giá số tài liệu mật này nếu bị rò rỉ có thể làm tổn thất hàng trăm triệu USD cho Ukraine. Trước chứng cứ không thể chối cãi, Aleksandr đã phải nhận tội. Khi biết vụ việc đổ bể, Ermakov cha đã nhanh chân chuồn mất. Máy bay Nga luyện tập tại NITKA. Tháng 7/2010, tòa án Crimea đã kết án Aleksandr Ermakov 8 năm tù vì tội làm gián điệp cho Trung Quốc chống lại lợi ích của Ukraine. Nhưng đầu năm 2011, Tòa án Tối cao Ukraine đã xem xét lại bản án và giảm án xuống còn 6 năm tù. Còn vị sĩ quan hải quân Ukraine có công tố giác tội phạm được Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine thưởng cho một máy cạo râu hiệu Kharkov và tiếp tục làm việc tại trung tâm NITKA. Vụ án cha con Ermakov không phải là vụ đầu tiên xét xử gián điệp Trung Quốc. Năm 2010, Tòa phúc thẩm tỉnh Zhitomir, Ukraine đã kết án tội phản bội tổ quốc dưới hình thức làm gián điệp cho Trung Quốc các công dân tỉnh Zaporozhie: Trung tá dự bị Igor Manzhos 11 năm tù, và Natalia, vợ ông ta, 10 năm tù, Vadim Kovalchuk 7 năm tù. Họ cũng thu thập tin tình báo về tổ hợp NITKA. Trước đó, vì tội làm gián điệp và đánh cắp bí mật nhà nước, Thượng tá quân đội Trung Quốc Yao Tziu-niu đã bị Tòa phúc thẩm quân sự Khu vực Trung tâm Ukraine kết án 5 năm tù. Sau đó, Yao Tziu-niu được miễn chấp hành hình phạt và bị trục xuất. Như mọi khi, chính quyền Trung Quốc và đại sứ quán Trung Quốc tại Kiev không bình luận những thất bại của tình báo và điệp viên của họ. Bất chấp những thất bại này, họ vẫn tiếp tục kiên trì đi đến mục đích đã định. Hiện tại, Trung Quốc đã xây dựng các trung tâm huấn luyện phi công tàu sân bay tại các tỉnh Liêu Ninh và Thiểm Tây. Cơ sở ở Liêu Ninh có những đặc điểm giống với NITKA ở Ukraine. NITKA được xây dựng trong thập niên 1970 - 1980 tại sân bay Novofedorovka, gần Saki, Crimea. Tổ hợp dùng để huấn luyện cất - hạ cánh cho phi công lái Su-25, Su-27К, Su-33. Đây là tổ hợp duy nhất ở Liên Xô mô phỏng đầy đủ một boong tàu sân bay “Đô đốc hạm đội Liên Xô Kuznetsov” với cầu bật và các cáp hãm đà. Sau khi Liên Xô sụp đổ, NITKA thuộc về Ukraine, dù nước này không có máy bay trên hạm. Các tổ hợp tương tự, chỉ có ở Mỹ và Tây Ban Nha, có tầm quan trọng sống còn đối với các quốc gia có tàu sân bay với mặt boong có cầu bật để máy bay cất cánh. Các phi công Hạm đội Biển Bắc của Nga hằng năm buộc phải đến đây luyện tập. NITKA là một đơn vị thuộc Hải quân Ukraine, có chế độ bảo mật nghiêm ngặt. Tài liệu về NITKA thuộc loại tuyệt mật. Mùa thu năm 2009, Ukraine công bố ý định cho Trung Quốc thuê NITKA. Trong chuyến thăm Ukraine tháng 4/2011 của Bộ trưởng Quốc phòng Nga, có tin Ukraine và Nga dự định thành lập liên doanh khai thác NITKA. [BDV news] |
Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011
>> Cơ quan tình báo đầu não Trung Quốc (kỳ 2)
Một trong những khu vực mà tình báo Trung Quốc thường xuyên dòm ngó là thung lũng Silicon - nơi tập trung công nghệ kỹ thuật tiên tiến của nước Mỹ. Hoạt động của MSS Một trong những hoạt động chủ đạo của MSS là nhắm tới việc đánh cắp công nghệ kỹ thuật cao của nước ngoài. MSS hay “tìm tới” khu vực tập trung công nghệ kỹ thuật cao ở Nam California và thung lũng Silicon của nước Mỹ. Theo số liệu từ năm 1997, tại Mỹ có 1.500 nhà ngoại giao Trung Quốc làm việc ở 70 văn phòng, 15.000 sinh viên Trung Quốc tới Mỹ học hàng năm và 10.000 khách du lịch tới thăm. Trong những năm gần đây, điệp viên Trung Quốc hoạt động mạnh ở thung lũng Silicon. Ngày nay, con số này có thể vượt hơn rất nhiều. Những người làm việc cho cơ quan tình báo Trung Quốc cũng có thể là những người Trung Quốc dưới vỏ bọc ngoại giao, hoặc Hoa kiều hoặc người Mỹ được tuyển mộ. Đầu năm 2011, Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI đã bắt giữ một Hoa Kiều tên Lưu Tây Hưng làm việc tại một công ty công nghệ ơ New Jersey (Mỹ) vì bị tình nghi đã xuất khẩu thông tin về bí mật quân sự nhạy cảm cho Trung Quốc. Không chỉ có Mỹ là nạn nhân của gián điệp Trung Quốc, mà ngay cả Nga cũng đau đầu với việc này. Có lẽ mục tiêu mà Trung Quốc nhắm tới là công nghệ quốc phòng tiên tiến của Nga. Hầu hết các loại vũ khí Trung Quốc hiện tại đều có hình dáng tương tự vũ khí Nga. Ngoài kỹ thuật cao, tình báo Trung Quốc cón dính líu tới lĩnh vực chính trị. Bằng chứng rõ ràng nhất là đầu năm 1991, ở Mỹ diễn ra chiến dịch tranh cử tổng thống. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và cơ quan an ninh quốc gia (National Security Agency – NSA) đã phát hiện những bằng chứng cho thấy cứ sự giúp đỡ đóng góp tài chính của Trung Quốc cho chiến dịch tranh cử của Đảng Dân Chủ. Hệ thống tổ chức MSS (tiếp theo) - Cục 4 (công nghệ) Cục 4 chịu trách nhiệm nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật thu thập thông tin tình báo và chống gián điệp, bao gồm các kỹ thuật: theo dõi, nghe trộm, chụp ảnh, ghi âm, liên lạc và truyền tin. - Cục 5 (tình báo địa phương) Cục 5 chịu trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp công việc với các sở, văn phòng của Bộ an ninh quốc gia (MSS) ở cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. - Cục 6 (chống gián điệp) Nhiệm vụ chính của cục 6 là chống lại các tổ chức đòi tự do dân chủ cho Trung Quốc lưu vong ở nước ngoài. Mục tiêu “ưu tiên” của cục là các tập đoàn phương tây đầu tư vào Trung Quốc được cho là có những nỗ lực tạo “Diễn biến hòa bình” ở Trung Quốc. Hoặc các tổ chức đòi tự do dân chủ cho Trung Quốc ở nước ngoài bị nghi ngờ đã gửi “nhà đầu tư” tới Trung Quốc để hoạt động chống lại nhà nước. Tuy nhiên, các hoạt động này đang giảm theo thời gian do thiếu bằng chứng và gây ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư. - Cục 7 (lưu hành) Trách nhiệm cục 7 là kiểm tra, xác minh, chuẩn bị và viết các bản báo cáo tình báo và báo cáo phân loại đặc biệt trên cơ sở thông tin thu thập từ các nguồn công khai hoặc bí mật. - Cục 8 (Viện quan hệ quốc tế đương đại) Cục 8 là một trong những viện nghiên cứu quan hệ quốc tế lớn nhất với số lượng nhân viên lên tới 500 người. Cục được phân thành 10 phòng nghiên cứu chuyên quan hệ quốc tế nói chung, kinh tế thế giới, Mỹ, Nga, Đông Âu, Tây âu, Trung Đông, Nhật Bản, Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latin. - Cục 9 (chống đào ngũ và chống giám sát) Cục 9 chịu trách nhiệm đối phó với các nỗ lực của cơ quan tình báo nước ngoài nhằm tuyển mộ nhân viên làm việc cho MSS và các cán bộ cơ quan Trung Quốc ở nước ngoài. Cơ quan này còn tham gia các hoạt động chống việc theo dõi, nghe lén và xâm nhập của tình báo nước ngoài nhắm vào lãnh sự quán Trung Quốc. Bảo tàng tình báo Trung Quốc - nơi trưng bày nhiều phương tiện kỹ thuật sử dụng trong các hoạt động của MSS. Ngoài ra, trong cục còn bao gồm cả bộ phận sinh viên chuyên làm công việc “chống đào ngũ” trong cộng đồng sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài, ngăn chặn tình báo nước ngoài tuyển dụng sinh viên Trung Quốc gia nhập tổ chức đòi tự do dân chủ. - Cục 10 (thông tin khoa học và công nghệ) Cục 10 là nơi thu thập tất cả thông tin tình báo liên quan lĩnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ. Đây là sự thay đổi của MSS so với CID (cơ quan điều tra trung ương) chỉ chuyên về tin tức chính trị. - Cục 11 (tác chiến điện tử) Cục 11 chịu trách nhiệm phân tích tất cả thông tin tình báo thu thập được với máy tính điện tử và vận hành mạng máy tính của Bộ an ninh quốc gia. Đơn vịnày thu thập thông tin trên hệ thống điện tử tiên tiến từ phương Tây, và bảo vệ hệ thống thông tin mật của Trung Quốc trước các cuộc tấn công từ cơ quan tình báo nước ngoài. - Cục đối ngoại Cục đối ngoại có vai trò phát triển mối quan hệ với cơ quan tình báo nước ngoài. Khi MSS còn chưa được thành lập thì cục đối ngoại đã hoạt động rất tích cực. Những năm 1960, cơ quan tình báo Trung Quốc và Pakistan hợp tác chặt chẽ trong trao đổi công nghệ vũ khí hạt nhân và Trung Quốc hỗ trợ Pakistan trong chiến tranh chống Ấn Độ. Đối với khu vực Arab, dù Trung Quốc công khai chính thức hỗ trợ nhưng thực tế họ vẫn duy trì mối quan hệ bí mật với Israel. Israel đã cung cấp cho Trung Quốc nhiều công nghệ quân sự phương tây. Điển hình là sự liên quan của Israel tới chiến đấu cơ đa năng thế hệ mới J-10 của Trung Quốc (hình dáng J-10 rất giống với dự án IAI Lavi của Israel). Giai đoạn 1970-1980, khi Trung Quốc và Mỹ “bắt tay nhau” chống Liên Xô thì chính quyền Trung Quốc đã cho phép Mỹ thiết lập một số trung tâm tình báo gần biên giới Trung – Xô. Bộ an ninh quốc gia (MSS) còn có một số cục khác như: Cơ quan tổng cục (General Office), Cục chính trị (Political Department), Cục đào tạo và con người (Personnel and Education Bureau), Cục kiểm toán và giám sát (Supervision and Auditing Bureau), Đảng ủy (Party Committee)... [BDV news] |
Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011
>> Cơ quan tình báo đầu não Trung Quốc (kỳ 1)
Bộ An ninh quốc gia (Ministry of State Security – MSS) là cơ quan tình báo "đầu sỏ" lớn nhất của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Cội nguồn của MSS Tiền thân của Bộ an ninh quốc gia (MSS) là Văn phòng trung ương các vấn đề xã hội (Central Department of Social Affairs – CDSA) – “con mắt” của Đảng Cộng Sản Trung Quốc trước năm 1949. CDSA cung cấp cho các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc thông tin về tình hình thế giới, các sự kiện lớn và các vấn đề đang diễn ra ở nước ngoài. Trong giai đoạn nội chiến Trung Quốc 1946-1949, CDSA đã chứng minh hiệu quả của mình góp phần vào thắng lợi của Đảng Cộng Sản trước Quốc Dân Đảng, dẫn tới sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sau 1949, CDSA được tái tổ chức và một số nhân viên cốt cán của cơ quan này chuyển sang nắm giữ các vị trí mới trong Bộ Công an. Từ đó, CDSA không còn tồn tại mà được tái lập thành cơ quan nằm dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng Sản và mang cái tên mới là Cục điều tra Trung ương (Central Investigation Department - CID). Cuộc Đại Cách mạng Văn hóa vô sản (1966-1976) nổ ra, CID bị phá hủy nặng nề khi hầu hết các lãnh đạo của cơ quan này bị điều về nông thôn để "giáo dục lại". Toàn bộ hoạt động và "tài sản" của CID chuyển cho Cục 2 – cơ quan tình báo Quân đội Trung Quốc quản lý. Văn phòng của Bộ an ninh quốc gia (MSS) và Bộ công an ở Vũ Hán. Sau cái chết của Lâm Bưu vào năm 1971, CID được tái lập. Khi Hoa Quốc Phong và Uông Đông Hưng nắm quyền năm 1976, họ đã tìm cách mở rộng hoạt động của CID, tăng cường thu thập thông tin thông qua các "điệp viên" trong vỏ bọc nhân viên ngoại giao. Tuy nhiên, năm 1977 Đặng Tiểu Bình nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc thì ông đã phản đối việc sử dụng đại sứ quán làm nơi thu thập thông tin tình báo và ủng hộ việc gửi điệp viên ra nước ngoài dưới vỏ bọc phóng viên hoặc doanh nhân. Do đó, CID đã thu hồi các nhân viên của mình ở Đại sứ quán Trung Quốc. Năm 1983, Cục điều tra trung ương (CID) sát nhập vào bộ phận phản gián thuộc Bộ công an cho ra đời Bộ an ninh quốc gia Trung Quốc (Ministry of State Security – MSS). Người lãnh đạo đầu tiên của MSS là ông Lăng Vân (Ling Yun, sinh năm 1917) với nhiệm kỳ khá ngắn chỉ từ tháng 6/1983 tới tháng 9/1985. Năm 1985, chức vụ đầy quyền lực của MSS chuyển sang cho ông Cổ Xuân Vượng (Jia Chunwang) lãnh đạo MSS lâu nhất từ năm 1985 tới 1998. Lãnh đạo hiện tại của MSS là ông Cảnh Huệ Xương (Geng Huichang). Hệ thống tổ chức MSS Bộ an ninh quốc gia Trung Quốc (MSS) được tổ chức thành nhiều cục, mỗi đơn vị được giao phó các nhiệm vụ khác nhau: - Cục 1 (nội địa) Cục này có nhiệm vụ tuyển mộ nhân viên làm việc cho MSS. Những người được tuyển chọn sẽ được đào tạo và đưa ra nước ngoài dưới vỏ bọc: sinh viên du học, doanh nhân, du lịch, định cư hoặc các mục đích khác. Nếu các nhân viên gặp khó khăn với các thủ tục xuất cảnh thì cục sẽ xúc tiến giải quyết các vấn đề đó. Đối với những người đi "du lịch" thì họ sẽ trả tiền cho các thông tin tình báo thu thập được. Cục 1 còn có trách nhiệm tiếp nhận những điệp viên Trung Quốc từ nước ngoài trở về theo thời gian nhất định để nghỉ ngơi du lịch, chữa bệnh hoặc các lý do khác. Để đảm bao danh tính cho những người này thì họ sẽ được bố trí đi qua một quốc gia thứ ba. Trước đây, các điệp viên thường về Hong Kong dùng giấy phép về thăm nhà để tránh chỉ ra rằng họ đã nhập cảnh Trung Quốc. MSS đã xây dựng nhiều nhà nghỉ đặc biệt nằm ở vùng ngoại ô Bắc Kinh dành cho các “vị khách về thăm quê hương”. - Cục 2 (đối ngoại) Cục này chịu trách nhiệm hoạt động thu thập thông tin tình báo ở nước ngoài. Đây cũng là đơn vị cung cấp bản phân tích báo cáo cho các cấp tình báo cao hơn dựa theo thông tin thu nhập được từ điệp viên. Lãnh sự quán Trung Quốc tại thủ đô Washington (Mỹ). Trong hoạt động, cục 2 gửi điệp viên được đào tạo ra nước ngoài dưới lớp vỏ bọc nhân viên công ty thương mại, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải biển.... Hoặc họ có thể sử dụng Đại sứ quán Trung Quốc để che chở các điệp viên dưới lốt nhà ngoại giao. Bên cạnh việc gửi điệp viên ra nước ngoài, cục 2 còn làm công tác tuyển mộ người nước ngoài làm gián điệp cho tình báo Trung Quốc. Trong số đó, có những người làm việc với cục trong nhiều năm liên tục nhưng có một số chỉ được sử dụng khi cần thiết. - Cục 3 (phụ trách Hong Kong, Macao và Đài Loan) Cục 3 phụ trách hoạt động tình báo ở Hong Kong, Macao và Đài Loan, đồng thời tuyển mộ nhân viên có mối quan hệ ở các vùng lãnh thổ này. Cục cũng sẽ tiếp nhận các điệp viên Trung Quốc hoạt động ở các vùng này khi họ trở về để báo cáo, nhận nhiệm vụ hoặc đi du lịch. Cục tiếp nhận thông tin từ các điệp viên ở từng khu vực sau đó phân tích và chuyển lên cho các cấp lãnh đạo cao hơn. Một số điệp viên gửi tới 3 nơi này từ trước năm 1949 nhưng hầu hết những người trong lực lượng mới được tung vào. Trong khi một số ẩn nấp dưới danh nghĩa doanh nhân thì một số “nằm” trong các cơ quan Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ví dụ như, ở trong các phân xã của Tân Hoa Xã ở Hong Kong và Macao hoặc văn phòng của Đại Công báo và Wen Wei báo ở Hongkong. Trong số các điệp viên được gửi tới đây thì chỉ có một số ít hoạt động lâu dài còn lại cứ vài năm thay một lần. Bộ an ninh quốc gia (MSS) đặc biệt tăng cường hoạt động tại Hong Kong kể từ khi nơi này trở về Trung Quốc năm 1997. [BDV news] |
Nhãn:
Bộ An ninh quốc gia,
Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ,
Đảng Cộng sản Trung Quốc,
Đặng Tiểu Bình,
Thủ đô Washington,
Tình báo Trung Quốc,
Tổ chức MSS
Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011
>> Tình báo Trung Quốc ve vãn Cuba
Rút khỏi căn cứ do thám điện tử Lourdes, Nga mất trắng hơn 3 tỷ USD, để tình báo Trung Quốc lập tức thế chân. “Cuba - tình yêu của tôi”. Đây là bài hát từng thịnh hành ở Liên Xô. Mặc dù hồi đó ít ai có dịp được đến Hòn đảo Tự do. Tôi và Oleg Ivanov có may mắn, ban đầu là học cùng với các sinh viên Cuba, sau đó là làm việc ở La Havana và các thành phố khác trong các chuyến công tác. Mới đây, các bạn Cuba lại khiến tôi nhớ đến họ. Lời chào của “anh chàng lai Nga” Tiếng chuông điện thoại vang lên lúc 5 giờ sáng: - Xin chào, Oleg đây. Hãy đến ngay sân bay Sheremetievo. Có người gửi rượu rum cho anh từ Cuba cho cái món cocktail Mojito ưa thích của anh đấy. Tôi nhân tiện sẽ kể cho anh về chuyến đi tới La Havana. Tôi còn đúng 4 giờ nữa thì bay đi St. Petersburg. Thật may là sáng sớm trên đại lộ Leningrad còn chưa có kẹt xe. Một giờ sau, tôi đã cùng Oleg Ivanov uống cà phê tại sân bay, nhớ về Cuba và bạn bè thời trẻ. - Cậu còn nhớ tay Raul ở khoa đặc biệt không? Nay anh ta là cán bộ nhớn trong Tổng cục Tình báo Cuba DGI rồi. Khi chính tôi làm quen nhau, Raul (không phải em của Fidel Castro đâu), mới chỉ là trung úy Tổng cục Tình báo Cuba. Trong 4 năm học ở Liên Xô, anh ấy đã thông thạo ngôn ngữ của Pushkin. Vì thế, chúng tôi đặt biệt danh cho anh ta là “anh chàng lai Nga”. Lớp học quyền Anh đã giúp chúng tôi gần gũi nhau. “Anh chàng lai Nga” Raul có cú đấm gần như anh chàng võ sĩ đồng hương nổi danh Stevenson. Tôi và Oleg lần đầu tiên bị nếm đòn knocked-out là bởi Raul. Nhưng trong những năm ấy, chúng tôi đã trở thành bạn bè nối khố. Thời Liên Xô, không phải ngẫu nhiên người Cuba được coi là đồng minh tốt nhất của Liên Xô. Những người đã cùng họ chiến đấu ở Angola hay Mozambique có thể khẳng định điều đó. Còn các cán bộ tình báo Cuba được coi như những con người gang thép vì lòng dũng cảm và kiên cường. Trung tướng Cục Tình báo đối ngoại Nga Nikolai Leonov, người bạn của Che Guavara, đánh giá ấy về họ như vậy. Điều không còn là bí mật nữa là việc sau cách mạng, chính tình báo Liên Xô đã giúp thành lập các cơ quan đặc vụ của Hòn đảo tự do. Hồi đó, các cán bộ tình báo Cuba nhìn thế giới bên ngoài bằng con mắt của các ông thầy Xô-viết. Món quà tuyệt mật dành cho ông Bush Oleg chia sẻ cảm tưởng từ chuyến đi Cuba. Nhân dân ở đó sống còn nghèo, nhưng vui vẻ. Đối với người Nga tình cảm vẫn rất nồng hậu. Với những người bên quân đội thì hơi có chút bực mình. Họ nói rằng, những người cầm quyền của các anh đã thông đồng với bọn Mỹ, bỏ rơi chúng tôi đúng vào lúc khó khăn nhất. Và lập tức trong câu chuyện xuất hiện đề tài Trung tâm do thám điện tử của Nga ở Lourdes. Trước khi đóng cửa căn cứ quân sự chiến lược nằm sát bờ biển Mỹ này, tình báo Cuba đã nhận được từ phía Nga toàn bộ thông tin liên quan đến an ninh của đất nước họ. Và phía Liên Xô/Nga dĩ nhiên cũng chẳng bị thiệt gì. Theo đánh giá của Raul Castro, Trung tâm do thám điện tử đã bảo đảm cung cấp cho Nga tới 70% toàn bộ thông tin tình báo về Mỹ. Trung tâm ở Lourdes là một mỏ vàng tin tình báo thực sự, nhất là về khoa học kỹ thuật. Các chuyên gia khẳng định, tình báo điện tử là phương thức tình báo công nghiệp có lợi nhất. Một đồng rúp bỏ ra cho tình báo điện tử mang lại 20 rúp lợi nhuận. Nhưng giới cầm quyền Nga đã quyết định tiết kiệm nên tự tay đập chết “con gà” đẻ “những quả trứng vàng tình báo”. Thời đó, tôi đã có dịp phỏng vấn Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Anatoly Kvashnin. Ông ấy khi đó đã mạnh mẽ trấn an là nguy cơ đối với nước Nga đến từ hướng Nam. Còn Mỹ đang trở thành gần như bạn bè và đồng minh của chúng ta. Bởi vậy, cần có các vệ tinh để theo dõi bọn khủng bố. Và mua khoảng 100 radar hiện đại và 20 khí cụ bay vũ trụ còn hơn là duy trì một căn cứ ở Cuba. Họ nói số tiền thuê căn cứ tiết kiệm được hàng năm là 200 triệu USD. Số tiền này sẽ được chi cho mua sắm vũ khí trang bị mới. Ông đại tướng này mới vờ vĩnh làm sao! Có lẽ ông ấy thừa biết là sẽ không có một xu trong số tiền đó được chuyển cho quân đội. Chi phí thuê Trung tâm do thám được tính toán theo hệ thống đối đẳng. Khi Nga tăng gấp 3 lần giá dầu mỏ cung cấp cho Cuba, người Cuba tăng giá thuê căn cứ từ 160 triệu USD lên 200 triệu USD. Thời Liên Xô, họ không đòi một xu cho Trung tâm ở Lourdes. Thông tin nói là trang bị kỹ thuật của Trung tâm do thám ở Cuba đã lạc hậu cũng là nói láo. Người ta nói là do Lầu Năm góc, CIA và các bộ ngành khác của Mỹ chuyển sang các hình thức thông tin liên lạc số nên bản thân sự tồn tại của Trung tâm do thám ở Cuba mất hết ý nghĩa thực tiễn. Bởi vì, trang thiết bị điện tử của Tổng cục Tình báo - Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga GRU chỉ có thể chặn thu các điện tín dạng tương tự, chứ không đủ sức giải mã điện tín kỹ thuật số. Là người từng phục vụ ở Lourde, Oleg chỉ cười cay đắng: - Năm 1997 hoàn thành việc hiện đại hóa Trung tâm. Các trang thiết bị cực kỳ độc dáo và siêu đắt tiền đã được đưa tới. Và bằng các thiết bị đó, chúng tôi đã “nhai” các loại thông tin số này như nhai kẹo. Tôi vẫn nhớ người ta cười cợt với báo cáo của Cục An ninh quốc gia Mỹ NSA, trong đó báo cáo với Quốc hội Mỹ rằng, người Nga chi cho Lourdes hơn 30 tỷ USD. Đó là họ tính theo cách của họ. Rõ ràng là họ thêm một con số 0. Tuy nhiên, 3 tỷ USD đó cũng không phải rơi mất dọc đường. Mà đó là cái giá của món quà tuyệt mật dành cho Tổng thống Mỹ Bush trước cuộc gặp Tổng thống Nga. Tổng cục Tình báo Cuba DGI (Dirección General de Inteligencia) chịu trách nhiệm về hoạt động tình báo đối ngoại. DGI được thành lập vào cuối năm 1961. Hiện nay, DGI bao gồm 6 cục, chia làm 2 loại các cục hoạt động và các cục bảo đảm. Các cục hoạt động gồm: Cục tình báo chính trị-kinh tế, Cục phản gián đối ngoại, Cục tình báo quân sự. Các cục bảo đảm gồm: Cục bảo đảm kỹ thuật, Cục thông tin và Cục huấn luyện. Cục chính trị-kinh tế bao gồm 4 phòng: Đông Âu, Bắc Mỹ, Tây Âu và Á-Phi-Mỹ Latinh. Cục phản gián đối ngoại theo dõi hoạt động của các cơ quan tình báo nước ngoài. Cục tình báo quân sự điều phối việc trao đổi thông tin về quân đội Mỹ và thông tin tình báo điện tử với trung tâm tình báo Trung Quốc ở Cuba. (Cục phản gián quân sự tiến hành hoạt động phản gián, tình báo điện tử và tác chiến điện tử với Mỹ). Cục bảo đảm kỹ thuật phụ trách làm giấy tờ giả, duy trì và phát triển các hệ thống liên lạc với mạng lưới điệp viên. Các cục thông tin và huấn luyện làm nhiệm vụ phân tích tin tức tình báo. Luôn có kẻ sẵn sàng thế chỗ Chỉ còn nửa tiếng là Oleg phải lên máy bay. Không kìm được, tôi hỏi: - Thế căn nhà tranh (tức Trung tâm do thám Lourdes) của chúng ta bây giờ thế nào? Hay là đám người Tàu cũng mò vào Lourdes rồi? - Tôi không biết. Raul nói tôi đừng đến đó để thêm một lần thất vọng. Còn trung tâm do thám điện tử của tình báo Trung Quốc thì đã xuất hiện ở Cuba còn trước khi Nga rút đi. Ở Lourdes họ chẳng có gì mà làm. Hiện nay, họ đang khai phá cái vịnh xế về phía nam. Trước đây, ở đó là trạm bảo dưỡng kỹ thuật của Hải quân Liên Xô. Tàu bè Liên Xô neo đậu, thủy thủ tắm táp, nghỉ ngơi ở đó. Một địa điểm tuyệt vời! Nghe nói, tại vịnh đó người ta sẽ làm mọi thứ cần thiết để tàu sân bay Trung Quốc ghé vào. - Tàu sân bay Varyag cũ của chúng ta mang cờ đỏ Trung Quốc trong trạm bảo dưỡng kỹ thuật hải quân của chúng ta ở Cuba… - Ở Cuba, người ta đã quen với sự xuất hiện của những con tàu mang cờ đỏ rồi, Oleg nói. Ngay cả “anh chàng lai Nga” Raul cũng cho rằng, chính Trung Quốc là người thừa kế tất cả những gì tốt đẹp nhất từng có ở Liên Xô. Nhưng tạm thời thì dù họ có liếc mắt tống tình, thăm dò người Trung Quốc, nhưng ta thấy là họ vẫn chưa quên những người bạn Nga. Ý kiến chuyên gia Thượng tướng dự bị Leonid Ivashov, Chủ tịch Viện Hàn lâm các vấn đề địa chính trị, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Hợp tác quân sự quốc tế, Bộ Quốc phòng Nga. - Thưa ông Leonid Grigorievich, Nga đã mất gì khi rời khỏi Cuba? - Rất nhiều. Nhưng tôi chỉ nêu 3 vấn đề. Trước hết là giới tinh hoa của chúng ta đánh mất sự tin tưởng chính trị. Không chỉ của chính phủ, nhân dân Cuba, mà cả của các nước khác. Những hành vi như thế chẳng làm đẹp mặt cho ai trên thế giới này. Không phải vô lý mà Fidel Castro đã thẳng thửng gọi đó là sự phản bội. - Khía cạnh đầu tiên ông nêu lên là chính trị. Thế còn vấn đề thứ hai? - Tổn thất thứ hai có tính quân sự thuần túy. Trung tâm do thám điện tử này chỉ cách Mỹ có 90 hải lý, là thành phần chủ yếu của hệ thống báo động sớm tấn công tên lửa hạt nhân. Ở đó, chúng ta đã nghiên cứu, tìm ra những phương pháp độc đáo mà không ai trên thế giới này có được. Với việc đóng cưa Trung tâm này, an ninh đất nước đã chịu một tổn thất nặng nề. - Có thực là chỉ việc hiện đại hóa hoàn thành năm 1997 đối với Trung tâm do thám điện tử của Nga đã tốn hơn 3 tỷ USD? - Về mặt chính thức, Trung tâm ở Lourde trực thuộc Tổng cục Hợp tác quân sự quốc tế mà tôi là người đứng đầu hồi đó. Bởi vậy, vì lý do bảo mật, dù là hiện nay tôi cũng không thể nêu con số chính xác mất mát của chúng ta. Nhưng hãy tin là con số ấy là rất lớn. Bởi lẽ, không ít máy móc cho Lourdes sản xuất ra gần như độc bản. Không thể ứng dụng những trang thiết bị tinh vi này ở những nơi khác. Hơn nữa, chúng ta cũng chẳng có những trung tâm điện tử nào như thế nữa. Kết quả là nhiều máy móc đắt tiền bị loại bỏ và bán làm sắt vụn. Cũng có cái nằm vô dụng trong kho cả chục năm. Bởi vậy, tổn thất thứ ba của việc chúng ta rút khỏi Cuba có tính kinh tế thuần túy. Chúng ta đã muốn tiết kiệm tiền thuê căn cứ, nhưng lại mất nhiều lần hơn khi rút bỏ Trung tâm do thám điện tử. [Vietnamdefence news] |
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)
Chuyên mục Quân Sự
Hải quân Trung Quốc
(263)
Hải quân Mỹ
(174)
Hải quân Việt Nam
(171)
Hải quân Nga
(113)
Không quân Mỹ
(94)
Phân tích quân sự
(91)
Không quân Nga
(83)
Hải quân Ấn Độ
(54)
Không quân Trung Quốc
(53)
Xung đột biển Đông
(50)
Không quân Việt Nam
(44)
tàu ngầm
(42)
Hải quân Nhật
(33)
Không quân Ấn Độ
(16)
Tàu ngầm hạt nhân
(15)
Hải quân Singapore
(12)
Xung đột Iran - Israel
(12)
Không quân Đài Loan
(9)
Siêu tên lửa
(8)
Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
(7)
Tranh chấp biển Đông
(7)
Xung đột Trung - Mỹ
(4)
Xung đột Việt-Trung
(2)