Tin Quân Sự - Blog tin tức Quân sự Việt Nam: quân cảng Cam Ranh

Paracel Islands & Spratly Islands Belong to Viet Nam !

Quần Đảo Hoàng Sa - Quần Đảo Trường Sa Thuộc Về Việt Nam !

Hiển thị các bài đăng có nhãn quân cảng Cam Ranh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn quân cảng Cam Ranh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

>> Quân cảng Cam Ranh - Quân át chủ bài của Việt Nam

Sau chuyến thăm cảng Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, cảng Cam Ranh vốn đã không chỉ một lần trở thành phần thưởng trong cuộc tranh đấu giữa các đại cường một lần nữa lại nằm trong trường nhìn của chúng ta.

>> Quân cảng Cam Ranh, điều ít biết



Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com

Nhiều dấu hiệu chỉ ra rằng, ở hiệp đấu này của ván cờ lớn giữa Nga và Mỹ, người chiến thắng tạm thời là Nga, quốc gia đang nỗ lực đáng kể để xúc tiến lợi ích của mình trong khu vực.

Tuy nhiên, liệu nước Mỹ có từ bỏ mộng báo thù? Xuất phát từ những lợi ích quan trọng sống còn của mình, Việt Nam sẽ ứng xử thế nào? Cuối cùng, khi ầm ĩ lắng xuống, tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến an ninh của Trung Quốc?


Mỹ sẽ thực hiện những hành động ráo riết nhất để giành lấy Cam Ranh

Trên khắp châu Á và cả thế giới này, thật khó tìm được một hải cảng như Cam Ranh: trong vẻn vẹn chưa đầy 100 năm, vịnh này đã kịp nằm trong tay cả người Mỹ, cả trong tay Liên Xô. Trong thập kỷ 1960-1970, trong thời gian chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, đây là căn cứ hậu cần lớn nhất của Mỹ trong khu vực; khi người Mỹ rút quân, tại đây cũng đã thiết lập căn cứ hải quân lớn nhất của Liên Xô. Vậy đây là hải cảng như thế nào? Tại sao nó lại có tầm quan trọng như thế?

Chúng ta hãy nhìn lên vị trí địa lý của căn cứ này. Nó nằm ở bờ biển đông nam của Việt Nam, ở chót của doi đất nhô ra Biển Đông. Ngay đối diện, đằng sau nhiều kilômet không gian biển là vịnh Subic của Philippines. Từ Cam Ranh có thể với tay là tới cả eo biển Luzon lẫn eo biển Malacca, hải cảng này nằm trên tuyến đường biển Hongkong-Singapore.

Vịnh Cam Ranh được hai bán đảo bao bọc từ hai mặt, tạo ra một vũng tàu trong và một vũng tàu ngoài tiện lợi. Vũng trong được che chắn tốt cả với gió biển lẫn những con mắt người ngoài. Các hòn đảo nằm ở phần ngoài của vũng như đảo Bình Ba tạo ra vật che chắn tiện lợi, tạo điều kiện cho phòng thủ. Ngay từ thời còn quân Mỹ đồn trú, ở Cam Ranh đã xây dựng một sân bay và một hải cảng hiện đại. Quân đội Liên Xô có mặt ở đây sau đó còn hoàn thiện hơn nữa toàn bộ cơ sở hạ tầng địa phương, biến Cam Ranh trở thành hẳn một cảng lớn có khả năng tiếp nhận cùng lúc hơn 100 quân hạm có lượng giãn nước gần 10.000 tấn, cũng như các tàu sân bay.

Liên quan đến Nga, mong muốn trở lại Cam Ranh được giải thích bởi một số lý do. Một là, Moskva cần trở lại Ấn Độ Dương và châu Á-Thái Bình Dương càng nhanh càng tốt để lấy lại cho mình vinh quang quá khứ khi một lần nữa trở thành cường quốc biển đích thức ở nghĩa đầy đủ của từ này.

Vị trí chiến lược của Cam Ranh và hạ tầng hoàn chỉnh có thể là sự hỗ trợ lớn cho nước Nga khi cho phép Nga bảo vệ các lợi ích địa-chiến lược của mình ở toàn vùng Đông Nam Á. Nếu như Nga thực sự khôi phục được căn cứ hải quân của mình ở đây thì đây sẽ là bước tiến quan trọng nhất trên hướng này.

Hai là, việc triển khai một đồn binh Nga tại Cam Ranh sẽ cho phép Nga hạn chế ảnh hưởng của Mỹ ở Nam Á. Điều chẳng còn là bí mật với ai là đa số các nước ở Đông Nam Á nghiêng về Mỹ và thiết lập sự hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong lĩnh vực quân sự. Tuy nhiên, bởi lẽ mũi nhọn của chính trị Mỹ vẫn hướng đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực sẽ chỉ có tăng lên. Bởi vậy, Moskva cho rằng, chỉ với điều kiện Nga có chỗ đứng vững chắc ở vịnh Cam Ranh, họ sẽ có lực lượng và khả năng đối kháng với Mỹ ở khu vực này.

Ba là, Nga hy vọng bằng cách trở lại Cam Ranh tạo ra cú hích mới cho sự hợp tác giữa Moskva và Hà Nội trong lĩnh vực quân sự, điều đặc biệt quan trọng nếu lưu ý đến tiềm năng hợp tác to lớn trong lĩnh vực mua bán vũ khí. Quy mô mua bán vũ khí giữa Nga và Việt Nam sẽ chỉ có tăng; có thể, trong tương lai, Việt Nam thậm chí sẽ là khách hàng lớn thứ hai của công nghiệp quốc phòng Nga, sau Ấn Độ.

Nếu nói về chuyện tại sao Mỹ muốn quay lại Cam Ranh, thì ở đây, mọi thứ còn đơn giản và rõ ràng hơn nữa. Như vậy, Mỹ sẽ không chỉ gia tăng sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực, mà còn có được khả năng kiềm chế sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Một số chuyên gia trong lĩnh vực quân sự thậm chí tuyên bố rằng, toàn bộ thực chất của việc triển khai đồn binh Mỹ ở Cam Ranh chính là bảo vệ lợi ích của Mỹ ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Chúng ta hãy nhìn lên bản đồ. Các căn cứ quân sự Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản và Pusan, Hàn Quốc hay ở Singapore - tất cả chúng cung cấp cho Mỹ đường tiếp cận đến “các điểm nóng” ở Biển Đông, cho phép cầm giữ cả khu vực trong một nắm đấm. Tuy nhiên, Cam Ranh còn cho phép làm được nhiều hơn thế: nắm giữ căn cứ ở đây, bạn sẽ kiểm soát được tuyến đường biển then chốt nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Nếu người Mỹ giành được Cam Ranh, thì chuỗi căn cứ hải quân của họ đang kiểm soát Thái Bình Dương sẽ còn trở nên hoàn thiện hơn nữa. Bởi vậy, hiện nay, khi mà Mỹ đang khua chiêng gõ mõ om xòm về sự trở lại châu Á của mình, họ không chỉ không thể quên Cam Ranh, mà trái lại họ sẽ thực hiện những hành động ráo riết nhất để giành nó vào tay.

Nếu nói về Việt Nam, thì đối với họ, Cam Ranh là khả năng tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, là đòn bẩy tác động mà nhờ đó Hà Nội có thể bảo vệ lợi ích biển của mình. Hy vọng thu được không ít lợi ích từ liên minh với Nga, Việt Nam đồng thời tích cực ve vãn các cường quốc khác để cố gắng thu được lợi ích tối đa từ việc ký kết liên minh, lẫn từ sự hợp tác trong lĩnh vực quân sự. Theo các thông tin hiện có, trong mấy năm gần đây, với sự trợ giúp của Nga, Việt Nam đã tăng cường đáng kể Hải quân và Không quân của mình; mũi dùi của chiến lược đó hiển nhiên là hướng ra Biển Đông. Trong chỉ vài năm qua, Hà Nội đã nhận được từ Moskva 2 tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard, cũng như mua sắm 1 tiểu đoàn tên lửa bờ biển Bastion trang bị tên lửa Oniks. Chỉ trong một năm 2012, Việt Nam đã mua của Nga tổng cộng 24 máy bay tiêm kích Su-30MKV/Su-30MK2, cũng như 12 tiêm kích Su-27SK/Su-27UBK, trở thành khách hàng mua máy bay Sukhoi lớn nhất trên toàn Đông Nam Á.

Ngoài Nga, Việt Nam còn cật lực ve vãn cả Mỹ. Có tin Washington hiện tại đang suy tính khả năng nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí Mỹ cho Việt Nam. Các nhà phân tích khẳng định rằng, đây không chỉ là chuyện lợi ích từ việc bán vũ khí Mỹ: nên nhớ rằng, đối với nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Obama đã chọn đường lối “trở lại châu Á”, việc có được Cam Ranh có thể là bộ phận quan trọng nhất của chiến lược quốc gia Mỹ.

Đồng thời, tình thế đó mang lại lợi ích không chỉ có lợi cho Mỹ, mà ở ý nghĩa nào đó là lợi cả cho Việt Nam, bởi lẽ, bằng cách đó, Hà Nội có thể bảo đảm an ninh cho Cam Ranh trong bất kỳ cuộc xung đột nào ở Biển Đông.

Điều mà chúng ta có thể tin chắc là bất kể cụ thể là ai sẽ trở lại Cam Ranh, tất cả điều này sẽ chỉ làm phức tạp hơn nữa tình hình xung quanh cuộc tranh chấp ở Biển Đông bởi lẽ số lượng các yếu tố ảnh hưởng đến việc gia quyết định tăng lên chứ chưa nói đến cả cái giá lẫn sự phức tạp của các chiến dịch bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông cũng sẽ tăng lên. Việc đánh giá cả mức độ đe dọa cũng trở nên khó khăn hơn. Tất cả những điều này cần có sự chú ý sát sao nhất từ phía Trung Quốc.


(Nguồn: Wang Bin // Trung Quốc Thanh niên báo, ngày 12.4.2013, inosmi, 16.4.2013.)

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

>> Quân cảng Cam Ranh - Khắc tinh của đường lưỡi bò

Theo chuyên gia Hiroyuki Noguchi của Nhật Bản, với địa thế độc đáo trên “bàn cờ” toàn khu vực Đông Nam Á, vịnh Cam Ranh của Việt Nam có thể là “thanh kiếm sắc” chặn đứng mưu đồ “thò” ra Biển Đông của “đường lưỡi bò” Trung Quốc.

>> Quân cảng Cam Ranh, điều ít biết



Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Toàn cảnh vịnh Cam Ranh.

Trung Quốc từng muốn thuê Cam Ranh

Trong bài viết mới đây trên nhật báo Sankei Express của Nhật Bản, chuyên gia bình luận chính trị Hiroyuki Noguchi đã thẳng thắn vạch ra âm mưu đen tối của Bắc Kinh khi đơn phương vẽ ra cái gọi là “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) bao trùm tới 80% diện tích Biển Đông, bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, để tuyên bố chủ quyền lãnh hải của họ.

“Cái 'lưỡi bò' tham lam ấy muốn liếm sạch tài nguyên biển đi kèm với những tuyên bố chủ quyền đối với nhiều quần đảo trên Biển Đông. Đây rõ ràng là hiện tượng bất bình thường và là hành động trái với lẽ thường bởi không có bất kỳ nước nào chấp nhận hành động này của Bắc Kinh”, chuyên gia Hiroyuki Noguchi viết, “Đáng chú ý là nếu dùng một cái que xiên lưỡi bò này từ đông sang tây, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra Trung Quốc đang có ý đồ nhòm ngó hai quân cảng quan trọng là Cam Ranh của Việt Nam và Subic của Philippines”.

Thực tế là từ giữa những năm 1980 đến nửa đầu những năm 1990, Trung Quốc cũng nhiều lần ngỏ ý muốn thuê vịnh Cam Ranh, thậm chí còn hăm dọa Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam từ chối đề nghị này và tiếp tục cho Liên Xô và sau đó là hạm đội Thái Bình Dương của Nga thuê.

Sự thèm khát của Hải quân Mỹ

Hơn ai hết, người Mỹ rất hiểu sự “đắc địa” của vịnh và quân cảng Cam Ranh bởi trong chiến tranh, họ đã từng đóng quân ở đó và Washington cũng đã rất tích cực “làm lành” với Việt Nam để được trở lại Cam Ranh sớm nhất.

Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Truyền thông Mỹ gọi chuyến thăm cảng Cam Ranh của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hồi năm 2012 là "chuyến thăm lịch sử".

Năm 1995, Việt Nam và Mỹ bình thường hoá quan hệ. Năm 2000, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam. Năm 2003, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam thăm Mỹ và tàu hải quân Mỹ ghé hải cảng Việt Nam. Năm 2005, Thủ tướng Việt Nam thăm Mỹ. Năm 2006, tại cuộc Hội đàm cấp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Việt, hai nước quyết định cử sĩ quan Việt Nam sang học tập tại Mỹ.

>> Cam Ranh – đệ nhất quân cảng

Năm 2007, Mỹ sửa đổi quy chế buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR) cho phép bán vũ khí không gây sát thương cho Việt Nam như radar tuần duyên và máy bay tuần tra trên không. Năm 2009, hai bên đạt thoả thuận sửa chữa tàu chiến của Hải quân Mỹ. Năm 2010, tàu sân bay của Mỹ ghé thăm một hải cảng của Việt Nam và sĩ quan quân đội Việt Nam lên thăm tàu. Năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và một tàu chiến Mỹ đã ghé thăm Cam Ranh… Có thể nói, Cam Ranh đã góp phần cải thiện quan hệ Việt – Mỹ nhanh một cách đáng kinh ngạc.

Năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã nhấn mạnh đến mối quan hệ tốt đẹp Việt - Mỹ trước các tướng lĩnh trên tàu hậu cần của Hải quân Mỹ khi đó đang neo đậu tại vịnh Cam Ranh. Tuyên bố trên của ông Panetta là nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam tuyên bố chính thức mở cửa cảng Cam Ranh cho các tàu quân sự như tàu sân bay và tàu ngầm nước ngoài neo đậu. Năm 2012, Việt Nam cũng cho biết sẽ chấp nhận để tàu chiến Nga neo đậu ở Cam Ranh. Một khi cả Nga và Mỹ đều sửa chữa và tiếp vận ở vịnh Cam Ranh thì hiệu quả kiềm chế Trung Quốc là rất lớn.

Cam Ranh và Subic – 2 cánh kéo trên Biển Đông

Theo “gợi ý” của ông Hiroyuki Noguchi, nếu kết hợp với vịnh Subic của Philippines, Cam Ranh sẽ tạo thành 2 cánh kéo sắc có thể khống chế sự bành trướng của đường lưỡi bò.

Tin Quân Sự - http://nghiadx.blogspot.com
Tàu chiến USS Essex của Mỹ neo đậu tại vịnh Subic của Philippines.

Vịnh Subic từng là căn cứ lớn nhất của Hải quân Mỹ ở châu Á. Năm 1991, Philippines đã quyết định đóng cửa vịnh Subic và nhân cơ hội này, năm 1995, Trung Quốc bắt đầu tăng cường chiến lược bành trướng hải dương với việc cho xây dựng cơ sở quân sự trên đảo Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.

Giật mình trước động thái này của Bắc Kinh, Philippines đã nối lại các cuộc tập trận chung quy mô lớn với Mỹ và hoàn toàn ngả theo Mỹ. Trong năm 2011, Mỹ đã đồng ý viện trợ tăng cường trang bị cho quân đội Philippines. Chính vì thế, Bộ Quốc phòng Philippines đang tỏ ý muốn mời Mỹ nối lại hoạt động của Subic với tư cách một căn cứ quân sự. Manila cũng đang nhất trí với phương án sử dụng vịnh Subic làm nơi neo đậu, tiếp nhiên liệu và sửa chữa tàu của Hải quân Mỹ.

>> Cam Ranh của Việt Nam đang bị bao vây ?

Năm 2010, Việt Nam và Philippines đã ký bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng. Tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 2012, Philippines đã mạnh dạn lên tiếng tố cáo sự bành trướng trên biển của Trung Quốc khi yêu cầu Trung Quốc phải giải thích rõ những căn cứ pháp lý và mốc giới cụ thể của “đường lưỡi bò” đồng thời yêu cầu nước này phải “giải quyết một cách hoà bình” tranh chấp chủ quyền trong khu vực.

“Khi cả Hà Nội và Manila cùng tăng cường thế trận “chung chiến hào” để phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc, các cường quốc ở Thái Bình Dương như Mỹ, Nhật Bản và Australia sẽ phải tính chuyện sử dụng sao cho hiệu quả nhất cả hai quân cảng Cam Ranh và Subic trong thế trận này”, ông Hiroyuki Noguchi kết luận.

(Infonet)

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

>> Cam Ranh của Việt Nam đang bị bao vây ?

Petrovietnam vừa tổ chức họp báo yêu cầu Trung Quốc hủy việc mời thầu sai trái.

>> Trung Quốc - Đã hết thời "giấu mình, chờ đợi"



http://nghiadx.blogspot.com
Bản đồ cho thấy 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Đặc biệt, các lô này "phủ kín" khu vực phía trước Vịnh Cam Ranh, nơi có quân cảng nước sâu chiến lược của Hải quân Nhân dân Việt Nam.


Chiều 27/6, tại Hà Nội, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) Đỗ Văn Hậu đã họp báo về việc Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) công bố mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tại cuộc họp báo, ông Đỗ Văn Hậu thông báo từ ngày 23/6/2012, mạng tiếng Trung và tiếng Anh của CNOOC đã công bố mời thầu 09 lô dầu khí hợp tác thăm dò khai thác trong năm 2012 với các công ty nước ngoài, với tổng diện tích của khu vực này là 160.129,38km 2. Qua kiểm tra tọa độ do phía Trung Quốc công bố, các lô này nằm sâu vào thềm lục địa của Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Petrovietnam đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí từ lâu nay.

Ông Đỗ Văn Hậu khẳng định: CNOOC đã thông báo chào thầu quốc tế tại 09 lô dầu khí nằm tr ong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Đây hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp. Đây là việc làm sai trái, không có giá trị, trái với Công ước Liên hợp quốc 1982 về Luật Biển và không phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia của Việt Nam, làm phức tạp thêm tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông. Tổng giám đốc Petrovietnam nhấn mạnh Petrovietnam cực lực phản đối và yêu cầu CNOOC hủy bỏ ngay hoạt động mời thầu sai trái trên, nghiêm túc tuân thủ thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Petrovietnam đề nghị các công ty dầu khí quốc tế không tham gia dự thầu 09 lô dầu khí mà CNOOC gọi thầu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Petrovietnam luôn coi tr ọng quan hệ hợp tác hữu nghị với Trung Quốc và coi trọng hợp tác hữu nghị với CNOOC. Trên thực tế, Petrovietnam và CNOOC đã ký và triển khai một số thỏa thuận hợp tác tr ong lĩnh vực dầu khí. Petrovietnam hoan nghênh CNOOC và các công ty dầu khí Trung Quốc tham gia hợp tác cùng Petrovietnam trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam như đối với các đối tác nước ngoài khác.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết Petrovietnam đã có giao thiệp gì với CNOOC về sự việc này, Tổng Giám đốc Đỗ Văn Hậu cho biết việc làm này của CNOOC không chỉ vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà còn vi phạm thoả thuận giữa CNOOC và PVN. Petrovietnam sẽ sớm có văn bản phản đối chính thức gửi tới lãnh đạo CNOOC về việc này.

Về câu hỏi liên quan đến hoạt động hợp tác giữa Petrovietnam và các đối tác tại 9 lô dầu khí này và các điều kiện mà các công ty nước ngoài hợp tác với PVN cần tuân thủ, Tổng Giám đốc Đỗ Văn Hậu cho biết hiện Tập đoàn đã có hợp tác với Công ty Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC) tại Lô 128; Tập đoàn Gazprom (Nga) tại các Lô từ 129 đến 133; Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) tại các Lô từ 156 đến 158 và Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP -đơn vị thành viên của Petrovietnam) tại các Lô 148, 149.

Ngoài các điều kiện đã được quy định trong Luật Đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam, các công ty nước ngoài hợp tác với Petrovietnam phải đảm bảo về kinh nghiệm và nguồn lực cho các hoạt động dầu khí, đặc biệt là phải tuyệt đối tôn trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; phù hợp với Luật pháp Việt Nam và Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về ảnh hưởng của hành động này của CNOOC đối với các hoạt động dầu khí của PVN và các đối tác, Tổng Giám đốc Đỗ Văn Hậu khẳng định khu vực 09 lô dầu khí mà CNOOC gọi thầu là khu vực hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Petrovietnam và các đối tác sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động dầu khí phù hợp với các hợp đồng dầu khí đã ký và luật pháp của Việt Nam và sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam bảo đảm cho các hoạt động này triển khai thuận lợi.

Ngày 26/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: "Trước hết cần khẳng định khu vực mà Tổng Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc thông báo mở thầu quốc tế nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp."

Ông Lương Thanh Nghị khẳng định, việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên, làm phức tạp tình hình và gây căng thẳng ở Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp, nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Học giả quốc tế khẳng định 9 lô dầu khí thuộc VN

Nhiều học giả quốc tế khẳng định rằng các lô dầu khí do CNOOC mời thầu đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Tại cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông ngày 27/6 tại thủ đô Washington, Mỹ, một số học giả quốc tế đã khẳng định các lô dầu khí mà Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu thăm dò - khai thác tại 9 lô trên Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Hành động này của Trung Quốc đã được ông Carlyle Thayer, giáo sư của Học viện Quốc phòng Australia, nêu ra trong phiên thảo luận về các diễn biến gần đây trên Biển Đông.


http://nghiadx.blogspot.com
Ông Carlyle Thayer, giáo sư của Học viện Quốc phòng Australia. Ảnh: Vietnam+.

Ông khẳng định rằng các lô dầu khí do CNOOC mời thầu đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN sau đó, ông Thayer cho rằng Trung Quốc đã trả đũa việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển bằng cách mời thầu thăm dò, khai thác tại các lô, "tất cả đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam." Ông cũng cho rằng đây là một hành động chính trị, nhiều hơn là một hành động có tính thương mại.

Cùng chung quan điểm, tiến sỹ Bonnie Glasser, chuyên gia về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ, cảnh báo rằng bất cứ công ty dầu khí nước ngoài nào có ý định tham gia thầu với Trung Quốc tại các lô nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam đều phải thấy mức độ rủi ro rất cao và phải "suy nghĩ hai lần" trước khi quyết định.

Trước đó, học giả Việt Nam, tiến sỹ Trần Trường Thủy, cũng đề cập đến diễn biến mới nhất này. Ông đưa ra bản đồ 9 lô trên Biển Đông mà Trung Quốc mời thầu, khẳng định các lô này đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và không phải là khu vực tranh chấp.

Nhận xét về Luật Biển mới được Quốc hội Việt Nam thông qua, giáo sư Thayer khẳng định đây là một "diễn biến rất tích cực" vì Việt Nam muốn và cần thiết phải khai thác biển của mình. Ông nói "đến năm 2025, một nửa GDP của Việt Nam là từ biển, vì vậy Việt Nam cần luật để điều chỉnh và xác định rõ ràng nhiệm vụ của các cấp, các ngành.

Trong buổi thảo luận về các diễn biến gần đây trên Biển Đông, các học giả Philippines và Trung Quốc tranh cãi khá gay gắt về vấn đề chủ quyền tại bãi Scarborough, nơi mới xảy ra căng thẳng giữa hai nước.

Cuộc hội thảo diễn ra trong hai ngày 27 và 28/6, do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tổ chức.

Các học giả từ nhiều nước, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ thảo luận ở nhiều chủ đề, từ các diễn biến gần đây trên Biển Đông, vấn đề Biển Đông trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc-ASEAN, luật pháp và tập quán quốc tế trong giải quyết tranh chấp...

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell tham dự và phát biểu.

Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

>> Quân cảng Cam Ranh, điều ít biết

Hơn 10 năm trước, ngày 4/5/2002, những người lính Nga cuối cùng đã bước chân lên tàu Xakhalin từ biệt căn cứ Cam Ranh, sau gần 25 năm có mặt tại nơi này.



>> Binh pháp Hải quân Việt Nam (Kỳ 1)


Cam Ranh đã được gửi lại cho Việt Nam, như một căn cứ nền tảng để trở nên hùng mạnh. Và dường như cho đến tận bây giờ, phần đông trong số chúng ta không thực sự biết gì nhiều về căn cứ ấy.

Ngày 23/4/2012, khi ba chiến hạm Mỹ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng để bắt đầu hoạt động giao lưu, trao đổi hải quân “phi tác chiến” với Việt Nam, một hãng thông tấn nước ngoài đã bình luận, nếu các chuyến ghé cảng này được nói một cách công khai, có một khía cạnh hợp tác Mỹ – Việt khác ít được loan báo: Đó là chiến hạm Mỹ đã được gửi đến sửa chữa, bảo trì tại các cảng Việt Nam.

Tàu Hải quân Mỹ đã có lần được gửi đến sửa chữa tại các xưởng đóng tàu Việt Nam. Gần đây nhất, vào năm 2012, chiếc USNS Rappahannock (T-AO-204) đã có chuyến đến bảo trì tại Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh.


http://nghiadx.blogspot.com
Cán bộ vùng 4 Hải quân chụp ảnh lưu niệm với sĩ quan thủy thủ tàu khu trục Hải quân Nga tại Cảng Cam Ranh (năm 1982).

Một thông tin thú vị trong không khí biến động thời cuộc không ngừng của Biển Đông, Cam Ranh đã âm thầm phát triển, trở thành một tổ hợp hải quân và không quân hùng mạnh, với các trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại có thể đánh trả mọi đe dọa chiến tranh với Việt Nam, như lời Trung tướng, Viện sĩ A.V Phêđôrôvích nhận xét.

Lời vị Trung tướng hoàn toàn có cơ sở, bởi ông là một trong số những người Xô Viết có mặt ở Việt Nam từ những năm 1980 và ông không xa lạ gì với căn cứ này.

Giới chuyên gia quân sự đã thừa nhận vị trí của Cam Ranh có tầm ảnh hưởng to lớn tới bản đồ địa – chiến lược toàn cầu, cho dù họ có đứng ở các chân trời quan điểm nào đi chăng nữa. Năm 1888, Hải hạm của Nga mang tên “Tráng sĩ” trong chuyến đi vòng quanh thế giới đã cập cảng Cam Ranh, sau đó, nơi đây đã trở thành quân cảng của các nước lớn thay nhau đồn trú trong vòng gần 100 năm trở lại đây. Trong cuộc chiến Nga – Nhật 1905, hơn 100 chiến thuyền thuộc Hạm đội Thái Bình Dương số 2 (Hạm đội Bantic khi làm nhiệm vụ ở Thái Bình Dương) của Hải quân Nga Hoàng đã từng tập trung tại Cam Ranh.

Năm 1935, thực dân Pháp bắt đầu cho xây dựng căn cứ hải quân tại Cam Ranh. Năm 1940, Cam Ranh rơi vào tay Nhật Bản, trở thành bàn đạp để Nhật Bản tiến đánh Malaysia và các quần đảo thuộc địa của Hà Lan (nay là Indonesia).

Ngày 18/10/1946, Cam Ranh là nơi diễn ra cuộc hội kiến giữa Hồ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cao ủy Pháp Dargenlieu. Cuộc gặp gỡ được tổ chức trên thiết giáp hạm Suffren, có các vị chỉ huy hải, lục, không quân Pháp và các nhà báo nước ngoài.

Trong bữa tiệc trên chiến hạm Suffren, khi DArgenlieu bóng gió nói: “Thưa ngài Chủ tịch, ngài thật đang bị đóng trong cái khung”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mỉm cười và trả lời: “Nhưng mà ngài Đô đốc biết đấy, chính bức tranh làm nên giá trị cái khung”. DArgenlieu lại nói: “Chủ tịch thật quen với biển cả, có lẽ xin tặng Người danh hiệu “Người thủy thủ nhỏ” như Quân đội Pháp đã quý mến tặng Napoleon cái tên “Người đội trưởng nhỏ!”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp lại: “Phải, người thủy thủ nhỏ của Hải quân Việt Nam”.

Từ năm 1965 đến 1972, Mỹ đã xây dựng Cam Ranh thành một căn cứ quân sự khổng lồ được coi là “bất khả xâm phạm” để làm cứ điểm tiếp liệu và khí tài quân sự cho chiến tranh, đồng thời khống chế hành lang phía tây Thái Bình Dương.

Vào năm 1969, Lyndon B. Jhonson đã đến thị sát căn cứ này, và đó là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ khi tới Việt Nam. Lúc đó, căn cứ không quân của Mỹ ở vịnh Cam Ranh rất lớn, gồm hai sân bay cho máy bay phản lực và một sân bay cho máy bay trực thăng, mỗi sân bay có sức chứa hơn 100 máy bay.

Người Mỹ còn tiến hành khoét núi Cam Ranh, xây dựng kho chứa máy bay trong lòng núi, nâng cấp đường băng lớn có thể cho máy bay ném bom chiến lược B-52 cất và hạ cánh. Vào lúc cao điểm, sân bay quân sự Cam Ranh có tần suất hạ cánh và cất cánh cao nhất thế giới.

Năm 1972, người Mỹ trao lại căn cứ này cho Quân đội Sài Gòn và 3 năm sau Quân đội Nhân dân Việt Nam đã giải phóng Cam Ranh. Khi tiếp quản, Cam Ranh đã bị phá hủy hoàn toàn các bến neo tàu, đường sá, sân bay, hệ thống đường dây tải điện cũng như các khu nhà ở.

Hải quân Liên Xô tại Cam Ranh 1982

Chuẩn đô đốc E.I Prokôpievich, người cuối cùng lên cầu tàu thủy Xakhalin-9 rời Việt Nam năm 2002 trong cương vị Chỉ huy trưởng Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật 922 của Cam Ranh nhận định, căn cứ quân sự trước đây của Mỹ trên bán đảo Cam Ranh – Khánh Hòa đã thu hút sự chú ý Liên Xô bằng chính vị trí địa lý của nó, xét về mọi phương diện thì hoàn toàn ưu việt cho việc triển khai một căn cứ hải quân.

Nó cho phép khống chế các eo biển Malaysia và Philippines, có thể tiến hành trinh sát điện tử Biển Đông, biển Philippines, Đông Hải, thậm chí tới tận khu vực vịnh Ba Tư hay vùng bắc Ấn Độ Dương.

Bán đảo Cam Ranh bọc trong mình hai vịnh Bình Ba và Cam Ranh, nơi không chịu ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết, có độ lớn và sâu để có thể neo đậu mọi loại chiến hạm và tàu hộ tống, kể cả tàu sân bay.

Từ những năm 1960 của thế kỷ trước, Hải quân Liên Xô đã vươn ra biển lớn, bắt đầu tiến hành trực ban chiến đấu trên các đại dương. Tàu chiến, tàu ngầm, máy bay hải quân được triển khai trên các đại dương nhằm mục đích bình ổn cục diện chung. Việc mở rộng quy mô cũng như vùng hoạt động của tàu thuyền và không quân trên biển yêu cầu phải có mạng lưới hậu cần kỹ thuật hải quân rộng khắp.

Vì không có căn cứ quân sự ở nước ngoài nên Liên Xô đã xây dựng trạm cung ứng vật tư kỹ thuật trên lãnh thổ các nước có quan hệ thân thiện, đương nhiên Cam Ranh là một điểm sáng tô son. Cuối năm 1978, nhóm sĩ quan đại diện cho các tổng cục của Bộ Tư lệnh Hải quân và của Hạm đội Thái Bình Dương đáp máy bay sang Việt Nam để ngày 30/12 đã thỏa thuận xong và ký biên bản ghi nhớ làm cơ sở đàm phán xây dựng và cùng khai thác Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật.

Ngày 2/5/1979, Chính phủ LB CHXHCN Xô Viết và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã ký hiệp định về việc sử dụng Cam Ranh làm Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật cho Hạm đội Thái Bình Dương của quân đội Liên Xô – trong 25 năm.

Ngay ngày hôm đó, thi hành lệnh của Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô và Chỉ thị số 13/1/0143 của Cục Tham mưu hạm đội Thái Bình Dương ngày 28/8/1980 đã thành lập Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật trên bán đảo Cam Ranh mang phiên hiệu đơn vị 31350.

Theo quy định trong Hiệp định, tại quân cảng Cam Ranh cùng lúc có thể tập trung từ 8-10 tàu chiến Liên Xô, 4-8 tàu ngầm có khu neo nổi và tối đa 6 tàu hộ tống. Tại sân bay cùng lúc có thể tiếp nhận từ 14-16 máy bay mang tên lửa, 6-9 máy bay trinh sát do thám và 2-3 máy bay vận tải. Tùy theo tình hình chiến sự cụ thể, số lượng máy bay và tàu chiến có thể tăng lên theo thỏa thuận giữa hai Bộ Quốc phòng Liên Xô và Việt Nam.

Tháng 5/1979, các tàu chiến Liên Xô bắt đầu đi vào hải phận Cam Ranh. Mùa Hè năm đó, tàu ngầm nguyên tử phóng ngư lôi K-45 đã neo đậu tại Cam Ranh, sau đó ít lâu, các máy bay hải quân của hạm đội Thái Bình Dương bắt đầu hạ cánh.

Tháng 12/1979, Tổng tư lệnh Hải quân Liên Xô, Đô đốc X. Gorskốp tới Cam Ranh và ông đã dành hẳn một ngày để quan sát vịnh biển này, giống y như cách Tổng thống Mỹ Johnson đã tới để ngắm nhìn địa thế “sông núi nước Nam” 10 năm về trước.

Phân đội đầu tiên của Hạm đội Thái Bình Dương gồm 54 người đến đây tháng 4/1980 và tháng 8 năm đó quân số được bổ sung thêm 24 người thuộc bộ phận thông tin liên lạc.


http://nghiadx.blogspot.com
Hải quân Liên Xô tại Cam Ranh 1982

Bộ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và Chính phủ Liên Xô đã giao cho Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật 922 nhiệm vụ làm giảm nhẹ đáng kể áp lực cho Hạm đội Thái Bình Dương nói riêng và toàn bộ Hải quân Liên Xô nói chung trong việc cung cấp những dự trữ cần thiết cho các chiến hạm và tàu hộ tống đang làm nhiệm vụ tại Biển Đông trong tình hình chiến sự lúc đó của khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Và Cam Ranh trở thành căn cứ hải quân lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài, căn cứ duy nhất bên bờ Biển Đông, nơi cách cảng gần nhất của Nga 2.500 hải lý.

Từ mùa Thu năm 1983 đến tháng 8/1991, hải đoàn cơ động số 17 triển khai tại Cam Ranh, từ tháng 8/1991 đến tháng 12/1991 được thay thế bằng hải đoàn cơ động số 8 và sau đó là hải đội tàu hỗn hợp 119.

Thời điểm năm 1986, trên sân bay triển khai trung đoàn không quân hỗn hợp độc lập gồm 4 máy bay Tu-95, 4 chiếc Tu-142, phi đoàn máy bay Tu-16 khoảng 20 chiếc các loại, phi đoàn MiG-25 khoảng 15 chiếc, hai máy bay vận tải An-24 và 3 máy bay lên thẳng Mi-8. Ngoài ra trung đoàn còn quản lý và chỉ huy căn cứ chống tàu ngầm, tiểu đoàn tên lửa và tiểu đoàn kỹ thuật.

Tháng 2/1984, theo đề nghị của phía Việt Nam, Chính phủ Liên Xô quyết định khôi phục và xây dựng thêm một loạt công trình tại căn cứ Cam Ranh. Việc xây dựng Cam Ranh bước sang một giai đoạn mới, chuyển từ hình thức tự hạch toán kinh tế sang hình thức đấu thầu khoán gọn, bắt đầu giai đoạn xây dựng kiên cố thay cho các kết cấu lắp ghép tạm thời. N.M Zariphôvich – Phó tổng giám đốc Công ty Xây lắp Liên Xô tại Việt Nam giai đoạn 1987-1989 đã kể lại trong cuốn “Liên Xô – một từ không bao giờ quên” (Nguyễn Đình Long dịch) rằng, Cục kỹ thuật xây dựng nước ngoài thuộc Bộ Quốc phòng Liên Xô, đơn vị có nhiều kinh nghiệm xây dựng các công trình ở hơn 60 nước trên thế giới đảm nhiệm việc lựa chọn và đưa chuyên gia đến Cam Ranh. Họ là những chuyên gia tài năng của các đơn vị trong và ngoài quân đội được các tổ chức Đảng, Đoàn giới thiệu, được chở sang bằng đường hàng không qua Moscow hay Vladivostock theo hành trình Moscow – Tasken – Karachi (đôi khi là Bombay) – Kancútta – Hà Nội – Cam Ranh.


Dựng tượng lên bệ ngày 12/11/2009

Trên cơ sở Hiệp định ký giữa Liên Xô và Việt Nam ngày 20/4/1984, hai bên đã ký hợp đồng xây dựng cụm đài radar số ba, là công trình viện trợ không hoàn lại. Tính chung từ năm 1984 đến năm 1987, Tổng Công ty Xây lắp Liên Xô do E.X Bôprênhép làm Tổng giám đốc đã xây dựng tổng cộng 28 nhà ở và công trình chuyên dụng các loại. Lúc đó tổng số người Liên Xô sống trong khu quân sự là 6.000 người, kể cả công nhân xây dựng.

Theo thỏa thuận trong mục 71 của Hiệp định ký ngày 20/4/1984, các công trình xây dựng xong sẽ bàn giao cho phía Việt Nam sử dụng. Các hạng mục đầu tiên được xây dựng xong từ tháng 12/1987, sau đó các chuyên gia Liên Xô bắt đầu sử dụng theo hình thức thuê miễn phí.

Có thể thấy rằng, về cơ bản, các công trình được Liên Xô – Nga xây dựng ở Cam Ranh bao gồm: Khu nhà ở của Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật, trong đó có chỉ huy sở đơn vị 31350 và doanh trại cho quân số biên chế của đơn vị, nhà ăn 250 chỗ, lò bánh mỳ, tổ hợp tắm hơi – giặt là, CLB, trường phổ thông số 183, 18 tòa nhà ở, kho tổng hợp lưu giữ và cấp phát vật tư, đội xe (gồm cả xe chuyên dụng); Vùng bến nhỏ; Bể chứa ngầm thể tích 14.000m3 dùng để chứa nhiên liệu; hai hầm lạnh dung tích 270 tấn dùng để chứa thực phẩm lưu trữ; 12 kho khung sắt dùng để chứa các loại vật tư khác nhau; Hai bể lọc giếng khoan, một dùng cho sinh hoạt, một dùng cho chiến hạm và các tàu hộ tống; Trạm phát điện trung tâm công suất 24.000kW cấp điện cho tất cả các công trình thuộc khu quân sự và của Việt Nam trên bán đảo…

Khi từ biệt Cam Ranh, người Nga đã chở đi 588 người, 819 tấn hàng trong đó có 50 chiếc ôtô và xe chuyên dụng, 190 tấn dầu diezel, 133 tấn dầu mỡ các loại, vũ khí đạn dược cũng như tài liệu lưu trữ và tài liệu mật, bằng cả đường hàng không và đường biển. Đồng thời, người Nga bàn giao cho phía Việt Nam 57 tòa nhà và công trình thuộc căn cứ, 85km đường dây tải điện lưới, 62km đường điện cáp, 25km công trình ngầm, 250m cầu cảng, sân bay và hệ thống quản lý kho.

Những người Nga đã sống và làm việc như thế tại Cam Ranh. U.X Ivanôvích, Đại tá quân dự bị, cựu binh Cam Ranh kể lại rằng, cho đến tận năm 1992, khi Liên Xô tan rã, thủ tục ra vào khu quân sự vẫn do phía Việt Nam quy định.

Theo thỏa thuận, mỗi tháng chỉ cho phép 4 chuyến xe đi ra ngoài theo kế hoạch định trước với số lượng người hạn chế, chủ yếu là dành cho thủy thủ Hạm đội Thái Bình Dương. Còn đối với số nhân viên kỹ thuật của Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật thì do “nhiều yếu tố” nên ra “vùng tự do” là vi phạm luật. Những người lính Nga đã ra đi, nhưng những hình ảnh của họ còn đọng lại mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.

Năm 2007, Hội đồng Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã quyết định xây dựng tượng đài những người lính Nga ở Cam Ranh và đó là tượng đài của tình hữu nghị Việt – Nga.

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

>> Tàu đã về



Hải quân Việt Nam đã chính thức tiếp nhận chiến hạm hiện đại nhất của mình - frigate tàng hình lớp 11661E Gepard-3.9.



Tàu chiến Đinh Tiên Hoàng lớp Projekt 11661E Gepard-3.9 tại cảng nhà

Ngày 5.3.2011, tại quân cảng Cam Ranh đã diễn ra lễ thượng kỳ trọng thể quốc kỳ Việt Nam trên frigate Đinh Tiên Hoàng lớp Projekt 11661E Gepard-3.9 mang tên.

Chiến hạm hiện đại này do Nhà máy đóng tàu mang tên A.M. Gorky ở Zelenodolsk, Tatarstan, Liên bang Nga đóng.


Các quan chức Việt Nam và Nga tại lễ giao nhận tàu

Các tướng lĩnh lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam, các quan chức hãng Rosoboronoexport, Nhà máy đóng tàu A.M. Gorky (Liên bang Nga) và các đại diện tất cả các quân-binh chủng của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có mặt tại buổi lễ. Tư lệnh Hải quân Việt Nam đã phát biểu đánh giá cao chiến hạm mới.

Việt Nam và Nga đã ký hợp đồng trị giá 350 triệu USD đóng 2 chiến hạm lớp Gepard-3.9 do Viện thiết kế ZPKB ở Zelenodolsk thiết kế cho Hải quân Việt Nam vào tháng 12.2006.

Gepard-3.9 ở Kronshtadt Tàu thứ nhất khởi đóng ngày 10.7.2007, tàu thứ hai - ngày 28.11.2007. Hai tàu lên đường đi Kronshtadt để thử nghiệm và bàn giao vào tháng 7 và 8.2010. Tàu Gepard-3.9 thứ hai đang được thử nghiệm ở biển Baltic.

Trước đó, Giám đốc Công ty “Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk mang tên A.M. Gorky” Renat Mistakhov cho biết, chiến hạm Gepard-3.9 đầu tiên trong 2 chiếc mà công ty đóng cho Hải quân Việt Nam sẽ về tới vào ngày 19.2.2010. Theo ông Mistakhov, Gepard-3.9 đã thể hiện tính năng chiến-kỹ thuật cao trong quá trình thử nghiệm trên biển Baltic.

Nhiều khả năng, chiến hạm Đinh Tiên Hoàng sẽ là kỳ hạm mới của Hải quân Nhân dân Việt Nam.





Frigate tàng hình Gepard-3.9 dùng để thực hiện nhiệm vụ truy tìm, theo dõi và tác chiến chống tàu nổi, tàu ngầm và mục tiêu bay, hộ tống và tuần tra, cảnh giới, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải. Tàu có lượng giãn nước đầy đủ gần 2.100 tấn, tầm hoạt động gần 5.000 hải lý.


Gepard-3.9 thử nghiệm trên biển Baltic

Nhờ cải tiến và hoàn thiện các tính năng của động cơ diesel, tàu có tốc độ cao hơn tốc độ thiết kế (21 hải lý/h thay vì 18 hải lý/h). Động cơ diesel của tàu sử dụng sẽ tiết kiệm hơn so với động cơ turbine khí.





(vietnamdefence news)

Copyright 2012 Tin Tức Quân Sự - Blog tin tức Quân Sự Việt Nam
 
Lên đầu trang
Xuống cuối trang